Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nguồn mạch văn hóa dân gian Mường ở Thanh Hóa trong thơ Cao Sơn Hải
Nguồn mạch văn hóa dân gian Mường ở Thanh Hóa trong thơ Cao Sơn Hải

Nguồn mạch văn hóa dân gian Mường ở Thanh Hóa trong thơ Cao Sơn Hải 

                        NGUYỄN THỊ QUẾ

Cao Sơn Hải - nhà Mường học xứ Thanh. Tên tuổi của ông gắn với những công trình nghiên cứu văn hóa Mường và chính những thành quả này đã tôn vinh ông được nhận Giải thưởng cao quý - Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Trong cuộc đời của mình, ông không chỉ cống hiến cho lĩnh vực giáo dục, đóng góp trên lĩnh vực khảo cứu - nghiên cứu văn hóa mà còn có sức sáng tạo nghệ thuật rất đáng khâm phục. Ông có gần 10 tập thơ với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng nhưng trội lên vẫn là mạch nguồn văn hóa dân gian Mường. Thơ ông trao một không gian cho lễ tục, lễ hội, làn điệu xường rang, làn điệu hát ru, kể truyện thơ… những chất liệu văn hóa dân gian Mường hiện hình. Từ thơ ông, người đọc có thể được trải nghiệm, tắm mình trong hơi thở, trong không khí, bức tranh thiên nhiên tươi sáng của người Mường. 
1. Khái quát về thơ Cao Sơn Hải
Cao Sơn Hải sinh ra trên mảnh đất Mường Voong - mường cổ có tên trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, là một mường phong phú về văn hóa dân gian; trong gia đình có nền gốc chữ nghĩa và có mẹ là “kho tàng văn hóa Mường”. Ông lớn lên với những điệu xường, rang ngọt ngào, với những bài hát ru, hát kể chuyện thơ thấm đẫm chất trữ tình. Nền tảng gia đình, văn hóa quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu cho thơ ông cất cánh. Cao Sơn Hải đã cho ra đời nhiều tập thơ: Trái tim vẫn thức (1992), Lặng lẽ suối xa (1994), Tháng năm dịu ngọt (1996), Hoa bông trăng (1999), Trên cánh nương xa (2005), Thương nhớ tiếng chim (2012), Thơ chọn lọc (2015), Giọt nắng chiều (2021), và một số tập thơ in chung. Chuyện đời, thắng cảnh đất nước, tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu, những trải nghiệm cuộc sống… đều được Cao Sơn Hải chuyển tải một cách rất tự nhiên, dung dị qua thơ của mình. Ông tâm sự: Không vì sự thúc bách mà làm thơ, thấy cảm xúc trào lên, thấy vui, thấy hay thì làm để bày tỏ tình cảm của mình mà thôi. Và ông luôn đau đáu, lo tiếc vì người trẻ của đất Mường bây giờ không hiểu nhiều về văn hóa của chính dân tộc mình, không phải vì họ không yêu mà vì quá nhiều “cơn mưa văn hóa lạ” dội về thời hiện đại. Vì vậy hoàn cảnh ra đời các bài thơ của ông cũng không đặc biệt mà luôn hiện hữu một cách tự nhiên. Và có lẽ vậy nên thơ ông giản dị nhưng vẫn lắng đọng tầng vỉa văn hóa Mường.
2. Các biểu đạt văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa trong thơ Cao Sơn Hải
2.1. Chất liệu văn học dân gian Mường trong thơ Cao Sơn Hải

Sinh ra và lớn lên trên đất Mường, hiểu về văn hóa Mường, yêu và tự hào về vốn văn hóa ấy nên Cao Sơn Hải đã lấy chất liệu gần gũi, dồi dào từ kho tàng văn học dân gian Mường để thổi vào cuộc sống của mình. Thơ ông tái hiện cả những âm hưởng của “Đẻ đất đẻ nước” từ thuở hồng hoang, khai thiên lập địa, với hình ảnh mụ Dạ Dần - nữ thần sáng tạo văn hóa của người Mường, gánh xường đi gieo để lời ca, tiếng hát dìu dặt khắp muôn nơi: “Truyện xưa có mụ Dạ Dần/ Kĩu kịt trên đường quảy gánh Xường xuân… Mụ muốn gieo xường đâu đây? Một hôm qua đất Ký, Ống, mường Ai/ Bỗng gánh xường nặng đứt quai/ Xường bay vương khắp mường” (Huyền thoại câu xường)…; “Anh và em cùng hát xường rang/ Từ đầu canh một đã sang canh tàn” (Em về sau đêm xường)… Và những làn điệu xường rang lặp đi, lặp lại, ngay từ tiêu đề để toát lên điều này: “Huyền thoại câu xường”, “Em về sau đêm xường”, “Nhắn gửi sau đêm xường”… 
Rồi bao năm Mới trở lại quê hương, vào mùa xuân còn tươi nguyên, rực rỡ, ấm áp, mùa lễ tháng ba lại rộn rã những câu xường: “Ta về/ Tìm nhặt chút xuân vương/ Lượn lại những áng Xường rơi vãi” (Cuối nẻo tháng ba).
Bên cạnh đó là truyện thần thoại của người Mường về câu chuyện sinh thành loài người từ đôi chim: Trống chim Tùng, mái chim Tót. Câu chuyện về thủy tổ loài người ấy cũng được nhà thơ Cao Sơn Hải khéo léo chuyển vào thơ của mình một cách hồn hậu và nhấn mạnh ở câu cuối bài thơ như lời đồng vọng: “Tương truyền người Mường xưa/ Sinh ra từ quả trứng chim/ Trống chim Tùng, Mái chim Tót… Ôi! Người Mường ta/ Sinh ra từ quả trứng chim/ Lại trở về kiếp chim bay lượn” (Thương nhớ tiếng chim).
Đó còn là âm hưởng hào hùng của “Đẻ đất đẻ nước” nhưng không ở đoạn đầu là hồng hoang nữa mà đã đến độ tìm ra cây chu đồng, bông lau quả thiếc, lúc hình thành chế độ nhà lang, cun: “Lai Ly Lai Láng là đây/ Đất Mường Ký - Ống mọc cây Chu đồng/ Cây thần đứng giữa bão giông/ Một trời vang tiếng nhạc rung cành vàng/ Chu đồng nguồn cội giàu sang/ Cun Khương thúc giục quan lang, dân Mường” (Qua đồi Lai Ly Lai Láng).
Thơ ông còn phảng phất sắc màu hoa bông trăng, chứng kiến cho tình yêu trong trắng và thủy chung của Ờm với chàng Bông Hương, là lá tương tư khi Ờm và Bông Hương quyết cùng chết bên nhau trên núi Làn Ai: “Ngắm hoa chạnh nhớ chuyện xưa/ Tình không đậu quả còn hoa dâng đời” (Ngắm hoa bông trăng); hay: “Tương truyền trên đất mường Ai/ Có loài lá quý trên đài núi cao/ Ai may được lá tặng nhau/ Sẽ yêu, yêu đến bạc đầu còn yêu” (Lá yêu). 
Thơ ông cũng nặng nỗi niềm ưu tư cho mối tình đẹp hợp tan và cái chết bi thương của Nàng Nga và chàng Hai Mối. Một cách điểm xuyết, gián tiếp cũng gợi lên sắc thái Mường với truyện thơ Mường da diết: “Dẫu trăm truông ngàn suối phải qua/ Hai Mối cũng gặp được Nàng Nga giữa chợ/ Nước mắt chảy vào/ Mừng vui chen nỗi sợ/ Nhưng nối được lời thề ước năm xưa” (Tìm lại dáng xưa).
Những bài thơ của Cao Sơn Hải như những dấu chỉ dẫn dắt người đọc tìm lại hồn thần thoại, truyện thơ, dân ca (xường) Mường một cách gián tiếp nhưng đầy hấp dẫn. Phải có vốn văn học dân gian sâu rộng, ông mới có thể chuyển tải những hình ảnh thân thuộc của truyền thống quê hương mình vào thơ một cách nhuần nhị đến vậy.
2.2. Thơ Cao Sơn Hải tái hiện phong tục, tập quán xứ Mường
Không chỉ khéo léo đưa văn học dân gian Mường vào thơ, nhà thơ họ Cao còn thổi cả phong tục của xứ Mường với những lễ hội chùa, Xéc bùa, Tung còn, Đi lấy nước rồng, lễ chùa…  mang đậm sắc thái của người Mường. 
Mùa xuân, trai gái có dịp được gặp gỡ, giao duyên, cùng nhau tham dự lễ hội, vui các trò chơi dân gian mộc mạc: “Hoa gạo thắp lửa giêng hai/ Rơi nghiêng bến nước hôm mai đầu làng/ Gái trai náo nức xuân sang/ Hội Còn chùa Trặng vắt ngang câu Xường” (Làng Si).
Hội còn mùa xuân độc đáo với những hình ảnh tả thực rõ ràng, chân chất: “Trai gái bản Mường/ Vào hội tung còn/ Cổ tay ai trắng/ Lẳn tròn/ Như bụp măng mới bóc/ Quay tua còn xanh đỏ…” (Tung còn). 
Cả những tập tục rất riêng của người Mường, kiểu như luật tục của người Cơ tu, người Cor… khi họ muốn đánh dấu vật có chủ, dù vật đó ở trong rừng hay bất cứ nơi đâu trong địa bàn của dân tộc cư trú. Cái Va leo của người Mường là vật như thế: “Nan tre vai chiếc mong manh/ Cài đan quanh quếnh kết thành va leo/… Báo tin vật đã có người/ Ai sau tìm đến, biết rồi xem qua” (Cái Va leo).
Và vẫn còn đây phong tục người Mường đi lấy nước vào đêm 30 tết âm lịch, mang về thờ tổ tiên trong suốt dịp tết. Nước ấy gọi là nước rồng được “Chắt từ ruột đất, hứng từ lòng trăng sao”, đêm 30 tết đi lấy nước gọi là đi lấy nước rồng: “Đêm ba mươi vào lúc giao thừa/ Làng tôi lại rực lên hoa đuốc lửa” (Đi lấy nước rồng).
Không thể thiếu là phong tục ủ rượu “Rượu cẩm ủ kín dưới giọt gianh nhà sàn” (Vò rượu cẩm) để càng nồng đượm như tình yêu của chàng trai với cô gái. Đó còn là những tập quán canh tác nương rẫy, là nghề dệt bông mà cạp váy của người Mường đã thành di sản văn hóa, và thú vị nữa là những chất liệu văn hóa ấy chuyển thành lời yêu thương thật khéo léo: “Cánh tay nầm nẫm búp măng/ Sớm chiều thoăn thoắt/ Lên nương xuống ruộng/ Khuya về dệt mộng trăng nghiêng” (Những người con gái làng Chiềng). Và đây nữa: “Biết làm ruộng làm nương/ Biết dệt tình thương/ Vào vuông thổ cẩm” (Lời trai mường gái bản). 
Mặc dù xuất hiện với tần số chưa nhiều, song Cao Sơn Hải đã mang đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị về văn hóa phong tục, tập quán của người Mường qua những vần thơ.
2.3. Không gian văn hóa Mường trong thơ Cao Sơn Hải
Với đôi chân điền dã khắp muôn nơi trong các bản Mường, nhà thơ Cao Sơn Hải đã gọi tên các bản Mường trong thơ mình một cách thân thuộc. Đó là những làng Si, làng Chiềng; là những Mường Lau, Mường Bứa, Mường Ký, Mường Ống… nơi Xường cất cánh: “Lai Ly Lai Láng là đây/ Đất Mường Ký - Ống mọc cây Chu đồng” (Qua đồi Lai Ly Lai Láng). Đó còn là: “Làng Si trên bờ sông Mã/ Bên nẻo sa bồi, bên ngả đồng xanh” (Làng Si); hay địa danh Mường Ai gắn với truyện con Ờm: “Tương truyền trên đất mường Ai/ Có loài lá quý trên đài núi cao” (Lá yêu).
Cả những tên làng bản gợi không gian xa xôi, lạ lẫm với những người miền xuôi nhưng lại là linh hồn của xứ Mường bao đời nay vẫn trong tâm trí con người nơi đây: “Những tiếng Vó, Vang, Bái Nại/ Lũng Săm, chiềng Trám, Khâu Vài, mường Xôi… Xin người chớ để rụng rơi/ Tên làng của mẹ bao đời ấp iu” (Những bản làng xưa). Đất Mường Lau cũng được ông gọi vào thơ một cách mộc mạc: “Ngắm nhìn ruộng mường Lau/ Phải nghến cổ, nghến đầu/ Những thửa ruộng thang mây/ Bằng khổ vạt bừa/ Uốn khúc khoanh tròn/ Gối nửa vầng trăng” (Đồng ruộng mường Lau). 
Hang Con Moong - một di chỉ khảo cổ học nổi tiếng về nơi cư trú của người tiền sử, từ thời đồ đá cũ đến đồ đá mới, từ săn bắn, hái lượm đến trồng trọt, từ trước Sơn Vi sang Sơn Vi, đến văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn và Đa Bút. Và địa danh ấy cũng được hiện hình trong thơ ông: “Dấu tích một thời hoang dã/ Hái lượm sinh nhai/ Cái buổi chưa tách mình khỏi hươu nai và hổ dữ/ Từ trong đống vỏ ốc còn ẩn hiện màu trăn trở/ Nghe lịch sử vặn mình về phía trương lai” (Trước hang Con Moong).
Không gian văn hóa Mường trong thơ Cao Sơn Hải không chỉ hiện hữu những tên địa danh cụ thể, đó còn là không gian sinh sống, không gian canh tác với những hình ảnh nhà sàn, nương rẫy, đồi cỏ tranh, sông, mó… với những âm thanh rộn rã của núi rừng: Bìm bịp, cu cườm, chào mào, gà rừng, chim cống: “Tiếng gà xao xác tỏa lan/ Nương xa chênh chếch non ngàn hừng đông/ Con bìm bịp thức dậy đánh trống/ Con chim cống ra dùi đánh mõ/ Gà cỏ eo óc cành cao/ Đôi chào mào ríu ran tìm quả/ Đàn cu cườm sà xuống ruộng mạ/ Vừng hồng lan tỏa lèn đá, đồi tranh” (Em về sau đêm xường).
Dấu chân của người lãng du, miệt mài điền dã để sưu tầm, khảo cứu văn hóa, có lúc tức cảnh sinh tình đã thổi vào thơ. Những địa danh cụ thể, những không gian đặc trưng xứ Mường cứ tự nhiên hiện diện mang theo những dấu vết có khi xa xăm, diệu vợi, có khi thân thuộc, gần gũi; những cảnh đẹp phì nhiêu của bãi bồi ven sông, những cảnh hoang sơ của núi rừng với những thanh âm rộn ràng của cuộc sống lao động, của chim muông, của tiếng nước khi róc rách, khi cuồn cuộn… của xứ Mường Thanh Hóa đã hòa vào thơ một cách mộc mạc, dung dị mà vẫn chan chứa cảm xúc.
Xin được gọi nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải là “Cây si già xứ Mường” như một cách trân quý người Mường đã yêu và biết cách trân trọng, tự hào và giữ hồn văn hóa Mường. Bên cạnh cách khảo tả, đánh giá văn hóa dân tộc mình bằng những công trình nghiên cứu, ông còn tìm một đời sống khác cho chúng qua sáng tạo nghệ thuật - đó là thơ. Thơ ông bình dị, có bài như lời kể mộc mạc nhưng vẫn đủ cảm xúc để ông trải lòng mình. Phải bằng một vốn hiểu biết, bằng thâm nhập thực tế về văn hóa dân gian của dân tộc mình và bằng một tình yêu sâu sắc, bằng trách nhiệm của một người luôn trăn trở bảo tồn, phục hiện, gìn giữ vốn văn hóa ấy cộng với tài năng của mình, những mầm văn hóa được gieo lại vào thơ. Cao Sơn Hải có thêm một sứ mệnh bên cạnh nhà nghiên cứu là nhà thơ để nguồn mạch văn hóa Mường thành suối nguồn chảy mãi.
                                    N.T.Q


1. Cao Sơn Hải, (2005), Trên cánh nương xa, Nxb Văn hóa dân tộc. 
2. Cao Sơn Hải (2015), Thơ chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn. 
3. Cao Sơn Hải (2021), Giọt nắng chiều, Nxb Thanh Hóa. 
4. Kiều Huyền, Nhà sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian Cao Sơn Hải: Tiếc mà làm, https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nha-suu-tam-bien-soan-van-hoa-dan-gian-cao-son-hai-tiec-ma-lam/26151.htm
5. Nguyễn Xuân Kính (2022), Nhận thức mới về Văn hóa dân gian, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 
6. Thảo Linh, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải: Trọn đời duyên - nợ với văn hóa dân gian Mường, https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-nghien-cuu-van-hoa-dan-gian-cao-son-hai-tron-doi-duyen-no-voi-van-hoa-dan-gian-muong/107857.htm 
7. Hỏa Diệu Thúy, Nhà giáo, nhà nghiên cứu Xứ “Mường Trong”, https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nha-giao-nha-nghien-cuu-xu-muong-trong/28643.htm.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 454
 Hôm nay: 46349
 Tổng số truy cập: 12606986
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa