Đôi điều cảm nhận về tác phẩm Điểm hẹn văn chương (Nhân đọc tập Tiểu luận phê bình Điểm hẹn văn chương - Nxb Hội Nhà văn - 2023 của tác giả Trịnh Vĩnh Đức)
Đôi điều cảm nhận về tác phẩm Điểm hẹn văn chương
(Nhân đọc tập Tiểu luận phê bình Điểm hẹn văn chương - Nxb Hội Nhà văn - 2023 của tác giả Trịnh Vĩnh Đức)
PHẠM VĂN DŨNG
Trịnh Vĩnh Đức đến với địa hạt văn chương từ rất sớm. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX anh đã có những sáng tác thơ mang niềm tâm sự của thời đại. Thế nhưng với công việc bộn bề của một nhà giáo, một nhà quản lý giáo dục, suốt tháng suốt năm cứ gắn với các cụm từ: thi cử, bài soạn, cải cách, đổi mới, tập huấn, chuyên đề… thì còn đâu thời gian mà ngẫm ngợi cho văn chương được nữa. Vậy là anh chỉ còn biết say sưa đọc, say sưa nghiền ngẫm để tích lũy vốn hiểu biết, phương pháp, cách thức lập ý, ghép câu, xây dựng luận điểm, huy động vốn ngôn ngữ phong phú, đa dạng và cách tiếp cận nhiều chiều kích trong một tác phẩm văn chương. Để bây giờ anh đã biết bắt đúng mạch, cắt đúng thuốc cho những tác phẩm của các tác giả dù đã thành danh hay mới xuất hiện trên văn đàn thì người ta đều phải thán phục, ghi nhận công sức tìm tòi, khám phá, đồng sáng tạo của anh.
Từ khi anh được nghỉ chế độ nhà nước đến nay (năm 2020) thấm thoát mới 4 năm mà anh đã cho ra đời 2 đầu sách lý luận phê bình văn học. Điều đó đã chứng tỏ anh có một sức viết thật phi thường. Với dung lượng mỗi tập hơn hai trăm trang giấy in và gần 30 bài viết lớn nhỏ cả thảy, chưa kể những bài anh đã đăng báo chưa kịp sắp thành tập để in tiếp. Như thế mới thấy sức lao động, sự cần mẫn với nghiệp văn chương của anh thật đáng nể trọng. Như lời dẫn ban đầu về anh, tôi đã có nhận định rằng: Để có được thành tựu như ngày hôm nay là phải kể đến quãng thời gian ấp ủ, dồn nén khi xưa khá dụng công cho một dự định. Nói đại ý như nhà phê bình lão luyện Hoài Thanh khi xưa: Tôi đã đọc hơn một vạn bài thơ để giờ đây chỉ chọn ra được có 169 bài để in trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”. Tựa thể như vậy, Trịnh Vĩnh Đức đã đọc hàng vạn trang sách để bây giờ anh viết cảm nhận của mình cho hơn 50 bài viết trong 6 - 7 năm qua là một lẽ tự nhiên thôi.
Trong 3 năm anh đã cho xuất bản liên tục 2 đầu sách lý luận phê bình văn học. Tôi thật may mắn và vinh dự được anh trao tặng cho 2 tập sách này. Ở tập đầu “Tri âm cùng con chữ” tôi cũng đã viết đôi dòng cảm nhận khi đọc xong. Chủ yếu là nói lên sự trân quý đặc biệt của tôi dành cho anh. Và ở tập sách thứ 2 này “Điểm hẹn văn chương” tôi vẫn giữ nguyên vẹn sự trân quý ấy.
“Điểm hẹn văn chương”, với 7 bài viết thật công phu, dày dạn; được chia làm hai mảng. Mảng thứ nhất tác giả đi sâu nghiên cứu, khám phá về ba tác giả đã định danh trong làng văn nghệ Việt Nam. Có người đã cống hiến gần một thế kỷ qua, như nhà thơ Hữu Loan, vào năm 1948 ông đã có bài “Đèo cả” rực cháy tâm can. Và gần đây nhất là thi sĩ Nguyễn Quang Thiều với hơn 40 năm kể từ khi xuất hiện tập thơ đầu tay “Sự mất ngủ của lửa” (1992), đã gây nên sự tranh cãi khá sôi nổi trên văn đàn Việt Nam về một giọng thơ mới, cách lập ý, dùng từ lạ, cho người đọc có một cách cảm khá mông lung. Thứ 3 là bài viết về gương mặt thơ đã lão luyện trong làng văn nghệ xứ Thanh, đó là nhà thơ Văn Đắc. Một người luôn xem thơ như một thứ tôn giáo làm mê say, huyễn hoặc lòng người. Mảng thứ hai là 4 bài viết có tính chất chuyên luận, khái lược, khảo cứu về những thể loại, những lãnh địa mà các tác phẩm văn học xứ Thanh đã đăng đàn, có những đóng góp nhất định, luôn hòa mình trong dòng chảy của nền văn học nước nhà ở tất cả các thể loại văn chương trong gần thế kỷ qua. Trong 4 bài viết, tác giả chỉ tập trung xoáy sâu vào 3 thể loại chính là: Văn xuôi, thơ và lý luận phê bình văn học. Với 4 bài viết chuyên sâu về 3 lĩnh vực này ta thấy nhà nghiên cứu Trịnh Vĩnh Đức có một sức đọc, sức cảm, sức tổng hợp khá bao quát và toàn diện. Anh đã bắt đúng mạch, chỉ đúng tâm các tác phẩm văn chương và phong cách sáng tác ở mỗi tác giả, tác phẩm anh điểm tên.
Trở lại với ba tác giả thơ anh dành sự ưu ái để đưa vào tập sách này, khi đọc kỹ lưỡng ta sẽ thấy được cốt cách, thần thái của cả ba gương mặt ưu tú và thật xứng đáng để mọi thế hệ yêu mến văn chương trân trọng, ngưỡng mộ.
Với Nguyễn Quang Thiều, tôi mê ông từ những trang văn xuôi, những mẩu truyện ngắn, những pho tiểu thuyết được ông sáng tác vào những năm 1980, 1990 của thế kỷ XX. Thời bấy giờ ông có nhiều truyện ngắn in ở báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Tiền phong, báo Thanh niên. Và đặc biệt ông có những truyện ngắn in ở báo Nhân dân số tết (để được đăng một truyện ngắn trong số báo tết của báo này thì ta phải hiểu là tên tuổi nhà văn phải ở tầm cỡ nào). Tôi cứ ngỡ Nguyễn Quang Thiều chuyên tâm cho văn xuôi đã là đỉnh cao, sự xuất sắc lắm rồi. Thật bất ngờ, vào năm 1992 ông đã cho ra mắt tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, sau đó được giải thưởng danh giá hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, thì đã gây ra một cuộc tranh cãi, một cuộc phản biện khá dữ dội từ 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều mới quá, Tây quá, nhưng sẽ là người dẫn đường đầy bạo liệt cho lớp trẻ hướng tới. Nhưng có một luồng lại cho rằng nó ngô nghê, nó khờ khạo, thiếu lý trí, thiếu logic, thiếu xúc cảm, mĩ cảm của văn chương. Mạnh mẽ cho phe này nhất là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông đã có bài viết khá công phu để nhận xét về tập thơ này và cho in trong tập “Thơ phản thơ” của mình. Thông qua bài viết nhằm lột tả một cách kỹ lưỡng về cách tiếp cận thơ Nguyễn Quang Thiều. Tựu trung ông quyết liệt lên án, chê bai. Hơn 10 năm sau, khi ta điềm tĩnh lại, khi ta đón nhận tác phẩm văn chương với một lòng thành kính và tôn trọng thật sự thì những áng thơ của Nguyễn Quang Thiều thật sự mới, khiến người đọc phải ngẫm ngợi lắm chứ. Sâu đằm trong sự mới mẻ, thâm trầm trong lối viết phong lưu. Và đúng như nhà lý luận phê bình Trịnh Vĩnh Đức đã nhận xét: “Thơ Nguyễn Quang Thiều, đằng sau việc xác lập một giọng điệu mới, cách tân thi pháp, thơ ông, có cả cái tôi, hòa vào cái ta rộng lớn, hình như, có sự tìm đến gần với hình ảnh siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh chăng? Tôi nghĩ thơ Nguyễn Quang Thiều rất hợp với tâm trạng của đời sống Việt, vì nó đã đi vào tâm tư và ước vọng của mỗi người trong bản ngã cuộc đời họ. Và có cả trong mỗi lúc cô đơn, khi nghĩ về dĩ vãng, nỗi đau thân phận của con người đi qua chiến tranh, kể cả những vòng xoáy trong nỗi đời khắc nghiệt. Trong bức tranh hiện thực ấy, Nguyễn Quang Thiều không khỏi bùi ngùi, xúc động và những điều ông thể hiện trong thơ sau năm 1975 như có gì cô đơn, ngẫm ngợi, sẻ chia, rồi bùng lên ngọn lửa tràn ngập niềm tin mới”.
Ở bài viết về nhà thơ Hữu Loan, ta thấy Trịnh Vĩnh Đức thật trân quý về nhân cách đời thường và phong cách thơ ông. Một Hữu Loan đã từng đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vào sinh ra tử. Đáng nhẽ ra ông phải được đền đáp xứng đáng khi dân tộc được hòa bình. Nhưng không, ông trở về với cuộc sống đời thường, với công việc hàng ngày là cày ruộng, chở đá đi bán để mưu sinh. Cuộc sống với muôn vàn chật vật, gian khó, nhưng lòng ông luôn thanh thản. Thơ ông đã nói hộ lòng mình về một phong thái tĩnh tại, về một cốt cách, một vóc dáng của một bậc tiên ông. Nhận định về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Hữu Loan, nhà lý luận phê bình Trịnh Vĩnh Đức không hề quá lời khi viết: “Tôi có cảm nhận, phong cách thơ Hữu Loan mang bóng dáng thời đại, có tính minh định trong lộ trình cách tân thi pháp. Ngoài ngôn ngữ trong sáng, câu thơ cắt nhịp xuống dòng, thơ ông còn tráng lên một lớp men trữ tình sâu lắng. Cùng với lối diễn ngôn, tạo cấu trúc xếp dòng theo kiểu tự do, thơ ông còn là tấm gương sáng trong hành trình đổi mới thơ Việt Nam hiện đại. So với nền “thơ mới” ra liền kề trước đó, thì thơ Hữu Loan tính trữ tình không kém. Ông thật xứng đáng được tôn vinh như một mẫu hình sáng tạo trong sự cách tân thơ hiện đại Việt Nam nổi bật nhất”.
Ở bài viết về nhà thơ Văn Đắc, anh đã dành một tình cảm đặc biệt để tụng ca người tình của thơ một cách say đắm. Ví như: “Thơ Văn Đắc rất mượt, âm vần hòa chung điệu nhịp, vừa bộc lộ cái khát khao, vừa âm trầm tha thiết. Chất trữ tình thăng hoa trong ngòi bút, như hiểu hết lòng tâm sự với người thân”. Hay như: “Tôi nghĩ gốc của thơ ông mang bản năng thi sĩ. Mà đã thi sĩ thì chất lãng mạn luôn bay bổng. Dạo chơi khắp đó đây là một biểu hiện. Có lúc ẩn mình, có lúc khuấy đảo. Nhưng dồn vào nội tâm không quên thả vào thơ chất trữ tình của sông nước, làng quê, phố xá. Văn Đắc đến đâu cũng hiểu người, hiểu ta. Ở đời hiểu cái bên trong mới khó. Muốn hiểu phải khám phá”. Cũng như 2 nhà thơ trên, với Văn Đắc cũng đã có nhiều nhà lý luận phê bình dày công nghiên cứu. Nhưng có lẽ với bài viết này của nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức đã điểm trúng nhiều tầng vỉa thơ Văn Đắc, khiến người đọc được khai mở niềm yêu thích, hưng phấn để bước vào lãnh địa thơ ông một cách hồ hởi, háo hức.
Riêng với 4 bài viết chuyên luận: “Tiếp cận văn xuôi Thanh Hóa giai đoạn từ 1945 đến nay trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại”; “Lý luận phê bình văn học Thanh Hóa - những chặng đường”; “Tiếp cận thơ Thanh Hóa nửa sau thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI”; “Lý luận phê bình với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh”. Thông qua những bài viết trên, ta thật cảm phục về nội lực viết phê bình của anh. Trước hết là vốn đọc. Dẫu chỉ nghiên cứu ở từng mảng về văn học nghệ thuật, nhưng nó là mảng lớn của một miền quê có số lượng nhà văn đứng thứ ba, thứ tư cả nước. Văn phong đa dạng, tác phẩm đồ sộ, lối viết đa phong cách, sức hấp dẫn tương đối lớn… Buộc người đọc phải bao quát để xâu chuỗi, thâu tóm những thế mạnh trong các lĩnh vực này. Thông qua việc lột tả những điểm mạnh, những thần thái của từng người để khích lệ họ tiếp tục cầm bút. Nếu điểm không đúng, không trúng; nếu chụp không đều khắp được góc máy, hoặc méo mó, lệch lạc thì đều dễ rơi vào cái bẫy đã giăng sẵn cho những cuộc tranh luận trái chiều. Vâng, để viết những bài này thành công, đòi hỏi kiến thức văn của anh phải rộng khắp, tầm trí tuệ phải lớn, nghị lực đọc phải bao trùm, sức làm việc phải cần mẫn, công tâm thì mới mong có được một bài viết ấn tượng; để giới văn chương tâm phục, khẩu phục. Những dẫn luận, những nhận định của anh phải đúng, trúng với phong cách của mỗi tác giả. Tựa như Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”, chỉ mấy dòng trong lời dẫn, ông đã khái quát được cốt cách, phong thái của những nhà thơ; trải qua sự sàng lọc của thời gian đã minh chứng cho sức sống lâu bền của mình: “Chưa bao giờ người ta thấy một hiện tượng cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Và một nhận định khác cũng tương tự như thế: “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
Khép lại mỗi bài viết, ở các đoạn kết bài, ta thấy tác giả Trịnh Vĩnh Đức luôn nói lên một niềm tin về những loại hình mà các tác phẩm văn học của xứ Thanh đã ra đời trong những chặng đường vừa qua luôn hấp dẫn. Với đà này, cùng với sự kế tục những thành tựu từ cha anh, tác giả tin tưởng vào nền văn học xứ Thanh trong tương lai sẽ tiếp tục tỏa sáng trên văn đàn của cả nước. Bởi sự cống hiến không ngừng nghỉ của đội ngũ viết trẻ đầy tiềm năng, sẽ hứa hẹn cho ra đời những tác phẩm thật sự có giá trị cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, để xứng tầm và theo kịp với diện mạo của một xứ Thanh đang hàng ngày thay da đổi thịt về một nền kinh tế năng động, trụ cột của cả vùng và khu vực. Chỉ có thế, chúng ta mới hòa mình vào dòng chảy vô tận của nền văn chương nước nhà đang lớn mạnh cùng thế giới. Đó phải vừa là bản sắc riêng không dễ bị trộn lẫn, pha tạp. Lại cũng vừa phải tiếp nối cùng dàn đồng ca của cả dân tộc, để gặt hái những thành tựu cho chúng ta mãi tự hào về một nền văn học xứ Thanh thật bề thế và xứng tầm, để giới phê bình văn học như anh Trịnh Vĩnh Đức mãi viết lên những bài ngợi ca, tôn vinh và nể trọng. Đích cuối cùng là “Điểm hẹn văn chương” sẽ được xuất bản nhiều tập, nhiều kỳ cùng với những gương mặt mới, cho ta nhiều tin yêu và nhiều hy vọng.
P.V.D