Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bay qua tiếng chó khóc
Bay qua tiếng chó khóc

Truyện ngắn dự thi

Sút! Nhanh lên! Vô… vô lưới rồi… Nhiều tiếng hoan hô tán thưởng cho đội bóng mình yêu quý đã chiến thắng. Đâu đó cũng có tiếng chửi thề, đập bàn vì đã thua cá độ bóng đá. Quán cà phê lao nhao. Gạo lại thất thểu ra về. Gạo không biết đi đâu bây giờ. Về nhà trọ thì bà chủ trọ léo nhéo tiền trọ. Ra tiệm sửa xe thì ông chủ cằn nhằn chuyện công nhật chậm trễ. Đi lang thang ngoài đường không may lại gặp chủ nợ. Nếu về nhà thì sợ gặp bà già nhằng nhì. 
Gạo dắt chiếc xe máy cà tàng ra chạy đi trong lúc chạng vạng. Xe máy cứ bon bon trên lộ nhựa rồi qua khỏi thị xã hồi nào không biết. Trong vòng ba mươi phút, Gạo đã rời khỏi chốn ồn ào náo nhiệt, một vùng trời quê hiện ra với màu xanh trải dài của những thảm lúa nhấp nhô như sóng theo gió gợn. Ai đi xa về cũng mong mau đến nhà, nhưng sao lúc này Gạo cứ chần chừ, cứ muốn trở xe quay về phố. Từ xa, Gạo đã thấy cây bàng già tán rộng xòe mát cả một khoảnh sân, Xóm Rẫy đã hiện ra. Những cành lá bàng xanh kia cứ vươn ra như đang vẫy chào, đón đợi ai đó. Cạnh bên cây bàng là mái nhà nhỏ, nói đúng hơn đó là cái quán cóc ven đường. Gạo biết rành lắm, vì đến quán đó uống rượu không bị nhức đầu, bởi rượu không có pha cồn. Nhà của Gạo ở gần đó. Gạo biết mẹ vẫn một mình ở nhà ngày ngày mong con làm ăn khấm khá, nên người. Đã mấy lần Gạo định về thăm mẹ, nhưng lại phân vân.   
Cũng mới đây thôi, Gạo về thăm mẹ trong một đêm không trăng sao. Gạo gõ cửa, khẽ gọi mẹ. Xóm Rẫy đang yên ắng bỗng bật lên tiếng khàn khàn: “Thằng Gạo hả? Sao không đi luôn đi, đồ khốn. Lêu lổng cho đã, sạch tiền trong túi mới vác cái mặt về. Gạo ơi là Gạo… sao mày cứ là lúa lép không vậy. Trời ơi là trời, con với cái nè… khổ thân tui chưa”. 
Những lời đó có lẽ ông trời ở xa nên không nghe thấy. Gạo ở gần nên nghe như nuốt lấy từng lời. Gạo biết mà, mẹ còn giận nhiều lắm. Gạo có muốn nói gì đi nữa cũng bằng thừa thôi. Không muốn mẹ bị mất ngủ, có khi giận quá lại bị tăng huyết áp, Gạo buông tiếng nhỏ: “Mẹ, con đi!”. 
Nói là vậy nhưng Gạo lại chui vô đống rơm gần đó. Nghĩ lại, Gạo thấy cũng hơi lạ cho mình. Gạo sinh ra ở Xóm Rẫy mà đến giờ này cũng không biết cầm cái cuốc, cái leng sao nữa. Ngay cả cái đống rơm người ta chất ở đây để làm gì, Gạo cũng không biết. Gạo chỉ biết những cọng rơm vàng óng gầy gầy kia xon xót trên người nhưng lại rất ấm. Rồi Gạo mơ màng nghĩ, giá như ngày trước cha đừng ngã bệnh nặng, mất sớm; giá như ngày trước mẹ đừng bán hết rẫy; giá như ngày đó mẹ không đi làm ô-sin thì sẽ không bỏ rơi Gạo ngay trước cổng Trung tâm bảo trợ trẻ em. Gạo biết, mẹ làm vậy chỉ là bất đắc dĩ thôi. Sau đó mẹ cũng rước Gạo về. Mẹ đẩy xe bán nước đậu nành, uống nóng hoặc uống lạnh tùy theo ý khách hàng. Dạo đó Gạo học một buổi, khoảng thời gian còn lại Gạo ở nhà một mình. 
Có lẽ vì buồn, Gạo lại thơ thẩn đến Trung tâm bảo trợ trẻ em. Mẹ lại phải đón Gạo về nhà lần thứ hai. Cũng may, bà chủ cũ của mẹ tốt bụng lại tiếp tục nhận mẹ Gạo đến giúp việc. Gạo cũng được ở đó. Rồi Gạo đi học nghề sửa xe máy. Vậy nhưng, đến giờ này Gạo cứ bị ám ảnh bởi câu nói của mẹ: “Tao không cần mày trả hiếu, chỉ thấy mày sống tốt là thân già này vui rồi”. 
*
Mặc cho mẹ có mắng, lần này Gạo nhất quyết rồi, phải về nhà. Phải quay về với mẹ. Gạo biết, thật ra mẹ không ghét bỏ gì con cái, chỉ là lúc nóng giận thì chửi bới cho hả cơn bực thôi. Nếu mọi người không tin, xin cứ đi hỏi mẹ của Gạo, việc ai đã đem mền ra đắp cho Gạo hôm ngủ ở đống rơm thì sẽ biết. 
Gạo về. Gương mặt của mẹ chẳng có gì thay đổi. Suốt ba hôm mà hai mẹ con nói chuyện với nhau không quá mười câu. Gạo buồn, lầm lì, gần như bỏ nước, bỏ cơm, cứ nằm ì trong nhà. 
Sau này, mẹ chỉ làm công theo giờ. Xong việc, mẹ tranh thủ đẩy xe ra bán nước đậu nành ở chợ. Chiều chiều lại bán rượu đế với mấy con khô cá đuối, cá khoai cho có chuyện để làm. Mà cũng kiếm thêm thu nhập để lo chuyện cơm gạo hàng ngày. Mối quen của quán này có mấy ông bạn rượu, mỗi chiều hay tụ tập nói chuyện phiếm. Họ nói, có lẽ trên phố thằng Gạo đang bị “truy sát”, cùng đường mới chịu ẩn thân ở cái “phàm nhơn cốc” này. Thằng Gạo nghe mà giật mình: “Sao mấy người biết?”. Mẹ của Gạo đang ngồi nướng mấy con khô cá khoai chợt chen vô: “Bộ con tưởng chuyện gì con làm ở đây mấy thân già này không ai biết à? Lầm, lầm to rồi ông tướng”. Gạo im lặng, úp mặt vô vách lá, tay khều khều mấy cọng lá bị rách tươm qua bao mùa mưa nắng chưa kịp thay lá mới. Trong lớp lá mục ấy có hai cái trứng thằn lằn lòi ra. Gạo sợ vỡ trứng, lại đưa nó vô sâu trong nách lá. Đêm đó, cả hai mẹ con trằn trọc tới gà gáy lần thứ hai. 
Cũng vì Gạo mê coi đá bóng, mới đầu cũng cá độ chỉ là cà phê thuốc hút, rồi bia bọt, lâu dần lún sâu vô tiền bạc. Gạo lỡ vay tiền của mấy tay giang hồ lẻ để cá độ đá bóng. Gạo thua độ, chủ nợ đang siết tiền vay. Người ta còn hăm dọa sẽ lấy bàn tay của Gạo, nếu Gạo không chịu trả tiền. Mẹ của Gạo đã gom hết những gì đã từng chắt mót, nhưng có lẽ còn thiếu chút đỉnh. Mẹ đưa hết tiền cho Gạo để con còn bàn tay lành lặn mà trở về nhà. Gạo nhận tiền từ mẹ mà hai bàn tay run run, miệng lắp bắp không nói được lời nào. Gạo thề với lòng trước ngọn đèn, chỉ một lần này rồi thôi, dứt khoát không tái diễn cảnh cờ bạc, vay nợ nữa, phải quyết chí làm ăn. 
Việc đó Gạo có làm được hay không thì ai mà biết. Mẹ của Gạo chỉ biết có một đứa con hư mà không đành lòng dứt bỏ. Bà ngồi bệt trước cửa quán rồi lấy tay lau nước mắt lúc Gạo ra đi. Bà cứ ám ảnh bàn tay của con sẽ bị đứt nếu như nó không trả đủ tiền và trễ hẹn với người ta. Còn Gạo thì đang bước từng sải dài, phóng nhanh qua những liếp cải xanh. Khi đó trời có nổi gió đâu mà người mẹ ấy thấy lá cải sau lưng thằng con cứ rung rinh, giương lên như những bàn tay nhỏ vẫy vẫy. 
                     *
“Con đã trả hết nợ cho người ta chưa?”
“Mẹ thấy tay con còn lành lặn mà”. 
“Nếu ở phố sửa xe không ổn thì thôi về đây có mẹ có con cùng nhau buôn bán nhỏ sống qua ngày, con ơi!”. 
“Con quen mùi phố thị rồi mẹ à. ở quê thì làm gì mà sống?”.
“Con về lần này có việc gì không?”
“Mẹ hỏi thiệt kì, con về thăm mẹ cũng không được sao?”
“ờ… thì được… nhưng…”
“Sao hả mẹ?”
“Mẹ nghĩ con cũng nên kiếm vợ đi!”
“Mẹ này, làm nghề sửa xe như con, tối ngày quần áo lấm lem dầu nhớt thì ai mà thèm lấy đâu. Nhưng nếu mẹ muốn, vậy để chiều nay con dắt người ấy về đây cho mẹ coi… mắt…”
Nói là làm, ngay trong chiều ấy Gạo đã dẫn My về nhà ra mắt mẹ. Mẹ Gạo giật mình khi thấy cô gái khoanh tay ra vẻ lễ phép chào bà, nhưng cái áo thì hở rốn còn mái tóc thì nhuộm vàng khè, tóc rối như ổ gà. Bà thất vọng, hỏi My: “Quê cô ở đâu?”. “Trước giờ con ở thành phố”. Bà hỏi liền tù tì mấy câu: “Cô làm nghề gì? Cô quen thằng Gạo nhà tui bao lâu rồi?”. Bà tính hỏi tiếp thì My cắt ngang: “Bác hỏi dồn dập quá, con biết nói gì bây giờ, thật sự thì con không biết làm gì hết á. Con thích anh Gạo thì tới thôi chớ ngẫm ngợi chi cho nhọc xác”. 
Bà như chết lặng. Bà lê từng bước nặng nhọc ra hàng ba. Bỗng đôi mắt bà trợn lên: “Vậy thường ngày nó làm gì, trời?”. Rất nhanh, bà quay về phía My, nói như búa bổ: “Nè, nếu cô là gái giang hồ thì làm ơn biến khỏi cái nhà này giùm đi”. Gạo nhăn nhó: “Chưa gì mà mẹ nổi nóng, la mắng người ta rùm beng rồi. Đừng vội nhìn mặt mà bắt hình dong chớ mẹ”. “Giỏi hén, mày dạy lại tao đó hả Gạo, đồ mất dạy”… 
Lúc đó, My cứ thơ thẩn bên cây bàng già, làm như không nghe lời qua tiếng lại của hai mẹ con Gạo. My dõi mắt về phố chợ. Đang lúc chạng vạng My thấy rõ một vầng sáng hắt lên khoảng không. My biết là phía đó đang rất ồn ào, náo nhiệt. Phía đó đang có người vui cười, cũng có người đang lặng lẽ rơi nước mắt. Thật sự là My không hiểu được muốn làm người tốt khó khăn đến vậy sao. My muốn hoàn lương nhưng chưa gì đã bị bế tắc. My từng lầm lỡ, My làm tiếp viên cho nhà hàng và từng đi khách. Có lần My về khuya rồi bị té xe do say. Lúc đó Gạo vẫn ngồi nơi góc phố đang dọn đồ nghề sửa xe định nghỉ thì gặp My. Gạo giúp My dựng xe và đưa vào mái hiên uống li nước lọc cho tỉnh lại, nhưng My nằng nặc đòi Gạo đưa về giúp. Tình cảm họ từ đó đâm chồi và đến với nhau như là một định mệnh. Từ ngày sống với Gạo, My đã không đi khách, sau đó cũng nghỉ làm tiếp viên ở nhà hàng nọ. Hoàn lương là gì, bao lần My cứ nghĩ rồi lại thôi. Đã nhiều lần trong mơ My réo gọi hai chữ hoàn lương hàng chục lần. 
Cứ mặc kệ, mẹ của Gạo nghĩ, lần này nếu thằng Gạo không nghe lời bà thì cứ xem như bà không có đứa con bất hiếu này. Bà sẽ không ngại việc đóng cửa và đuổi hai đứa ra khỏi nhà. Đêm ấy bà khó ngủ, mãi nghĩ về đứa con trai duy nhất. Bà lại tự trách mình đã không lo cho con ăn học tới nơi tới chốn, để cho thằng Gạo nghỉ học nửa năm lớp Năm. Bà bận bịu việc mưu sinh, thiếu quan tâm đến Gạo thành ra giờ này nó có hư cũng là do lỗi ở người mẹ này. Bà trở mình và tự trách. Nếu nó ăn học đàng hoàng thì đã có nghề nghiệp hẳn hoi, làm sao quen với kiểu con gái không nên thân. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mẹ Gạo cũng ngủ đi trong giấc mơ méo mó. 
Tờ mờ sáng hôm sau, bà mở cửa, chuẩn bị quét sân thì bà hốt hoảng kêu lên khi biết Gạo và My đang dựa lưng vào gốc bàng mà ngủ.
Chuyện đã vậy, bà có muốn hay không thì đó vẫn gọi là tình yêu của bọn trẻ. Nghĩ đến chuyện thị phi của đời người, bà thấy không thể tách lìa hai đứa như tách cái mai cua. Lúc này, mẹ của Gạo chỉ nói gọn một câu: “Nếu hai đứa không bỏ được nhau thì cứ ở lại đây. Nhưng sống sao cho đàng hoàng đó”. Còn Gạo thì nghĩ tới cảnh sẽ sống trên phố. Gạo cũng không thích kiểu làm công cho người ta hoài mà phải ra làm ông chủ. Gạo nghĩ, rồi sẽ mua bán cái gì đó, phải làm cái gì cho đời sang trang tươi mới hơn. Nhưng đồng vốn thì tìm ở đâu, chẳng lẽ lại nhờ My. Bỗng dưng ba người nhìn nhau thở dài. 
Vậy mà, nửa năm sau đó ở trên phố Gạo với My đã mở được cái quán rượu. Mỗi ngày My coi quán còn Gạo thì đi buôn chó. Cuộc mua bán chó để làm thực đơn cho quán cầy tơ bảy món của vợ chồng Gạo phải nói là ngon hết chỗ chê. Cứ chập tối thực khách bắt đầu tới lai rai và kéo dài đến tận khuya lơ khuya lắc.    
ở xóm Rẫy, nhà của mẹ Gạo bỗng dưng biến thành nơi nuôi chó. Nơi đây tập kết các loại chó. Con chó nào ngon lành, đỏm dáng thì làm thịt trước, con nào gầy trơ xương hoặc còn yếu, bệnh thì chăm sóc cho lành hẳn, to béo lại thì mới bắt làm thịt. Những cảnh mổ xẻ chó làm người ta phải rợn người. Lúc đầu thì chó bị giết bằng cách đập đầu, bỏ bao nhấn nước, sau thì dùng điện chích cho chết. Cách nào thấy cũng bất nhẫn, nhưng mồi dọn ra thơm phưng phức thì khách nào cũng mê tít và nhai ngấu nghiến, xồm xoàm. Một đũa mồi, một li rượu nghêu ngao vài câu vọng cổ hay hứng chí thì hát đôi ba bản nhạc thời thượng cho vui vẻ, lên gân cùng men say. Chỉ tội cho mẹ của Gạo. Bà nhìn mà ngán ngẩm. Rồi một ngày mẹ của Gạo bỗng lầm rầm nguyện cầu con cái bình an, tay lần tràng chuỗi niệm Phật. Có lần bà đã khóc khi thấy con trai làm thịt một con chó còn to khỏe, trông đáng yêu làm sao… Vì hình như bà thấy từ khóe mắt con chó đang rơi ra những giọt nước mắt van xin.
                     *
Tiếng chó sủa, tiếng con nít khóc, tiếng My sụt sùi làm cho mẹ Gạo càng ngày càng thêm bất an. Gạo dạo này đi sớm về khuya. Gạo thu mua chó có vẻ như không rõ nguồn gốc. Vì mẹ và My đã thấy có những con chó còn đeo dây xích cổ, có con còn cài cả nơ, chó lớn chó nhỏ đủ kiểu. Gạo cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong căn nhà lụp xụp ấy. Nhiều lần Gạo về xóm Rẫy với cái bao tải đựng chó để trên xe mà đôi mắt thì nhìn dáo dác như sợ có ai phát hiện điều gì đó. Gạo mở quán cầy tơ tại xóm Rẫy đã mấy tháng nay, vì tiền thuê mặt bằng trên phố giá cao gấp mấy lần ở quê mà quán nhậu không phải lúc nào cũng đông khách. 
My sinh cho Gạo một thằng cu kháu khỉnh, nhưng Gạo chẳng tỏ ý làm vui. Gạo gọi đứa bé là Thằng Chó Mực. Bởi lẽ, khi nó được tượng hình thì mẹ nó đêm đêm vẫn làm gái gọi. Thỉnh thoảng Gạo vẫn bật lên câu chửi đổng: “Đúng là đời chó má”. Vì cái vốn để mở quán của hai vợ chồng trẻ ấy được khơi dậy từ vốn tự có của My. 
Nhưng ở đời, để làm được việc gì đó đôi khi người ta phải bất chấp tất cả. Cái triết lí đó hầu như Gạo và My được học rất sớm từ… vỉa hè. Không lạ gì, nhiều lúc Gạo cáu gắt hoặc không hề ôm con hôn hít như tình thiêng liêng đúng nghĩa. Gạo dằn vặt mình rồi tỏ ra hoài nghi thằng chó Mực là con của một tay ăn chơi nào đó, mà trong lúc vội vã hoặc mê li thì con vợ hờ đã quên uống thuốc hoặc bị “sự cố”. Nhưng trước mặt My thì Gạo chưa lần nào mở miệng nói ra những ý nghĩ đó. Còn với mẹ, Gạo lại nói dối rằng nhờ trúng vé số nên vợ chồng Gạo mới có vốn làm ăn.
Mẹ Gạo đi chợ đã nghe người ta bàn tán về quán cầy tơ của Gạo. Người ta xì xầm nói là Gạo ăn cắp chó, công an đang theo dõi, có ngày cũng bị còng thôi. Với lại, tiếng chó ăng ẳng rên làm cho bà thao thức hoài. Bà thấy chúng tội quá. Nhiều lần bà đem tâm sự đó nói với con dâu. Hai mẹ con tỏ ra đồng cảm, nhưng My lại nói thòng: “Nếu không làm vậy thì biết làm gì bây giờ. Anh Gạo cũng quen việc này rồi mà mẹ. Con hỏi kỹ ảnh rồi. ảnh nói là chó mua chớ không ăn cắp. Chó kiểng thì bán lại cho nhà giàu hoặc ai muốn mua chó về nuôi thì bán. Còn lại thì chó làm thịt phục vụ quán nhậu. Gạo từng giơ tay thề với con là không bao giờ ăn cắp. Thôi, mẹ cũng đừng nghe người ta phao tin đồn nhảm. ở đời cũng dễ có thói trâu buộc ghét trâu ăn mà mẹ”. 
Thật bất ngờ, một ngày nọ, Gạo họp gia đình. Gạo đưa hai bọc tiền ra và nói: “Con gửi mẹ chút đỉnh tiền để chăm sóc sức khỏe mỗi khi trái gió trở trời, lúc không làm gì ra tiền. Còn gói tiền này thì em cầm lo cho con đi. Từ ngày mai nhà này sẽ không còn thấy bóng dáng hay nghe tiếng một con chó nào nữa. Tui dẹp quán rồi”. Mẹ Gạo chau mày: “Sao mà nghỉ ngang vậy con? Rồi bây làm gì sống hả?”. Gạo chưa kịp trả lời mẹ thì My đã cắt ngang, hỏi dồn: “Tiền đâu mà nhiều vậy nè. Anh định làm gì nữa đây?”. Gạo thong thả trả lời: “Tiền buôn bán lâu nay để giành chớ ở đâu ra, mà hỏi kì vậy? Khoảng hơn tháng nay, tui ngủ cứ thấy tiếng chó sủa, chó cắn, chó rên… nghe mà nhức cái đầu. Mà bây giờ quán nhậu mọc lên như nấm sau mưa ấy. Xóm Rẫy mình đã có nhà máy, họ đang tuyển công nhân. Tui có coi qua cái tờ tuyển dụng lao động rồi. Giá lương cũng khá, công việc theo ca, lại có chế độ bảo hiểm nữa. Đặc biệt, họ ưu tiên cho người tại địa phương đăng kí lao động với nhà máy làm việc lâu dài. Tui đã đăng kí và họ nhận làm việc vào thứ hai tuần sau”. 
Nghe xong, hai người phụ nữ bỗng tươi tỉnh hẳn lên, mắt như chiếu sáng ngàn nụ cười. Gạo lại nói: “Mẹ à! Con cũng vừa đăng kí học thêm lớp bổ túc văn hóa buổi tối với chương trình vi tính phổ thông nữa đó”. Mẹ của Gạo không kìm những giọt nước mắt muộn mằn mừng rỡ: “Con làm vậy là trả hiếu mẹ rồi đó, con ơi!”. My vui nhưng lại trách: “Anh này bí mật ghê thiệt. Giờ mới nói, làm ai cũng bật ngửa. à, mà sao anh thay đổi nhanh vậy ta? Có động cơ gì không hả chồng yêu?!”. Gạo lúc này mới chia sẻ: “Bữa trước tui gặp anh Bửu là Bí thư xã Đoàn xã mình. Cũng tình cờ đụt mưa trong quán nước. Anh em lân la tâm sự. Cũng thiệt may cho tui, lúc đó anh Bửu mới cho tui coi cái giấy tuyển lao động công nhân địa phương gửi từ huyện xuống. Anh ấy động viên tui làm việc cho nhà máy đi, rồi học thêm lớp bổ túc văn hóa để mai này có cơ hội. Tui nghe cũng chí tình, về nhà suy nghĩ miết. Hôm qua tui đã gặp anh Bửu và nộp giấy tuyển dụng lao động rồi”. Thằng bé lại u e đưa bàn tay vẫy vẫy cha Gạo. Lần này Gạo chìa tay ra đón con trai trong ánh mắt đầy thân thiện. Cha Gạo không gọi con là thằng chó Mực như mọi khi mà kêu là: “Cu Nếp ngoan nghen, mai cha mua đồ chơi cho con nè, thích lắm đó…”. Vừa nói Gạo vừa cạ cái cằm vô bụng thằng bé làm nó cười khặc khặc.
Thằng bé cứ cười ti toe trong lòng cha Gạo, mắt nó ngó lên trời chiều. Gió mơn man thịt da, bầu trời xanh thẳm, thỉnh thoảng có những đám mây trắng bồng bềnh trôi ngang qua. Chợt tiếng chó trong cũi sủa đòi ăn, Gạo đưa đứa bé lại cho vợ ẵm. Gạo tiến về phía cũi nhốt những chú chó chờ tới ngày cắt tiết. Lúc này, Gạo nói với chúng: “Tụi bây yên tâm đi. Tao sắp giải phóng cho tụi bây rồi. Lát nữa ăn xong sáu đứa mày sẽ về nơi nhà mới. ở đó, họ sẽ chăm sóc và cưu mang, yêu thương thú vật như những đứa con ruột thịt của chính họ. ở đó, cuộc sống của tụi mày sẽ không còn nơm nớp lo sợ bị điện chích, bị chết vì phải làm mồi nhậu cho những kẻ khoái khẩu cầy tơ. Mà tao cũng hết những giấc mơ nghe tiếng chó rên. Ăn đi nào… những chú chó sót lại của tình thương”. 

T.H.M.P 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 45
 Hôm nay: 396
 Tổng số truy cập: 13624148
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa