Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Mưa xuân
Mưa xuân

Có một chiều xuân đi qua trong mưa giăng. Gió mùa rít từng cơn giận dữ. Ráng chiều nhuốm màu khói. Đường phố Hà Nội vắng lặng, mặt đường bóng loáng. Thiếu nữ xòe ô đi giữa lòng đường như bông hoa điểm xuyết trên trang giấy trắng. Cái ô căng vải ca-rô trắng-đỏ, chốc chốc bị gió giật như muốn buột khỏi tay thiếu nữ. Quần Jeans, áo sơ-mi trắng, khoác ngoài áo len màu thiên thanh, thiếu nữ thon thả sải từng bước dài chống lại mưa gió ngược chiều. Nhưng rồi thiếu nữ vấp, loạng choạng, chiếc giầy cao gót bật khỏi chân, cả người nhào về phía trước, nằm sóng soài trên đường, cái ô tuột khỏi tay nó lật sấp lật ngửa, nhảy múa trên đường như làm xiếc rồi bị gió cuốn đi.
Bên kia đường, trong một mái lá của quán nước chưa được ngày mở cửa khai xuân, chàng lái xe ôm trú mưa, anh theo dõi thiếu nữ từ khi cô xuất hiện trên đường. Thấy thiếu nữ bị ngã, anh vội nhào ra mặc cho mưa gió xối xả, bế xốc cô gái vào căn lều trống huyếch trống hoác. Sẵn lọ dầu gió trong túi áo anh xóc xóc từng giọt ra lòng bàn tay rồi thoa vào hai bên thái dương, thoa lên cổ, suốt sống lưng, hai bàn tay, hai bàn chân thiếu nữ; dùng ngón tay trỏ ấn vào huyệt nhân trung, huyệt bách hội, rồi cởi áo mưa đang mặc khoác vào người thiếu nữ và bế thiếu nữ lên đùi ấp ủ như bế một em bé ngái ngủ.
Mãi đến lúc này chàng xe ôm mới nhìn rõ khuôn mặt thiếu nữ. Đó chỉ là khuôn mặt bình thường không có gì nổi trội đặc biệt, có chăng là cặp lông mày nhỏ và cong trùm xuống gần đuôi mắt như nét vẽ trong tranh thiếu nữ chơi đàn nguyệt... Và cũng mãi đến lúc này gió hình như nhẹ thổi anh chàng xe ôm mới hít phải hơi thiếu nữ. Chao ơi, mùi thức ăn và mùi rượu quyện vào nhau thật là khó chịu, anh ta thấy nôn nao nhưng cố nén. Cô ta chợm chực, anh lại lấy lọ dầu xóc xóc ra lòng bàn tay rồi thoa vào bụng, vào yết hầu thiếu nữ và rót đúng ba giọt vào miệng cô ấy. Chỉ mươi phút sau cả thân hình cô gái trên đùi anh ta như bị điện giật, oằn lên, ngồi phắt dậy, nôn thốc nôn tháo có gì trong bụng đều tuôn ra hết. Trời, một thứ mùi kinh khủng, anh  phải xoay người tránh gió để cái mùi khủng khiếp ấy không tạt vào mũi.
Chàng trai mỉm cười, thốt lên: “Tốt rồi”. Nôn xong, thiếu nữ mệt lả, nằm mê man trên đùi chàng trai, da mặt bợt bạt như vừa vớt dưới nước lên. Chàng trai cứ bế thiếu nữ ngồi trong căn lều lộng gió nhìn ra đường. Chiều xuân, người qua lại thưa thớt vì người ở các tỉnh chưa trở lại làm việc, rồi còn vì mưa gió, rét mướt. Một chiếc xe máy hỏng ống pô chạy qua, tiếng máy nổ như tiếng xe tăng vào trận, thiếu nữ giật mình choàng dậy, ngơ ngác đến hoảng hốt, người con trai buông tay rồi thả lỏng cho cô gái đứng lên. Cô ta nhìn anh, anh nhìn cô ta, bốn mắt gặp nhau, anh ta trấn an cô gái: “Cô đừng sợ, hồi nãy cô ngã trên đường và bị cảm, tôi đưa vào đây. Cô xem kìa”. Chàng trai chỉ vào cái chỗ cô gái nôn ra và đã được đẩy ra xa chỗ hai người. Thiếu nữ ngượng ngùng cởi áo mưa trả chàng trai, nói lí nhí: “Cảm ơn anh!” Về chiều, gió nhẹ thổi, mưa ngớt hạt. Chàng trai nhìn ngược, nhìn xuôi xem trời đất thế nào rồi quay lại nói với thiếu nữ khi cô dợm chân định bước ra đường. Anh hỏi cô gái:
- Nhà cô ở đâu, tôi đưa cô về.
- Nhà em gần thôi, không làm phiền anh nữa.
Anh nói như ra lệnh:
- Không được, cô vừa bị cảm, đi ra đường lúc này nguy hiểm lắm.

 

Minh hoạ: Phạm Thắng 

Nói rồi chàng trai khoác lại áo mưa lên người cô gái, quay vào đẩy cái xe máy cũ kỹ ra đường.
Thiếu nữ bị lạnh, nép mình vào sau lưng chàng trai tránh gió. Im lặng hồi lâu, khi hai người đi vào khu phố có nhiều nhà cao tầng chắn bớt gió, chàng trai mới hỏi: 
- Cô đi đâu về mà dầm mưa gió thế này?
Cô gái bé bỏng nói như thổi vào lưng chàng trai gầy gò từng tiếng nhỏ nhẹ, đứt quãng, chàng trai phải căng tai nghe và chắp nối lại cho có đầu có đuôi. Thì ra cô cùng các bạn rủ nhau đến nhà thầy giáo chúc mừng năm mới rồi về nhà một người bạn chơi, bị các bạn ép ăn uống, sực nhớ nhà có việc nên cô ra đường chỉ có một mình. Họ lại yên lặng đúng cung cách người chạy xe ôm và khách. Chiều muộn, mưa đã bớt hạt, gió cũng lặng hơn, chàng trai cứ tưởng cô gái mệt quá đã ngủ sau lưng mình, nhưng không, cô vẫn còn đủ tỉnh chỉ đường cho anh.
Nhà thiếu nữ ở trong một con hẻm. Nơi đây là làng cổ, có đền thờ Linh Lang đại nhân - người con trai của vua Lý, trấn thủ Tây-Nam thành Thăng Long, ông đã lập nên nhiều kỳ tích dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên kinh thành. Đường nhỏ quanh co nhưng hai bên toàn nhà ba bốn tầng mọc lên san sát làm cho con đường đã hẹp lại càng hẹp hơn như cái ống vì sự hun hút của nó. “Nhà em đây rồi”. Chàng trai đạp phanh, cái xe từ từ dừng lại.
Thực ra, đây mới chỉ là cổng, chưa phải là nhà. Có một lối đi khoảng hơn một mét chen giữa hai ngôi nhà năm tầng xọc thẳng vào ngôi nhà hai tầng nhỏ bé nhuốm màu thời gian, tường loang lổ khó mà đoán chắc đã từng quét mầu gì. Một người đàn ông cao ráo, vận bộ comple màu mận đang đi đi lại lại trước nhà, vừa nhìn thấy thiếu nữ liền reo lên: “A, Lan Nhi, sao con đi lâu thế, bố chờ sốt cả ruột”.
Chàng trai vừa nhìn thấy bố cô gái và nhất là nghe tiếng ông ta nói, anh vội vàng quay xe. “Chào cô nhá...” “ấy, sao lại thế, anh vào nhà đã...” “Thôi, tôi đang vội”. Ông bố Lan Nhi vừa đến chỗ con liền hỏi: “Ai đấy?” “Người chạy xe ôm bố ạ”. “Con trả tiền cho người ta chưa?”. “Chưa ạ. Anh ta chạy như ma đuổi”. “Lạ nhỉ, sao lại không lấy tiền mà chạy vội là sao?”. Ông bố Lan Nhi thắc mắc. Lan Nhi bám tay bố đi vào nhà và kể lại toàn bộ trường hợp mình bị ngã và cảm trên đường được anh ta cứu chữa rồi đưa về đây. Bố Lan Nhi càng phân vân: “Lạ nhỉ, không lẽ là nó?”. “Ai thế bố?”. “à, không, con vào thay quần áo để sang bên bác, mẹ con sang trước để xắng xở với bác gái rồi”.
Trời đã tạnh mưa. Đường Đào Tấn tràn ngập ánh sáng. Bố con Lan Nhi hòa vào dòng người nô nức đi chơi xuân. Lan Nhi vẫn chưa hết phân vân về câu nói bất thần của bố “không lẽ là nó”. “Nó” là ai mà bố không nói thẳng ra, mãi đến khi vào nhà bác, dòng suy nghĩ của cô mới dứt. Nhưng sau đó điều ấy trở lại trong đầu óc Lan Nhi hằng ngày. “Nó” là ai vậy? Bố Lan Nhi là người không có tính gia trưởng, nhưng kín đáo, cái gì ông đã nói là nói hết, cái gì ông đã không nói thì đừng hỏi, cật vấn. Mẹ con Lan Nhi rất rõ điều ấy. Nhưng “nó” là ai mới được chứ? Không lẽ... Ôi, bậy quá, sao mình có thể nghĩ về người bố đáng kính như vậy. Lan Nhi tự trách cứ bản thân.
Bẩy năm sau, cũng một chiều xuân gió nhẹ, mưa phùn lây phây, Lan Nhi cùng chồng đi chúc mừng thầy giáo chủ nhiệm lớp mười hai nhân dịp năm mới và cảm ơn thầy không quản tuổi cao sức yếu đã đến dự lễ thành hôn của vợ chồng cô cách đây mới có mấy hôm. Lan Nhi không cho chồng lái xe chở mình đi mà yêu cầu cùng đi bộ trên con đường mà cô bị ngã và bị cảm được người lái xe ôm cứu thoát cơn nguy hiểm. Ngày đầu năm cùng chồng mới cưới đi trên đoạn đường với kỷ niệm sâu sắc ấy, Lan Nhi lại nhớ về một ngày đầu năm học mới cách đây đã hai năm. Bố cô - một giáo sư y học danh tiếng, hầu như ngày nào cũng có học sinh đến với thầy nên cô ít quan tâm họ là ai. Hôm ấy, Lan Nhi đi học về chỉ muốn nhanh nhanh lên phòng riêng trên gác hai lăn ra nghỉ một lát rồi xuống bếp xúm tay với mẹ lo bữa cơm tối, ở phòng khách vẫn còn một người, chắc là học sinh của bố, hai người trò chuyện khá say sưa, anh ta hỏi giáo sư bằng cái giọng Thanh Hóa hơi nằng nặng: 
- Thưa thầy, Lan Nhi học năm thứ mấy rồi ạ?
- Năm thứ ba, em biết nó à?
- Dạ, em biết, nhưng tình cờ thôi, thưa thầy.
- Tình cờ, sao lại tình cờ?
Lan     Nhi dừng lại chỗ chiếu nghỉ cầu thang nghe câu chuyện giữa bố và người kia có liên quan đến mình.
Người học trò tủm tỉm cười, lăn lăn chén nước còn hơi ấm trong hai lòng bàn tay, mái tóc xõa xuống trán, nhìn ra ngoài sân, nói nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy, thầy có nhớ cách đây mấy năm, cũng một chiều ngày xuân như thế này, có một thanh niên lai Lan Nhi về đến ngõ nhà ta rồi vội vàng quay xe đi không ạ?
Giáo sư theo thói quen vỗ vỗ nhè nhẹ vào trán khi có việc đã lùi vào quá khứ, rồi à lên:
- Nhớ, nhớ rồi, người ấy là cậu à?
- Thưa thầy, bất ngờ thấy thầy, em hoảng quá nên chuồn luôn.
- ừ, tôi đã nhận ra em nhưng không chắc. Ra thế, ra thế...
Hai thầy trò cười vang nhà.
- Thế là hôm nay cậu phải ở lại ăn cơm để Lan Nhi tạ ơn ân nhân thôi.
Lan Nhi thả cặp sách xuống giường rồi vội vàng quay lại phòng khách. Vừa thấy con gái, giáo sư hỏi ngay:
- Con có nhận ra anh đây là ai không?
Con gái là chúa giả vờ, biết tỏng ra rồi nhưng theo thói quen, Lan Nhi cứ ngơ ngơ lắc đầu nhìn khách và nói lí nhí:
- Chào anh.
- Nào con gái rượu, để bố giới thiệu nhá. Đây là cậu Lương, học sinh cũ của bố. Nhà nghèo, bố là liệt sĩ, cậu ấy phải đi làm để lấy tiền nuôi bản thân ăn học, thôi thì làm đủ mọi việc, chạy bàn ở các quán ăn, làm gia sư, lái xe ôm... Thế mà đã thành danh đấy. Về bệnh viện Thanh Hóa mà đã lên chức chủ nhiệm khoa X quang, và đã có học vị thạc sĩ, thế mà mấy năm nay vẫn tiếp tục học, lần này ra đây nhờ bố hướng dẫn làm luận án tiến sĩ, con thấy có ghê không? Nhưng những điều ấy con không cần quan tâm lắm. Điều con đáng quan tâm là cậu ấy còn là ân nhân của con nữa đấy.
Lan Nhi mặt đỏ như gấc chín, tính cô là thế, dễ bị “xấu hổ”, mặt, tai, cả cổ nữa đều đỏ, cô tiếp tục giả vờ.
- Bố nói sao, anh ấy là ân nhân của con?
Lương ngước nhìn Lan Nhi đang đứng ở chân cầu thang. Cô ấy đã khác đi nhiều quá, thanh tú hơn nhiều so với lần đầu anh gặp. Đó là cô gái rất dễ nhìn, cặp mắt với cái miệng mới khéo làm sao như nụ hồng chớm nở, mái tóc dài tha thướt. Anh quay sang nói với giáo sư:
- Thưa thầy, thầy đừng nói quá lên như thế, có gì đáng kể đâu ạ.
Không quan tâm đến điều Lương vừa nói, giáo sư nhắc con gái:
- Con có nhớ cái lần con bị cảm và ngã xuống đường không?
Mặt đã nóng như người say rượu nhưng không thể vờ vịt mãi được, Lan Nhi đành phải đối mặt với ân nhân:
- Dạ con nhớ, thì ra người ấy là anh à? Em cảm ơn!
Lan Nhi lẩn nhanh xuống bếp, nghĩ lại cô càng thấy xấu hổ hơn: Đấy là người con trai đầu tiên ôm mình vào lòng ư? Anh ta còn thoa dầu khắp người mình nữa chứ, eo ơi, may mà mình không biết gì... Lan Nhi không chỉ thấy nóng ran cả người mà tay chân cô cũng run lên vì những ý nghĩ chợt đến.
Chiều xuân này cùng chồng đi trên đoạn đường đến nhà thầy giáo, Lan Nhi níu tay chồng dừng lại chỗ xưa kia có mái tranh quán nước mà Lương đã cứu cô:
- Anh có nhớ chỗ này là chỗ nào không?
Đã đọc được ý nghĩ của vợ từ khi không cho anh lái xe chở đến nhà thầy, nhưng anh vẫn ngơ ngác nhìn các ngôi nhà hai bên đường.
- Toàn khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn có gì mà anh phải nhớ.
- Trước đây kia, hồi ấy chưa có những ngôi nhà này.
- à... à... cái hồi anh bế em mà quên không hôn chứ gì.
- á, hồi ấy mà liều thì ăn cái này này.
Lan Nhi tát nhẹ lên má chồng.
- Nào, cho anh truy lĩnh nhá.
Lan Nhi vòng tay ôm cổ chồng, cô nép vào người anh. Gió mùa đã mạnh lên. Những hạt mưa xuân rơi trên đầu họ. Ráng chiều không mang màu khói mà phơn phớt hồng như má thiếu nữ dậy thì. Gió đấy, mưa đấy mà sao vẫn cảm thấy nóng râm ran. Đêm nay có thể mưa to và lạnh dữ.

Hà Nội, cuối Bính Thân - Trần Hiệp


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 5532
 Tổng số truy cập: 13622042
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa