Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chú Sơn Vạc
Chú Sơn Vạc

Những năm còn công tác, nhìn mấy người ngồi câu cá ven đường, bờ ruộng trời nắng chang chang như đổ lửa, có hôm lại dở mưa dở nắng ông Tâm thấy họ vô công rồi nghề, nhếch nhác và tội nghiệp. Sáng nay lúc ngồi uống nước chờ bạn đến chơi cờ tướng, nghe mấy anh kể chuyện câu cá chép, cá rô phi, cá trắm ông Tâm lại thấy vui vui muốn đi câu thử xem sao. Buổi chiều ông đi tìm mua cần, mua lưỡi câu, làm mồi cơm mồi cám, đào giun, mắc câu. Đầu tháng bảy trời vẫn nắng gắt, thỉnh thoảng có những đám mây lởn vởn trên bầu trời, ông Tâm cùng với ông bạn câu lệch xệch lên đường.
Sau mấy ngày “tháng 5 tháng 6 đầu ráo áo ướt” lúa bắt đầu đẻ nhánh, cá thi nhau sinh sản đồng mầu có, đồng chiêm có, đồng biển cũng khá nhiều nhưng nhiều nhất là cá rô phi. Những năm gần đây người ta thấy trong sông trên đồng bắt đầu có nhiều cá tôm như hồi ông cánh Tâm tóc còn để chỏm. Ngồi trên chiếc xe đạp điện đi hơn ba cây số đến cánh đồng lúa của Nga Thiện sau làng, ông Tâm cùng với mấy anh bạn câu hạ đồ đoàn. Thời niên thiếu của ông Tâm quá ngắn ngủi vì bố mẹ ông mất sớm, không được như bọn trẻ trong xóm nhưng ông cũng được đánh chài, chơi u, đánh đáo, đánh rong róc, câu cá chuối, cá rô. Ông còn nhớ như in hồi ấy về mùa mưa, cánh trẻ các ông chỉ đeo trên mình có cái quần đùi, người đen nhẻm hầu như suốt ngày lóc thóc dưới đồng, có không ít hôm chị ông được đi chợ bán cá. Sau gần bốn chục năm trời đi công tác cho nhà nước, hôm nay ông lại được hưởng cái thú của người đi câu, đúng là “một già một trẻ bằng nhau”. Mới đầu được câu lại nên cái gì ông cũng ngượng nghịu, thế mà sau một lúc bỏ mồi ông đã thấy cái phao động đậy, di động và chìm xuống. Ông Tâm giật thật mạnh một con cá rô, hai con cá rô lên bờ.
Tháng trước người ta cấy chạy nước, còn dạo này cánh ông Tâm đi câu sớm để chạy nắng. “Tháng bảy nắng cháy trái trám, tháng tám nắng rám trái bưởi”. Ông Tâm đi từ sáu giờ sáng trời đã bắt đầu oi bức, có lẽ oi bức để giông mưa. Cánh đồng chiêm của xã Nga Thiện rộng hàng trăm héc ta, phía đông là làng, còn phía tây là con sông Hoạt. Càng đi vào cánh đồng để khám phá mới thấy ở đây có nhiều bãi câu hấp dẫn nhưng những con đường quá gập ghềnh và lầy lội. Một buổi chiều ông Tâm ngồi câu, ông cứ câu như vậy để thả tâm hồn theo cái phao nổi trên mặt nước, cá lôi thì giật và sướng nhất cá lên to. Ngồi giữa cánh đồng tĩnh lặng, bỗng có một thanh niên da ngăm đen bước lại gần và hỏi: 
- Hôm nay cá ăn nhiều không bác! Bác câu bằng mồi gì, sáng qua cháu câu ở đây cũng được vài cân.
- Hôm nay sao ấy, thỉnh thoảng mới thấy có con nho nhỏ đến thăm mồi. Tôi câu bằng mồi cám và mồi giun. Ông Tâm trả lời người thanh niên.
- Câu bằng tép được hơn, lúc nào bác đến ao nhà cháu mà câu. Cá to lắm, có ối con bằng bàn tay, cháu đun tép cho bác câu. Người thanh niên thân thiện và sôi nổi.
Thấy người mới đến nói vậy, ông Tâm gác hai cái cần câu lên bờ vẫn để phao nổi trên mặt nước, ông đứng lên nhưng vẫn canh chừng mồi câu. 
- Nhà chú ở đâu? Ông Tâm hỏi.
- Nhà cháu ở chỗ kia kìa! Anh thanh niên chỉ tay về phía bụi cây có mấy mái nhà lúp xúp giữa cánh đồng lúa.
Ông Tâm ngó nghiêng một lúc rồi hỏi lại. Cái nhà nào, nhà nào? Tên chú là gì? Cho bác xin số điện thoại.
Tên cháu là Sơn, Sơn Vạc. Bác cứ hỏi nhà Sơn Vạc chỗ nào họ chỉ cho.
Ông Tâm vẫn tò mò và hỏi lại. 
- Sao lại là Sơn Vạc? 
- Nhà cháu đánh vạc, nuôi vạc. Bác cứ đến sẽ biết. 
Thực ra tuổi ông Tâm năm nay mới gần sáu mươi, còn người thanh niên kia tên Sơn, trẻ thì trẻ nhưng đã hơn bốn mươi tuổi còn gì ,nhưng khiêm tốn nên nó gọi bác xưng cháu. 
Thấy Sơn nhiệt tình và thân thiện, ông Tâm định bụng hôm sau sẽ đến nhà Sơn câu cá. Đi lại trên đường đồng ở đây thực sự khó khăn, nhiều xã trong huyện đã bê tông hóa đường ra đồng, cả đồng chiêm và đồng dọc mặt đường, bê tông rộng tới vài ba mét. Điển hình như xã Nga An, xã điểm nông thôn mới của tỉnh đã có hơn chục ki lô mét đường ra đồng. Nga Thiện là một xã đồng chiêm trũng, cánh đồng này rộng ba bốn cây số vuông, chỉ cần một trận mưa là đường trơn như đổ mỡ. Trong khi trang trại tổng hợp và gia trại ở đây phát triển khá sớm, đã hơn chục năm rồi. Lúc đó người đi làm trang trại chẳng khác gì đi “đánh bạc với trời”. Họ hầu hết là những cựu chiến binh, những nông dân nghèo nhất quyết ra những mảnh đất xấu đất xa làm kinh tế, một năm chỉ cấy được một hoặc hai vụ lúa không ăn chắc.
Tối qua trời đổ một cơn mưa rào ngọt. Sáng nay trời nắng gắt, hình như nắng như vậy để rồi lại mưa, ông Tâm bận đồ câu đi nhà Sơn Vạc. Nhà ông ở thị trấn huyện cách cánh đồng có làng trang trại Nga Thiện bốn cây số. Xe xuống ổ gà ổ trâu, xe nhảy lên những cục đất bằng quả bưởi. Ngót sáu chục tuổi đầu nhưng ông Tâm vẫn hăng như thanh niên, nhất là đối với chuyện đi câu cá. Câu để khám phá cánh đồng này, mương nọ, đầm kia có thể nhiều cá. Năm lần bảy lượt đều cho chiếc xe đạp điện không có giảm xóc chạy ra giữa đường nhưng sao nó vẫn không theo ý muốn. Bỗng ùm! Cả xe và người ông Tâm lao xuống một rãnh nước, không sâu lắm nhưng do lúng túng nên cái xe nặng đè lên người. Ông Tâm lấy hết sức bình sinh để nâng chiếc xe lên, nó nặng vì đựng đến bốn cái ắc quy to. Dở quá, tai nạn một mình giữa cánh đồng, ông Tâm lẩm bẩm. Đang gượng đứng dậy thì có một người đi làm đồng đến kéo ông lên bờ. Người và xe lấm lem bùn đất, ông Tâm đầm mình dưới ao sâu để rửa gột, chợt ông nhớ ra cái điện thoại trong túi quần và cả chiếc xe đạp điện bị ngập dưới nước không kịp tháo pin nên đã bị chập và hỏng hẳn.
Mấy hôm liền trời mưa, hôm nay nữa trời vừa tạnh ráo, nhớ lời mời của Sơn Vạc, ông Tâm lại bận đồ câu lên đường. Xuống đến cánh đồng, ông nhằm thẳng hướng lùm cây có mấy mái nhà lúp xúp, hỏi thăm mấy người lòng vòng những con đường còn trơn trượt và dính bùn đất. Mấy lần nản chí ông định thôi, trật trẹo mãi nửa giờ sau ông cũng đến được nhà Sơn Vạc. Đến cái lều coi cá, coi vịt thì đúng hơn chứ nhìn đi nhìn lại ông thấy nhà có ra nhà đâu, tường và mái ngói quá đơn sơ, chỉ một cơn bão nhẹ có thể thổi bay, trong khi cả gia đình vợ chồng con cái họ quanh năm ăn ở.
Thấy ông Tâm đến trang trại của mình Sơn mừng ra mặt. 
- Sao cháu điện cho bác mãi không được. Điện thoại bác để đâu? Vừa nói Sơn với cái te đun tép nhảy ùm xuống ao đi một vòng, loáng cái Sơn mang lên nửa bò tép tươi. Rồi nó dạy tôi cách mắc mồi, nó mắc không phải mắc từ đầu xuống mà mắc ngược từ dưới đuôi tép lên, đổ một ít cám gạo xuống ao rồi cùng ngồi câu với ông Tâm. 
Đấy! đấy!
Sơn giật lên một con cá rô phi chừng dăm sáu lạng, một con nữa và một con nữa. Cứ mỗi lần Sơn câu được cá nó nói: Bác đưa giỏ đây, đưa giỏ đây.
Thú thực, vào nghề câu vài tháng nay, hôm nay ông Tâm mới được nhiều cá rô phi và cá to đến thế. Nếu bán chẳng được mấy đồng tiền, nhưng mang cá về ông Tâm vui như được một cái gì lớn lắm.
Mấy hôm sau trời vẫn dở mưa dở nắng, mới hơn sáu giờ sáng ông Tâm lại bận đồ câu xuống với Sơn Vạc. Ông đi sớm để tránh nắng, biết là đi trên các con đường đồng của Nga Thiện thật là gập gềnh gian nan nhưng cái trang trại giữa đồng kia hấp dẫn ông đến vậy. Đến nhà Sơn dăm bảy người đang ngồi trong sân, họ đến để hút bùn dọn ao cho chủ nhà, một người nhanh nhảu:
- Đường của làng trang trại ở đây “quý” người lắm bác câu ạ. 
Ông Tâm chào họ rồi xin được ra ao câu cá, nhưng trong số họ có mấy người biết ông tháng trước còn làm ở một cơ quan thông tin đại chúng của huyện nên rối rít mời ông ngồi xuống và trò chuyện. 
Ông Tâm hỏi như phóng viên:
- Nửa héc ta ao ở đây trừ chi phí một năm có thể được một trăm triệu đồng không các bác? ở đây nhà nào cũng có vài ba cái ao, chúng tôi có được dù một cái thôi cũng đã sướng lắm rồi, thỉnh thoảng bỏ cái cần câu xuống thư giãn và bắt cá chơi. 
Cầm tách trà nước nóng trên tay, một người lớn tuổi trong số họ nhanh nhảu:
- Làm tốt cũng có thể được bác ạ. Nếu có nguồn vốn tương đối, có con giống cá, vịt, lợn, bò đảm bảo, chuyên cần và không bị lụt lội lớn. Từ đây vào làng chỉ hơn cây số nhưng đường sá khó đi nên đi lại vận chuyển vật liệu máy móc ra đây làm nhà, đào ao sinh sống không đơn giản chút nào, nhưng sợ nhất là mùa mưa bão. Lúa thì nhất nước nhì phân, còn nuôi con cá vẫn là khâu chăm sóc thức ăn, nước và phòng bệnh phòng dịch. ở đây đang có tình trạng khi thì quá nhiều nước, lúc lại thiếu nước, mương nước dẫn vào các ao chưa đâu vào đâu, có thể cả thuốc sâu, mầm bệnh dịch. 
Nghe mấy người nói vậy ông Tâm đứng lên nhìn mấy chiếc ao, đúng là bờ chưa đâu vào đâu, hệ thống mương dẫn nước cũng chưa đảm bảo nên mấy gia đình đang đổi công hút cạn, vét sâu, đắp bờ chuẩn bị mùa cá tới. Một thanh niên có vẻ am hiểu thời sự, kênh kiệu.
- Xây dựng nông thôn mới ở đâu chứ ở xã này còn ì ạch lắm ông ạ! Chúng tôi dành dụm tiền của, công sức để ra đây làm nhà ở, đào ao xây chuồng lợn, chuồng vịt mong muốn để thoát nghèo nhưng mười mấy năm rồi mới được chừng này đây. Có ao nhưng chưa ra ao, mưa xuống là sợ mất hết cá, công toi. Đường điện ba pha kia tiền mấy trăm triệu là của hơn chục gia đình chúng tôi bỏ ra. Hầu hết những đoạn đường, con mương này là do công sức tiền của chúng tôi, nhà ở của bọn tôi còn chưa bằng cái chuồng vịt, có đúng không các bác. Một lực điền quay sang mọi người cao giọng.
Để mấy chục trang trại, gia trại giữa đồng không mông quạnh này phát triển được trước hết phải có đường, không bê tông thì cũng phải cứng hóa. Chúng tôi cần mương nước sạch để tháo vào tháo ra các ao, cần được dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm nuôi. Kinh phí trên hỗ trợ ra sao chứ, chỉ một phần thôi là được, xã này thu ở đâu ra, không có tiền mà việc gì cũng muốn làm. 
Tai vẫn nghe mấy người tranh luận, ông Tâm liếc nhìn sang mấy trống cá vừa mới bắt để vét ao có con trắm nặng gần chục kí. Chép, mè, trê lai hai ba kí, rô phi đơn tính thả chưa đầy một năm mà nặng bình bịch mỗi con hơn một kí được hàng tạ. Trong khi can thiệp của cám công nghiệp là rất ít, chỉ có lá chuối tươi, cỏ tươi trồng hàng sào của nhà trồng được và lúa hạt ủ mọc thành mầm. 
Ông Tâm thấy những lời tâm sự và tranh luận của họ cũng có lý, bất giác ông nghĩ đến tương lai tươi sáng của một vùng kinh tế trang trại và gia trại giữa đồng chiêm. 
Mặt trời đã thấp thoáng đầu ngọn tre. Rồi ông xin ra ao câu cá.
Ngồi hơn tiếng đồng hồ chẳng được con cá nào, một người miệng nói tay mắc vó. Chúng tôi kéo cho anh mấy con cá nhé. 
Ông Tâm nhìn lên thì thấy Sơn đang đi mắc vó thật, ông Tâm dãy lên như đỉa phải vôi.
- Không! Không. Chúng tôi đi câu là để thư giãn và thử sức chứ, nếu các anh đi kéo vó cho tôi thì còn ra gì? Không đâu nhé.
Hôm nay ông Tâm ôm cần tựa gối mấy tiếng đồng hồ chẳng thấy cá nào đến động đậy và kéo mồi, nhưng ông nghĩ: Kiên nhẫn và không nôn nóng là bản lĩnh của người đi câu. Hơn chục con vạc của nhà Sơn đứng chòng chòng, không biết chúng thức hay ngủ ở giữa một cái ao bên cạnh, chỉ cách chỗ ông ngồi mấy chục mét. Cho cánh vạc kia ăn bằng cách nào. Ông Tâm tò mò hỏi.
Sơn vội vàng giải thích:
- Vó cá trống kia là cháu đi kiếm về. Con nào to cháu phải cắt nhỏ ra quăng xuống, chúng bị buộc chân, dây chỉ dài vài ba mét nhưng cũng đủ để chúng bay đến ăn hết và ngon lành, mưa rét chúng cũng phải chịu vậy.
Mặt trời gần lên đỉnh đầu, ông Tâm định thu dọn đồ câu lên xe đi vài ba cây số là về nhà để cơm dấm, nghỉ ngơi. Đột nhiên, ông nhìn xuống mặt nước không thấy cái phao đâu nữa, theo phản xạ của người đi câu, ông giật mạnh thì thấy cái gì nhằng ngằng ở dưới nước. Hôm nay không phải cá rô phi như mọi ngày, to lắm là dăm sáu lạng mà giờ rõ ràng là một con cá trắm đến hơn hai kí. Ông Tâm định thả con cá xuống ao, nhưng Sơn và mấy người vội chạy đến bảo: Bác bắt lấy! Bác bắt lấy về mà nấu om chua, ngon lắm mà.
Ông Tâm lắc đầu quầy quậy: “Tôi không lấy, không lấy đâu”. Nhưng nhoằng cái Sơn đã bỏ gọn con cá vào giỏ ông Tâm và nói: “Bác thả cái giỏ cá xuống ao cho con cá nó sống rồi vào mời cơm với nhà cháu đã, chiều về”. Chối mãi không được, bất đắc dĩ ông Tâm phải nhận lấy con cá rồi lên xe lộc cộc về nhà. 
Dọc đường về thị trấn huyện, đầu óc ông Tâm cứ hiện lên người nông dân ở trang trại đồng chiêm và những con vạc.

Tháng 10-2014 - N.B.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 71
 Hôm nay: 342
 Tổng số truy cập: 13624094
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa