Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chiều muộn - LÊ GIANG KY
Chiều muộn - LÊ GIANG KY

       Giữ lời hẹn, đúng hai giờ chiều chủ nhật tôi có mặt tại sân bay Sao Vàng để đón Tôn. Chiều mùa hè, nóng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời trên bốn mươi độ. Hơi nóng hầm hập, dập dình trước mắt. Tôi xuống xe, đi về phía cửa nhà ga đón khách. Hành khách từ chuyến bay thành phố Hồ Chí Minh về Sao Vàng thưa dần. Mấy người khách cuối cùng lỉnh kỉnh xách đồ ra khỏi ga. Đợi mãi không thấy Tôn đâu, tôi lấy điện thoại ra gọi. Nghe tiếng, tôi quay lại nhìn về phía người đang cầm máy trả lời. Tôn cao to, cởi trần, hai bờ vai cuồn cuộn, mồ hôi nhầy nhụa, vắt chiếc áo trên vai, mặc quần tây, đi dày đen bóng lộn. Hơn bốn mươi năm xa nhau, trong tôi lúc nào anh cũng lịch lãm, đẹp trai và hào hiệp. Giờ anh thay đổi nhiều, tôi chưa kịp nói gì, Tôn bước lại, hỏi:
       - Ủa, chú đến lâu chưa?
       - Gần ba mươi phút rồi.
       - Trời, ngoài này nóng quá mồ!
       - Đất miền Trung mình nghiệt ngã thế đấy. Mùa hè thì nóng như thiêu, như đốt, mùa đông thì rét cắt thịt da, chẳng dám ló mặt ra đường.
       Tôn lấy khăn lau mồ hôi đầm đìa trên người. Tôi nhìn Tôn, hỏi: 
       - Đồ còn gì nữa không?
       - Đâu có gì, chỉ thế này thôi.
       Tôn cúi xuống xách chiếc cặp lên và theo tôi vội vã vào xe để tránh cái nóng ngột ngạt ngoài trời. Nổ máy xe xong, tôi hỏi:
       - Bây giờ thế nào, ta đi đâu? 
       Tôn lập cập lấy tờ giấy trong túi quần ra, đưa cho tôi, bảo:
       - Chú đưa tôi đến địa chỉ này! 
       Cầm tờ giấy, tôi liếc mắt đọc nhanh “Tiểu khu 5, thị trấn Nông trường Đoàn kết”. Xe chạy được một đoạn, hơi lạnh trong xe tỏa ra làm hai chúng tôi dễ chịu hơn. Tôi hỏi Tôn:
       - Anh về đấy với ai, có việc gì?
       Không trả lời thẳng vào câu hỏi, Tôn nhổm lên, vỗ vào vai tôi, nói:
       - Chú còn nhớ chị Thìn không?
       - Thìn nào?
       - Thìn ở làng Tân Tiến, nơi chúng ta trọ học đấy!
       - Có phải Thìn “bánh cuốn” không?
       - Đúng rồi.  
       Im lặng giây lát, Tôn bảo:
       - Từ hôm nhận được tin Thìn đi lấy chồng, tôi không tài nào chợp mắt nổi, trong lòng buồn vui lẫn lộn. Món nợ tình đời cứ đeo đẳng mình suốt hơn bốn mươi năm, chẳng biết bao giờ trả hết! 
       Tôn nhìn lơ đãng, rồi thở dài than phiền: Không ngờ, lời hứa từ cửa miệng còn thơm mùi sữa của mình lại làm cuộc đời chị ra nông nỗi thế!
       Xe chạy vào đường làng, bụi cuốn theo mù mịt. Làng quê trầm mặc nép mình dưới nắng chiều hầm hập. Tôi mơ màng nhớ về quá khứ.
       Năm một ngàn chín trăm bảy hai, vào học cấp ba, tôi và Tôn cùng ở trọ chung một nhà. Dẫu chỉ hơn tôi một tuổi, nhưng anh cao to gần gấp rưỡi tôi. Tôi bên Tôn luôn là thằng trẻ con chạy lon ton theo gã khổng lồ. Vẻ bề ngoài hào hoa phong nhã, Tôn đã hút hồn bao cô gái. Chúng tôi đến trọ học ở làng Tân Tiến chưa được bao lâu, chị Thìn nhà bên cạnh thường qua lại chuyện trò, cho hai đứa vài thứ quà lặt vặt. Học xong cấp ba, thi đại học mấy lần không đậu, chị ở nhà nối nghiệp mẹ tráng bánh cuốn bán hằng ngày ở chợ. Bánh cuốn chị làm dẻo, thơm ngon đã thành thương hiệu khắp vùng. Thời gian đầu, tôi theo Tôn sang nhà chị chơi. Nhiều đêm ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhìn đôi tay thuôn thả, khuôn mặt trái xoan, đôi má ửng hồng, chị như nàng tiên từ trên trời giáng xuống. Tôi và Tôn vừa giúp chị châm củi vào bếp, vừa tán chuyện linh tinh. Thỉnh thoảng chị giục hai đứa ăn bánh cho vui. Linh tính mách bảo, chị đã yêu Tôn, từ đó tôi không lẽo đẽo theo Tôn sang nhà chị nữa. Nhiều đêm, trời rét cắt thịt da, tôi và Tôn phải quỳn chăn ngồi học. Mỗi khi có mùi thuốc lá Lạch Trường phả vào qua khe cửa sổ thơm ngất ngây, Tôn gấp sách vở, lẳng lặng ra ngoài không một lời giải thích. Khuya về, Tôn lập chập ngả mình xuống giường, lấm lét như kẻ tội đồ. Trái tim của gã đàn ông mới lớn phải làm việc hết công suất cho mối tình đầu, khiến Tôn trở nên mệt mỏi, bơ phờ. Biết chuyện, tôi chẳng dám hỏi han gì, cứ lẳng lặng theo đuổi những suy đoán riêng của mình. Cuối cùng Tôn cũng không thể giấu tôi được mãi. Hôm đó, Tôn nắm chặt bờ vai tôi bảo: Tao yêu Thìn rồi mày ơi! Tôi nhìn thẳng vào mắt Tôn, bảo: Anh nghĩ thế nào chứ, chị hơn anh năm tuổi làm thế thiên hạ họ cười cho. Vả lại, chuyện học hành chưa đâu vào đâu thì yêu đương làm gì. Nói vậy, nhưng tôi cũng thầm thán phục và phảng phất ghen tỵ, vì Tôn đã chiếm được trái tim của chị. Chuyện Tôn yêu chị Thìn, tôi biết và nhiều người khác cũng biết. Dư luận trong trường, trong làng Tân Tiến xôn xao về mối tình đầy ngang trái đó. Cuộc chiến giành giật tình yêu với chị Thìn trở nên gây cấn, ác liệt hơn. Các tình địch đến với chị Thìn hằm hè, đe dọa. Có kẻ cay cú dùng cả hành động “côn đồ” để khủng bố Tôn. Thầy Đào, giáo viên dạy toán của trường - tình địch của Tôn đã chính thức buông “cờ trắng” xin hàng. Hậu quả của cuộc tình dồn dập đổ tai họa xuống đầu kẻ chiến thắng. Việc học hành của Tôn chểnh mảng, bì bẹt chẳng ngóc đầu lên nổi. Ông Thu, bố chị Thìn với tư cách là phó chủ tịch xã, dùng mọi quyền uy hăm dọa, xua đuổi và còn đến tận trường gặp thầy Hiệu trưởng đề nghị xử lý kỷ luật Tôn thích đáng.
       Sóng gió, búa rìu dư luận chát chúa bổ xuống đầu hai người, càng làm cho tình yêu của họ thêm thắm thiết, tưởng như không có gì chia cắt nổi. Mối tình đầu đang ầm ầm cuốn phăng hai sinh linh nhỏ bé, thì cuối năm đó, Tôn và hơn hai chục học sinh của trường vinh dự được nhập ngũ theo lệnh tổng động viên chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm cuối cùng của đời học sinh, Tôn đi mãi không về. Tôi chong đèn ngồi đếm từng tiếng tích tắc của đồng hồ, lắng từng tiếng gió, tiếng động nhẹ bên ngoài chờ Tôn. Chạng vạng sáng, Tôn thất thểu, ủ rũ về nhà, mặt bơ phờ, quần áo nhem nhuốc bám đầy cát bụi. Tôi giật mình hỏi vì sao nên nông nỗi này? Tôn bảo để tao thở đã. Nói vậy, nhưng Tôn cũng chẳng im lặng được, kéo tôi ngồi xuống kể: Chẳng biết chuyện tao và Thìn sau này sẽ ra sao! Tao vừa đi chia tay với Thìn. Trong cuộc tình hối hả, hai đứa tan vụn vào biển trời mù mịt. Tao ăn Thìn ngấu nghiến mà chẳng thấy no, mệt quá, nằm sóng xoài trên cát ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, Thìn vẫn ôm chặt tao, khóc thút thít. Trăng nhô lên, dát xuống mặt biển lớp vàng óng ánh. Tao nựng Thìn nín đi, ngày sau về “người ta” sẽ đền cho cả biển vàng kia kìa. Thìn ngúng nguẩy, bảo: Đây ứ cần vàng, chỉ cần cậu thôi. Bỗng Thìn trầm mặt xuống, chỉ tay, nói: Cậu nhìn kìa, Diêm Vương đang mang đến lớp lớp khăn tang dành cho hai đứa đấy! Tao quát yêu: Bậy nào! Đấy là những con sóng ào ạt xô bờ, ghen tỵ với mối tình của ta chứ. Nghe tiếng động, hai đứa giật mình bật dạy. Ba người xăm xăm tiến đến, hô: Tất cả đứng im! Thìn sợ quá nép sát vào người tao. Chưa hiểu chuyện gì sẽ sảy ra, một người trong họ hỏi: Các người là ai, đêm hôm khuya khoắt thế này ngồi đây làm gì? Có biết đây là khu vực Biên phòng không? Tao lập cập nói: Xin lỗi các anh, chúng em người ở đây mà, mong các anh thông cảm. Họ ra lệnh giải cả hai về đồn làm rõ. Họ đưa giấy bút yêu cầu từng người viết bản tường trình. Lát sau ông Thu đạp chiếc xe cọc cạch đến, mặt hằm hằm nhìn tao, rồi làm thủ tục xin bảo lãnh đưa Thìn về. Còn tao, sau khi họ đọc xong bản tường trình, hỏi dăm câu ba điều rồi cũng cho tha. Nói xong, Tôn lục tục tắm rửa, vo mấy bộ quần áo nhầu nhĩ, mấy thứ đồ dùng lặt vặt nhét vào cái túi, bùi ngùi chào gia đình bà chủ và chia tay tôi về quê để chuẩn bị lên đường.
       Cổ họng khô rát, tôi đang miên man nhớ về mối tình đầy oan nghiệt của họ, bỗng Tôn hỏi: Ngày ấy, anh đi rồi, chú có hay gặp chị Thìn không. 
       Thay cho câu trả lời, tôi túc tắc kể Tôn nghe, những gì mình biết: Sau ngày anh chị chia tay nhau, sóng gió cuộc tình trút xuống thân phận chị Thìn chưa lặng, bố chị lại dính vào vòng lao lý. Là Phó chủ tịch xã phụ trách tài mậu, ông Thu làm thất thoát hơn chín ngàn đồng tiền thuế sát sinh. ở thời buổi, một đồng ba bò gạo, số tiền ấy tính ra mua được cả gần chục tấn lúa. Trong khi người dân hằng ngày phải lận đận lên rừng, xuống biển, vắt kiệt sức lo từng bữa ăn không đủ. Ông Thu bị quy tội tham ô, công an huyện gọi lên để làm rõ. Hơn hai tháng sau, tôi mới gặp chị Thìn. Chị gày và xanh xao trông thật tội nghiệp. Gặp tôi, chị buồn bã tâm sự: Cậu ơi, những ngày qua, chị sống trong tâm trạng ngột ngạt, nặng nề; dân làng đàm tiếu, bêu rếu, nhiếc móc, xỉ nhục, chút căm thù và những điều xấu xa nhất lên gia đình chị, chắc chị không sống nổi! Tôi chẳng biết nói gì để chia sẻ, động viên. Tục lệ làng quê quan hệ trai gái, yêu đương còn rất khắt khe, cay nghiệt; quan niệm về sự trinh tiết, đoan trang của người đàn bà thiêng liêng lắm, nhưng chị đã coi thường, phá bỏ thì đáng phải nguyền rủa, lên án. Chuyện tham ô, hối lộ là tội lỗi, là cướp bóc của đồng chí, đồng bào thì đáng phải trừng trị. Tai họa đổ xuống làm gia đình chị tan nát. Bà Lai, xấu hổ với con gái, nhục nhã với chồng đã đổ bệnh ra đi.        Còn chị Thìn, sau đấy tham gia các đội dân công của xã đi đào sông, mở đường, rồi vào làm công nhân ở nông trường nào đó, không rõ lắm.
       Mải kể chuyện, tôi giật mình, nhìn thấy chiếc biển đề “Tiểu khu 5, thị trấn Nông Trường” hiện ra trước mắt. Dừng xe lại, tôi mở cửa ló đầu ra hỏi thăm cô bán nước bên đường. Cô đon đả đứng dậy chỉ cho chúng tôi rất tận tình. Ngôi nhà cấp bốn, ba gian tuềnh toàng nằm nếp mình trong khu đất vuông vắn, xung quanh là hàng rào bằng những cây sắn, cây dâu khẳng khiu, khô khốc. Tôi và Tôn xuống xe, đi thẳng vào nhà. Mấy người trong gia đình ngạc nhiên chưa hiểu khách từ đâu tới, chị Thìn lập cập vội vàng ra đón. Chưa ai kịp nói gì, Lượng - em trai chị Thìn, gày guộc, gương mặt hốc hác nhìn chúng tôi, ấp a, ấp úng bảo: quý hóa quá, hôm nay là ngày vui của chị tôi, các anh đến thế này phấn khởi lắm. Sự có mặt của chúng tôi làm chị Thìn bất ngờ, đứng như trời trồng giữa sân. Sau giây lát lúng túng, chị giới thiệu với Lượng: đây là cậu Tôn và cậu Sáu bạn của chị. Nghe đến tên Tôn, mặt Lượng sầm xuống, mắt rực lửa nhìn thẳng vào mặt Tôn. Chị Thìn đon đả mời khách vào nhà.
       Nhìn mấy bộ bàn ghế lèo tèo, trên bàn bày vài đĩa bánh kẹo, trầu cau, chè thuốc, tôi mủi lòng thương chị và trong đầu dồn dập bao điều suy tư, day dứt. Cuộc đời người con gái, khoảnh khắc thiêng liêng, quan trọng nhất là ngày bước chân đi làm dâu nhà người, nhưng sao đối với chị lại buồn tẻ, đìu hiu thế. Hơn bốn mươi năm chị thủ tiết, âm thầm nén chịu một mình, ngọn lửa tình hừng hực ngày nào đã tắt, chức phận đàn bà của chị chỉ còn le lói, lý do gì khiến chị rẽ ngang cuộc đời, người chồng của chị là ai? Sau những câu chuyện xã giao, như đoán được trăn trở của chúng tôi, Lượng vừa như oán trách Tôn, vừa như thanh minh giùm chị: Cuộc đời của chị đầy ắp những khổ đau, bất hạnh. Đặt niềm tin mù quáng vào tình yêu ban đầu; cứ ấp ủ, chờ đợi những lời hẹn hò thơn thớt từ cửa miệng của gã đàn ông bạc tình, bạc nghĩa nhưng vô vọng. Người đời vùi dập chị không thương xót cả thể xác và tinh thần. Chị đi dân công đào sông, lấp biển nay đây, mai đó; hết lên rừng lại xuống biển; trở thành công cụ biết nói để mấy ông xã điều động thực hiện chỉ tiêu nghĩa vụ cho địa phương. Sức chịu đựng của con người có hạn, chị định chạy trốn số phận, dám nghĩ đến điều đen tối nhất. Hôm ấy, đêm cuối xuân, bầu trời nhờ nhờ ánh trăng. Dòng sông Trường gờn gợn xương đêm, anh Thao và chị Trâm đang ngồi tâm sự trên bờ sông, bỗng nhìn thấy bóng người đàn bà, xõa tóc rũ rượi, hai vạt áo lả ra, lặng lẽ đi về bến sông. Chị Trâm sợ quá, ôm chặt lấy anh Thao. Trong màn đêm mờ mờ, gió bấc cuối mùa rờn rợn, hai người sởn gai ốc, Thao bảo Trâm bình tĩnh, đừng sợ. Người đàn bà, tiến về mép nước, quay lại nhìn về phía làng Đồng, hai tay giơ lên bái lạy rồi bùi ngùi bước xuống sông. Anh Thao đứng phắt dậy, quát: Ai làm gì đấy!
       Ùm! Người đàn bà gieo mình xuống nước. Anh Thao vội chạy tới, lao xuống. Hai tay chới với, chị vùng vẫy làm nước tung lên lấp loáng. Đánh vật mãi với sóng nước, anh Thao mới sốc được chị đặt lên mỏm đá. Anh gọi, Trâm  lại giúp sức. Trâm run bần bật, lập cập chạy tới, hỏi ai đấy? Qua ánh sáng mở ảo, nhưng Thao vẫn nhận ra: Cô Thìn ở Tân Tiến, đang làm dân công đắp đê làng Đồng. Trâm giúp Thao xốc ngược Thìn lên quay tít. Nước trong miệng Thìn chảy ra òng ọc. Trâm la hét, vang động bến sông. Nghe tin, dân làng Đồng ồn ào, náo nhiệt chạy ra đưa chị về nhà trọ. Anh Thao đã từng là ân nhân của bố và gia đình em. Ngày trước, khi bố em bị khép tội tham ô, chính anh ấy là công an huyện về trực tiếp điều tra làm rõ. Nhờ anh mà bố em được minh oan và giảm nhẹ tội, không phải vào tù. Cuộc đời hay thật, loanh quanh thế nào, anh Thao lại trở thành vị cứu tinh cho chị. Nếu hôm đó, không có anh thì bây giờ chị đang là “người thiên cổ” rồi. Sau vụ việc sảy ra, vợ chồng anh quyết định xin cho chị Thìn về làm công nhân ở Nông trường Đoàn Kết, gần nơi anh chị công tác.
       Tôi và Tôn ngồi lặng lẽ nuốt từng lời của Lượng. Tôn cúi gằm mặt xuống, lảng tránh tội lỗi của mình. Mọi người trong nhà, bồn chồn đi vào, đi ra, chờ đón giờ phút thiêng liêng tiễn chị về nhà chồng. Chị Thìn đặt hai tay lên vai tôi, nghẹn ngào nói ngắc ngứ: Hai cậu thông cảm, tôi đã thề với cuộc đời sẽ không bao giờ lấy chồng. Lời nguyền đó đã theo tôi hết nửa đời người. Mối tình đầu xây thành, đắp lũy vững chắc trong tôi, chưa ai có thể vượt qua. Hơn bốn mươi năm cô đơn, may mắn được vợ chồng anh chị Thao cưu mang, cho tôi niềm tin để sống. Ân nghĩa anh chị giành cho, chẳng biết bao giờ tôi trả hết. Anh ấy là thương binh đã về hưu. Lúc lâm chung, chị Trâm vẫy tay ra hiệu tôi lại cạnh bên thều thào trăng trối: “Chị xin em, em cố gắng thay chị chăm sóc anh, chị đi mới yên lòng...” Tôi chưa kịp nói gì, nước mắt hai chị em quyện vào nhau giàn giụa. Chị nấc lên thành tiếng, trút hơi thở cuối cùng, rồi thanh thản ra đi. Các cháu trưởng thành nhưng công tác ở xa. Nhiều hôm vết thương tái phát, hành hạ anh, một thân một mình không biết kêu ai, thật tội nghiệp. Thực hiện lời trăng trối của chị Trâm và lời khẩn cầu của các cháu, tôi quyết định đến với anh, giúp anh bớt cô đơn hiu quạnh; nhẹ bớt món nợ cuộc đời anh chị giành cho gia đình tôi. Mắt đỏ hoe, hai môi cắn chặt vào nhau, Tôn lấm lét nhìn chị, nhìn mọi người. Gương mặt chị Thìn nhợt nhạt đang dần hồng lên, bao bất hạnh, oan trái kìm nén bấy lâu bây giờ được giãi bầy, lòng chị vơi bớt u sầu, phiền muộn.  
       Tiếng xe máy rầm rầm ngoài ngõ, cả nhà hồ hởi ra đón khách. Năm sáu thanh niên dừng xe bước vào, tất cả họ chỉ đang độ tuổi dưới bốn mươi. Biết gia đình nhà gái ngạc nhiên, một thanh niên bưng mâm lễ đặt lên bàn thờ, sau khi giới thiệu các thành viên của nhà trai xong, chắp hai tay cúi xuống nói từng tiếng: Thưa các ông bà, cô chú và gia đình ta, đáng lẽ bác cháu phải cùng sang đón cô về, nhưng căn bệnh bất ngờ tái phát, bác không thể ngồi lên được. Vì thế bên con có mâm lễ mọn sang bái yết tổ tiên gia đình và xin phép được đón cô về đúng giờ lành, mong gia đình lượng thứ.
       Trời ơi, ngày hôn lễ của Thìn tất cả đều giản đơn đến thế sao! Ngay cả nhân vật quan trọng nhất trong ngày đón dâu cũng không có mặt. Càng nghĩ, chúng tôi càng thấy cám cảnh cho mối tình và cuộc đời của chị. Không khí trong nhà nặng chịch, mọi người lặng lẽ theo đuổi suy nghĩ riêng của mình. Cậu Lượng hằm hằm, nói: Đón dâu mà không có chú rể thì còn gì gọi là cưới xin; lấy nhau về mà ốm đau như thế thì lấy làm gì! Chị đi lấy chồng hay đi làm ô-sin? Chị Thìn gạt nước mắt, chạy lại kéo tay Lượng: Chị xin cậu, đừng nói thế! Hôm nọ chị bảo đừng bày vẽ gì để chị chủ động thu xếp sang ở cùng anh. Các cháu không nghe, cứ nhất quyết, Dù một ngày hai người nên nghĩa vợ chồng cũng phải chu đáo, đúng thủ tục, đàng hoàng. Vả lại, lần đầu tiên cô lấy chồng, dẫu tuổi xế chiều cũng phải đầy đủ nghi lễ cho mát lòng tổ tiên và an bình cho hai người.   
       Lúng túng giây lát, rồi hai bên thu xếp đưa chị Thìn về nhà chồng đúng giờ hoàng đạo. Cô dâu không trang điểm, son phấn mộc mạc như bông hoa đồng nội. Tôn mời chị Thìn lên xe ô tô ngồi cùng, chị chối từ không chịu rồi lẳng lặng ngồi sau xe máy của cậu cháu trai anh Thao. 
       Cuối chiều, mặt trời vẫn hừng hực đổ lửa. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Xuống xe, Tôn vội vã bước vào xem mặt chú rể, chẳng thèm để ý đến lễ nghi. Đang thiu thiu, mỏi mệt nằm trên giường, nghe tiếng người vào, ông Thao mệt mỏi nhìn ra. Bỗng ông giật mình ngồi chồm dậy, giương cặp mắt sáng quắc, miệng ú ớ: 
       - Mày... Mày là Tôn phải không?
       Sau giây phút trấn tĩnh, Tôn lắp bắp:
       - Vâng!
       Ông Thao dùng hết sức lực, trút giọng căm thù vào Tôn:
       - Mày là tướng cướp, làm Việt gian phản động đã hại cuộc đời tao và cướp bóc của bao nhiêu người chưa đủ sao, hôm nay còn vác mặt đến đây?  
       Tôn mỉm cười, nhẹ nhàng lại cạnh bên đỡ ông Thao nằm xuống, nói từng tiếng rõ mồn một để mọi người cùng nghe:
       - Em là Tôn, biệt danh là Tôn Hành Giả của băng cướp “Hận thù” chuyên hoạt động ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đây!
       Cả nhà bàng hoàng, ngơ ngác chưa hiểu điều gì, Thìn lại bên Thao bảo anh bình tĩnh nằm nghỉ đi, anh ấy là bạn của em mà. Các thủ tục của cô dâu về nhà chồng diễn ra lặng lẽ. Sự căng thẳng, nặng nề giữa quan viên hai họ dịu bớt. Mọi người gượng gạo trao nhau những lời chúc tụng trong ngày hôn lễ. Tôn lấy khăn thấm hai khóe mắt đẫm lệ, ngậm ngùi ngồi xuống cạnh anh Thao, giãi bầy trước mọi người: Chuyện sảy ra đúng như anh Thao đã nói. Hôm ấy, sau khi nhận được tin của tổ chức ta báo một chiến sỹ cảnh sát hình sự Đồng Nai bị băng cướp “Hận đời” bắt trong lúc đang làm nhiệm vụ và giao cho tôi phải tìm cách giải cứu. Nhận lệnh, tôi cùng tổ chức lập phương án khẩn trương triển khai. Khi biết anh Thao đang bị bọn chúng giam cầm, tra tấn dã man tại một cái lán trong rừng cao su ở Dầu Giây, bên ngoài lính canh gác rất nghiêm ngặt và sẵn sàng bắn trả nếu lực lượng của ta đến giải cứu. Từ Biên Hòa, tôi điều mấy thằng đệ tử chạy thẳng tới đó. Thấy tôi vào, bọn chúng ra chào Đại ca rồi dẫn đến nơi giam giữ anh. Nhìn anh Thao tay chân đang bị trói; nằm vật vã trong cái hầm ẩm ướt, hôi hám, mặt mũi tím bầm, người mềm nhũn, ủ rũ vì đói khát lòng tôi đau quắt; không có cách nào khác, tôi vếch hàm anh Thao lên rồi tát thẳng vào mặt anh. Anh Thao hai mắt đỏ rực, nhổ nước bọt thẳng vào tôi. Miệng cười khẩy, tôi rít lên: Mày có biết tao là ai không? Tao là Tôn Hành Giả, tướng cướp nổi tiếng, chưa đứa nào dám hỗn phép, hôm nay tao sẽ cho mày đi chầu âm phủ. Tôi ra hiệu cởi trói và đưa anh lên cái lán giữa rừng để tra tấn. Chạng vạng tối, rừng cao su mịt mùng, rùng rợn. Có tiếng động. Đoàng! Tiếng súng nổ kèm theo tiếng hô lớn: Tất cả đứng im, chúng mày đã bị bắt! Bọn đàn em khiếp sợ bỏ chạy toán loạn. Tôi chỉ kịp quay lại bắn hai phát về chỗ anh Thao rồi cũng tháo chạy bán sống, bán chết để thoát thân. Anh Thao đã thoát khỏi bàn tay tử thần, được đồng đội đưa về đơn vị an toàn.
       Nghe Tôn kể, mọi người nhớn nhác nhìn nhau. Anh Thao, mặt dãn ra, hai mắt mở to, gượng nắm bàn tay Tôn, hỏi: Thế chú là Tê Hai Mốt à? Tôn, im lặng lấy từ trong bót ra chiếc thẻ công an giơ cho anh Thao cùng mọi người xem, rồi giãi bày: Ngày ấy sau khi nhập ngũ, em được vào binh chủng đặc công, huấn luyện xong, biên chế vào Đội biệt động Sài Gòn. Sau ngày miền Nam giải phóng, em được giao nhiệm vụ thâm nhập vào một tổ chức phản động đội lốt là băng cướp “Hận thù” chuyên hoạt động chống phá, gây mất an ninh trật tự, tập hợp, lôi kéo các phần tử chống Cộng khu vực Sài Gòn - Đồng Nai. Hơn hai lăm năm em bặt vô âm tín, không hề liên lạc gì với gia đình, người thân. Đất nước thống nhất, gia đình mòn mỏi ngóng trông. Ngay cả khi bố mẹ mất, em cũng không biết để về chịu tang. Mãi đến năm một chín chín lăm em được tổ chức rút về công tác tại công an thành phố Hồ Chí Minh. Em mới nhận sổ hưu được hơn hai năm nay. Lặng im giây lát, Tôn trầm xuống: Vợ con em, do không chịu nổi khó khăn, năm hai ngàn lẻ một đã đi định cư sang nước ngoài sống cùng bố mẹ.
       Mọi người lặng xuống, thỉnh thoảng có tiếng thở dài thương cảm chen lẫn tiếng trầm trồ thán phục. Chị Thìn rưng rưng nước mắt kể chen vào: Năm bảy sáu, cấp trên điều động anh Thao vào công tác ở công an Đồng Nai. Sau lần bị thương, năm bảy chín anh được quay ra làm công an trại giam ở tỉnh.
       Buổi tân hôn trở thành ngày vui đoàn tụ của những người bao năm mang theo mình yêu thương, hận thù lẫn lộn khi nghĩ về nhau. Món nợ tình đời, tình người dần được hóa giải. Gánh nặng lại chồng chất thêm trên đôi vai gày của chị Thìn. Chẳng biết chị có đủ sức đi tiếp trên con đường đầy oan nghiệt của những năm tháng cuối đời! 
       Chiều muộn, hoàng hôn tím ngắt, phủ kín làng quê, bóng đêm lảng vảng làm vơi dần hơi nóng ngột ngạt ngày hè. Tiếng nói cười râm ran, lời sẻ chia thương cảm tràn ngập niềm vui sau lễ tân hôn.
                                                                                                                     L.G.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 100
 Hôm nay: 1329
 Tổng số truy cập: 13617839
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa