Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chuyện khi đã hiểu - LÊ NGỌC MINH
Chuyện khi đã hiểu - LÊ NGỌC MINH

       1. Cho đến trước lúc vào bầu cử ban chấp hành hội Cựu chiến binh xã khóa mới, ông Điện vẫn chắc mười mươi mình sẽ trúng phiếu cao trong năm người tốp đầu, vì ông có lợi thế từng làm phó hai nhiệm kỳ liên tiếp cho ông đại tá Chiến, một chủ tịch hội uy tín và vị này đã từ chối không tái cử với lý do sức yếu. Ông Điện còn thêm lợi thế nữa là được chủ tịch đoàn giao cho điều hành nhiều chương trình nghị sự quan trọng của đại hội… Song, khi ban kiểm phiếu công bố kết quả, ông Điện chỉ được 50,6% số phiếu bầu, đứng thứ chót trong mười một vị tân chấp hành. Hốt, chỉ tí teo nữa, ông trượt. Người đứng đầu tín nhiệm là ông Su, một cựu chuẩn úy chuyên nghiệp. Ông Su trúng đến gần trăm phần trăm phiếu, tính theo tỷ lệ thì chỉ có hai đại biểu không bầu ông. Sau kết quả bầu cử, ông Điện buồn lắm nhưng vẫn được giao tiếp tục điều hành đại hội thông qua nghị quyết và công bố thời gian họp chấp hành phiên đầu để phân công chức danh, nhiệm vụ. Ông Điện khôn khéo gác cuộc họp ấy sang ngày hôm sau với lý do mọi người đã mệt mỏi sau một ngày nghị sự nhiều việc. Đại hội hoàn toàn đồng ý coi đó là nội bộ của ban chấp hành mới.
       2. Ông Điện về nhà lúc đã chiều muộn. Buồn chán vì chỉ trúng hạng chót và còn buồn lo hơn khi ông dò biết có một số vị chấp hành mới muốn bầu ông Su làm chủ tịch hội. Như vậy, bao nhiêu kinh nghiệm trong mười thâm niên cấp phó, bao nhiêu công sức, mưu toan nhằm vào cái ghế chủ tịch hội trong hai ba tháng trù bị chỉ để thành công nhỏ tí như cái tăm mốc… Tuy nhiên, ông vẫn chưa hết hy vọng, vì cũng có vài người rỉ tai ông, họ sẽ bầu ông làm chủ tịch hội, họ còn nói thêm, cái quan trọng nhất là ông không mất chấp hành, trúng cao hay trúng thấp không phải là vấn đề quá lớn. Đang lúc trí rối như canh hẹ, ông Điện bỗng nhận được một cú phôn dài của  Tồn, đệ tử ruột bấy lâu nay đã luôn hiệp sức với ông trong thiết kế nhân sự. Tồn là lính nghĩa vụ phục viên, là chân chạy đắc lực cho các hoạt động của hội và Tồn còn trúng chấp hành trên ông Điện một người. Trước khi vào đại hội, ông Điện có hứa sẽ cơ cấu Tồn làm trực văn phòng hội, nếu như ông trúng ghế chủ tịch. Tồn kể cho ông Điện nghe một tin cực kỳ bất lợi cho ông Su. Nghe xong, ông Điện vui hẳn lên, ông tắm táp qua loa, ăn uống qua loa rồi áo quần chỉn chu đi sang nhà ông đại tá Chiến. Ông Chiến là anh con dì con già của ông Điện. Khi ban chấp hành khóa trước dự kiến nhân sự cho lãnh đạo hội khóa mới, ông Chiến đã giới thiệu ông Điện như một sự ký thác; khi đại hội diễn ra, tuy vẫn ngồi ghế chủ tịch đoàn nhưng ông Chiến giao cho ông Điện đọc báo cáo tổng kết và phương hướng nhiệm vụ. Như vậy, ông Chiến là người có trước có sau luôn công khai ủng hộ ông. Cả lúc ông Điện nhân danh chủ tịch đoàn hoãn cuộc họp chấp hành sang ngày hôm sau, ông Chiến cũng không có ý kiến phản đối gì. Ông Điện tức tốc đến thăm ông Chiến với mục đích sẽ có lời cầu cạnh ông anh họ, dùng uy của bậc trưởng lão tác động thật quyết liệt để ông có thể được bầu vào chức danh chủ tịch. Ông vững tin, đại tá Chiến sẽ gỡ được nước cờ thế này. Để đạt được mục đích, ông Điện đã sắp xếp rất mạch lạc bốn vấn đề cốt tử: thứ nhất, ông sẽ trình bày với đại tá Chiến, tay chuẩn úy Su tuy trúng phiếu cao nhưng hàm cấp thấp tè chỉ lon chuẩn úy chuyên nghiệp đặc cách, chưa từng kinh qua chiến đấu, chưa làm chỉ huy, quản lý trong quân đội dù chỉ là một chức tiểu đội phó, còn ông, quân hàm trung tá, nguyên là đoàn trưởng văn công tỉnh đội tám năm và đã có đến mười thâm niên phó dưới quyền đại tá Chiến. Ông Điện còn có khả năng ăn nói, ứng đối lanh lẹ duyên dáng cỡ MC truyền hình và sự quảng giao, có thể đi lọt tất cả các cửa ngành dọc của huyện, của tỉnh; thứ hai là ngay từ hôm họp chi hội cấp thôn, tay Su đã chối đây đẩy mọi đề cử hắn ta làm ứng viên ban chấp hành hội cấp xã và đại biểu đại hội Cựu chiến binh cấp huyện. Tay Su cứ nói toẹt ra, hắn là cựu binh chứ không phải cựu chiến binh vì hắn chỉ coi kho, không đánh chác được nửa trận. Lúc đó đang được ủy quyền đi chỉ đạo đại hội cơ sở, ông Điện đã chủ quan cởi mở nói với Su, bản thân ông cũng có đánh chác gì đâu, đi bộ đội làm văn thư tiểu đoàn quân địa phương rồi nhờ có giọng hát vừa hay vừa khỏe nên ông được điều lên tỉnh đội làm văn công và tiến bộ thành đoàn trưởng… Quân đội có nhiều nhiệm vụ, đem tiếng hát làm át tiếng bom cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Việc Su một mình coi kho mười năm trong rừng còn gian khổ hy sinh gấp mấy lần người lính nơi trận mạc! Giờ thấy Su trúng phiếu cao, ông Điện thở dài hối hận: Biết thế... Ông Điện tính tiếp, ông sẽ phân tích, một kẻ đã tự ti không muốn vào ban chấp hành như tay Su thì làm sao đương nổi được vị trí người đứng đầu một hội đoàn thể quan trọng tầm cỡ bậc nhất của xã; thứ ba, việc là quyết tử nhất, ông sẽ kích hoạt bằng hết mọi ân oán trong ông Chiến. Có lẽ đại sự thành hay bại là do ông biết cách ra đòn ở cái chưởng chí mạng này. Ông Điện vẫn còn nhớ li lai một chuyện xảy ra trước chiến tranh phá hoại của Mỹ vài năm. Hồi đó, bố của ông Chiến là cụ Chi có cái ao bị xã công hữu nhưng lại bỏ hoang cho bèo tây phủ ngợp, cho muỗi mòng, rắn nước làm tổ quanh năm. Một lần ông Chiến, khi ấy là trung đoàn trưởng một trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn 304 lừng danh đã tham gia giải phóng Điện Biên được về phép thăm nhà. Nhìn cái ao bỏ hoang trong khi cha ông mắc bệnh lao lực (ở nhà quê gọi là bệnh ốm hao) luôn cần con cá tươi để bồi bổ, ông Chiến đến gặp ông chủ tịch xã tên Hắc, vừa trình bày theo phép nước, vừa tâm tư tình huynh đệ vì ngày chưa đi Nam tiến, ông Chiến đã có công dạy chữ bình dân học vụ cho ông Hắc và kết nạp ông Hắc vào đội du kích thôn. Cụ thể, ông Chiến đề nghị xã cho cụ Chi mượn lại cái ao, cải tạo hoang hóa để nuôi cá, khi nào tập thể cần thì cụ xin giao ngay. Ông Hắc niềm nở đón nhận sự thỉnh nguyện của bậc sư huynh và mời ông Chiến viết cho mấy chữ để ông có bằng cớ làm việc với thường trực. Ông Chiến xin tờ giấy tại nhà ông Hắc, viết luôn cái đơn dài trình bày có lý có tình, có ký tên và ghi rõ chức vụ, cấp bậc, đơn vị… Trước khi hết kỳ phép, ông Chiến biếu người cha ít tiền để cụ mua cá giống thả và ông còn dặn nên mua loại giống cá chép đuôi đỏ, thứ cá đó chịu được nước tạp, chóng lớn, bổ béo không kém các vị thuốc quí sâm nhung quy thục. Ông Chiến về đơn vị, đang bắt tay triển khai cho các tiểu đoàn vào mùa luyện quân mới thì được thủ trưởng sư đoàn gọi lên bằng lệnh hỏa tốc vì có công văn của địa phương ông do chủ tịch Hắc ký có cả xác nhận thêm của huyện, yêu cầu quân đội xử lí lập trường chống lại đường lối hợp tác hóa nông nghiệp của trung tá Chiến. Công văn gửi dạng thượng khẩn có đính kèm lá đơn xin lại cái ao mà ông Chiến đã viết tại nhà ông Hắc. Ông Chiến bị kỷ luật hạ cấp hai sao từ trung tá xuống đại úy và bị buộc thôi chức trung đoàn trưởng chuyển về làm giáo viên trường sỹ quan lục quân. Mấy năm sau, chiến tranh diễn ra ác liệt, ông Hắc được gọi vào quân đội. Do đã từng làm cán bộ xã đội và đang đương chức chủ tịch cấp xã, ông được đưa về tỉnh đội làm trợ lý dân quân và được cử đi học bổ túc lục quân một năm để phiên quân hàm trung úy. Trớ trêu thay, ông Hắc lại là học viên trong lớp do đại úy Chiến phó khoa kiêm chủ nhiệm. Thoạt đầu ông Hắc lo vãi linh hồn và luôn tự dằn vặt về việc làm vu ám đáng xấu hổ của mình song ông không thấy thầy chủ nhiệm lớp tỏ thái độ kỳ thị gì cả mà nhiều lần còn thăm hỏi ông về chuyện gia đình, quê hương; biểu dương ông mỗi khi có điểm tốt trong học tập. Trường lục quân sơ tán ở một vùng rừng trong dãy núi đá có nhiều hang động lộ thiên. Tuy điều kiện cấm trại khá nghiêm ngặt nhưng lính học viên, nhất là các chàng có xe đạp, nhà cách xa cỡ dưới trăm cây số trở lại thường bí mật thay nhau biến về quê trong các dịp kỳ lễ, ngày nghỉ chủ nhật. Lúc đầu ông Hắc không dám nhưng sau thấy có người vẫn biến đều đặn và đều an toàn nên ông cũng liều. Liều lần đầu ngon lành, ông liều tiếp các lần khác, lần khác... Rồi không may cho ông, trong một lần biến, ông ăn mảnh bom dọc đường, bị thương cũng xoàng xoàng vào phần mềm thôi nhưng máu chảy nhiều, phải cấp cứu vào viện, phải khâu năm mũi. Tại bệnh viện, người ta chữa nhưng yêu cầu ông khai, khi cần thì báo tin cho ai. Lúc đầu ông Hắc chỉ định khai địa chỉ của vợ ở quê, song vết thương phải điều trị trong bảy ngày mới cắt chỉ được. Bảy ngày đó ông vắng, nếu khoa và trường tìm ông không thấy, sẽ xếp ông vào dạng rủi ro đi rừng bị họa thú dữ hoặc đào ngũ. Thế nên, ông đành phải nhờ báo tin về trường lục quân và trưng ra các loại giấy tờ với bệnh viện. Biết ông sẽ là sĩ quan tương lai, của hiếm của quân đội thời chiến, bệnh viện tăng thêm điều kiện ưu đãi chế độ ăn uống và thuốc men cho ông nhưng ông lo đến đái ra huyết vì biết rằng một hình thức kỷ luật rất nặng đang đợi ông. Ông có thể bị đuổi học trả về tỉnh đội kèm theo lệnh yêu cầu xử lý kỷ luật tiếp được gửi dạng tối mật theo đường quân bưu. Như vậy sinh mệnh chính trị của ông coi như sẽ bị kết liễu. Ông lại càng lo hơn, khi thày chủ nhiệm, đại úy phó khoa do đã vì cái công văn của ông mà rơi một lúc hai sao. Có thể nhân chuyện này thày sẽ tính việc ân oán. Ông lo đến mức không dám dùng khẩu phần thức ăn được nâng lên bậc trung táo, một đồng hai hào, mà chỉ xin ăn mức đại táo, bảy hào, như các chiến sĩ bình thường. Ba ngày sau đó, khi thấy đại úy Chiến và một chiến sỹ liên lạc của trường đi vào cổng viện thăm ông, ông Hắc đã té đái dầm hết cả đũng quần, làm khai um cái phòng bệnh rộng có bốn bệnh nhân đang điều trị dạng ưu tiên như ông…
       Vết thương lành, ông Hắc về trường vẫn được tiếp tục học chứ không hề bị kết liễu sinh mệnh chính trị. Ông mừng như sống lại. Ông đến phòng thầy Chiến chủ nhiệm lớp nức nở khóc như con trẻ khi biết, thầy đã nhận với trường, trong chức trách chủ nhiệm đã linh động giải quyết cho học viên Hắc về quê một ngày dịp nghỉ lễ vì hoàn cảnh vợ học viên Hắc bị ốm nặng. Ông Hắc không hề bị kỷ luật nhưng thầy chủ nhiệm thì bị cảnh cáo trong buổi chào cờ thứ hai đầu tuần vì đã dám linh động điều không được phép trong chức năng nhiệm vụ của một chủ nhiệm lớp kiêm chức vụ phó khoa.
Kết thúc khóa bổ túc, ông Hắc được về đơn vị cũ và phiên trung úy. Ông công tác ở cơ quan tỉnh đội chỉ cách nhà có dăm cây số cho đến hết chiến tranh với quân hàm thiếu tá. Trước khi phát hiện ra bạo bệnh gần một năm, ông thiếu tá Hắc vào tận Quảng Bình, nơi thầy Chiến, lúc ấy đã là đại tá, sư đoàn trưởng một sư đoàn đang khôi phục đường sắt Bắc Nam, xin thầy mở lượng trời bể lần nữa, ký cho ông cái giấy chứng thương để ông làm thẻ thương binh hạng 2/4. Ông đại tá Chiến đã nghiêm mặt cảnh cáo sự tham lam vô lối của ông Hắc và đuổi thẳng ra khỏi phòng khách dã chiến của sư đoàn. Dọc đường về quê, ông Hắc rất hận ông đại tá Chiến, vì đã không rộng lòng cái thứ chẳng mất gì của bọ khiến ông mất trắng suất thương binh hạng 2/4 mà ông chạy chọt chuẩn bị các loại giấy tờ trong nhiều năm. Sau đó, ở làng Hào Châu người ta còn được nghe nhiều chuyện không hay về sự hẹp hòi, thù dai, không tình nghĩa xóm làng của ông đại tá Chiến. Thậm chí trong đám ma ông Hắc, bà Hắc còn mượn tiếng khóc chồng để mạt mỉa ông Chiến, khi ông đại tá nhân kỳ phép sang thắp nhang phân ưu với tang quyến. 
       Su, con trai đầu của ông Hắc nhập ngũ với ông Điện một đợt nhưng vào chiến trường luôn rồi biệt vô âm tín, tưởng bị địch bắt hoặc mất tích. Mãi đầu thập niên 1980, Su mới về quê, thân hình tiều tụy, nước da thâm sỉn màu sốt rét rừng. Chờ đợi thêm một năm nữa, Su mới được đặc cách chuẩn úy chuyên nghiệp, trong khi đó, Điện đã đeo quân hàm trung tá văn công. Su phục viên được khoản một cục, ông thầu lại khu vườn rộng hơn hai héc-ta do huyện chỉ đạo xã Hào Châu quy hoạch chuyên cây trồng cây thuốc nam để bán cho ngành Đông y tỉnh thời bao cấp nhưng vì đầu ra luôn bị khó khăn ứ đọng nên đã bỏ hóa nhiều năm. Su có duyên với cây thuốc nam, ông đã gây dựng lại được vườn thuốc nổi tiếng trong vùng do kết hợp trồng cây thuốc truyền thống của địa phương với những cây thuốc quý ông theo các thầy lang trên mạn ngược tìm kiếm trong rừng về thuộc giống… Chỉ trong vài năm, vườn thuốc của ông Su đã có khách hàng từ Nghệ An ra, từ Nam Định, Bắc Ninh vào mua nguyên liệu. Bản thân ông Su cũng chế được mấy bài thuốc chữa được bệnh hiểm mà cách thức và đơn thuốc thì giản tiện như không, ví dụ như mấy bác trong làng đi bè trên ngược về bị chứng ngã nước (sốt rét), ông Su chỉ bứt vài nắm lá trong vườn đem đun lẫn với chè tươi cùng ba con trùn khoang (giun đất to nân béo, có khoang trắng ở cổ), uống liền năm thang là dứt, uống thêm ba thang nữa là đánh bay gốc bệnh, hoặc ai đó bị chứng đau đầu kinh niên, ông Su bày cho cách dùng mười đầu ngón tay vuốt ngược tóc một trăm linh tám cái vào mỗi buổi sáng và dùng lá hương nhu, lá ngải cứu, nửa nọ nửa kia hơ hâm hấp nóng buộc ba bốn đêm liền là khỏi. Nếu duy trì đều đặn việc vuốt tóc ngược suốt đời còn làm cho tóc không bạc, không rụng… Có lần ông Điện hỏi bí kíp từ đâu mà ông Su có tay nghề đông y nam dược như thế, ông Su thật thà kể hơn mười năm làm người rừng, ông đã nhìn cách các con thú, đặc biệt là loài khỉ bứt lá rừng chữa bệnh cho nhau và học chúng để tự chữa mỗi khi bị ốm… 
       Khi thị trường tràn ngập thuốc tây và người ta sài sâm Hàn Quốc dễ như món móng giò hầm khoai tây cà rốt, ông Su chuyển ngay cái vườn hai héc-ta thành nơi chế tác các mặt hàng gỗ gia dụng. Càng làm càng thắng lớn, ông Su lập tổ sản xuất, lập công ty trách nhiệm hữu hạn, ưu tiên tuyển dụng thương bệnh binh, cựu chiến binh và con cháu họ vào làm. Bản thân ông Điện cũng nhờ công ty ông Su mà cứu được một thằng cháu nội đã chớm mắc nghiện thứ ngáo đá kinh người. Đại tá Chiến lúc còn công tác tại hội Cựu chiến binh huyện rồi khi về hẳn quê làm chủ tịch hội xã vẫn hay đến thăm cơ ngơi của ông Su, mời ông Su đi phổ biến kinh nghiệm làm ăn cho các đồng đội. Ông Su luôn tỏ ra kính trọng đại tá Chiến nhưng hình như ông chưa hết mặc cảm về chuyện cũ của người cha nên mỗi khi gặp ông Chiến, mọi ứng xử của Su thường rụt rè, yếm thế, đôi khi là lúng búng, nói năng không nên lời. Tuy vậy, trong đại hội vừa rồi, ông Chiến đã giới thiệu ông Su như là một ứng viên thuộc lực lượng trẻ, mới và năng nổ. Có điều, ông Chiến cũng ngạc nhiên như nhiều người, không ngờ cựu binh Su lại đạt đến gần trăm phần trăm phiếu tín nhiệm…
       Thưa với ông anh họ đồng thời là vị thủ trưởng hai khóa chấp hành ba vấn đề trên mà vẫn không ổn thì ông Điện sẽ tung ra câu chuyện tin đồn để ông Chiến cho ý kiến chỉ đạo kịp thời. Ông Điện nhất mực tin, đại tá Chiến vẫn còn nặng trách nhiệm với hội và sẽ tế nhị đến chỉ đạo phiên họp ban chấp hành mới được bầu, vì hơn chục năm nay đại tá đã bỏ nhiều công sức với phong trào cựu chiến binh xã nhà. Không lẽ, ông lại trao thành quả gây dựng đó cho một kẻ đang chịu tin đồn rất xấu như tay Su?
       3. Nghe người em họ đột ngột gọi phôn đòi đến thăm mình vừa ngay sau bế mạc đại hội, ông đại tá Chiến vin cớ có việc từ chối nhưng nghe giọng ông Điện kín kín hở hở như có khúc mắc gì đó nên ông nhận lời. Ông Điện đến, thẳng thắn trình bày với giọng trĩu nặng tâm tư liền một lúc cả ba vấn đề. Đặc biệt vấn đề thứ ba, ông vừa trình bày vừa phân tích thỉnh thoảng còn hỏi xem điều ông nói có làm lay thức sự hồi cố của đại tá Chiến hay không. Ông Chiến không những nghe rất chăm chú mà thỉnh thoảng còn góp lời bổ sung điều ông Điện trình bày chưa chuẩn về tên người hoặc thời khắc năm tháng xảy ra cố sự. Ông Điện như được khuyến khích càng nói càng phấn hứng như khi ông làm MC một sinh hoạt hội hè nào đó đúng với sở trường. Khi kết thúc cả ba vấn đề, ông Điện không khỏi hồi hộp chờ phán xét cuả ông cựu chủ tịch khả kính. Sau giây lát nhìn ông Điện với sự chia sẻ, ông đại tá Chiến nói gọn: “Theo tôi, chú nên chờ quyết định họp chấp hành. Mọi tính toán đơn phương lúc này rất dễ làm rối tung, rối mù lên. Tôi nghỉ rồi, can thiệp vào, mang tiếng lắm. Nên vậy đi, chú Điện!”. Ông Điện năn nỉ thêm bằng vài lý lẽ phát sinh nữa nhưng không lay chuyển được ông đại tá… Cuối cùng ông phải đưa ra cái tin đồn chết người đối với ông Su. Ông Điện kể chi tiết, có dẫn cả bằng chứng sống, có khẳng định tư cách đớn hèn, úy tử tham sinh của ông Su… Nghe xong câu chuyện, ông đại tá Chiến lắc đầu bảo, tin đồn chỉ để tham khảo chứ không có giá trị pháp lý. Ông Điện phải gắt lên với ông anh họ: “Vậy chả lẽ dư luận chỉ là thứ gió thổi mây bay à? Đồng chí mũ ni che tai hơi sớm đấy, đồng chí đại tá cựu chủ tịch mười thâm niên ạ”. Ông Chiến đứng lên, vỗ vai người em họ, bảo: “Bình tĩnh nào, chú phải coi đó là một công việc nặng nhọc thì sẽ thấy thanh thản đi nhiều, trăm người hai trăm con mắt, đời tinh lắm, chú Điện ơi! Thôi, hôm nay đã nhiều việc rồi, chú về nhà nghỉ ngơi cho tỉnh trí đi!”. Ông Điện lại hỏi: “Mai, anh sẽ đến họp với anh em chấp hành mới chứ?”. Ông Chiến tủm tỉm cười nhưng lắc đầu vẻ dứt khoát.
       4. Theo quy chế bầu cử, người nào đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất thì được chủ trì hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành để bầu chủ tịch và các chức danh khác. Ông Su nghe mọi người nói vậy thì tỏ ra lúng túng lắm. Ông nhận nhiệm vụ nhưng vào đề ngay bằng việc mời ông Điện chủ trì, vì theo ông, ông Điện là lão thành của hội, có nhiều kinh nghiệm… Song, ông chưa dứt lời, đa số ủy viên chấp hành đều yêu cầu cứ theo quy chế mà làm. Tranh luận thêm mấy ý kiến nữa, ông Su phải chấp nhận công việc chủ trì cho đến khi bầu được chủ tịch hội. Ông Su giở quyển điều lệ hội Cựu Chiến binh, đọc các tiêu chuẩn, quyền hạn, nhiệm vụ của người đứng đầu hội Cựu Chiến binh cấp xã. Đọc xong, ông hỏi các vị tân chấp hành: “Bác nào có ý kiến bổ sung thêm không ạ?”. Ông Điện đứng lên, ông Su liền mời ông Điện cứ ngồi phát biểu cũng được nhưng ông Điện nghiêm mặt lại, nói: “Đây là việc lớn, cho tôi được đứng để thể hiện tính chất nghiêm minh!”. Ông Su lại lúng túng: “Vâng, vâng, xin tùy bác Điện ạ!”.
       Ông Điện đằng hắng mấy cái rồi nhìn khắp lượt cử tọa, ông hơi mỉm cười giao lưu đúng với phong cách người của công chúng. Rồi ông bắt đầu kể tin đồn về ông Su. Chuyện rằng, đợt vào chiến trường, ông Su có tí táy với một vài cô dân quân mỗi khi bộ đội hành quân qua làng. Lâm các sự xong, Su ta mới được biết, phàm những anh dính chuyện gái gủng dọc đường, vào chiến trường là chết đầu nước. Sợ quá, Su vội nghĩ ra một kế, Su thú hết chuyện bí mật mà lẽ ra thì dâm vô tích đạo vô tang với đại đội trưởng và còn kể thêm nhà Su độc đinh, nếu Su chết thì coi như họ Hà của Su tuyệt tự. Kể xong, Su quỳ xuống lạy xin đại đội trưởng chiếu cố cho Su ở lại tuyến ngoài làm hậu cần vận tải để may ra giữ được mạng, về quê truyền giống họ Hà. Đại đội trưởng nghe xong, quát lên: “Thứ hèn nhát, úy tử tham sinh như cậu có vào chiến trường cũng vô tích sự thôi. ở lại, vào hang, coi kho!”. Kể đến đó, ông Điện nhìn xoáy vào mặt ông Su, độp hỏi: “Thế nào? Tin đồn như vậy, có đúng không, đồng chí chuẩn úy coi kho?”. Ông Su khẽ cười đáp: “Đúng thế nhưng bác Điện kể vội nên thiếu một chi tiết chốt”. Ông Điện bị khích, hỏi lại: “ Đồng chí là người trong cuộc nếu thấy thiếu chốt thì bổ sung chốt vào đi!”. Ông Su bình thản và lễ độ nói: “Thưa bác Điện, tội nghiệp cái anh chàng lo giữ gáo và xin xỏ đó khi vừa về đến kho hàng thì ăn một trận bom chí chết!”
       Ông Su vừa dứt lời, mọi người ồn ào cả lên. Ông Điện đắc thắng khẳng định: “Người trong cuộc có khác, nói hệt như thật!”
       Một ông chấp hành viên giơ tay, đứng lên nói: “Tôi thấy cái tin đồn bác Điện đưa ra vừa làm mất thời gian, vừa ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nội bộ, nó chỉ là câu chuyện tiếu lâm chiến trường, tôi đảm bảo rằng ai đã đi B qua Quảng Bình, Vĩnh Linh đều biết chuyện đó. Khối anh chẳng xơ múi được gì dọc đường cũng toi, còn tôi đây, được các em quý mến cho bóp vú sờ mông dăm bảy lần nhưng vô can đến từng cái lông chân. Tin đồn bác Điện vừa kể và bác Su bổ sung cái chốt là chuyện tiếu lâm mang tính ngụ ngôn để lính ta thời đó tự răn mình, đã là chiến tranh thì bom đạn nó chả từ ai, đã là chiến trường thì không có nơi nào là ốc đảo an lành cả. Vì thế, bác Điện không nên dùng tin đồn để hạ bệ nhau nữa. Bác Su đã được phiếu cao nhất đại hội, giờ, bỏ phiếu nội bộ chấp hành, nếu bác Su trúng thì làm chủ tịch không trúng thì bầu người khác. Chấm hết!”. Ông Điện nổi cáu: “Chấm hết là chấm hết thế nào? Bầu một anh hủ hóa, láu cá ưa nhàn, sợ chết làm chủ tịch một cái hội toàn những người đổ máu xương là không được, dứt khoát không được”.
       Tranh luận tiếp. Càng lúc càng thêm căng thẳng, gay go. Ông Su bỗng đứng lên nói giọng quyết đoán của người đang ở vị thế chủ tọa: “Thưa các đồng đội, ta bàn bạc thế cũng đã kín nhẽ rồi, giờ, tôi đề nghị, ta giới thiệu nhân sự để bỏ phiếu kín bầu ra chủ tịch hội! Vâng! Để tranh thủ thời gian, tôi xin đề cử đồng chí Điện, một người có kinh nghiệm đến mười thâm niên lãnh đạo hội Cựu chiến binh xã ta...”. Những tiếng ô a lập tức rộ lên ngắt lời ông Su. Nhưng ngay sau đó cậu Tồn liền giơ tay ủng hộ việc ông Su giới thiệu ông Điện. Tiếng ồn ào vẫn không dứt… Ông Su phải vỗ vỗ hai tay vào nhau nói tiếp: “Chủ tọa xin các đồng đội trật tự và tập trung cho! Có ai giới thiệu thêm ứng viên nữa không ạ?”. Thêm hai ý kiến giới thiệu ông Su. Ông Su từ chối nhưng không lại với không khí tập trung dân chủ. Danh sách chốt hai người để các chấp hành viên bầu ra một tân chủ tịch. Cậu Tồn đưa mắt cho ông Điện đầy vẻ khuyến khích cổ súy và chắc thắng. Cuộc bỏ phiếu kín bắt đầu, ông Điện không khỏi khấp khởi, hồi hộp. 
       Ban kiểm phiếu công bố kết quả, ông Su được chín phiếu, ông Điện được hai phiếu.
       Cậu Tồn khẽ hích vào vai ông Điện và che tay vào miệng nói nhỏ: “Em ủng hộ bác lắm nhưng hai anh em ta không lại với bọn đa số. Thôi, ta tạm thua keo này, năm năm nữa chỉ là một giấc ngủ trưa hè chứ mấy? Giờ, em đã có kinh nghiệm đầy mình để vận động cho bác rồi”.
       Suýt nữa thì ông Điện nhổ phì bãi nước bọt vào mặt Tồn nhưng ông kìm được. Ông rất khinh bỉ gã đệ tử bởi trong lúc bỏ phiếu kín, ông đã dùng bí kíp quét mắt nhìn chỗ ông Su. Ông Su chỉ ghi chữ “Điện” vào lá phiếu bầu chủ tịch hội.
       Chín người đều hết thảy ngạc nhiên và bản thân ông Su cũng tròn hai mắt ngạc nhiên khi thấy ông Điện cười nụ cười thanh thản đến bắt tay chúc mừng tân chủ tịch hội vừa được bầu.
                                                                                                                     4-2017
                                                                                                                     L.N.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 110
 Hôm nay: 1541
 Tổng số truy cập: 13618051
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa