Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Hai ông một bà
Hai ông một bà

Thảo lặng lẽ cúi mặt xuống rãnh lúa, chiếc cào cỏ đưa đi đưa lại trên tay, hai hàng nước mắt cứ thế trào ra giữa tiếng chửi rủa của mẹ chồng: "Đồ mất nết, lăng loàn! Cút đi cho khỏi tốn cơm tốn gạo nhà tao!" Bà cứ chửi như thế, mệt quá ngồi nghỉ, đỡ mệt lại đứng lên chửi. Đến khi bà đi khuất bóng,  Thảo lên bờ ngồi, nghĩ ngợi mông lung. Chiều nay, thể nào bà cũng chửi tiếp. Thảo sẽ phải cúi gằm mặt xuống mà nuốt miếng cơm trộn chung nước mắt. Cảnh ấy đã diễn ra suốt một tháng nay rồi, kể từ hôm mẹ chồng Thảo bất ngờ nhìn thấy lão già Hợi. 
Hôm đó mẹ chồng đi vắng, nhà chỉ có mình Thảo. Cô đang ngồi khâu vá thì lão Hợi - tên địa chủ giàu có nhưng khét tiếng dê già - tự nhiên lẻn vào. Lão mon men gạ gẫm, xô chiếc chõng, dồn Thảo đến chân cột và nhào đến ôm lấy cô. Thảo giằng co với lão, mái tóc xổ tung, còn lão bị giộng đầu vào cây cột đau điếng. Lão hằm hằm dọa mấy câu  rồi ôm đầu lảo đảo đi ra.
Vừa lúc đó, mẹ chồng Thảo mở rào cổng bước vào, thấy lão Hợi lệt bệt guốc gỗ từ nhà mình ra thì ngạc nhiên lắm. Gặp bà, lão giật thột, đằng hắng rồi nói bâng quơ: "Vào xin miếng nước". Nhà lão ở tận giữa làng, nhà bà ở cánh bãi cuối làng, tự dưng sao lại qua đây xin miếng nước? Mà lại đúng lúc bà đi vắng, con trai không có nhà, chỉ có một mình con dâu! Trong lòng bà nảy ra một mối nghi hoặc. Bà chạy thồng thộc vào, thấy Thảo đang vấn lại khăn đầu, chiếc chõng xô xệch, cái giỏ đựng đồ khâu lăn lóc. Thôi rồi, đúng như bà chột dạ! Bà riết róng: "A con nghiệt súc kia, chồng mày đi vắng, mày dám tư tình với lão Hợi, đúng không?". Thảo nghẹn ngào: "Mẹ ơi, oan con lắm mẹ ơi! Lão ấy vào tìm cách hại con, nhưng bị con cự tuyệt nên lão không làm gì được. Con mang ơn mẹ và chồng con chưa hết, làm sao dám ăn ở đơn sai với chồng con?". "Ai biết được ma ăn cỗ? Mày xéo khỏi nhà tao!". Bà túm tóc Thảo, lôi ra khỏi nhà. Cô cương quyết cưỡng lại trong cơn bốc hỏa của mẹ chồng: "Con không đi, con không làm gì phản lại chồng con, con ở đây chờ chồng con về. Con van xin mẹ đừng nghĩ sai cho con". "A con này, mặt dạn mày dày thế là cùng. Tao không coi mày là dâu nữa, mày chỉ là con ăn đứa ở trong nhà tao thôi. Để xem mày gan lỳ được bao lâu. Đúng là cái loại đầu đường xó chợ, tao thật đã nuôi ong tay áo". 
Từ bữa đó, mẹ chồng Thảo từ một người hiền lành, yêu quý con dâu hết mực, bỗng trở nên ác nghiệt đến khủng khiếp. Bà dựng giường, đuổi Thảo ra khỏi căn buồng của vợ chồng cô. Thảo ôm quần áo ngủ ở chái bếp, ngay cạnh chuồng lợn, đêm hôm mưa gió hắt vào, mùi phân lợn xông lên nồng nặc. Ngày ngày Thảo bị mẹ chồng dựng dậy thật sớm bằng tiếng réo chửi. Thảo nghiến răng chịu đựng chờ chồng về, cô tin rằng với tình yêu và sự hiểu biết của anh, chắc hẳn cô sẽ được minh oan. 
Chồng Thảo làm lính khố xanh trên phủ. Mẹ anh tuy nghèo nhưng không để con thất học, từ nhỏ bà đã đưa anh đi học thầy đồ, được cái anh sáng dạ nên thi đậu vào trường có thầy Tây dạy. Khi bị bắt lính, vì biết chút ít tiếng Pháp nên anh được làm công việc thông ngôn. Thỉnh thoảng anh vẫn lẻn về thăm nhà buổi tối, gần sáng lại đi. Nhưng đã hai tháng nay không thấy anh về.
Thảo ấp bàn tay lên bụng mình. Cô đang mang giọt máu của chồng sau cái đêm anh ghé về thăm nhà ấy. Nhưng đau đớn thay, sau khi lão Hợi mò vào trêu ghẹo, Thảo mới phát hiện ra mình có mang. Làm sao cô có thể khoe với mẹ chồng tin vui ấy, có khi bà lại nghi ngờ đó là con của lão Hợi cũng nên. Nếu không có chuyện lão già khốn nạn, thì cái tin Thảo mang thai sẽ làm bà vui lắm. Còn giờ đây, cô không thể thanh minh gì hết vì bao nhiêu niềm tin của mẹ chồng đối với cô đang như bát nước đầy bỗng bị hắt đi một cách phũ phàng.
Một hôm, Thảo lại bị lão Hợi chặn đường khi gánh nước từ bến sông qua bãi ngô lúc vắng người. Lão níu lấy quang gánh cười hềnh hệch, hai chiếc nồi đất chứa nước rơi xuống, vỡ toang. Thảo cầm đòn gánh thủ thế. Lão nhăn nhở: "Con kia! Chồng mày sẽ bị quan phủ điều sang "mẫu quốc", một đi không trở lại nghe chưa! Biết thân thì về làm "bé" cho tao, đẻ một thằng con trai, ăn sung mặc sướng, chứ ở với cái mụ già nghèo rớt mồng tơi ấy mà làm gì!” Nhưng thấy vẻ mặt đầy thịnh nộ của Thảo và chiếc đòn gánh lăm lăm, lão không dám làm gì, cười bả lả rồi bỏ đi. Thảo tần ngần nhìn đám mảnh vỡ, ớn lạnh khi hình dung ra những lời sỉ vả trút xuống như mưa.
Cô cầm chiếc đòn gánh đi về phía bến đò một cách vô thức. Lên đò, sang đến tận bờ bên kia rồi mà Thảo không hay biết, cứ ngồi đờ đẫn như người mất hồn. Chị Xoan lái đò ngạc nhiên hỏi: "Em đi đâu mà không lên bờ?" Thảo mới giật mình và òa khóc. Ngay tại bến sông này, mấy năm về trước cô đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với mẹ chồng và chồng để có một quãng đời hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Lòng cô đau xót khôn tả...
*
Năm ấy nước sông cái lên to chưa từng thấy, lũ ngập trắng băng cánh bãi ven sông, tràn qua đê, xóa toàn bộ đồng lúa vừa đến kỳ thu hoạch, có bao nhiêu khoai sắn dự trữ trong nhà cũng bị ngâm trong nước lụt đến thối lũn. Cả tổng đói vàng mắt vì mùa màng, của cải đã bị quét sạch. Cô bé Thảo vừa lên mười. Nhà có tận chín anh chị em, đến củ chuối cũng không có mà ăn. Để cứu đói cho các con, cha mẹ Thảo phải lần lượt cho con đi ở đợ. Được nhà giàu nhận cho ở đợ là may lắm, vì chủ có keo xẻn đến mấy thì ít nhất cũng được miếng khoai miếng sắn, còn hơn ở nhà ôm nhau chết đói. 
Thảo đi ở đợ để bế em cho một nhà ở làng xa, cô bé chỉ nhớ mang máng đường đi. Rồi nhà chủ đó chuyển chỗ ở, cô lại theo họ đến một nơi khác xa hơn nữa. Cô bé chỉ mong sao nhanh hết nạn đói, cha mẹ sẽ chuộc các con khỏi cảnh ở đợ, và cô sẽ được đón về trong vòng tay người thân...
Nhưng chuyện đời đầy éo le và bất trắc. Mãi mà không thấy cha mẹ chuộc về, một ngày nọ nhà chủ cũ bán cô qua tay một chủ mới. Và lần này, chủ mới lại đưa cô đi xa hơn, đến mức cô không thể hình dung được đường về quê. ở với người chủ này một thời gian, thì một hôm họ đưa cho cô bé mấy đồng bạc chỉ đủ mua vài bữa bánh bèo và nói: Tìm nhà nào đó mà làm thuê, hay là đi về quê thì tùy. Họ lên thành phố sinh sống vì có con vừa được bổ quan to. Ngôi nhà họ ở đã có chủ khác đến. Nhà chủ mới không cần thêm người làm vì đã có rất nhiều con ăn kẻ ở. Thảo lúc đó mười lăm tuổi, lơ ngơ đứng bên ngoài cánh cổng lim to đùng, không biết đi đâu về đâu. 
Sau khi bị chủ nhà bỏ rơi, Thảo trở thành trẻ lang thang, muốn về quê nhưng không biết nơi nào, vì lúc đi còn bé quá, tên làng cũng không còn nhớ, chỉ mang máng làng mình có cái doi đất hình dẻ quạt nằm giữa hai nhánh sông, có bến đò Cây Sung, ngay trên bến có chùa Trình. Cô bé không biết đi đâu về đâu, hàng ngày ra bến sông, nơi con đò của chị Xoan chạy qua chạy lại để xin bố thí. Chị Xoan thương cảnh ngộ, cho cô trú tạm. Nhưng chị cũng nghèo lắm, chồng mất sớm, một nách ba con nhỏ. Thảo tập chống đò cùng chị Xoan. 
Một hôm có hai khách qua đò gọi ời ời bên kia sông, chị Xoan đang bận cho con bú nên liều bảo Thảo thử xem sao, vì nước cũng cạn. Thảo chống đò qua bờ bên kia ngon lành, nhưng khi quay ngược về, vì có thêm người nên đò nặng mớn, Thảo loay hoay đánh tuột con sào và ngã luôn xuống sông. Chàng thanh niên đi cùng mẹ qua đò liền nhảy ùm xuống nước, bơi theo dòng cứu Thảo rồi lấy lại con sào, giúp Thảo chèo qua sông. Sang được đến bờ, mặt Thảo vẫn còn tái dại và run như cầy sấy. Người mẹ thương tình vơ củi rều đốt lửa cho cô bé sưởi, rồi hỏi chuyện chị Xoan thì biết được hoàn cảnh của Thảo. Bà ngắm Thảo từ đầu đến chân, cô bé đang tuổi trăng rằm, xinh xắn, trông có vẻ hiền lành, thật thà. Bà liền bảo chị Xoan cho bà đưa Thảo về cùng. Thấy Thảo ngoan ngoãn, thạo việc, còn bà thì cảnh  mẹ góa con côi nên nhận Thảo làm con gái nuôi. 
Đến năm lên mười bảy, Thảo trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Một hôm bà ướm Thảo có ưng làm con dâu bà không. Người anh trai nuôi cũng có tình ý với cô. Và thế là họ nên vợ nên chồng. Từ một đứa trẻ đi ở đợ bị bỏ rơi giữa dòng đời, trở thành con gái nuôi, rồi lại thành nàng dâu... khiến cô cảm thấy cuộc đời mình như chết đuối vớ được cọc. Thảo được chồng rất mực yêu thương, chiều chuộng. Anh là người có học nên cách cư xử cũng khác người, nhẹ nhàng, tình cảm và không thô kệch như những anh trai quê. Còn mẹ chồng thì mừng ra mặt, đi đâu cũng khen con dâu tốt nết. Bà bảo: Vợ chồng chịu khó làm ăn, khi nào có điều kiện thì tìm về quê ngoại...
*
ấy vậy mà số phận trớ trêu đã đẩy Thảo vào hoàn cảnh oan ức, giống hệt như nỗi oan của Thị Kính trong vở chèo mà Thảo đã từng được xem ở đình làng. Thảo lần lên phủ, hỏi han tìm chồng, nhưng không ai biết mà chỉ cho... Cô đành quay về bến đò của chị Xoan. Chị Xoan khuyên: "Hay cứ ở lại chống đò với chị, đợi khi nào chồng về?" Thảo lắc đầu: "ở đây gần làng, lão Hợi mà biết sẽ tìm đến hãm hại, nhỡ ra... thì em biết ăn nói thế nào với chồng? Thôi, có lẽ trời run rủi cho em có lý do để tìm về quê cũ gặp cha mẹ, anh em". Rồi Thảo cầm bàn tay thô ráp của chị Xoan, đặt lên bụng mình: "Chị, nếu chồng em về làng, nhờ chị nói lại là em đang mang trong mình đứa con của anh ấy. Em thề với đất trời, có con em chứng giám, em không làm bất cứ điều gì đơn sai với chồng. Nếu anh ấy còn yêu thương thì đi tìm em ở quê ngoại, đưa mẹ con em về. Bằng không thì em đành ôm mối oan khuất này suốt cuộc đời, coi như đó là số phận".
Gạt nước mắt, Thảo sang sông, trên tay chỉ duy nhất chiếc đòn gánh cầm theo. Chiếc đòn gánh ấy chồng cô đã đẽo từ một khúc tre già. Giờ đây, nó vừa là bạn đường, vừa là vật phòng thân, lại cũng là công cụ mưu sinh. Cô đi mãi, đến tận khi hoàng hôn trùm xuống vàng ệch, rồi ánh vàng tắt ngúm, trông nhọ mặt người thì Thảo chợt bừng tỉnh. Cô định thần lại, không biết là đã đi bao xa và đến nơi nào rồi. Bên vệ đường, một người phụ nữ bụng mang dạ chửa đang vật lộn với gánh cỏ nặng. Cô liền ghé vai gánh đỡ, theo người phụ nữ ấy về xin ngủ trọ một đêm. Cứ như thế, cô lang thang hết làng nọ sang làng kia, gặp người cần gánh đất, cô gánh hộ, gặp người cần đào ao, cô đào hộ. Gặp ai cô cũng hỏi có biết nơi nào có bến đò Cây Sung, chùa Trình không. Nhiều người không biết, vài người thì mang máng nó ở đâu đó phía nọ, hướng kia, cứ đi thử xem...
 Cô cứ lần hồi như thế, kiếm từng bữa ăn, từng chỗ ngủ qua ngày và hi vọng may chăng tìm được nơi chôn rau cắt rốn. Lang thang suốt nhiều tháng trời, cuối cùng gặp được một cụ đồ biết gốc tích ngôi làng của Thảo, đã chỉ cho cô tìm về. Khi ấy cô mười tám tuổi, tám năm đằng đẵng lưu lạc xứ người và cũng đã gần đến ngày khai hoa nở nhụy. Về đến quê, bến đò Cây Sung không còn nữa, ngôi chùa cũng đã bị phá hủy. 
Cha mẹ đã mất trong nạn đói. Đó chính là lý do mà sau bao năm đi ở đợ cô không được chuộc về. May là anh chị em trong gia đình đều đã tìm được về làng. Họ vẫn nhớ có một người em gái bị bán đi ở đợ, nhưng chẳng biết ở phương trời nào để tìm. Trở về làng với bụng mang dạ chửa, sau những phút giây gặp lại người thân mừng mừng tủi tủi, Thảo đối mặt với hiện thực cay đắng. Người làng xì xào, bàn tán, chỉ trỏ vì cô "không chồng mà chửa", không biết ở "đầu đường xó chợ" nào mò về làm "ô uế" cả làng. Theo lệ xưa "gái chửa hoang" là phải gọt đầu bôi vôi. Nay không đến mức đó nhưng thành kiến thì vẫn còn rất nặng nề. Anh chị em thương tình, dựng cho cô cái túp lều trên một gò đất, bao quanh là khu đầm hoang, cách làng một đoạn khá xa. Cô mò cua bắt ốc, đốn củi mưu sinh và nuôi nấng đứa con không cha lớn dần lên theo năm tháng. 
Có lần, cô đánh liều tìm về quê chồng, gặp chị Xoan lái đò để hỏi thăm. Đúng như lời lão Hợi nói, chồng Thảo đã bị quan nha bắt đi lính sang mẫu quốc, mẹ chồng cô thì già và lẫn, suốt ngày la khóc hờ gọi con trai và vẫn không thôi chửi con dâu "mất nết, lăng loàn". Dường như  việc nghi cho Thảo có tư tình cộng với con trai phải sang tít tận trời Tây không biết có ngày về đã khiến bà trở nên ngây dại, điên khùng. Thảo không dám gặp mẹ chồng, đứng ngoài hàng rào nghe tiếng bà nói lảm nhảm, chửi lảm nhảm một hồi rồi gạt nước mắt quay đi. 
*
Thảo ở vậy nuôi con suốt nhiều năm trời, và hi vọng một ngày nào đó chồng sẽ tìm đến. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn bặt vô âm tín. Con càng lớn, Thảo càng tắt dần hi vọng. Cả chục năm trời trôi qua, cô nghĩ có thể anh mãi mãi không trở về vì đã chết bên xứ người, hay đã lấy một "bà đầm" và có cuộc sống sung sướng ở trời Tây, hoặc anh đã về quê và có gia đình yên ấm. 
Năm ấy, có rất nhiều thương binh từ chiến trường trở về, ban phụ nữ xã phát động phong trào chăm sóc thương binh. Thấy em gái vò võ một mình, các anh chị trong gia đình đã mai mối cô với một thương binh nặng. Lúc ấy cũng rất nhiều điều tiếng ngăn cản với lý do "cô ta là gái chửa hoang". Nhưng hai người đã tìm hiểu, cảm thông và vượt qua định kiến để đến với nhau. Chỉ có điều anh không còn khả năng sinh con, đứa con trai của cô trở thành con chung duy nhất của hai người, họ hợp nên một gia đình hoàn hảo. Cuộc sống cứ thế trôi đi một cách thanh bình, quá khứ của cô cũng trôi vào quên lãng.
Nhưng Thảo không thể ngờ, cuối cùng cũng có một ngày chồng cô trở về sau khi Pháp bị phát xít Nhật hất cẳng khỏi Đông Dương. Chồng Thảo về quê thì mẹ đã mất, vợ bỏ đi không tung tích. Nghe chị Xoan thuật lại chuyện năm xưa vợ bị nghi oan, anh xót xa lắm, đã cơm đùm cơm nắm đi tìm. Người ta chỉ cho anh một nơi xưa kia từng có bến đò Cây Sung và chùa Trình, anh tìm đến nhưng hỏi mãi không ai biết người nào có tên là Thảo, đành thất vọng ra về.
Lịch sử nhiều biến động đã cuốn con người theo guồng quay của nó, chồng Thảo phải tạm thời gác lại chuyện người vợ cũ cùng đứa con lưu lạc, hòa vào dòng chảy chung của xã hội. Sau khi đất nước độc lập, người dân được làm chủ chưa được ít ngày thì lại lo chuyện kháng chiến chống Pháp. Chồng của Thảo đã nhập ngũ, đi đến tận giải phóng Điện Biên mới về. Sau đó, ông tìm được một người phù hợp, lập gia đình mới. Cuộc đời ông cũng thật kỳ lạ, làm lính cả hai chế độ, rồi phải qua hai lần đò mới yên bề gia thất. Nhưng dù đã có cuộc sống yên ấm, ông vẫn canh cánh trong lòng về người vợ cũ cùng đứa con đã hoài thai năm xưa, mà không biết nó có được may mắn sinh ra trên cõi đời hay không.
*
Nắng chiều tỏa nhẹ trên triền đê. Lũ con nít vừa chăn bò vừa đùa nghịch. Bỗng một ông già có dáng cao lớn, tóc trắng, lông mày trắng, râu cũng trắng xuất hiện hỏi thăm đường. Lũ trẻ thấy người lạ kéo nhau chạy đến, vây quanh. Ông khách hỏi ngõ vào nhà ông Thiện là ông bác của cu Nghĩa. Cậu bé nhảy chân sáo dẫn đường. 
Bữa cơm chiều hôm ấy tại nhà ông Thiện, ngoài vị khách là ông già râu trắng tên Nhân, còn có ông Tâm là ông nội cu Nghĩa được mời  sang uống rượu. Ông Tâm là anh em "đứng nắng" với ông Thiện.
Nghĩa ngồi khoanh tròn bên ông nội mình, vừa gặm đùi gà, vừa nghe lỏm chuyện "chiến đấu" của các ông. 
ánh trăng rờ rỡ trên khoảng sân nhà ông Thiện. Ba người đàn ông ngồi bên nhau, mãi không hết chuyện thời kháng chiến. Đến khi trăng treo trên ngọn cây dừa cao vút, ông khách tên Nhân mới tâm sự:
- Hồi ở cùng đơn vị với bác Thiện, biết bác quê ở vùng này, mấy lần tôi định hỏi bác một chuyện riêng, nhưng chưa kịp lựa lời thì tôi bị thương, về tuyến sau điều trị rồi ra quân. May gặp lại bác trong dịp kỷ niệm thành lập trung đoàn mấy tháng trước, nên tôi nhất quyết đến thăm nhà bác một chuyến. Nói thực là, năm xưa tôi đã từng đến làng này để tìm người vợ cũ, nhưng hỏi mãi chẳng ai biết. Không rõ đến giờ cô ấy ở đâu, còn sống hay đã mất. Nếu còn sống, chỉ cần biết cô ấy hạnh phúc là mừng, nếu không còn nữa, thì biết được mộ nằm đâu để còn thắp được nén hương. Khi bỏ đi, cô ấy đang mang thai đứa con của tôi. 
Ông Thiện nghe xong hỏi: 
- Vợ bác tên là gì?
- Dạ vợ em tên Thảo bác ạ!
Ông Thiện trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:
- Cái hồi chúng tôi còn bé, làng gặp lũ lụt lớn lắm, cuốn hết của cải, ruộng vườn tan hoang. Sau trận lụt, cả làng đói vàng mắt, nhà nào nhà nấy lũ lượt kéo nhau đi, may mắn thì tìm được chỗ ở đợ kiếm miếng cơm, bằng không thì chết đường chết chợ. Có lẽ vợ bác nằm trong số những người ra đi năm ấy đã không trở về, nên chúng tôi không biết. Cái làng này bé tẹo, từ người lớn đến trẻ con ai cũng biết nhau. Sắp tuổi ấy mà còn sinh sống ở làng, thì không có ai tên Thảo, kể cả những người thay tên đổi họ, hoặc gọi thế tên con cả theo phong tục, cũng không có. 
- Vậy chắc là cô ấy đã không về quê, có thể là trên đường về gặp biến cố gì đó, hoặc là đã tìm được chỗ để nương thân... - Ông Nhân thở dài buồn bã. 
Câu chuyện kết thúc khi ông Thiện giục khách đi nghỉ kẻo mệt, ông Tâm thì cõng cu Nghĩa cháu nội đang ngủ gà ngủ gật về nhà.
*
Cả đêm, ông Tâm hầu như không ngủ. Ông cứ trở dậy hút thuốc lào liên tục và suy nghĩ mông lung về câu chuyện của vị khách tên Nhân. 
Bà Duyên vợ ông thấy chồng cứ trở mình liên tục, rồi lại ngồi dậy rít thuốc, khe khẽ hỏi: 
- Ông lại bị bệnh khó ngủ à? Để sáng ra tôi hái nắm lá vông non luộc cho ông ăn.
Ông Tâm bảo: 
- Bà không phải lo, chắc tại hôm qua tôi uống nhiều nước chè tàu thôi mà. 
Chưa sáng, ông Tâm đã rời khỏi nhà. Bà Duyên nghe tiếng gà gáy te te, trở dậy nhìn sang giường chồng chẳng thấy đâu. Bà nghĩ chắc ông không ngủ được nên sáng sớm ra đầm sen đi câu. Bà ngó vào chái hè, vẫn thấy bộ cần, giỏ câu treo ở đó. Bà ngạc nhiên lẩm bẩm:
- Cái ông này, mới sáng chả biết đã đi đâu.
Nhưng cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, bà sửa soạn quang gánh để đi chợ và gọi vợ chồng con trai dậy tới trường kẻo muộn.
*
Bên hiên nhà ông Thiện, vị khách hôm qua đang chào chủ xin phép ra về. Còn vợ chồng ông Thiện thì cứ khăng khăng mời khách ở chơi thêm mấy ngày. Đúng lúc ông Tâm bước vào, giọng gấp gáp: 
- Bác Nhân, xin bác nán lại đã. Tôi có chuyện muốn thưa với bác. Tôi biết người mà bác đang tìm.
Ông khách tên Nhân vừa nghe thấy thế, run bắn lên ôm lấy vai ông Tâm lắc mạnh, miệng lắp bắp:
- Vậy sao? Trời ơi có đúng không vậy? Bác ơi, xin bác chỉ cho tôi đi tìm cô ấy... Cả con cô ấy nữa... không biết... đứa bé...
- Bác đi theo tôi! 
Nói rồi ông Tâm quày quả bước đi. Ông khách tên Nhân cứ lập cập  theo sau như bị thôi miên, còn cả nhà ông Thiện ngạc nhiên nên cũng kéo nhau theo cùng. 
Giờ thì ông Thiện đang đứng trước mặt một người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo, dù tóc đã bạc rất nhiều nhưng nét mặt cho thấy tuổi thanh xuân bà là cô gái rất xinh xắn. Hai người sững sờ nhìn nhau. Bỗng người phụ nữ run bắn lên, chân như muốn khuỵu xuống:
- Có phải... có phải...
 Ông Nhân liền nhào đến đỡ vội lấy bà, nghẹn ngào:
- Thảo! Có phải... có phải Thảo không?
Người phụ nữ chợt òa khóc như mưa, mãi sau mới thốt lên được vài từ:
- Vâng... em đây... Thảo đây!
- Mình ơi... Thảo ơi... tha lỗi cho tôi... Tôi đã đi tìm nhưng ông trời trêu ngươi không cho tôi tìm thấy mình... Nay biết mình còn sống bình yên là tôi mãn nguyện lắm rồi, tôi chết nhắm mắt được rồi!
Cô Thảo - vợ ông Nhân năm xưa, không làm sao kìm được cơn nức nở. Đã gần hết cuộc đời, khi tất cả đã an bài, số phận run rủi lại sắp đặt cho bà gặp lại người chồng cũ trong hoàn cảnh thật trớ trêu. 
Khi đôi vợ chồng cũ đã nguôi cơn xúc động, ông Tâm cất giọng chậm rãi, hơi nghèn nghẹn vì cố gắng nén cảm xúc:
- Bác Nhân, bao năm bác đi tìm không thấy vì tên thật của cô ấy không phải là Thảo. Khi đi ở đợ thì nhà chủ đổi tên để khỏi phạm tên cụ cố nhà họ. Sau này về lại quê cũ thì mọi người chỉ gọi theo tên cha mẹ đặt. 
Nãy giờ ông Nhân không để ý còn có một chàng trai cũng có mặt ở đây. Ông Tâm cầm tay chàng trai đặt vào bàn tay ấm nóng của ông Nhân, lên tiếng một cách khó khăn, lúng túng:
- Cha đẻ của con đây, con gọi cha đi.
Ông Nhân nhìn chằm chằm vào chàng trai, thấy rõ mồn một hình bóng người cha của mình trong đó: dáng thư sinh, gương mặt cương nghị, mắt to và sáng... Cha ông đã mất sớm, nhưng chàng trai này làm cho ông tưởng như người cha ấy đang đứng trước mặt mình. Ông ôm chầm lấy chàng trai nức nở:
- Con! Đúng đứa con trai lưu lạc của tôi đây rồi! Con giống hệt ông nội của con thời trẻ! 
Quả thật hai cha con họ giống nhau như hai giọt nước. Trong vòng tay ông Nhân, chàng trai ngỡ ngàng nhìn sang mẹ. Người phụ nữ không thôi gạt nước mắt, nói: 
- Con, đây chính là cha đẻ của con.
Với giọng nói nghèn nghẹn, người con trai lên tiếng:
- Cha! Cha còn sống đây sao? Mẹ đặt tên con là Đức, cha ạ! Sau này con có nghe mẹ kể về cha và nói tên con là do cha đặt trước cả lúc mẹ hoài thai con.
- Đức! Đúng rồi, Đức! Cha từng dặn mẹ khi nào có con thì đặt tên là Đức, vì cha là Nhân nên con phải tên là Đức, Nhân - Đức! 
Cả gia đình ông Thiện từ già đến trẻ quây cả lại, ai cũng ngỡ ngàng, chỉ biết rơi nước mắt trước cảnh huống bất ngờ và xúc động này. Hồi lâu, ông Nhân rụt rè hỏi:
- Bao lâu nay mẹ và con sống thế nào? Hai mẹ con...  hạnh phúc chứ?
Hai mẹ con Đức im lặng, họ không biết trả lời thế nào trước câu hỏi của ông Nhân. Đức nhìn sang ông Tâm, mỉm cười chờ đợi.
- Bác Nhân... vợ con bác... giờ... là gia đình của tôi... Gần 30 năm nay tôi thay ông làm cha thằng Đức! 
Ông Nhân lặng đi, rồi như bừng tỉnh. Ông quỳ xuống, chắp tay, dập đầu lạy người chồng của vợ cũ trong cơn nghẹn ngào: 
- Anh ơi, xin anh nhận của em một lạy này. Vậy là vợ con em vẫn còn sống và đã được anh cưu mang, đùm bọc, cho họ một mái nhà hạnh phúc!
Ông Tâm vội vàng đỡ ông Nhân dậy:
- Con trai tôi đã tìm được cha đẻ của nó để biết được gốc tích cội nguồn. Đó cũng là điều tôi băn khoăn suốt bao năm trời mà không giúp được nó. Nay bác đã tìm đến đây rồi, thật là may mắn! Tuy bấy lâu thằng Đức là con tôi, nhưng tôi vẫn để nó mang họ bác. Nước phải có nguồn, cây phải có cội... Tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó thằng Đức con tôi  tìm ra tổ tông của mình.
Sáng hôm sau, bố mẹ cu Nghĩa xin nghỉ dạy ở trường cấp ba trên huyện, cả buổi chạy qua chạy lại các nhà anh em xóm giềng: "Mời bác, chú... sang uống chén rượu mừng nhà cháu đoàn viên". Ông Tâm cầm cây gậy, đứng dưới gốc cau chỉ lên cái buồng lớn nhất, sai thằng cháu họ "trẩy xuống cho ông tiếp khách".
Anh em họ mạc ùn ùn kéo sang, lạ lẫm chứng kiến câu chuyện có một không hai, y như tiểu thuyết: Anh Đức - giáo viên dạy văn, đứa trẻ không cha được sinh ra ở căn lều bên đầm hoang năm xưa - nay đã tìm thấy cha đẻ của mình. Những người lớn tuổi lật lại trí nhớ: cái cô Duyên "không chồng mà chửa" ngày trước hóa ra phải chịu điều tiếng oan nghiệt đến tận bây giờ mới được gỡ bỏ! 
Cu Nghĩa nhảy lon ton từ sân ra cổng, gặp ai cũng khoe nhặng lên: "Cháu có tận hai ông nội và một bà nội! Hai ông nội của cháu hồi xưa đều đi "bồ đội" đánh Tây. Ai đánh Tây cũng giỏi hết, ai cũng có rất nhiều huy chương nhé!" 
*
Và giờ thì những nhân vật làm nên câu chuyện này đã về với tiên tổ.  “Cu Nghĩa” đã ở tuổi thất thập cổ lai hi. 
Ông Nghĩa đang ngồi trước mặt tôi. Ngày tết, tôi từ thành phố về thăm nhà, thường sang chơi mừng tuổi ông, vì ông là bác họ của tôi. Hôm nay vui chén rượu xuân, ông hào hứng kể lại câu chuyện thời quá khứ của ông bà mình, nó đã có cái kết rất có hậu bởi cách ứng xử nhân văn của mỗi nhân vật trong đó. Ông khoe, năm nào cũng vậy, ông đều bố trí cho con cháu về thăm quê cha đất tổ dù các cụ không còn nữa. Ông nói tôi là người chữ nghĩa, giúp ông viết một cái gì đó để lưu lại, nhằm nhắc nhở con cháu biết sống nhân hậu như các cụ thuở trước và luôn  nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Và đây là lý do để tôi viết truyện ngắn này gửi tới các bạn. 

Mai Hương


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 75
 Hôm nay: 3728
 Tổng số truy cập: 13620238
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa