Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Anh tên là Khuê - TỪ NGUYÊN TĨNH
Anh tên là Khuê - TỪ NGUYÊN TĨNH

Mùa xuân năm nay, tôi có ý định đi tàu ra Hà Nội. Điều ấy thật thú vị. Đi xe nhiều cũng mệt và chán. Nhớ những chuyến tàu lao vun vút trong đêm. Đi tàu, đâu chỉ được nghe tiếng xình xịch gặm nhấm ký ức, còn là kỷ niệm đời lính, những năm tháng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Từng thao thức chờ tiếng còi tàu trong đêm, báo sự bình yên cho xóm làng và trận địa, rằng nhịp cầu đứng đó, đón bình minh và chờ trăng lên. Lâu rồi, có quên nhịp cầu gắn bó với tuổi trẻ của mình không? Quên sao được, tiếng còi tàu tấu lên, xình xịch rời ga... Như thể đụng chạm đến vùng ký ức, người lái tàu cho tàu chạy chậm chậm, lướt qua làng xóm mà nay thành phố xá... Đâu rồi đồi Đình Hương, đồi Không Tên, núi Cánh Tiên, đồi Ba cây Thông, núi Mắt Rồng, đỉnh Ngọc... Người lái tàu chừng như bị miền ký ức sâu đậm dâng trào, chạy tàu  như người bách bộ, lúc qua cầu Hàm Rồng thật thiêng liêng... Tôi và nhiều người khác nhìn qua cửa kính. Gió, gió từ sông Mã dội qua thành cầu vào trong toa, ai đó biết rằng mọi người đều nhận ra nhịp cầu Hàm Rồng mà vẫn nói:
- Hàm Rồng ta đó! Lời nói chạm vào trái tim tôi... Tôi nhớ đến bao đồng đội của mình. Trong vô thức chợt thốt lên, lời của quá khứ... Ôi! Hôm nay nhịp cầu ta đứng đó! Đạn khua vang muôn nhịp trống đồng... Ôi tất cả tấm lòng gửi gắm... Trên mỗi ngọn núi rồng gắn một chiến công... Không hiểu ai hát khúc "Tráng ca Hàm Rồng", ký ức thời trai của tôi... Thật ra, tôi chỉ đóng góp một chút, người nhạc sỹ ấy dùng lời ca từ, thơ tôi. Tôi im lặng núp mình vào câu hát. Cũng có thể vụng về, rất muốn hỏi người hát, rằng cô là ai mà biết lời ca của Hàm Rồng ta đó. Một sự "tự kỷ", do những cọng râu "làm cây cảnh", nói - bộ râu động cựa, như râu giả thật khôi hài. Khách đồng hành sẽ nghi hoặc, một "Lão nhà quê mà còn ham gái". Nhưng nếu để lỡ, tôi sẽ ân hận, biết đâu tìm thấy bóng hồng trong cuộc đời người lính Hàm Rồng - Nhạc sỹ tài hoa này. Bệnh sỹ làm tôi ngần ngừ mặc cảm. Nhưng máu me của người cầm bút, giúp tôi có dũng khí đến trước người thiếu phụ. Cũng lạ, thời gian không vùi lấp nổi một thời xuân sắc, cái duyên lồ lộ, phảng phất sự lãng mạn của mùa xuân.
- Nhìn kia! ở hai bên bờ sông Mã này, là lúa "Lúa Hàm Rồng", là hoa "Hoa! Hoa Hàm Rồng" - Người thiếu phụ ấy như trẻ ra, nói những câu xúc động.
Tôi giật mình về câu hát, như thể bản tình ca mà nhạc sỹ từng gửi gắm. Tôi mỉm cười với bí mật. Thực lòng rất muốn biết cơ sự về người thiếu phụ này quá. Bà là ai mà biết về người lính ấy - nhạc sỹ của chúng tôi kỹ vậy. Tôi trút bỏ sự mặc cảm giữ ý tứ, không kìm nén được sự thôi thúc.
- Xin phép được hỏi quý khách!... Tôi rụt rè ớm lời.
- Chả hay ông có điều chi quan trọng? Nụ cười của thiếu phụ xua tan đi nỗi e dè trong tôi.
- Bài hát vừa rồi... Chả hay quý bà có biết người làm ra nó là ai không ạ!
- Bài hát! Người thiếu phụ nhắc lại lời tôi... Một phút sững sờ nhìn nghi ngại, rồi nhoẻn miệng cười rất duyên.
- Anh... là... Khuê... Ngọc Khuê!
Tôi cảm được sự rung động trong lời nói.
- Ông cũng biết về nhạc sỹ Ngọc Khuê sao?
- Thế bà tưởng một mình bà biết về ông ta chắc? Tôi định nói thế. Tôi tỏ ra bực mình vì ánh mắt nhìn rất tự mãn, của người khách vừa gặp.
- Không phải thế! Anh ấy là một Nhạc sỹ nổi tiếng chắc nhiều người biết... Nhưng tôi muốn nói "Chuyện thời lính Hàm Rồng" kia... Chắc ông cũng là lính trận địa. Tôi định nói rằng chúng tôi từng chiến đấu và làm thơ, viết văn... từng mơ ước... Nhưng kịp kìm lại. Trong óc chợt lóe lên suy tính có phần ích kỷ. Rất muốn biết về người lính - nhạc sỹ, nhưng lại mù tịt về "dấu vết thời chiến tranh". 
- Bà có thể kể cho tôi nghe chuyện về anh ấy được không?
Một phút lưỡng lự. Chắc trong lương tâm của bà ta muốn giữ những bí mật cho riêng mình. Lúc nãy bà khoe biết về người lính ấy. Bà nhìn tôi mắt không chớp và bất ngờ ra điều kiện.
- Xin ông nhớ cho... Tôi kể cho ông nghe là người đầu tiên đấy!
- ồ! Tôi có vinh dự ấy hay sao... Xin bà cứ yên tâm. Tôi định nói sẽ giữ kín những điều bí mật của bà và người nhạc sỹ.
- Ông không được nói câu chuyện tôi sắp kể ra với ai, kể cả người Nhạc sỹ đó!
Cái cách rào trước đón sau ấy làm tôi hồi hộp, sợ nếu nói hớ biết đâu bà ta sẽ không kể ra. Và mãi mãi sẽ không bao giờ biết được chuyện gì.
- Anh ấy tên là... Khuê... Ngọc Khuê!
*
Năm ấy tôi còn rất trẻ, đang học năm đầu sư phạm hệ cấp hai ở Hà Nội. Quê tôi, làng hoa Nghi Tàm... Nghi Tàm, có nghề tằm tang từ cổ xưa, trồng dâu nuôi tằm dệt ra tơ lụa cung tiến cho triều đình. Khi tôi lớn lên thì làng Nghi Tàm rực rỡ một màu hoa. Hoa nở quanh năm, tỏa ngát hương thơm. Mỗi nhà, mỗi người như được rắc, được tẩm hương hoa. Ai được sống trong không gian sực nức hương hoa ấy mới cảm được sự lâng lâng yêu cuộc đời. Nhưng chưa hết khóa học, tôi đã nhập vào "thanh niên ba sẵn sàng" lên đường vào tuyến lửa. Máy bay Mỹ đã gây hấn ra miền Bắc. Chúng bắn phá một số nơi như Quảng Bình, Thanh Hóa và Quảng Ninh... Đơn vị của tôi hành quân vào đến Hàm Rồng thì được lệnh dừng lại. Có thể địch sẽ đánh lớn vào Hàm Rồng.  Hàm Rồng ở đâu cũng thấy yêu thương trìu mến. Chúng tôi cùng với nhân dân, giúp cho bộ đội làm trận địa. Thức thâu đêm, kéo pháo vào công sự. Tôi đã gặp anh. Ai ngờ được trong sự náo nức ấy, chuẩn bị cho cuộc đọ sức với giặc Mỹ, lại có tiếng sáo cất lên từ trận địa.
Anh nói, anh cũng làm nghề giáo. Mai kia anh sẽ đi dạy học. Nhưng chiến tranh, chưa kịp lên bục giảng bài cho các em thơ thì lên đường nhập ngũ. Nửa tháng huấn luyện tân binh và tập bắn pháo 37 ly ở Tảo Dương Văn, được lệnh hành quân cấp tốc vào bảo vệ cầu Hàm Rồng. Hai bên cầu điện sáng, chiếu xuống dòng sông Mã lung linh, dừa hai bên bờ sông soi gương chải tóc. Hai  đầu cầu nhà cửa san sát, có cửa hàng bách hóa mậu dịch, có bưu điện. Vừa đến tuổi mười tám, đôi mươi tâm hồn tràn đầy cảm xúc. Cũng không hiểu được, anh muốn viết thơ, gửi cho một bạn gái nào đó. Lúc này ba lô mang theo cây sáo trúc. Cây sao trúc, có phải là định mệnh của đời anh không. Để rồi, tiếng sáo của anh cất lên bên dòng sông Mã. Anh đứng trên bờ công sự thổi sáo, những bài hát này gieo vào lòng đồng đội niềm lạc quan, át đi tiếng gầm gào của động cơ "thần sấm", "con ma". Nhưng cũng là cảm hứng thiêng liêng đầu đời giúp cho anh cất lên những câu, là ca từ cho bài hát.
Trận địa anh đóng ở Lều Vịt, đó là đại đội 5, pháo cao xạ 37 ly, Trung đoàn 213. Anh bảo, không ngờ cuộc đời anh lại có vinh dự lớn lao như vậy. Đã chiến đấu trận đầu, cùng quân dân Hàm Rồng - Thanh Hóa trong hai ngày 3 và 4-4-1965 bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ xâm lược. Đứa con tinh thần của anh lấy cảm hứng hào hùng bất diệt của quân dân Hàm Rồng lúc ấy. "Tiếng hát bên bờ sông Mã" không chỉ là sáng tác, mà tiếng lòng thôi thúc anh đứng trên bờ công sự còn nóng bỏng đạn bom cất lên. Anh không nghĩ mình sẽ thành nhạc sỹ. Khát vọng sống, chiến đấu cùng Hàm Rồng - Thanh Hóa đặt vào tay anh cây sáo trúc với những nốt nhạc còn thô ráp, nhưng hào hùng. 
Trận địa anh nằm trên bãi cát ven đê làng Từ Quang. Từ đây anh nhìn thấy nhịp cầu trước mặt. Hai bên là núi Mắt Rồng và núi Ngọc gánh lấy nhịp cầu. Dưới chân cầu là dòng sông Mã xanh trong. Làng Nam Ngạn, làng Nguyệt Viên như dâng lên nâng giấc ngủ những nồng pháo và trận địa. Anh như lặng đi trước câu hò sông Mã.
Thuyền về có nhớ bến không
Để em ra bến Hàm Rồng chờ anh
Nhưng cảnh đẹp như thần tiên đó bỗng nhiên bị bàn tay tàn bạo của bom đạn, với sức hủy diệt man rợ, muốn đưa con người và thiên nhiên ấy trở về "thời kỳ đồ đá". Trận địa nằm ngay ở bãi sông mà anh chứng kiến được sự hiệp đồng kỳ diệu của quân và dân Hàm Rồng. Trận địa Đồng Đá, Đồi Không Tên, Đình Hương, Lều Vịt, Cánh Tiên, Đồi Ba Cây Thông... Nhằm vào những tốp máy bay từ trên trời cao bổ nhào mà nhả đạn. Những chiếc tàu Hải quân từ rặng dừa hai bên bờ sông Mã lướt trên dòng sông nhằm vào những chiếc bay thấp hòng cắn trộm các trận địa. Tự vệ nhà máy Điện, Lò Cao, Phân Lân, dân quân Nam Ngạn, Yên Vực, Từ Quang, Đông Sơn tiếp đạn, tải thương hiệp đồng cùng bộ đội. Bức tranh sinh động đó được anh cất thành lời:
Tôi hát bài ca sông quê hương
Cánh buồm nâu hồng vượt gió ra khơi
Ơi! Dòng sông Mã quê ta kiên cường
... Và dòng sông nay nước lại xanh trong
Sông Mã quê ta anh hùng bất khuất
Ghi mãi chiến công vang trên đất này
Ơi tiếng hò là khoan... dô khoan
Trong lửa đạn chị dân quân lao nhanh
Trên dòng sông anh Hải quân rẽ sóng
Chiến sĩ Phòng không hiên ngang chiến thắng
Chiến công anh hùng bảo vệ tổ quốc thân yêu
Tôi đứng bên dòng sông quê hương
Tôi hát bài ca sông quê hương
Như giục trong lòng bảo vệ Hàm Rồng mãi yên vui "...(*)
Anh nói "Tiếng hát át tiếng bom" mà anh sáng tác, không chỉ vang trên trận địa Hàm Rồng mà đến cùng bà con mọi miền đất nước, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Không phải đệm bằng sáo trúc mà cả một dàn nhạc. Tiết mục hội diễn này được tặng huy chương vàng. Niềm hạnh phúc thật bất ngờ, như khi anh cất lên hát từng câu, từng lời ngân nga... Anh bảo, từ "Nhà thơ khẩu đội" đã dám làm "Nhạc sỹ đại đội" rồi thành "Nhạc sỹ của trung đoàn".
Tôi không chen vào được lời nào, vì sợ làm người thiếu phụ mất hứng, dừng lại câu chuyện. Bà ta nói, ở trận địa nào có văn nghệ, "tiếng hát của anh ấy" là không bỏ sót một đêm nào. Đặc biệt, được nghỉ phép dăm hôm mà đi theo "hội diễn" để cổ vũ cho anh ấy.
Tôi tin đó là sự thật. Khi người ta yêu nhau thì dám hy sinh cho nhau tất cả, huống chi đây là thần tượng âm nhạc thời bom đạn hào hùng.
*
Địch đánh phá Hàm Rồng ngày một ác liệt hơn. Đánh trực tiếp bị bắn rơi nhiều máy bay, chúng tổ chức đánh lén. Đánh lén bị các lực lượng phục kích của ta đón lỏng ở vị trí trọng yếu bắn cho tan tác. Chúng tổ chức đánh đêm gây cho bộ đội ta mất ngủ, bất ngờ. Ta tổ chức bắn chặn, bắt buộc địch phải dùng cả pháo hạm nả pháo kích vào trận địa. Trận địa bị địch bắn phá nhiều hơn. Đường xá cầu cống cũng bị oanh tạc dữ dội hơn. Đơn vị của anh không nằm một chỗ mà cơ động nhiều. Hết ở Lều Vịt lại về Đình Hương, lên cao điểm 134, rồi xuống Lò Lợn, Cồn Đu. Anh nói, ở Cồn Đu ác liệt nhưng cho anh được nhiều điều. Chưa bao giờ anh ở gần dòng sông Mã đến thế. Nước trong xanh. Thuyền bè dương buồm ngược xuôi mặc cho địch đến bắn phá bất kỳ lúc nào. Những đêm trực ban, nghe tiếng phèng của người đánh cá đêm gõ lên không làm sao mà ngủ nổi.
Tháng 9 năm 1966, địch tổ chức đánh lớn vào Hàm Rồng. Chúng dùng chiến thuật "lá rụng nhiều tầng" - có nghĩa máy bay như lá cứ rụng xuống, pháo của ta ngắm chiếc này thì có chiếc khác, tốp khác lao xuống ném bom. Không thể tưởng tượng nổi, bầu trời đen kịt máy bay. Ta đã chọn những chiếc, tốp theo phương án mà nổ súng. Trận đó bom rơi trúng vào trận địa của anh. Vì trận địa nằm ở bãi đất trống trải nên thả sức cho bom nâng lên đặt xuống. Nói là Cồn Đu, nhưng thực ra lúc này chỉ là một bãi trống hơ. Bạn bè của anh kể, bom đã bê cả khẩu đội của anh đặt ra ngoài công sự. Tôi đã đến tìm anh, mặc cho bao người can ngăn. Sức mạnh nào khiến cho tôi liều lĩnh như vậy, tôi không hề biết được. Pháo nằm chỏng trơ. Căn nhà bạt giả chiến bom làm cho rách nát. Một chiếc gương soi, treo trên vách vỡ nát, nhưng vẫn soi hình nhịp cầu. Và tôi không thể tin vào mắt mình được. Một tờ báo liếp mà phần lớn đã bị bom xé vụn tung tóe rụng như xác pháo. ở đó có bài thơ của anh viết:
Sen
Một đêm anh đến thăm em
Trời mưa đã tạnh, êm đềm làng sông
Mơn man mấy ngọn gió đồng
Khí đêm man mác trăng lồng gương soi.
Tặng em một đóa sen tươi
Mà sao anh chẳng một lời nói trao?
Khác trời, lòng dạ xôn xao,
Cho anh uống cạn trăng vào sâu khơi.
        Bên cầu Hàm Rồng, 1966(*)
Tôi cam đoan rằng anh viết cho tôi. Tôi rời trận địa tìm về Trạm xá của Trung đoàn. Họ nói, thật thần kỳ, anh không bị mảnh bom nào cả. Nhưng bị sức ép, đôi tai dường như không nghe thấy gì cả. Có hồi phục được sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ. Anh có thể quên những gì trong quá khứ. Tôi bật khóc. Thương mình và thương anh. Trách mình, tại sao không thổ lộ tình yêu với anh, đến giờ nếu anh mà quên đi mọi chuyện thì biết làm sao đây.
Không kịp gặp anh. Tôi được cử đi học Đại học, một dịp may hiếm có với bất cứ ai lúc chiến tranh. Tôi biết làm sao đây... Tôi không thể ở lại mà chờ anh được. Biết anh ở bệnh viện dã chiến nào lúc này.
Tôi ra Hà Nội để học. Không ngờ được, vì học tập tốt mà được chọn đi học ở nước ngoài. ở nước ngoài, tôi viết thư về nước và nhờ bạn đến Hàm Rồng để tìm anh. Có người nói đơn vị của anh đã giải tán. Anh đi làm giáo viên ở đâu không ai biết được. Buồn lắm. Nhưng tôi tin, dù ở đâu anh cũng yêu thương âm nhạc như tình yêu của mình. Có dịp nếu được về phép sẽ đi tìm anh, có lần anh tâm sự khát vọng trong anh là viết ca khúc mà anh ấp ủ.
Năm 1970, tôi được về phép. Tranh thủ từ làng hoa Nghi Tàm chọn những bông hoa đẹp nhất lên tàu vào Hàm Rồng. Tôi sẽ nói với anh, đây là hoa của làng quê em đây. Thơm và trinh trắng như tấm lòng của em đấy.
Nhưng tôi lặng người đi, khi thấy một thiếu nữ còn trẻ, đang tung tăng cùng một người lính cầm những bông sen thơm nức bên trận địa bên đồng lúa. Tôi biết rõ trận địa đó là Đồng Đá, đêm hôm nào tôi cùng bạn bè vào kéo pháo vào trận địa. Mãi khuya mới đắp xong bờ công sự. Tôi biết anh đã cưới vợ, là một cô giáo làng.
*
Năm 1982, lúc đó tôi đang cùng người yêu ở nước ngoài chuẩn bị làm đám cưới. Chúng tôi đã gặp nhau khi cả hai đang làm Tiến sỹ. Chúng tôi vừa qua những tan vỡ trong những mối tình trong mộng. Nhưng thật bất ngờ. Một đêm mùa xuân thì phải. Tôi đã nghe một giọng ca nữ từ Đài tiếng nói Việt Nam cất lên. Bài hát làm tôi như sống trong ngào ngạt tình yêu thương. Yêu hoa. Yêu lúa. Yêu... nồng nàn. Nhưng tan nát cả cõi lòng. Anh đã về Nghi Tàm bao lần rồi mà vắng tôi. Anh đã bao lần ngắm hoa Nghi Tàm và lúa Xuân Đỉnh rồi mà viết nên câu ca ấy. Có phải loài hoa ấy từng nở hai bên bờ sông Mã, cùng với những cô gái đi cấy mà tay chạm vào mảnh bom không?
Tại sao anh lại viết "hoa và lúa" hở anh? Người châu Âu quan niệm hoa hồng và bánh mì... Đó là triết lý tình yêu và cuộc sống. Hai thứ ấy mà thiếu là thiếu tất cả. Có phải hoa và lúa hai bên Hồ Tây khêu gợi cho anh tình khúc ấy không. Hay bắt nguồn từ ngày nào bên chân cầu Hàm Rồng, trận địa bên đồng lúa và công sự có hoa, nơi đầm lầy là rốn của bom đạn mà vẫn có đóa sen nở. Vĩ đại thay bông sen, mọc nơi bom đạn mà ngan ngát hương thơm.
Nhà báo nào viết về cuộc đi tìm nhân vật trong bài hát nhỉ?
Không phải đâu cô gái Nghi Tàm đó nhất quyết là em. Dẫu anh có gặp ai đó sau này đi chăng nữa nhưng nhất quyết là em. Em đã chẳng chờ anh đến làng hoa của em đó sao?
Sao anh lại có thể viết được những lời nghẹn ngào như thế chứ!
Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê
Hồ Tây xanh mênh mông tươi thắm nắng chiều
Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa
Hồ Tây trong đôi bên trong tình yêu hoa rộn ràng
Lúa ơi! Thơm ngát cho em hát cùng người
Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng
Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngọt ngào
Hương hoa bay dạt dào làng hoa em gọi mùa
Mùa xuân
Lúa lên xanh thắm bên hoa em thơm ngát
Hồ Tây ơi mùa xuân
Tình ta đơm hoa từ lòng đất
Đôi lúa tình yêu mùa xuân
Làng lúa làng hoa mùa xuân
Em hát câu ca ấy lúa mùa này thêm bông
Hạnh phúc trên tay anh đã gieo mầm
Chiều nay anh dù xa hoa nói với anh nhiều
Hồ Tây nên duyên vẫn gần nhau hoa lúa với cuộc đời (*)
Người thiếu phụ ấy hát. Bà hát một cách hồn nhiên cho mọi người nghe như một diễn viên. Hát cho một mình nghe. Dường như không hề biết có ai trên đời. Lúc dâng trào. Khi nức nở. Tôi cũng bị cái cảm xúc khó nắm bắt ấy chinh phục. Rất sợ bà ta bị cuốn trong dòng cảm xúc ấy mà không tỉnh táo lấy lại sự thăng bằng. Tự trách mình gây nên cho bà ta dòng hồi ức như là vô thức.
Nhưng con tàu đỗ xịch ở ga Hà Nội lúc nào.
- Anh ấy tên là Khuê... Ngọc Khuê! Bà ta nói thì thào. Tôi nắm chặt tay bà thầm cám ơn. Không dám hỏi xem thiếu phụ có định đi tìm nhạc sỹ để hỏi anh ta, có phải anh ấy viết bài hát cho một mình bà không. Và quan trọng muốn nói với anh ấy rằng, nên đặt lại tên bài hát là "Tình ca Hà Nội". Yên tâm sống nốt đời còn lại. Tôi không dám hỏi có thật bà đã kết hôn hay còn độc thân.
Không biết tôi có giữ được lời hứa, không kể chuyện này ra cùng ai không. Còn chuyện tên bà ấy, quả tình tôi giữ được. Không hề biết. Bà đừng lo. Tôi sẽ không làm được gì đâu. Khi cầm bút định viết thì lời bài hát "Mùa xuân làng lúa làng hoa" ám ảnh không sao mà viết nổi.
          Tháng 4-2017                                                               
               T.N.T


Các trích dẫn có đánh dấu (*) là lời trong ca khúc của nhạc sỹ Ngọc Khuê. 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 79
 Hôm nay: 1354
 Tổng số truy cập: 13617864
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa