Truyện ngắn
Sông Yên, một con sông lớn ở đầu miền Trung, nó cũng bình thường như mọi con sông khác. Trong thời đánh Mỹ, sông Yên là cả một chuỗi câu chuyện như huyền thoại, dù kể đến nghìn lẻ một chuyện cũng chưa hết. Dưới đây là một trong chuỗi chuyện ấy.
Làng Vân khiêm tốn nép mình trong lũy tre bao bọc, phía sau những rặng phi lao chắn gió, rừng sú vẹt chắn sóng. Dân làng Vân thủy chung với nghề làm muối, mồ hôi trên áo họ còn mặn hơn cả muối, vất vả là thế nhưng hết mùa muối thì cũng hết ăn, trai tráng trong làng đi sơn tràng, đàn bà, con gái đi buôn vặt hoặc mò cua bắt ốc… Cứ thế cuộc sống của dân làng tuy nghèo nhưng yên ả từ đời này qua đời khác. Thế mà đảo lộn tất cả khi giặc Mỹ cho máy bay phá hoại miền Bắc.
Để bớt vắng vẻ và cũng thể theo yêu cầu của xã, mẹ Tâm dành hẳn năm gian nhà trên cho đội cầu phà ở. Đây là ngôi nhà gỗ truyền đời để lại với những cột lim cả một vòng tay ôm, kèo, xà, bẫy, kẻ, ván thưng cũng đều là gỗ lim, mái lợp kè, mỗi lá kè được dằng vào dui, mè bằng một cái lạt giang luộc kỹ, to như cái đũa… Đó là ngôi nhà đủ sức chống trọi với mọi cơn bão từ ngoài biển tràn vào.
Anh em công nhân ở đây nhưng vẫn vắng vẻ. Chập tối họ kéo nhau ra bến phà, cho mãi đến sáng hôm sau mới về, lại lăn ra ngủ. Năm sáu người con trai nằm đầy hai chiếc giường đôi. Mỗi lúc về nhà nhìn thấy họ, mẹ Tâm cứ tưởng những thằng con trai của mẹ đã về. Những đêm máy bay Mỹ đánh phá bến phà, mẹ không làm sao ngủ được, ngong ngóng cho đến sáng chờ họ về xem có thiếu ai không. Một hôm, chị Thanh, phó trưởng bến, bí thư chi bộ bến cho mẹ biết, những chàng trai đó, mỗi người cũng đã hàng chục lần băng mình trong mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam. Khi kể về những anh em đã hy sinh, chị rưng rưng nước mắt nói với mẹ:
- Thật tình, con được giao nhiệm vụ lãnh đạo bến, nhưng con chưa hiểu hết anh em. Mỗi lần có thương vong, con lo tư tưởng tiêu cực phát sinh, nhưng không, anh em sẵn sàng đứng vào vị trí người đã mất, không một ai run sợ.
Chả cứ gì anh em, ngay cả chị, mẹ Tâm biết, không có đêm nào chị vắng mặt trên bến phà. Những lúc bom nổ, hai đầu bến khói bụi mù mịt, chị vẫn đĩnh đạc cầm cờ đứng ngay đầu bến chỉ huy cho xe lên, xuống phà. Người chị mảnh khảnh, tưởng gió to cũng đổ, ấy thế mà chị đã trực ở đây hai ba năm nay, không nghỉ một ngày. Nhưng mấy hôm nay, sông Yên vắng tanh, vắng ngắt, đường Một như một cơ thể chết. Mẹ Tâm hỏi Hồng, một công nhân lái ca-nô, cao dong dỏng, khoảng hăm sáu, hăm bảy tuổi, anh nói với mẹ:
- Sông tắc rồi mẹ ạ.
Tiếng nói của người thợ bị nghẹn lại. Mẹ Tâm trố mắt nhìn:
- Làm sao lại tắc được?
Anh công nhân rầu rầu đáp:
- Suốt từ dưới cửa lạch lên mãi trên này, chúng nó rải thủy lôi kín sông, không một chiếc thuyền bè nào qua lại được.
- Thế mình đành chịu à? Mẹ Tâm hỏi.
- Không, mình sẽ không bó tay, nhưng còn phải chờ ý kiến cấp trên.
Hồng đáp lời bà Tâm mà như tự sự với chính mình. Từ hôm ấy, mẹ Tâm thấy Hồng chỉ mặc độc chiếc quần đùi, áo may-ô, đội cái mũ lá ra bờ sông ngồi nhìn mặt nước. Vẫn thế, mặt sông Yên tím thẫm phản chiếu màu xanh của phi lao hai bên bờ. Bãi sú vẹt bị ngập trắng lúc triều cường, khi nước dặc lại phơi ra như cả rừng cây đang độ tỏa lá, vươn cành. Cáy đỏ từng đàn giơ càng hong nắng, động người, chúng chạy rào rào xuống lỗ. Gió từ biển dội vào rừng phi lao, rừng sú vẹt lúc thì thầm, lúc như hờn giận, lúc tựa reo ca. Hồng không phải thức đêm như dạo trước, nhưng mẹ Tâm thấy anh gầy tọp hẳn đi. Biết thế, mẹ chỉ nhìn anh rồi thở dài.
Một hôm mẹ Tâm ở trại chăn nuôi lợn về thì thấy chị Thanh, bác Nguyên bến trưởng và hai người lạ đi xe ô tô về làng Vân. Cuộc họp đội cầu phà được tổ chức ngay trưa hôm ấy tại nhà mẹ Tâm. Sự ồn ào của mấy chàng công nhân chỉ dội lên trong chốc lát lại lặng ắng đi ngay. Khi hơn hai chục người trong bến và các cán bộ địa phương đã đến đông đủ, bác Nguyên đứng lên nói:
- Trước hết, xin giới thiệu với các đồng chí, đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh, đặc trách chỉ đạo công tác giao thông - vận tải và đồng chí Tỉnh ủy viên, Trưởng ty giao thông về họp với bến chúng ta.
Anh em vỗ tay hoan hô, hai người khách cười vui vẻ và nói:
- Người nhà cả thôi mà.
Bác Nguyên nói tiếp:
- Để chúng ta nhận rõ tình hình và sự bức bách của công tác giải tỏa tuyến đường, xin mời đồng chí Phó chủ tịch nói chuyện với chúng ta.
Ông Phó chủ tịch, mặc bộ quần áo “phòng không” màu cỏ úa, đứng lên gần chạm xà nhà, ông có cặp mắt rất sáng, viền quầng thâm và như bị nứt kẻ, biểu hiện của người bị mất ngủ nhiều đêm. Đúng như anh em công nhân nhận xét: “Đẹp lão”. Ông mở cái xắc-cốt da lấy tài liệu. Mọi người trong nhà ngồi im phăng phắc, chờ đợi. Ngoài vườn ve kêu ran ran. Nắng. Oi nồng. Mẹ Tâm ngồi dưới bếp nhìn lên thấy ông Phó chủ tịch rất quen, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu.
- Thưa các đồng chí, tôi muốn nói kỹ một chút để các đồng chí thấu suốt tình hình.
Tiếng nói của ông này trong và cao. Mẹ Tâm nghe quen lắm. Cán bộ, công nhân chăm chú lắng nghe; các cán bộ địa phương được mời dự thì hí húi ghi chép.
- Mùa xuân năm nay(1), ta đánh lớn ở Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, từ tháng ba, ta đánh lớn ở Quảng Trị, bao vây Thành Cổ, đánh ra ngoại vi An Lộc và giải phóng Lộc Ninh. Kít-xinh-giơ từ Paris vội bay về Mỹ triệu tập “Nhóm hành động đặc biệt”(2), Bộ Quốc phòng Mỹ, tuyên bố sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào để bảo vệ sáu vạn quân Mỹ(3), chúng đã cho máy bay ném bom Hà Tĩnh(4) và tuyên bố sẽ tiến xa hơn nữa về phía Bắc, Bân-cơ và bộ chỉ huy quân Mỹ ở Sài Gòn điện về Oa-sinh-tơn xin viện trợ(5).
Trong những ngày trung tuần tháng Tư, Ních-xơn đã cho máy bay B.52 ném bom Vinh, Hải Phòng và Hà Nội. Dọa chúng ta bằng bom đạn không nổi, Kit-xinh-giơ lại sang Paris đề nghị đồng chí Lê Đức Thọ: “Xin các ngài xuống thang ở miền Nam”.
Ông Phó chủ tịch càng nói càng sôi nổi. Mẹ Tâm bỏ bát đũa ngồi nghe và lục lại trí nhớ xem mình đã gặp ông này ở đâu, từ hồi nào, nhưng mẹ nghĩ mãi mà không ra.
- Dọa, mồi chài không ăn thua gì - ông Phó chủ tịch nói tiếp, Ních-xơn đã họp Hội đồng an ninh quốc gia công bố chủ trương thả thủy lôi ở miền Bắc Việt Nam, cả ở trong sông và ven biển, bọc lấy mọi cảng sông và cảng biển của nước ta(6). Mặt khác, chúng cho máy bay đánh phá cắt đường xe lửa “tới mức tối đa có thể”, tiếp tục dùng không quân, hải quân đánh khắp các mục tiêu trên miền Bắc. Như các đồng chí đã biết, chúng nó đã làm như chúng đã tuyên bố.
Ông Phó chủ tịch rút mù xoa lau mồ hôi, húng hắng ho, lưng áo ướt đẫm:
- Âm mưu của chúng là chẹn yết hầu ta, buộc ta phải buông chúng ra để chúng muốn làm gì thì làm. Nhưng, với chúng ta, chủ trương của Trung ương là bằng mọi cách, mọi lực lượng phải rà phá bằng hết thủy lôi, mở đường thông tuyến, đảm bảo chi viện đầy đủ, kịp thời hơn bao giờ hết cho miền Nam. Thủy lôi là lại vũ khí có sức công phá dữ dội đặc biệt, khó khăn là nó lại nằm bí mật dưới mặt nước, khả năng các phương tiện hiện đại cho tới nay vẫn còn hạn chế, các đồng chí thử bàn xem có cách nào phá được không.
Ông Phó Chủ tịch ngồi xuống lau mồ hôi trên trán, trên cổ và hai cánh tay. Cuộc họp lặng hẳn đi. Ai nấy thấy trong người ngứa ngáy khó chịu, vừa do thời tiết oi nồng vừa hiểu ra tình hình khá căng thẳng, không như cái thời Giôn-xơn. Hồi ấy, Giôn-xơn chỉ cho thả loại thủy lôi từ tính ở một vài cửa biển và một vài luồng lạch trong sông từ Thanh Hóa trở vào. Bến Yên hồi ấy cũng bị phong tỏa nhưng anh em đã phá dễ dàng. Còn lần này là loại thủy lôi mới, mang ký hiệu MK52, đầu ngòi nổ lắp toàn bằng đinh vít, không có chấn động lớn và chưa đến giờ thì không nổ, nó đen chui chủi như những quả dưa hấu lớn, trôi lờ đờ dưới mặt nước.
Tiếng ve kêu trên những cành xoan ngoài vườn sao bây giờ ai ai cũng cảm thấy đinh tai, nhức óc. Nắng mỗi lúc một thay đổi. Từ chân trời đằng đông mây đen từng mảng trôi về đằng tây. Khi mặt trời bị mây tre, khí hậu dịu hẳn xuống. Nhưng sau đó lại nóng lên gấp bội. Cái điếu cày truyền tay từ người này qua tay người khác, khói mù mịt. Mẹ Tâm đưa lên nhà trên ấm nước sôi cho anh em pha trà. Ông Phó chủ tịch vừa nhìn thấy mẹ Tâm liền reo lên:
- A, bác Giáo, bác vẫn khỏe chứ?
Mẹ Tâm dừng lại nhìn ông Phó chủ tịch một lần nữa, lúng túng trả lời:
- Dạ, thưa bác, tôi vẫn bình thường.
- Lâu nay các chú ấy có biên thư về cho bác không, chú út bây giờ làm gì rồi?
Mẹ Tâm đã nhớ ra. Mẹ gặp ông này ở Hội nghị các bà mẹ có đông con đi bộ đội do tỉnh mời. Qua câu chuyện ông Phó Chủ tịch có biết ông giáo Thành sau khởi nghĩa tháng Tám.
- Cảm ơn bác, cháu thứ hai đã hy sinh, thằng rốt cũng mới nhập ngũ.
Bí thư chi bộ xã Trung Chính đỡ lời và như để thanh minh:
- Báo cáo anh, chúng tôi không cho chú ấy đi, nhưng bà giáo và chú ấy lên huyện tình nguyện xin đi, chúng tôi đành phải chịu.
Mẹ Tâm đi xuống nhà dưới. Ông Phó Chủ tịch nói với anh em công nhân:
- Chúng ta có những người mẹ như vậy đấy. Có bốn người con trai thì cho cả bốn đi đánh giặc, chồng mất sớm mà có quản gì đâu. Dân tộc ta ai cũng sẵn sàng đóng góp kể cả hy sinh cho sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Vũ Hồng từ nãy đến giờ vẫn ngồi quay mặt ra sông, không hút thuốc lào, không nói chuyện, đứng lên xin nói:
- Tôi xin có ý kiến.
Bác Nguyên quay lại:
- à, đồng chí Hồng, xin giới thiệu với các anh, đây là đồng chí Vũ Hồng, công nhân lái ca-nô, trước đây đã nhiều lần tham gia phá thủy lôi thời Giôn-xơn. Mời đồng chí nói.
- Báo cáo các anh, tất cả các biện pháp phá thủy lôi Mỹ trước đây chúng tôi đã đưa ra áp dụng đều không có kết quả. Tôi nghĩ chỉ còn một cách dùng ca-nô để phá thì may ra mới thành công được.
Ông Phó Chủ tịch nhìn thẳng vào mắt Hồng và hỏi:
- Theo đồng chí, phá bằng cách nào?
- Thưa đồng chí, cách duy nhất là cho ca-nô chạy trên sông với tốc độ tối đa, lộn đi, lộn lại nhiều vòng gây ra chấn động lớn, chắc chắn thủy lôi bị kích hoạt thì sẽ nổ.
- Nhưng làm sao bảo đảm an toàn cho người lái?
Vũ Hồng bình tĩnh trả lời:
- Khó có thể an toàn tuyệt đối, nhưng chắc chắn nó không nổ tức thì, mà có nổ thì ca-nô cũng đã chạy được một quãng xa.
Mọi người chăm chú nhìn Hồng, mắt không chớp. Bác Nguyên lắc đầu, mắt trợn ngược, râu cằm tua tủa như cũng dựng lên, bác đứng lên xua tay:
- Không được! Làm như thế là nguy hiểm không chỉ cho người lái mà còn phương tiện nữa. Cả bến chỉ còn mỗi một chiếc ca-nô, mất nó không khác gì người mất cả hai cánh tay. Tôi đề nghị các đồng chí xem xem có còn cách nào khác không.
Ông Phó Chủ tịch và ông Trưởng ty mở sổ tay ghi chép gì đó. Chờ một lúc không thấy ai có ý kiến gì, ông Phó chủ tịch mới nói:
- Các đồng chí nên đề xuất nhiều phương pháp, chúng ta sẽ chọn phương pháp tối ưu, có hiệu quả cao lại bảo đảm được an toàn cho người và phương tiện.
Cuộc họp vẫn lặng im. Cái điếu cày dựng ở chân bàn không ai đụng đến. Nắng chiều đã xế, bóng mái nhà ngả ra một phần sân, tạo nên nửa trắng nửa mờ. Mẹ Tâm thấy nôn nao trong người. Mẹ cố lắng xem họ định phá thủy lôi bằng cách nào chứ còn cái cách của Hồng thì nguy hiểm lắm. Cuộc họp yên lặng kéo dài, chị Thanh đứng lên:
- Kính thưa các đồng chí đại diện cho tỉnh và toàn thể anh chị em trong đội, chúng ta coi đây là một trận chiến đấu, mà đã chiến đấu thì cả bên thắng và bên thua không thể tránh khỏi tổn thất, nhưng phải chấp nhận. Nếu không có đồng chí nào nêu ra được phương án khác thì phương án của đồng chí Hồng nêu ra là duy nhất để thực hiện. Tôi cũng đã tính, đúng như đồng chí Hồng nói, nếu thủy lôi nổ, với tốc độ tối đa của ca-nô thì cũng đã vượt ra ngoài vùng nguy hiểm. Chúng ta phải có lực lượng cứu hộ gồm những người dũng cảm và nhanh nhẹn. Tôi cũng báo cáo để các đồng chí rõ, hiện tại ở phía bắc bến, có đến hàng trăm xe chở hàng vào Nam đang nằm trong các thôn xóm chờ chúng ta ba bốn ngày rồi. Thay mặt chi bộ Đảng của bến, tôi đề nghị các đồng chí cho biết, đồng chí nào sẽ đảm nhiệm trách nhiệm vẻ vang này.
Tất cả mọi người trong đội đều giơ tay. Nhưng không ngờ, người giơ tay đầu tiên lại là bác Nguyên. Mãi đến lúc này, ông Trưởng ty Giao thông - Vận tải mới đứng dậy nói:
- Thưa đồng chí Phó Chủ tịch, thưa các đồng chí, tỉnh ủy và ủy ban tỉnh biết các đông chí đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng yêu cầu của công việc là phải nhanh chóng thông tuyến. Tôi đề nghị các đồng chí cử cho một người toàn đội đều có thể tin là hoàn thành được nhiệm vụ. Theo tôi, người đó phải đạt ba tiêu chuẩn: Một là dũng cảm, hai là bơi giỏi và tháo vát, ba là sử dụng ca-nô thành thạo.
Mẹ Tâm nghe mà phát run lên. Ba tiêu chuẩn ấy chỉ có Hồng là đủ thôi. Quả là như vậy, hai tiêu chuẩn đầu thì ai cũng có, còn tiêu chuẩn thứ ba thì không ai bằng Hồng. Bác Nguyên lại đứng lên xin có ý kiến:
- Thưa các đồng chí, tôi năm nay đã năm mươi sáu tuổi, có mười bẩy tuổi Đảng, lái ca-nô không giỏi bằng đồng chí Hồng, nhưng không phải là tay lái tồi, đề nghị các đồng chí giao cho tôi nhiệm vụ ấy.
Mẹ Tâm ngồi dưới bếp nghe mà ứa nước mắt, cảm thấy bác Nguyên nói như thế là phải. Việc hiểm nghèo như thế, người già nên đi thay cho bọn trẻ. Nhưng rồi mẹ lại thấy như thế nào ấy, lòng mẹ không yên.
Khi nhiều người đưa ra các lý do để nhận nhiệm vụ về mình, Vũ Hoài mới đứng lên:
- Thưa các đồng chí, hơn hai mươi người trong đội đều là đảng viên, đoàn viên, không ai sợ hy sinh, gian khổ. Nhưng khi tổ quốc cần một người hy sinh thì không thể tính ai hy sinh lợi hơn, vì ai cũng là xương máu, ai cũng có gia đình, mà phải tính ai làm việc đó tốt hơn. Vả lại, trong việc này, nếu đã làm tốt chưa chắc đã thương vong. Các đồng chí cho phép tôi nói điều này: về tinh thần dũng cảm ai cũng có, về tài bơi lội thì cũng xít soát người chín, người mười, còn việc điều khiển ca-nô chín mươi sức ngựa của bến ta, xin thưa các đồng chí, các đồng chí không thể thành thạo bằng tôi, vì tôi đã sử dụng nó bốn năm nay kể từ khi đồng chí Mai Xuân, người anh hùng, liệt sĩ hy sinh, đội đã giao cho tôi…
Vũ Hồng xúc động nhìn khắp lượt đồng chí, anh em trong đội rồi nói tiếp:
- Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch, đồng chí trưởng ty, kính thưa ban chỉ huy đội và toàn thể các đồng chí! Tôi xin nhận nhiệm vụ ấy và đề nghị các đồng chí giao nhiệm vụ ấy cho tôi.
Cuộc họp lại trở lại yên lặng. Mẹ Tâm lặng lẽ lấy khăn thấm nước mắt. Ban chỉ huy đội chưa biết kết luận như thế nào thì ông Phó chủ tịch đứng lên:
- Thưa các đồng chí, thay mặt Tỉnh ủy, ủy ban tỉnh, tôi giao trọng trách này cho đội cầu phà bến Yên. Đặc biệt, tôi giao trọng trách “đột phá khẩu” cho đồng chí Vũ Hồng, người đảng viên trẻ của bến. Mong đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về an toàn.
Ông Phó Chủ tịch đi lại xiết chặt tay Vũ Hồng rồi bất thần ông kéo Vũ Hồng về phía mình và ôm chặt lấy. Ông nói to: “Vinh quang thuộc về Đảng của chúng ta”. Thả Vũ Hồng, ông quay lại nói với chị Thanh:
- Tối nay chi bộ và toàn đội nên có cuộc liên hoan đồng chí Hồng.
Ông lại nói với bí thư xã Trung Chính:
- Các đồng chí huy động toàn bộ lực lượng cứu thương và điều khoảng mười thuyền nan cùng những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, rải dọc bờ sông để phục vụ khi cần thiết. Lát nữa, tôi đến các trận địa pháo phòng không quanh đây bàn phương án phối hợp khi đồng chí Hồng bắt đầu xuất kích.
Không thể đừng được nữa, mẹ Tâm từ dưới nhà đi lên nói với mọi người:
- May mà anh em ở tại nhà tôi tôi mới biết được sự việc hệ trọng này. Anh Hồng cũng như các con của tôi, các bác cho tôi đóng góp chút đỉnh trước khi nó đi làm nhiệm vụ.
Mọi người chưa biết mẹ đóng góp cái gì nên cũng chưa biết có ý kiến như thế nào. Mẹ Tâm vào buồng lấy ra một cái lọ sứ cổ lùn, màu men nâu, đem ra và nói:
- Đây là lọ thuốc “Trường sinh” đặc biệt quý của một người bạn cùng hoạt động với ông nhà tôi, trước khi mất ông để lại cho tôi nhưng tôi chưa dùng đến. Mới chỉ bốn lần, bốn thằng con tôi đi bộ đội, tôi rót cho mỗi đứa một chén mắt trâu.
*
Sau đó nhiều năm, cứ đến ngày mười, tháng năm âm lịch, người ta lại thấy một bà già cầm một bó hương cháy nghi ngút từ trong làng Vân ra bờ sông Yên. Bà cắm từng thẻ hương như cấy lúa thẳng hàng dọc triền sông, ba thẻ còn lại sau cùng bà kẹp giữa hai bàn tay, vái ba vái rồi nhẹ nhàng thả xuống dòng sông. Xong, bà ngồi hàng giờ trên cột bê tông, trước kia là chỗ neo phà. Bà ngồi lặng yên nhìn ra mặt sông cuồn cuộn nước chảy có những con thuyền căng buồm, mở máy lên ngược, về xuôi.
Đó là mẹ Tâm, bốn người con trai ra trận không một ai trở về. Mẹ không chỉ già đi theo năm tháng mà còn thương nhớ những đứa con dứt ruột đẻ ra và cả những người con đã từng ăn ở trong nhà mẹ. Với nhân dân làng Vân, mỗi lần thấy mẹ Tâm ra bờ sông tưởng niệm các liệt sĩ bến phà họ lại nhớ tới cuộc truy điệu sống Vũ Hồng ngày ấy, như còn thấy chiếc ca-nô do anh điều khiển chạy như bay trên mặt sông kéo theo những tiếng nổ của thủy lôi, cá chết trắng mặt sông. Khi công việc của Vũ Hồng tưởng đã hoàn thành, anh giảm tốc độ cho ca-nô cập bến thì chao ơi… một tiếng nổ ngay dưới đáy ca-nô. Hàng trăm người trên bờ theo dõi việc làm anh hùng của Vũ Hồng đều như cùng bật dậy, chiếc ca-nô bị hất tung lên, từng mảnh ván, máy móc tơi tả bay ra tứ phía - Vũ Hồng vĩnh viễn ra đi, xứng đáng với danh hiệu Nhà nước truy tặng: Anh hùng, Liệt sĩ - người dũng sĩ phá thủy lôi kiên dũng, mở đường cho những đoàn quân và những đoàn xe ra trận.
Sông Yên đã xanh lại, tầu thuyền tấp nập ngược xuôi. Rừng phi lao, bãi sú vẹt đã mấy lần đốn đi, trồng lại. Những cánh đồng muối đến mùa hè hắt lên nền trời một màu trắng mặn mà. Những cánh đồng nuôi tôm, nuôi cua đêm đêm đèn sáng tựa sao sa. Cáy đỏ khoe màu sặc sỡ ung dung đua chạy trên bãi sa bồi ven sông. Bến phà xưa kia nay đã có cầu dự ứng lực nối liền hai bờ sông Yên… Cuộc sống nơi đây đã hoàn toàn thay đổi. Với mẹ Tâm, tất cả vẫn như ngày nào.
T.H
(1)Năm 1972
(2)Nhóm hành động đặc biệt (WSAG), 3-4-1972
(3)Ngày 4-4-1972
(4)Ngày 6-4-1972
(5)Ngày 8-4-1972
(6)Lần đầu giặc Mỹ thả thủy lôi ở cửa Nam Triệu, ngày 9-5-1972.