NGUYỄN HUY SÚC
Vượt qua sóng gió
Truyện ngắn
1. Thấy chồng về Thủy mừng quýnh lên: “Sao mà thiêng thế! Em ăn rồi. Đang định đánh thức hai thằng dậy để các cu cậu ăn cho kịp. Thằng Tấn đến trường, còn thằng Tới, em tính đưa sang cô giáo Lam, nhờ cô khi đến trường đưa nó đi theo”. Tư cười, âu yếm nhìn vợ: “Đêm qua tàu về muộn, định bụng kiếm khách làm một “cuốc”, bỗng có người gọi đúng tên mình. Thì ra là con Trâm”. “Trâm đi đâu mà về muộn thế?”. “Bà mẹ ốm nằm ở Bạch Mai. Tuần này đến phiên ông Lực chăm bà. Chiều qua ông Lực ra thay”. Xuống ga nó đang ngó nghiêng kiếm xe lại gặp anh. Nó hỏi anh cũng xuống tàu à. Anh trả lời đang hành nghề xe ôm. Nó cười, cho anh là nói xạo. Anh thề với nó là thật một trăm phần trăm. Nó bảo thế có quý nhân phù trợ rồi! Đưa nó về đến nhà đã gần một giờ sáng. Anh định ra về nhưng thằng chồng nó không nghe. Chồng nó bảo đường sá bây giờ dễ đi, nhưng khuya khoắt khó lường. Đêm nào chả có bọn choai choai nghiện hút, đua xe trên đường... Anh bảo phải về để sáng đưa hai thằng đến trường. Hắn bảo năm giờ hắn đánh xe xuống thành phố lấy hàng, cho xe máy lên ô tô về thành phố một thể. Thằng con hắn dọn cháo gà ra, chả con Trâm gọi điện về báo trước. Con Trâm húp vài thìa rồi đi nằm. Anh với thằng chồng nó cà kê, vừa ăn vừa trò chuyện gần ba giờ mới đặt lưng một tý. Năm giờ hắn kêu dậy, hai bố con hắn đã đưa cái xe máy của anh lên khoang sau của cái bán tải rồi. Đến đoạn đê con chạch ở Nam Ngạn hắn ghé đít cái bán tải thả cầu cho xe anh xuống. Hắn bảo vào làm bát phở rồi về. Đang ngang bụng nên anh bảo thôi. Anh phải về cho kịp em đi làm, hai thằng đi học. Anh không lấy tiền xe nhưng hắn không nghe”. Vừa nói Tư vừa móc túi ra một đồng năm trăm ngàn. “Ấy chết! Sao lấy nhiều thế?” - Thủy có vẻ hoảng hốt. “Anh đã lên xe nổ máy rồi hắn ta cứ nhét vào túi đẩy anh đi. Ai ngờ nhiều vậy!”.
2. Mẹ Tư ốm phải đi viện rồi bà mất đúng vào thời điểm Công ty cổ phần giày Vạn Thiện của Tư đang cắt giảm nhân công vì hậu Covid do thiếu đơn hàng. Công ty may Hồng Hoa của Thủy có một số hợp đồng dài hạn, còn cầm cự và giữ chân công nhân. Không còn tăng ca, công ty cho công nhân luân phiên nghỉ ngày chẵn, ngày lẻ. Thủy có bà bác họ bán hàng khô ở chợ Vườn Hoa tìm giúp việc dọn nhà cho các gia đình trên phố theo giờ. Mỗi ngày một nhà. Ngày thường, hôm từ năm rưỡi chiều đến chín giờ tối, hôm từ sáu giờ đến chín giờ tối. Thủy khéo sắp xếp, biết việc lại chăm chỉ nên ngày nào Thủy cũng có việc.
Rồi Công ty may Hồng Hoa có thêm đơn hàng. Thủy được gọi trở lại công ty. Làm việc được hơn ba tháng thì trưởng ca đề nghị lên Giám đốc điều hành bố trí Thủy vào chân tổ trưởng chuyền may thay cho người tổ trưởng cũ nghỉ vì sức khỏe yếu không chịu được áp lực công việc. Thế là qua nhiều năm phấn đấu trở thành một công nhân giỏi tay nghề ở tất cả các cung đoạn đến may hoàn thiện được một sản phẩm, giờ Thủy làm công việc lập kế hoạch, phân bổ thời gian và phân công điều phối sản xuất chi tiết trong chuyền may cho hai mươi lăm máy. May nhiều mã hàng khác nhau, ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ở vị trí công việc mới, Thủy luôn sâu sát gần gũi, đánh giá đúng năng lực làm việc của từng công nhân, động viên chị em, nhắc nhở họ bảo vệ sức khỏe, giữ gìn máy tốt, thảo luận rõ từng chi tiết kỹ thuật may với từng người. Nhờ phát huy những ưu điểm và hạn chế nhược điểm của từng loại nên các sản phẩm của tổ Thủy hầu như không có sai sót. Không những Thủy được nâng lương tương xứng với vị trí tổ trưởng chuyền may, Thủy còn có quyền đề nghị lên trưởng ca và Giám đốc thưởng, nâng lương hợp lý cho những chị em hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
3. Tư chưa được Công ty cổ phần giày Vạn Thiện ký lại hợp đồng. Thủy bàn với chồng đi học lái xe rồi có ít vốn lâu nay tích cóp được, vay thêm ngân hàng mua cái ô tô làm anh lái taxi. Tư thấy như vậy lâu giải quyết được khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, còn thêm chuyện trả nợ ngân hàng. Tư bảo để anh làm tài xế xe ôm, đánh nhanh thắng nhanh. Mua thêm một cái xe máy không phải là đầu tư lớn mà giải quyết thiết thực ngay cho cuộc sống. Không được vừa lòng lắm nhưng Tư kiên trì thuyết phục nên cuối cùng Thủy đồng ý. Thế là Tư trở thành anh xe ôm. Trước, sáng cơm nước xong, con cái, dọn dẹp đã có bà, hai vợ chồng chỉ lo đi làm. Tư đèo vợ đến Công ty may Hồng Hoa còn mình đến Công ty cổ phần giày Vạn Thiện. Bây giờ hoàn toàn khác. Sáng, sáu giờ rưỡi Thủy đã phải đi làm. Tư ở nhà lo cho hai con ăn. Thằng lớn tự đạp xe đến trường, Tư phải đưa thằng nhỏ đến lớp rồi đi khách.
Tuần đầu Tư lên ga tàu. Mỗi ngày đón được hai, ba khách về huyện. Mới hành nghề, như vậy là khả quan. Tuần thứ hai, mới ngày đầu tuần đã có một tay thanh niên cao to, mặc may ô đen để lộ hai cánh tay xăm hình rồng phượng lại hỏi: “Này, mày ở đâu dạt về đây? Mày không hiểu luật lệ là gì hả?”. “Anh nói gì, tôi không hiểu!”. “Đất có thổ công, sông có hà bá chứ! Mày có biết ai điều hành bến bãi ở đây không? Nạp tiền bến bãi đi!”. “À là ra thế! Khách chưa có lấy tiền đâu ra mà nạp!”. “A cái thằng này, mày muốn tan xe hả?”. “Chỉ còn trên răng dưới cát tút thôi! Cái xe là bạn đồng hành. Đập được thì cứ đập! Đây nói trước: Đập thì đập nhưng phải sửa trả lại nguyên trạng đấy nhá!”. “A! Mày thách bố mày hà?”. “Không phải là thách. Mày tưởng tao sung sướng lắm khi ra đây đứng đón khách đi xe ôm chắc? Cùng đường rồi!’’. “Cùng đường của mày khác với chuyện mày phải nạp tiền bến bãi cho tao!”. “Sao lạ đời vậy?”. “Chuyện thường ngày mà! Mày cứ làm như mày mới ở thế giới khác đến không bằng!”. Hai bên đang đôi co thì có hai anh công an đi qua đến đứng ở gần cửa khách ra vào ga. Thằng đang đòi tiền bến bãi lảng đi chỗ khác. Tư định chuyển chỗ đứng chờ khách thì bà hàng nước chào mời đon đả ra chiều thông cảm nên Tư vào làm chén nước. Ngồi uống trà mà tai vẫn lắng chờ tiếng còi tàu, mắt chăm chú nhìn lối cửa hành khách ra vào sân ga. “Này chú, đối đáp với bọn ấy làm gì cho khổ! Ở đây bọn chúng lộng hành lắm. Công an dẹp không xuể! Chú quê ở đâu?” - Bà hàng nước bắt chuyện. “Dạ! Cháu ở bên kia sông”. Tư đang trả lời bà hàng nước thì tàu khách Vinh ra. Tư trả tiền nước rồi đi đón khách ra cửa. Một anh bộ đội trẻ từ trong sân ga ra đang đảo mắt không hiểu tìm xe hay tìm người nhà. Tư đánh bạo hỏi: “Chú em đi xe không?”. “Anh cho em về làng Tân Hà, đoạn gần Âu Thuyền”. “Lên xe đi. Đưa ba lô anh để đằng trước cho”. Tư không mặc cả với khách như mọi lần vì anh cũng muốn nhanh đi khỏi nơi này. Anh lính trẻ cũng không hỏi giá mà lên xe ngay. Đi được một đoạn Tư hỏi: “Chú em đi bộ đội được mấy năm rồi?”. “Dạ! Hơn hai năm”. “Được nghỉ phép hay là xuất ngũ?”. “Em về phép để tháng sau em nhập học Trường Đại học Trần Quốc Tuấn”. “Trường Sỹ quan?”. “Vâng! Học hết lớp mười hai, em đi nghĩa vụ quân sự. Nay cấp trên cho đi học để phục vụ lâu dài trong quân đội!”. “Thế thì tươm rồi! Bây giờ kiếm được suất như vậy đâu có dễ!”. “Dạ! Anh quê ở đâu?”. “Bên kia sông. Xã Hoằng Thịnh. Trước anh cũng là lính nghĩa vụ. Ở F325, ra quân đi học công nhân kỹ thuật”. “Thế thì em với anh là đồng hương một nửa rồi. Mẹ em cũng người Hoằng Thịnh. Hồi trẻ bà lên đây bán rổ rá rồi hai ông bà bén duyên nhau!”. Vui chuyện, chẳng mấy chốc đã đến Âu Thuyền. Khi xuống xe anh lính trẻ đưa trả Tư tờ một trăm ngàn đồng. Tư trả lại bảy chục ngàn. Anh bộ đội không nhận, “Có là bao lăm, anh cầm lấy làm cốc nước mát!”. Tư vừa nhét chỗ tiền thừa vào tay anh bộ đội vừa nói: “Anh chở chú em đến đâu chú em trả tiền đến đấy là được. Còn chuyện anh em mình mời nhau cốc nước lại là chuyện khác. Cặp nhíp vậy sao được”.
Đã mười giờ trưa. Tư không quay lại ga tàu mà về nhà. Tư bật cái loa rao mua mấy thứ đồ điện tử hỏng như anh thường làm từ hôm bắt đầu làm xe ôm, Tư đã ăn mối đổ hàng cho ông Hải An, bên Hoằng Nghĩa. Giọng nói thanh trong từ chiếc loa ở giỏ xe vang ra: “Ai bán iphone hư, laptop hỏng, tivi siêu mỏng hỏng không?”, như là nguồn động viên Tư vượt qua nóng bức. Về đến làng Vĩnh Trị có một ông gọi bán cho Tư cái tivi siêu mỏng bị vỡ màn hình thấp hơn ba giá ông Hải An đã hẹn nhập. Qua làng Nguyệt Viên, có anh chàng gọi bán cho Tư một máy tính bảng hỏng. Tư cầm cái máy tính bảng, ưng lắm nhưng chưa hỏi giá nhập loại máy tính bảng với ông Hải An nên Tư chỉ hỏi giá rồi hẹn chiều quay lại.
Đưa thằng nhỏ đến lớp, Tư đang định đi thu mua đồ phế liệu điện tử thì ông Luyến thôn Lay gọi nhờ chở ông lên bệnh viện khám bệnh. Đến bệnh viện, ông Luyến vào khám, Tư ra gốc cây xà cừ ngồi chờ thì gặp cò Tĩnh, bạn thời lính nghĩa vụ ở F325. Hết nghĩa vụ, ra quân Tĩnh và Tư tiếng đều là người xứ Thanh nhưng khác huyện thành ra tình cờ hôm nay lại gặp nhau. Tĩnh ra quân được ông chú xin cho làm chân bảo vệ bệnh viện. Tĩnh hỏi Tư đi khám bệnh hay đi thăm ai. Tư nói chở người đi khám bệnh. Họ khám bệnh xong lại chở về. Vừa giao ca xong, Tĩnh kéo Tư vào hàng nước. Tư kể ra quân Tư làm công nhân Công ty cổ phần giày Vạn Thiện nhưng Covid nên công ty cho nghỉ chưa ký lại được hợp đồng đành tạm làm anh xe ôm. Tĩnh có nghe hiện nay nhiều người đang thất nghiệp do ảnh hưởng Covid. Nay tình cờ gặp nhau, Tĩnh và Tư mới có dịp tâm sự giãi bày... Tĩnh kể mình làm chân gác cổng bệnh viện, tuy lương thấp nhưng ổn định. Vợ Tĩnh lại nhờ được bên ngoại dưới miền biển, hàng ngày vợ Tĩnh vẫn chạy xe máy xuống ngoại cất sỉ cá tươi về chợ làng bán thành ra hai vợ chồng cũng tạm đủ nuôi được bố già và hai con ăn học... Còn Tư kể cho Tĩnh nghe vợ mình sau hai tháng nghỉ việc do công ty ít đơn hàng nay đã được công ty may gọi đi làm lại. Tư chạy xe ôm, chiều về không có khách, mở cái loa gắn trong cái giỏ ở đầu xe rao mua các đồ điện tử hỏng nhập cho ông Hải An. Có hôm gặp người lên đời xe đạp điện bán xe cũ Tư cũng mua; về tu sửa lại thật chắc chắn, bán cũng lãi dăm trăm. Nói chung là gặp gì làm nấy; miễn là không phạm luật pháp mà có tiền là được... Bài toán làm anh tài xe ôm hơi bị chát! Mới lên ga tàu đón khách tuần trước, tuần sau đã có thằng lại dọa nạt đòi thu tiền bến bãi. Thật cay cú cho sự đời định chơi nhau một trận cho hắn biết! Nhưng lại còn vợ con đành phải kìm cơn tức, biết làm sao được! Tư trông cho Công ty cổ phần giày Vạn Thiện có nhiều đơn hàng để được ký lại hợp đồng đi làm. Tuy ở bộ phận điều khiển máy ép đế giày độc hại thì có biện pháp phòng độc, có phụ cấp độc hại, thu hoạch cao hơn các bộ phận khác. Nhờ có Công ty cổ phần giày Vạn Thiện và Công ty may Hồng Hoa mà mấy năm nay vợ chồng Tư mới nuôi được mẹ già với hai thằng con ăn học, và chống chọi được với hàng trăm thứ phải tiêu tiền. Nghe Tư nói, Tĩnh cho là chuyện tiêu pha của vợ chồng Tư cũng như vợ chồng Tĩnh, là chuyện thường ngày ở làng xã. Tĩnh bàn với Tư chuyển xuống đứng ở cổng bệnh viện đón khách. Nhiều người ra viện cần về bằng xe ôm vì say xăng không đi được taxi. Vả lại đi xe ôm ít tiền hơn đi taxi, là điều mà không ít người nhà quê chọn cho hợp với túi tiền khi vừa trải qua những ngày nằm viện. Tĩnh gác cổng bệnh viện, mấy anh xe ôm và tài xế taxi ngày nào chẳng phải nhờ anh cho qua mọi chuyện để họ vào bệnh viện đón bệnh nhân xuất viện, gạ họ đi xe ôm. Chuyện Tĩnh dàn xếp cho Tư một chỗ đứng ở cổng bệnh viện đón khách đi xe ôm đối với Tĩnh là chuyện nhẹ như cái kim.
Thế là Tư lên cổng bệnh viện đón người xuất viện cần đi xe ôm. Ngày nào cũng có chuyến đưa bệnh nhân về huyện, đấy là chưa kể nhiều hôm còn đưa người nhà bệnh nhân lên trung tâm thành phố tìm mua những thứ thuốc mà các hiệu thuốc ở cổng bệnh viện không có…
4. Tư xem lại hơi hai bánh xe cho Thủy. Tư cười, nói với vợ: “Mai kia bên giày Vạn Thiện có nhiều đơn hàng, anh trở về việc làm cũ thì ổn. Nếu không phải chờ lâu, anh tính xin quyết định thôi việc ở Vạn Thiện, nhận lại sổ bảo hiểm, làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp rồi đi xin việc nơi khác. Nếu không xin được việc thì tiếp tục làm tài xế xe ôm, bon bon trên từng cây số, kiêm luôn việc hậu cần bếp núc, đưa đón con đi học và kiếm thêm bằng thu mua các phế liệu điện tử... Tiếp tục đóng các loại bảo hiểm để về già kiếm cái sổ hưu. Mẹ mày cứ an tâm làm việc ở Công ty may Hồng Hoa. Nay mẹ mày đã là tổ trưởng chuyền may, biết đâu rồi mẹ mày sẽ lên trưởng ca rồi quản đốc điều hành thì anh và các con cũng được thơm lây đấy nha!”. Thủy cười, đưa hai tay đấm thình thịch lên lưng chồng. “Ấy chết! Mẹ mày đánh tầm quất ban đêm thì được chứ bây giờ thì xở mà đi làm không lại muộn, bà tổ trưởng chuyền may thân m…ến ơ...ơi!”.
Thủy xắc lại cái túi đeo bên hông, định lên xe thì anh Tranh cùng phân xưởng đế giày phóng xe đến nói với Tư: “Ông lên công ty ngay!”. “Có chuyện gì mà có vẻ gấp gáp vậy?” - Tư chưa kịp hỏi thì Thủy đã hỏi anh Tranh. “Chuyện bọn chủ công ty bấy lâu không đóng các loại bảo hiểm cho nhiều anh em công nhân mình!”. “Lại có chuyện đó?”. “Thế mới đáng nói. Cách đây ba hôm cậu Toàn, anh con Liên kế toán mới phát hiện ra công ty không đóng các loại bảo hiểm cho một số công nhân. Đâu chỉ đóng các loại bảo hiểm cho năm, sáu chục phần trăm số công nhân thôi. Bỏ ngoài sổ sách hơn một trăm công nhân không mua các loại bảo hiểm. Chuyện ấy là chuyện công ty làm vớ vẩn, trúng vào anh nào thì bây giờ anh ấy biết lấy giấy tờ đâu mà xin trợ cấp thất nghiệp và đi xin việc nơi khác? Mất không khoản 10,5% lương bấy nay công ty khấu trừ để mua các loại bảo hiểm. Chưa biết ai có, ai không nên cả mấy trăm con người đang chờ trên sân văn phòng công ty đòi phải giải thích việc tày trời này. Tôi đi báo cho tất cả những người đang nghỉ việc biết, lên để ta cùng đấu tranh với chủ công ty. Ông đi ngay nhá!”. Tư thần người ra. Tư đứng như chôn chân xuống đất. Rồi sự choáng váng qua đi, Tư phân bua: “Thế thì bỏ mẹ rồi! Tôi còn nhớ như in, ngày ký bản hợp đồng vô công ty, người ta giải thích cho tôi những điều có trong hợp đồng. Trong đó điều ba nói về nghĩa vụ, quyền hạn và quyền lợi của người lao động, chỗ nói về chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là hàng tháng, người lao động đóng 10,5% tiền lương của mình; Người sử dụng lao động đóng 21,5% theo mốc tiền lương trả cho người lao động để mua các loại bảo hiểm cho người lao động. Có như vậy, người lao động chúng mình khi ốm đau, mới được điều trị, về già mới có lương hưu; không may giữa chừng thất nghiệp mới có trợ cấp để chờ việc hoặc đi tìm việc nơi khác. Tháng nào công ty cũng trừ 10,5% tiền lương của ta để đóng các loại bảo hiểm thì công ty cũng phải bỏ tiền ra cùng đóng ba loại bảo hiểm cho ta như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động chứ!... Năm, sáu năm nay công ty làm ăn thuận buồm xuôi gió, mới gần đây mới có chuyện Covid chứ. Ai ngờ bây giờ lại như thế. Thế thì tôi phải đi ngay để cùng anh em làm cho ra môn ra khoai. Chúng ta có thể thông cảm với công ty về những khó khăn ở giai đoạn này, nghỉ không lương để cùng họ vượt qua khó khăn. Nhưng chúng ta không thể tha thứ cho sự man trá của họ. Đi thôi!”.
Thủy nán lại nghe chồng mình và anh Tranh phân bua với nhau, chị ngỏ ý với hai người: “Theo em, bây giờ các anh phải thật bình tĩnh. Phải dựa vào Công đoàn để tìm ra cách giải quyết”. “Trời! Công đoàn ở công ty là người được chủ công ty nuôi thì giải quyết được gì?”. “Công đoàn em nói đây là Liên đoàn Lao động tỉnh. Còn ta cũng phải thông cảm cho cán bộ Công đoàn ở công ty, họ là bán chuyên trách, lương do công ty cấp nên chuyện họ chỉ giải quyết được những việc ở phạm vi nhất định trong lĩnh vực vệ sinh lao động và an toàn lao động… là điều dễ hiểu. Những việc như thế này ta phải nhờ đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan hữu quan can thiệp. Trước mắt, chưa nên tập trung đông người mà chỉ cần cử một số người đại diện cho công nhân cùng với cán bộ Công đoàn công ty gặp chủ công ty xem sao. Nếu chủ công ty nhận thấy việc lâu nay không đóng và đóng không đầy đủ bảo hiểm cho công nhân là sai, đồng ý chuyển tiền lên cơ quan bảo hiểm đóng đầy đủ cả ba loại bảo hiểm cho toàn thể anh chị em công nhân thì ta dừng tại đây. Nếu chủ công ty không chịu thực hiện đúng những điều cam kết trong hợp đồng lao động thì ta phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, cơ quan bảo hiểm và các ban, ngành liên quan thì mới giải quyết được. Có câu sự thật đốt không cháy, bỏ xuống nước không chìm! Lạt mềm buộc chặt, các anh ơi! Nóng nảy lúc này chưa chắc đã giải quyết được những điều như ý”.
5. Buổi tiếp xúc giữa Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giày Vạn Thiện và đoàn đại biểu đại diện cho công nhân được diễn ra. Tư được cử đại diện cho công nhân, anh mở đầu bằng việc đề đạt nguyện vọng của một số anh chị em nghỉ việc mấy tháng nay muốn công ty cho thanh lý hợp đồng lao động và xin lại sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gốc để anh chị em đến Trung tâm dịch vụ việc làm xin trợ cấp thất nghiệp hoặc đi xin việc ở nơi khác vì đã ba tháng nghỉ việc, đời sống anh chị em hiện tại rất khó khăn. Đại diện công ty trả lời lấp lửng, không dứt khoát. Tư đành phải hỏi thẳng đại diện công ty: “Thưa Chủ tịch, hàng tháng công ty vẫn khấu trừ 10,5% lương của mỗi chúng tôi để đóng các loại bảo hiểm nhưng có nguồn tin cho chúng tôi biết là đã mấy năm nay công ty chỉ mua các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho gần một nửa số công nhân trong công ty. Trong số những người được mua các loại bảo hiểm, công ty lại mua thấp hơn mức lương của mỗi người chúng tôi được lĩnh. Thưa Chủ tịch, việc đó có hay không?”. “Công ty có mua các loại bảo hiểm nhưng chưa được đầy đủ cho mọi công nhân vì có người vào trước, vào sau; có một số người tăng lương nhưng chúng tôi chưa kịp điều chỉnh lại việc đóng các loại bảo hiểm theo mức lương mới. Việc này là việc nội bộ của công ty, chúng tôi sẽ có biện pháp giải quyết”. Tư nói thẳng với chủ công ty: “Thế là hàng tháng công ty vẫn trừ 10,5% lương mỗi công nhân trong toàn công ty để mua các loại bảo hiểm nhưng công ty chỉ mua cho một số công nhân, số còn lại không được công ty mua các loại bảo hiểm, như vậy số công nhân ấy có phải là lao động lậu không, thưa Chủ tịch?”. “Đây là công ty chưa kịp nộp danh sách lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, và cơ quan bảo hiểm chứ nào có phải là lậu”. “Sao nhiều người là công nhân của công ty đã một năm, thậm chí là nhiều năm mà công ty lại không báo lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, và mua các loại bảo hiểm cho họ. Số công nhân được công ty mua các loại bảo hiểm thì công ty lại mua ở mức thấp hơn số lương được hưởng, đồng nghĩa với một phần của 10,5% lương người được mua và toàn bộ 10,5% lương của những người công ty không mua vẫn còn nằm trong công ty ta từ nhiều năm nay là có thật. Bây giờ một số công nhân đang nghỉ việc cần có sổ bảo hiểm gốc để xin trợ cấp thất nghiệp hoặc đi xin việc nơi khác thì công ty định thế nào?”. “Chúng tôi sẽ đóng các loại bảo hiểm cho tất cả công nhân có hợp đồng lao động. Nhưng chưa phải bây giờ! Chờ cho một thời gian để nữa chúng tôi bố trí kinh phí rồi sẽ làm việc với cơ quan bảo hiểm!”. “Một thời gian là bao nhiêu? Xin Chủ tịch cho ngày, tháng cụ thể?”. “Còn tùy vào cơ quan bảo hiểm!”. “Không phải là cơ quan bảo hiểm mà chính công ty ta, thưa ông Chủ tịch”. “Các ông chưa hiểu hết khó khăn của công ty!”. “Chúng tôi đã từng xem công ty như gia đình mình, rất thông cảm với những khó khăn của công ty trong và sau đại dịch Covid nên mấy tháng nay chúng tôi đã nghỉ việc không lương, đồng hành cùng công ty vượt qua những khó khăn. Nhưng các ông đã lừa dối chúng tôi. Các ông không làm đúng những điều cam kết trong hợp đồng lao động ngay từ trước khi xảy ra dịch Covid”. “Công ty đang trong giai đoạn ưu tiên tài chính tập trung cho lộ trình đa dạng các ngành nghề kinh doanh để tiến tới thành lập Tập đoàn Vạn Thiện!”. “Anh em công nhân và người lao động chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong lao động sản xuất để tạo ra lợi nhuận cao cho công ty, tạo nên uy tín và thương hiệu cho công ty. Các ông mua hàng loạt biệt thự, nhà hàng và khách sạn ở thành phố biển; thành lập thêm công ty sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ; làm những khu nhà xưởng cho thuê hoặc bán kiểu như bất động sản công nghiệp... Còn bây giờ chúng tôi nhận được từ các ông là thế này đây!...”. “Tất nhiên là muốn phát triển thì nguồn tài chính không chỉ nhìn vào một mình công ty này mà chúng tôi phải có nhiều nguồn để mở rộng các ngành nghề kinh doanh, nhiều công ty con... Vì vậy chúng tôi phải ưu tiên giải quyết cho sự phát triển trước việc xử lý các loại bảo hiểm của công nhân!”. “Nếu các ông nhìn sự việc thực hiện cam kết những điều trong hợp lao động giữa các ông và công nhân chúng tôi theo cách đó thì buộc chúng tôi phải nhờ các cơ quan có thẩm quyền can thiệp?”. “Các ông báo cáo lên cơ quan nào là quyền các ông. Nhưng các ông nên nhớ rằng: Đi đâu rồi cũng không khỏi tay chúng tôi giải quyết! Nhưng chưa phải lúc này!”.
Cuộc đối thoại giữa Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giày Vạn Thiện và đoàn đại biểu đại diện cho công nhân không kết quả. Không còn con đường nào khác, đại diện cho công nhân làm đơn khiếu nại gửi lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh.
Một đoàn thanh tra gồm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh vào cuộc. Qua thanh tra, đã chỉ ra cho Công ty cổ phần giày Vạn Thiện thấy những sai phạm trong việc thực hiện Luật Lao động không phải là do công ty khó khăn về tài chính mà do cách nhìn phiến diện của lãnh đạo công ty về tiến trình phát triển công ty nên đã dẫn đến sai phạm Luật Lao động tới mức cấu thành vụ việc có thể phải giải quyết tại Tòa dân sự thành phố nếu công ty không tự khắc phục ngay những sai phạm, thực hiện đúng Luật Lao động...
Công ty cổ phần giày Vạn Thiện đề nghị với đoàn thanh tra cho công ty nộp tiền phạt theo quy định của nhà nước về việc đã để ngoài báo cáo một số công nhân và người lao động. Công ty sẽ khắc phục triệt để các sai phạm trong thực hiện hợp đồng lao động giữa công ty với công nhân và người lao động.
Mùa Xuân, 2023
N.H.S