Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Vợ liệt sỹ - HÀ THỊ CẨM ANH
Vợ liệt sỹ - HÀ THỊ CẨM ANH

Truyện ngắn

Nhà bà Xanh Mường Chiềng có đám giỗ. Năm nay bà Xanh làm giỗ rất to. Một con trâu thả rông dưới tán rừng của trang trại Quang Xanh đã được đuổi về để giết thịt. Một con bê đến tuổi vực cày đã được thui vàng trên lửa. Mươi chĩnh rượu cần ủ bằng nếp cẩm đã được đưa lên sàn. ậu Mo giỏi nhất xứ Mường này cũng đã được mời về. Đám giỗ sẽ diễn ra trong hai ngày. Hai ngày liền cả Mường sẽ không bếp nào phải đỏ lửa nấu ăn. Bà Xanh mời người già, trẻ nhỏ, gái trai đến hết nhà họ Bùi ăn giỗ. Đến không thiếu mặt một ai. Cỗ ăn ba bữa một ngày. Rượu cần muốn uống bao nhiêu cũng đủ. Bà Xanh nói: Nhờ phúc của người Mường Chiềng mà mấy năm nay trang trại Quang Xanh ăn nên làm ra. Lúc này đang giãn việc nên mọi người nghỉ ngơi vui vẻ mấy ngày. Gạo, thịt đã được lấy từ trang trại đưa về. Đừng ai lo thiếu. Âụ Mo sẽ mo trọn một đêm, mo hết một ngày, ai thích nghe Mo Mường thì cứ lên sàn. Nếu ai không thích nghe Mo Mường thì còn nhiều trò chơi khác nữa. Bà Xanh còn nói: Lần này bà không làm giỗ riêng cho hai cha con liệt sĩ nhà họ Bùi là cụ Bùi Minh Sáng và con trai cụ là Bùi Minh Quang như mọi năm nữa. Bà cho mời ậu Mo về là muốn cả Mường cùng nhau làm lễ thật lớn để cúng tế anh linh hơn sáu chục người lính Hải quân và ông Quang chồng bà bị lũ “cá độc” sát hại một cách hèn hạ khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma hai mươi tám năm về trước. ậu Mo cũng sẽ làm lễ vía cho tất cả các thế hệ những người con ưu tú của Mường Chiềng đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Phần cuối Mo Mường ậu sẽ xin các liệt sĩ phù hộ cho bà con, chú vạ, cô dì Mường Chiềng luôn được khỏe mạnh, no đủ rồi cúng vía cho người già, buộc vía lành cho trẻ nít theo đúng phong tục Mường của người Mường. Nghe bà Xanh nói thế, mọi người ai ai cũng muốn đến thắp một nén hương thơm để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã anh dũng hy sinh vì đất nước, vì xứ Mường này. Người già mặc áo đại lễ, đến sớm ngồi chật ních cả năm gian nhà sàn rộng. Bộ chiêng đồng cổ mười hai chiếc của nhà họ Bùi được đem xuống khường treo lên giá chiêng. Người phụ trách nhà văn hóa đem thêm đến mấy bộ chiêng bẩy, cồng ba nữa là đám giỗ của nhà bà Xanh thật sự trở thành đám lễ hội Mường Chiềng. Bà Xanh lại nói: Đã là lễ hội Mường Chiềng thì không thể thiếu hát Xường, múa Poồn pôông. ném còn, đánh khăng, đánh mắng, chơi đu. Gợi ý của bà Xanh được thực hiện ngay. Các cô gái, chàng trai lập tức gọi nhau đến nhà văn hóa để lập một chiếu xường. Chuyện này càng gây thêm bất ngờ lớn cho người già. Từ lâu nay các cụ, các cố vẫn tưởng: Lũ trẻ nít ranh bây giờ đâu có ưa Xường mà biết hát Xường? Hóa ra là đứa nào cũng biết! Đã lên thang ngồi vào chiếu Xường thì không cô, cậu nào còn muốn đứng lên ra về dở buổi. Con gái vận Xường, con trai đối đáp, rồi con trai vận Xường, con gái đối Xường. Hát qua, hát lại thâu đêm, suốt sáng. Càng hát càng hay, càng hát càng say. Buổi tối bà Xanh cho đốt vài đống lửa to dưới vườn để các bá, các vạ múa Pôồn Pôông, nghe các cụ Nghệ nhân và người già thạo Chiêng ràm nhất trong Mường đánh Chiêng ràm. Buổi sáng thì ra bến Mổ mà chơi ném còn, chơi mắng, chơi khăng, đánh đu. Toàn là những trò chơi dân gian của xứ Mường Chiềng. Hỏi ra mới biết: Đây thật sự là lễ hội Mường Chiềng bà Xanh đã bí mật chuẩn bị từ mấy tháng nay. Bà đã đi hỏi người già, già nhất Mường Chiềng về lễ hội này. Cụ Cố nhà họ Trương chín mươi tư tuổi đã nói cho bà biết: Lễ hội Mường Chiềng đã có từ rất lâu đời. Phần lễ là cúng tế một vị Thánh nhân đã có công đánh thắng giặc ngoại xâm phương Bắc và đã lập nên xứ Mường này. Phần hội là những trò chơi dân gian của người Mường nghe nói cũng có xuất xứ từ chính nơi đây: Để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, để giữ gìn và phát triển vùng đất thiêng này thật lâu bền cho muôn đời con cháu, sau khi đánh thắng giặc phương Bắc rồi lập nên bản, nên Mường, ông Thánh có tầm nhìn xa trông rộng này đã tạo nên một chứng nhân lịch sử vô cùng độc đáo. Bởi vì chỉ có nhân chứng này mới có thể lâu bền, mới có thể vĩnh viễn và cũng mới có thể nghiền nát được dã tâm của bất cứ kẻ nào muốn bành chướng để nắm cả thiên hạ trong tay mình. Nhân chứng mà vị Thánh nhân xưa đã tạo ra, đã truyền đời lại cho con cháu mình gìn giữ là không gian văn hóa đa dạng và rất giầu bản sắc của người dân tộc Mường. Một dân tộc mà chính sử đã viết rằng: Dân tộc này cũng chính là dân tộc Việt trên đất nước hình chữ S, một đất nước đã trải qua cả ngàn năm khói lửa. Mường Chiềng cũng đã bị rất nhiều thế lực của thực dân, phong kiến nhiễu nhương, thôn tính nhưng không gian văn hóa độc đáo của người Mường vẫn được giữ gìn, vẫn được lưu truyền một cách nguyên vẹn từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nghe cụ Cố nhà họ Trương kể xong, bà Xanh đã rưng rưng nước mắt. Bà nói với ông cụ chín mươi tư tuổi:
- Văn hóa còn là nhân chứng lịch sử vẫn còn và đất nước vẫn còn cả ngàn năm bền vững nữa ông ơi!
Ông lão cũng cười rồi nói:
- Trước đây do nghèo, vài chục năm nay Mường Chiềng lại tập trung sức người, sức của vào các dự án: "Xóa đói giảm nghèo" công việc nào, dự án nào cũng cần phải có đồng vốn trong tay nên lễ hội phải hoãn lại cho đến khi cuộc sống của người dân Mường Chiềng dư giả hơn một chút.
 Bà Xanh xúc động nói với cụ Cố họ Trương:
- Cố à! Bây giờ cuộc sống của người Mường Chiềng cũng đã khấm khá hơn một chút. Lễ hội Mường Chiềng cũng đã đến ngày nên khôi phục lại.
Nghe bà Xanh nói thế, ông lão chín mươi tư tuổi cười vui vẻ lắm. Cụ nói:  
- Tổ tiên, ông cha người Mường Chiềng còn muốn thông qua lễ hội này để nói với con cháu đời sau một điều nữa con à! Tổ tiên mình muốn nói: "Người Mường ta khi uống nước thì phải nhớ đến nguồn.  Đừng bao giờ quên đi những người có công đánh giặc giữ nước, giữ Mường". Bây giờ việc đó đang rất cần được nhắc đến. Khôi phục lại lễ hội Mường Chiềng là một việc tốt phải làm ngay. Chỉ tội Mường Chiềng ta vẫn còn nghèo!
Nghe hết chuyện của cụ Cố họ Trương bà Xanh càng cảm thấy ngạc nhiên. Ngày khai hội Mường Chiềng là ngày mười bốn tháng ba, trùng đúng với ngày ông Quang và đồng chí, đồng đội của ông hy sinh trên đảo Gạc Ma. Bà nghĩ: "Người già đã đúng! Lịch sử muốn nhắc nhở rằng: Không bao giờ chúng ta được phép quên đi quá khứ đầy đau thương của dân tộc mình. Cũng đừng bao giờ chúng ta dung thứ cho hành động của những kẻ hèn hạ đã gây nên vụ thảm sát hèn hạ ngoài đảo Gạc Ma đối với những người lính Hải quân. Khôi phục lại lễ hội Mường Chiềng là một việc nhất định phải làm! Chắc chắn đây là việc tốt cuối cùng mình còn có thể làm được cho xứ Mường này!". Nghĩ thế nên bà Xanh đã bí mật đi nhờ cán bộ ngành văn hóa chuẩn bị nội dung. Toàn bộ kinh phí cho lễ hội bà lấy từ nguồn thu nhập của trang trại Quang Xanh. Việc tổ chức, điều hành bà nhờ đoàn thanh niên. Hậu cần bà nhờ hội phụ nữ. Rượu cần ủ bằng nếp cẩm do chính tay bà làm đã từ nửa năm nay. Phần lễ tế là do người già đảm nhận. Phần hội là một dịp để người Mường Chiềng được vui vẻ nghỉ ngơi mấy ngày. Chỉ phần cuối của lễ hội là không có trong chương trình phải chuẩn bị của bà Xanh. Bà muốn giữ kín cho đến phút cuối cùng nên bà đã giao cho người cháu dâu là một cô giáo dạy văn phụ trách. Đó là tất cả những ai đến nhà họ Bùi ăn giỗ đều có phần quà, phần nom đem về nhà mình. Người già, trẻ nhỏ là tấm chăn, chiếc áo ấm mùa Đông. Những bếp đông miệng ăn, thiếu người làm thì có gánh, có triêng: Ngô, lúa chất trên dấng gác, cất trong nhà kho, cô giáo dạy văn nhờ người đưa xuống chia cho mỗi người một gánh. Thổ cẩm, chăn lồ, váy cóm chưa bao giờ dùng đến bà vẫn cất giữ trong bế, trong rương thấy ai rách mặc, bà Xanh cũng bảo lấy ra phân phát cho từng người. Nửa đêm công việc mới xong xuôi. Mọi người xuống thang vui vẻ ra về. Còn lại một mình với người cháu dâu là cô giáo dạy văn trong ngôi nhà sàn rộng bà Xanh mới lặng lẽ thở dài. 
*
Từ sáu, bảy tháng nay bà Xanh bị ốm. Người Mường Chiềng và cả gia tộc họ Bùi không ai biết bà Xanh đang ốm rất nặng. Bà đã mắc phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Suốt mấy ngày qua, vì muốn mọi người được  nghỉ ngơi thoải mái nên bà đã cố nghiến chặt hai hàm răng lại mà kìm nén những cơn đau, nhưng bây giờ bà thấy mình đã hoàn toàn bị bệnh tật đốn ngã. Bà không thể gượng được nữa. Bà muốn đi nằm, nhưng bà lại lo lắng: nếu đã nằm xuống bây giờ thì sẽ không bao giờ dậy được nữa. Tuy việc làng đã xong, nhưng trong nhà vẫn còn một việc chưa làm. Bà quay ra rồi lết từng bước ngắn trên sàn để đi về phía bàn thờ. Nhìn thấy thế, người cháu dâu chạy lại, chị định đỡ cho bà bước đi nhưng liền bị bà gạt ra. Chị đứng sững lại giữa sàn nhà. Sự cố gắng phi thường của bà Xanh trong mỗi bước chân đã khiến chị phải nghẹn ngào rơi lệ. Bà Xanh đến gần bàn thờ, nhấc tấm di ảnh của chồng xuống, đặt vào giữa chiếc chiếu chải sẵn gần sát cửa voóng của gian nhà khách. Bà ngồi xuống rồi thắp một nén hương thơm cắm vào cái bình gốm mầu hoàng thổ, kỷ vật ông Quang đã tặng cho bà trước lễ cưới vài hôm rồi bắt đầu thì thầm nói chuyện với chồng. Trước lúc thắp hương, bà đã dặn cô giáo dạy văn: Hãy yên lặng để bà bàn bạc với ông một việc rất quan trọng của gia đình. Người cháu dâu nhìn bà. Chị gạt ngang nước mắt rồi ngoan ngoãn lui xuống bếp tiếp tục làm công việc của mình.
Bà Xanh ngồi trước di ảnh của chồng rất lâu. Đêm đã sang canh. Tuần nhang thứ ba đã tàn. Bà Xanh vẫn ngồi trên chiếu, hai mắt đăm đăm nhìn vào tấm di ảnh của chồng. Tấm ảnh này ông Quang đã chụp sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân. Lúc ấy ông mới ngoài hai mươi tuổi. Mấy năm sau ông hy sinh trên đảo Gạc Ma. Hai mươi tám năm nữa đã trôi qua nhưng ông vẫn trẻ trung như thế. Bà Xanh nhìn tấm ảnh của chồng rồi nheo mắt lại:
- Quang à! Anh biết không? Nhiều lúc em cảm thấy mình là người có lỗi! Vì anh cứ trẻ mãi thế này, còn em thì mỗi ngày một già đi. Em già thế này liệu anh có...
Bà Xanh nhìn thấy trong ảnh ông Quang cũng có hơi cau mày một chút:
-  Xanh à! Em nói chuyện già trẻ với anh làm gì nhiều thế? Anh giận đấy! Với lại xét cho cùng thì...
Bà Xanh cười rồi ngắt lời chồng:
- Quang ơi! Em chỉ nói thế cho vui thôi mà. Anh đừng giận em mà tội nghiệp!
Từ trong ảnh, ông Quang âu yếm nhìn bà:
- Anh thấy em vẫn trẻ trung và xinh đẹp như ngày hai đứa mình còn đi học cấp ba dưới phố huyện. Chỉ tội là bây giờ em hơi lắm mồm, lắm miệng. 
Bà Xanh cười. Bà đã cười thành tiếng. Tiếng cười vui vẻ, trẻ trung của bà làm cho người cháu dâu từ dưới bếp chạy vội lên. Chị ôm ngực thở hổn hển. Bà Xanh thì chả chú ý gì đến chị. Bà vẫn thì thầm to nhỏ với tấm ảnh của chồng:
- Anh à! Đúng thế còn gì. Người Mường Chiềng ta ai cũng biết, em già hơn anh những hai mươi tám tuổi!
Bà lại nhìn thấy trong ảnh ông Quang có hơi khẽ lắc đầu:
- Cãi chồng là cái tật xấu nhất của đàn bà!
Bà Xanh lại cười. Bà vẫn cười thành tiếng. Lâu lắm rồi cô giáo dạy văn mới thấy bà cười nhiều như thế. Chị biết bà rất bận. Những dự án trồng trọt, chăn nuôi, giống mới, con lai để giúp người nghèo Mường Chiềng thoát nghèo rồi công việc làm ăn của trang trại Quang Xanh đã chiếm hết cả thời gian của bà. Lần này thì khác. Bà đã cười rất nhiều khi nói với ông về vấn đề phân chia tài sản của gia đình. Đôi lúc chị còn nghe bà tranh cãi với chồng như ông đang ngồi ngay trước mặt mình. Đêm khuya, nghe tiếng bà cười, cô giáo dạy văn cũng cảm thấy bớt lo. Có lẽ chỉ những lúc làm việc hay nói chuyện với người chồng liệt sĩ của mình qua tấm di ảnh của ông như thế này thì những cơn đau của bà mới dịu lại. Chị im lặng để bà cười cho bớt đi phần nào đau đớn. 
 Bà Xanh thì vẫn vui vẻ cười rồi ôm ảnh của chồng vào ngực:
- Đồi luồng. Hai chục hét ta cây lấy gỗ. Một trăm con trâu, bò sinh sản với đàn dê thả dưới tán rừng của nhà mình, em cộng sơ sơ cũng được hơn bốn tỷ đồng. Trừ mọi chi phí sản xuất, mỗi năm lãi hơn ba trăm triệu. Em đã viết trong di chúc là mỗi năm vẫn trích một phần ba trong tổng số lãi đó để góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo và vốn xây dựng nông thôn mới của Mường Chiềng như lâu nay. Từ vụ này sẽ trích thêm một phần ba nữa cộng với số tiền của gia đình chính sách em đã gửi ngân hàng để lập một quỹ Khuyến học - Khuyến tài mang tên Bùi Minh Quang cho xứ Mường này. Phần còn lại để con cháu nhà họ Bùi duy trì và phát triển trang trại Quang Xanh. Ngôi nhà sàn, vườn cây ăn quả, ao thả cá và tất cả những gì có trong ngôi nhà này em muốn giao lại cho vợ chồng cô giáo để chúng nó làm nơi hương khói, thờ phụng mẹ Việt Nam Anh hùng và các liệt sĩ nhà họ Bùi. Anh đồng ý không Quang? 
Ông Quang nói gì? Ông bàn bạc ra sao với bà chỉ mỗi mình bà biết, mỗi mình bà nghe được. Cô giáo dạy văn chỉ nghe tiếng bà cười. Bà cười rất vui vẻ. Đêm đã rất sâu. Trăng muộn đã lên bà Xanh vẫn ngồi ôm tấm ảnh chồng. Bây giờ thì giọng bà có hơi trầm xuống: 
- Khi biết mình bị lâm trọng bệnh, em đã giấu anh, giấu mọi người. Bây giờ thì việc giúp người nghèo Mường Chiềng làm ăn để thoát nghèo cũng đã đi vào quy củ. Công việc nhà cũng đã thu xếp xong xuôi. Em đã thanh thản rồi anh ạ. Em sẽ đi ra biển cùng anh. Em muốn đến đảo Gạc Ma.
 Hình như bà Xanh có nghe được tiếng thở dài buồn bã của chồng.  Có lẽ bà đã nghe ông nói:
- Thật tội nghiệp em tôi! Lúc nào em cũng chỉ nghĩ đến công việc và công việc thôi Xanh à! 
Bà lại cười để ông Quang vơi bớt phần lo lắng. Trăng muộn đã tà trên đỉnh Pù Luông. Sương đêm rất lạnh. Cháu dâu dìu bà đứng dậy. Không cầm được lòng. Chị đã bật khóc. Bà Xanh lại gạt đi. Bà nói: "Không việc gì phải khóc lóc!". Người cháu dâu gọi bà bằng thím này là một thiếu phụ xinh đẹp, nết na. Chồng chị cũng là bộ đội. Anh công tác tít tận biên giới phía Bắc. Mỗi năm chỉ ghé nhà được vài bận, giống như khách đến sàn ngủ thăm, thế nhưng mọi công việc trong nhà chị đều thu xếp chu toàn. Là cô giáo dạy văn, nên chị có cuộc sống nội tâm rất ấm áp. Bà yêu quý và tin cậy chị cũng chính vì điều này nhưng chị cũng chỉ được biết bà bị mắc bệnh ung thư khi đã vào giai đoạn cuối:
- Con hãy lo dần hậu sự cho thím. Khi nào thím nằm xuống con cứ cho đưa về Thành phố mà hỏa thiêu rồi mang tro cốt thím thả xuống biển. Thím muốn ra ngoài ấy cùng chú Quang con. Chuyện thím mắc bệnh ung thư phải tuyệt đối giữ kín. Nhất định không được để cho ai biết, nếu không thì mọi chuyện sẽ rối lên. Thím còn rất nhiều việc phải lo thu xếp.
Dặn cháu dâu xong, bà cười rồi nói tiếp:
- Cháu à! Thím đã sống lâu hơn chú mày những hai mươi tám năm trời thì còn có gì phải tiếc chứ? Thím cũng đã làm được vài việc có ích cho nhà họ Bùi ta, cho Mường Chiềng. Bây giờ được nghỉ ngơi mà đến với ông ấy thím cũng thấy yên lòng. Thương thím thì hãy lo cho tốt những việc mà thím đã dặn lại con. Đừng khóc lóc, bi lụy làm gì. Thím không thích thế!
Đêm đang cạn dần. Bà Xanh bảo người cháu dâu hãy đi nghỉ một chút để ngày mai còn lên lớp. Chị không muốn người bệnh phải tốn nhiều sức lực vì mình, cũng không nỡ để một mình bà Xanh phải cô độc chống chọi lại những cơn đau, cô giáo lặng lẽ lui ra rồi ngồi nép vào một góc cửa buồng để dõi theo từng hơi thở của bà. Chị nghe bà Xanh thều thào nói với tấm ảnh của ông Quang mà bây giờ bà đã úp sát vào mặt mình. Giọng bà rất yếu.
- Quang à! Chỉ còn cách là nói chuyện với anh em mới bớt được những cơn đau. Em sắp đi rồi. Anh hãy đón em vào buổi sáng mai. Em đã nhờ hội Cựu chiến binh đưa em đến Cửa biển rồi từ đấy em sẽ cùng anh ra đảo Gạc Ma.
Nước mắt lại trào ra, cô giáo dạy Văn đau đớn nghĩ: "Sẽ chẳng còn được bao lâu nữa! Phải báo ngay cho mọi người được biết chuyện này". Nhưng rồi chị lại nhớ ra: Bà Xanh đã dặn: Một khi bà còn đang tỉnh táo thì không được báo tin ốm đau, sinh tử của bà với bất cứ ai. Bây giờ bà Xanh vẫn còn tỉnh táo. Hình như bà đang bầy tỏ với ông tất cả những điều lâu nay vẫn vướng bận trong lòng sau khi bà đã nghe ông nói:
- Nhất định rồi Xanh ơi! Anh đang ở đây. Ngay bên cạnh em mà! Anh đã về để đón đợi em. Anh sẽ chuyện trò cùng em để em bớt phần đau đớn. 
- Quang à! Đừng lo lắng quá cho em. Nghĩ đến anh là em sẽ quên đi mọi đau đớn, bệnh tật rồi mà!
- Anh biết Xanh à. Thật tội nghiệp em tôi! Bệnh tật đã làm sức khỏe em hao mòn đi nhanh quá.
Bà Xanh cười rất khẽ:
- Thôi anh à! Chuyện sống chết đối với con người ta đều có số cả. Số em đã cạn rồi. Bây giờ em chỉ còn phải nghĩ mỗi một điều nữa thôi: Làm sao để mỗi bước em đi về bên anh được nhẹ nhàng? Anh đã về đón em thì không còn gì phải lo lắng nữa. Em đã rất thanh thản rồi Quang ạ!
Thời gian như chậm lại. Hơi thở của bà Xanh đang yếu dần nhưng nét mặt bà thì vẫn bình yên và tươi tỉnh. Hình như bà vẫn nghe được những lời thì thầm từ tấm di ảnh của chồng:
- Một cô gái ngoài hai mươi tuổi đi lấy chồng. Sống chung với chồng không được mấy ngày rồi anh ta vĩnh viễn ra đi. Anh ta ra đi để lại đằng sau mình là cô ấy và cả gánh nặng của một đời người. Cứ tưởng gánh nặng ấy sẽ làm cho người đàn bà gục ngã nhưng thật không ngờ: Cuộc sống cô đơn càng làm cho cô ấy tốt hơn lên. Anh thật sự phải cảm ơn em vì điều này Xanh ạ!
 - Vợ chồng với nhau nói chuyện ơn huệ làm gì hả anh?
Ông Quang lại nói:
- Anh biết! Anh biết Xanh à! Vì thế mà anh thương em biết mấy! 
Bà Xanh vẫn cười:
- Hai chúng mình anh biển, em rừng. Chúng ta xa nhau biền biệt, rồi anh đột ngột ra đi nhưng chưa bao giờ em oán trách anh về điều đó cả. Em đã yêu anh dài suốt cả cuộc đời mình và em hạnh phúc vì đã yêu anh như thế Quang ơi!
- Xanh à! Anh biết là không bao giờ em oán trách hay giận hờn chồng em dù chỉ một lần. Nhưng càng như thế anh càng day dứt thương em! Giá như anh để lại cho em được một đứa con nhưng ngày ấy anh đi vội quá, anh đã bỏ em lại một mình suốt hai mươi tám năm trời. Xanh ơi! Em là một người vợ lính can đảm nhất mà anh đã có vận may gặp được!
- Không can đảm cũng đâu có được hả anh? Anh đi rồi. Đêm đêm nằm một mình trong căn buồng có hơi ấm của anh, em cũng rất thèm được nghe tiếng con trẻ bi bô gọi mế. Già rồi. Nghe cháu người ta gọi Mú à! Môống ơi!(*) Em cũng rất thèm anh ạ. Giá như em có vài đứa cháu của anh. Nội ngoại gì cũng được. Nhưng chúng mình lại chẳng có gì. Không nói điều này cho anh nhưng nhiều lúc em cũng rất buồn Quang ạ. Em là một người đàn bà mà anh! Một người đàn bà luôn cảm thấy mình đã mắc lỗi với chồng vì không sinh cho chồng được những đứa con. 
- Em không có lỗi Xanh à! Nếu ngày ấy hai vợ chồng mình có thêm một chút thời gian? Người lính thời bình cũng chỉ mỗi năm được một lần nghỉ phép. Phép mươi ngày mà các thủ tục rườm ra của việc cưới hỏi ở xứ Mường Chiềng đã chiếm mất ba bốn phần rồi. Tiếc thật!
Bà Xanh lại xuýt xoa cười: 
- Anh vội nhưng người già đâu có vội? Người già của cả hai mường vẫn khư khư giữ đúng lệ Mường nên tối nhọ mặt người anh mới được đến cổng nhà em. Lúc ấy cổng đóng im ỉm. Cái cổng ước lệ ấy cũng chắc đáo để. Đúng không nào? Chỉ có mấy tay luồng ghép vội lại với nhau thành cánh cổng theo tục lệ Mường khi trong nhà có con gái đi lấy chồng. Mở ra rất dễ. Thậm chí chả cần phải mở làm gì. Vườn tược nhà nọ liền kề với nhà kia. Chả rào dậu gì, anh vào nhà em theo lối nào mà chả được?
- Nhưng mà... em ơi. Tục lệ của người Mường ta đã khiến cho cái cổng ghép tạm đó chắc như cổng gỗ lim, gỗ  sến. Chả ai có đủ gan mở nó ra khi ông Mơ, bà Mối của hai nhà vẫn còn hát qua, hát lại. Bài Xường chưa hát xong thì cánh cổng vẫn chưa được mở ra để đón chàng rể quý vào nhà. Chìa khoá mở cánh cổng cao như núi, chắc như lim đó của lệ Mường ta là bài ca "Xin mở cổng" đó em à!
- Anh rất thích những bài Xường mà Quang? Nếu như không vội thì bài xường Xin mở cổng đó rất hay. Hay nhất trong những: “Bài ca đám cưới” của người Mường. Em biết thừa là lúc đó anh chả còn tâm trạng nào. Đang lúc vội nên anh cảm thấy bài xường ấy thật dài. Dài lê thê. Đúng không anh?
Trong ảnh ông Quang vẫn mỉm cười:
- Lúc ấy anh chỉ muốn mở toang cổng ra thôi. Mở cổng rồi, anh sẽ chạy ào lên thang nhà, nhảy bổ vào sàn, quỳ xuống trước mặt bố mế rồi nói: "Bố à! Mế ơi! Hãy thông cảm cho thằng con rể này. Con chỉ có mươi ngày nghỉ phép. Hai vợ chồng con cũng còn bao nhiêu chuyện phải bàn, phải nói với nhau trước lúc con xuống tầu ra biển nữa mà!
- Sao lúc ấy anh không làm thế hở Quang?
- Lúc ấy anh cũng rất muốn chạy thẳng vào buồng dâu, nắm chặt tay em. Anh nói: Em ơi! Hãy về cùng anh. Về ngay bây giờ. Nếu đợi xong mọi thủ tục cưới xin rườm rà của Mường bên em, của Mường bên anh thì vợ chồng mình sẽ mất hẳn một đêm. Một lần phép năm của người lính biển được mấy đêm kia chứ? Sao người già lại không hiểu lòng con trẻ thế hả em yêu?
- Người già hiểu quá đi anh ơi! Toàn là cựu chiến binh lụ khụ còn gì? Nhưng Quang à! Phép vua còn thua lệ Mường. Chú rể mà chạy thẳng vào buồng cô dâu lúc còn chưa làm xong các thủ tục của lễ cưới là điều kiêng kỵ nhất trong những điều cấm kỵ của người Mường ta. Quang biết thế mà!.
- Nếu theo đúng hết mọi điều kiêng kỵ nọ với thủ tục bắt buộc kia thì hai ta chả còn nhiều thời gian mà ở  bên nhau. Người lính Hải quân lấy biển đảo làm nhà. Nhà chưa yên thì hạnh phúc lứa đôi cũng chưa được tròn đầy em ạ .
- Em cũng biết là lúc ấy trong lòng anh thật bối rối! 
- Lúc đó anh đứng ngoài cánh cổng tượng trưng ấy mà trong lòng như có lửa. Sao em lại cười anh thế chứ?
- Em cười vì hình dung ra khuôn mặt điển trai của chồng em lúc đó rất khó coi?
- Anh mà khó coi à? Anh vẫn đẹp trai nhất mường trên mường dưới đấy thôi. Biết tin anh cưới nàng Xanh, khối vạ ả mái tiếc ngơ, tiếc ngẩn còn gì? 
- Em chịu thua anh rồi. 
- Anh cứ tưởng, đối với một người lính Hải quân bận rộn như anh thì chuyện cưới xin người già cũng nên bớt đi vài phần thủ tục? Đằng này ông mơ, bà mối hai nhà cứ nhẩn nha hát qua, hát lại. Anh vội mặc anh! Như thế cũng đã hết chuyện đâu em? Đón được em về bên Mường anh rồi vẫn còn rất nhiều thủ tục bắt buộc phải làm. Bài xường Mời khách nhà gái rửa chân lên sàn đâu phải là bài xường cuối cùng trong nghi lễ cưới hỏi của người Mường ta? Nào xường Mắc rằng, xường trải chiếu(**). Mỗi bài xường dài bằng cả một con đường núi. Đợi hết được một bài thì anh và em lại mất thêm dăm ba tiếng nữa. Đúng không em?
- Sốt ruột, nóng lòng cũng thế thôi anh à. Một đám cưới được tổ chức theo đúng truyền thống của người Mường ta là một đám cưới mà ngày ấy đã rất hiếm gặp rồi Quang ạ. Người già bên Mường anh, người già bên Mường em đều muốn anh và em có một đám cưới đúng với phong tục của người Mường là có lý của mình. Người của hai Mường muốn gửi cho anh, cho em một lời nhắn nhủ, con trai, con gái Mường phải sống đúng với đạo Mường. Người con trai Mường một khi đã trở thành người lính biển rồi thì nhất định phải là một người lính biển tốt nhất. Con gái đã trở thành vợ một người lính rồi thì nhất định phải là một người vợ lính tốt nhất anh à!
- Anh biết! Điều này thì anh biết rõ em ơi! Anh chỉ tiếc là thời gian dành cho đám cưới thì dài mà dành cho chúng ta lại ít. Em cũng biết thế mà!
- Quang biết không? Em đã yêu, đã lấy một người lính thì dù là thời bình hay thời trận mạc vợ người lính cũng phải biết hy sinh. Đám cưới này chính là thử thách đầu tiên đối với em Quang ạ!
- Thương thiệt thương nồng em ơi! Thương mơi em à...!(***)
- Nghe anh xường câu này là hạnh phúc của em đã được đong đầy. 
- Anh cảm ơn em! 
- Anh lại cảm ơn em nữa rồi! Chúng ta là vợ chồng mà! Cảm ơn qua, cảm ơn lại nhiều như thế làm gì hả anh? 
- Anh biết Xanh ơi! Anh chỉ muốn nói là: Đôi vai vợ anh gầy thế này mà anh đã chất lên đấy bao nhiều nỗi nhọc nhằn! 
- Anh yêu à! Anh đừng nói thế. Em buồn đấy! Em yêu anh. Lúc nào em cũng muốn cùng anh chia sẻ!
- Em đã gánh cho anh tất cả mọi phần nặng nhọc nhất mà anh không làm được. Cha hy sinh lúc mế còn rất trẻ. Cả đời mế đã sống vò võ một mình để nuôi anh khôn lớn. May mà có em. Anh đâu có biết vì chuyện này mà anh đã ràng buộc cả đời em vào chân thang ngôi nhà sàn này!
- Anh nói thế lúc này làm em buồn lắm Quang ơi! Tại sao anh lại nói là em bị ràng buốc cả đời vào chân thang ngôi nhà sàn này chứ. Em yêu anh mà. Chính tình yêu của em đối với anh đã ràng buộc cả cuộc đời em vào ngôi nhà sàn của nhà họ Bùi anh ạ. Sau này là sự kính phục, lòng biết ơn đã ràng buộc em. Trước hết em ở lại nhà họ Bùi thờ bố, mế thay anh cho tròn đạo hiếu. Sau này em thờ anh cho trọn nghĩa vợ chồng. Tất cả là do em tự nguyện. Anh đừng nói thế làm em đau đớn!
- Em và mế là hai người phụ nữ mà anh yêu quý nhất đều phải sống cảnh góa bụa cả đời đã làm anh rất buồn lòng Xanh ạ. Hãy bỏ lỗi cho anh. Được không em?
- Hãy yên lòng đi anh! Khi đất nước đổi mới, mế đã được đền đáp, được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của bà. Còn em. Em hạnh phúc được làm vợ của một người lính biển kiên cường như anh. Em đã cố gắng để xứng đáng vì điều đó anh à! 
 - Những chuyện em đã làm anh đều biết cả. Bây giờ thì cha mẹ, vợ chồng chúng ta sắp được gặp nhau rồi...
- Cùng nhau nhắc lại chuyện xưa làm em vui quá! Mọi việc chỉ như mới sẩy ra ngày hôm qua thôi anh nhỉ?
- Em thanh thản không Xanh?
- Em hạnh phúc Quang à.
- Em hạnh phúc thật ư? 
- Mọi chuyện đã qua rồi. Bây giờ vợ chồng mình sắp được ở bên nhau. Mãi mãi ở bên nhau. Điều này làm em hạnh phúc.
*
Bà Xanh ra đi vào một buổi sáng. Gìa làng tìm thấy di chúc của bà được đặt ngay ngắn trên bàn thờ, trước di ảnh của những người đáng kính trong gia tộc họ Bùi. Phần hậu sự cho bà càng làm cho người Mường Chiềng ngậm ngùi rơi lệ, mặc dù chuyện khóc thương có làm trái ý của người qúa cố. Bà Xanh căn dặn: Bà đi gặp ông Quang, chồng bà vì thế mà người Mường Chiềng và con cháu họ Bùi đến tiễn đưa bà đừng ai khóc lóc. Cứ coi như bà đã đi một chuyến thật xa. Bà đi về cõi cùng chồng thì đâu phải là một chuyện đau lòng? Bà chỉ nhờ cậy hội cựu chiến binh đưa tro cốt của bà rải xuống biển. Phần cuối di chúc của mình bà Xanh đã viết: "... Từ nơi ấy tôi sẽ đi ra đảo xa cùng chồng. Tôi sẽ cùng ông Quang đến những nơi mà bọn “cá độc” đang quấy nhiễu sự bình yên của biển đảo Tổ quốc. Tôi sẽ làm một việc gì đó mà những người như tôi, như ông Quang và tất cả những người đã hy sinh vì sự bình yên của biển còn có thể làm được, dù cho chỉ làm một con sóng hiền hòa để đưa những chuyến tầu của Ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn!..."
            H.T.C.A


(*) Nhưng bài xường trong: “Bài ca đám cưới” của người Mường.
(**) ý là muốn gọi: Bà Nội ơi! Bà Ngoại à!
(***) Thương thiệt... Câu mở đầu trong xường giao duyên của người Mường.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 52
 Hôm nay: 1870
 Tổng số truy cập: 13613191
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa