Lão Ấy là con người bí mật. Không theo địch mà cũng không theo ta. Theo địch phải là loại có máu mặt, con ông cháu cha, biết ăn sung mặc sướng… cái đó với ấy xa lạ, làm gì mơ tới. Tổ tiên ở đâu trôi dạt về đây, nằm đắp chiếu ở bờ sông, quân canh đê đá vào đít mới tỉnh lại, nhận bừa là người làng này. Dò xem danh sách, Lý trưởng tặc lưỡi, ghi vào để sai vặt. Còn nói theo ta thì có đấy, người ta thấy ấy con nhà nghèo khó mà sung vào đội quân đi tập: "một, hai"… nhưng nghe súng nổ "đoàng" là rụt cổ rụt tai lại cuộn tròn xuống giao thông hào, hèn nhát nhưng mà không dối lừa ai cả. Cũng không dùng được việc gì, mà bỏ đi không nỡ.
Cái nhà ấy bị bỏ quên, coi như thừa ra như thiếu đi ở đời này. Thiếu là lúc người ta cần người sai vặt và đưa ra làm tỉ dụ, cho xã hội cùng cười. Nhưng lúc người ta cần ra oai, chửi anh khác có mà ăn thụi, tiện nhất là nói đến lão ấy. Công nhận, nhà đó không làm gì ác với thiên hạ. Sòng phẳng mà nói phải là người lương thiện. Nhưng nói là người lương thiện mà co đầu rụt cổ không làm hại ai, mà không giúp ai thì xã hội này cũng đâm vô phúc, mà nhiều người như vậy cũng thật là buồn. Nhưng cũng đừng cố chấp nhé. Có người thấy người khác khá giả là cựa cậy, dậm chân bứt tóc, bực bội không muốn cho người ta hơn. Loại người đó cũng là khoảnh vặt, nói làm chi cho bận lòng. Nhà ấy không có sự độc địa đâu. Biết là thấp kém hơn người, có dám ngẩng đầu đua tranh với ai. Không ít kẻ lấy cái kém cỏi của người ta ra mà làm trò đùa. Bảo nhà ấy không phải là sướng hay sao, chồng cầy vợ cấy, con trâu thả ra cho trâu nhà người đi đực, rồi lại đem con nghé, phúc cho biết cày, bừa, bán lại cho Hợp tác mà kiếm lấy ít tiền bỏ ống. Người ta đem cái chuyện nhà ấy bán chanh quả cho Mậu dịch ra nói, thiếu một đồng là vừa tròn một chục, đi vay bằng được để gửi tiết kiệm. Nhà hắn coi là dư ăn tiêu rồi. Lúc đi làm ở đội, ở tổ, nói đụng vào nhà khác, đứa khác là bị "xừng cồ" nên cứ đưa nhà ấy ra mà ví dụ, cười cho thỏa mãn, thế là buổi làm mau tan, hóa ra nhà ấy ai bảo là không cần với xã hội này? Cũng tại ấy là kẻ vui tính, ngay chuyện đi tắm, vắt cái váy của vợ lên vai, dù có dài đi nữa thì cuộn lên cho nó vừa, ai bắt tội mà hoảng hốt la lên: Làng nước ơi! Nhầm váy của mẹ nó rồi!
*
Nhớ lại chuyện đem giấy khen lên huyện trả, cũng là có một. Chuyện là nhà ấy được bầu xuất sắc chống bão lụt. Ai còn lạ gì cái dáng lù đù của nó. Không nhanh của người đi đầu, không chậm của kẻ đi cuối hàng. Cứ thế mà xông lên trong lúc cơn lũ nó khoét vào thân con đê. Chậm tí nữa là đi đời nhà ma công lao mồ hôi nước mắt của người dân lành. Có kẻ nào ác không, làm sao lại xô ấy xuống miệng con lũ hung dữ đang há miệng ra nuốt chửng cây cối, nhà cửa và lợn gà ấy chứ. Hắn mà không mau tay nắm lấy cái cọc thì toi mạng rồi, bị cuốn đi cùng cơn giận dữ của thủy thần... ấy cầm chắc lấy cộc tre, chắc là mất hồn vía mà vớ vội. Cái cọc chắn ngang chỗ vỡ, người ta liền tương những sọt đất đá chèn, hàn lấy cái họng của con lũ. Thì mắt mũi thiên hạ để ở đâu mà không nhận ra thằng ấy của làng này. Cái ông cán bộ cấp trên nào đó mới hô hoán:
- Xung phong!
- Xung phong!
- Xung phong!
Sau khi thở lấy hơi, ông nói với mọi người: Không có người dũng cảm như đồng chí ấy thì làm sao mà hàn khẩu được vỡ đê!
Đúng là lời nói như có gang có thép. Lúc bình bầu người ta ghi tên ấy ở ngày đầu hàng. Cái vinh dự ấy, không phải chỉ nói miệng, hắn được mời đi ăn tiệc có đến dăm ba lần đấy. Cán bộ xã này là loại ắc ơ, tắc trách. Đưa danh sách lên trên, người ta cứ thế mà đè ra viết vào cái bảng giấy khen có chắp hai cái cánh rõ đẹp: Khen thưởng ông Võ Như ấy, có thành tích dũng cảm trong chống bão lụt. Phải là cái ăn được thì hết lâu rồi, hoặc nghe theo lời vợ mà cóp nhặt gửi tiết kiệm, cái bao đầy sống lưng rồi. Nhưng là cái giấy, in sai họ của người khác, treo lên chả hóa ra đi mượn sao. Con vợ lúc thấy chồng cầm bằng về thì vui lắm. Nhưng khi đọc chữ lên mặt ủ ê. Bố mày không có miệng hay sao mà không dám nói với cán bộ, họ đổi cho cái khác. Thì vẫn, tôi nói với cán bộ mà họ bảo nhiêu khê, được mà treo lên, ăn tiệc là sướng cái miệng rồi. Hắn lại còn vin cớ, cha ông nhà này không có họ mà phiêu dạt đến đây. Bố bay còn nhớ cái ông to lúc ôm, bắt tay chứ? Khi bố cầm cái cọc ngáng dòng nước ấy, ông nhớ không. Nhớ chứ. Ông ấy chả quát ầm lên. Có lao xuống mà hàn đê không nào. Bố cầm lên huyện, gặp ông ấy nói khó xem, may ra đổi được. Nghe nói cấp trên người ta tốt chứ không hay bắt chẹt như mấy anh xã, anh xóm này. Mẹ mày nói thật hay bỡn. Bố mà không dám thì đi cày cho tôi bảo con em nó lai lên huyện. Mà cũng khổ thân bố mi, có xe đạp đâu mà biết đi, đi bộ cho nó khỏe xác.
Thế là ấy nghe theo lời vợ đi bộ nhếch nhác lên huyện. Không có tài ăn nói nên mới thế. Ông bảo vệ quát, chắc là thói quen làm dâu trăm họ.
- Ông kia! Sao không xuất trình giấy tờ.
- Tôi có cái này thôi! Phải một lúc mới mở được miệng, ấy mới nhớ đến cái vật cầm ở tay, mà dân nhà quê có đi đâu bảo phải chuẩn bị giấy tờ.
- Không được! Cái "bằng" này làm sao thay cho giấy giới thiệu kia chứ!
- Tôi… là của tôi mà!
- Sao bác lại vác lên đây?
- Tôi lên để đổi mà!
- Sao lại đổi?
- Họ ghi sai họ của tôi!
- Cứ cái lý thì… Bác không hợp lệ… Ai cũng xách lên huyện, lên tỉnh thì có nghẽn cả đường không hả bố!
- Tôi đã nói với mấy ông xã rồi, họ đâu có giúp.
- Gặp ai?
- Tôi cũng không biết được nữa… cái người phát cái này, chắc là họ đổi được!
- Trời ơi! Thế nếu ở tận trung ương ông cũng vác ra đó hay sao. Như nghĩ là mình nói hớ liền nhìn quanh quất tìm người cầu cứu. May quá, gặp Tầm chủ tịch huyện vừa đi đâu về, ông mới nhảy xe xuống hỏi.
- Có chuyện chi mà ồn ào thế?
- Vâng! Đúng là ông này phát cho tôi mà. ấy chỉ ngay vào ông Chủ tịch huyện. Người dân như ấy làm sao quên được cái bắt tay ấm áp của ông, lúc cứu con đê thoát vỡ hôm nào. ấy cũng mất ngủ đến mấy hôm khi ông Chủ tịch huyện trao cho cái bằng khen, mà cái anh phóng viên tài thật, rình ở đâu mà quay vào máy, tối đó chiếu lên ti vi, vợ nom thấy thích, cười hích hoác. Quái chết cho ông Chủ tịch, liều thật, dám ôm bố bay, lại còn hôn nữa mới mệt chứ. Sao ông ấy chịu được cái mùi thuốc lào phả ra nơi miệng của bố như cà hôi nước ấy chứ. Mấy bà hàng xóm cười cái phật, bảo người ta phải làm thế cho nó quần chúng, chứ hay hớm gì cái lão ấy, quanh năm nắng nôi, mưa gió đôi quang gánh đi khắp làng trên xóm dưới để nhặt phân. Lúc không nuôi bò, nuôi trâu gì cả mà nhà lão vẫn bán cho hợp tác nhiều phân nhất đội sản xuất. Trong từ vị cửa miệng, người dân xóm này sẽ còn lại mãi một câu ca dành cho ấy, ghi nhận đức tính cao thượng, lao động quên mình của lão:
Lão ấy là lão ấy ơi
Còn nhiều phân thối cho tôi một giành.
Ông Chủ tịch huyện nhận ra ông ấy thì vui hết nói:
- Chào dũng sĩ! Chả hay bác có chuyện gì phàn nàn mà cầm cả bằng khen lên đây?
- Thưa lãnh đạo, vì cái này!
- Là chiến công hàn đê phải không? Ông cười khà khà làm lão ấy bớt đi phần lo lắng.
- Người ta viết sai cả họ tên tôi mà cứ phát, có khác chi tôi đi ăn trộm thành tích hả Chủ tịch.
- Phải rồi! Ta xin mời ông ấy vào xơi nước cái đã. Cũng thật may cho lão ấy người ta có in dự trữ giấy, viết sợ hư hoặc thiếu nên còn để lại. Nháy mắt cái anh có hoa tay đã hiện tên, họ lên, thật đẹp… như niềm xúc động trong ngực, cái tên Lê Văn ấy đây rồi, con mẹ nó hết chê ông cù lần nhé.
Điều đặc biệt là ông Chủ tịch phúc đức ấy bảo anh xe con chở về tận nhà. Anh xe con cũng là người tâm lý, bóp còi bim bim dọa lũ trẻ xúm lại xem xe con, như báo cho làng này, lão ấy hồi dinh.
*
Nhà lão ấy không đơn giản. Chỉ riêng chuyện không dùng loa đài chi hết, bởi cột điện truyền thanh ở ngay chái nhà, mua loa đài có nghe nổi không, cái loa sắt nó réo, hay nhắc lại lời nói. Vả lại lúc tắt loa công cộng còn ai dám thức nữa, mai còn ra đồng chứ. Người ta còn nhớ như in dạo mới có điện, người hẹp bụng nói kháy, nhà ấy cũng đông đúc mà trả tiền điện ít thế, hay là nhà ở cạnh cột điện mà dong dây lấy trộm. Tức mình, vợ ấy quát chồng, không điện đóm gì sất, cắt phăng đi kẻo họ vu oan giáo họa cho nhà này ăn cắp. Cán bộ không muốn xã mình lại có người thụt lùi, từ anh điện khí hóa lại quay về thời kỳ dầu đĩa nên phải nói khéo nhà ấy, cùng sáng chung xã hội.
Không phải chỉ riêng lão ấy cần cù mà nên chuyện. Ơn trời, vợ của hắn bữa trước có cho không, ai mà thèm nhặt. Người ta kể như thể là hiểu rõ chuyện lắm. Rằng lúc chưa có ai vọc, nó ra đồng để dỡ khoai, nướng chín ăn no, uống nước ruộng, rồi lăn ngay ra bờ ruộng mà ngáy. Bảo vệ và đám đi man cá, có bụng tà tâm, xem có ai hở ra là chôm chĩa. Nhìn thấy nó nằm hơ hớ phô bày đồ đoàn mà lắc đầu bỏ đi. Lúc ấy lấy về, cái vẻ đen đúa của vỏ khoai tía, ăn hơi đàn ông như trâu dái của ấy mà bóc đi mất. Đẹp. Những ả bữa trước kẻ lông mày, hồ da, bây giờ vú mướp, bụng sề, thua xa con vợ nhà ấy. Lại đoan trang mới chết người. Gặp kẻ cà chớn thấy ả mỡ màng định dơ tay bóp vú là ăn tát như chơi. Như con trâu lăn ra với đồng ruộng. Cũng đôi quang gánh như sinh ra là thấy đặt trên vai. Con trâu hay con bò chuẩn bị đại tiện là có mặt hắn đứng chờ. Không để cho nó rơi xuống đất, hai bàn tay đón lấy bãi phân bốc khói. Không hiểu thật hay điêu, người ta đồn con vợ ấy nói, phân lúc còn sốt có mùi thơm của vị cỏ hoa, chứ không thối như phân con người. Cũng có nhiều người lúc đi dân công hoặc hộ đê đưa chuyện này ra để mua vui, hoặc quen thói đời phải tìm cách bắt nạt một ai đó để tỏ ra mình là cao hơn người, cho ra vẻ. Nhưng ấy để cho họ nói chán chê câu chuyện mới phán nghiêng ngửa. Nói cho các ông biết này. Cái đời đi ở cho địa chủ của ấy này, quanh năm theo đít con trâu, ngủ chuồng trâu, nhớ lắm là cái mùi phân trâu hoai hoải, lạ lắm. Đến lúc nhờ trời lấy được vợ. Có cái nhà tranh tre nứa lá như người mà phải nói ngon nói ngọt cho con vợ có cái rốn đựng bơ gạo lên trên nhà chứa rơm của chuồng trâu cho nó bồng bềnh đấy. Mọi người cười đến vỡ bụng vì câu nói ngang ngược hết ý của ấy. Nhưng im bặt vì không khỏi ngạc nhiên, cái thằng lạ thế, lấy được con vợ như của vứt đi, nhưng ngoan hiền. Là nữ tướng của nhà đó chứ chả chơi, người ta bổ ngửa ra, vì nhà ấy nứt nòi ra đứa con gái tóc mây. Cũng xin đồng bào nhớ cho là tóc mây đấy nhé. Trời ơi! Da trắng mịn như cát ở cái hồ trước ngõ. Quên chưa nói nơi ở của nhà ấy. Nếu lấy vị trí như Hồ Hoàn Kiếm và đê Yên Phụ, thì kẽ một đường thẳng từ đê ra Bờ Hồ. Thủa ấy có một bụi tre, cạnh đó là bãi hoang, không ai dám ở. Vì tiếng tre kẽo kẹt như có muôn ngàn tiếng ma khóc, cười. Cái bãi hoang rộng, đi đêm mà qua con ngõ ống hẹp đụng phải tay cây nó như muốn níu lại, có mà sợ tắt thở. Qua cái bãi hoang, không có chủ, ai muốn đại tiện cứ chọn một chỗ đặt cái mông là sổng ra vội vội vàng vàng. Sợ ma, sợ rắn rết và sợ cả người nữa. Bẩn vậy, nhưng núp ở đâu đấy để ngó. Chưa kịp hoàn hồn thì kẻ bệnh hoạn cười lên hấc hấc nhảy tùm xuống hồ nước. Cũng là dân ba vạ mới có chuyện được cái chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo cho không ai lấy. Nhưng mà đảo một cái, cái bờ tre kia bị hạ xuống, do con người lẽ nào lại còng lưng với mê tín dị đoan, vui với tấc đất tấc vàng. Và nhà ấy cái vận khí nó thổi đến. Chuyện ma hiện hình chỉ còn trong lúc có hơi men. Nhưng mà cái nhà ấy kia, nhìn soi mình xuống cái hồ hình con rồng. May đấy, cái lão ấy có chữ nghĩa gì, quyền thế gì bảo chơi với thày Tàu thày Tây mà biết chọn chỗ đặt long mạch, tìm nơi để vượng khí. Đã nói cái con vợ có cho không người ta cũng không thèm nhặt, ai đời lại đẻ cho ấy đứa con gái tóc mây. Lúc đầu có nhiều người ngứa miệng, toan ăn điêu nói thừa, rằng dứt khoát con vợ nhà nó phải ngủ với loại "thuyền rồng" nhưng người cha điếc lác của hắn đã chửi toáng lên:
- Sư quân ăn điêu nói thừa, tao nghèo khổ mà phải đi quét chùa… Tao khấn vái, lau chùi đít đoi, bụi bậm mà các ngài phù hộ đấy!
Cứ nhìn da của ấy và vợ, ai tin lại đẻ ra được con tiên. Nhưng mấy năm sau cái da vỏ ốc của con vợ ấy đứt toang ra, người đời mới nuốt nước bọt mà tiếc ngẩn ngơ, nhớ lại lời của lão kẻ trộm đi man cá kể. Tao không nói thừa, nó nằm, cái váy rách hở ra cả mớ rễ khoai(!)
Nếu cuộc đời là gộp lại hai nửa: sung sướng và khổ đau, thì cái nào nhớ lâu và quên mau hơn, phải hỏi vợ chồng nhà ấy mới rõ. Cái con Ơi, đứa con gái trời cho nhà nó sao mà đẹp mà ròn, khéo ăn khéo nói và siêng việc làm vậy. Tất cả điều đó có gì đáng nói khi Ơi làm chủ cả một kho vàng. Đó là giọng hát trời ban cho. Sau này nó nổi tiếng và thành tài thì mọi người mới té ngửa ra đoán non đoán già, rằng tại cái loa. Con vợ nó ăn không tiếng hát. Khi có mang đã nghe được giọng hát dân ca trăm miền ở đó. Có kẻ còn bầy đặt rằng, nó "ăn dở" tiếng hát. Dạo mang thai, cái loa đài hỏng, thằng chồng chiều vợ đưa ra phố thị nghe hát thay cơm.
Sau này, con Ơi khi đã thành danh. Có tên trên loa đài và truyền hình làm nhói tim những bậc mày râu và người mê tín. Mẹ của Ơi, mới ra bế cháu ở tận Thủ Đô, khoe. Bây giờ nếu hỏi tên con Ơi, không ai biết nữa, nó là con Bích Lơi rồi. Tiếng nói đâu còn địa phương chủng chẳng khó nghe, mà của Hà Nội.
- ối giồi ơi! Chị ơi, con Bích Lơi nhà em nay thành tài, nói thật cùng chị, đêm ngày em khấn phật. Phật có thương tình mà độ trì cho con. Sinh được đứa nào thì cho con thật, chớ đưa nó về làm lòng con mừng rồi lại bắt nó đi. Chị bảo nó đẹp thế ai mà không lo. Cầm vàng còn sợ vàng rơi. Cứ nhìn theo ánh mắt người đời dõi theo mỗi bước đi của nó mà toát mồ hôi. Cứ như là muốn ăn tươi nuốt sống nó chứ lỵ. Nó làm sao mà không hát không hò hả chị. Cái loa này có mà tắt đi để nghe nó hát còn dễ chịu. Gặp lúc nhiễm mưa gió cứ ọ ọe như người tra tấn mà sốt ruột…
Quả thật, Lơi như bông hoa mọc lên nơi bùn lầy nước động. Là món quà mà hàng trăm năm tạo hóa đem đến cho vùng quê vốn tĩnh lặng này. Trong những buổi biểu diễn của làng quê này, sao mà vui mà hồi hộp quá. Người ta chờ Ơi lên sân khấu. Lạ thật, mộc mạc mà đáng yêu làm sao. Cái con mẹ ấy, còn ca cẩm vái trời vái Phật nhiều lần, may chứ ạ. Thời đó học hành mới quy củ chứ. Hút hít nó không đầu độc con người ta, con em nó giữ được nguyên cái cổ vàng của nó. Dịu giọng mẹ ấy nói, sợ có ai nghe thấy: May thật ấy chứ! Nó chưa bị bội thực thi hoa hậu và người đẹp để con em không bị lột áo xống ra để mấy gã có tiền nó nhòm ngó. Chị bảo mới giữ được cái lòng thành của thằng cha bố nhà nó chứ ạ!
Chuyện nhà ấy, con mẹ ới nói thì dài và chộn rộn niềm vui không thể kể hết được. Nhưng bàn dân thiên hạ còn nhớ như in. Lúc mà nhà ấy không thể để cho đứa con gái đẹp như tiên như rồng nó nằm trong cái cũi, có tiếng tre cọt kẹt như người nghiến rằng nghiến lợi ấy nữa. Thế nào mẹ bay ạ! Phải cơi nới ra cho có chỗ mà xoay lưng chứ. May quá là may, xã hội người ta cũng mở đường liên thôn, mấy cây tre thành tinh kia cũng được hóa xác. Ai cũng há miệng lè lưỡi khi thanh niên cho dao dựa vào phá gốc tre. Mấy con rắn màu ngà nằm ngóc đầu như gốc tre cụ. Người ta rú lên vì hoảng sợ, hóa ra nhà ấy nó nằm chung với mấy con rắn thành tinh này. Thật hú vía. Thế mới nứt ra cái chuyện anh giáo dạy giỏi có tiếng ngoài huyện muốn hỏi làm vợ khi cái Ơi còn non tơ, kiểu ăn non kẻo sợ già lắm kẻ dèm pha ấy mà. Bị từ chối, ông giáo mới bịa ra để dọa đời, con Ơi dứt khoát là rắn thành tinh, chứ người thường lấy đâu ra giọng hát trời hành ấy được. Lão ấy lo vàng mắt, nhưng có người từ Hà Nội về kén người hát. Từ thời sinh ra cái làng này, người ta mới biết được máy móc đo tài năng tiếng hát của con người. Cái anh gài cái máy vào ngực con Ơi nói với anh kia! Sợ lắm… Sức vang của âm thanh có dễ hàng tấn chứ chả chơi. Cả nhà, mà cả cái làng này lại được một phen bàn bạc, thức khuya dạy muộn vì cái chuyện con Ơi được mời đi hát để người ta thu vào cái máy bé tí như chiếc bật lửa nhà ông Ngãi chế rồi phóng lên trời cho mọi người nghe. Nhưng đó cũng là kỳ bí như chuyện nhà ấy làm nhà, mà làm nhà gạch. Tin ấy choáng váng làng quê này lắm. Thì bấm trên đầu ngón tay này xem, làng này xem, mấy nhà có nhà ngói sân gạch. Người ta kích cho lên thành phần phú nông, địa chủ chỉ thừa sống thiếu chết đấy thôi. Nhà nó thì cứ cho là không ăn điêu nói thừa cho ai, nhưng gốc gác chết dấp đầu đường xó chợ, mới tấp vào đoạn đê vỡ, người ta kéo về cho cám lều ở cái bãi vườn quan cho dân làng đi đại tiện. Thì biết là ăn tần ở tiện, cơm với cà muối mặn chát, chan nước múc ở cái hồ nước trước nhà, nhưng đào đâu ra gạch mà làm nhà. Gạch toàn những viên tốt chứ, gõ vào nghe cứ công công thật thích tai. Lạ nữa là nhà đó mua từ bao giờ mà một đêm lật toàn bộ rơm rạ che ra lộ toàn gạch xếp chồng lên nhau đến là thích mắt. Không có chủ trương kiểm tra hay sát hạch gì cả. Thời ấy người ta chưa đào ra những từ nghe rờn rợn ấy đâu. Cũng không đội bưng gì lên tiếng cả đâu. Nhưng người ta cứ rối tinh lên chuyện nhà ấy moi ra lắm gạch. Quân xấu bụng thì nói như cầm chắc pháp luật. Ta cứ báo để công an đến gô cổ cái thằng ấy, miệng im ỉm như ngậm hạt thị mà ghê gớm thật. Chỉ một đêm hắn thành địa chủ, mà không tư bản mất rồi. Hay hắn vớ được vàng ở bụi tre do rắn ngậm mang đến. Cũng có thể nhà này nó lặn hụp suốt ngày nơi hồ nước, đãi cát tìm vàng. Cái tin động trời ấy loang ra cả ngoài huyện nữa. Cũng có kẻ gọi là đa mưu túc trí của làng này bới chuyện, nói do cái lũ chó dái mê mẩn tiếng hát con đĩ nhà ấy, mỗi đứa một viên, đem đến xếp đầy cái vườn lâu nay bị che phủ bởi mấy bụi tre già cộ. Nghe được tin này, con vợ nhà ấy mới chống háng, ả chửi cho cả làng nghe:
- Cái quân mắt méo, mắt tròn kia ơi! Bay mà bắt được tay bà này lấy của ai một củ khoai hạt lúa thì chỉ ra, ta xin vào ngồi tù… Không chỉ được thì cứ uống cho no nước hồ này nhé! Người ta bảo nó chửi xấu và tục nhưng lạ do cái tiếng hát của đứa con gái mê hoặc mà thành ra hay.
Đồng bào mình, nhìn chung là tốt bụng. Tức thì tức cái kẻ nghèo hèn thoắt cái đã nên ông thoát thằng. Hăng hái tưởng tìm ra kẻ trộm hay lưu mạnh kia đấy. Nhưng có lời của ông nọ bà kia mà êm chuyện. Số nhà nó cũng kỳ lạ. Ông huyện mới đánh xe về thị sát dân Long Hồ đánh cá. Ông bảo xem mà vui như người ta đóng phim. Đến cái đoạn thắt lại mà nhà ấy làm nhà, nước quẩn, cá tôm vẫn trú ngụ. Ai dạy mà hắn làm cái dù ở đó chứ. Một cái bờ và dứa dại, chuối, khoai môn thả rễ ra, nơi cá tép tìm về để trú. Có dễ nhà này có nguồn sinh lợi trời cho. Lại cái lão ấy với con vợ chống nạnh cất cái vó lên, cá nó nhảy đành đạch. Cái lão ấy (dân ngu khu đen) lại nhìn thấy ông chủ tịch huyện như người thân. Mà đã gặp mấy lần rồi ai bảo là lạ. Ai xui nó mở miệng ra đon đả:
- Chào ông Chủ tịch huyện!
- Chào đồng chí, khỏe không?
- Nhờ ơn trên tôi khỏe!
- Chứ ông có đem được con cá béo của Long Hồ về dùng được không ạ! Cái con vợ trâu đất ấy, chưa để cho ông Chủ tịch nói đã lấy ngay cái lạt xâu lại. Và nhà cái bác lái xe hôm nào, đưa tay ra đón lấy con cá chép có dễ gần hai cân. Cái con Ơi trời đánh ở đâu xuất hiện.
- Em chào Chủ tịch! Mặt đỏ lửng thẹn thùng.
- ái chà! Hóa ra nhà ca sĩ ở đây sao?
- Vâng!
- Nhà em đang lên mấy gian, nên gạch bề bộn quá không mời được Chủ tịch vào chơi, xơi nước.
- Vẽ! Gặp được bác ấy, biết là có con gái tài năng làm ca sĩ là vui lắm rồi. Chắc là thuận miệng mà nói ra đấy thôi. Giỏi quá nhỉ, làm ăn, tiết kiệm mà làm được nhà gạch là nhất đấy. Có thiếu gì không?
Cái con vợ như con chó chờ để đớp lấy lời.
- Thưa!... Cũng còn thiếu thốn, phải nhịn đói mặc rách mới lo được gạch đấy ạ! Cũng là chắp vá thôi ạ!
Tiếng cười nói của cán bộ xã, xóm ở đâu chen vào và cả tiếng ì ọp bất nháo của dân đánh cá, thấy có người và xe cộ trên bờ đến xem mà cổ vũ ồn ào.
*
Con gái lão ấy là đứa biết ơn sinh thành của bố mẹ, không lấy gì sánh nổi. Lúc mà tên tuổi nổi đình nổi đám trong làng ca hát. Tiền có xếp mà đo, cũng không ai mà biết được. Nhớ đến lúc học ở cái trường cấp một dột nát, phải đập phá cả chùa chiền ra để làm. Nên cung tiến cho quê cả ngôi trường hai tầng khang trang. Cán bộ xã cứ tiếc ngẩn ngơ, nếu chị Ơi nhà mình mà là người nhiều chữ nghĩa thì đặt tên trường mang tên chị cũng là vinh dự. Cái anh giáo ngày xưa nhắm Ơi mà không ăn nhằm gì, nói có vẻ thức thời. Có đặt tên cô ấy cũng được. Cô ấy là người thực tài chứ phải đâu là những kẻ bỏ tiền ra đi mua. Điều ấy cũng đến tai nghệ sĩ Bích Lơi, mặt đăm đăm, cái nhìn đắm đuối. Từ trong cái miệng đẹp như tranh vẽ thốt ra lời. Chả hiểu là buồn hay vui nữa. Em mà đặt tên nghệ, có lắm người xui, góp ý cho cái tên rất kêu, thậm chí cả tên Tây kèm theo nữa. Nhưng thương bố mẹ mình nghèo hèn, phải sống đời lăm lũ, rồi tại sao lại sinh ra mình, trời lại phú cho cái chất giọng vàng. Cứ nghĩ lại mà thương cha mẹ quá, gọi con đi mò tôm tép bên kia hồ khát cả giọng: Tít ơi! Bố bảo cứ gọi nó là con tít, lớn rồi hẵng hay. Mẹ cười ra nước mắt: Bố tên là ấy, em tên ới thì con nên đặt là Ơi!... Có ai ngờ cái tên tưởng vô nghĩa ấy lại vào nghệ thuật. Cũng muốn gọi tên khác cho dễ. Chi bằng thêm chữ L vào nữa ra chữ Lơi nghe là lạ.
Bích Lơi nói với cha, phá căn nhà gạch cũ, làm cái nhà đúc mấy tầng để dưỡng già. Chắc sẽ làm đẹp thêm cho xóm ven hồ. Lão ấy, cái giọng có méo nhưng nghe còn rõ, bảo với con gái: Nhờ trời, có được căn nhà gạch, con từ đó mà mở mắt ra với đời. Bố muốn giữ nó lại mãi mãi, công sức mồ hôi của cả nhà mình. Ăn đói mặc rách mới có ngày nay. Lúc ông không còn tỉnh táo, rượu vào nói với vợ: Bi giờ bà ới ăn mặc, vòng vàng đeo đầy cổ, có nhớ lúc phải kiếm từng hòn gạch, bằng cách đi nhặt phân để lên trên. Về mới đem ra cái dù kỳ cọ, cá nó vào ăn phân mà bắt được. Thu hoạch cá kể là lớn. Chứ trông vào mấy hạt thóc thừa, tiền bán chanh có xơi mới làm được nhà gạch.
Chuyện nghe được mà cứ tưởng là hoang đường. Nhưng cái đẹp và giọng hát hay của Bích Lơi thì phải hàng thế kỷ may ra mới gặp được.
Cửa Hữu 11,13-10-2012 - Từ Nguyên Tĩnh