Miền Trung trong thơ Văn Đắc
NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH
Trong các nhà thơ Việt Nam đương đại hiện sống và viết ở Thanh Hóa, Văn Đắc là một gương mặt thi ca tiêu biểu. Nghĩ về ông, tôi luôn nhớ về một người cả đời tận tụy với thơ ca, một người luôn “say mê, dấn thân và luôn luôn đổi mới mình”, “tự thú sâu sắc đời sống cá nhân mình để đến với đời”(1) như ông có lần chia sẻ.
Từ tập thơ đầu tiên “Hai triền sông” (1967-1973) sáng tác trong giai đoạn chống Mỹ, cho đến “Biển xanh” (1985) ra đời vào thời kỳ hậu chiến, và những tập thơ viết vào thời kỳ mở cửa, đi lên chủ nghĩa xã hội như: “Muộn mằn” (1991), “Đi tìm thời trẻ trai” (1994), “Trái tim dọc đường” (1999), “Lời cho em” (2003 - tuyển thơ tình), “Tuyển thơ Văn Đắc” (2013), “Một mình với Cỏ Thi” (2018), “Cát lầm” (2022), “Văn Đắc - Tuyển tập thơ” (2024), có thể thấy hành trình thơ Văn Đắc ra đời và trưởng thành cùng với lịch sử của đất nước. Đọc thơ ông, có thể mường tượng ra hình ảnh của con người và cảnh quan Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ, tiếp đó là những ngày sau thống nhất năm 1975 và giai đoạn cải cách mở cửa. Với Văn Đắc, ký ức về quá khứ trở thành di sản cho hiện tại: “Lắm lúc buồn vui/ Kéo cả dãy Trường Sơn về ở/ Đất nước hình như cũng nằm trong đó/ Trái đất quay đúng chỗ tôi ngồi” (Nhà tôi), và là chất liệu cho sáng tác của ông, tựa như “Mật trong nhụy hoa, cho loài ong cần mẫn” (Khúc hát bắt đầu từ nguồn nước).
Trong thơ Văn Đắc, mỗi tập thơ, thậm chí là mỗi bài thơ, đều kiến tạo nên một cảnh quan, một không gian. Cảnh quan đó là sự tổng hòa của không gian tự nhiên, không gian xã hội và không gian tinh thần của nhà thơ. Không gian trở thành một biểu tượng nghệ thuật mang sắc thái quốc gia, địa phương, đồng thời là phương tiện để tác giả ký thác nội tâm và kiến tạo bản sắc cá nhân. Cảnh quan trong thơ Văn Đắc trước hết nên được hiểu theo nghĩa một không gian địa - văn hóa, như Bender quan niệm, nó luôn đi kèm với trải nghiệm của chủ thể, phản chiếu “hình ảnh văn hóa” và “tính vật chất của thế giới”(2). Không gian đó “có thể sử dụng để biểu hiện những cung bậc tình cảm, để kiến tạo căn tính, bản dạng của cá nhân cũng như cộng đồng và quốc gia, địa phương và toàn cầu”(3). Cảnh quan đi vào tác phẩm và trở thành một hình tượng nghệ thuật, tạo dựng bầu khí quyển văn hóa, thậm chí chi phối các động hướng của diễn ngôn. Vì thế, cảnh quan trong thơ văn nói chung và cảnh quan trong thơ Văn Đắc nói riêng, cần được nhìn nhận “như một sự kiến tạo, một sự cấu thành của thế giới”(4) - cái “thế giới sự sống” (lifeworld) mà Husserl đã từng gọi tên để chỉ không gian phổ quát “bao trùm mọi phom dạng của đời sống, các sinh quyển và các lãnh địa văn hóa”(5).
Không gian thơ Văn Đắc vừa trải rộng theo diện vừa lắng tụ theo điểm bởi nó vươn dài theo chiều đất nước, kết nối những không - thời gian sống và trải nghiệm khác nhau của nhà thơ. Trong thơ Văn Đắc, miền Trung của Tổ quốc Việt Nam không chỉ là một không gian, một cảnh quan địa lý mang tính vật chất, mà còn là một nhân vật trữ tình. Trước hết, miền Trung trong thơ Văn Đắc được kiến tạo theo tư duy của nhà thơ về tiến trình và các sự kiện lịch sử. Miền Trung gắn với những huyền tích, huyền sử, những di tích còn để lại như thành nhà Hồ: “Đá thành Hồ Quý Ly/ Lấp sau trời mây biếc” (Ở Phan Rang nhớ bạn), tháp Chăm-pa uy nghiêm mà bí ẩn: “Sông qua nghìn bãi gió/ Càng thẳm sâu sa bồi” (Đỉnh núi Tháp Chàm), lầu Ông Hoàng “nắng đã tàn lối biển ông đi” (Thăm lầu Ông Hoàng). Trong lớp trầm tích của huyền thoại, cảnh quan miền Trung trở thành một kiến trúc tưởng tượng, nó trở thành một cảnh quan kép - không chỉ là hiện hữu vật chất trước mắt mà còn bao gồm cả cảnh quan xuyên thời gian trong trí tưởng tượng của tác giả. Do đó, cảnh quan này mang màu sắc cá nhân, nói như Ingold: “Cảnh quan không phải là một tổng thể mà bạn hay bất kỳ ai khác có thể nhìn vào, nó là thế giới mà chúng ta đang đứng để có được một điểm nhìn về môi trường xung quanh chúng ta. Và trong bối cảnh của sự tham gia chú ý vào cảnh quan này, trí tưởng tượng của con người có thể hoạt động trong việc tạo ra các ý tưởng về nó”(6). Thơ ca trở thành một bức khảm của lịch sử tâm hồn nhà thơ và dân tộc, hay nói cách khác, mỗi bài thơ là một “vi lịch sử”. Bằng cái nhìn hiền hậu, nhân văn, nhà thơ khắc họa một miền Trung trải qua bao hi sinh, vất vả, đau thương mà cảm động trong thời chiến: “Một túp lều con/ Sơ tán/ Nhiều túp lều con/ Thành làng sơ tán/ Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta xây làng ngang/ Trận địa ta giăng hàng/ Rộng hơn vòng bom giặc” (Làng sơ tán); một miền Trung anh dũng, làm điểm tựa cho nhân dân cả nước khi “bom lửa cháy một thời”, nhưng vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp son sắt, trắng trong, tựa như mái tóc của người thiếu nữ “đi qua một thời chiến tranh” vẫn “không mang màu lửa khói”, “Bụi đất không dính vào vai áo/ Mà tươi nguyên như lá sáng trong vườn” (Bài thơ làng Yên Vực).
Miền Trung trong thơ Văn Đắc còn mang tính biểu tượng cho một Việt Nam vừa mới trải qua bom đạn, đang dần dần thay da đổi thịt. Lấy bối cảnh là thành phố Nghệ An trong “Em ơi, thành phố” ghi chép lại những tâm tư, niềm xúc động của Văn Đắc khi chứng kiến cảnh thành phố cửa ngõ miền Trung vẫn còn bề bộn sau những ngày kháng chiến. Trong đó, chi tiết chiếc áo mới phơi bên cánh cửa vỡ của ngôi nhà sau trận bom là chi tiết đắt giá - nó trở thành một “hình ảnh văn hóa”(7) theo cách nói của Bender - khúc xạ và đồng hiện giữa quá khứ đau thương vẫn chưa qua, hiện tại còn đang dở dang và niềm tin vào tương lai tươi sáng: “Anh lặng nhìn chiếc áo mới em phơi/ Bên cửa sổ ngôi nhà bom đánh ngã”.
Không gian thơ Văn Đắc trải từ miền Bắc đến miền Trung và kết tinh, thăng hoa ở nơi “chôn rau cắt rốn” của nhà thơ - ông sinh ra, trưởng thành, chủ yếu sống và sáng tác tại đây: Xứ Thanh. Con đường thơ Văn Đắc bắt đầu từ quê hương Thanh Hóa, và dấu mốc thành công đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của ông cũng là những bài thơ viết về quê hương (Giải thưởng báo Văn nghệ 1969 - 1970 bài “Làng sơ tán”; giải A Giải thưởng Lê Thánh Tông - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tập “Trường ca thành Tây Đô”). Trong sự nghiệp thơ ca của mình, Văn Đắc viết nhiều nhất và hay nhất vẫn là về quê hương Thanh Hóa, mảnh đất mà nhà thơ đã đến và đi “như một kẻ si tình” bài thơ “Làng Yên Vực”. Ở một mức độ nào đó, thơ Văn Đắc tựa như một “biên niên sử” về xứ Thanh. Đó là một Thanh Hóa đau thương, hào hùng vừa trải qua chiến tranh “Làng sơ tán”, một Thanh Hóa vươn lên trong bối cảnh hậu chiến “Hoa chua me đất” cho đến những biến đổi sâu xa của vùng đất này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa “Nơi ấy, sau cơn mưa”, “Búp bê”, “Làng ta”; đó cũng là một Thanh Hóa trữ tình qua những sinh hoạt văn hóa dân gian “Đêm Trống Mái”, “Hát ghẹo”, “Làng con gái” và hào sảng, khí phách vươn lên trong gian khó “Tôi người Thanh Hóa”, “Khúc hát bắt đầu từ nguồn nước”. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là bài thơ “Tôi người Thanh Hóa” của Văn Đắc. Đây xứng đáng được xem là bài thơ hay nhất viết về đất và người Thanh Hóa trong thi ca đương đại, đồng thời cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu và xuất sắc nhất của đời thơ Văn Đắc. “Tôi người Thanh Hóa” là một biên niên sử về xứ Thanh - vùng đất “thang mộc”, “địa linh nhân kiệt”, nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, rực rỡ. Khí phách của con người nơi núi Hàm Rồng, sông Mã được Văn Đắc khắc tạc sinh động, tài hoa: “Chạm chén tềnh toàng/ Thích bông lơn kiểu Trạng Quỳnh/ Thích nghênh ngang kiểu anh hùng xứ Thanh/ Thích thì vác đá xây thành/ Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười” (Tôi người Thanh Hóa). Tinh thần hào sảng đó gợi nhớ đến chất anh hùng ca trong thơ Trần Mai Ninh: “A, gần lắm/ Ta gần máu/ Ta gần người/ Ta gần quyết liệt” (Nhớ máu) hay âm hưởng dội vang trong thơ Hữu Loan: “Mây trời Ai Lao sầu đại dương”, “Râu ngược chào nhau bên dốc núi” (Đèo Cả). Mặc dù không thuộc “tứ trấn nội kinh” (Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Nam vây quanh Thăng Long xưa, tương ứng với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp giáp với Hà Nội ngày nay), mà được xem là “ngoại trấn”, là “trại”, là “đất phên dậu”, là “vùng ngoại vi của trung tâm văn hóa - chính trị Thăng Long hay Huế - Phú Xuân”, nhưng Thanh Hóa vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong chính trị, quân sự và kinh tế trong bối cảnh chung của đất nước(8). Vị trí địa - chính trị, địa - văn hóa này cũng tạo cho xứ Thanh những sắc thái văn hóa mang tính đặc thù: “Nếu đồng bằng Bắc Bộ là châu thổ của hệ thống sông Hồng, thì đồng bằng Thanh Hóa chính là châu thổ của hệ thống sông Mã, sông Chu”. Do vậy Lê Bá Thảo cho rằng, quang cảnh đồng bằng Thanh Hóa như là sự lặp lại một phần của đồng bằng châu thổ sông Hồng(9). Với địa hình “núi non chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, một số mạch núi kế tiếp mạch núi vùng Tây Bắc chạy sát ra biển”, Thanh Hóa là địa phương mà cả văn hóa núi, văn hóa biển và văn hóa đồng bằng cùng ngự trị. Trong thơ Văn Đắc viết về Thanh Hóa có sự hiện diện của cả ba cảnh quan núi, đồng bằng, biển như vậy.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến phương diện ngôn từ nghệ thuật trong thơ Văn Đắc. Ngôn ngữ trong thơ Văn Đắc biểu hiện cho căn cước văn hóa của chủ thể sáng tác nhưng đồng thời cũng cho thấy dấu ấn vùng miền và sự quy chiếu của bối cảnh xã hội, văn hóa đương thời. Xét về mặt tổ chức ngôn ngữ, thơ Văn Đắc thường giàu nhịp điệu - mà nhịp điệu là một yếu tính của thơ trữ tình. Shira Wolosky cho rằng: Ngôn ngữ trong thơ, ở một mức độ đặc biệt, là vật chất. Thơ ca tôn vinh tính vật chất của ngôn ngữ - biểu hiện ở hình dạng, âm thanh, nội dung của các từ - những thứ thể hiện và cấu trúc nên ngôn ngữ thơ(10), trong đó, nhịp điệu trở thành “nền tảng cơ bản của trải nghiệm thơ ca, cũng là nền tảng mạnh mẽ nhất (và thú vị nhất)”(11). Theo tôi, những bài thơ hay nhất của Văn Đắc, ở các thể thơ khác nhau như: lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn hay tự do, thường là những bài thơ giàu nhịp điệu, dù là nhịp điệu khoan thai như mái chèo đưa trên sông nước, bay bổng như “cánh chim bay dọc ngang” hay “cao thấp chập chờn” đầy thách thức thì điểm chung là đều được biểu hiện một cách tự nhiên, giản dị và giàu cảm xúc (Áo tím, Em và phố, Hà Nội, Mưa, Lúa, Hoa huệ, Với cỏ, Làng Triều, Biển và em, Tôi người Thanh Hóa…).
Tóm lại, trải nghiệm về cảnh quan đã trở thành kinh nghiệm thẩm mỹ của riêng nhà thơ. Quê hương - chốn bản địa - nơi sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân đã dệt nên “những tế bào đầu tiên, nguyên sơ của tâm hồn con người” (Xuân Diệu). Thơ Văn Đắc mang tính trội của vùng đất Thanh Hóa: vừa đậm chất anh hùng, hào sảng, khí phách, vừa trữ tình, nồng ấm, thiết tha. Chất Thanh Hóa đã làm nên cốt cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của Văn Đắc, trở thành một nét không hòa lẫn, không trùng lặp của ông so với những tác giả khác. Những bài thơ viết về miền Trung nói chung, Thanh Hóa nói riêng của Văn Đắc trước hết là “tiếng vọng cuộc đời”(12) của chính nhà thơ, nhưng rộng hơn thế, đó cũng là “thế giới chúng ta đang sống”(13) là những tự sự đương đại đã được khúc xạ và trình hiện trên trang giấy qua con mắt đầy mỹ cảm của thi ca.
N.T.T.H
(1) Dẫn theo Lê Bá Thự, “Văn Đắc bạn tôi - nhà thơ “tự thú”, in trong Thơ Văn Đắc, Nxb Hội nhà văn, 2013, tr. 222.
(2) Barbara Bender. 2001. Landscapes on the move”. Journal of Social Archaeology, Volume 1, Issue 1.
(3) Nguyễn Thị Thu Thủy và Hoàng Cẩm Giang. 2003. Bài “Dẫn nhập”, in trong Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh, Nxb Đại học Quốc gia, tr. 11.
(4) Denis E. Cosgrove. 1984. Social Formation and Symbolic Landscape. Madison: University of Wisconsin Press, p. 13.
(5) Nguyễn Thị Thu Thủy và Hoàng Cẩm Giang, Tlđd, tr. 11.
(6) Tim Ingold. 1993. The Temporality of the Landscape, World Archaeology 25: 2 Dẫn theo Nguyễn Thị Thu Thủy và Hoàng Cẩm Giang, Tlđd, tr. 13.
(7) Barbara Bender (2001). “Landscapes on the move”. Journal of Social Archaeology, Volume 1, Issue 1.
(8)Tham khảo: Hà Nguyễn (2016), Tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh, Nxb Thông tin và truyền thông.
(9) Lê Bá Thảo (1998), Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới.
(10) Shira Wolosky (2001). The Art of Poetry. Oxford University Press, tr. 151.
(11) Shira Wolosky (2001). Sđd. tr. 149.
(12)Từ dùng của Mã Giang Lân trong Những cấu trúc của thơ, Nxb Đại học Quốc gia, 2011, tr. 228.
(13) John Wylie, Landscape: Key Ideas in Geography, New York: Routledge, 2007, p. 3.