Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Nơi biển đảo có mặt trời của mẹ - VI CẨM HIẾU
Nơi biển đảo có mặt trời của mẹ - VI CẨM HIẾU

       Người khách cuối cùng đã xuống thang. Tôi chỉ còn lại một mình. Đêm đã rất sâu. Không gian tĩnh mịch, nặng nề. Trải tấm đệm bông lau ra sàn nhà rồi đi nằm, tôi định sẽ ngủ cho hết phần đêm còn lại. Mọi thứ ngày mai sẽ tính tiếp. Bởi vì từ ngày mai: chân tay, mồm miệng, đầu óc của tôi đều đã bị thừa ra. Không còn việc gì cho tôi làm! Không phải lên lớp. Không còn được cười nói, giận hờn, mắng mỏ, yêu thương lũ học trò nhỏ của mình nữa. Cũng không biết từ đêm mai cho đến hết cuộc đời mình tôi sẽ trải tấm đệm nhỏ này ở đâu để ngả lưng mỗi khi đêm xuống? Hóa ra điều mà vài năm nay thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến đã đến thật rồi! Từ ngày mai tôi là một người đàn bà không gia đình, không nhà cửa, không chồng con, cũng không có bất cứ một người thân nào bên cạnh!
       Tôi cố ngủ để có thể tạm thời quên đi hoàn cảnh của mình nhưng vẫn không sao ngủ được. Tôi cứ nghĩ mãi đến một người. Một người mà cả đời tôi chưa từng được biết mặt, biết tên. Người đó là mẹ tôi. Mẹ đã bao giờ nhớ đến tôi? Đã bao giờ bà lo lắng, phiền muộn vì tôi dù chỉ một lần? Tại sao bà lại bỏ rơi tôi? Đó là câu hỏi mà cả đời tôi không tìm được câu trả lời! Tôi chỉ biết mình đã lớn lên từ một trại trẻ mồ côi. Đến tuổi trưởng thành, tôi không lấy được chồng nên cũng chẳng có con. Phải sống cô đơn một mình cho đến hết đời! Đó là cái giá mà tôi phải trả nợ cho tiền kiếp của mình? Nhiều lúc tôi đã nghĩ thế cho cam lòng, nhưng làm sao mà biết được kiếp trước mình đã nợ ai và nợ những gì? Còn được đi dạy học, tôi còn có học sinh, có bạn bè, đồng nghiệp. Từ ngày mai tôi đã là kẻ trắng tay.
       Gần nửa năm trước, bạn bè, nhà trường rồi phòng Giáo dục huyện bảo tôi xứng đáng được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần này. Họ nói: Tôi đã đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục của miền núi đến quên cả hạnh phúc của riêng mình. Tôi không nói gì. Bởi vì họ không phải là tôi. Tôi đâu có quên hạnh phúc của mình? Tôi vẫn mỏi mòn chờ đợi nó! Tôi đợi mãi, đợi mãi cho đến lúc đã trở thành một người phụ nữ quá lứa, lỡ thì vẫn không có người đàn ông nào đến xứ Mường này tìm tôi và ngỏ lời muốn cưới tôi làm vợ. Khi còn trẻ, phải sống đơn lẻ một mình nhưng ít khi tôi nhận ra là mình đang cô độc. Tôi rất bận. Công việc đã cuốn tôi đi và cuốn theo cả mọi sự buồn phiền. Ngoài việc lên lớp, tôi đã không ngại đi đến những ngôi làng heo hút, hẻo lánh nhất của Mường Chiềng, trèo qua những con dốc dựng đứng, lội qua các con suối đục ngầu chảy xiết vào mùa lũ để tìm đến các đám rẫy rồi gom, nhặt từng đứa trẻ con nhà nghèo, đưa chúng về trường chia sẻ cho chúng từng bát cơm, dạy cho chúng từng con chữ. Lúc ấy tôi đã nghĩ: Khi bằng tuổi bọn trẻ mà tôi đã đùm bọc bấy lâu tôi chỉ là một đứa cù bơ cù bất, nếu không có người giơ tay ra nắm lấy tay tôi thì cuộc đời tôi sẽ ra sao? Nghĩ thế và tôi đã làm những việc mà tôi đã làm. Chỉ thế thôi nhưng mãi rồi tôi cũng nhận ra: Tôi không thể sống thiếu được những đứa học trò! Tình cảm của tôi đối với những đứa trẻ ở xứ Mường này nhiều lúc rất giống với tình mẫu tử. Đã là tình mẫu tử thì người mẹ không bao giờ tiếc công, tiếc của đã bỏ ra để lo chuyện ăn, chuyện học cho những đứa con mình. Đồng lương của một cô giáo vùng cao chi tiêu không đáng là bao. Tôi không phải là một người ham chơi để nay đến chỗ này, ngày mai dong chơi, thăm thú chỗ khác đến nỗi phải tiêu pha tốn kém nhưng tiền vẫn là thứ mà tôi luôn bị thiếu hụt. Quyển vở, cây bút, những bữa ăn, thậm chí cả những viên thuốc cho những đứa học trò nghèo lúc trái gió trở trời đều trông cả vào mỗi tháng lương của cô giáo. Hơn ba mươi năm dạy học ở Mường Chiềng tài sản của cô giáo không có gì đáng giá ngoài một cái xe đạp Thống Nhất được phân phối từ hồi còn bao cấp với những chồng thư cứ dầy lên mỗi ngày của những đứa học trò nhỏ năm xưa bây giờ đã trưởng thành từ khắp nơi gửi về. Tôi vui vì chuyện này và cũng rất hài lòng với cách mà mình đã chọn để sống. Năm tháng bình yên và lặng lẽ qua đi. Nhiều người trong số những học trò yêu năm trước bây giờ là đồng nghiệp của tôi. Hiệu trưởng ngôi trường này cũng trong số ấy. Mọi người đã xúm nhau vào làm hồ sơ và khai thành tích cho tôi. Lọt qua vòng xét đầu tiên một cách dễ dàng và cuối cùng sự mong chờ của những người yêu quý tôi cũng được đền đáp. Mấy ngày hôm nay nhà tôi luôn chật ních người. Rượu cần cả chục vò lớn được cha mẹ học sinh đem đến. Một con lợn to thả rông của nhà Trưởng bản Chiềng Va được ngả ra. Những bữa ăn đạm bạc, nhưng đậm chất Mường Chiềng rôm rả suốt hai ngày để mừng tôi được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và được... nghỉ hưu đợt này, nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Bây giờ tôi chỉ còn trơ lại một mình. Cũng đến lúc này tôi mới nhận ra rằng: Cuộc sống của một người đàn bà đơn thân lúc tuổi đã cao, sức đã yếu quả là rất khó khăn.
       Đêm cứ tàn dần. Ngoài kia gió vẫn đứng im. Phía đông làng Chiềng Va, trên bầu trời cao vời vợi và rất quang mây, những vì tinh tú cũng đã lặn sâu vào vùng bình minh đỏ ối đang lên. Lăn lóc mãi trên đệm và suy nghĩ đến mê muội cả đầu óc vẫn không ngủ được. Tôi trở dậy rồi lên cửa voóng đón bình minh. Đi nhanh và cũng khá lập cập nên chân tôi đụng phải những bó hoa tươi trên cửa sổ của ngôi nhà rộng. Giữa những bó hoa tôi nhìn thấy có một phong bì thư cỡ lớn được gửi đến bằng đường bưu điện. Nó đến từ bao giờ mà tôi không biết? Tôi ngồi xuống và rút bì thư ra khỏi những bó hoa. Người gửi có cái tên khá quen thuộc. Tôi vẫn nhớ và ngày nào cũng mong nhận được tin tức của cậu bé này. Tôi vội vàng bóc phong bì. Một bức thư và một tấm bằng khen còn thơm mùi mực hiện ra. Tôi run bắn cả người. Tấm bằng khen của Bộ Tư lệnh Binh chủng Hải quân Việt Nam tặng cho chiến sĩ Bùi Văn Thành: “...đã có thành tích trong công tác bảo vệ sự bình yên của biển đảo Tổ Quốc”. Cậu bé đã gửi về tặng lại cô giáo của mình. Món quà bất ngờ và độc đáo của Thành làm tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi đã khóc. Tôi khóc còn vì từng câu, từng chữ trong thư Thành đã viết. Con đã gọi tôi bằng Mẹ! Tiếng Mẹ lúc này thiêng liêng như muốn xé nát tim tôi. Tôi khóc rất lâu. Càng khóc tôi càng thấy lòng mình yên ổn, hạnh phúc! Thật không ngờ là đúng giây phút tôi cảm thấy rất cô đơn, rất khó mà sống tiếp được khi phải xa cái gia đình lớn là ngôi trường mà tôi đã gắn bó hơn ba mươi năm và những đứa trẻ tôi coi như máu mủ, ruột thịt của mình thì tôi lại có được hạnh phúc lớn lao này. Tôi được làm mẹ! Tôi có một đứa con trai! Con trai tôi ở phía bình minh đang lên. Nó là một người lính biển: "...Trong lý lịch quân nhân của mình con đã ghi tên mẹ. Mẹ là người đã sinh ra con một lần nữa, đã cho con cuộc đời rất đẹp này... Mẹ ơi! Mẹ biết không: ngày đầu tiên lên tầu ra biển, con bị say sóng đấy. Con sợ say sóng lắm. Những lúc bị say sóng con lại nghĩ đến mẹ. Con lại cảm thấy như đang có mẹ ở bên. Bàn tay mẹ mới ấm áp làm sao? Con cảm nhận được tình thương yêu của mẹ lúc mẹ lau mồ hôi trên trán con, lúc mẹ bón cho con từng thìa cháo, những đêm mẹ thức trắng bên con... Con ở ngoài này bận lắm, bọn “cá độc” cứ lượn lờ suốt... chuyện vợ con của con phải nhờ cậy mẹ thôi. Mẹ nhớ chọn một cô con dâu thật xinh mẹ nhé. Xinh và phải ngoan hiền nữa. Một người lính biển luôn phải sống xa nhà như con nếu có được một người vợ đảm để chăm lo cho mẹ lúc tuổi già, sức yếu thì con sẽ rất yên tâm mẹ ạ... Người con dâu ngoan hiền mà mẹ chọn sẽ sinh cho mẹ hai đứa cháu nội như hai thiên thần. Con dâu sẽ chăm sóc cho mẹ chồng thật chu đáo. Các cháu nội sẽ tíu tít bên bà, sẽ được bà nuôi dạy cho nên người như cha nó... Các bạn con, những lớp học trò yêu của mẹ sẽ cùng nhau lo cho mẹ một nơi ở ổn định để mẹ nghỉ ngơi sau những năm tháng nhọc nhằn. Mẹ đồng ý không...". Tôi đọc đi đọc lại thư con đã viết cho tôi. Đọc và khóc. Khóc chán rồi tôi lại cười. Cười hạnh phúc trong đầm đìa nước mắt. Tôi quỳ xuống sàn nhà và xiết chặt tấm bằng khen và bức thư của Thành vào trái tim mình như đã từng ôm đứa học trò của tôi vào lòng lúc nó vật vã trong cơn đói thuốc. 
                                                                      *
       Một đêm tối trời vào tiết Thu năm ngoái. Trời se lạnh. Trằn trọc mãi nhưng vẫn không tài nào chợp được mắt. Tôi trở dậy đốt đèn ngồi dệt thổ cẩm. Ngồi vào khung cửi rồi nhưng không thể tập trung được vào công việc. Luồn sợi, đưa thoi lần nào cũng lỗi. Tôi đang phát cáu lên với chính mình thì nghe có tiếng lịch kịch dưới chân thang rồi nhanh như chớp, một bóng người ngã vật xuống sàn, ngay gần sát cửa man. Tôi còn chưa hết bàng hoàng thì người mới lên thang đã nói. Giọng cậu ta rất gấp:
       - Cô giáo à! Cô hãy cứu em. Cô lấy dây thừng trói chặt em vào cột nhà, nhanh lên! Nhanh lên không thì không kịp nữa cô ơi!
       Tôi chạy ra rồi lại chạy vào. Tôi không thể nhận ra người khách lạ bất ngờ này là ai? Tại sao cậu ta xông vào nhà tôi giữa lúc nửa đêm rồi cứ cuống cuồng giục tôi trói chặt mình vào cột nhà? Tôi càng ngạc nhiên, càng luống cuống thì cậu ta càng giục:
       - Chỉ có cô mới giúp được em thôi! Nhanh lên cô ơi. Cô trói em lại đi mà! Em đến cữ rồi. Cô sẽ không làm được gì nếu em đến cơn vật thuốc. Cô hãy cứu em!   
        Tôi lập cập hỏi: 
       - Cậu... cậu là ai? Sao cậu lại đến tìm tôi vào giờ này?
       - Cô quên em thật rồi sao? Cô đã từng tặng em một cái tát nổ đom đóm mắt trong bãi vàng Kịt Toong Hoong rồi mà! Nhớ mãi cái tát ấy của cô nên em mới tìm đến đây để nhờ cô giúp đỡ!
       Tôi cố vắt óc ra mà nghĩ. Nghĩ mãi rồi cũng nhớ ra. Sáu bẩy năm rồi còn gì nữa! Chuyện xảy ra vào giữa tiết tháng Ba. Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp cấp hai. Lớp tôi thiếu một học trò. Cả tuần rồi nó không đến lớp. Không ai biết vì sao thằng bé bỏ học. Tôi đến tận nhà cậu học trò này để tìm hiểu xem sao? Ông bố đang nhàn tản cắt tỉa hoa phía trước sân ngôi biệt thự sang trọng của mình. Vừa nghe tôi nhắc đến tên Thành ông ta đã tỏ ra rất khó chịu: 
       - Chết tiệt! Tôi làm sao mà biết được.
       Chỉ như thế rồi ông ta quay sang tiếp tục công việc cắt tỉa hoa của mình, bỏ mặc tôi đứng trơ ra trước cổng. Ngày hôm sau Già làng Chiềng Va cho người đến tìm tôi báo một tin buồn: Học sinh Bùi Văn Thành đã đi theo một Bưởng vào trong hang Kịt đào vàng. Tôi rụng rời cả chân tay. Không kịp nói với ai, tôi vội vàng đạp xe vào tận Kịt Toong Hoong để tìm thằng bé. Hỏi thăm mãi, cuối cùng thì người ta cũng chỉ cho tôi tới một lò nơi Thành đang chui xuống sâu khoảng gần mười mét để tìm vàng cho Bưởng. Không còn cách nào khác là ngồi đợi cho đến khi thằng bé từ dưới hố tử thần chui lên. Suốt một ngày chạy ngược, chạy xuôi rồi chờ đợi. Suốt một ngày phải nhịn đói, chịu khát. Cuối cùng tôi cũng gặp được Thành. Trời tối nhá nhem mới thấy thằng bé từ dưới lòng đất nhô đầu lên. Vừa nhìn thấy cái đầu lấm lem và khuôn mặt tái xanh, bơ phờ vì lao động quá sức dưới hầm lò của nó tôi đã giận sôi lên sùng sục. Không kịp nói câu nào tôi đã lao đến, túm lấy mái tóc rối bù của cậu học trò tội nghiệp rồi giang thẳng cánh, tát bốp vào mặt nó. Vừa thở hổn hển tôi vừa gầm lên:
       - Muốn sống thì trở về nhà ngay! Về mà đi học.
       Tôi chỉ nói thế rồi đùng đùng bỏ đi. Vì tôi biết tất cả đều phải phụ thuộc vào thằng bé thôi. Nó đã bán mình cho quỷ dữ thì không dễ gì mà quỷ lại tha cho nó. Những thằng làm bưởng ở mỏ vàng Kịt là những con quỷ đội lốt người khét tiếng. Công an truy quét còn khó khăn nữa là hạng tôi? Nếu thằng bé không muốn bị vùi mất xác dưới hố sâu trong khe núi, hay trở thành kẻ nghiện ma túy, nghiện cờ bạc thì phải tìm mọi cách mà trốn khỏi Kịt. Tôi chỉ còn cách trở về rồi nhờ đến công an cứu nó khỏi cái nghĩa địa tối tăm này. Mấy ngày liền tôi đứng ngồi không yên. Mươi ngày sau thì thấy Thành đến lớp. Thằng bé chiếm chỗ ngồi của một bạn ở cái bàn cuối cùng. Từ đấy cho đến ngày bế giảng, nó không nói với tôi câu nào. Tôi kiểm tra bài nó cũng không đứng dậy trả lời. Ân hận và cũng lo lắng vì chuyện tôi đã tát Thành. Nếu thằng bé mà đem chuyện này nói với ai đó rồi đến tai nhà trường thì tôi buộc phải thôi việc là cái chắc. Bạo hành với học trò là một tội nặng đối với người làm thầy nên tôi cũng không dám gây căng thẳng với cậu ta. Thật không ngờ, sáu, bẩy năm sau cô, trò chúng tôi lại gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như thế này. Tôi kinh ngạc kêu lên:
       - Lạy ma nhà linh thiêng! Là em sao hả Thành? Cũng lâu lắm rồi mà.  Sao lại ra nông nỗi này Thành ơi!
       Thành khóc. Nó khóc như đứa trẻ bị một trận đòn oan. Vừa khóc Thành vừa nói với tôi trong nước mắt:
       - Chuyện dài lắm. Em sẽ kể sau. Bây giờ cô giáo hãy giúp em cai nghiện! Em muốn làm lại cuộc đời. Cô trói em vào cột nhà đi cô. Phải nhanh lên mới kịp!
       Tôi càng lập cập hơn. Tôi không còn đủ tỉnh táo nên cứ làm theo lời Thành một cách máy móc. Tôi nghe nói đến người nghiện đã nhiều nhưng chưa bao giờ chứng kiến một con nghiện lúc lên cơn đói thuốc. Tôi lo sợ nhưng không nỡ bỏ mặc Thành, nhất là nó lại đến để cầu cứu cô giáo cũ giúp mình. Nó muốn cai nghiện! Cũng không muốn ai biết Thành đang ở nhà Văn hóa của làng Chiềng Va trong hoàn cảnh này nên tôi dìu con vào căn buồng nhỏ của mình ở mãi tận phía cuối nhà rồi lấy hai cái dây tênh bằng lụa tơ tằm trói Thành vào cây cột lim ở một góc buồng. Lúc dìu nó đi, con cứ co quắp trong tay tôi khiến tôi rất khó cầm lòng. Chỉ còn mươi phần tỉnh táo nhưng Thành vẫn cố lết đi từng bước ngắn trên sàn nhà cho tôi đỡ nặng, cố ngồi im để tôi trói nó vào cột nhà. Trước cử chỉ của Thành, tôi biết việc thằng bé muốn cai nghiện là không giả dối, vả lại nó cũng đã kể vắn tắt cho tôi nghe lý do tại sao nó đến đây tìm lại cô giáo cũ của mình:
       - Giáp tết có một đợt tuyển quân. Sau tết sẽ lên đường cô ạ. Đợt này tuyển quân để bổ sung cho các vùng biển đảo. Bố em đã thu xếp cho em trúng tuyển đợt này. Ông ấy nghĩ rằng: Nếu đẩy được em đi đâu đó thì sẽ tốt cho mình. Nếu đi ra biển thì càng tốt hơn. Ngoài ấy bốn bề là biển cả. Không thể che đậy được là mình bị nghiện thì em có thể nhảy xuống biển mà chết cho ông ta nhẹ nợ.
       Tôi kêu lên:
       - Trời đất ơi! Tại sao lại có người muốn lấy vải thưa che mắt Thánh thế hả trời? Tại sao bố em làm như thế mà em lại muốn nghe theo hả Thành?
       - Nếu muốn nghe theo thì em đã chẳng đến đây tìm cô giáo làm gì? Biển đảo của chúng ta hiện nay đang rất cần người. Em thật sự muốn đi ra biển. Nếu em cai nghiện thành công, em được trở lại làm một thanh niên bình thường, khỏe mạnh thì biển không chối bỏ em. Đúng không cô giáo?
       Tôi lẩm bẩm một mình:
       - Mụ Dạ Dần ơi! Xin Người phù hộ cho thằng bé khốn khổ này. Nó thật sự muốn đi ra biển! Con sẽ giúp nó cai nghiện thành công!
       Thành ngạc nhiên nhìn tôi:
       - Cô giáo nói gì thế ạ?
       Tôi thở dài:
       - Thành à! Cô cũng có nghe nói nhiều về bố em. Quyền ông ta rất lớn. Tiền cũng nhiều vô kể. Nhưng dù sao thì ông ta cũng không phải Lang Cun Cần(*) hạ thế về xứ Mường này nên muốn làm gì cũng được.
       Thành cười đau đớn:
       - Con người này có rất nhiều thủ đoạn. Ông ta có thể dùng quyền và dùng tiền để thao túng mọi việc một cách dễ dàng thôi cô ạ! Trong chuyện này cũng thế. Nếu đơn vị ngoài ấy phát hiện ra là em bị nghiện thì ông ấy sẽ chối bay chối biến. Thậm chí còn đổ lỗi cho bộ đội nữa cô ơi! Ông ta sẽ la lối om xòm khắp nơi: Em bị nghiện là do đơn vị quản lý chiến sĩ mới không nghiêm. Bố em rất giỏi đùn đẩy những việc làm xấu xa của mình vào tay người khác. 
Những câu hỏi của tôi làm Thành rất mệt. Thằng bé ngáp liên tục. Gãi liên tục. Nhiều lúc nó cong người lại, cả tứ chi cứ giật nẩy lên. Thành ra hiệu cho tôi nhét một thứ gì đó vào miệng để nó khỏi la hét váng nhà. Tôi làm theo lời Thành, nhét vào miệng con một chiếc khăn sạch rồi ôm đứa học trò nông nỗi của mình vào lòng. Nước mắt tôi chảy tràn ra:
       - Thành à! Tất cả đều phải trông chờ vào nghị lực của em thôi. Em đã thoát được khỏi hố đào vàng hang Kịt thì cũng có thể thoát ra được khỏi kiếp nạn này. Hãy cố lên em! Cô giáo sẽ giúp em cai nghiện.
       Tôi không phải người Mường Chiềng, nhưng ngoài hai mươi tuổi tôi đã đến xứ Mường này và trụ lại đây. Tôi đã uống nguồn nước người Mường Chiềng đã uống. Tôi đã ăn cơm của người Mường Chiềng đồ trong cái hông bằng gỗ, đã ngủ trên sàn một ngôi nhà gác của người Mường Chiềng khi mới từ trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh về đây. Ngôi nhà sàn đầu tiên mà tôi đến ở là của một ậu mo già. Tôi ở nhà ậu mo từ lúc mới đặt chân đến Mường Chiềng cho đến khi ậu về ở Mường Trời tính ra cũng lâu tới cả chục năm. Những ngày không phải lên lớp, tôi thường theo ậu lên núi hái lá thuốc nam. Dần dần ông lão hiền lành và phúc đức này cũng chỉ bảo cho tôi biết và nhận mặt được những cây thuốc quý. Trong những cây thuốc quý ậu đã dạy cho tôi có một loại rễ cây rất hiếm. Loại cây này thường bám chặt lấy những vách đá cheo leo trên các sườn núi đá vôi. Càng ở trên sườn núi cao càng tốt vì loại cây này ưa lạnh. Lá cây chỉ hút sương lạnh mà sống và phát triển. Nếu lấy được rễ của cây này đem về rang vàng, hạ thổ rồi sắc lên uống, chỉ vài bát là chất độc trong người sẽ được thải ra bằng hết. Tôi cũng không chắc lắm là thứ thuốc nam gia truyền này của ậu mo Mường Chiềng có giúp được Thành thoát khỏi chất độc hại khủng khiếp của ma túy đã ngấm vào máu của con không? Bởi vì thời ấy ậu chưa từng phải cai nghiện cho ai. Hơn nữa, bây giờ tuổi tôi cũng đã khá cao. Để leo lên các vách núi mờ mịt mây kia cũng khó bằng trèo lên tít tận trời cao mà hái một nắm sao đem xuống, nhưng không còn cách nào khác nên tôi phải thử xem sao? 
       Cuộc vật lộn sinh tử của cô trò tôi tưởng như là vô vọng. Nhưng bằng nghị lực phi thường của con, bằng sự cố gắng hết sức mình của tôi, mươi ngày sau Thành đã cắt cơn. Thời gian Thành cai nghiện, tôi không thể bỏ dạy học ở nhà để dồn hết thời gian vào việc chăm sóc cho con nhưng ban đêm thì hầu như tôi không được ngủ. Việc lo ăn, lo uống, lo vào rừng lấy thuốc về nấu cho con uống mỗi ngày tôi phải thu xếp thời gian thế nào cho thật hợp lý. Tôi không thể cứ trói Thành vào cột nhà được mãi. Chỉ sau khi Thành đến một ngày tôi đã nhờ người làng Chiềng Va đóng một cái cũi bằng cây song tre già rất rộng rồi để Thành chui vào trong cũi. Tôi khóa cũi rồi giấu chìa khóa ở trường. Mọi sinh hoạt của Thành đều diễn ra trong cũi. Cuối cùng thì Trời cũng thương người biết quay đầu lại. Gần một tháng là thằng bé đã trở lại như một người bình thường. Con đã ăn được vài bát cơm mỗi bữa, ngủ được mươi tiếng đồng hồ mỗi đêm, nhưng thằng bé vẫn nhất định không chịu ra khỏi cũi. Con nói với tôi: Một tháng là ranh giới quá mỏng manh. Thời gian chưa đủ để con dứt khoát chia tay với quá khứ nghiện ngập của mình. 
       Vài tháng sau.
       Một hôm tôi ở trường về. Về gần đến cổng thì tôi nghe có tiếng hát trên sàn. Một giọng nam trầm rất đẹp. Thành đang hát! Con hát rất say sưa: "...Tôi lắng nghe... Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình...". Tôi không thuộc ca khúc này nên không biết câu nào là nguyên bản, câu nào là dị bản của Thành nhưng từng câu, từng nốt nhạc đều được con hát bằng cả trái tim mình khiến tôi rơi lệ. Tôi gần như nhảy bổ lên sàn. Con ôm chầm lấy tôi rồi vừa khóc vừa nói: 
       - Nhất định là con sẽ trúng trong đợt tuyển quân này cô ạ. Con sẽ xứng đáng. Cô hãy tin con! 
        Tôi cười sung sướng:
       - Tuổi trẻ các con đôi lúc cũng bị mắc những sai lầm vì nông nổi, bồng bột, nhưng khi mà Tổ quốc cần, các con tự biết sửa mình để trở thành một công dân tốt thì còn gì bằng nữa Thành ơi! Cô giáo tin con mà.   
       Thành nói:
       - Những lúc nằm trong cũi giống như một con chó ốm con mới thật sự cảm thấy đau lòng vì quá khứ của mình. Chỉ ngắn ngủi thôi nhưng vẫn là một vết nhơ bám theo con suốt cả cuộc đời cô ạ. Nếu con trúng tuyển vào bộ đội Hải quân lần này thì đó là nhờ vào phúc đức của cô giáo cả. Nhất định con sẽ gột rửa vết nhơ quá khứ của mình bằng sự nỗ lực cao nhất để góp phần giữ gìn sự bình yên của biển đảo Tổ quốc và cũng để trả nghĩa cho cô giáo. Con hứa với cô như thế? 
       Tôi nắm chặt tay Thành và thật sự không biết nói gì với con lúc này. Thấy tôi im lặng. Thành nói tiếp. Con rất tự tin:
       - Ngày mai con phải ghé về nhà mấy hôm. Con về xem ông bố con viết kịch bản và đạo diễn vở kịch về vụ khám tuyển nghĩa vụ này của con ra sao? Xong xuôi rồi con sẽ lên ở trên này với cô giáo cho đến khi con ra biển. Được không cô?
       - Được chứ? Nhưng... nhưng con vẫn muốn nhận vai diễn này à?
       - Chứ sao! Đấy rồi cô xem. Con sẽ diễn rất hay nữa là đằng khác.
       Tôi bảo: Cô sẽ chuẩn bị thật chu đáo cho chuyến trở về của con. Nó gạt đi:
       - Không cần đâu cô ơi! Lúc này con cần phải nhếch nhác hơn thì mới đủ để ông bố tài ba của con có cảm xúc mà viết một kịch bản thật hay chứ!
       Bỗng nhiên Thành đổi giọng. Nó dằn từng tiếng:
       - Con rất muốn ông ấy bị tóm gọn vì tội hối lộ, tội muốn đem cái thứ rác rưởi là đứa con nghiện ngập của mình đẩy ra biển để vừa làm mất danh dự bộ đội Hải quân của con vừa làm ô nhiễm môi trường biển của chúng ta.
       Tôi giễu Thành để con nguôi giận:
       - Bộ đội Hải quân của con à?
       Thành vênh mặt lên một cách rất đáng yêu:
       - Chứ sao! Cô vẫn tin là con sẽ trúng tuyển đợt này mà? 
       Tôi cười.
       Đợt khám tuyển vào giáp Tết Nguyên đán Thành đã trúng tuyển. Tất cả con đều đạt hạng A. Hạng A về sức khỏe. Hạng A về chiều cao, cân nặng. Ngày mai con lên đường, đêm nay hầu như cả hai cô trò chúng tôi đều không ngủ. Con nói rất nhiều về biển, tuy rằng cho đến tận lúc ấy con chưa ra biển lần nào. Con bảo với tôi. Con yêu biển, và con hạnh phúc khi được làm một người lính biển.
       Tôi nắm chặt tay con:
       - Con à! Hạnh phúc ở rất gần ta. Muốn có được hạnh phúc thì cứ dang rộng vòng tay ra là hạnh phúc sẽ ùa vào nhưng... nhưng đôi bàn tay của vòng tay ấy nhất định phải là đôi bàn tay sạch... 
       Con xòe rộng bàn tay và nhìn rất lâu đôi bàn tay của mình rồi ôm chặt lấy tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không biết mình đã nói với con hay nói với chính mình lúc ấy? 
                                                                                                                   Biển, tháng 7-2016  
                                                                                                                       Vi Cẩm Hiếu

                       
*Một nhân vật huyền thoại trong Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" của người Mường.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 43
 Hôm nay: 2712
 Tổng số truy cập: 13619222
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa