Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Phía trên lời nguyền - PHẠM VĨNH SƠN
Phía trên lời nguyền - PHẠM VĨNH SƠN

       Xoan đứng bên này nhìn sang đầu cầu bên kia. Một cảm xúc mà từ vui mừng hay sung sướng không nói đủ. Một cái gì lẫn lộn vừa rạng rỡ vừa thương nhớ, xa xót trào lên. Xoan mặc cho nước mắt rơi rồi òa khóc. Cứ như người cởi bỏ được nỗi niềm oan ức ba đời cộng lại, cứ thế Xoan khóc. Cây cầu trước mắt Xoan đây  không chỉ là mơ ước cháy lòng, là công sức bao người mà còn có chiến công của Xoan nữa. Cây cầu bắc qua bao cách biệt, làm cho cách trở được nối liền giữa bên này - nơi Xoan khóc khi lần đầu thấy mặt trời - với  bên kia là quê bà nội và quê mế Xoan đã bao đời biệt lập như một hòn đảo mồ côi, xanh bí ẩn và hoang dã. Cây cầu mới chạy trên bến đò cũ nơi mùa lụt làng thường tụ tập đóng mảng, bó củi lụt, kéo gỗ ngược vào con khe đổ ra cửa sông đây. Cây cầu kẻ một đường cứng cáp trên dòng mềm nuột của dòng sông Mã mùa nước hiền, nối liền bên này bãi ngô đang vào kỳ đông sữa, hoa trải sắc nâu sồng, bãi lạc lấm chấm hoa vàng, với hòn xanh cô độc bờ bên kia. Hai bờ đã bao đời bị chia cắt bởi lời nguyền nặng như đá tảng bao nhiêu cách trở chia ly và nước mắt.
       Nhạc chuông điện thoại cắt dòng hồi tưởng và cơn dư chấn trong tâm hồn Xoan. Này, cậu về chưa đấy? Về rồi, Xoan đang đứng ngắm cầu đây rồi! Có thế chứ! Đích thân chủ tịch xã mời, lẽ nào! Hê hê! Đã bảo là thế nào Xoan cũng có mặt mà! Thế vẫn là chất người bản đấy, hứa phải làm, cứ lo cánh viết lách các cậu hay bùng nhùng. Tối nay tớ đãi món truyền thống nhá! ờ, Xoan nhớ lá đu đủ đồ cá sông rồi, không cần nhiều món đâu! Rồi, tớ sang đón, còn bàn bài phát biểu cảm tưởng của cậu nữa.
       Hội nói rõ và chắc như trong hội nghị. Cùng học với Xoan ba năm cấp 3 nhưng Hội là người bản bên sông. Từ xưa, người bản Xoan gọi bản của Hội là bản Đồi Côi.  Ai đó chê mắng đứa con hư cũng thường rủa: Sang Đồi Côi mà ở! Xoan nhớ hồi cô của Xoan không chịu lấy chồng, bà nội cũng bảo: hay muốn sang Đồi Côi, há! Hồi còn là cô bé con, Xoan tò mò hỏi bà: Bên đồi đó có chi sợ lắm à bà? Sao làng mình bên này lại bơi sông làm nương mãi bên đồi đó? Đừng hỏi, thần sông, thần núi nghe thấy đấy! Bản Xoan kiêng nói đến đồi này. Lúc Xoan biết theo cô ra sông rửa lá dong ngày tết, gió phía cuối sông thổi ngược lạnh buốt lưng, tê tay, cây lá bờ bên này đã tàn, nhuốm màu nâu vàng, bên kia sông vẫn điệp điệp màu xanh. Mùa hạ ra sông tắm, nhìn sang Đồi Côi, Xoan luôn buồn ngợp vì ngọn đồi đơn độc dưới ráng chiều vàng ệch. Bà bảo đồi đó xưa nhiều cọp beo. Đêm đêm cọp bơi sang bên này bắt trâu bò, cả người cũng bị cọp bắt. Người bản tìm thấy xác kể cả còn nguyên hay không cũng đem chôn ở đống riêng, người bản sợ vía người bị hổ vồ ám làng bản, gây tai họa. Xoan vừa sợ vừa tò mò cái khúc sông ăn sâu vào bờ bên kia tạo thành cái vực bốn mùa nước sâu hoay hoáy. Cái vực và quả đồi bên đó gắn tích một vùng đất cách sông cho bản Xoan và lời thề nguyền đau đớn.
       Bắt đầu một ngày hè nóng nực.  Đó cũng là mùa cỏ của Đồi Côi. Non trưa, đàn trẻ choai bên này thường cưỡi trâu bơi qua bên sông, thả trâu lên đồi rồi rủ nhau ra bờ sông trèo cây ngơn(*) nhảy  vực. Từ ngọn cành cây ngơn nhảy xuống vực bao giờ tiếng ùm rất to, rất đã. Chúng cổ vũ nhau và reo hò mải mê không nhớ gì đến đàn trâu chán cỏ chuyển sang gặm lúa nương, phá ngô đồi. Lão Thâm trong bản đồi là người đàn ông lực lưỡng, có tài lặn sông, lão sống bằng nghề đơm cá sông bằng rọ. Cái rọ đan bằng tre bánh tẻ chẻ nguyên cây róc lấy phần cật, hình rọ giống cái phễu bẹp. Miệng phễu tấp tay tre, có ton thưa và sắc cá tuột vào thì hết đường ra. Cái rọ đại tướng to đùng của lão phải là người trường sức như trâu kéo, hơi lặn dài như con rái cá mới kéo vớt lên được. Lão thích đơm rọ chỗ nước quẩn, ở đó nhiều cá to và tôm kềnh, nhưng hiềm nỗi bọn trẻ bên sông lại thích trèo cây ngơn nhảy ùm đúng chỗ lão đơm cá. Vài lần lão hò hét bảo chúng  không được nhảy chỗ đó,  làm cá sợ tản đi. Nhưng chỗ khác không có cây nào vừa tầm cho chúng nhảy.
       Đêm khó ngủ lão nghĩ ra kế độc. Lão vào bụi tre già trong đồi chặt cây tre bánh tẻ dài nhất. Lão rắp tâm đan cái rọ to nhất trong đời. Cái rọ phải buộc dây cho con trâu đực nở ức nhất kéo ra sông thả. Mẻ lão bắt lần này không phải là cá chép, cá lăng hay tôm kềnh.
       Hôm đó, gà đã lên chuồng, thường ngày đây là lúc trâu ăn bên kia sông bơi về bến. Nhưng mãi chỉ có lũ trâu và thằng May trở về. Nó hớt hải gọi bố, la mẹ, gọi làng đi cứu bọn trẻ. Chỉ đàn ông mới biết bơi sang sông. Chỉ những người đàn ông hợp sức  kêu lên ô… Vếch mới kéo được mẻ rọ lên. Chín đứa trẻ trâu nhanh nhẩu nghịch ngợm nhất đã đóng vai những con cá tuột vào rọ lão Thâm và không bao giờ về nữa.
       Bản nổi khoán. Tiếng mõ kêu khản đặc. Đàn ông, trai tráng lăm lăm dao quắm và đuốc nứa. Đàn bà khóc rú và gọi hồn con. Đoàn đuốc tiến ra bờ sông. Những thuyền đuốc, bó đuốc nâng trên tay trai làng giỏi bơi đỏ rợp cả khúc sông mùa nước lặng. Đám đàn ông trai tráng đi hỏi tội, đi đòi đền mạng đứng đỏ đuốc cả bản Đồi Côi. Đàn bà con gái trong bản vội đóng cửa, tụm vào buồng. Đàn ông dang man(**) tránh người lên sàn. Mọi nhà nín thinh như bản có giặc trổ, voi rừng, cọp đàn. Chỉ có lũ chó đông đúc xông ra bốn phía dữ dằn sủa váng. Nhưng những người đàn ông đi hỏi tội không sợ lũ chó. Họ gọi tên già bản Đồi Côi. Già phải ra tiếp chuyện. Đám trai cầm đuốc rậm rịch, lòng họ còn ngùn ngụt hơn đuốc. Những người đàn ông nhao lên đòi chín mạng người phải được trả bằng đầu lâu ông Thâm. Chín mạng người phải đổi lấy chín. Đuốc cháy rần rật. Nỗi đau và nỗi căm rừng rực. Già làng Đồi Côi đã ra. Già đứng một mình liều lĩnh và cô độc trước đám trai tráng đang đòi nợ mạng. Già đứng trên mô đất cao để trồng cây nêu ngày tết, cố điềm tĩnh, trịnh trọng: Các ông muốn lấy thủ lão Thâm là đúng, các ông muốn lấy mạng đổi mạng là đúng! Nhưng thêm từng nấy mạng nữa cũng không có mạng nào được cứu sống. Chi bằng lấy trâu, lấy đất đền mạng! Đất không phải là người nhưng nó chứa được người, nuôi người. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Trâu không thay được người nhưng thay cho sức người. Có đất, có trâu khỏe, bản các ông từ nay trở đi tha hồ làm nương, kéo gỗ. Ngày ngày được thả trâu, làm nương bên này, ai đụng đến các người thì kẻ đó phải chịu tội trước hai bản. Bản ta có trách nhiệm bảo vệ hoa mầu cho bản bên. Mùa lụt, củi thượng nguồn dạt về bên này, bản bên được sang đóng bè kéo lấy. Bây giờ ta thay mặt cả bản, thay lời kẻ có tội đi giao đất. Ta dùng tất cả vạc dầu trong bản đổ từ ngọn đồi làng xuống, chỗ nào dầu len đến sẽ giao đất chỗ đó. Hai mươi con trâu đực to nhất, khỏe nhất tùy ý các ông chọn. Đất  giao rồi các ông muốn làm nương, làm đống là tùy. Các ông thấy có tha được không?
       Đám trai tráng, sơn tràng, lực điền lại nhao lên một lúc. Người đứng đầu cầm bó đuốc giơ cao nói: Chúng ta tạm chấp nhận việc trả giá này! Nhưng từ nay về sau, kẻ nào xâm phạm vào ranh giới đã chia sẽ bị nộp mạng. Trai gái hai làng từ nay tuyệt giao. Ai phạm vào lời nguyền nếu là đàn bà nhốt rọ đem lên hang sâu, phải ăn lá ngón mà chết, đàn ông cho vào rọ ngâm vực. Nhớ lấy! Già làng Đồi Côi đáp: Tôi và các ông khác bản quán nhưng đều cùng một tộc. Người tộc ta coi trọng lời thề. Có thể người không thấy hết nhưng ma đồi ma đất có mắt nơi nơi. Ai làm sai ma đồi ma đất đều biết và phạt tội. Cha mẹ truyền cho con cái biết. Con cái truyền cho cháu chắt sau này làm theo. Lời nói là đọi máu, đời đời kiếp kiếp không thể làm sai!
       Hai bên giao kèo giữa sự chứng kiến của già bản, của đám đàn ông lực lưỡng. Lời tuyên xong, già làng Đồi Côi sai đem gà trống, con dao và bát rượu để hai làng cắt máu ăn thề. Con gà trống mới tập gáy bị phất mạnh búi lông ở tai, một que nứa nhọn và sắc xuống trúng huyệt, một dòng máu tươi nóng và liền mạch rót xuống bát rượu rong róc. Già làng hai bên uống ngụm rượu thề.
Ngày phát lời nguyền của hai làng đến lúc Xoan biết nghe câu chuyện này đã mấy đời người cộng lại.
       Oán thù đó vẫn đè nặng cho đến một ngày. 
       Con của thằng Trả con trai cả nhà lão Thâm đến tuổi biết đùm vuôn váy giấu đi đôi gò nở nang đã lộ rõ là một ả nàng xinh đẹp. Da tắm nước suối trắng ngần trắng ngộn. Tóc mun chảy dài như rêu đá chỗ nước ngoài nổ xiết. Cổ tay tròn như ngà voi đeo chiếc vòng bạc càng tôn cái tròn trặn óng ả. Ai cũng thích nghe tiếng nói như nước đùa trong ống bương của Hai Trầm. Đôi mắt nai ướt đen nhìn vào ai cũng thấy mến thương. Một chiều Hai Trầm vào chân đồi hái dâu với mế, gặp Sâm bản bên sông đang đuổi trâu ra bến. Hai người nhìn thấy nhau bỗng giật nẩy như gặp lại người từ ngày hội mường nước xa xưa. Cả hai đều vội quay đi nhưng liền ngó lại bắt gặp cái nhìn vội vàng mà hắt nóng như ráng chiều trên đồi Mồ Côi. Thấy Hai Trầm vừa đi vừa ngoái lại, mế nàng nhắc: Nhìn đường mà đi không vấp đấy! Hai Trầm không dám ngoái lại thêm, vội vã cúi đầu, cõng giỏ lá dâu đi một mạch.  Bên này cả Sâm vội lùa trâu ra bến rồi như bỏ quên gì loàng quàng quay lại thì mẹ con Hai Trầm đã về bản.
       Chiều hôm sau tuy không hẹn, Hai Trầm vẫn đi qua nổ trâu đúng lúc mặt trời gác núi. Từ bìa đồi đi ngược về phía Hai Trầm, Sâm vội lên tiếng: biết thế nào hôm nay chị cũng đi đường này, một mình à? Vâng, khéo không nhỡ ai nhìn thấy!  Nhìn thấy tôi cũng không sợ! Anh không sợ bị bỏ rọ ngâm xuống vực à! Không! Gặp được chị bị làng đem ngâm vực sặc nước đến chết tôi cũng không tiếc đời! Tôi cũng thế, làng bắt lên hang phải ăn lá ngón mà chết cũng mặc, ai rồi cũng chết! Sâm nắm lấy cổ tay Hai Trầm rất nhanh như sợ Hai Trầm rơi xuống vực tuột mất.
       Hai Trầm bỗng thích đi chỏ dâu một mình, không sợ gặp ma đồi, gặp người bên sông như trước. Mế sinh nghi và quyết đi rình. Mế hoa cả mắt, tai ù đặc khi thấy chàng trai chăn con trâu kéo bản bên cầm tay con Trầm. Không muốn con giật mình, bà mế giả ho khúng khắng. Đôi trẻ giật bắn, Sâm vội rẽ vào chân đồi. Mế Hai Trầm sầm sập kéo con về. Mế nói trong đồi có con ma cụt đầu, từ nay  không cho Hai Trầm và đồi hái dâu nữa. 
       Chiều nào cả Sâm cũng lùa trâu sang đồi. Sâm đến chỗ hôm trước bao nhiêu lần đều không thấy Hai Trầm,  cũng không thấy người bản Đồi ra hái dâu. Sâm đã chặt tre, dựng cái chòi nhỏ, vừa canh chừng trâu vừa mong chừng Hai Trầm sẽ qua.
       Mùa cỏ sắp rụi, ngô đồi cũng vàng áo rồi. Mùa cỏ tàn thì làng bên sông sẽ không chăn trâu bên đồi nữa. Sâm sốt ruột nghĩ cách gặp người con gái hái dâu đó. Chờ mãi, một buổi chiều gần tà nọ họ gặp nhau, dắt nhau đi ngược bờ sông lên mãi trên thượng với ít vòng bạc, vài bộ xống áo bỏ đãy. Không ai biết họ đi đâu. Người nhà sợ tai họa không dám đi tìm. Năm tháng như sông chảy đã bào mòn nỗi lo của người nhà, nỗi tò mò của dân bản. Cho đến một đêm.
       Trời tháng chạp tối như bưng. Bà Ngẫm vừa chợp mắt bỗng nghe tiếng gọi như thì thào dưới man nhà: Mế, mế, con đây! Mế lập cập, vừa mừng vì run sợ không dám thắp đĩa dầu trẩu hay thổi bếp cho sáng. Mế ra man mở chốt cửa tre, nhấc cho vừa người vào. Thằng Sâm về bế theo một đứa bé gái, Sâm run rẩy: Con của con đây! Mế thương và chăm lấy nó. Chúng con đi theo kháng chiến. Hòa bình rồi sẽ đón nó về nuôi cho Mế. ừ, đi đi. Đừng để ai biết mày về! Con bé ngủ trên lưng bố mềm oặt. Nó không biết mình được sinh ra từ một cuộc hôn phối đi qua lời nguyền thiêng đau đớn. Nó không biết mình là bằng chứng của tội lỗi.
       Bà Ngẫm bế đứa cháu nội đặt lên đệm ấm, ủ trong chăn thổ cẩm. Đứa bé ba tuổi, thơm mùi ngô nướng, chắc bố nó cho ăn đỡ bữa trên đường trốn về đây. Bà khẽ khàng thắp đĩa dầu, soi nhìn gương mặt nó. Khuôn mặt tròn, da trắng như bột, mái tóc đen và dày mượt thơm cay cay. Đôi bàn tay nó mềm có những ngón thon dài được chăm rửa sạch sẽ. Nhìn nó, bà tưởng tượng ra đứa con dâu bất đắc dĩ xuân sắc, xinh tươi bà chưa gặp mặt đang ẩn nấp đâu đó. Bà bỗng mủi lòng thương cho hai đứa con và đứa cháu nội bé bỏng này. Bà sẽ phải nghĩ cách nói với dân bản về sự có mặt của đứa bé.
Một Tết nữa lại về. Hôm làng ra bến rửa lá dong gói bánh Tết cũng là hôm bà Ngẫm nhận được giấy báo tử con trai. Con dâu không dám thừa nhận của bà đi dân công hỏa tuyến biết tin chồng đã trèo đèo lội suối vượt qua bom đạn đến tận nơi thằng Sâm của bà nằm xuống. Bao nhiêu gian nan cách trở nhưng chúng coi như đã trọn tình. Bà càng chăm sóc đùm bọc hột máu của thằng Sâm và đứa con gái trốn nhà, chống cả lời nguyền thiêng theo chồng. Đứa bé đấy sau này chính là người mẹ đẹp người khéo nết của Xoan.
       Bản vẫn sang sông làm nương, thả trâu. Vào mùa lũ vớt củi đóng mảng đưa về bên này. Tuyệt nhiên không có tranh giành hay phục thù gì giữa hai bản. Nhưng giữa họ sự ngăn cách còn dày nặng hơn cả dãy núi. Lời nguyền thề mấy đời người vẫn còn y nguyên. Những ả nàng bản Đồi Côi vẫn để tóc dài óng mượt như rêu đá ngoài sông xiết. Con gái bản Đồi mắt trong và ướt lắm. Nước mó trong cho các nàng mắt trong và da trắng. Lá hăn và lá chua mon gội đầu làm tóc các nàng chảy thơm. Con trai bản bên này thường lực lưỡng. Mới trai choai đã giỏi bơi sông, vớt củi, đóng mảng. Cuộc sinh nhai vượt sông sang bên kia đảo  làm cho các chàng trai càng vâm vóc, ngực nở, bắp tay cuồn cuộn. Nếu không có lời nguyền quái ác kia không biết trai bản bên và gái bản đồi đã có bao đôi lứa tình đẹp, duyên ưa.
       Cách mạng thành công rồi. Cách mạng làm nên chuyện đổi đời nhưng chưa thể xóa lời nguyền sâu nặng đó. Phép vua thua lệ làng. Bà kể lại lúc mẹ Xoan thành cô gái mắt trong, ngực cao, tóc đổ dài sau lưng như dòng rêu. Hôm mừng chiến công, làng bên sông cũng sang bên này liên hoan đoàn kết. Lúc trai bản bên ra về, mẹ Xoan hò điệu hò sông Mã tiễn chân: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều. Trong đám nam thanh có người hò đối: Cô kia cắt cỏ bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây. Giọng nữ đối lại: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Hai bên vận rồi hò đến khuya. Người con trai ấy đã ở lại bản bên này. Gần sáng vào chọc sàn nhà bà Ngẫm. Người con gái hò đối đã xuống sàn. Họ đưa nhau ra mó nước ngắm trăng.
       Sáng hôm sau, mẹ Xoan đã cùng người con trai đời mình ra nhà chủ nhiệm hợp tác, nhà trưởng dân quân bản báo cáo để hai người tìm hiểu nên vợ nên chồng. Ông chủ nhiệm ngạc nhiên nhìn hai người với ánh mắt người ta nhìn ai đó dám chơi trò mạo hiểm: Nhà cháu thế là đã hai đời phá lệ làng bản! Nếu trước đây thì tội chết. Nhưng người Cách mạng đã nói rồi, phải xóa mọi hiềm khích hận thù thì mới làm cách mạng thành công. Nhà cháu cũng xóa đi nỗi hận hai bản, cũng như là người cách mạng rồi! 
       Hai người đã được công khai nên vợ nên chồng. Xoan được bố mế chăm dẵm bằng cả thương yêu và mong mỏi. Xoan đi học lớp báo chí tận Trung ương. Xoan nuôi niềm mơ tha thiết là có cây cầu nối hai quê nội ngoại, xóa nỗi hận còn đè nặng mấy đời người. Người ta bảo con người ta có số phận. Bà Xoan tin điều này lắm. Không thế sao đã hai đời nhà Xoan ông bà bố mẹ đều có duyên phận trớ trêu!
       Câu chuyện lời nguyền truyền đời làm Xoan nghĩ nhiều lắm. Đời ông bà Xoan đã vì cách sông cách nước, vì lời nguyền nặng nề mà phải bỏ quê lánh án chết tội. Nhân có đợt thi viết về giao thông, Xoan đã có bài bút ký xuất sắc, đầy chân thực và khát vọng về cây cầu quê hương. Sau lễ trao giải, đoàn khảo sát đã về thăm địa chất. Cây cầu đã thành hiện thực. Mong ước của Xoan và ngàn đời tổ tiên nội ngoại của Xoan hai bên sông cũng đã thành sự thật. Không thể diễn tả nổi niềm vui của dân làng hòn đảo Đồi Côi nay được nhập vào cộng đồng. Từ nay, trẻ Đồi Côi không phải thất học vì cách sông cách đò. Người làng Đồi Côi có thể đi bộ, đi xe, dùng trâu kéo đưa thuốc nam, măng đồi, sản vật bán đổi bên chợ xã, có nhiều người mua bán cả huyện cũng lên. Nhiều cơ may và vui lắm. Các mế các ún Đồi Côi tha hồ đem thổ cẩm, vuôn váy sang chợ, khoe cái tài khéo thêu khéo dệt, bán đổi lấy đồ dùng trong nhà. Làng Đồi Côi có điện sáng. Tivi, máy hát rộn cả bản. Cây cầu đã đem cuộc đời mới đến cho người bản Đồi, đem tình duyên đến cho trai gái hai bờ sông.  Người bản bên Xoan không cần bơi sông thả trâu, kéo củi bên ấy nữa. Bản đồ hành chính lập lại. Quê nội Xoan có lại quả đồi của tổ tiên khai khẩn. Quê ngoại Xoan buôn bán, sang sông đổi hàng. Đám trai gái hai bản không còn cảnh trốn nhà vì tình mà sợ tội chết như ông bà Xoan. Tết này hai bản sẽ làm lễ kết nghĩa.
       Tháng Chạp rồi, bờ sông bên ngoại rười rượi màu vàng hoa cải in thảm vàng xuống  sông. Bên kia, màu ngô đậu xanh ngút mắt. Xoan vui quá nhưng lại cứ muốn khóc. Xoan nghĩ bài phát biểu cảm nghĩ trước ủy ban hai xã, trước chứng kiến hai làng nặng lời nguyền xưa, Xoan sẽ nói: Xoan thương ông bà cha mẹ mình, cảm phục tình yêu lớn lao của họ. Chính tình yêu của ông bà, bố mẹ Xoan đã làm cho Xoan luôn muốn xứng đáng. Tình yêu của họ đã đặt phía trên lời nguyền, làm cho Xoan phấn đấu cho cây cầu hiện hữu nơi đây. Đi trên cây cầu nối hai quê nội ngoại, lòng Xoan phơi phới hơn cả xuân sang. Xoan vui vì đã góp phần nối hai bờ, xóa đi nỗi đau, xóa lời nguyền bao đời giữa quê nội và quê ngoại. Cây cầu đó đã đưa dân làng hai bản bước qua lời nguyền, mãi mãi.
                                                                                                                  Quê nhà, Thu 2016 
                                                                                                                            P.V.S
(*) Cây ngơn: Một loại cây mọc nhiều bên bờ sông Ma, càng cây bền, dẻo.
(**) Man: Thang bắc lên nhà hoặc lên gác.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 4387
 Tổng số truy cập: 13615708
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa