LÊ NGỌC SƠN
Mối tình đầu
Truyện ngắn dự thi
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc chín giờ ba mươi phút. Đứng đợi ở sảnh đến của các chuyến bay quốc tế là bố mẹ Hoàng và các bạn của anh. Trời tháng chín, Hà Nội vẫn còn nóng hổi, trái ngược hẳn với tiết trời lạnh co ro của London ngày hôm qua, khi anh từ thành phố Sheffield lên thủ đô để bay trở về Việt Nam. Nếu không phải vì bố điện thoại sang báo bác gái ốm nặng, sắp không qua khỏi, và bảo Hoàng về gặp bác lần cuối, thì có lẽ Hoàng đã ở lại Anh quốc thêm một thời gian nữa. Hoàng kéo chiếc vali vào nhà vệ sinh, cởi bỏ chiếc áo len và thay vào đó chiếc áo sơ mi mỏng, rồi lại ra băng chuyền nhận hành lý. Hoàng hồi hộp vì được gặp mọi người. Cũng đã hơn một năm kể từ ngày anh lên đường đi du học, cũng vào một ngày tháng chín Hà Nội nóng hổi như thế này.
Khi Hoàng kéo vali ra khỏi cửa, bố mẹ và các bạn nhận ra, liền vẫy tay rồi chạy lại. Hoàng ôm bố mẹ và vui vẻ bắt tay với những người bạn thân. Trông Hoàng vẫn gầy gò, dong dỏng cao như ngày đi học, chỉ có điểm khác mà sau này mẹ nói lại với Hoàng, là lúc ra sân bay, trông Hoàng như nghệ sĩ vì tóc Hoàng dài quá. Cũng phải thôi, đã bốn tháng nay, từ khi bắt tay vào làm đồ án tốt nghiệp, Hoàng đã không cắt tóc. Anh cứ để vậy, tóc dài quá thì buộc túm lại sau gáy, chỉ một mực chuyên tâm làm sao để đồ án hoàn thành xuất sắc. Hoàng đợi cơ hội để học tiếp lên bậc tiến sĩ, và điểm xuất sắc của đồ án thạc sĩ là điều kiện cần để anh trình bày với giáo sư xin học bổng.
Nói Hoàng chuyên tâm hoàn thành đồ án thạc sĩ thì cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vài tháng nay, như thành lệ quen, cứ vào cuối buổi chiều tự học ở thư viện, Hoàng lại dành ra vài ba chục phút để nhắn tin qua lại với một người bạn mới ở quê nhà. Nói đúng hơn, đó là một cô gái khá xinh đẹp mà một người bạn của anh đã cho nick chat và bảo rằng cô gái này khó tiếp cận lắm. Hoàng bảo sẽ thử xem, rồi cứ thế nhắn tin qua lại đến tận bây giờ. Trước khi trở về Việt Nam, ngoài chiếc ví mua cho mẹ, chiếc đồng hồ mua cho bố và các món quà khác cho người quen, Hoàng còn dành hẳn một buổi để lượn qua cửa hàng The Body Shop mua vài món đồ mỹ phẩm làm quà tặng cho người bạn gái mà anh chưa từng gặp mặt này. Chưa gặp, nhưng qua một vài bức ảnh chụp trên Facebook, Hoàng đã thấy cô gái khá dễ thương, và cô còn trò chuyện khá có duyên nữa. Cô gái đang học năm cuối đại học chuyên ngành du lịch và dồn sức học tiếng Anh. Thế nên, cô cũng có một số bài tập cần tới sự giúp đỡ của Hoàng.
Hoàng về tới nhà thì đã hơn chín giờ tối. Anh vội vàng vào gặp bác gái. Bác đã không thể nói được gì, chỉ hé mở đôi môi. Đôi mắt bác như chực khóc khi mẹ Hoàng đứng bên cạnh nói: “Cháu Hoàng nó về thăm bác đó. Bác có nhận ra cháu không?”. Cầm đôi tay chỉ còn da bọc xương của bác lên, Hoàng ứa nước mắt. Đôi bàn tay này ngày xưa đã cầm tay dạy Hoàng viết những nét chữ đầu tiên. Bác còn là cô giáo dạy Hoàng năm học lớp ba. Đôi bàn tay ấy cầm phấn viết lên bảng trắng để Hoàng ngồi dưới chép bài theo. Giờ đây, khi Hoàng đã khôn lớn và học hành giỏi giang, thì đôi bàn tay của bác không còn cảm nhận được hơi ấm mà bàn tay của Hoàng truyền sang. Đôi bàn tay ấy lạnh lắm. Đêm đó, bác trút hơi thở cuối cùng, cứ như bác chỉ chờ Hoàng về để rồi thanh thản ra đi.
Một tuần lo liệu, mọi sự đưa bác về với ông bà tổ tiên cũng đã chu toàn. Hoàng mới có thời gian để nghĩ về những dự định sắp tới. Hôm qua, anh nhận được email của giáo sư. Vì Hoàng là sinh viên Việt Nam đầu tiên của khoa và có thành tích học tập xuất sắc, nên nhà trường và giáo sư đồng ý cấp học bổng cho Hoàng học lên tiến sĩ, để Hoàng trở thành cầu nối giữa trường và một thị trường giáo dục có nhu cầu du học cao là Việt Nam. Cơ hội quý giá này không phải ai cũng có. Nhưng Hoàng còn phân vân vì nhiều lẽ. Học lên tiến sĩ sẽ mất ít nhất bốn năm, có nghĩa là trong gần ba mươi năm cuộc đời, Hoàng chỉ biết học và học. Những năm tuổi hai mươi là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, Hoàng muốn được tận hưởng thanh xuân của mình, chứ không phải tối ngày ngồi trong phòng thí nghiệm. Hoàng tự hỏi: Học tiến sĩ rồi sau này sẽ làm gì? Sẽ làm nhà nghiên cứu hay giáo sư đại học? Cả hai con đường này đều không phải là lựa chọn yêu thích của Hoàng. Lúc này, Hoàng chỉ muốn xông pha với đời. Thế nhưng, học tiến sĩ ở Anh quốc là cơ hội để sau này Hoàng có thể định cư lâu dài, một ước mơ về miền đất hứa của nhiều người Việt Nam mà anh có cơ hội gặp qua. Nhiều người phải trả những cái giá rất đắt, kể cả mạng sống, để vượt biên qua đây. Thế nhưng, Hoàng nghĩ mình còn nhiều lựa chọn khác. Và điều Hoàng lấn cấn nữa là thời tiết ở Anh quốc lạnh quá. Ở thành phố Sheffield hơn một năm trời mà Hoàng không có ngày nào cảm thấy trời đủ nắng ấm để mặc quần đùi áo cộc ra đường như ở quê nhà. Khi ấy, Hoàng thèm biết bao cái nắng ấm ở quê nhà, vùng đất tận cùng phía Nam của xứ Thanh với biển xanh và cát trắng bao la. Hoàng thèm được tung tăng bơi lội trong làn nước biển xanh mát vào những ngày hè, thèm biết bao. Những điều cân nhắc thiệt hơn giữa việc đi hay ở ấy làm Hoàng đau đầu mấy hôm nay. Anh vẫn chưa trả lời giáo sư và xin thêm thời gian suy nghĩ.
Hoàng có hẹn gặp với người bạn gái vào tối nay. Anh khá hồi hộp dù đã mấy tháng nay trò chuyện và nhắn tin qua lại. Bốn giờ chiều, anh bắt xe lên thành phố Thanh Hóa, rồi mượn chiếc xe máy nhà bác ở đó để tới ký túc xá, nơi bạn của Hoàng đang ở. Ngoài túi mỹ phẩm anh đã mua trước đó làm quà, chẳng hiểu sao Hoàng lại còn tạt vào cửa hàng gần trường mua thêm một hũ kẹo. Có lẽ anh mong chờ những cây kẹo sẽ làm câu chuyện thêm phần ngọt ngào chăng. Hoàng cảm thấy quý mến người con gái này dù chưa từng gặp mặt trực tiếp. Trời về tối, lất phất mấy hạt mưa bụi bay, bóng đèn vàng trên cao chiếu sáng con đường nhựa dẫn vào ký túc xá. Hoàng gõ nhẹ, một cô gái mở cửa cho anh. Hoàng hỏi gặp Uyên, tên cô gái bạn của anh. Phòng ký túc xá có tới năm cô gái, mọi người réo lên: “Uyên ơi, có bạn trai tới gặp này!”. Một cô gái ở giường trong cùng phía trên bước xuống rồi đi ra phía cửa, miệng vội thanh minh: “Bạn thôi, bạn mới mà, đâu phải bạn trai”. Mấy bạn chẳng tha, cứ tiếp tục trêu chọc: “Thì người ta là con trai thì chẳng gọi là bạn trai thì gọi là gì, không lẽ gọi là bạn gái!”. Hoàng cười xòa, đúng là mấy cô nương ở ký túc, các cô hùa vào nhau bạo miệng ra phết. “Anh Hoàng nhỉ? Anh vào phòng bọn em ngồi chơi” - Cô gái chỉ cho Hoàng ngồi đợi ở một chiếc giường còn bỏ trống. Lần đầu tiên gặp gỡ, Hoàng không khỏi trầm trồ trong lòng. Uyên còn đẹp hơn trong những bức ảnh anh đã từng xem qua. Đôi mắt biết cười, chiếc miệng xinh và mái tóc dài đen mượt. Cô sinh viên ngay lần đầu tiên gặp gỡ đã hút hồn chàng trai trẻ thư sinh chưa một mảnh tình vắt vai.
Hộp kẹo anh mua lúc nãy phát huy tác dụng triệt để. Quà thì rõ ràng là dành cho chủ nhân rồi, còn kẹo thì được chia đều cho cả phòng. Mấy đứa lém lỉnh còn bảo: “Anh Hoàng chưa gì mà đã hối lộ cả phòng rồi nhé! Cơ mà chúng em thích”. Nói xong, cả phòng rộ lên cười. Khi đã nhận kẹo rồi thì chúng nó mới tha cho Hoàng để anh cùng Uyên đi uống nước riêng với nhau. Quán chẳng ở đâu xa, ngay gần ký túc xá. Buổi tối, gió thổi nhè nhẹ, làm tóc Uyên bay bay. Sánh bước bên Uyên, lòng Hoàng vui rộn ràng khó tả. Cô gái có vẻ cũng dành cho anh một tình cảm gì đó, dù chưa rõ ràng. Ngồi vào một góc quán trên tầng hai, Hoàng mới có dịp nhìn rõ Uyên hơn, mới nhìn được đôi má lúm đồng tiền khi cô cười. Chiếc má lúm và nụ cười duyên làm Hoàng ngây ngất. Trong đầu Hoàng chợt nảy lên câu thành ngữ tiếng Anh mà anh đã học từ lâu: “Love at first sight” (Yêu từ cái nhìn đầu tiên). Có lẽ nào!
Uyên quê ở Thái Nguyên, vào Thanh Hóa học chuyên ngành du lịch tại trường Đại học Hồng Đức. Nhà Uyên nghèo, có ba chị em gái, và Uyên là con thứ hai. Uyên học đứng đầu lớp, và nếu hoàn thành luận văn tốt nghiệp với điểm ưu, cô sẽ tốt nghiệp bằng giỏi. Thầy giáo chủ nhiệm khoa quý mến Uyên như con em trong nhà, có ý định giữ cô lại làm giảng viên của trường. Thầy còn bảo trường sẽ cân nhắc lựa chọn giảng viên trẻ đi tu nghiệp nước ngoài trong năm tới, nên dặn Uyên phải cố gắng học tiếng Anh để đạt điều kiện đầu vào. Ở tỉnh lẻ, điều kiện học tiếng Anh không được tốt như ở các thành phố lớn, nên yêu cầu điểm IELTS 6.5 không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, Uyên nhìn thấy một tương lai ổn định ở con đường phía trước, nên cô dồn nhiều công sức để hoàn thành mục tiêu vừa tốt nghiệp loại giỏi vừa đạt chứng chỉ tiếng Anh. Càng nghe câu chuyện của Uyên, Hoàng càng thấy cảm phục cô gái đang ngồi trò chuyện với mình. Giọng Uyên nhẹ nhàng, dễ thương, nhưng đằng sau đó là một quyết tâm chẳng khác gì một đấng nam nhi. Hoàng chẳng những yêu vẻ bề ngoài mà còn yêu cả nghị lực của cô gái Thái Nguyên đó. Đã có kinh nghiệm du học, nên Hoàng giúp Uyên vẽ ra một định hướng rõ ràng. Câu chuyện của hai người cứ thế cuốn lấy nhau, miệng nói, ánh mắt nhìn nhau, tình cảm chan chứa. Còn gì tuyệt vời, còn gì đẹp đẽ hơn những con người trẻ tuổi vừa bước vào đời, họ gặp nhau và trao nhau những ánh nhìn, những tín hiệu của một tình yêu chớm nở. Ấy là nụ tầm xuân e ấp hé nụ để đón chờ một mùa xuân sắp tới. Đã gần mười một giờ tối mà câu chuyện của hai con người đó còn chưa muốn dứt. Khi Hoàng đưa Uyên về lại ký túc xá, anh thật thà nói nhẹ: “Hôm nay gặp em, anh rất vui, rất bất ngờ. Không ngờ em dễ thương tới vậy”. Uyên cười bẽn lẽn: “Anh lại chọc em rồi, chọc cả buổi vẫn chưa chán sao?”. Hoàng đáp lời: “Chưa, chưa chán đâu. Cuối tuần này cho anh đặt một cục gạch ở ký túc xá để mời em đi ăn nhé!”. Uyên cười bảo: “Để em xem xét coi cục gạch anh đặt có đúng lúc, đúng chỗ không đã nhé!”.
Chia tay rồi, nhưng đêm đó hai người còn nhắn tin qua lại đến tận hơn một giờ sáng. Lòng Hoàng thổn thức sau lần đầu gặp Uyên. Trong anh dường như đã có một quyết định quan trọng, có thể là bước ngoặt cuộc đời. Anh sẽ ở lại Việt Nam. Hoàng tin rằng, anh đã gặp được người con gái của cuộc đời mình. Nếu anh rời đi, thì có lẽ đó sẽ là điều anh nuối tiếc suốt cuộc đời này. Sáng ngày hôm sau, Hoàng đã có câu trả lời dứt khoát cho giáo sư, anh cảm ơn và nhường cơ hội học tiến sĩ cho người phù hợp hơn. Con đường phía trước đã rẽ sang một bước ngoặt khác, Hoàng đi trên con đường với ước mong về một thanh xuân trọn vẹn.
Chưa đi làm nên Hoàng đăng ký khóa học lái xe ô tô B2. Khóa học kéo dài ba tháng. Mỗi tuần, anh lên thành phố học ba buổi, cả lý thuyết lẫn thực hành. Cuối tuần, thầy cho cả lớp lái xe đường trường. Mỗi dịp lên thành phố, Hoàng đều tranh thủ thời gian buổi tối để gặp Uyên. Anh trở thành khách quen ở ký túc xá. Hoàng nhẹ nhàng, đẹp trai, và mỗi lần đến đều có quà cho cả phòng, nên mọi người đều thích và trông mong anh tới. Tình cảm của Hoàng và Uyên tiến triển theo thời gian. Những tối Uyên có lịch dạy gia sư cho học trò, Hoàng tình nguyện làm tài xế. Tan giờ dạy, Hoàng chở Uyên, khi thì đi uống nước, khi thì đi ăn đêm. Thành phố tháng mười, những cơn gió mát lành và dịu dàng, như cũng hòa quyện cùng tình yêu đôi lứa. Hoàng nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay đang đặt nhẹ bên hông anh, bàn tay không rút lại mà ngoan ngoãn theo anh đi khắp các cung đường của thành phố về đêm.
Gần kết thúc khóa học, Hoàng nhận lời một bác hàng xóm làm phiên dịch để tham gia thầu công trình xây dựng nhà kho chứa vật tư cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn. Buổi gặp gỡ đầu tiên, Giám đốc dự án và Trưởng phòng kế hoạch người Ấn Độ đã ấn tượng với trình độ tiếng Anh và khả năng trình bày phương án kỹ thuật của Hoàng. Khi được hỏi Hoàng đã đi làm đâu chưa, anh nửa đùa nửa thật trả lời: “Tôi đang thất nghiệp, có việc gì phù hợp thì gọi tôi với”. Chẳng ngờ dự án lại thiếu một kỹ sư lập kế hoạch. Ngày hôm sau, Hoàng nhận được điện thoại từ công ty yêu cầu xuống công trường phỏng vấn. Lúc ấy, Hoàng mới tìm hiểu sơ qua về dự án và anh khá ngạc nhiên khi biết rằng dự án Nhiệt điện Nghi Sơn là một dự án rất lớn với vốn đầu tư lên tới cả tỷ đô la. Đây là dự án tỷ đô đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Hoàng háo hức khi có cơ hội làm việc cho một công ty nước ngoài và đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Hôm Hoàng tới công trường phỏng vấn, vào khoảng giữa tháng mười, trời mưa tầm tã, công trường bùn lầy, đi lại rất khó khăn. Nhưng khi vào trong, Hoàng lại thấy một khu văn phòng sáng sủa và rộng rãi. Từng dãy bàn ghế dài xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ai nấy đều mặc đồng phục và cặm cụi làm việc. Lúc đó, Hoàng cảm thấy khá ưng ý. Phỏng vấn xong, Hoàng vào Phòng Nhân sự để đàm phán lương luôn. Vì là người mới, chưa có kinh nghiệm gì, nên mức lương được đề nghị thế nào, Hoàng cũng không quá bận tâm. Đếm sơ sơ, cũng gần cả ngàn đô. Sau này, Hoàng mới biết mình là người Việt được trả lương cao gần nhất trong công ty. Có lẽ công ty coi trọng người tài và Hoàng chính là người họ cần. Bố mẹ Hoàng mừng lắm, vì Hoàng đi làm vừa gần nhà lại lương cao. Thực tâm, mẹ anh bảo rằng giữa việc học tiếp bên Anh và ở lại Việt Nam, là tùy anh chọn lựa, nhưng mẹ vẫn muốn anh ở nhà với bố mẹ.
Còn Hoàng biết rằng, ở Việt Nam, khi đã có công việc ổn định, anh sẽ có điều kiện để lo liệu cho tương lai của mình và Uyên. Lớp học lái xe đã gần kết thúc, chỉ còn chờ ngày thi tốt nghiệp lý thuyết và sa hình. Hoàng chỉ dành cuối tuần lên thành phố, còn trong tuần thì phải đi làm. Thời gian gặp Uyên cũng ít đi, nhưng không vì thế mà tình cảm của hai người thay đổi. Vẫn là những đêm hai người trò chuyện qua điện thoại tới khuya, và cuối tuần thì mong chờ được gặp nhau. Nhận tháng lương đầu tiên, Hoàng hứa sẽ dẫn Uyên đi khao ở quán mà Uyên chọn. Hoàng thật bất ngờ khi Uyên dẫn anh đến một quán đồ ăn chay. Quán ăn được trang trí ấm cúng như một gia đình nhỏ. Chủ quán thân thiện, cởi mở, hỏi khách có vừa miệng không và chân thành mong nhận được lời góp ý. Quán mới mở nên sạch sẽ và đồ ăn rất ngon. Chủ quán khen hai bạn trẻ đẹp đôi làm Uyên e thẹn, còn Hoàng cười thích thú. Tối hôm đó, khi đưa Uyên về ký túc xá, Hoàng mạnh dạn ngỏ lời yêu. Hoàng đã chuẩn bị trước những lời sẽ nói, nhưng khi đứng trước người con gái đẹp, tim anh đập rộn ràng, tất cả những lời chuẩn bị đều quên mất. Hoàng hồi hộp nắm tay, nhìn vào đôi mắt e lệ và đặt một nụ hôn lên môi Uyên. Nụ hôn đầu đời sao xao xuyến đến lạ. Nụ hôn ấy là bảo chứng cho một tình yêu vừa hé nụ, và Hoàng mong chờ sẽ cùng Uyên đi đến cuối con đường. Đêm đã muộn, Hoàng phải về quê để sáng mai đi làm sớm. Khi về đến nhà, Hoàng nhận được tin nhắn của Uyên: “Anh đã là một người đặc biệt trong cuộc đời em. Từ nay anh phải lo cho em và cho cả gia đình em nữa đấy nhé”. Đọc tin nhắn, Hoàng vui sướng biết bao, anh cảm nhận được niềm tin mà Uyên dành cho mình. Để có được niềm tin đó không phải là điều dễ dàng, bởi đằng sau Uyên còn cả một gia đình cần phải chăm lo.
Mấy tháng sau, Uyên tốt nghiệp và được nhận làm giảng viên Khoa Du lịch của trường Đại học Hồng Đức. Cô còn được trường cử đi tu nghiệp tại Singapore trong một năm rưỡi. Khóa học sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm nay, tức là vào khoảng tháng hai. Chỉ còn hơn một tháng nữa là ngày Uyên nhập học. Cô đã thi và đạt chứng chỉ tiếng Anh, và mọi điều kiện cần cho việc du học đều đã đầy đủ. Ngoài phần học bổng mà trường bên Singapore cấp, kinh phí đi lại và ăn ở cũng sẽ được trường của Uyên lo liệu. Tuy nhiên, một yêu cầu là người đi học phải cam kết làm việc cho trường ít nhất năm năm sau khi hoàn thành khóa học tại nước ngoài. Với những điều kiện ấy, tương lai của Uyên đã khá chắc chắn và ổn định. Sau khi học xong, cô sẽ trở thành giảng viên chính thức của trường và gắn bó lâu dài. Còn Hoàng, anh cũng đang bước đi những bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp của riêng mình.
Uyên lên máy bay đi du học, Hoàng xin nghỉ làm để ra sân bay tiễn cô. Hôm đó là lần đầu tiên Hoàng được gặp bố mẹ và em gái của Uyên, còn chị gái thì bận chăm con nhỏ nên không thể đến. Nhưng hôm đó, Hoàng còn gặp thêm một người. Người mà anh đã từng gặp ở ký túc xá hồi mới quen Uyên. Một lần, khi Hoàng tới thăm Uyên, anh thấy người đó đã ngồi trong phòng. Hỏi ra, Uyên bảo đó chỉ là bạn, một người đã thích Uyên mấy năm nay nhưng cô không có tình cảm gì với anh ta. Uyên chỉ coi anh ta như một người anh trai. Hoàng tin vào sự chân thành của Uyên, nên chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Anh lịch sự chào người con trai kia rồi cầm lấy xe đẩy hành lý của Uyên đưa vào trong sảnh chờ làm thủ tục xuất cảnh. Uyên đi bên cạnh, nắm tay Hoàng. Dù không nói gì, nhưng bố mẹ và mọi người đi sau chắc cũng hiểu Hoàng và Uyên là một đôi.
Uyên ra sân bay trước ngày lễ tình yêu mười bốn tháng hai một ngày. Hoàng mua tặng cô một phong sô-cô-la và một bó hoa hồng đỏ thắm. Bó hoa được Uyên nâng niu ôm trước ngực. Trước khi bước qua cổng an ninh làm thủ tục bay, Uyên ôm bố mẹ và em gái chia tay. Rồi, bịn rịn nắm tay Hoàng, cô nói: “Đợi em về nhé!”. Uyên trao cho Hoàng chiếc khăn len tự đan và một nụ hôn thật nhanh, thay lời tạm biệt.
Yêu xa là như thế nào? Là những lời yêu thương qua tin nhắn, là những cuộc gọi điện thoại đường dài, là những mong chờ hồi hộp mỗi khi tin nhắn đến, là cả những hờn giận vu vơ qua những dòng chữ, là khi bặt tăm cả mấy ngày trời mà chẳng rõ bên kia Uyên đang làm gì, rồi một ngày bất chợt nhận được những hình ảnh của chuyến đi chơi mà Uyên chia sẻ với Hoàng. Thế là bao hờn giận lại qua đi, lại là những lời nói ngọt ngào. Nhưng yêu xa, khi tình yêu vừa chớm nở, khoảng cách lại là một thử thách lớn. Có ai đó bảo rằng, yêu xa như một cơn gió thổi vào ngọn lửa tình yêu. Ngọn lửa có thể bùng cháy nhờ cơn gió, nhưng cũng có thể lụi tàn nếu tình yêu chưa đủ bền chặt, gắn bó và tin tưởng.
Hoàng dồn tâm trí và sức lực vào công việc tại công trường. Những ngày cuối tuần, anh không về nhà mà ở lại tăng ca. Sau những ngày mưa chuyển mùa, công trường Nghi Sơn bước vào mùa hè đỏ lửa. Nơi đây là một thung lũng khu công nghiệp có vị trí vô cùng đắc địa: ba mặt được bao quanh bởi núi non, riêng phía Đông nhìn ra biển. Thời tiết vào những tháng hè oi ả không hề dễ chịu. Chảo lửa Nghi Sơn như thiêu đốt mọi thứ. Cái nóng như hun thêm khi làm việc giữa bạt ngàn sắt thép và máy móc. Từ ngày đầu Hoàng tới đây, công trường ngổn ngang máy móc và bùn đất. Nhưng chính từ những ngổn ngang ấy, các kết cấu, bồn bể, đường ống, băng chuyền... cứ thế hình thành. Kết cấu thép đầu tiên của lò hơi số một được dựng lên, đánh dấu một cột mốc quan trọng của dự án.
Uyên nhắn tin bảo Hoàng sang chơi, đang có đợt khuyến mãi vé máy bay không đồng. Hoàng rất muốn nhưng công việc bận rộn khiến anh không thể rời đi. Đành phải từ chối và hẹn khi dự án hoàn thành sẽ bay qua với Uyên. Uyên có vẻ không vừa ý. Đợt đó, chỉ có em gái của Uyên sang. Hoàng biết và nhờ mua bao nhiêu món ăn mà Uyên thích làm quà. Anh dặn một người em tìm mua ô mai hàng Đường, bò khô phố cổ nổi tiếng, rồi nhờ đem ra sân bay. Nhận được quà, Uyên nhắn lại bảo: “Anh muốn làm em béo sao? Nhiều thế này, em ăn cả mấy tháng không hết”. Chỉ có vậy thôi mà Hoàng vui cả ngày.
Gần tết dương lịch, theo lịch Uyên sẽ về nước. Thế nhưng dạo này, Hoàng cảm thấy liên lạc với Uyên thật khó khăn. Nhiều lần anh nhắn tin nhưng phải đợi hơn một ngày trời mới nhận được hồi âm. Gọi điện sang thì Uyên không bắt máy. Hoàng giờ đây đã được giao chức Trưởng phòng kiểm tra chất lượng, công việc nhiều hơn. Đêm giáng sinh, anh phải ở lại công ty tới gần nửa đêm để kịp hoàn thành hồ sơ bàn giao cho chủ đầu tư. Công việc đã xong, nhưng Hoàng chưa về ngay. Hôm nay là một ngày đặc biệt, tròn một năm ngày Uyên nhận lời yêu anh. Hoàng mở máy tính và gõ những dòng đầy yêu thương.
“Vậy là đã tròn một năm từ ngày anh “chính thức” gặp em rồi, nhỉ? Tối hôm đó trời mưa nhẹ. Em có biết lần đầu tiên gặp em ấn tượng của anh là gì không? Trước hôm đó anh đã gọi điện hẹn gặp em, nhưng khi gặp rồi mới ngỡ ngàng, sao lại có người mà cả giọng nói lẫn con người đều dễ thương vậy. Anh nói thật đấy, mà hôm đó em còn bảo anh nói nịnh. Một năm gặp em là một năm đầy những thay đổi với anh. Anh phải đứng giữa những lựa chọn và đưa ra những quyết định khó khăn. Những ngày chờ đợi công việc, rồi đi làm. Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy, vẫn mang theo những điều phải làm cho quê nhà. Nhưng em biết không, mong muốn thì dễ dàng, còn đạt được hay không lại là một điều xa xỉ. Nhưng trong tất cả những điều đến với anh, được gặp em, quen em, nhớ em, và yêu em là điều hạnh phúc nhất mà anh phải cảm ơn cuộc sống này đã mang lại. Em, nụ cười dễ thương của em, nhớ lắm! Giờ này công ty anh đã hết giờ làm lâu lắm rồi. Anh chỉ sợ người ta lại bảo sao anh chăm chỉ quá, chăm chỉ nhớ em đến nỗi còn được tăng ca. Em à, một năm, một chặng đường, anh chỉ ước một ngày nào đó được cùng em đi đến cuối con đường dài. Yêu em!”.
Những dòng thư đầy yêu thương ấy, nhưng chẳng bao giờ nhận lại được một lời hồi âm. Hoàng mơ hồ cảm nhận có điều gì không ổn đang len lỏi trong mối quan hệ của anh và Uyên. Tại sao nàng của anh lại im lặng lâu như vậy? Cứ như thể Uyên đang dần xa lánh anh. Trong tình yêu, người ta bảo rằng ai yêu nhiều hơn, người đó sẽ khổ. Và Hoàng, giờ đây, cảm thấy mình chính là người đang chịu nỗi khổ ấy.
Công việc giãn tiến độ, Hoàng biết Uyên đã về quê ăn tết. Anh cảm thấy buồn vì Uyên không thông báo cho anh ra sân bay đón như lần đi trước. Quyết định tìm đến nhà Uyên, Hoàng lần theo địa chỉ mà có lần Uyên đã nói tới. Sau nhiều lần hỏi thăm, cuối cùng Hoàng cũng tìm được căn nhà của cô. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một ngõ xóm vùng đồi trung du, đi mãi mới đến nơi. Nhà Uyên nghèo, căn nhà cấp bốn lợp ngói, đã xây từ nhiều năm về trước.
Hoàng ngồi trên bộ bàn ghế cũ kỹ trong phòng khách, mắt anh lướt qua những bức ảnh thời thơ ấu của Uyên lồng dưới mặt bàn kính, và những kỷ vật được cất giữ trong tủ chè cũ. Cạnh đó là một bó hoa còn tươi, như thể ai đó vừa mới tặng. Một lát sau, Uyên và mẹ cô đi chợ về. Khi gặp Uyên, Hoàng vui mừng hớn hở, nhưng ánh mắt của cô dành cho anh lại lạnh lùng đến lạ. Ánh mắt ấy, đầy sự xa cách và trách móc, có lẽ cả đời Hoàng sẽ không thể quên. Lời đầu tiên Uyên nói với anh sau một năm gặp nhau: “Sao anh lại tới đây?”.
Thì ra, người xen vào mối tình của Hoàng và Uyên chẳng phải ai xa lạ. Đó chính là người mà Hoàng đã gặp ở sân bay, người mà anh luôn nghĩ rằng chẳng thể so sánh với mình. Hoàng luôn tự tin, tin rằng mình là người được Uyên chọn, là người đủ tốt để bên cạnh cô. Thế nhưng, sự thật không như anh tưởng. Người chiến thắng cuối cùng không phải là anh.
Cứ cho là “không yêu đâu”, nhưng đối thủ của Hoàng lại là trưởng phòng của một cơ quan nhà nước có nhiều bổng lộc, vị trí ổn định, cuộc sống sung túc. Người đó có thể đảm bảo cho Uyên một ngôi nhà rộng rãi giữa thành phố, một tương lai không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền. Bố mẹ Uyên ưng một chàng rể đã thành danh, hơn là một anh chàng mà tương lai còn mờ mịt, đầy những thử thách phía trước.
Hoàng đâu thể ngờ được rằng, ngay từ khi mới bắt đầu, Uyên đã tạo ra ít nhất hai ngách để có thể lựa chọn. Đến lúc gần tốt nghiệp, khi phải đưa ra quyết định quan trọng, khi mọi thứ phải được cân nhắc kỹ càng, Uyên đã chọn cho mình một con đường chắc chắn. Hoàng chua chát: Ừ thì anh chưa có gì, nhưng anh có ý chí, có năng lực, có một tương lai mà anh tin rằng sẽ đủ để lo cho cuộc sống của cả hai. Hơn một năm trời yêu xa, tình yêu ấy đã dần phai nhạt. Ở quê nhà, Hoàng vẫn giữ ngọn lửa tình yêu trong lòng, cháy mãi dù xa cách. Thế nhưng ngọn lửa của người đi xa cứ dần lụi tàn theo những toan tính.
Những ngày tết và sau đó là những ngày đau khổ nhất mà Hoàng từng trải qua. Anh như người mất hồn, không còn thiết tha gì với công việc, không còn muốn làm gì nữa. Anh tự trách mình, tự hỏi vì sao lại để Uyên buồn, để nàng thất vọng. Những khoảnh khắc ngọt ngào của anh và Uyên cứ lặp đi lặp lại trong đầu, những cuộc gọi, những tin nhắn, những lời yêu thương giờ đã trở thành dĩ vãng. Anh gắng gượng đến công ty, cố làm cho hết giờ, nhưng khi về đến nhà, Hoàng chỉ còn một mình trong bóng tối, ôm chiếc laptop cũ kỹ và ngắm lại những bức ảnh của Uyên. Những hình ảnh ấy khiến trái tim anh đau nhói. Hoàng không muốn trở thành kẻ yếu đuối, nhưng anh không thể kìm chế cảm xúc, và cứ thế, nước mắt anh rơi trong đêm.
Một thời gian sau, Hoàng không còn tin vào tình yêu ảo mộng nữa. Cuộc đời đã quật vào mặt anh một vết thương quá lớn. Hết dự án, Hoàng quyết định rời quê, nơi đây có quá nhiều kỷ niệm buồn. Không khó khăn gì, anh tìm được công việc ở một tập đoàn lớn tại thủ đô. Sếp của Hoàng ngay từ buổi phỏng vấn đã ưng bộ mặt điển trai và cái mác bằng cấp, nhận anh làm trợ lý giúp việc. Hoàng cặm cụi, cần mẫn. Dù đối tác trong nước hay quốc tế, các điều khoản hợp đồng đều phải được Hoàng kiểm tra từng câu từng chữ, ký nháy thì sếp mới yên tâm duyệt. Ngày đi làm, tối thu mình trong góc quán bar, nhạc xập xình, rượu mạnh không làm Hoàng say. Anh vẫn giữ chiếc khăn len đan Uyên tặng ngày xưa trong tủ đồ. Mùa đông có lúc Hoàng lấy ra định quàng, rồi nghẹn lòng, vội cất đi. Bạn bè giới thiệu một vài mối khá hợp, nhưng Hoàng chỉ ừ hữ cho qua. Không dễ để anh quên đi một người, mối tình đầu của mình.
Bẵng đi mấy năm, thời gian dần xóa mờ vết thương lòng, thỉnh thoảng Hoàng lại trở về thành phố cũ. Thành phố nơi anh đã gặp và yêu Uyên, mỗi góc phố đều khiến anh đau đớn vì đâu đâu cũng là kỷ niệm. Thằng bạn chí cốt chở Hoàng đến một quán cà phê ở ngoại ô. Mới vài năm thôi mà thành phố đã mở rộng với nhiều khu đô thị mới, những con đường rộng rãi ngày trước giờ trở nên chật hẹp, bởi đâu đâu cũng thấy xe ô tô đậu kín. Quán cà phê rộng tổ chức một hội chợ nhỏ bán hàng thủ công, những món đồ xinh xắn. Nắng nhạt, lao xao tiếng người, phin cà phê chảy từng giọt chậm chạp. Bất chợt, một bóng hình lướt qua khiến tim Hoàng nhói lên. Là Uyên. Uyên đang chăm chú lựa chọn vòng tay nên không nhìn thấy Hoàng. Cạnh bên Uyên là một bé gái tầm bốn, năm tuổi. Hoàng đoán đó là con gái Uyên vì bé giống mẹ quá. Năm năm rồi, nhưng nỗi đau lại cựa quậy khiến Hoàng như nghẹt thở. Anh muốn trốn chạy. Hoàng nhìn ra, thấy Uyên đang cười, nhẹ nhàng ướm chiếc vòng thổ cẩm vào tay bé gái. Nụ cười tươi như hoa, với hàng răng trắng đều. Nụ cười ấy một thời đã làm Hoàng xao xuyến và hạnh phúc. Bé con cũng cười, nét hồn nhiên, trong sáng như một thiên thần nhỏ.
Khoảnh khắc ấy thật kỳ diệu, nụ cười của đứa bé cũng thật kỳ diệu. Hoàng lấy lại nhịp thở bình thường. Rất tự nhiên, anh mỉm cười theo đứa bé. Uyên của anh giờ đây đã là một người mẹ dịu hiền. Cuộc gặp gỡ này, sau năm năm, như một lời khẳng định: chẳng ai sai, cũng chẳng ai đúng trong một mối tình. Nó giống như một chai bia ướp lạnh, khi bật nắp, bọt có phụt lên trắng xóa rồi cũng dần tan đi. Cuối cùng, chỉ còn lại những giọt bia đắng trong lòng cốc thủy tinh. Bia đắng, nhưng không còn sủi bọt nữa. Lòng Hoàng bình yên, như cơn gió buổi chiều thổi qua, mát lịm.
Gói gọn cuộc tình đưa vào trong một ngăn nhỏ của trái tim, đóng khóa lại và quẳng chìa xuống lòng biển sâu. Hoàng trở về đốt chiếc khăn len đan tay Uyên tặng. Thế là hết những kỷ niệm đớn đau. Đêm khuya, đốt thuốc một mình. Có lẽ nốt đêm nay, vết thương lòng sẽ dần khép miệng, vết thương lòng sẽ lên da non. Hoàng thầm đọc đoạn cuối của một bài thơ dang dở: “Hương hoa sữa bên đường cứ gợi/ Một mối tình trong trẻo trước hoàng hôn”.
L.N.S