Truyện ngắn dự thi
Trang vừa phân loại, xếp gọn các mặt hàng cho chuyến đi Lào Cai vào sáng sớm mai xong, đang ngồi nghỉ thì Liễu bước vào. Mặt chị ta hằm hằm. Ném cái đĩa CD lên mặt bàn, Liễu nói:
- Đây! Mày xem cái này đi rồi liệu?
- Cái gì thế chị?
- Cứ xem rồi khắc biết. Tí nữa tao quay lại sẽ nói chuyện.
Nói xong, Liễu quay ngoắt ra cửa. Trang ngỡ ngàng nhìn theo. Đoạn, chị cầm cái CD lên ngắm nghía. Sao bà ấy lại đưa cái đĩa này cho mình nhỉ? Chả nhẽ bà ấy quan tâm đến sở thích yêu ca nhạc của mình. Không có tem nhãn, chữ nghĩa gì cả. Chắc là đĩa trắng? Nhưng đĩa trắng thì bà ấy đưa cho mình làm gì? Lại còn bảo “xem đi rồi khắc biết”, “xem đi để mà liệu”. Thái độ bà ấy có vẻ lạ lắm.
Háo hức, tò mò xen lẫn chút lo lắng, Trang mở lap-top khởi động và cho đĩa vào máy. ít phút sau, chị suýt ngã vật ra giường. Trên màn hình, toàn bộ cảnh ái ân của chị và Long hiện ra. Trời ơi! Sao lại thế này? Sao bà ấy lại có được những cảnh này? Nhục nhã quá! Ê chề quá! Chị không đủ can đảm để xem hết cái clip đó nữa. Gập laptop lại, Trang vò đầu, bứt tai, rền rỉ. Có cái gì đó đổ ập xuống đầu chị.
- Thế nào? Xem xong rồi chứ?
Liễu quay lại đứng lù lù ngoài cửa. Trang ngẩng lên nhìn Liễu.
- Sao… sao mà chị có được cái đĩa này?
- Sao giăng gì mày không cần biết. Bây giờ nghe tao hỏi đây: một là mày còn chồng còn con, còn danh dự; hai là mày làm theo cái giấy này?
Nói xong, Liễu dí tờ giấy đã viết sẵn vào mặt Trang. Trang lóng ngóng mở tờ giấy ra đọc. Hợp đồng vay nợ. Mắt Trang hoa lên. Người Trang run cầm cập. Một trăm triệu? Trời ơi! Bà ấy tống tiền mình à?
- Thế nào? Chịu không? Mày biết đấy, tao với anh Long như thế nào rồi đấy. Kẻ nào chen ngang đều phải trả giá.
- Chị… chị làm thế mà được à?
- Thế mày bảo tao phải làm sao hả cái đồ tranh vợ cướp chồng kia? Phải xé xác mày ra nhá? Tao không làm vậy là để giữ thể diện cho mày đấy. Để mày còn chồng còn con, biết chưa? Với lại, xé xác mày để tao được cái gì? Để bẩn tay tao ra à? Để mang tiếng tao là người đi đánh ghen à? Không! Tao rất nhân hậu. Tao chỉ cần tiền. Mày tính đi. Tính nhanh lên!
- Nhưng mà… một trăm triệu thì em lấy đâu ra cơ chứ? Xin chị nghĩ lại giúp em? Trang nói gần như mếu.
- Mặc xác mày - Liễu vênh mặt - Thế cái lúc xoắn lấy anh Long thì sao? Hả cái đồ mèo mả gà đồng?
- Nhưng… nếu tôi không trả? Hủy cái đĩa này là xong chứ gì?
Bất ngờ, Trang ngẩng phắt mặt lên, nhìn thẳng vào mặt Liễu.
- á à! Con này giỏi. Mày dám không à? Mày tưởng chỉ một cái đĩa này thôi à? Ngu lắm. Đấy là cái đĩa sao. Đĩa gốc bà mày cất ở nhà kia kìa. Chỉ cần mày ngang ngược thì năm phút sau, nhá, tao sẽ tung cái này lên mạng, nhá, “phây búc” cho cả thế giới này biết, nhá. Năm phút thôi. Hiểu không? Gửi thêm cái đĩa sao nữa cho chồng mày làm kỷ niệm, nhá. Thế được chưa?
Liễu xỉa xói một thôi một hồi vào mặt Trang. Trang đờ người. Mặt chị trắng bệch ra theo từng cái “nhá nhá” của Liễu. Chị đâu nghĩ đến tình huống này. Trời ơi! Mọi người mà biết cảnh ân ái của chị với Long thì… Cả Trọng, chồng chị nữa. Các con thì… thằng Huy sáu tuổi không nói làm gì. Chứ cái Thảo, mười tuổi nó cũng ý thức được rồi. Thế thì chết. Chết mất. Nhục nhã quá thể.
- Thế nào? Chọn cách nào? Danh dự, chồng con hay là tiền?
- Nhưng mà - Trang lúng búng - Ngay một lúc thì em lấy đâu ra đủ ngần ấy tiền?
Biết cá đã cắn câu, Liễu hạ giọng:
- Trước mắt, vét xem có bao nhiêu đưa ngay đây. Sau đó, tao hẹn cho năm ngày sau, viết giấy cam kết đàng hoàng sẽ trả nốt. Xong, sẽ chấm dứt. Coi như không có chuyện gì xảy ra. Đồng ý thì làm đi.
Mặt lạnh như tiền, Liễu vằn mắt nhìn xoáy vào Trang. Trang rúm ró như cua gặp ếch. Chị co rúm người lại. Liễu hứ thêm một tiếng nữa. Trang giật mình đứng dậy đi mở két. Chị vét tất cả còn được mười triệu. Mở ví, còn hơn năm triệu nữa. Trang lóng ngóng đưa cho Liễu mười triệu vừa lấy ở két ra, giữ lại năm triệu ở ví để mai đi Lào Cai giao hàng. Liễu nhận xấp tiền mười triệu rồi thuận tay giật ví của Trang. Chị ta lấy thêm ba triệu nữa, rồi trả ví cho Trang và nói:
- Giao hàng chứ có phải đi mua đâu mà lo mang nhiều tiền. Chỗ ấy hai triệu là được rồi. Giấy đây, ghi đi. Nợ tám mươi bảy triệu nữa. Hẹn năm ngày sau trả. Ghi xong thì ký vào.
Trang làm theo như một cái máy. Liễu nhận tiền, cầm giấy xong quay ngoắt ra cửa. Trước khi lên xe máy, chị ta còn ngoái lại nói:
- Nhớ đúng hẹn đấy. Ok nha!
Trang đứng như trời trồng nhìn theo Liễu. Chị không thể hiểu nổi chuyện gì vừa xảy ra. Vừa lúc đó thì Trọng đón con đi học về. Ba bố con họ ríu rít cười chào Trang. Trang bần thần như người mất hồn. Mãi sau sực tỉnh, chị thấy cần phải giữ thái độ thật bình thường như mọi khi. Không. Không thể để cho bố con họ biết chuyện tày trời vừa nãy được. Chị làm thì chị chịu. Một mình chị chịu là được rồi. Với lại, san sẻ thế nào được cái chuyện ô nhục này cơ chứ. Giấu biến chiếc đĩa CD, định bụng sẽ tiêu hủy nó, Trang trở lại tất bật ngày thường lo cơm nước cho chồng con bữa tối.
Đêm ấy, trằn trọc mãi bên chồng, Trang không tài nào chợp mắt được. Tiếc của. Uất ức. Tủi hận. Lo sợ. Không hiểu sao Liễu lại có được cái clip ấy cơ chứ? Hay là Long dàn dựng? Chẳng lẽ lại như vậy? Nếu thế thì càng nhục hơn. Còn Trọng, anh vẫn nằm bên, quay mặt vào trong ngáy vô tư. Anh vẫn thế. Có đêm dù chưa ngủ, anh cũng cứ co mình như con tôm, hai tay khư khư giữ lấy cái của quý của mình nằm im không nhúc nhích. Chị biết anh đang giả vờ ngủ. Từ ngày đi chữa bệnh thận về anh mới mắc cái chứng này. Chứng sợ gần gũi vợ. Hình như đã ba năm rồi thì phải. Anh trốn chuyện ái ân với chị. Tháng chỉ đôi lần gọi là có, mặc cho chị khao khát chờ đợi. Nhiều đêm, Trang phải chủ động trong chuyện chăn gối. Vậy mà nhiều lần chị vẫn bị anh chối từ. Anh nhỏ nhẹ xin lỗi mặc cho chị thở dài. Dẫu chị có vùng vằng dằn dỗi ở bên anh cũng vậy.
Chị đến với Trọng, đó là tình yêu thứ hai của đời chị. Tình yêu trước, đời sinh viên, chính là với người trong cái clip nhục nhã lúc chiều. Long - chàng sinh viên năm cuối đại học xây dựng đẹp trai, hào hoa, phong nhã; Trang - nữ sinh năm đầu trường cao đẳng nhạc họa trung ương, hai người gặp nhau trong các cuộc giao lưu văn nghệ, hội diễn, hội thảo giữa các trường. Bên đàn giỏi, bên hát hay, rồi họ say nhau như điếu đổ. Cứ rảnh lúc nào là hai người lại tìm đến nhau. Tình yêu đầu đời khiến hai con tim càng thêm khao khát. Chuyện tình đẹp như mơ ấy tưởng rồi cứ thế sẽ dẫn đến hôn nhân nào ngờ nó lại bỏ đi cũng rất nhẹ nhàng như ngày đầu gặp gỡ.
Trang nhớ mãi mùa lũ năm ấy các trường tập trung đi hộ đê cứu lúa giúp dân. Sấm chớp đùng đùng. Mưa như trút nước. Ngoài đê, sông Hồng cuồn cuộn chảy xiết. Trong đồng, nước ngập mênh mông. Thanh niên các trường, nam thì gánh đất, vác đá hộ đê, nữ thì bì bõm cùng dân cắt vớt lúa. Một số thanh niên tham gia chuyển lúa đã gặt vào bờ. Ôm vác, đẩy thuyền, kéo chảo… đủ các phương tiện, miễn sao chuyển được số lúa đã cắt lên bờ. Người nào người nấy ướt ròng. Đã thế, lũ đỉa đói được dịp lại lao ra nhâu nhâu bám vào các cặp đùi trắng nõn của những sinh viên. Vậy mà không ai sợ. Tất cả cùng chạy đua với trời.
Đang lúc giành giật từng bông lúa với mưa lũ như thế thì trống báo động ngũ liên phía đầu đê vang lên. Sinh viên ngơ ngác. Dân làng kháo nhau. Nước sông lên nhanh quá. Đoạn đê ấy yếu nhất có khả năng bị vỡ. Lệnh trên ban xuống: huy động tất cả nam sinh viên tập trung lại bổ sung cùng những người trên đê để chuyển rồng tre, đất đá quyết giữ lấy đoạn đê xung yếu này. Mấy chục nam sinh viên đang chuyển lúa vội chạy ào về phía tiếng trống. Duy chỉ có Long, anh vớ ngay cái nón lá của ai gần đó chụp lên đầu rồi cúi xuống làm như đang cắt lúa. Trang thấy vậy, lại gần:
- Sao anh không cùng các anh kia lên cứu đê?
Long ậm ừ:
- Ngần ấy người được rồi. Với lại, anh muốn ở đây với em.
Trang thoáng chút sững sờ. Đó có phải là lý do chính không? Vừa lúc đó thì tiếng loa vang lên thông báo cho dân làng ai có nhà gần quanh đó thì nhanh về sơ tán tài sản, vật nuôi đề phòng đê vỡ. Người ta nháo nhác, í ới gọi nhau. Long chạy vội đến bên Trang rủ Trang lẫn vào những người đó để “giúp họ sơ tán”. Long bảo, ở đây nguy hiểm lắm, chi bằng ta vào giúp gia đình nào đó, ngộ nhỡ nếu đê vỡ thì mình vẫn an toàn. Tranh thủ lúc nhốn nháo này, đi là tốt nhất. Trang lắc đầu. Đang lúc nước sôi lửa bỏng này mà bỏ đi thì còn ra gì nữa. Tiếng trống thúc càng lúc càng mạnh. Cuối cùng, Long quăng liềm lao theo mấy người chạy về phía làng bỏ mặc Trang sững sờ nhìn theo. Sau đận ấy, Trang lánh mặt Long và tình yêu của họ cứ thế tan đi trong gió mưa.
Tình yêu thứ hai và cũng là tình yêu cuối cùng của Trang là với Trọng, chồng của chị bây giờ. Tốt nghiệp ra trường, cầm tấm bằng cao đẳng sư phạm nhạc họa trên tay, Trang gõ cửa khắp nơi xin việc. Đến đâu họ cũng bảo không có chỉ tiêu biên chế. Chỗ nào họ cũng nói giáo viên bộ môn ấy đang bị thừa. Thời buổi bây giờ ai còn đàn sáo nhạc họa nữa cơ chứ. Phải học các bộ môn mà xã hội đang cần. Giá như tiếng Anh, giá như dạy Toán thì tốt quá? Làm giáo viên các môn ấy dẫu không xin được dạy chính thức thì cũng được dạy hợp đồng. Bất quá dăm ba năm có chỗ trống thì thế chân vào. Hoặc cùng lắm thì dạy thêm cũng có tiền. Đằng này lại nhạc họa. Lo ăn chưa xong ai còn hơi đâu mà vẽ vời đàn sáo.
Trong những ngày lang thang gõ cửa các nơi như thế thì Trang gặp Trọng. Trọng hơn Trang gần chục tuổi. Đi bộ đội về, do có năng khiếu viết vẽ, đàn sáo anh tham gia đội văn nghệ của xã. Không mùa hội diễn nào là không có mặt anh. Đàn giỏi hát hay, viết lời dẫn, làm các chương trình, tổ chức các sự kiện… anh đều giỏi cả. Là phó ban văn hóa xã, do khiếu viết báo (báo tỉnh đăng liên tục các bài của anh), cấp trên đã lấy anh lên làm cán bộ đài truyền thanh huyện. Do chênh lệch tuổi tác, Trọng lại đi bộ đội nữa, nên tuy cùng làng với Trang mà mãi gần đây hai người mới biết nhau.
Chính vì chuyên môn của Trang cộng với chút năng khiếu hát hò, chị đã cộng tác với phòng văn hóa huyện, cả đài truyền thanh nữa để tham gia các mùa hội diễn, để dàn dựng các tiết mục phục vụ các hội nghị lớn của huyện. Thôi thì chưa xin được việc đành phát huy cái bằng và năng khiếu của mình vậy. Cũng là một cách khuây khỏa, chờ đợi. Cái tên Trang Trọng được mọi người gán ghép, xướng lên trong các tiết mục văn nghệ như thêm vào chất kết dính cho họ. Có người bảo đó là duyên tiền định. Chả biết có đúng không nhưng thực lòng cả hai người đều cảm thấy không thể thiếu nhau trong cuộc đời này. Và rồi, Kiều Trang và Đức Trọng đã nên vợ thành chồng.
Có chồng, Trang thi thoảng mới lại có dịp tham gia hội diễn cùng chồng. Đến khi chửa bé Thảo thì chị nghỉ hẳn không hát hò nữa. Vợ chồng ở riêng, chị quanh quẩn ở nhà làm các việc vặt và lo cơm nước chờ Trọng về. ý định xin việc trong chị tắt hẳn. Bụng mang dạ chửa như thế, đi xin việc ai người ta nhận. Rồi đẻ. Rồi nuôi con. Rồi chửa tiếp thằng Huy. Rồi lại đẻ, lại nuôi con. Mơ ước làm giáo viên của Trang thế là tắt hẳn. Chị tất bật với con cái và những việc không tên trong nhà. Tất cả các khoản chi tiêu đều trông vào đồng lương còm cõi của chồng. Kinh tế đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Khi hai con chị đến tuổi học mẫu giáo, chị bàn với chồng sẽ kiếm việc để thêm thu nhập. Anh vò đầu. Biết kiếm việc gì được cơ chứ? Chả lẽ lại đi phụ vữa cho cánh thợ xây trong làng? Đang lúc như thế thì bà dì của Trang bảo cho Trang theo bà ấy đi buôn. “Cả cái làng Thổ Tang này người ta buôn bán làm giàu mà vợ chồng chúng mày cứ quanh quẩn giáo với ướt, văn với hóa thì bao giờ mới ngóc đầu lên được?”. Trọng bảo: “Buôn phải có vốn. Vợ chồng cháu ăn riêng ở rẽ, con cái bìu ríu, lấy đâu vốn liếng mà đi buôn?”. “Dì sẽ cho vay, sẽ ứng vốn ban đầu cho. Cứ đi theo dì khắc biết. Vài chuyến có lãi trả cho dì là được”.
Thế là gửi con vào lớp mẫu giáo, nhờ bố mẹ hai bên đưa đón giúp, Trang theo dì chạy chợ. Đánh hàng biên giới, theo tàu hỏa, xuống ga, thuê xe về chợ Thổ Tang, giao buôn xong lại đi tiếp chuyến khác. Mấy chuyến liên tiếp như thế Trang đã có đủ tiền trả gốc cho dì và dư ra ít vốn để quay vòng. Công việc cũng chẳng có gì khó khăn vất vả lắm. Thực chất, chị chỉ có đi theo bà dì nhận, giao hàng và thu tiền. Mối lái đã có bà lo. Từ chuyến thứ bảy trở đi, bà bảo: “Thôi, quen thổ rồi, cháu tách ra cho chủ động. Cứ mối ấy, hàng ấy mà làm”. Trang cảm ơn dì đã vẽ đường cho chị làm ăn. Rồi sức hút của những đồng tiền lãi đã cuốn chị đi, làm cho chị quên hẳn giấc mơ làm giáo viên khi xưa.
Khi đường buôn bán của Trang rộng mở, Trang cứ ngày càng phây phây rờ rỡ lên thì Trọng, chồng chị ngày một héo hon, còm cõi xuống. Công việc đài huyện cũng trăm thứ bà rằn, theo hết sự kiện nọ đến hội nghị kia. Viết bài, đưa tin, phát thanh, tiếp sóng… lại còn cộng tác với báo đài tỉnh và các báo trung ương nữa. Chẳng kể ngày đêm, cứ lãnh đạo yêu cầu là Trọng phải có mặt để làm nhiệm vụ. Toàn đi trước về sau, có thư thả nhàn hạ gì. Khi người ta làm thì Trọng “đi tắt đón đầu”, vượt lên chạy trước để ghi hình, ghi âm, để phỏng vấn, dựng cảnh, để lo loa đài sao cho khỏi bị trục trặc… Khi người ta nghỉ thì anh lại cắm đầu vào viết, cắt cúp dựng hình, a lô gửi bài… Có hôm vừa ăn vừa xem lại hình, nghe lại tin xem có gì sai sót để còn chỉnh sửa. Cứ bao giờ chào cờ xong hội nghị tiếp tục làm việc hoặc bài vở lên sóng rồi, báo chí về có tin bài của mình anh mới tạm yên tâm.
Đã vậy, anh lại đam mê sáng tác văn thơ cộng tác với các báo nữa. Phần vì máu mê nghề nghiệp, phần khác là có thêm nhuận bút hỗ trợ cho đồng lương ít ỏi của mình. Thế nên, anh càng ham. Nhiều đêm, đang nằm bên vợ, tứ thơ chợt đến thế là anh lại nhỏm dậy hí hoáy ghi ghi chép chép. Nhìn anh lãng đãng, ngu nga ngu ngơ, Trang chỉ còn biết thở dài. Người anh gầy rộc đi. Chuyện chăn gối vợ chồng, một mặt do hai người quá bận bịu, gặp nhau đã mệt phờ ra rồi, mặt khác do bị công việc lôi cuốn nên càng ngày sự ham muốn của Trọng càng giảm sút. Dần dần anh xao nhãng hẳn chuyện ấy, đặc biệt sau ngày anh đi mổ thận về. Còn Trang, ăn uống đủ đầy, con cái đã qua cái đận bú mớm, dỗ dành, tiền bạc lại rủng rỉnh trong túi, tuổi ba mươi, con quỷ dục tình cứ rừng rực trong chị. Khát khao lắm vậy mà Trọng vẫn dửng dừng dưng.
Tách khỏi dì, thời gian sau, Trang có bạn buôn mới. Hôm đó, tình cờ trong chuyến tàu đêm, họ cùng toa tàu với nhau. Vài câu chào hỏi xã giao sau biết cùng cảnh ngộ, họ cởi mở với nhau hơn. Người Hà Nội, kẻ Thổ Tang cùng lên Lào Cai đánh hàng biên giới về. Người đàn bà (có lẽ hơn Trang vài tuổi gì đó) tự giới thiệu tên là Liễu đang buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Chị ta rất bỗ bã, loe xoe nói hết phần người khác. Biết Trang đi một mình, Liễu bảo buôn đường dài chớ đi như vậy nguy hiểm lắm. Đàn bà con gái cần phải có người đi cùng. Được đàn ông càng tốt. Nào thì bốc vác. Nào thì giành giật. Nào thì bảo kê. Lại còn trốn thuế, tránh quản lý thị trường nữa chứ… Thân gái dặm trường, tiền nong hàng họ sao mà an toàn được? Buôn có bạn, bán có phường mà em. Như chị đây này, có anh này làm vệ sĩ cho đấy. Liễu nói và hất cằm về phía người đàn ông ngồi bên. Lúc này, Trang mới để ý tới anh ta. Suốt từ đầu đến giờ, anh ta ngồi lặng lẽ cạnh Liễu. Đêm tối mà vẫn đeo kính đen mới kỳ chứ. Lại còn úp sụp cái mũ vải che mặt nữa. Tướng mạo rất bặm trợn. Hình như anh này đang ngủ. Có lẽ là chồng chị ấy.
Thấy Liễu khá xởi lởi, Trang cũng thổ lộ. Em mới tập đi buôn, chưa có kinh nghiệm gì chị ạ. Thế chồng em đâu? Chồng em đi công tác. Rõ khổ. Lương nhà nước đáng đếch bao nhiêu mà công với tác. Phải tay chị á, thì chị lôi nó về mà đi phụ buôn với vợ. Làm cái anh cán bộ văn hóa trông thì oách đấy nhưng túi thì rỗng tuếch. Thời buổi này ai còn thích sĩ diện hão nữa. Tiền. Phải có tiền mới có vị thế được em ạ. Cứ thế, Trang nói một thì Liễu nói năm, nói mười. Hai chị em rì ầm theo nhịp tàu sình sịch suốt đêm. Đến ga Lào Cai thì trời vừa sáng.
Mọi người lục tục xuống tàu. Liễu vỗ vai lay gọi người đàn ông. Anh ta uể oải ngúc ngoắc cái đầu tiếc rẻ giấc ngủ. Trang vừa lấy đồ vừa nhìn anh ta. Chị sững sờ. Gương mặt này quen quá. Hình như anh ta cũng có cảm giác như chị. Thôi! Đúng rồi! Long! Long của chị ngày xưa đây. Sao nhìn anh khác thế? Thì chục năm rồi còn gì. Rồi họ nhận ra nhau. Liễu cũng tròn mắt ngạc nhiên. Bạn học cũ à? Không, cùng khóa, khác trường. Long trả lời liến thoắng. Kịp hỏi thăm nhau vài câu đủ biết thông tin cần thiết, lấy xong số điện thoại của nhau thì chia tay ai đi đường nấy. Xe các mối hàng đang chờ. Trang đứng nhìn theo mãi hai người, nhất là Long. Cái dáng ấy, mái tóc ấy thì không lẫn vào đâu được.
Sau lần ấy, qua số điện thoại họ liên lạc với nhau. Rồi thì ngồi chung toa tàu nhiều chuyến khác nữa. Trang biết Long và Liễu không phải vợ chồng gì cả. Họ chỉ cặp kè, buôn bán, sống chung với nhau như vợ chồng mà thôi. Ra trường, Long không xin được việc, anh làm hợp đồng giám sát thi công cho một chủ doanh nghiệp xây dựng. Được công trình đầu suôn sẻ, đến cái thứ hai thì xảy ra sự cố. Trường học đang xây tầng hai thì bị sập, chết một thợ thi công và bị thương mấy người. Công an vào cuộc khám nghiệm hiện trường. Tỷ lệ sắt xi không bảo đảm theo thiết kế. Tội lỗi đổ lên đầu người giám sát. Long gánh chịu trách nhiệm. Anh lĩnh án tù ba năm. Thụ án xong, chán đời, Long bỏ đi bụi rồi gặp Liễu. Liễu đã qua hai đời chồng, không con cái, đang kinh doanh buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Long tá túc ở đó và trở thành vệ sĩ cho Liễu. Hai người cặp kè với nhau vừa buôn đường dài, vừa bán sỉ ở chợ.
Từ đó, ba người trở thành bạn buôn thân thiết với nhau. Liễu không hề biết Long và Trang đã có một thời yêu nhau. Mấy lần Trang mời Long và Liễu về nhà mình chơi. Vợ chồng Trang đón tiếp họ rất chu đáo. Rồi Liễu mua ô tô tải nhẹ, chuyển đánh hàng biên giới sang bên Lạng Sơn. Long trực tiếp vừa lái xe, vừa bảo kê và quản lý hàng. Rất chủ động, không còn phụ thuộc xe tàu nữa. Họ thường đi lúc sáng sớm, tối là về tới nhà. Cảnh dạ dật chờ tàu, đợi xe hết hẳn. Không chỉ buôn bán ở chợ Đồng Xuân, Long Liễu còn chuyển sang giao hàng cả chợ Thổ Tang nữa. Ngược lại, Trang cũng thế, chị vươn tới cả chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Trang theo họ và thu được lợi nhuận khá cao sau mỗi chuyến hàng.
Hôm đó, đúng hẹn, Trang về Gia Lâm để cùng xe Long Liễu đi Lạng Sơn. Đúng giờ, xe Long đến. Không có Liễu. Long bảo Liễu mệt không đi được. Thế là trên ca-bin chỉ còn Long và Trang. Dọc đường, họ được dịp ôn chuyện ngày xưa. Bao nhiêu kỷ niệm tình yêu ngày ấy ập về.
- Anh biết, em khinh anh lắm. Cuộc đời ai học được chữ ngờ đâu. Không hiểu sao lúc đó anh lại hèn nhát như vậy nữa. Sau trận lụt ấy, đê không vỡ nhưng tình yêu của anh đã bị vỡ. Mất em, anh hóa thành bơ vơ. Khi anh bị nạn đi tù thì tình yêu ấy chết hẳn. Còn gì nữa đâu mà xứng với tình yêu trong sáng đẹp đẽ ấy. Vậy mà, duyên số thế nào vẫn cho anh gặp em. Ước gì chúng mình trở lại ngày xưa, em nhỉ?
Long vừa lái xe vừa thủ thỉ. Trang lặng yên ngồi nghe.
- Thôi, số phận đã vậy rồi, biết làm sao được anh. Anh cũng lấy vợ đi. Chị Liễu nhanh nhẹn, tháo vát và cũng rất yêu anh đấy.
Trang khuyên nhủ Long. Long tặc lưỡi lắc đầu. Kể từ hôm gặp lại nhau đến giờ, hôm nay họ mới được thoải mái tâm sự. Chiếc xe bồng bềnh trôi đi. Bất ngờ, Long lượn tránh cái ổ gà khiến Trang chao đảo chúi người về phía trước. Cả hai cùng cười rũ rượi.
Chẳng hiểu sao, hôm đó hàng về muộn, mãi chiều mới có. Giao nhận xong thì đã hơn ba giờ. Hai người vội vã lên xe về. Được nửa đường đúng đến đoạn đồng không mông quạnh thì xe hỏng. Trời nhập nhoạng tối. Trang bấm đèn pin soi để Long hì hụi sửa. Cả tiếng đồng hồ mà nó vẫn ì ra, không chịu nổ máy. Trời rét vậy mà người Long đẫm mồ hôi. Mười giờ đêm, Long thở dài não nuột chính thức bó tay. Liễu điện liên tục. Cuối cùng, Long phải “a-lô” thông báo cho Liễu là mai mới có xe cứu hộ để khắc phục.
Hai người rúm ró đứng bên chiếc xe trong đêm. Gió mùa đông bắc thổi vù vù. Cái rét thấu tận xương. Long trèo lên thùng xe lấy một túi hàng chăn chiên Trung Quốc xuống.
- Thôi. Tính chuyện ngủ cái đã. Em lên ca bin, đóng cửa lại mà ngủ. Anh rải đệm, nằm gầm xe này nằm còn trông hàng, trông xe.
- Thế sao được? Nằm đây mưa gió chịu sao nổi - Trang lo lắng - Hay anh lên thùng xe dẹp hàng ra mà nằm?
- Hàng xếp cẩn thận rồi, chật cứng ra thế, không dỡ ra được đâu. Với lại, còn phải thức trông hàng nữa chứ.
- Thế thì lên ca-bin anh em mình cùng thức.
- Không được. Em ngủ đi. Đàn bà còn gái sức khỏe là trên hết. Cứ yên tâm ngủ đi, anh gác cho.
Giằng co mãi, cuối cùng Trang phải nghe lời Long. Long đẩy Trang lên ca-bin rồi khóa cửa xe lại. Chắc anh ấy muốn chuộc lại lỗi lầm bỏ chạy trận lụt ngày xưa?
Trang rọ roạy lựa thế ngả lưng nằm xuống trên hai cái ghế trong ca-bin. Thực sự chị cũng mệt và rất buồn ngủ. Một lúc thì Trang thiếp đi. Quá nửa đêm, Trang trở mình. Chị suýt rơi khỏi ghế. Giật mình thức giấc, Trang quờ tay chạm vào cái vô-lăng. Lúc đó chị mới hiểu ra sự tình. Bên ngoài gió đông bắc thổi vù vù. Trang nhổm dậy tìm Long. Chị loay hoay mở cửa xe, bước xuống. Long trùm chăn ngồi hút thuốc ngay dưới gầm. Lòng Trang chợt nhói lên.
- Thôi. Lên ca-bin ngồi cho ấm đi anh. Em không làm gì anh đâu.
Long lần khân. Mãi sau, rét quá, anh cũng phải nghe lời Trang. Lên ca-bin, lựa chỗ ngồi, trùm chăn xong, Long nói:
- Kể ra ngủ ngồi này cũng hay đấy em nhỉ? Em ngủ tiếp đi. Anh không làm gì em đâu mà lo.
- Cái anh này! Lo gì mà lo. Thôi. Ngủ đi!
Nói thì nói vậy, nhưng cả hai cùng thao thức. Ngồi cách nhau chỉ một lần chăn chiên, họ nghe rõ từng nhịp thở của nhau. Đêm hôm thanh vắng, mùi đàn ông của Long ngày xưa khiến Trang nao nao. Chị cố xua đi cái ký ức ấy mà không tài nào xua được. Cuối cùng, cái gì đến đã đến. Trang ập vào người Long. Rồi cả hai xoắn lấy nhau trong ca-bin mặc cho bên ngoài gió mưa gào rít. Chị như con thú hoang ngấu nghiến, vật lộn để thỏa cơn thèm khát bấy lâu nay. Và cả để bù từ cho Long những tháng ngày anh long đong lận đận nữa, có thể cũng là do chị. Đến khi xong việc, chị bừng tỉnh. Trang òa khóc. Chị đấm ngực thùm thụp. Long an ủi Trang. Rồi cả hai không nói gì cứ lặng lẽ ngồi bên nhau cho đến sáng.
Sau đêm đó, tưởng đã quyết không lặp lại việc ấy nữa vậy mà họ vẫn xoắn vào nhau mỗi khi có dịp. Thêm mấy lần vào khách sạn, Trang như ruộng hạn gặp mưa rào. Cứ xong mỗi cuộc, chị lại dặn lòng mình quyết không bao giờ lặp lại nữa. Vậy mà… Có lẽ, cũng tại Trọng. Anh đã bỏ quên chị nhiều đêm. Còn Long, tình cũ thức dậy, khiến anh mê mụ đi. Được thể, anh đã tính chuyện giành lại Trang. Có lần anh xin Trang cho anh làm lại từ đầu. Khi đó thì Trang tỉnh hẳn. Chị lắc đầu quầy quậy. Muộn rồi Long ơi! Không thể thế được đâu. Không có lần sau đâu nữa nhé. Vậy mà, chẳng hiểu sao họ cứ vồ vập nhau mỗi khi có cơ hội. Cái clip cảnh ái ân của hai người sao lại có được và lại rơi vào tay Liễu cơ chứ? Ai quay? Ai đã làm chuyện này?
Thu nợ các nơi, cộng với số tiền ứng hàng mấy chuyến trước cho Liễu, Trang dồn đủ tám bảy triệu trả cho Liễu đúng hẹn. Bao nhiêu công sức com cóp của mấy năm buôn bán thế là đi tong. May mà còn ít vốn đủ một chuyến hàng nhỏ nữa, không thì… Hôm nhận tiền, Liễu cười nham hiểm:
- Biết điều đấy. Coi như chuyện cũ xong. Tuy nhiên, cấm cửa mày với anh Long. Anh Long là của tao. Mày hiểu chứ? Tránh xa ra.
Trang định nói vụ này với Long song suy đi rồi nghĩ lại, chị lại thôi. Mà sao dạo này Long cứ xoắn lấy Trang như thế? Lần nào cũng vậy, cứ bảo Trang phải dứt khoát đi, phải làm lại từ đầu. Trang sợ quá. Chị quyết định không đi hàng chung với hai người đó nữa. Nham hiểm, lọc lừa, bả độc, cạm bẫy thế nguy hiểm lắm.
Quay về làng, Trang mở quầy bán hàng ngay tại chợ. Đồng thời, chị còn bán hàng trên mạng nữa. Lãi ít nhưng an toàn, có thời gian phục vụ, chăm sóc chồng con. Không khí gia đình ấm dần lên. Ăn uống đã đúng bữa, đúng giờ. Trọng cũng khỏe hẳn ra. Đêm đêm chuyện vợ chồng đã được cải thiện. Họ lại ấm áp như xưa. Tuy nhiên, mặc cảm tội lỗi vẫn đè nặng Trang. Chị ân hận lắm. Một đêm, vùi đầu vào ngực Trọng, Trang dè dặt:
- Em có chuyện này muốn nói với anh.
- Chuyện gì vậy? Trọng hỏi.
- Chuyện buồn lắm anh ạ. Anh phải dũng cảm nghe nhé.
- Có phải chuyện em với Long không? Nếu vậy, em không phải nói nữa, anh biết rồi.
- Sao? Anh biết rồi? Biết gì cơ chứ?
Trọng thủ thỉ kể:
- Cách đây gần tháng, Long có đưa cho anh xem một đĩa hình - Trang giật thót mình, người lạnh toát - Nó bảo anh hãy buông tha em ra để nó cưới em. Anh bị sốc nặng. Rồi lần sau nó tới lại nói thế. Anh nói thẳng vào mặt nó rằng không bao giờ tôi bỏ vợ tôi. Dẫu vợ tôi thế nào đi chăng nữa tôi vẫn yêu thương và chung sống với nhau đến trọn đời. Anh cút đi và để cho vợ tôi yên.
- Trời ơi! Vậy là anh đã biết hết nhưng không nói. Em lạy anh! Em xin anh tha tội, anh Trọng ơi!
Trang khóc rưng rức.
- Thôi mà. Không sao đâu. Chỉ tiếc là anh không nói chuyện này sớm với em. Nói sớm ra thì đâu đến nỗi em khổ như thế. Chúng nó dàn dựng cả đấy. Mỗi đứa có một mục đích riêng của nó. Con Liễu thì làm tiền và giành giật giữ lấy thằng Long. Thằng Long thì muốn qua clip đó để anh bỏ em rồi nó sẽ chiếm đoạt em. Không bao giờ có chuyện đó đâu nhé.
- Trời ơi! Vậy mà anh cứ im lặng chịu đựng từ bấy đến giờ! Em đúng là ngàn lần có tội anh Trọng ơi! Suýt nữa thì em mất anh.
- Anh biết, trong vụ này anh cũng là người có lỗi. Có vợ đẹp, con khôn mà không biết giữ, không biết chăm. Từ giờ trở đi, vợ chồng con cái mình cứ quây quần ấm cúng như thế này em nhé. No đói có nhau. Vui buồn có nhau. Anh không để em phải lặn lội đêm hôm tàu xe xuôi ngược nữa. Cứ quầy ở chợ đấy mà buôn bán, không chết đâu mà lo.
Trọng vừa nói vừa vuốt tóc vỗ về vợ. Trang tin tưởng úp mặt vào ngực chồng. Nước mắt chị chứa chan, nóng hổi ướt hết cả khuôn ngực trần của Trọng. Chị vòng tay ôm chặt lấy chồng như thể không giữ thế thì Trọng sẽ biến mất. Cả Trọng cũng vậy. Họ quấn quýt nồng nàn với nhau như đêm tân hôn ngày trước. Ngoài kia, trăng cuối năm vằng vặc sáng.
Đ.X.T