Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Tính triết luận và hoài niệm trong thơ Vân Anh
Tính triết luận và hoài niệm trong thơ Vân Anh

Tính triết luận và hoài niệm trong thơ Vân Anh 

                        NGUYỄN MINH KHIÊM

Đọc thơ Nguyễn Vân Anh không khó. Nhưng tìm ra được một cái “tít” để viết một bài thật sâu, thật đậm, thật rõ nét, thật đặc trưng Vân Anh thì không dễ. Người ưa chất bàn luận, triết lý, thế sự, thời cuộc thì tìm thấy cái chất bàn luận, triết lý, thời sự, thời cuộc. Người ưa tái hiện, dựng lại phong cảnh làng quê đất nước thì tìm thấy cái chất hội họa, ký sự. Người ưa cái chân chất, mộc mạc, bình dị, gần gũi, chân quê, đằm thắm thì tìm thấy trong thơ bà cái chất mộc nạc, giản dị, chân quê, đằm thắm. Người ưa hoài niệm, hồi ức về tình yêu thì tìm thấy trong thơ bà cái chất hoài niệm, hồi ức về tình yêu. Đọc rồi ngẫm. Bày ra rồi vo lại. Riêng rẽ rồi khái quát. Cuối cùng tôi nhận ra, hơn hai trăm bài thơ trong “Vân Anh tuyển tập thơ” (NXB Nghệ An, 2023) có một cái chung, một cái nổi bật, một cái đặc trưng Vân Anh. Đó là hồn thơ chân chất, mộc mạc, giản dị, không cầu kỳ, không màu mè, đa cảm, nhạy cảm. Tiếng thơ và tiếng lòng là một. Con tim và khối óc là một. Thơ nhập vào thời cuộc. Thời cuộc nhập vào thơ. Từ ánh nhìn đến nhịp tim không xa. Từ nhịp tim đến ngôn ngữ thơ càng không xa.
“Xứ Nghệ” là điển hình cho cách nghĩ, cách cảm tuôn trào, mạnh mẽ, phóng khoáng, bộc trực, không có “vùng đệm” giữa con tim và khối óc. Bà viết bằng sự thúc giục của nội lực. Câu chữ đòi được bật ra: “Xứ Nghệ/ Gió Lào hất tung bãi cát/ sang bờ Bắc sông Lam/ sông Lam dải lụa xanh/ đọng phù sa thái âm mát lành địa linh/ dòng đời trong đục thắt ngang lở bồi/ con thuyền ví giặm đầy vơi/ Chở mai sau cập bến về nơi cội nguồn”…/ “Xứ Nghệ/ Đại thi hào Nguyễn Du/ Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương/ nơi hai dòng chảy văn chương dân dã, bác học hợp lưu” (Xứ Nghệ). Xúc cảm bật ra. Không kìm nén được mạch con chữ. Niềm tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt tuôn chảy. Thế là bà tả, bà kể, bà liên tưởng. Bà miên man trong con chữ. Con chữ dắt bà đi. Cái vùng đất nuôi hồn Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, vùng đất xứ Nghệ lại nuôi lớn tâm hồn bà. Bà thật khéo dẫn dắt từ một sự vĩ đại nuôi lớn một sự vĩ đại. Bà viết: “Xứ Nghệ/ Cho tôi câu thơ quăng quật kiếp người/ …/ Những người đàn bà góa/ Cô đơn thiêu đốt thịt da/ đổ lúa ra xay/ đổ trấu ra xay/ Xay cạn đêm”… Đó là một vùng đất giàu văn hóa, giàu di chỉ văn hóa: “Nơi di chỉ cất bảo tàng/ chiếc muôi múc canh bằng đá /…/ Đứa con nghèo của người mẹ Thiên Nhiên/ Đất phên dậu che chắn Đông, Tây, rừng, biển” (Xứ Nghệ). Niềm tự hào ấy nuôi lớn bà, làm giàu có cho tâm hồn bà. Chính vì thế bà cầu nguyện: “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về xứ Nghệ đầu thai” (Xứ Nghệ).
Rất ít những nhà thơ, đặc biệt là đối với những nhà thơ trẻ thường tránh những đề tài lớn, vấn đề lớn. Hầu hết họ sợ chưa giàu vốn sống, chưa nhiều va đập, chưa đủ trình độ, năng lực, sự kiến giải còn hạn chế. Họ choáng ngợp trước những tên tuổi lớn như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Giang Nam, Thanh Hải, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm… Nhà thơ Nguyễn Vân Anh không né tránh. Bà đi vào các đề tài vĩ mô, kiến giải các đề tài ấy theo cách của riêng mình. Bà không ngại khi viết về những chủ đề, đề tài to tát ấy. Đó là phong cách thơ của bà. Ngôn ngữ thơ của bà. Hồn thơ của bà. Cách nghĩ, cách cảm của bà. Nó chi phối thơ bà. Trong tuyển tập có rất nhiều bài viết về quê hương, Tổ quốc, làng xóm như: Tổ quốc; Hồn quê; Trước ngôi nhà Lịch sử; Mỵ Châu; Độc thoại trước biển; Thơ tình mùa thu viết trước đền chín gian; Huyền thoại biển mặn; Vọng lời biển mặn; Nhớ Hương Sơn; Tản mạn Đà Lạt; Tướng Giáp về quê; Thăm mộ cha… Mỗi bài có một giọng điệu. Mỗi bài có một hoàn cảnh. Mỗi bài có một nỗi niềm. Nhưng tất cả được xâu chuỗi trong một cách nghĩ, cách cảm. Có thể dẫn ra, trong bài “Tổ Quốc” bà viết: “Tổ quốc/ Hôm qua/ Vót nhọn ý thức chủ quyền lãnh thổ/ đâm thủng thuyền xâm lăng Trung Hoa/ Trên sóng Bạch Đằng/ Nén chặt đau thương thành bộc phá/ nổ tung hầm Đờ-cát/ Ở Điện Biên/ Lúc thông cầu Thống Nhất hai miền/ Quyết toán không bằng tiền/ Bằng ba mươi năm nước nhà chia cắt” (Tổ Quốc). Bài “Trước ngôi đền Lịch sử” cũng vậy. Bà viết: “Buổi dân Việt/ Luẩn quẩn trong ao làng tù túng/ những ai/ nuôi giấc mơ tự do cho dân tộc bơi lội giữa trùng dương?/ những ai/ trong một gia đình/ Rủ nhau ra trận/ lần lượt trở về sau di ảnh?”. Đậm đặc nhất cho chất “triết luận” trong thơ của bà không bài nào tiêu biểu hơn là bài “Bản tình ca bất tử”. Mọi vấn đề đã được bà luận rõ ràng, rành mạch, người viết không cần phải bình thêm lời nào nữa: “Con tàu “Hành Tinh Trái Đất”/ Chạy qua hai ga/ Khởi Thuỷ và Tận Thế/ Hành khách sắm hai vai Thiện - Ác/ Thay nhau diễn vở… tấn trò đời/ Bi Thương và Hùng Tráng/ con tàu chạy qua sa mạc chiến tranh/ Lại chạy qua thảo nguyên Hòa Bình/ Tiếng ca khải hoàn/ Hòa âm tiếng kèn thất trận/ Bản hợp xướng Hạnh Phúc và Khổ Đau” (Bản tình ca bất tử).
Sở trường của bà là “luận”. Bà không nặng về ngôn ngữ trữ tình. Bà cũng không nặng về giãi bày tâm trạng. Cái đập vào óc người đọc, cái làm cho người đọc phải suy ngẫm, phải nhớ về bà, đó là chất “triết luận” trong thơ của bà. Không riêng gì những bài trong mạch nói về tầm vĩ mô như Tổ quốc, quê hương, các vấn đề thời sự, thời đại, thời cuộc, chính trị bà mới thể hiện khả năng “triết luận” mà chất “luận” trở thành thế mạnh xuyên suốt các mạch thơ, vỉa thơ của bà trong tuyển tập thơ Vân Anh. Có bài, cái tên gợi nhiều chất trữ tình nhưng toàn bài không một câu mang tính trữ tình. Một trăm phần trăm số câu trong bài là “luận”. Hãy đọc bài “Đàn bà”: “Là nước/ Đàn bà đẩy/ con thuyền công danh đàn ông/ sang bờ bên kia… khát vọng/ Là nước/ Đàn bà nhấn/ con thuyền công danh đàn ông/ chìm đáy đại dương… tuyệt vọng/ Là nước/ Đàn bà tự vỗ sóng/ cho mình/ cho nhau/ Là nước/ Đàn bà mạch nguồn vô tận/ Tình thương con tuôn chảy vĩnh vĩnh hằng” (Đàn bà). Khoan hãy bình sức mạnh ghê gớm của đàn bà, thiên chức đàn bà có thể quyết định mọi thành bại sự nghiệp của đàn ông, tự ru mình, tự tôn mình, có tình thương con như suối nguồn vô tận. Khoan hãy phân tích vì sao nhiều câu thơ thơ bà viết hoa chữ đầu câu, nhiều câu chữ đầu câu lại không viết hoa, dù rằng câu ấy cũng xuống dòng, cũng ngắt ra từ câu trước, có ngữ đủ ý, có ngữ không đủ ý. Ngụ ý của tác giả là gì? Khoan hãy lý giải những chữ viết hoa bất thường. Tôi chỉ thấy cái toàn cục, cái bao trùm là sở trường triết luận của bà. Ta có thể dẫn ra hàng loạt bài cùng phong cách triết luận ấy: “Những ngọn núi lè tè ngạo mạn tự phong chót vót/ Những ao hồ tù đọng kiêu căng luôn tự bão hòa/ những đường ray hoen gỉ tư duy định vị/ những vòng “kim cô” giáo điều tự ấn lên đầu làm khuôn mẫu/ Những phẩm cách dàn hàng ngang đồng phục/ những dấu vân tay bản ngã đồng dạng nhạt nhòa” (Trăn trở); “Buổi dân Việt/ Luẩn quẩn trong ao làng tù túng/ Những ai…/ nuôi giấc mơ tự do cho dân tộc bơi lội giữa trùng dương?/ những ai trong một gia đình/ Lần lượt trở về sau di ảnh?/ Những ai…/ dằng dặc thời thiếu phụ/ chờ hóa Vọng Phu?” (Trước ngôi nhà Lịch sử)… Bà luận về mọi thứ trong xã hội. Bà luận về nhân cách, nhân phẩm, nhân tâm, nhân nghĩa. Bà luận về sự trung thực, giả dối, cao sang, hèn mạt. Bà luận về đức tin, sự hy sinh. Bà luận về lẽ sống. Bà luận về lịch sử: “Xin đừng trách nàng”/ “Trái tim lầm chỗ để trên đầu”/ Cuộc đời nàng hai phía khổ đau/ Rùa Vàng ơi! Sao vội kết tội nàng là giặc?” (Mỵ Châu). Những chủ đề, đề tài, vấn đề cảm hứng thơ không mới. Cái mới chính là “triết luận” tạo nên phong cách thơ Nguyễn Vân Anh.
Một khối lượng lớn các bài trong tập Nguyễn Vân Anh dành cho cha mẹ, tình yêu: Nhớ mẹ, Quê với mẹ và anh, Mẹ dắt con về, Vọng quê, Ngẫm về đôi bàn tay, Ám ảnh, Thơ tình mùa thu viết trước đền chín gian, Huyền thoại biển mặn, tình yêu của tôi, Thiếu phụ thành Vinh, Màu kỷ niệm, Bóng xưa, Mùa hương trinh nữ, Chỉ số tình yêu, Gặp, Khát, Thơ viếng một cuộc tình, Đợi…
Ở phần này, Thơ Vân Anh đằm hơn, ngọt hơn, dịu dàng hơn, êm đềm hơn. Cái tình làm hoa, làm lá cho thơ xanh mát. Tiếng nhạc của thơ trữ tình rung ngân. Có lúc nó mang âm thanh của gió. Có lúc nó mang cái mặn mọi của muối. Có lúc nó mang cái mơn man của sóng. Ta cảm nhận được cái ân tình, cái thủ thỉ, cái êm ái: “Mẹ ơi!/ con bơi qua ba mươi sáu bến sông/ mỗi lần trái tim đàn bà bị xé rách/ Mẹ xốc nách/ Về thôi! Mẹ giúp con liền sẹo” (Nhớ mẹ). Hình như tình mẹ có ma lực. Cứ nói đến mẹ thì bão tố cũng không gào thét nữa, nắng lửa cũng không đốt thiêu nữa, quỷ dữ cũng không ác độc nữa. Người mẹ đã làm tất cả, hiến dâng tất cả cho con: “Mẹ lên hái quả Mặt Trời/ Cho con đá bóng, mẹ ngồi mẹ xem/ Hái vầng trăng nở đêm đêm/ Mẹ cho con kết làm đèn Trung thu” (Lòng Mẹ). Nhà thơ Vân Anh có những câu thơ về mẹ đẹp đến nao lòng: “Đâu mái tranh gầy mẹ nhóm bếp năm xưa/ Vương nhẹ khói trong bình minh rất mỏng/ Đâu cây mẹ trưa hè gió lộng/ Ve sầu ru nhịp võng hàng tre?” (Quê với mẹ và anh). Cái thanh tao của câu chữ, cái tinh tế của hình ảnh, cái quyến rũ của hồn thơ làm ta cứ ước tuyển tập có thật nhiều những đoạn, những khổ thơ níu giữ lòng người như thế. Cái đẹp ấy cháy lên từ hoài niệm, bùng lên từ ký ức. Nó là của thì đã qua, không phải của thì hiện tại. Đó là những ký ức, những hoài niệm long lanh nuôi lớn tâm hồn nhà thơ.
Tình yêu trong thơ Vân Anh cũng nặng về hoài niệm, nặng về hôm qua, nặng về tâm khảm. Có thể coi đoạn dẫn sau đây là một khổ thơ phổ quát tiêu biểu cho mảng thơ tình của bà: “Kỷ niệm ken dày mọi ngả/ Tuổi trẻ chúng mình/ Mái Trường Sơn thành nơi hò hẹn/ Tóc hai màu ta mới gặp nhau” (Thành phố của riêng ta). Bà cũng từng đã có một thời tình yêu đắm đuối. Nhưng nó đã là quá khứ. Cái thuở chìm trong mắt nhau, chết trong mắt nhau như âm thanh của tiếng sáo diều, như vầng trăng sáng nơi đáy giếng. Nghe được mà không nắm được. Thấy được mà không cầm được. Tuổi mười tám đôi mươi không còn nữa. Sóng vẫn vỗ mà sông đã mất: “Người ta vớt em lên/ Từ đáy mắt anh đắm đuối/ nụ hôn se hơi thu bối rối/ Hương tình đầu ướp thơm đêm” (Thành phố của riêng ta).
Thơ tình của Vân Anh là thơ về những những dòng sông đã từng cuồn cuộn chảy, những con sóng đã từng dào dạt vỗ, những ngọn lửa đã từng hừng hực cháy. Bây giờ những câu thơ tìm đường trở về kéo kén trên kỷ niệm xưa; sưởi ấm trên bếp than xưa, tắm lại những dòng sông xưa và nghe lại tiếng sóng của ngày xưa, tắm lại cái thuở: “Tuổi hai mươi riêng một trời mơ ước/ Ghé thuyền về bến đò Choi/ Sim bao mùa tím rộ trên đồi/ Cam mọng vỏ cho vàng phiên chợ tết/ “Nhớ Hương Sơn” - bài thơ tình da diết/ Gửi cho Mình và gửi cho Ta”… “Gặp lại rồi, chốn cũ Hương Sơn/ tìm được hành trang lứa đôi thất lạc/ Ngàn Phố ơi! Chàng trai thầm lặng/ Ta gọi tên mình: bến đậu Bình An” (Thổn thức một vùng quê). 
Không mấy khi tình và thơ cùng chín, cùng gặt hái. Cái trớ trêu là tình thường chín trước. Hạnh phúc lứa đôi thường chín trước. Cái hoan hỉ cực lạc thường chín trước. Niềm vui cuộc đời gặt trước. Vụ mùa thơ thường gieo sau, chín sau, gặt sau. Thơ về tình yêu thường gặt trong hoài niệm là thế. Thơ Vân Anh hầu hết gặt hái về hoài niệm, về ký ức. Từ hoài niệm, từ ký ức người thơ lại mơ ước, lại hy vọng, lại chiêm bao, lại khát. Hàng loạt những bài thơ nói về tình yêu của Vân Anh thể hiện tâm trạng ấy, như: Ký ức buồn; Khát; Biển chiều vắng anh; Ơi sông La, em muốn về bên nớ; Tản mạn trước mùa Giáng sinh; Hoang tưởng; Chia đôi; Mắt nhớ, nói với anh; Khóa tình yêu; Duyên tiền kiếp; Gặp; Cổ tích đôi ta… Một con tàu tình yêu chìm đắm thì thơ đóng năm bảy con tàu khác quay về trục vớt lên. Một bông hoa tình yêu ngày xưa tàn lụi. Thơ hóa thành trăm nghìn con ong bay về chốn cũ hút lại hương mật trên những cánh hoa xưa. Thơ Vân Anh có cái khắc khoải đó: “Ta phiêu bạt chia xa/ quá nửa đời cay đắng/ bao nhiêu là trống vắng/ cho cuộc đời ngả nghiêng/…/ thôi đành mất một nửa” (Cổ tích đôi ta). Cho dù bây giờ chim đã có đôi, chim đã vào lồng, cá đã cắn câu, cho dù bây giờ ván đã đóng thuyền “Ta làm nhà làm cửa/ Ta thành vợ thành chồng/ Ta làm mẹ làm cha/ Rồi thành ông thành bà/ Ta vẫn tìm một nửa” (Cổ tích đôi ta). 
Tình yêu mãnh liệt thế, bạo liệt thế. Nó có ma lực. Hình như ma sinh ra lực cho thơ hay sao ấy? Cứ sau những cuộc chia ly, phân ly, những cuộc tan vỡ, những cuộc bèo dạt mây trôi, kẻ Bắc người Nam, người trên bến, kẻ dưới thuyền thì thơ bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Lạ thế. Càng lâm ly thống thiết, càng trớ trêu, bi đát, bi kịch thì thơ càng đầy sinh khí, sinh lực, màu mỡ, càng xanh tốt, càng đơm hoa kết trái, tỏa hương, càng mê ly, cuốn rũ. Từ mảnh vỡ cũ, từ đống tro cũ, đống than cũ, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm trạng: “Ước một lần… Lại ước có một lần/ Ngàn vạn “ước một lần” như thế/ Đi ngược tâm hồn mình lặng lẽ/ Cột mốc thời gian nào cũng khắc đậm tình yêu” (Ước có một lần). Rồi con sóng tình phiêu lãng được đẩy đến tột cùng bi thiết: “Ôi bát hương vỡ ra từng miếng/ Xóc vào tim tín chủ lặng cầm nhang/ Đúng hai lần ta chít khăn tang/ Khóc trên nấm mồ hai lần bị giết/ Lần đầu tiên cho tình yêu đã chết/ Lần cuối cùng cho kỷ niệm riêng ta” (Hai lần tiễn biệt). Đúng như Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Ma đưa lối, quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Thơ tình yêu của Vân Anh có nhiều đoạn trường, có nhiều khúc hát đứt ruột: “Em luẩn quẩn trong trái tim vụng dại/ Ngã vấp hoài trên lối quen thân”/…/ Tâm hồn em như một người điên/ Lẫn lộn thực hư trong tình yêu đơn độc”/…/ Em linh cảm một điều cay đắng/ Mình đã thành cổ tích trong anh” (Đợi).
Trong một cuộc Hội thảo về Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã phát biểu, đại ý, chúng ta cần tạo ra một xu hướng văn học hơn hay là cần tạo ra một cá tính văn học hơn? Ông tự trả lời, theo tôi, chúng ta cần tạo ra một cá tính văn học hơn.
Bằng cách khai thác, đẩy khả năng triết luận và hoài niệm trong thơ của mình thành một ngôn ngữ riêng, phong cách riêng, tôi nghĩ, nhà thơ Vân Anh đã tạo ra một cá tính văn học trên vùng đất xứ Nghệ.
                                                                                     

      7-6-2024
                                                                                             N.M.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 454
 Hôm nay: 46349
 Tổng số truy cập: 12606986
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa