Chiều. Âm u. Nền trời xám màu khói. Mây lãng đãng trôi về cuối chân trời. Nơi ấy chỉ còn ánh lên những tia sáng nhạt nhòa để rồi lịm dần đi cho màn đêm bao phủ. Những công dân yêu thích thể thao, thể dục nhất cũng đã về đoàn tụ gia đình trong bữa cơm chiều. Duy chỉ có một người ở khu phố này đến giờ này mới bắt đầu đi thể dục. Đó là Vũ Hoài.
Mấy năm nay Hoài rơi vào cảnh đơn chiếc. Như người ta, trong hoàn cảnh ấy thì hòa nhập vào cộng đồng cho khỏi buồn tẻ, nhưng anh lại khác, anh tự tách ra khỏi cộng đồng, theo anh nghĩ, đã lẻ loi thì cho lẻ lo một thể để được mặc sức hoài niệm! Thực ra anh muốn trọn vẹn với cuộc sống nội tâm để nhìn lại cả quãng đời đã qua, tự lý giải cho bản thân: anh sống với mọi người không đến nỗi nào, không ở ác với ai, không gây thù chuốc oán với ai, tại sao mọi tai họa cứ đổ mãi xuống cái thân hình nhỏ bé của anh? Tai họa lớn nhất và cũng là nỗi lo sợ lớn nhất là ba năm qua anh sống như người không hồn. Đến như việc tập thể dục hàng ngày anh cũng chỉ đi có một mình, buổi sáng anh đi tập lúc mặt trời đã lên cao, buổi chiều thì lúc nhá nhem tranh tối tranh sáng, anh cứ lầm lũi trên con đường cây hai bên xòe ra giao cành, về mùa hè thì tuyệt vời, nhưng về mùa đông thì như đi trong rừng, gió thổi vù vù như khúc nhạc ai oán.
Chiều nay cũng thế, anh chụp lên đầu cái mũ “ba xu”, lồng chân vào đôi giầy “hai hào”, hai thứ đồ dùng đã quá cũ, các con anh bảo mua cái khác thay thế nhưng anh không chịu, vì đó là những thứ vợ anh mua cho anh. Cuối thu rồi mà trời vẫn ngột ngạt, lớp lá phượng vĩ còn sót lại trút xuống đầu xuống vai anh như mưa bụi, anh cũng chẳng quan tâm; các cành cây trên đầu giơ ra như những bộ xương không da thịt chơi vơi níu lấy nhau, Hoài cũng chẳng để ý, anh lầm lũi thả bước trên con đường quen thuộc, giờ này đã vắng người, xe cộ cũng thỉnh thoảng mới có một chiếc lướt qua. Gió heo may đầu mùa chốc chốc lại ùa tới như hù dọa khi anh qua ngã ba ngã tư. Hình như có một vài người đi bên kia đường nhưng anh không nhìn sang, và anh cũng không nhìn đi đâu mà chỉ nhìn ngay trước chân mình để tâm hồn được thư thái, khỏi vướng bận. Qua “ngã tư bạch đàn”, nơi có cây bạch đàn cổ thụ, người quê gốc nơi này thường kháo nhau có ma thiêng hiện về vào những đêm đông lạnh giá. Con ma ấy chính là người con gái thất tình treo cổ trên cây bạch đàn này vào một đêm giá rét. Mùa đông năm nào cũng thế khi giá rét tràn về, mưa bụi giăng giăng, đêm khuya tĩnh mịch thì nàng hiện về trên chạc ba nơi gần ngọn cây, xỏa tóc chải đầu. Hình như, đấy, lại hình như, có ai gọi tên anh, tiếng gọi sao có vẻ xa xăm, thoảng trong gió chiều muộn, anh không dừng chân cũng không đáp lời, cứ lầm lũi đi tới. ồ lạ chưa, gió thổi không mạnh mà sao tiếng gọi như tiếng chim lướt trong không trung. Nghe rất xa, như người gọi đò trong một đêm thanh vắng. Ai thế nhỉ? Nhưng sao lại gọi anh mãi mà càng gọi càng có vẻ xa hơn, có chuyện gì chăng? Có đúng là có ai đó đang gọi tên mình? Hoài nghi nghi. Anh nhìn lên ngọn cây, gió mơn man lắc lư, không có hiện tượng gì khác lạ. Anh không thể không dừng chân nghe ngóng, quan sát, mà kìa, một người đàn bà đứng bên kia đường đang hướng về nơi anh. Trời chưa tối hẳn mà sao anh như thấy chị ta trong sương mù, mờ mờ tỏ tỏ, lúc ẩn lúc hiện. Đến lúc này thì Hoài không thể cứ lầm lũi bước đi được nữa, anh phải lên tiếng: Cô gọi tôi? Người ấy không trả lời mà thay bằng nụ cười với hai hàm răng trắng bóng được đèn đường phản chiếu ánh lên như có chất lân tinh. Người nào mà mình trông quen thế nhỉ? Linh tính mách bảo thế nào mà anh lao sang bên kia đường, không quan tâm đến xe cộ qua lại, đó là điều chưa từng có trong đời anh. Người ấy vẫn giữ nguyên nụ cười tươi roi rói mà không nói gì. Hoài đã nhận ra người đó là ai, anh gần như gục xuống chân chị ta và chỉ kịp thốt lên một từ: Em! Mãi sau anh mới ngước nhìn kỹ người đàn bà ấy. Trời, sao em xanh xao và gầy đến hốc hác thế này? ở đấy thời tiết khắc nghiệt lắm phải không em? Khi nắng thì nóng cháy da cháy thịt, ngột ngạt không thở nổi, khi mưa thì tất cả như bị dìm hết xuống bùn lầy, khi rét thì cha mẹ ơi muốn run cũng không đủ sức mà run, các cơ bắp như bị bóp nghẹt. Thế thì làm sao em có thể hồng hào khỏe mạnh được. Anh thương em quá đi thôi. Hoài gục mặt vào bàn tay vợ như một đứa trẻ gặp mẹ. Mãi sau anh mới hỏi: Đi đường sao em lại mặc quần áo ngủ? Đây cũng là điều anh chưa từng thấy vợ anh ăn mặc như thế bao giờ. Ngọ ơi sao em không nói gì thế? Em về hẳn hay chỉ chốc lát rồi lại đi? Người đàn bà ấy vẫn chỉ cười mà nước mắt chảy ròng ròng. Nào, anh đưa em về. Hoài vòng tay qua eo vợ, không phải ôm mà anh dìu chị đi, chị yếu quá, anh thương chị đến thắt ruột mà không nỡ nói ra.
Gió thổi mạnh hơn. Gió kiểu gì mà lạ thế, cứ ù ù như xay thóc rồi lặng ắng được ngay rồi lại ù ù, Hoài cảm thấy ơn ớn nơi sống lưng và hai bả vai như níu người anh xuống, nhưng anh vẫn vững vàng bên người vợ vừa gặp lại. Ngôi nhà của gia đình anh đây rồi mà sao vợ anh cứ ngơ ngơ như người xa lạ. Hay em bị mất trí? Nhà mình đó em. Cá chuối đắm đuối vì con, hồi phải cuốn gói ra hà Nội, vợ anh bảo, rộng hẹp gì cũng được nhưng phải có bầu trời, mặt đất. Bán tất cả nhà cửa đất đai, xe cộ, có cái gì đáng giá đều cho đi hết, cuộn một cục tiền ra Hà Nội ở nhà trọ với con. Hàng tháng trời hai vợ chồng Hoài như cặp tình nhân kè kè bên nhau lội khắp các ngõ ngách mà không thể mua được một nơi ở, chỉ vì tiền ít quá. Cuối cùng đành phải qua môi giới mới mua được một gian nhà xập xệ gần ba chục mét vuông trong một con ngách chật chội ở Kim Mã, nơi ấy toàn người nghiện, không ai dám đến ở. Hai vợ chồng, hai đứa con đi đóng về mở cũng coi như ổn được dăm năm. Bây giờ nhờ các con làm ăn khấm khá nên đã có nhà cao cửa rộng... Mấy đứa con đi sinh nhật bạn từ chiều, nhà trở nên vắng vẻ, Hoài đưa Ngọ lên phòng của hai vợ chồng ở tầng hai. Căn phòng này rộng lắm, những ngót ba chục mét vuông, các mặt tường đều kê kín các tủ quần áo, tủ sách, bàn viết của anh, bàn trang điểm của chị, bàn nước của hai vợ chồng, cái giường đôi kê giữa phòng, đối diện với cái ti-vi 42 inh vợ chồng thằng út tặng nhân một lần sinh nhật mẹ. Ngọ mệt mỏi lắm, chị đảo mắt nhìn lại căn phòng của hai vợ chồng tuy không được gọn gàng như trước đây, nhưng với đàn ông như thế là tạm được, chị rón rén ngồi xuống mép giường như khách lạ đến nhà, anh nhìn chị với đầy vẻ thương cảm: Em nằm nghỉ đi, đường xa vất vả lắm em nhỉ. à quên để anh đi lấy cho em cốc nước nóng uống cho ấm người lên. Anh tất tả chạy xuống bếp dưới tầng trệt pha một cốc nước chanh cho vợ, khi quay lên thì Ngọ đã nằm xuống phần giường trước đây chị thường nằm, mắt khép lại như ngủ. Ôi, bây giờ anh mới tường tận, bộ quần áo Ngọ mặc không phải quần áo ngủ mà đấy là bộ quần áo các con mua cho mẹ mặc mỗi lần lên chùa; da Ngọ trắng nhợt nhạt, hai hố mắt trũng sâu, lông mi, lông mày đâu cả rồi, ơ, mái tóc dài và dầy nữa có còn không, sao Ngọ lại trùm khăn đen như bà già vậy? Anh nhẹ nhàng đặt ly nước xuống cái bàn nhỏ ở bên đầu giường rồi ghé lưng xuống bên vợ. Tưởng vợ đi đường mệt mỏi đã ngủ thiếp đi, nhưng không, anh vừa chạm vào người chị thì chị xoay người về phía anh. Nhấc đầu vợ đặt lên khuỷu tay mình, còn tay kia anh nhẹ nhàng ôm qua người chị, nhưng sao chị bé nhỏ thế, anh ôm vợ mà như ôm vào một khoảng không, chẳng có cảm giác ấm áp gì cả. Chị vẫn giữ thói quen rúc đầu vào ngực anh như trước đây, nhưng không phải là mái đầu với mái tóc bồng bềnh êm ả mà sao toàn xương là xương, anh thấy nhoi nhói nhưng cố chịu đựng không làm vợ phật lòng. Yên lặng khá lâu, Hoài chờ xem vợ có điều gì thổ lộ sau những năm tháng xa cách, nhưng chị vẫn im lặng, anh đành phải lên tiếng: Sao em đi lâu thế? Họ quy định ba năm mới cho về thăm gia đình à? Hình như Ngọ gật đầu. Những ngày đầu vắng em anh tưởng mình không sống nổi, ăn gì cũng nuốt khó xuống, đêm thì thao thức canh nọ sang canh kia, râu ria mọc tua tủa, tóc không cắt tốt bù xù, hai mắt thì trũng xuống sâu hoắm... thế rồi anh ngả bệnh các con phải đưa đi cấp cứu, lúc đầu các bác sĩ bảo anh suy nhược toàn cơ thể, nhưng càng điều trị cơ thể càng giảm sút, mãi sau họ mới phát hiện anh bị viêm loét dạ dầy, sắp chuyển sang ung thư giai đoạn đầu, phải mổ ngay lập tức. Các con gọi điện thoại cho em bao nhiêu lần không được, nhắn tin trên facebook cũng không thấy em trả lời, anh tưởng chuyến này ra đi mà không được gặp em lần cuối, anh buồn lắm, khóc suốt. Em không biết gì thật à? Ngọ yên lặng như người thú tội. Em biết các con nói với anh thế nào không, chúng nó bảo: vắng mẹ, bây giờ mà bố lại nằm xuống thì các con biết bấu víu vào đâu. Thương các con, bố cố gắng thuốc thang, ăn uống tẩm bổ cho lại sức để các con được nhờ. Nghe chúng nó nói mà anh thấy nghẹn ứ nơi lồng ngực em ạ. Kìa, sao em lại khóc? Em đã về rồi, vợ chồng, con cái có nhau thì phải vui lên chứ. Hình như Ngọ khóc nấc, cái đầu cứ dúi mãi vào ngực Hoài, nước mắt đầm đìa vồng ngực chồng. Anh lái sang chuyện khác cho vợ đỡ buồn. à chuyện này chắc em chưa biết, vợ chồng thằng Dương có con rồi đấy. Em cứ lo mãi thằng cháu đích tôn chậm lấy vợ, chậm có chắt cho cụ bế. Trộm vía, con bé kháu khỉnh lắm, ai nhìn nó cũng thích và đều bảo nó càng lớn càng giống cụ nội như đúc. Mà thế thật, hai hàm răng chuột đều tăm tắp, mái tóc dầy và đen như mun, hai chân dài, bàn chân thuôn thuôn, gót đỏ, nước da lúc nào cũng trắng hồng... nhìn cháu anh như thấy em hiển hiện, an ủi anh một phần khi đơn chiếc. Hình như Ngọ lại gật gật, Hoài thấy ngực mình động đậy. Em có nhớ bài thơ “Đôi dép” của Nguyễn Trung Kiên mà anh đã đọc cho em nghe nhiều lần, em thích bài thơ này lắm và khoái nhất là khổ thơ cuối:... Không thể thiếu nhau trên bước đường đời/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/ Chỉ còn một - là không còn gì hết/ Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia. Rất ý nghĩa em nhỉ. Nhiều đêm nhớ em không ngủ được anh cũng làm thơ. Mà thơ anh thì em biết rồi, cứ một với một là hai, chẳng sâu xa gì, chỉ ghi lại những cảm nghĩ của riêng mình. Ví như bài thơ Nhớ, anh viết: Đêm qua em tôi mới về/ Ghé lưng cho mái tóc thề xõa ra/ Từ ngày em phải đi xa/ Đêm đêm anh vẫn gọi bà bà ơi... đại loại thơ anh là thế. Có hôm đang đêm nhớ em quá anh mở tủ quần áo của em ra xem rồi thốt lên: Đêm buồn mở tủ áo em/ Bao nhiêu kỷ niệm đua chen hiện hình/ áo này màu tím xinh xinh/ Khắc ghi cái buổi chúng mình gặp nhau/ Này đây cái áo cánh nâu/ Nhớ khi cuốc bẩm cày sâu đồng làng/... Trời ơi sao nỡ phân chia/ áo thơm còn đấy, người đi mịt mùng/ Nhớ em nhớ đến khôn cùng/ Ôm áo vào lòng nức nở thâu đêm... Sao em cứ khóc mãi. Ba năm, hơn một nghìn ngày bây giờ mới được gặp nhau, có gì em nên nói ra cho nó nhẹ người, kể cả những lầm lỗi chúng ta cũng sẽ tha thứ cho nhau mà em. à, sao cái dạo ấy có lần em lại hỏi các con: nếu vắng mẹ cái nhà này sẽ ra sao, là thế nào em? Thế ra em biết trước phải xa anh và các con à?... Ngọ vẫn yên lặng. Hoài không thấy hơi ấm của vợ truyền sang mà hình như cảm thấy lành lạnh nơi lồng ngực.
Có tiếng gà tao tác rất xa. Trời đang chuyển mùa. Thoang thoảng lạnh. Có mùi gì rất lạ như ngải hương. Tiếng chuông điện thoại đổ hồi. Ai mà vô duyên gọi người ta vào giờ này. Hay là có chuyện gì bất trắc? Hoài vẫn nhắm mắt quơ tay lên bàn đầu giường tìm điện thoại. Có ai gọi đâu, mới bốn giờ sáng, mình mơ ngủ chăng, chuông không reo nữa. Cái điện thoại di động nhỏ như bao diêm rơi xuống sàn nhà vang lên tiếng choang, Hoài cũng mặc, anh quay sang ôm vợ, nhưng chao ơi, Ngọ đâu rồi? Cô ấy vừa đây kia mà sao có thế biến đi đâu nhanh như thế được? Hoài đập tay xuống giường tìm kiếm vợ, nhưng chỉ là một khoảng không. Ngoài kia đèn đường vẫn sáng, các cửa sổ vẫn còn đóng, các màn gió chưa cuốn lên, cửa chính ra vào vẫn khép chặt. Hoài ngồi bật dậy ở giữa giường, hai tay khuơ khuơ như người khiếm thị, đầu óc hoảng loạn kêu lên: Ngọ ơi, Ngọ ơi, em đâu rồi, em đâu rồi Ngọ ơi? Anh loạng choạng bước xuống sàn nhà và lao ra cửa, cánh cửa gỗ đẩy bật anh lại. Ôi thế là... không phải sự thật mà chỉ là mơ, anh ôm lấy đầu và khóc như một đứa trẻ bị người lớn tước đoạt đồ chới rất quý của chúng. Không, anh không khóc mà tru lên như con thú bị thương. Làm gì có cảnh tái hợp như vậy, vợ anh mất đã ba năm, mà lạ thật suốt ba năm ấy dù anh nhớ thương vợ đến cháy lòng mà không một lần anh mơ thấy vợ, có người bảo phải sau ba năm, khi anh đã nguôi ngoai không còn đau khổ như khi chị mới mất thì chị sẽ hiện về gặp anh. Ba năm chứ có đến ba mươi năm anh cũng không thể nguôi ngoai nhớ thương người vợ yêu quý của mình, thế mà chị đã hiện về với anh, âu yếm như khi còn trẻ.
Tình yêu của vợ chồng anh là tấm gương cho các con cháu ngưỡng mộ. Đúng là người này là một nửa của người kia. Khi đói khổ cũng như khi sung sướng, lúc khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, trong chiến tranh cũng như thời hòa bình, đi du lịch xa cũng như khi đi chơi gần luôn cặp kè bên nhau, điều hơn lẽ thiệt cùng chia sẻ với nhau, tiền lương của hai vợ chồng bỏ chung vào một cái hộp, ai cần tiêu thì mở hộp mà lấy, không giấu giếm nhau điều gì, nhiều tuổi rồi nhưng vẫn xưng hô anh em như thời trai trẻ... Thế mà... Anh tru lên từng hồi rồi lả đi. Con cháu ùa lại, anh như người kiệt sức, mắt lờ đờ, môi nhợt nhạt, người lạnh như kem. Mọi người đã biết vì sao anh ra nông nỗi này nên không ai nói gì mà chỉ ngồi xuống bên anh như tỏ sự chia sẻ. Trời đã lờ mờ sáng, các bóng cây trước nhà chập chờn. Khúc độc thoại đã kết thúc từ lâu. Gió lúc ban mai lặng ắng. Bà Ngọ đã đi rất xa, không, bà đã bay theo giải mây màu lục hình sóng biển uốn lượn trong một ngày êm ả, giăng dài nơi chân trời xa thẳm. Vũ Hoài và con cháu cùng nhận ra một điều tất yếu nhưng không ai nói ra: Chỉ có tình yêu là bất tử, còn tất cả đều phôi pha, cái gì đã mất thì dù cố níu kéo cũng không được. Quy luật của muôn đời là thế, làm sao có thể khác được. Nhưng sự nuối tiếc bắt nguồn từ tấm lòng chung thủy thì không có gì ngăn cản nổi. Phải chăng chỉ có Thời Gian là có thể?
Hà Nội, 31-10-2016
T.H