Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Món quà - CAO HẠNH
Món quà - CAO HẠNH

- Anh vào chiến trường nhớ tìm gặp em và chuyển quà cho em hộ mẹ nhé! Bà Thảo vừa gọi to vừa vẫy tay theo đoàn bộ đội đang hành quân về phương Nam. Nghe bà gọi một chiến sĩ tách ra khỏi đoàn đưa tay vẫy bà:
- Vâng! Mẹ cứ yên tâm, con sẽ chuyển đến tận tay đồng chí ấy.
- Vâng! Cảm ơn anh!
Dặn là dặn vậy thôi, chứ bà rất tin vào bộ đội Cụ Hồ. Bà nghĩ chắc thế nào món quà cũng sẽ đến tận tay con bà. Nhận được quà chắc con trai bà mừng lắm. Nói là quà nhưng thực ra chỉ là hai quả trứng gà.
Lúc nãy đang làm vườn, thấy có đoàn bộ đội đang hành quân ngang qua làng, bà vội đến bắt chuyện, biết được đơn vị bộ đội này ở gần chỗ đóng quân của con trai bà, bà mừng lắm. Trong lúc vội vàng, chẳng có gì gửi cho con, bà chạy ra chuồng gà định bụng bắt một con, nhưng đàn gà đã ra khỏi chuồng, đi đâu hết, chỉ còn lại một con đang ấp trứng. Tội nghiệp con gà mái hoa mơ đẻ được mười trứng, nó đã ấp hơn nữa tháng nay. Có lẽ trứng sắp nở rồi nên mấy hôm gần đây nó cứ nằm hoài trên ổ, chẳng thửa gì đến ăn uống. Lấy trứng của nó bà thấy tội quá. Nhưng trong lúc đang bí bà không có cách nào khác, buộc quờ tay vào ổ lấy luôn hai quả. Trong lúc cập rập, bà cũng không kịp luộc trứng nữa. Bởi vậy bà gọi với theo anh bộ đội dặn dò rất kỹ:
- Anh gì ơi! Trứng chưa luộc! Cẩn thận kẻo vỡ mất nhé!
- Mẹ đừng lo! Con cất giữ cẩn thận! Nói rồi Tám cởi ba lô kiểm tra lại hai quả trứng, nhét chúng vào giữa áo quần để chúng khỏi va chạm, xong anh lại khoác ba lô, nhập vào đoàn quân đi về phương nam.
Đơn vị đi mãi đến chiều mới dừng lại bên bờ suối nghỉ ăn cơm. Bữa cơm đến muộn ai cũng thấy ruột gan đói cồn cào như muối xát. Nhưng khi mở nắm cơm ra thấy thức ăn chỉ có muối lạc ai cũng ngán. Tám nhớ đến hai quả trứng gà, tiện thể có nồi nước trên bếp anh nuôi đang sôi, Tám định bụng thả hai quả trứng gà vào đó sẽ được bữa ăn tươi. Nhưng làm thế thấy hổ thẹn quá, Tám không nỡ. Anh bỏ trứng vào ba lô tiếp tục hành quân. Đơn vị đi đến năm hôm nữa vẫn chưa đến chỗ đóng quân.
Tám nhớ hôm ngang qua cánh đồng, bị địch phục kích. Chúng nổ súng vào đội hình của ta. Tất cả các chiến sĩ đều nằm xuống, lăn, lê, bò toài… Ai cũng lợi dụng được địa hình địa vật, nổ súng tấn công địch. Súng hai bên nổ giòn. Sau hơn một giờ đồng hồ chiến đấu, súng hai bên ngưng lặng.
Tám nghe có tiếng chíp chíp trước mặt, anh nhìn ra thấy hai chú gà con đang chơi đùa với nhau trên cỏ. Tám quờ tay vào ba lô thấy chỉ còn lại hai vỏ trứng. ồ… thật kỳ lạ, trong hoàn cảnh ác liệt như thế mà chẳng biết hai chú gà ra đời từ lúc nào? Chúng có bộ lông màu vàng óng đẹp như hai bóng nắng cứ chạy đi chạy lại trước mặt Tám. Khi tiếp tục chiến đấu, Tám phải lừa nòng súng cho thật khéo kẻo sợ bắn phải gà.
Đợt tấn công này gay gắt hơn, ác liệt hơn. Địch huy động pháo kích, máy bay yểm hộ cho bộ binh của chúng. Dưới đất đạn nổ, trên trời máy bay dội bom xuống. Bom nổ! Đất đá bắn tung lên, đổ xuống ào ào. Hai chú gà vẫn hồn nhiên nô đùa với nhau trên cỏ. Một con cắp được một cánh hoa cỏ biếc đưa lên trước mặt Tám, vỗ vỗ đôi cánh bé xíu như muốn khoe với anh điều chi. ồ… Các cậu muốn tặng hoa động viên tớ chiến đấu à? - Tám mỉm cười. Cây súng trên tay anh lại tiếp tục nhả đạn. Lần này anh bắn khỏe hơn, chính xác hơn.
Cuộc chiến đấu kết thúc, Tám nhón hai con gà bỏ vào túi ngực cùng đơn vị tiếp tục lên đường. Lúc về đến địa điểm đóng quân, Tám đem chuyện hai chú gà ra kể với anh em, ai cũng khen hai con gà tốt số. Họ đan một chiếc lồng như lồng chim bỏ gà vào nuôi. Hàng ngày các chiến sĩ thay nhau cho gà ăn uống. Hai chú gà lớn nhanh như thổi, chỉ sau mấy tháng, mỗi con có trọng lượng khoảng chừng một ki lô gam. Một trống, một mái, con nào cũng có bộ lông óng mượt và da thịt phổng phao.
Sống trong hoàn cảnh chiến trường thực phẩm khan hiếm, nhìn hai con gà béo múp, ai cũng thòm thèm. Riêng Tám, hôm bị ốm ăn không được cơm, anh đã mấy lần toan làm thịt gà. ở đời, con người ta đôi lúc vượt qua những trở lực lớn một cách dễ dàng, nhưng có lúc khó mà chiến thắng được những cám dỗ dịu dàng. Mỗi lần nhỏm dậy toan thịt gà thì hình ảnh bà mẹ gửi quà cho con hôm nào cứ hiện ra: “Anh vào chiến trường nhớ tìm gặp em và đưa quà cho em hộ mẹ nhé”. Tám lại nằm xuống thì một ý nghĩ khác ùa đến phá tan: Hoàn cảnh chiến trường không gặp là chuyện thường có gì mà phải bận tâm? Tám lại nhỏm dậy thì anh nhớ đến lời hứa của mình: “Mẹ cứ yên tâm, con sẽ chuyển đến tận tay đồng chí ấy”. Lại một ý nghĩa nữa đập ngược lại: ồ hứa là hứa vậy thôi, bộ đội có hàng trăm, hàng ngàn người, bà ta có nhớ mặt mình đâu mà sợ? Tám lại bật dậy tìm con dao cắt tiết, nhưng khi lưỡi dao sắp cứa vào cổ gà thì Tám nghe tiếng vọng từ chính mình vọng ra: Mình là bộ đội Cụ Hồ, không được động đến cái kim sợi chỉ của nhân dân. Cụ Hồ đã từng dạy: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!”. Hiếu với dân là phải đối xử tốt với nhân dân từ việc nhỏ đến việc lớn. Không giải quyết tốt việc nhỏ thì việc lớn hoàn thành sao được?
Nghĩ đến đó, Tám dừng tay ngay. Con người ta khi không tự mình loại bỏ được cái tôi ích kỷ thì hãy soi tìm mình trong sâu thẳm…
Tám quyết định bỏ dao, thả gà.
Hôm sau anh xách gà đến đơn vị của Tân nhưng khi đến nơi, nghe người ta nói Tân đã chuyển sang đơn vị khác. Tám đành xách gà về, lại tiếp tục nuôi dưỡng, hy vọng có ngày tìm gặp Tân bàn giao gà.
Để ngăn chặn việc thịt gà có thể xảy ra trong đơn vị, Tám đem chuyện món quà của bà mẹ ra kể cho thủ trưởng nghe từ đầu đến cuối. Thủ trưởng nghe xong cảm phục Tám và biểu dương Tám trước đơn vị đồng thời quán triệt cho tất cả chiến sĩ không được thịt hai con gà nọ, vì nó là món quà của bà mẹ nơi hậu phương gửi cho con nơi tiền tuyến.
Đoạn kết: Ngày kế tiếp ngày, tháng năm kế tiếp tháng năm. Hai con gà sinh con đẻ cháu đàn đàn, lũ lũ..
Đến một ngày kia, khi chiến sĩ Tân, chiến sĩ Tám đã hy sinh, bà mẹ đã qua đời, đơn vị bộ đội cũng chuyển đi nơi khác, nhưng đàn gà vẫn ở đó. Càng ngày chúng càng phát triển đông thêm. Chúng có đủ sắc màu tô điểm cho cánh rừng thêm đẹp. Con đậu trên cây, con nằm dưới đất, con chạy bên bờ suối, chúng cất tiếng gáy, tiếng cục tác hòa lẫn với tiếng của  lũ gà rừng và chim chóc làm rộn rã cả cánh rừng. Bà con dân bản nhìn đàn gà mà vui cái bụng. Trưởng bản nói: “Đàn gà này không phải là đàn gà bình thường mà là đàn gà quý hiếm. Nó mang ý nghĩa tình quân dân sâu nặng. Bộ đội ta đã nghe lời Cụ Hồ dạy không động đến cái kim sợi chỉ của nhân dân. Chúng ta là dân Cụ Hồ, chúng ta phải học tập gương bộ đội Cụ Hồ, không ai được bẫy gà, ăn thịt đàn gà này. Nếu ai làm trái lời sẽ bị Giàng trừng phạt! Dân bản làm theo lời trưởng bản răm rắp. Bởi vậy đàn gà không bị hao hụt mà ngày càng sinh sôi nảy nở đông hơn.
Ngày nay, không ai có dịp để khảo sát, thống kê lại đàn gà xem có được bao nhiêu con. Nhưng tin chắc rằng chúng vẫn tồn tại và phát triển ngày càng tỏa rộng, lan xa, hòa nhập vào cuộc sống của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
                                                                                                                     C.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 72
 Hôm nay: 2526
 Tổng số truy cập: 13619036
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa