Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Tình mẹ - Hoàng Ngọc Hùng
Tình mẹ - Hoàng Ngọc Hùng

Đồng lúa Yên Dân vào mùa. Một màu vàng bát ngát. Lác đác có vài chỗ đã thu hoạch. Ruộng lúa vắng. Đây là điều hiếm hoi ở một làng quê cần cù, chịu thương, chịu khó. Từ đầu giờ chiều, đại diện các đoàn thể đã xuất hiện trong làng. Còn có cả y sĩ xã đeo túi thuốc to bự đi cùng. Tin không hay, nửa kín nửa hở, ồn từ lâu. Xong hôm nay mới tuyệt đối chính xác: Xóm Yên Dân - xã Trung Thành - Nông Cống làm lễ truy điệu liệt sĩ Lê Khắc Ba người con của quê hương anh dũng hi sinh ở mặt trận phía nam. Bài vị liệt sĩ đặt trân trọng trên mặt bàn, giữa nhà dưới quốc kỳ đỏ. Bên hông là hàng chữ: “Vô cùng thương tiếc liệt sĩ Lê Khắc Ba”.
Mẹ, chú, bác, cậu, dì, cả mấy đứa cháu ruột Ba đeo băng tang trắng xóa. Sau lời kết điếu văn do Phó Chủ tịch xã đọc. Bà Long chồm lên gào thét, hai tay muốn ôm chặt lấy hương hồn đứa con trai: “Ôi! Ba ơi! ối Ba ơi! Con cướp công của mẹ rồi. Con ơi, con không thương mẹ cô đơn góa bụa. Mày bất hiếu, im lặng bỏ mẹ ra đi. Mày không biết mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày chăm ẵm nuôi con khôn lớn. Về đây con, ruột thịt máu mủ đang ở đây. Về đây cho mẹ được ôm con lần nữa. Bà khóc thảm thiết. Rồi bác khóc, chú khóc, thím khóc, chị khóc, cả mấy đứa trẻ, cả các bà cũng òa lên khóc. Nước mắt giàn giụa.
Chủ tịch xã - Chú ruột Ba, các chị, các dì xúm tay ôm giữ bà Long. Bà Long giãy giụa trong đau đớn tuyệt vọng, rồi ngất đi trên nền chiếu trải.
*
Ai cũng nghĩ bà Long khó qua được cú sốc này. Bà gầy rộc. Ngồi nhai cơm, nhai cả nước mắt. Ngón tay khẳng khiu gân guốc cứ sờ soạng lên tấm ảnh Ba. Bà như một cây chuối già nua, lá khô, lá vàng, đổ bịch trước gió bão. Mọi người phải xin bà cho cất ảnh Ba, vì cứ nhìn thấy bà lại rồ dại chua xót. 
Bà Long làm dâu họ Lê Khắc năm ất Dậu. Tiệc cưới liên hoan chỉ bằng hoa chuối thái nhỏ hầm với đu đủ xanh trong chiếc chảo to. Rau dền, rau khoai luộc cùng sắn tươi củ bở, củ trong đặt lên đĩa. Giữa lúc hàng loạt người chết đói mà được thế là quá tốt rồi. Được chục năm chồng bà mất bởi sốt rét, sau lần thồ lương thực lên Điện Biên, để lại ba đứa con thơ dại.
Ba là út, gầy nhom, da bủng beo. Bà lặn lội các xó xỉnh bắt cóc, làm ruốc chăm nó. Bà thương lắm. Mấy ngày tết dù khó khăn đến mấy, Bà vẫn “cựa” bằng được chiếc áo phin trắng mới để nó mặc. 
Ba ngoan thương mẹ hết mực. Rỗi rãi lại lấy ghế ra hè nhổ tóc sâu cho mẹ. Đi chăn bò dù muộn, Ba vẫn không quên vài quả cau mập hoặc mấy liền trầu không xanh. Mẹ đi chợ mua cho chiếc bánh tẻ, nó buộc bà cùng ăn mới chịu. Hai mẹ con cứ ríu ra, ríu rít như đôi bạn thân. Ba lễ phép nhanh miệng, chào hỏi người trên tuổi. Làng khen, mồ côi bố mà có đức, học giỏi.
Đến tuổi trưởng thành, Ba điển trai lồng lộng. Mắt sáng, lông mày rậm, giống hệt bà thời con gái. Nhiều cô gái mới lớn gặp bà xoắn xuýt mẹ mẹ con con. Chỉ là bông đùa, nhưng bà vui mát lòng, mát dạ.
Xa con bà thao thức, có những giấc mơ đẹp: Ba trở về trong tiếng trống ếch thùng thùng chiến thắng. Bà sẽ hỏi ngay cho nó cô vợ hiền, mổ dê khao làng. Giờ đây giấc mơ đó chìm ngỉm xuống đáy đại dương. Nó còn muốn kéo bà theo. Bà ốm lên, ốm xuống quặt quẹo.
Cũng may nhờ tập thể, nhờ tình làng nghĩa xóm nỗi đau khủng khiếp mới nguôi ngoai. Bà không bị gục ngã. Tình mẹ như bức tường thành vững chắc để bà nương tựa, níu kéo. Bà cảm ơn trời, cảm ơn đất, cảm ơn cái làng quê này. Cả làng chưa nổi trăm nóc nhà, mưu sinh chỉ bằng cánh đồng lúa trũng, cùng với bầy dê gặm cỏ ở sườn núi Na Sơn. Làng nghèo. Thời buổi giáp hạt, phải tha phương cầu thực, kiếm củ sắn củ khoai thay bữa, nhưng chan chứa tình người. Họ thương yêu, che chở cho bà lúc tắt lửa tối đèn. Tình mẹ thiêng liêng cao quý, không có cảm xúc nào diễn tả hết được.
Mấy năm Ba ở chiến trường, bà Long nhận được mỗi lá thư. Ba nói ở chiến trường vô cùng ác liệt, anh em, đồng đội luôn gắn bó bên nhau. Nó còn nói vừa sắm được cho mẹ, chú bác... một món quà đặc biệt quý giá. Bà đoán già đoán non chắc là mấy mét vải sa tanh đen để tặng mẹ. Cuối thư bà mới biết quà quý chính là tấm bằng “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Nó nói cũng có lý, vì tấm bằng đó không chỉ đổi bằng mồ hôi nước mắt, mà phải còn bằng máu nữa. Xã Trung Thành này có lớn lắm đâu, thế mà có tới hai Anh hùng Lực lượng vũ trang: Lê Mã Lương và Lê Huy Hoàng, rồi hàng chục “dũng sĩ - chiến sĩ quyết thắng”... Họ là ngôi sao sáng chói, là những đứa con hiếu thảo, để đền đáp tình mẹ, trong đó có cả khúc ruột của bà. Khoảng trống mất mát tưởng chừng vô tận, cũng được phần nào vơi dịu.
*
Bà Long khỏe dần lên, tươi tỉnh hơn, vừa bán được mấy con vịt bầu Tân Cương, bà đi chợ Thượng mua ngay một cân nhãn lồng Hưng Yên. Bà dừng lại nghỉ giải lao dưới gốc đa làng. Yên Dân vụ này được mùa. Lúa vàng ruộm, trĩu hạt. Người trên, kẻ dưới đi lại náo nhiệt. Cả bầy chim chích chòe cũng ríu ra, ríu rít. Bà Long nghe nó không chát chúa như dạo trước. Êm tai hơn, ngọt hơn. Lâu rồi, bà mới có chút cảm giác thư thái. Bà thả mắt ra xa. Con đê làm uốn lượn, ôm dòng sông Lãng, trong xanh. Bất chợt, bà chững lại.
Từ bờ đê, một chiếc xe lăn, lao xuống dốc. Trên xe là anh thương binh rất nặng, chắc chắn hết loại xếp hạng. Tai mũi cháy tẹt. Chỉ sẹo là sẹo khác nào tấm bản đồ màu gạch thẫm in trên người. Cô gái tên là Trang, người y tá, hộ tống... xe lăn. Bà không kìm được xúc động, thương cảm. Dù sao vẫn còn được may mắn hơn thằng Ba, còn được gặp lại người thân. Bà lại gần, lấy cân nhãn lồng ra;
- Bác tặng chú, tặng cô.
- Các cháu cảm ơn bác - Y tá Trang nhỏ nhẹ.
- Chắc chú ở chiến trường ra! 
- Cháu bị ở đường Chín Nam Lào.
- Cháu nhập ngũ năm nào?
Năm 1969 bác ạ. Huấn luyện được ba tháng thì vào Nam. Anh thương binh từ tốn trả lời. Thật kỳ lạ nhập ngũ cùng năm với Ba cũng ở mặt trận Bình Trị Thiên, mà giọng nói rất Yên Dân. Một dòng điện chạy dọc theo xương sống, hai mí mắt bà chớp nháy liên hồi “Chẳng nhẽ... không thể nào, không bao giờ, vô lý. Người chết làm sao sống lại được”.
Anh thương binh dường như cũng hơi giật mình. Tiếng nói của bác nghe quen, ấm áp quá. Anh mở gọng kính, căng mắt nhìn bà Long, loáng thoáng giống mẹ mình. Mắt Ba bị mờ chỉ còn ba phần mười. Giác quan thứ sáu đang lộn xộn, manh nha trong tâm trí người thương binh. Rồi anh cũng không có thời gian mẫn cảm nữa. Bà con vây lấy anh, sờ lên da thịt sẹo. Mấy người nhà gần đường còn mang trứng gà, chuối tiêu, đu đủ chín. Có người đang mang khoai luộc lót dạ người gặt, cũng đặt vào tay, buộc y tá Trang phải nhận. Mấy cô gái làng bẻ hoa dâm bụt, bó thành bó, đặt lên xe lăn. Hoa đỏ chói, đỏ hàng rào, đỏ ngõ làng, đỏ mặt người, còn đỏ cả thành xe.
Điều kỳ lạ là chiếc xe lăn, rẽ trái, rẽ phải tiến lên tiến xuống mà không hề hỏi thăm, chiếc xe chỉ chững lại mươi giây, rồi thẳng tiến vào hướng ngõ nhà bà Long. Tim bà rộn lên. Hay người cùng chiến hào với con bà chăng? Không phải. Làm sao người ta thông thạo đường xóm được. Bà xô té tát mọi người dẹp ra. Bà rượt lên phía trước, quẳng luôn cả chiếc thúng đi chợ về vào góc nhà. 
Trang nhẹ nhàng đỡ người thương binh lên chiếc ghế tre, kết mây giữa nhà. Bà Long lại gần, dùng quạt mo đưa gió mát cho anh. Đứa cháu ngoại, bê cốc nước dừa lại. Dừa quê thơm mát.
- Nhà ta được đông anh em không bác ạ.
- Bác có hai chị gái đầu, ba cháu ngoại đều ổn cả. Còn thằng con trai rốt, hy sinh bỏ bác đi xa rồi.
- Thế họ đưa giấy báo tử?...
- Bác nhận giấy nhận cái tin khủng khiếp này vào ngày 5-8-1973. Chú ruột nó Chủ tịch xã cầm về.
- Anh Ba truy tặng liệt sĩ ạ.
- Là liệt sĩ, họ đưa cho bác cùng tấm bằng Dũng sĩ diệt Mỹ.
- Chắc chính quyền, bà con quan tâm tới nhà mình bác nhỉ.
- Không thể phút mốt, phút hai nói hết được công lao của Đảng, của quê hương. Không có họ chắc bây giờ bác chỉ còn là nắm xương tàn dưới lòng đất, cũng không có mái nhà lợp ngói mũi hoàn toàn như hôm nay.
- Chắc bác, cô chú, hai chị nhớ tới anh ấy lắm? - Câu hỏi của người thương binh như chạm vào nỗi đau sâu kín. Bà ngân ngấn nước mắt.
- Nhớ lắm, nhiều lúc điên cuồng. Hôm nó nhập ngũ, bác xách một mo cơm nếp lạc và chiếc quần ka ki để dành ngày nó cưới vợ, lẽo đẽo đến tận nơi tập trung, đình làng Yên Quả. Nó chỉ nhận mo cơm nếp để anh em đồng đội cùng ăn. Còn tư trang đã có đơn vị - Rồi bà chỉ hai cây cau lùn trĩu quả trước nhà.
- Trước lúc vào lính nó trồng hai cây cau lùn giống chọn mãi ở làng Đông bằng cho bác quả ăn trầu. Nó ngoan, có hiếu lắm. Không! Mà nó bất hiếu, nó bỏ bác ra đi, bỏ lại cái thân già còm cõi.
Bất ngờ người thương binh ôm chầm lấy bà Long gục vào ngực, vào vai nức nở:
- Mẹ. Mẹ ơi. Con là Ba đây. Con là đứa con trai rốt, mẹ từng lặn lội bắt cóc làm ruốc nuôi dưỡng. Mẹ thương con, yêu con, nâng nó như nâng hoa nâng trứng, đang ôm lấy mẹ đây. Con xin lỗi mẹ. Con bất hiếu. Con nói dối. Tha cho con mẹ nhé, mẹ, mẹ... Ba khóc hu hu thống thiết.
Bà Long ngớ người, cổ nghẹn lại. không biết chuyện gì xảy ra. Bà đang tỉnh, hay mơ, hay đang kể chuyện cổ tích cho cháu nghe. Không biết con chim bồ câu nhà ai bất chợt sà đậu trên dây phơi. Đôi mắt hiền từ như bị hút theo sự bàng hoàng, sững sờ của bà Long. Rồi bà ngước nhìn cô y tá hộ tống đợi chờ. Trang cất tiếng, giọng hơi nghiêm trang: 
- Đúng là anh Ba, Lê Khắc Ba, con trai bác, người được báo tử nhầm đã hy sinh.
Bà Long òa lên, ghì chặt lấy con, nước mắt bà tuôn ra, trào ra giàn giụa.
- Đúng! Đúng là thằng Ba con tôi. Hơi ấm của nó tôi biết. Đúng là khúc ruột tôi mang nặng đẻ đau. Rồi bà gọi luôn tên cúng cơm chồng:
Ông ơi! Ông về mà gặp con trai ông, nó còn sống, nó không chết, ông ơi! Ông ơi.
Chủ tịch xã từ trụ sở về, vứt luôn xe đạp ngoài hàng  rào, chạy vào ôm lấy chị, lấy đứa cháu ruột thân yêu, người đầy sẹo trở về... Ba người ôm nhau khóc nức nở.
Chuyện lạ có thật ở nhà bà Long như dây thuốc nổ lan truyền. Nhiều người đang  gặt đầu làng, rồi các anh chị Ba bỏ luôn về nhà bà. Các hội, đoàn thể cũng nhanh chóng có mặt. Nhà bà Long đông hệt hôm làm lễ truy điệu.
Ông Chủ tịch xã giơ tay mong mọi người im lặng. Y tá Trang thay mặt chi bộ, đơn vị bộ đội cùng ông Hội thay mặt chính quyền, thành khẩn xin lỗi gia đình, bà con, anh em vì sự nhầm lẫn. Chiến tranh ác liệt, có thể có những tình huống bất khả kháng, mong bà con thông cảm tha thứ. Huyền thoại Lê Khắc Ba được sơ bộ tóm tắt như sau:
Năm 1971. Các sư đoàn tinh nhuệ quân giải phóng mở mặt trận tấn công địch ở Bình Trị Thiên. Từ Sê hê van Lào, dọc quốc lộ 9, địch tan rã, cuống cuồng tháo chạy. Lệnh của Bộ tư lệnh tiền phương yêu cầu bám thắt lưng địch truy kích, không cho chúng hoàn hồn. Máy bay địch cất cánh từ Đà Nẵng, Biên Hòa cứu nguy, rải bom đủ các loại hòng ngăn cản dòng thác tấn công của quân ta. Ba bị dính bom Na pan. Toàn thân cháy bùng như bó đuốc sống. Từ một sườn đồi không tên, Ba lăn tròn xuống vực, chết lịm trên một vũng nước. BT 31 đoàn 559 giải quyết hậu quả, tìm thấy Ba lúc bốn giờ sáng.
Ba được đưa về trại quân y tiền phương cấp cứu rồi chuyển gấp ra Bắc, đi nhiều bệnh viện, nhiều nơi điều dưỡng chỉnh hình. Do bị sức ép, bom Na pan đốt, anh bị mất trí nhớ thời gian khá dài mới bình phục và hôm nay, như bà con thấy, bản lĩnh người lính cùng với sự chăm sóc của Đảng, anh đang còn sống, đang có mặt trên mảnh đất cắt rốn, chôn rau của mình.
- Hoan hô anh Ba.
- Hoan hô chú Ba.
- Hoan hô cậu Ba.
Tiếng hô như muốn thổi tung mái nhà.
Tối hôm đó, Trang còn hé hộ một thông tin quan trọng: Anh Ba vẫn còn quyền làm cha ruột. Cái của “độc” của người đàn ông, cái để phân biệt giới tính không bị cháy, vẫn còn nguyên. Ôi! Thế là giấc mơ con trai lấy vợ, rồi có cháu nội, cháu ngoại không bị đốt cháy, nó như trong đống tro đổ nát, tàn lụi lại bùng phát. Khó mà diễn tả hết được niềm vui sướng đối với bà Long.
*
Khoảng một tuần sau, khi câu chuyện thần thoại “hạ nhiệt”, ở nhà bà Long lại có sinh khí mới: Bất ngờ và ngọt ngào. Những người thân thiết nội ngoại đều có mặt. Vợ chồng hai chị Thảo, Mai, các cháu đến từ lúc vành trăng non còn treo ở đầu núi. Ba ăn mặc diện. Chiếc áo sơ mi trắng gấp là phẳng đét, thắt nơ cổ màu đen mới tinh. Thảo ngắm nhìn em:
- Giá chiến tranh không in bản đồ trên người, thì cậu còn có cả bằng đẹp trai nữa. Gái làng đến chết mê chết mệt.
- Chiến tranh mà chị. Phải chấp nhận thôi. Vả lại đẹp, xấu em cũng đã có vợ, con.
- Cậu có vợ con? Cậu đùa đấy chứ.
- Chẳng nhẽ, trước mặt mẹ, anh chị, các bậc cha chú em dám nói dối sao. Vì thế em mới báo cáo với dòng họ Lê Khắc hôm nay. Chị Mai tiến lại gần Ba:
- Trời ơi cậu nói mau đi. Tim chị sắp “tót” ra ngoài đây mất rồi.
- Chú Hội cũng giục giã: 
Ba ơi. Nói đi cháu. Cháu làm các bác, các chú hồi hộp quá. Có lẽ cháu sinh ra để làm thần tượng bất ngờ.
- Ba quờ tay, ôm lấy vai Trang. Hai người đứng dậy cùng cuối đầu kính chào.
Đây là y tá Trang, là người trực tiếp phục vụ chăm sóc. Người đồng chí, đồng đội, người ân nhân, đồng hành cùng cháu lúc bị thương, và cũng là vợ cháu. Trang đã động viên thuyết phục gia đình, tình nguyện là người bạn đời bên cháu đi suốt hành trình gian khó. Được Chi bộ đồng ý, hai đứa đã quan niệm là của nhau. Không ai bảo ai, tất cả im lặng, chăm chú lắng nghe từng lời từng chữ của người thương binh nặng. Sau khi vết thương liền sẹo, trí nhớ gần đây hồi phục hoàn toàn, con mới biết mình là ai, biết quá khứ, hiện tại... Mỗi lần soi gương nhìn khuôn mặt của mình lòng con đau đớn, tan nát, thất vọng. Cánh cửa tương lai đóng sầm lại. Con không thiết sống, không muốn gặp ai, không muốn về thăm mẹ, chú bác, quê hương nữa. Nỗi đau tinh thần cũng vô cùng khủng khiếp, hành hạ con, dầy vò con.
Rồi đơn vị bên con, Trang luôn bên con chia sẽ an ủi động viên buồn vui, cay đắng. Mỗi lần thấy con bi quan tuyệt vọng, Trang ôm chặt lấy con truyền hơi ấm, nghị lực, sức mạnh. Nghỉ tới mẹ góa bụa, gầy guộc, vò võ nuôi con; nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Con phải sống, phải đứng dậy, không thể gục ngã. Phải sống có ý nghĩa, có ý chí như bản lĩnh người lính. Con sẽ bên Trang, bên một đồng chí, bên một người vợ hiền, bên một tấm lòng cao cả. Con bàn với Trang ngày về thăm mẹ thăm quê hương máu mủ ruột thịt. Sung sướng xúc động Trang khóc làm con cũng khóc, hai đứa ôm nhau khóc bởi cảm nhận được hạnh phúc khi vượt qua dốc ải, cuộc đời.
Rồi Ba đưa cho ông Hội giấy giới thiệu về nhờ địa phương giúp đỡ cho kết hôn giữa Ba và Trang.
- Đây là tấm lòng bao dung ý nguyện của tập thể, của Trang, của con. Con mong và tin đây cũng là nguyện vọng, khao khát của mẹ, các chú, các bác...
Ông Hội giơ tay đỡ giấy giọng run run. Nước mắt ông Chủ Tịch xã lại rơi thêm một lần nữa.
- Cháu bị thương hai đứa không phải lên trụ sở nữa. Mai chú cầm đăng ký kết hôn về cho. Họ ta, nhà ta, làng ta, biết ơn Đảng, chính quyền nhiều lắm. 
Lại bất ngờ. Lại bàng hoàng. Bà Long ngước nhìn Trang. Bà chờ, chờ tiếng nói từ con tim của cô y tá. Trang từ từ nhỏ nhẹ:
- Con xin phép mẹ, các chú bác, cậu mợ, các chị cho con được làm dâu, làm cháu, làm em... trong dòng họ. Con chẳng biết nói gì cả, chị mong mẹ, mọi người ở làng ta mạnh khỏe và giàu lòng vị tha cho con, cho anh Ba. Con chân thành cảm tạ hai họ.
Gian nhà lại rung lên trong những tràng vỗ tay rộn rã.
Ba còn rỉ tai với bà Long, hai chị: Tết này mẹ có cả cháu nội. Có nếp có tẻ. Mẹ sướng nhé.
Cu tí nghe được, đang ngồi trên đùi mẹ Thảo nhảy tót xuống đất reo ầm ỉ:
- Đúng rồi, đúng rồi bà ngoại ơi, mẹ ơi đúng rồi. Mọi người lại dồn vào thằng bé láu lỉnh.
- Cháu thấy cậu Ba sờ bụng mợ Trang. Mợ lại nhấc kính, áp sát vào mặt cậu. Cháu tưởng mợ phun thuốc chữa sẹo cho cậu. Không phải. Mợ thơm cậu. Đúng rồi, đúng rồi. Mợ thơm cậu. Mọi người cười rộ lên niềm vui lan tỏa ấm áp gian nhà.
- Trang xin phép thay mặt Ba được thắp hương trước bàn thờ tổ tiên dòng họ Lê Khắc.
Một làn gió nam mát rươi vào nhà. Gió rung nhè nhẹ những bông sen thơm mát. Chắc chắn mai này, chuyện về Ba về gia đình bà Long lại trộn lẫn hương đồng lúa chín, trộn lẫn tiếng nói yên vui của dân làng Yên Dân.
Đây là sự thật ngọt ngào ở một vùng quê trong những năm tháng chống Mỹ.
            H.N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 82
 Hôm nay: 888
 Tổng số truy cập: 13612209
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa