Sự việc bắt đầu từ ngày mười lăm tháng sáu, nắng chói chang, gió tây nam gay gắt từ ba giờ chiều, ai cũng đẫm mồ hôi, còn tôi bị cái khát hành hạ, càng uống càng khát, mồ hôi chảy nhiều nên toàn thân nhão ra, bụng cồn cào, buồn nôn. Nhưng tôi vẫn làm việc, nghĩ cảnh vào giờ này ở đồng quê bố mẹ đang cày cấy nốt hai sào lúa chẳng biết đến ngày nào mới xong! Tôi nhẩm tính còn mười lăm ngày nữa là hết đợt nghỉ hè sẽ được lĩnh tiền công: ba triệu đồng đủ tiền nạp học phí và sinh hoạt trong tháng tới, đỡ cho bố mẹ rất nhiều. ý nghĩ này càng làm tôi gắng sức, bỗng từ góc tường bên kia vang lên tiếng thét:
- Này kỹ sư! Nhanh tay lên, cứ đứng há mồm mà nhìn! Bọn ông hết cả hồ để xây rồi này!
Tôi cuống cuồng xách hồ đến cho hắn và anh Duẩn. Chẳng rõ ai đã nói cho Khâm biết tôi đang là sinh viên trường Đại học bách khoa nên hắn mới gọi tôi là kỹ sư, hay chỉ đoán mò rồi trêu tức?
- Tổ cha mày, cứ vào trường ngồi có sướng không! - Hắn lại đai miệng giọng hiểm độc - Da dẻ thư sinh búng còn ra sữa mà dám nhúng vào việc của chúng ông. Muốn giàu tiền tỷ chăng!
- Khâm! - Tại góc tường bên kia anh Duẩn trố mắt, tay phải giơ cái bàn xoa như ném vào mặt hắn - Cậu điên rồi sao? Thằng Tiến nãy giờ vẫn luôn tay, hay mày muốn nó vục đầu vào đống hồ!
- Cho nó chết! Công trình này không cần bọn nhãi nhép nhúng tay. Cứ nhìn mấy thằng suốt đời tay đút túi quần, còn tay kia giơ năm ngón hạch hạch sách sách là tôi tức chảy máu mắt. Rời chúng ông... hàng loạt đứa không có nhà mà ở! Còn thằng này, tướng mạo không ton hót thì cũng là kẻ nịnh thần!
à ra thế, có lẽ Khâm nhầm tưởng tôi đã ton hót với anh Quyền chủ nhà về chuyện hắn bán ra ngoài hai cây sắt phi mười bốn! Cũng là chuyện tình cờ, hôm ấy tôi đến sớm thấy hắn đang lấm lét nhìn trước nhìn sau, tay phải vẫy lia lịa cho cái thằng đầu tóc bù xù chờm đến vai, quần soóc, người cao lêu nghêu, mũi cao nhọn, lộ hầu, mấy cái răng trước cửa nhô ra, vội vã vác hai cây sắt chạy vào ngõ hẻm. Tôi chửi thầm: Mặc mẹ mày! Có phải của tao đâu mà giữ, mày là chủ thầu, công trình tốt hay xấu do mày!
Thực tình từ hôm đó chủ nhà chưa có ý gì, chứng tỏ vợ chồng anh Quyền chưa biết. Tôi muốn chứng minh cho hắn hiểu về mình:
- Ông im cái mồm cho đỡ rách chuyện!
- Mày có giỏi, cứ việc ton hót... Tao sẽ cắt lưỡi! - Nói xong hắn vội im bặt vì anh Duẩn đã nhảy khỏi giàn giáo, tay vung cái búa, chưa bao giờ mắt anh đỏ ngầu như hôm nay...
Ăn cơm chiều xong hắn thắng bộ quần áo sang trọng chẳng khác đốc công người Tàu đi vào thành phố. Anh Duẩn kéo tôi đi dạo, ở nhà còn mỗi chị Khuyên rửa bát.
- Cậu nói tớ nghe - anh hỏi - Sao thằng Khâm bực cậu thế?
- Có gì đâu - Tôi tránh điều mắt thấy tai nghe, kể cả suy diễn về tính đa nghi Tào Tháo của hắn: - Chắc trời nóng quá làm anh ấy phát điên.
- Cái gì là ton hót, ton hót cái gì?
- Chắc anh ấy nghĩ em sẽ nói với anh Quyền đề phòng - Tôi buột miệng nêu một hiện tượng: - Chuyện véo mông chị ánh hôm trước của Khâm, em cho chỉ là trò đùa, hơn nữa tính động đớ, ở đây ai cũng biết... Chẳng hạn những lần anh ta búng tai hoặc lè lưỡi nháy mắt cợt chị Khuyên mà anh đã thấy.
- Thảo nào... Tớ sẽ chỉnh cho hắn một chặp, chủ thầu kiểu đó sẽ có ngày!...
- Thôi, anh đưa chuyện ấy ra lại khổ em... Cơ bản thời tiết quá xấu làm Khâm phát điên, có thể chẳng có chuyện gì đâu.
Sáng hôm sau anh Quyền đến chỗ chúng tôi, chị ánh theo sau. Anh dặn: “Các bác thợ dừng tay đã, tôi muốn mời anh em chiều nay sang ăn cơm và bàn mấy việc. Sáng mai tôi phải vào thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn kiểm tra môi trường. Anh Khâm nhớ cho mọi người nghỉ sớm nhé!”.
Khâm giả vờ không biết chủ nhà đến, những động tác làm việc của hắn điệu nghệ ghê: tay trái cầm bàn xoa để tay phải thoăn thoắt xúc hồ đắp đầy vào bàn xoa rồi chuyển nhanh sang tay phải, đưa một loạt từ dưới lên trên trát áo tường, vừa nhẵn lại rất chắc. Anh Duẩn cần mẫn những động tác quen thuộc, ít để ý chuyện vặt bên ngoài. Anh Quyền nói hết Khâm mới bỏ bay và bàn xoa vào xô hồ rồi nhảy xuống đất. Hắn có đôi mắt đuôi dài, hơi lác một chút dưới hàng lông mày thưa và ngắn, chợt liếc xéo qua vai anh Quyền đến chị ánh đang đứng sau rồi nở nụ cười dè dặt với chủ nhà. Tuy nhìn xéo nhưng Khâm vẫn quan sát hết mọi cử chỉ hình dáng bà chủ: chị ánh có bộ tóc ngắn ngang vai nhưng rất đen, hai mai xuất hiện mấy sợi quăn quăn, đôi mày nhỏ thanh thanh như vầng trăng non che đôi mắt ướt luôn luôn cử động, cũng mỉm cười nhìn hắn. Hắn rất muốn hút thuốc, nhưng khi anh Quyền chìa thuốc cho từng người thì hắn ra vẻ tay còn bẩn. Mọi lần hắn đưa tay áo gạt mồ hôi trên mặt nhưng hôm nay, hắn từ từ rút khăn mùi xoa trong túi quần lên lau rất lịch sự. Anh Quyền nói những gì, hắn chẳng cần để ý, vẫn tập trung ngắm bà chủ như mới gặp lần đầu. Dường như chị ánh đã hơi ngượng, hai chân trắng muốt tròn lẳn đứng bắt chéo dưới ống quần lửng, tay trái thon dài vắt qua ngực nắm cánh tay phải đặt trước bụng, miệng chúm chím cười thiếu tự nhiên. Nhờ màu tím Huế của chiếc áo hở vai hở ngực đã tôn thêm vẻ đẹp trắng hồng trên làn da chị, nên không phải riêng Khâm, người khác thấy vậy cũng động lòng.
Trao đổi xong anh Quyền ra về, chị ánh khẽ đặt tay lên vai chị Khuyên: “Em nhớ không phải nấu cơm chiều nữa nhé”. Rồi chị đưa mắt nhìn mọi người, đến Khâm thì dừng lại mấy giây.
Trong bữa cơm, chủ nhà giới thiệu sơ lược chuyến công tác, có lẽ phải kéo dài nhiều ngày. Kể cả lúc uống đã khá nhiều rượu, anh vẫn nhỏ nhẹ, giọng trầm đục thiếu chút kim khí mạnh mẽ, cộng nước da trắng gợn hồng tôi ngẫm con người này chắc đã vào đường nghiên cứu khoa học khá lâu. Còn Duẩn, chúi đầu ăn, anh tập trung ăn chẳng khác những khi cần mẫn trên giàn giáo. Chị Khuyên ngồi đầu nồi rôm rả chuyện với ánh, chủ yếu khâu bếp núc.
- Lẽ ra em không nên đánh hồ - ánh nói - Việc bếp núc ở thành phố thời này xếp hàng đầu, nhiều việc, rất tỉ mẩn. Còn đánh hồ, cứ để đàn ông họ gắng thêm vài phút còn hơn mình làm cả buổi.
- Không, thế sao được hả chị, với em công việc này đã quen rồi.
Chẳng rõ chị ánh có nhận thấy Khâm đang liếc nhìn mình không, vẫn sôi nổi tâm sự với chị Khuyên, hết cười lại nói rất duyên, thỉnh thoảng mới đưa mắt liếc qua từng người. Khác mọi ngày, hôm nay Khâm ăn uống rất từ tốn, chiếc khăn mù xoa cá nhân mới tinh luôn để cạnh bàn, không cần sử dụng giấy lau của chủ. Ưu điểm của hắn chúc rượu nhiều vẫn không say, khẩu khí lúc trầm, lúc bổng khá đạt.
Nghe giọng hắn mấy ai lần đầu bắt gặp lại đánh giá con người này chỉ là chủ thầu ít chữ nghĩa?... Kìa, đôi mắt liếc xéo của hắn thật lợi hại: như con thạch sùng đang luồn từ ức cổ chị ánh xuống hai gò bồng đào nở tròn hồng hồng, ở giữa có những sợi lông măng phơn phớt vàng... ghê thật! Bỗng chị ngửa mặt cười, hai mắt ướt lim dim, hàm răng tươi trắng như ngà lộ ra, trong đó có một cái răng hơi khểnh bên trái khéo lạ làm hắn nhìn tập trung hơn. Bỗng tôi nghe hực một cái ở họng. Khâm tưởng hắn bị nghẹn, nhưng không, hắn vừa nuốt nước miếng.
Sau bữa cơm anh Quyền nhờ chúng tôi: “Tình hình an ninh ở đây không tốt đâu, thường xuyên bị cướp trộm đột nhập, hầu hết con nghiện, nên tôi nhờ anh em giúp cô ấy... nhất những đêm khuya!”.
Đôi mắt Khâm đang thu lại như mèo rình chuột, nghe tới đây hắn bừng lên:
- Yên trí! Anh cứ đi hàng tháng vẫn có chúng tôi - Rồi hắn quay sang chị ánh cười nói rõ to - Chỉ cần bà chủ quan tâm chè thuốc đều đều...
- Anh Khâm đừng nói thế - Chị ánh lè lưỡi liếm mép xong ngắt lời - Rượu chè chẳng lúc nào thiếu, có cả mật ong, rượu ngâm sâm, tắc kè, kể cả ngọc dương... nếu ai cần thì cứ việc... - Rồi chị cười rõ vui.
Điểm lại trong số chúng tôi: anh Duẩn hơi chậm, chỉ được tính cần mẫn và chắc chắn, vì ít nghỉ giải lao nên khối lượng công việc hàng ngày đạt chẳng kém Khâm. Hắn ta làm khá nhanh, cũng đảm bảo chất lượng nhưng nhược điểm một buổi có tới ba bốn lần nhảy khỏi giáo đi lang thang, lúc vào nhà bà chủ vục cốc rượu, lúc pha trà, hút thuốc... Còn chị Khuyên, tranh thủ giúp tôi đánh mẻ hồ rõ to rồi đạp xe đi chợ. Chị có bàn tay nấu nướng chẳng kém những bà nội trợ giỏi trong thành phố, chỉ tội tiền ít nên các món ăn đơn giản, nhưng mọi người vẫn khen ngon.
Chẳng có việc làm nên buồn, chị ánh thường sang xem chúng tôi xây trát, điều này ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Thấy chị có mặt, Khâm bỏ ngay bàn xoa và bay vào xô hồ rồi châm lửa hút thuốc, bắt đầu tán tỉnh những chuyện đâu đâu. Bao giờ hắn cũng khêu gợi nỗi cô đơn lạnh lẽo của mấy bà vợ xa chồng, chị nghe nhưng không phản đối, đôi khi còn nối thêm những ưu tư sầu não... Bỗng một hôm khác trước, không đánh phấn mà hai má chị dựng hồng, tôi cũng thầm khen chị quá đẹp: mông, ngực nấy nở hơn cả gái dậy thì. Không hiểu Khâm nghĩ gì, mọi lần từ trên dàn giáo nhảy xuống đánh ịch, hôm nay hắn nhẹ nhàng rút khăn mù xoa lau má và tay rồi mới rời khỏi giáo. Hắn hỏi:
- Nhà còn chè không? - Câu hỏi rất ngang nhưng tình cảm, đôi mắt hắn lại liếc xéo về phía bà chủ, thứ tình cảm đó chỉ riêng chị ánh trực tiếp đón cái nhìn mới thấy.
- Cần thì đến mà lấy! - ánh cũng ngang, xét cho cùng lại rất tình tứ, giọng trầm đục hơi run phát ra trìu mến, rất khó tả.
Người ta, ai cũng mến trọng những nam nhi có vóc dáng cao to, đi đứng uy nghi vững như bàn thạch, nhưng với Khâm tôi ghét lạ, hắn theo sau bà chủ với dáng đi như rắn lượn, thỉnh thoảng tiến lên liếc xéo vào mắt, vào ngực ánh... Dù hắn là chủ thầu hoặc cao siêu như tổng giám đốc chăng nữa thì trước khi rời khỏi nơi làm việc cũng nên nói với anh em một lời, đằng này hắn phớt lờ như không có mặt ba chúng tôi.
Hắn làm gì trong nhà chị ánh khá lâu, lúc trở ra hớn hở như đứa trẻ đói bụng vừa được quà. ánh đưa chân ra đến cửa tủm tỉm cười rồi nói gì với hắn, sau đó lùi lại khép cửa.
Đúng lúc chúng tôi nghỉ giải lao, hắn tự lấy ghế ngồi, vẻ sung sướng tràn trề đang biểu hiện trên khuôn mặt lưỡi cày của hắn. Tôi phát hiện mùi rượu ngọc dương, hơi tanh tanh, nhưng không át nổi hương vị nước hoa hảo hạng từ người hắn. Sau đó tôi bỗng thấy lờm lợm vì thứ mùi gì đó rất đặc biệt: vừa tanh lại vừa hôi! Anh Duẩn ngơ ngác đứng dậy nhìn quanh, nheo mắt nín thở đột ngột hỏi:
- Hình như ai ăn kẹo cao su? Không phải! - Anh quay sang chị Khuyên - Mẹ mày mua xà phòng gì mà lạ thế?
Chị Khuyên bịt miệng cười rõ lâu mới khua tay:
- Đố anh biết mùi gì đấy!...
Nhưng rồi anh Duẩn cũng quên luôn, chẳng cần quan tâm mùi gì, đứng dậy vỗ vai tôi:
- Tớ với cậu đánh một mẻ hồ thật to là vừa đủ làm đến mười một giờ.
- Không được - Khâm ngắt lời - Bằng mẻ lúc sáng thôi, đã hơn chín giờ rồi, trời lại quá nóng!
Được cái anh Duẩn dễ tính, ngoan ngoãn chấp hành, chẳng biết lòng anh có tức bực gì không nhưng vẫn xông vào cầm xẻng đảo hồ thật nhanh, tôi cố đuổi theo những động tác nhưng chỉ bằng hai phần ba của anh. Tôi nghĩ: làm việc với những con người vô tư thế này có thể làm được mãi!...
Tôi nghiệm thấy ở một số người, đã một lần buông thả trót lọt thì lần sau cũng cứ thế. Riêng chị ánh, tối hôm ấy vẫn cho Khâm vào nhà và được ngủ lại đến sáng. Những đêm sau cũng vậy, nhưng hắn không đi thẳng vào nhà chị ngay, cứ lòng vòng ngoài phố rõ lâu đến mười giờ đêm mới quay trở lại, bấy giờ mọi người đã ngủ say. Trước khi đi hắn diện bộ đồ sang trọng: giày đen bóng, áo quần may kiểu mới, giống hệt những nhà doanh nghiệp lớn. Lúc hắn trở về nơi làm việc, nhiều hôm chúng tôi chưa ai ra khỏi màn. Đặc biệt những ngày ấy chị ánh ít tới thăm chúng tôi. Nhưng các buổi trưa chị xách đến hộp kem và vài khay đá để anh em hãm trà giải khát. Thấy vậy, ai cũng cảm ơn tấm lòng tốt của chị.
Bảy giờ sáng ngày hai mươi lăm, tôi giật mình nhìn chị ánh hớt hải chạy sang, mặt tái xanh, những tia hồng trên hai gò má biến mất, từ điểm giữa hai đầu mắt kéo dài xuống đầu mũi của chị như có màn khói bao trùm. Tôi chưa kịp hỏi chị đã lên tiếng:
- Anh Khâm đâu rồi, có ai biết?
- Chưa thấy anh ấy về - Chị Khuyên hốt hoảng trả lời - Sao... việc gì hở chị?
- Thật chứ!
- Đúng vậy - Tôi nói - Mấy hôm nay anh ấy không ngủ với bọn em.
Lúc này anh Duẩn mới ngừng tay, buộc phải lên tiếng:
- Cái thằng thật kỳ quặc! Đã có vợ con rồi còn bé bỏng gì!... Hay loăng quăng ngoài phố bị công an tóm cổ cũng nên?
Chị ánh thất vọng, không nói thêm, thoăn thoắt lượn mình rồng về nhà, hai cánh tay trần đã ngả màu xám thay nhau phả về sau.
Tôi đặc biệt không tham dự, mặc vợ chồng anh Duẩn đưa nhiều giả thiết suy đoán, nhưng tất cả đều sai. Bỗng tôi không nhịn được cười khi anh Duẩn phàn nàn:
- Không khéo hắn bị bọn nghiện chặn cổ lột sạch, bữa mô cũng ăn mặc rõ oách!
- Hay ta báo công an? - Chị Khuyên sốt sắng.
- Chưa vội - Tôi nói - Cứ từ từ... dù sao cũng đã rồi. Có thể từ giờ đến chiều sẽ có tin, nếu không, muốn báo công an vẫn chưa muộn.
Tôi đã hiểu phần nào sự việc nhưng vẫn băn khoăn: chẳng lẽ hắn đi đâu mà chị ánh không biết? Suy đoán mãi vẫn chưa tìm ra nguyên do đành phải theo chân anh Duẩn, người nào việc ấy.
Khoảng mười một giờ trưa, điện thoại trong túi quần anh Duẩn nổi vang cộp, cộp... Tôi căng thẳng chờ anh cho biết tin lành hay dữ, bỗng anh nhíu mày chạy mấy bước ra sân, dạng hai chân thật vững để nghe, được cái loa điện thoại của anh phát rất to, tôi nghe được cả lời hai bên:
- Ai đấy? - Anh Duẩn hỏi trước?
- Khâm đây. Anh em có sốt ruột lắm không?
- Sốt cái gì! Cậu đi đâu?
- Các cậu có giận có chửi cũng vậy, tớ không làm nữa, đang chuẩn bị lên máy bay sang nước ngoài...
- Nước nào? Cậu đang ở sân bay nào?
- Từ từ đã, cho cậu biết cũng chẳng ích gì, vài phút nữa máy bay cất cánh. Tớ nhờ cậu mấy việc: thứ nhất nói với thằng Tiến cho mình xin lỗi... cái hôm mười lăm ấy. Không hiểu thế nào bữa đó mình cứ như điên, lại đang sẵn có ác cảm với những thằng có học. Mình đâu phải loại ngu, muốn học mà bị người ta ngăn trở một phần, cộng thêm cảnh nghèo khó gây ra... Nhớ nhé! Còn tiền công tháng này mình đã ứng cả rồi, chịu khó nói với ánh mà lấy. Nhà này nhiều tiền lắm.
- Bậy! Sao cậu làm thế... Bọn mình lấy chi mà ăn? Cậu ác quá!
- ác cũng được. Cậu cứ nói với ánh rằng chúng mình chưa nhận được tiền. Số tiền ánh đưa cho tôi cứ bảo đó là tiền công... nó sẽ hiểu. Mà nếu căng quá, ông nói thẳng đó là lời Quyền dặn từ hôm ăn cơm buổi tối: nhờ chúng mình chăm sóc và bảo vệ, nhất những đêm khuya - Hắn cười hà hà rồi tắt luôn, nói tiếp - Hiểu chứ! Đừng giận thằng này nhé, ba năm sau mình về tạ lễ!
“Số mình như số chó - Anh Duẩn làu bàu - Suốt đời bị lừa! Nếu không mắc hai đứa đang ăn học trong Nam tao chẳng bao giờ dính cảnh làm ăn khốn nạn này!... Tiến, tha lỗi cho anh nhé, cũng vì anh mà em khổ lây!”. Tôi nói: Không đi với anh thì em cũng phải tìm cánh khác...
Chị Khuyên nghe vậy giật mình, cả nồi canh rơi đánh xoảng xuống đất, rau và nước bắn tóe làm bỏng bàn chân phải của chị. Tôi nhanh chóng dùng nước dấm chua tưới vào đám da nổi màu đỏ tía, sau bê chậu nước lã thật đầy hòa muối cho chị ngâm chân.
Suốt mấy ngày không khí nơi làm việc buồn vô cùng. Nói lắm rồi cũng chán, cứ cắm đầu làm hùng hục, chẳng ai thèm nhắc lại. Riêng chị Khuyên mắt lúc nào cũng sưng húp, thỉnh thoảng đưa tay áo lên gạt nước mắt. Một hôm từ nhà ánh trở về chị hốt hoảng báo tin:
- Chị ánh bị mất ba cây vàng và hai trăm triệu tiền mặt, cũng may kẻ trộm còn để lại khá nhiều. Nhưng khi hỏi: chị biết đối tượng nào chưa? Chị ngần ngừ một lúc mới nhíu mày, buột một câu như đã định sẵn: “Ngoài bọn nghiện còn ai!”. Rồi chị thở dài, chốc chốc lén nhìn tôi...
- Mẹ Hải này - Anh Duẩn gọi thay tên con - Bà ta có hỏi gì về thằng Khâm không?
- Có. Em đã hỏi đối tượng Khâm nhưng chị khẳng định không! Chị nói: Mọi hôm Khâm có đến nhưng chỉ ngồi chơi một lúc và uống cốc nước rồi đi.
Tôi cắt ngang lời anh chị:
- Có ai biết quê Khâm?
- Chỉ biết ở Hà Tĩnh - Anh vỗ đầu mình, mặt xạm đen nom thật thiểu não - Giờ mới biết mình quá ngu, chẳng chịu tìm hiểu lai lịch của hắn! Mình đã quá cả tin...
- Thế mà cũng kéo nhau theo hắn! - Chị ánh trách móc.
- Ai biết được, thấy hắn lịch sự, ngọt xớt!
Tôi khuyên họ:
- Chẳng dài dòng đâm phiền não, xác định ta đã trót cả tin. Nếu cứ nói mãi cũng không có cách nào kéo lại được, giờ chỉ còn hy vọng chờ anh Quyền về may ra... Với Khâm, làm sao anh ta đi nước ngoài được, chưa học hết lớp bảy ai dám tuyển.
- Tôi thật sự ân hận, mình khổ đã đành lại kéo dây sang cả chú!
- Không, với em chẳng đáng là bao, tội nhất anh chị đang lo cho hai đứa ăn học... Nhưng ta cũng chỉ mất có chừng ấy, đau hơn vẫn anh Quyền!... Chuyện lão Khâm, loại người này chẳng bao giờ khá, sẽ có ngày không thoát khỏi lưới trời!
Tôi phải nói vậy cốt an ủi anh chị yên tâm làm nốt công trình, biết đâu, do phiền não quá mà sinh bệnh.
Thành ra trên đời vẫn có người buộc phải khư khư giữ kín sự thật, dù đứng trước giá treo cổ vẫn phải giấu. Đúng thôi, chị ánh không thể đổ tội cho Khâm trước công chúng. Trong hai kẻ thậm thụt ngang trái, một kẻ đang ung dung nở mặt nở mày vui sướng, còn người kia ngậm đắng nuốt cay sầu não, muốn chết mà chẳng được. Nhưng với ánh lại khác, dù mất nữa đối với con người như chị vẫn chưa đến nỗi “muốn chết mà chẳng được”, bởi ông chồng suốt đời cần mẫn trên bàn giấy và giá sách ngổn ngang, rất yêu vợ. Càng yêu vợ anh ta càng tìm cách kiếm thật nhiều tiền để người vợ tin mình. Anh cũng là người quá cả tin. Rồi cả chúng tôi lẫn chị ánh đều bị tên Khâm bịp bợm lừa đảo. Chị Khuyên vừa khóc vừa than “Chó cắn áo rách!...”, còn tôi, cho Khâm là loại chó đặc biệt, cắn cả áo rách lẫn áo lành. Lần đầu tiên bước vào đời kiếm cơm ăn việc làm tôi đã gặp cú sốc mạnh đến thế! Không ngờ anh Duẩn buột miệng một câu thật cay đắng: “Của đi thay người là điềm tốt!” làm chị Khuyên khóc òa lên. Nhìn chị tay bưng mặt, đũng quần dính vôi vữa teo tóp mà tôi không cầm lòng nổi, cố nén nước mắt, an ủi chị: Ta chỉ mất chừng ấy, anh Quyền mới thật sự mất nhiều!...
Tôi đành nói dối chị ánh, phải tìm Khâm bằng được mới có tiền mua vật tư để làm nốt công trình, có lẽ chị cũng biết nhưng vẫn đồng ý cho đi.
Chúng tôi chia tay vào một chiều thu, mây đen kéo đến mù mịt, nhưng vẫn chia làm hai hướng không nản lòng.
Thương quá đi thôi, mình thì đã đành, hai người còn phải bỏ cả nhà cửa ra đi kiếm việc làm, chẳng biết tới đây họ có gặp được vận may nữa không? Tôi đứng ngây nhìn hai người đi trên hè phố, mãi tới khi họ khuất bóng vẫn hình dung người chồng cao gầy, lưng hơi gù, người vợ nhỏ bé nhũng nhẵng gánh đồ nghề và ba lô to tướng theo sau...
Bỗng nhớ chiều qua anh Duẩn phàn nàn “Chẳng biết tới đây lấy gì mà ăn?”, tôi giật mình chạy theo mãi mới tìm được họ, dùng lời lẽ thật khéo để đưa cho chị Khuyên được một trăm nghìn đồng. Tình cảnh cuối cùng là tôi phải ngoảnh mặt đi để khỏi nhìn thấy chị lại nâng vạt áo lên lau nước mắt...
Hai năm sau thi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, tôi may mắn được xếp bằng thủ khoa, sung sướng nhất được người ta đón mình vào công tác tại một công sở lớn. Tôi nghĩ: thành công này có được từ đâu? Nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra giải đáp. Gần đây tôi chợt thoáng trong óc, cũng chỉ là động viên mình cho quên bớt những suy tư: có lẽ nhờ “động lực” của những ngày làm chung với vợ chồng anh Duẩn, họ đã “dạy” cho tôi biết giá trị của mồ hôi và nước mắt trên mỗi việc làm. Không ngờ tôi càng nhớ anh chị hơn, nhất lúc chia tay, rất muốn đi tìm nhưng lại chẳng biết giờ này họ đang ở đâu.
Tháng 10 - 2016
T. N