Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Thần đồng đen - BẠCH LÊ VÂN NGUYÊN
Thần đồng đen - BẠCH LÊ VÂN NGUYÊN

       1. Bà cụ Thơm dáng hạc, thanh tao, đã ngoài bảy mươi tuổi. Ngày rằm, đền Thần đồng đen làng Chùa khá nhiều khách hành hương, được bà cụ đón tiếp, hướng dẫn chu đáo. Khách đến từ nhiều nơi, thái độ thành kính, cầu thị. Giữa ngày nắng, đường bê tông bỏng rát. Bước qua cổng đền đã thấy mát rượi, tâm hồn thanh tịnh. Khuôn viên đền rộng. Tường gạch bao quanh. Giữa sân, cây bồ đề cành lá xum xuê. Đền được xây dựng khá bề thế. Năm gian tiền đường, ba gian hậu cung, ba gian nghinh môn, tả vũ mỗi bên có bốn gian gọi là giải vũ. Gian chính giữa thờ đức Thần, có bài vị, bát nhang, hoành phí, đối trướng, sơn son thếp vàng. Khói hương nghi ngút. Hoa tươi. Đĩa trái cây xếp đầy. Đền có cái thùng công đức, niêm phong kỹ. Khách hành hương tùy hảo tâm. Sáu tháng mở một lần lấy tiền ủng hộ các gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn, còn thì tu sửa đền. Khách viếng xong, ra hè có chõng tre, uống nước chè vối, ăn trái cây.     
Bà cụ Thơm thường mặc bộ đồ lụa. Mùa lạnh thêm chiếc áo len xanh. Khách tò mò: Con cụ đâu? Cháu cụ đâu? Cụ ông thế nào? Nhưng ít ai được cụ kể cho rành rẽ. Chỉ biết, khi chồng mất, các con khôn lớn đi thoát ly, bà cụ tự nguyện hiến ba phần tư mảnh đất của nhà mình cho làng để phục hồi  đền thờ Thần đồng đen, nơi đó có nhiều dấu ấn khó quên và đậm nét văn hóa xa xưa của làng Chùa. Phần đất còn lại, bà cụ làm cái nhà nhỏ ngoài khuôn viên, cạnh đền. 
       Ban quản lý đền có ba người do làng đề cử. Hai cựu chiến binh - suốt thời trai trẻ gắn liền với trận mạc, chiến trường, thương tích đầy mình; huân huy chương đeo kín ngực và bà - vốn là cô dân quân làng Chùa. 
       Mới đấy, đã gần hết một đời người.
       2. Chuyện ngỡ như đã xa lơ xa lắc, hôm nay lại như hiện ra rõ mồn một trong ký ức bà cụ. 
       Năm ấy, cô Thơm mười tám tuổi, vừa học xong phổ thông về làm dâu ông  bà Quân. Anh Quang - con cả của ông bà - trước khi đi B về tranh thủ được mấy ngày. Cập rập quá, chỉ khác cưới “chạy tang”, hoặc trót “ăn cơm trước kẻng” là được cả làng ủng hộ. Đám cưới thời chiến: Cô dâu dáng cao, nước da bánh mật, áo cánh màu mỡ gà, quần phíp đen, tóc tết đuôi sam. Chú rể nổi bật bởi bộ quần áo bộ đội màu xanh mới cứng, ve áo đeo quân hàm chuẩn úy. Khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” cắt dán trên băng rôn. Chú rể Quang phát biểu, hứa hẹn. Ai cũng tấm tắc khen, vỗ tay rào rào. 
       Bất chợt, Phó chủ tịch xã - Lê Văn Nuôi, bút máy kim tinh nắp vàng chóe găm túi áo, xắc-cốt kè kè bên hông, lang beng đầy mặt, ra vẻ ta đây hiểu biết, nói nhỏ:
       - Thằng Quang mới thượng sĩ, nhưng đi B, được thăng cấp chuẩn úy.
        Mấy người gạt đi: 
       - Hừ, nếu ông Phó chủ tịch xung phong đi bộ đội, có đeo thiếu úy chúng tôi cũng ủng hộ.
       Lê Văn Nuôi biện bạch:
       - Họ Lê Văn làng này đến đời tôi có mình tôi là con trai.
       Các bà cũng không vừa:
       - Làng Chùa thiếu chi gia đình có một con vẫn đi bộ đội đấy thôi.
       Tiếng cười khúc khích. Phó chủ tịch xã đỏ mặt lơ láo, chuồn thẳng. 
       Vợ chồng Thơm ở với nhau được ba ngày, rồi anh Quang vào thẳng chiến trường. Thơm hy vọng có con cũng không thành. Nhiều người an ủi, ông trời còn thử thách lòng chung thủy của hai người. 
       Gia đình ông Quân có ba con trai. Các cụ bảo, “tam nam bất phú”. Nhà có ba đứa con trai thì không giàu nổi. Điều này không đúng. Gia đình ông Quân: nhà ngói, sân gạch rộng rãi. Vườn kè, ao cá, lại có cả một đàn vịt lớn. Không buôn bán. Cũng chẳng ai cho. Tất cả đều bằng sức người: bám chặt con trâu, cái cày, đồng ruộng. Và tiết kiệm. Sáng còn nhọ mặt người cả nhà đã dậy ăn cơm, rồi ai việc ấy. Tối nhọ mặt người lại mới ngồi lại với nhau. Cả ngày quần quật với công việc. Ăn uống cốt no bụng. Ao, gà vịt sẵn nhưng chỉ giỗ, tết mới có thịt, cá. Không ít các cô gái sợ làm dâu nhà ấy. Gia đình Thơm, cha cô là thầy giáo. Các con không phải vất vả lắm. Thơm là con áp út, nên đi học là chính. Về nhà chồng, trước cả núi công việc, vậy mà, cô cũng ráng trụ được. Cô tham gia dân quân. Tuổi xuân mơn mởn, rừng rực nhường kia. 
       Một tối trăng suông. Thơm đi trực chiến, Phó chủ tịch xã Lê Văn Nuôi đón đường chặn lại. Bên hông vẫn cái xắc-cốt lủng lẳng, mùi rượu lẫn thịt chó nồng nặc. Ai cũng biết anh ta vừa có một chiến công: Chỉ huy dân quân đập phá đền Thần đồng đen và cái nghè vốn có từ bao đời với những ban thờ, lư hương, bài vị sơn xanh đỏ, rồng bay phượng chầu. - là “tàn tích của chế độ phong kiến”, để làm cửa hàng hợp tác xã mua bán. Gặp Thơm, tưởng bở anh ta buông lời gạ gẫm: 
       - Em ơi, đêm nay trăng đẹp. - Nuôi lập cập bước tới định dúi Thơm vào chân đống rơm. 
       Nhìn trước ngó sau không một ai, Thơm hốt hoảng. Rất nhanh, cô chĩa khẩu súng trường vô ngực anh ta, lên qui-lát, roạt:
       - Anh bước thêm một bước tôi bóp cò!
       Nuôi vẫn lì lợm sấn sổ bước tới: 
       - Thơm ơi! Anh thà chết. Em cứ giết anh đi!
       Thơm lùi lại. 
       Nuôi xé phanh ngực áo.
       Đoàng! Viên đạn bay lên trời. 
       Nuôi giật mình, hoảng hốt vội chạy tháo thân. 
       Mọi người kéo đến. Thơm lúng túng:
       - Không có chuyện chi mô. Súng cướp cò.
       Hơn một năm sau. Thơm nhận được giấy báo tử chồng. Xã làm lễ truy điệu. Có người khuyên:
       - Cô Thơm còn trẻ đã góa bụa, nên chi xin phép cha mẹ chồng về ở nhà mẹ đẻ để có điều kiện “đi bước nữa”.
       Thơm không đành.
       Bà Quân gặp riêng Thơm nói nhỏ:
       - Con ạ, mẹ đi xem bói, rằng thằng Quang chưa chết, nó đang làm nhiệm vụ đặc biệt, có chức chi to lắm! 
       Thơm sửng sốt: 
       - Mẹ xem ở đâu, con cũng muốn đi xem thầy? 
       Mẹ chồng lắc đầu: 
       - Xem nhiều không thiêng. 
       Thơm biết mẹ chồng xưa nay không tin bói toán. Có lẽ thương con, lại nghe ai mách bảo. Thơm bán tín bán nghi, nhưng vì yêu chồng, nghĩ đạo con dâu thời chiến, cô cũng tin vậy. 
       Ngày lại ngày. Thơm ngóng chồng về. Đêm, một tiếng lá rơi ngoài ngõ cũng khiến cô bật dậy. Ngoài vườn, đom đóm lập lòe như ma trơi.

*

       Chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Anh Hùng công an, người xóm trong từ chiến trường trở về. Anh là thương binh. Mặt và cổ đầy sẹo, chân trái đi cà nhắc. Hoàn cảnh gia đình: Cha liệt sĩ trong kháng chiến chống        Pháp. Mẹ già. Vợ đã mất, hai con nhỏ. Anh xin xuất ngũ.
       Hùng nói:
       - Thưa hai bác! Ngày ở chiến trường, cháu và Quang gặp nhau khi cả hai được tăng cường về Đội công tác vùng ven.
       Cả nhà ồ lên hồi hộp. 
       Anh Hùng tiếp:
       - Đội công tác có nhiệm vụ bám làng chiến đấu, xây dựng phong trào cách mạng ngay trong lòng địch. Ban ngày giấu mình dưới hầm bí mật, đêm lên hoạt động. Gắn bó như ruột thịt. Nương tựa nhau. Nhưng được mấy tháng, Quang nằn nì xin cấp trên chuyển sang bộ đội chủ lực. Tính Quang thế, chắc nhà ta biết. Phải nằm ru rú dưới hầm tối, đêm đi hoạt động nhìn thấy rõ địch mà không được bắn thì ấm ức lắm. Nguyện vọng của Quang được chấp nhận. 
       - Thế còn cháu?
       - Thưa, cháu là cán bộ an ninh, hoạt động điệp báo, buộc phải ở lại đội công tác. Có điều, trước lúc chia tay, hai anh em ngủ với nhau một đêm, cởi áo trao nhau làm kỷ niệm. Quang được giao làm đại đội trưởng một đơn vị bộ đội chủ lực. ở chiến trường, cái chức đại đội trưởng là mũi nhọn đối đầu với địch. Rất nhiều đại đội trưởng đã hy sinh! Nay, chiếc áo của Quang cháu vẫn giữ đây. 
       - Vậy Quang còn sống hay? - Thơm sốt ruột gặng hỏi. 
       Hùng ngậm ngùi: 
       - Đơn vị báo tử, đến nay không có tin gì mới, chắc là... 
       Hùng run run cầm áo trao cho Thơm. 
       Thơm giơ áo lên xem. áo của Quang, kiểu sơ mi, cộc tay, màu xanh trứng sáo, chính là chiếc áo Thơm may vội cho chồng ngày anh đi B. Thơm ấp tấm áo vào ngực cảm nhận được mùi da thịt, hơi thở của chồng. 
       Bà Quân lau nước mắt, bảo:
       - Ngày ấy, nghe thầy bói phán chồng con chưa chết, mẹ cũng không tin. Nhưng mẹ còn hai người con trai nữa, sợ nó dao động…
Thơm quay sang nhìn bà: Ôi, mẹ!. Thì ra, bà đã nén đau thương nghĩ đến những điều lớn lao hơn, đấy là sự mất còn của Tổ quốc. Bởi, sau đó chính bà đã động viên hai người em của Quang đi bộ đội. 
Mấy hôm sau, Hùng lại đến. Anh ăn mặc lịch sự. Chỉ có điều mặt hơi  đỏ. Vết thương thành sẹo nơi cổ lại càng đỏ (Sau này, Hùng thú nhận phải uống chút rượu để tăng thêm lòng can đảm khi gặp Thơm). Ông bà Quân niềm nở đón tiếp. Ông nói bà rang ít lạc rồi lấy chai rượu nút lá chuối.
       Thơm ở đồng về đã thấy Hùng đang uống rượu với bố chồng. Thơm muốn tranh thủ hỏi thêm về chồng những ngay ở chiến trường, nhưng nhớ chuyện Lê Văn Nuôi nồng nặc mùi rượu với thịt chó, cô rùng mình, lảng đi. 
       Hùng sững sờ trước thái độ của Thơm. Trước khi đến đây, anh đã dằn vặt suy nghĩ, rằng có nên thổ lộ tình cảm với Thơm không? Có một chuyện Hùng giấu kín. Là ngày ở chiến trường, bữa rời Đội công tác, Quang cứ ấp úng mãi: “Anh Hùng ơi, em đi chiến đấu, nếu có mệnh hệ gì, mong anh hãy quan tâm chăm sóc vợ em”. Hùng gắt: “Chú nói nhảm!”. Quang nghiêm túc: “Chỉ tiếc, anh đã có vợ rồi, nếu không…”. “Chưa có vợ thì sao?”. Quang xiết chặt tay Hùng: “Nếu anh chưa có vợ mà em không trở về, thì nên lấy vợ em. Cô ấy rất tốt, rất đáng thương!”. 
       Hoàn cảnh Hùng, lúc đi B  đã có vợ, hai con: cái Xoan và thằng Mía. Liên, vợ anh dáng cao, mảnh, chân dài, hát chèo rất hay. Nhưng đa tình, lả lơi. Phó chủ tịch Lê Văn Nuôi lấy cớ lui tới động viên gia đình chính sách. Mặt Liên cứ hơn hớn. Một đêm, mưa lớn. Sấm rền chớp giật. Sáng ra, sương còn bảng lảng. Mẹ Hùng phát hiện Nuôi và Liên bị sét đánh chết dưới gốc xoan  vườn nhà. Lạ kỳ, hai người vẫn ôm chặt nhau, trần truồng, đen thui, gỡ mãi mới ra. “Của quý” của Nuôi cháy thành than. Chiếc xắc cốt văng bên cạnh. Công an khám nghiệm, mở ra, mọi người quay mặt đi cười: Chỉ là mấy tờ báo cũ. Cuốn vở học trò ghi danh sách các bà góa, và một bọc to gói giấy báo bên trong là bộ dồi chó…
       Giờ cảnh “gà trống nuôi con”, nhớ lời “di chúc” của Quang, Hùng muốn đến với Thơm, dù chỉ là rổ rá cạp lại. 
       Hùng lúng túng phân bua: 
       - Thơm đi làm về muộn vậy. Bác bảo tôi uống rượu, chờ Thơm. 
       Thơm bật cười, chợt hiểu. Bố chồng đã mời rượu tức là đồng ý cho đến với con dâu đấy. 
       Ông Quân vóc dáng to đậm, khuôn mặt chữ điền. Hiền lành, ít nói. Từ ngày con trai hy sinh, thương con dâu, các việc nặng nhọc ông không cho Thơm làm. Bữa ăn trong gia đình cũng khá hơn. Ông lặng lẽ chăm sóc, động viên con dâu. Thơm cảm nhận được tấm lòng của cha chồng.
       Khi chỉ còn hai cha con, ông Quân ân cần: 
       - Con ạ, thầy mẹ không muốn xa con. Nhưng chồng con hy sinh rồi, đúng ra thầy mẹ lo cho con đi bước nữa sớm hơn. Nay thầy mẹ đã lớn tuổi. Con cũng cần có hạnh phúc, thầy mẹ có nhắm mắt cũng mới yên lòng! - Giọng ông nghẹn lại.
       Thơm òa khóc.

 *

       Ông bà Quân làm mâm cơm dâng lên bàn thờ gia tiên, cũng là nơi thờ liệt sĩ Quang, xin phép cho con dâu được nên vợ nên chồng với anh Hùng.
       Bữa ấy mưa sậm sùi. Thơm về sống với Hùng chỉ mang theo một cái va li nhỏ. Nhà Hùng chính là cái cửa hàng hợp tác xã mua bán nằm trong khuôn viên đất của đền Thần đồng đen và cái nghè cũ. Hợp tác xã mua bán làm ăn thua lỗ, giải thể. Mẹ Hùng - gia đình liệt sĩ - chồng hy sinh khi bà chưa đầy ba mươi tuổi, ở vậy, thủ tiết thờ chồng và nuôi con. Bà được ưu tiên mua lại. Nhà bốn gian, có bếp, sân vườn, đều đã xuống cấp. Hùng về xắn tay sửa sang lại. Mẹ Hùng đã yếu, lưng còng. Răng đen nhức như hạt na, đầu chít khăn nâu. Hai đứa con Hùng ngủ với bà nội. Vợ chồng Thơm có một buồng riêng, đầu hồi. Chừng nửa đêm, giông gió nổi lên. Mưa lớn, sấm sét ngỡ như căn nhà có thể tan nát. Mặc! Trong Thơm cũng đang nổi giông gió hạnh phúc. Đời chồng trước, với Quang - vợ chồng có với nhau được ba đêm, hai buổi trưa. Rồi đằng đẵng đợi chờ. Giờ với Hùng, hạnh phúc chắp vá. Cả hai cũng đã nếm trải đủ điều cay đắng. Gừng cay, muối mặn. Cuồng nhiệt. Sau phút giây đắm đuối, Thơm chợt hụt hẫng, linh cảm có điều không bình thường. Hùng cứ trì trật, loi choi trên bụng vợ, mặc dù cả cô và Hùng đã rất cố gắng. Thơm vùng ngồi dậy. Chiếc đèn hoa kỳ ngọn lửa như hạt đỗ, Thơm vội vặn cho lửa to lên. Bàn tay cô luống cuống… “Của qúy” của Hùng bị phạt mất hai phần ba, tun ngủn, dúm dó. “Hòn ngọc” bên phải cũng chẳng thấy đâu?
       - Sao thế này? Thơm bẽ bàng úp hai bàn tay vô mặt nức nở. 
       Hùng ôm vợ khóc. Thơm ngất đi tỉnh dậy. Rồi quay sang cật vấn chồng. Hùng ấp úng: 
       - Trước ngày đón em về làm vợ, anh đã định nói… 
       Số là, ở đội công tác vùng ven, sau khi Quang vào bộ đội chủ lực, Hùng được đề bạt đội trưởng. Một đêm, anh cùng đội công tác diệt tên ác ôn trở về, sáng ra tụi địch càn quét. Hùng cùng một cô du kích ngồi xổm dưới hầm bí mật. Tụi địch đã xả súng bắn nát mảnh vườn gia đình cơ sở. Đạn xuyên qua nắp hầm và Hùng thấy thốn lên, đau nhói nơi bụng dưới. Cô du kích ngồi cạnh gục đầu xuống không kịp kêu một tiếng. Ngay sau khi địch rút, Hùng được gia đình cơ sở cấp cứu. Máu ra nhiều quá. “Của qúy” của anh bị trúng đạn, lủng lẳng, chỉ còn dính một chút da. Dụng cụ y tế có mỗi cái sơ-ranh và cái kéo, mấy viên thuốc kháng sinh, thuốc bổ. “Cứ để thế này không chừng nhiễm trùng chết mất! - Cô y tá còn quá trẻ, chưa chồng, nước mắt giàn dụa - Mà bỏ đi thì tiếc lắm. Phí của trời!”. “Không nối lại được à?”. “Em không biết nối. Anh đã có vợ chưa?”. “Rồi. Có cả con gái con trai”. “Vậy tốt nhất là cắt quách đi! Thà mất cái nhỏ để bảo toàn tính mạng”. Cô y tá động viên, miệng nói tay cầm kéo “xoẹt” một cái, đứt hẳn. 
Từ chiến trường trở về, vợ ngoại tình bị sét đánh chết, Hùng không có ý định đi bước nữa. Trụi thùi lũi rồi, “súng” đã gãy nòng, “đạn” chỉ còn một viên, “làm ăn” chi được nữa, chỉ tổ làm khổ người ta. Nhưng… anh nghĩ đến lời “thỉnh cầu” của Quang, như một nhiệm vụ Quang giao…
       Thơm thiếp đi. Mộng mị. Trong cơn mê chợt thấy hiện lên một vị quan võ to lớn, da đen, mắt sáng, râu dài, hàm én, xiêm y lộng lẫy, tay cầm thanh đao, oai phong lẫm liệt như nhân vật trong triều đình của một vở tuồng. Vị quan bước oai vệ, đôi hài không chạm đất. Giọng ngài oang oang, Thơm nghe câu được câu mất, ánh mắt ngài thì rất nhân hậu. Thơm giật mình, ú ớ choàng tỉnh, đẫm mồ hôi. 
       Sáng ra, thấy Thơm hoảng hốt và buồn, mẹ chồng hỏi chuyện. Thơm giấu kín chuyện “của qúy” của chồng, chỉ kể về giấc mộng. 
       Bà cụ ngẩn ngơ rồi chợt hiểu. Bà kể: 
       - Chuyện đã xưa lắm rồi, mẹ cũng chỉ nghe các cụ kể lại, rằng, đận ấy phía Nam nổi lên chuyện giặc giã. Nhà Vua cử Thái tử - quan võ của triều đình - đi dẹp giặc. Đến làng Chùa này, quan quân nghỉ lại tuyển thêm binh sĩ. Thấy làng có cái nghè hình hoa sen, Thái tử sai lập đàn cầu khấn. Bất ngờ, một vị thần như được đúc bằng đồng đen hiện ra bảo sẽ theo Thái tử đi đánh giặc, rồi ngài biến mất. Lần ấy, ra trận hai bên giao chiến ác liệt bất phân thắng bại. Chợt giữa cao xanh tiếng trống đồng rung lên vang dội. Ngài hiện ra tay côn, tay đao cùng Thái tử tả xung hữu đột. Quân giặc bị đánh tan tành. Khải hoàn trở về, Thái tử tâu với Vua cha. Nhà Vua ra sắc chỉ cho dân làng Chùa xây một cái đền to gọi là đền Thần đồng đen sát cạnh nghè, tổ chức lễ tạ tỏ lòng tri ân vị Thần. Lại cấp cho làng một trăm quan tiền làm công qũy hương khói, sửa sang đền, nghè. Việc binh, lương, phu dịch cũng được hoãn trong ba năm…
       Thơm hiểu, cái đền và nghè rêu phong, cổ kính tồn tại đến khi Phó chủ tịch xã Lê Văn Nuôi chỉ huy dân quân đập phá…
       - Vậy, bây giờ chỗ đất này còn dấu tích gì của đền không mẹ? 
       Bà cụ thở dài:
       - San bằng hết rồi - chợt bà cụ gật gật - chỗ đền xưa chính là nơi cây xoan đã bị sét đánh cụt ngọn. 
       Thơm rùng mình lo sợ: Hay thần thánh quở phạt vì vợ chồng ăn nằm với nhau ngay trên đất thiêng? Cây xoan kể cũng lạ. Gốc sần sùi, thân thẳng, vươn cao. Chỗ bị sét đánh đâm chồi. Cành lá sum xuê, xanh tốt. Mỗi độ xuân về, hoa nở từng chùm mỏng mảnh, tím biếc. Chim chích, chim sâu ríu ran làm tổ. 
       Thơm liền sắm be rượu, cơi trầu, đĩa xôi đặt ngay trên nền mảnh vườn. Chỗ cạnh gốc xoan. Khấn vái…
       Cô buồn đến gầy rộc. Không ít người nghĩ ốm nghén. Mãi thấy không đẻ lại gièm pha “chửa trâu”. Thơm cũng không thanh minh. Chả hay hớm gì! Trong giấc mơ, Thơm thấy vị Thần đồng đen lại hiện lên, an ủi: “Không phải lỗi các con”. Thơm thảng thốt: “Thưa đức ngài, con rất mong có một mụn con…”.
       Kỳ diệu sao, ít tháng sau đó, Thơm có chửa. Thằng Đồng ngay khi mới sinh đã giống Quang như hai giọt nước. Người có chút nghiên cứu thì bảo, là vì cả khi chăn gối, Thơm và Hùng đều nghĩ đến người đã khuất. Mẹ Hùng vui lắm. Một đêm, bà gọi Thơm lại, cầm tay: “Mẹ mãn nguyện rồi!”. Và bà khuất núi.
       3. Tôi - người con của làng Chùa. Tuổi ấu thơ, cùng lũ bạn vui chơi nơi sân vườn đền Thần đồng đen, được ăn chuối, oản của đức Thần; dự đám cưới O Thơm với anh bộ đội Quang. Chiều nay, một chiều cuối thu, ngồi cùng bà cụ Thơm trên chiếc chõng tre nơi hè ngôi đền, trong  khói hương nồng nàn, nhìn bà cụ bỏm bẻm ăn trầu và kể chuyện, tôi như thấy mình bay bổng trong những sự tích anh hùng của làng mình.   
       Bà cụ Thơm cười bảo, O cũng vậy! Nhiều đêm, trong giấc chiêm bao, O thấy Thần đồng đen và những người lính với ngựa bạch, ngựa hồng, gươm dàn, giáo dựng trở về. Họ thuộc đủ các triều đại, ăn mặc theo trang phục nhà binh. Họ là những người lính của làng, của vùng, của khắp đất nước từ thời Hùng Vương từng ngang qua cái làng Chùa này đi dẹp giặc đem lại thái bình cho đất nước. Và, thấp thoáng là bóng dáng các anh Quang và Hùng từ chiến trường trở về trong đoàn quân chiến thắng…
                                                                                         9-2016
                                                                                        B.L.V.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 4371
 Tổng số truy cập: 13615692
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa