Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Gió mặn (Truyện ngắn dự thi)
Gió mặn (Truyện ngắn dự thi)

SƠN TRẦN

Gió mặn

Truyện ngắn dự thi

1. Bão gào thét xuyên đêm. Và mưa như thể bao nhiêu nước trên trời đều trút xuống. Khắp làng ngập ngụa nước. Tiếng la hét, tiếng kêu cứu xen lẫn giữa cơn thịnh nộ của đất trời.
Lũ sông Lạch Trường dâng cao, tràn thêm nước vào làng. Mẹ vơ lấy áo tơi, băng vào bóng đêm. Mất hút.
Căn nhà nhỏ run lên từng đợt. Tôi sợ hãi, co ro trong góc giường. Ngọn đèn leo lắt, chao thứ ánh sáng nhàn nhạt, đầy ma mị trên vách.
Đêm ấy, mẹ không về. Suốt mấy ngày sau đó, tôi chạy dọc bờ sông tìm mẹ. Người làng đi thăm đồng phát hiện mẹ nằm sấp bên ruộng muối lấp xấp nước. Toàn thân mẹ nồng vị mặn.
Thoắt mà đã mười lăm năm trôi qua. Chuyện cũ như vết cứa lẹm sâu vào tim, cứ ám ảnh, khiến tôi không thể nào nguôi. Nhìn di ảnh mẹ sau làn khói, nước mắt tôi chực trào. Nhất là vào những đêm mưa gió, một mình trong căn trọ hẹp ở xứ người. 
 2. Tôi quyết định về quê sau mấy lần do dự, sau nhiều đêm trăn trở. Làng Hòa Huân là tên thường gọi, nằm cuối sông Lạch Trường, một rẻo đất hẹp nối với đại dương mênh mông là cồn cát rộng và những ô thạp chứa nước biển để làm muối. Cái làng đã nhỏ lại nghèo này quanh năm hứng gió mặn táp vào mặt bỏng rát. Đến nỗi, trong giấc mơ chập chờn, vẫn còn nghe tiếng ràn rạt của cát lẫn cùng gió mặn, cứ quằn quại xoáy vào những mảnh đời lam lũ, chịu thương chịu khó để gánh gồng số phận.
 Làng tôi có truyền thống làm muối, nghe đâu từ thời xa xưa, đây là sản vật nổi tiếng, từng chọn tiến vua. Cánh đồng muối trải dài, rộng lớn, đầy những ô thạp trắng xóa, đều tăm tắp. Muối ở đất này đều hạt, nồng độ mặn đạt chuẩn hơn hẳn các vùng khác. Lại thường được mùa nên bà con hăng say sản xuất. Họ đi làm từ mờ sáng để kịp be bờ, san ruộng và “nhốt” nước khi thủy triều lên. Đợi vài ngày, dưới cái nắng chói chang, gay gắt, nước dần bốc hơi, lộ những vỉa muối trắng tinh. Cuộc sống tuy nhiều vất vả nhưng thật sự hạnh phúc khi được sống với công việc gia truyền, đắp đổi được sinh nhai. Những cánh đồng muối mặn ấy đã nuôi sống nhiều thế hệ dân làng tôi. Họ lớn lên từ chất mặn mòi của muối, khi rời làng cái vị quê quen thuộc ấy đã lưu sâu trong kí ức trên hành trình thực hiện ước mơ đổi đời. Đã có nhiều người trở về xây dựng lại quê hương. Nhưng cũng có người thất bại phải lạc xứ, không dám quay về. Tôi đôi lần cũng nghĩ, không biết xếp mình vào đối tượng nào. Nhưng tôi phải về quê, bởi nơi ấy còn mộ mẹ, còn nghề muối đã ăn sâu trong tiềm thức. Trong giấc ngủ nhiều mộng mị hình ảnh cánh đồng muối trắng, đoàn người nối dài gánh muối về nhà hay cơn mưa trái mùa sầm sập đổ xuống, cả cánh đồng loang loáng nước, muối tan, những tiếng thở dài ngao ngán… hiện lên rõ mồn một.
 Qua khỏi cầu Đò Lèn, theo con đường lớn, chiếc xe taxi công nghệ chạy xuôi về hướng biển. Nhìn qua cửa xe, cánh đồng trải rộng, lúa vào kỳ đẻ nhánh, xanh mơn mởn. Từng cơn gió nhẹ mang theo vị quê đậm đà đánh thức nỗi nhớ trong tôi. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn khi hiểu rằng mỗi dòng sông, mỗi ngọn núi trên mảnh đất xứ Thanh đều thấm đẫm máu và mồ hôi của bao lớp tiền nhân. Chính dòng chảy của lịch sử và văn hóa ấy đã tác tạo nên dáng hình, nét đặc trưng của vùng miền và đã góp phần định danh cho mỗi ngôi làng, cho mỗi làng nghề truyền thống. 
Xe rẽ vào trục đường mới mở ven sông Lèn, tôi ngạc nhiên khi nhìn về phía bên kia sông. Cảnh sắc hiện lên một màu xanh thẫm. Mẹ tôi từng nói, đấy vùng dệt chiếu nổi tiếng, được người đời ca ngợi bằng câu ca “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng...”. Còn nhớ, lúc tôi còn bé, mẹ theo người làng qua bên đấy cắt cói, phụ việc. Nhớ mẹ, tôi đi tìm và bị lạc. Chạng vạng, mẹ tất tả ngược xuôi và trông thấy tôi đứng khóc ở bến sông. 
3. Tôi là kết quả của cuộc hôn nhân ngoài giá thú. Nhà tôi nghèo, lại không có đất. Mẹ tôi đơn thân, chịu tổn thương, điều tiếng bởi tình cảm không được chấp nhận nên luôn ám ảnh, muộn phiền. Tôi thương mẹ, nhiều khi muốn tìm hiểu ngọn nguồn nhưng mẹ đều can ngăn. 
- Mẹ xin con đấy, con đừng...
Những lúc ấy, tôi rất buồn và giận mẹ. Tôi tự hỏi mẹ có biết tôi phải chịu nhiều oan ức khi phải nghe những lời chì chiết xua đuổi, đại loại “Mày là đứa không cha! Cút đi...” không? Tôi từng thấy mình như bị rơi xuống vực thẳm của tủi nhục khi bị xua đuổi, cười chê. Tuổi thơ thiệt thòi lặng lẽ trôi qua trong nước mắt và ánh nhìn xót xa của mẹ. 
Không hiểu tại sao mẹ lại im lặng như thế, nhiều lần tôi thắc mắc. Mẹ chỉ lắc đầu, bảo: “Lớn lên con sẽ hiểu”. Là đứa trẻ nhạy cảm nên tôi rất dễ tổn thương. Ngay từ bé, tôi không thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa, đúng hơn bọn chúng cố tình đẩy tôi ra khỏi những cuộc chơi, bắt tôi phải thui thủi làm bạn với con mèo, con chó trong nhà hay phải ngước mắt tâm sự với con chim bay về nấp mưa ở mái chùa cổ Cam Lộ hôm theo mẹ đi lễ Phật. Tôi rất ghét các bạn cùng lớp, chúng luôn cô lập và tìm cớ bắt nạt tôi. Tôi từng chống trả, nhìn chúng với ánh mắt đầy phẫn uất. Nhưng rồi lớn lên, tôi đã xem chuyện ngày xưa không đáng quan tâm nữa. Tôi cố gắng học hành tử tế, có việc làm ổn định, lo được cho bản thân. Chỉ điều duy nhất làm tôi băn khoăn, áy náy là ở miền mây trắng nào đấy mẹ có được mỉm cười mãn nguyện?
Tôi bỏ làng để quên đi những lời lẽ rát hơn roi mây quất sưng tấy tâm hồn. Ở xứ người, tôi sống khép kín nhưng lại nỗ lực không ngừng. Tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Giữa phồn hoa, tôi chẳng khác nào chú chim non lạc mẹ. Không kể hết có bao buổi chiều tôi lặng lẽ khóc. Nhớ lần thấy người đàn bà bán muối đạp xe lướt qua phố giữa ban trưa đầy nắng, tôi cất tiếng “mẹ ơi” mà nghe tim mình đau nhói. “Ai muối không?”, giọng đặc sệt vùng miền. Đấy là các chị, các cô làng tôi ư? Tôi dõi theo. Nhưng chỉ thấy bóng lưng đẫm mồ hôi vừa khuất bên góc đường. Tôi hụt hẫng, bẽ bàng. Từ đấy, mỗi buổi trưa, tôi lại có thói quen chờ đợi một điều gì đó quen thuộc ngang qua dãy trọ.
 Những hình ảnh thân thuộc của làng dần hiện lên trước mắt tôi khi xe rẽ phải. Hai bên đường san sát những nhà tầng, những cửa hiệu. Nơi vùng đất nhiễm phèn đã thay vào đấy là trung tâm hành chính và khu đô thị mới với nhiều con đường rộng thoáng giao cắt nhau. Có cả công viên và khu vui chơi giải trí nữa. Anh tài xế thân thiện còn thông tin cho tôi biết một vài dự án sắp được hình thành. Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm, niềm vui mơ hồ lan tỏa. Có lẽ quyết định trở về của tôi là đúng đắn, là sự sắp đặt để hóa giải bao khúc mắc, bao muộn phiền chăng? Tôi như chìm vào dòng suy tưởng miên man khi xe vừa dừng lại dưới tán cây gạo mùa này trổ hoa đỏ rực. Tôi đứng ngây nhìn ra phía ruộng muối. Thì ra ở đời, nhiều khi con người ta vin vào hoàn cảnh để đổ lỗi này kia. Nhưng rốt cùng khi nhận ra bản thân ích kỷ, cố tình lấy sự hiếu thắng, ganh đua để khước từ điều mình mong ước. Tôi cũng mất nhiều năm đi tìm lẽ sống, ẩn số của đời mình. Ông bà đã đúc kết, chim có tổ, người có tông thế nên tôi không thể cứ chìm nổi, xuôi ngược giữa dòng đời mãi được. Tôi về làng trong một tâm thế thoải mái và lòng đầy yêu thương chứ không còn nghi ngại nữa.
4. Sau trận mưa trái mùa hiếm hoi đêm qua, vạt hoa muống biển bắt đầu đâm chồi, vươn ngọn trong sự tĩnh lặng của bầu khí quyển vào buổi sớm mai. Một không gian trong lành. Gió mơn man. Và biển dịu êm, từng đợt sóng liếm nhẹ vào bờ cát.
Tôi đi về phía bến, ngồi trên thân cây to bị sóng đánh dạt vào bờ, nhìn những con thuyền thấp thoáng ngoài xa. Đây chỉ là những con thuyền đánh cá nhỏ, vừa mới rời bến chiều qua. Sau một đêm thả lưới, buông câu, ngư dân lại trở về. Bước ra khỏi thuyền, họ lội ngay xuống ruộng muối. Bao đời nay, vẫn thế.
Một cơn gió mang hơi mặn bất ngờ phả vào mặt tôi rin rít. Tôi bước vội vô tán cây bàng nép bên ngôi nhà bỏ hoang tránh nắng. Bất giác tôi thè lưỡi liếm vào ngón tay vừa vuốt lên má, nhấm nháp. Mằn mặn. Ký ức xưa bị đánh thức, ùa về làm tôi thổn thức…
Ngày ấy, con đường dẫn ra biển ngang qua cánh đồng muối mùa này đầy cát. Cát nổi thành cồn, thành bãi hai bên đường. Gió ràn rạt thổi, trời oi bức. Hàng phi lao chạy dọc đường đến kỳ thu hoạch đã đốn tận gốc, từ đoạn gốc còn lại trổ mấy nhánh gầy tong, èo uột vươn thẳng. Tôi phải lội bộ dưới cái nắng trưa như đổ từng vốc lửa xuống mặt đất. Mới đầu mùa mà thời tiết thay đổi ghê quá. Con sông Lạch Trường cạn đáy, chỉ còn một con lạch nhỏ, lau lách ken dày. Đồng ruộng cũng đã nứt nẻ. Cỏ dại khô vàng chân đê. Tôi ngán ngẩm nhìn quanh. Khắp nơi là một màu vàng hanh lóa mắt.
Tôi đẫm vị mặn của muối từ khi chào đời. Bầu vú mẹ căng nhức thấm đầy muối mỗi khi từ ngoài đồng về. Câu hát ru đầy ưu phiền của mẹ cũng cất lên từ căn nhà xiêu vẹo, mái tôn gỉ lổ chổ vì ám đầy chất mặn của muối. Mẹ đưa tôi đi qua những đêm trăng mùa hè oi nồng hay những chiều đông hun hút mưa dầm. Mẹ lụi cụi be bờ, vô nước còn tôi ngồi trong chiếc sọt tre rộng vành đặt ở đầu bờ, chơi chán thì ngoẹo đầu ngủ. Lớn hơn tí, tôi chạy lon ton theo mẹ hết ô thạp này đến ô thạp khác. Muối xát mặn bàn chân, muối phà hơi vào mặt. Tôi từng nằm nghiêng xuống bờ cỏ, mở to mắt nhìn những ô thạp chứa đầy nước biển... 
Tôi nhìn như thu vào mắt mình cả không gian rộng lớn. Diện tích làm muối hình như đã giảm đi nhiều. Có ruộng bỏ hoang, xâm xấp nước mặn, váng phèn đỏ quạch. Có vài người đang lom khom ở ruộng muối đằng xa. Tôi rảo nhanh đến. Người đàn ông có gương mặt góc cạnh, da rám nắng bước vội lên bờ, ngạc nhiên:
- Con trai o Thìn phải không? Cũng lâu rồi mới về làng nhỉ?
Tôi gật đầu “vâng ạ”, nhận ra đấy là bác Thiện, người trong một ngõ.
- Cháu nhìn xem, nghề truyền thống làng mình có nguy cơ mai một rồi!
 Bác Thiện đưa tay chỉ về đằng trước, tỏ vẻ lo ngại. Bác kể những năm gần đây, việc sản xuất chỉ còn cầm chừng, gặp khó khăn bởi người dân vẫn làm thủ công trong khi ấy muối trên thị trường lại đóng gói, trắng đều và lại rẻ hơn. Nhiều gia đình chuyển nghề, có người bỏ làng đi làm ăn xa. Cánh đồng muối thu hẹp dần, thay vào đấy là những vuông tôm xuất hiện. Mà tôm cũng đâu phải là loài thủy sản dễ nuôi, dễ chăm sóc. Có năm mưa nắng thất thường, muối không đạt hàm lượng mà tôm cũng bị dịch bệnh.
- Nhưng không thể thất bại cháu à! - Giọng bác Thiện đầy quyết tâm. 
Tôi nhìn bác đầy tin tưởng. Tôi biết bác là một trong số ít người của làng còn tâm huyết với nghề. Bác muốn khôi phục lại ruộng muối sau mấy năm bỏ hoang.
Tôi ngồi xuống, vốc một nắm muối săm soi. Giọng bác Thiện đầy nỗi niềm:
- Nghề này vất vả, hầu hết thanh niên không theo nghề nữa mà đi làm cho các công ty, còn lại người già...
Tôi gật đầu xác nhận điều đó với giọng cảm thông, chia sẻ. Bác Thiện trở nên hào hứng:
- Không đâu bằng quê mình. Cố gắng làm lụng thì trời không nỡ phụ, cháu à!
Trưa ngập tràn nắng. Người làm đồng lần lượt đi về. Tôi cũng theo chân. Nhìn sự chân chất, cần cù của họ, tôi thấy nhớ mẹ vô cùng, chợt lòng thoáng nghĩ, có lẽ mọi thành kiến nên kết thúc từ bây giờ. Suốt nhiều năm qua, mỗi lần cảm thấy nặng nề, tủi phận, tôi luôn hét lên thật to rồi tự nhủ phải từ bỏ quê hương, quên đi những người đã làm cho đời tôi khổ. Nhưng khi tĩnh tâm, tôi vừa hoang mang vừa thấy mình có lỗi. Tôi đã học được cách buông bỏ, sống tích cực và hướng thiện. Nhất là khi biết làng cũ đã đổi thay nhiều, hàng xóm biết yêu thương, giúp đỡ nhau. Họ cũng sẵn sàng mở lòng và độ lượng hơn với lỗi lầm trong quá khứ của người khác. Hơn nữa, người tôi cần gặp để giải tỏa những khúc mắc còn ngổn ngang trong lòng bấy lâu cũng quan tâm và hay hỏi thăm tin tức về tôi.
5. Sau một thoáng lưỡng lự, tôi mới dám bước qua cánh cổng có vòm hoa giấy để vào ngôi nhà mà ngày còn bé tôi đã mấy lần đứng ngoài nhìn vào. Người đàn ông, chỉ cách đây mấy ngày còn là người dưng, xa lạ nhưng bây giờ là bố tôi, đang ngồi bên tách trà, ở bậc thềm. Trông thấy tôi, bố vồn vã:
- Con đến rồi đấy à, ngồi xuống đi!
 Có vẻ bố không tự nhiên cho lắm trước sự hiện diện của tôi dù hôm trước hai cha con đã gặp nhau. Thái độ lúng túng của bố khiến tôi cũng không được thoải mái cho lắm. Tôi e dè ngồi xuống đối diện, tay nâng chén trà mà mắt lại nhìn xung quanh. 
Thì ra chuyện giữa bố và mẹ không như tôi nghĩ. Dù rành rành mẹ đã quan hệ với bố, một người đàn ông có gia đình. Dù rằng mẹ đã âm thầm nuôi tôi trong cô đơn và buồn khổ. Tôi thật sự không hiểu và không dám tin những gì bố vừa nói. Nhưng đấy lại là sự thật. Mẹ là gái lỡ thì, chỉ muốn có một đứa con để tuổi già đỡ hiu quạnh. Mẹ đã tha thiết xin bố. Mẹ hứa sẽ không làm phiền đến gia đình bố.
- Con hờn trách bố nhiều lắm phải không?
Bố bất ngờ hỏi tôi dù câu trả lời hiển nhiên bố đã tường tận. Tôi cúi mặt, im lặng mà lòng đầy giông bão. Những câu hỏi tại sao bị ém thật chặt vào lòng bỗng xuất hiện vây lấy rồi đưa tôi đi cùng những nghi ngờ. Bố là người vô trách nhiệm như tôi từng nghĩ không? Tại sao suốt thời gian dài bố không tìm cách gặp tôi, dù một lần thôi? Bố sợ điều gì hay không muốn phá vỡ giao ước giữa mẹ và bố?
Tôi lắc đầu, xua đi những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác trước mắt nhòa đi. Tiếng bố vẫn đều đều bên tai, đầy ăn năn, hối lỗi:
- Bố có lỗi với hai mẹ con nhiều lắm. Nhất là khi mẹ con mất, lẽ ra bố phải đón con về chăm sóc nhưng bố lại nhu nhược, muốn giữ tiếng cho gia đình, thêm nữa...
Tôi ngước lên nhìn bố. Lúc này, trông bố như người bị hút hết năng lượng, rúm ró trong tột cùng đau khổ.
- Tại sao đến nay bố lại tìm đến con?
Bố nhướn mày rồi trở nên hào hứng, tươi tỉnh:
- Ngày tin con bỏ làng ra đi, bố cảm thấy lo lắng và hối hận lắm. Chính ông bà nội cũng giục bố đi tìm con...
Bất giác, tôi nhìn vào trong nhà, sau bức màn mỏng phủ xuống, lay động theo gió, di ảnh của ông bà nội nhân từ đang nhìn thẳng về tôi.
- Con tính như thế nào, ở lại quê hay là...
Bố ngập ngừng, bỏ lửng câu nói. Tôi cảm giác bố có điều gì muốn giãi bày thì phải. Cũng đúng thôi, bố còn có bà cả và các con của bố nữa. Liệu họ đủ vị tha, độ lượng với bố và sẵn sàng đón tôi, một đứa con không mong muốn hay không?
Có tiếng mở cửa phía sau nhà, tôi ngoảnh ra nhìn. Người đàn bà dáng thấp đậm, nách chiếc thúng đầy ụ rau muống vào bếp. Tôi đứng dậy, tiến đến, lễ phép:
- Con chào bà cả ạ!
Bà cả mỉm cười, hỏi thăm tôi đôi câu rồi bảo tranh thủ vào làm cơm trưa chứ không tham gia vào cuộc nói chuyện giữa hai bố con tôi. 
Cảm giác lòng tôi chùng xuống, bao lo lắng, nặng nề bấy lâu chợt tan đi. Tôi nghĩ về người đàn bà đang vo gạo thổi cơm trong gian bếp. Bà có vẻ hiền lành và đầy bao dung. Trong lúc này, tôi nghĩ thêm rằng cho dù gia đình bố khước từ tôi và bố cũng chỉ đơn thuần chấp nhận tôi là con chứ không có bất cứ ràng buộc gì, tôi cũng vui vẻ. Tôi sẽ không làm xáo trộn hạnh phúc bố đang có. Với tôi, thế là quá đủ. Thực sự, tôi đã chạm đến tình phụ tử thiêng liêng mà từ lúc sinh ra đến nay mới có được. 
6. Tôi ra đồng muối khi những tia nắng đầu ngày vừa rải khắp không gian. Những ô thạp muối trắng lấp loáng dưới ánh nắng mặt trời. Trong bộ quần áo bảo hộ và khẩu trang trùm kín mặt, bà con đang gom muối lại ở đầu bờ. Không khí làm việc có vẻ khẩn trương và nhộn nhịp. Cảnh lao động này, với tôi quen thuộc lắm. Đã bao lần, trong mơ, tôi bay qua cánh đồng rồi nghiêng mình thật thấp để nhìn rõ hơn những hạt muối kết tinh từ nước biển mặn mòi, để hiểu rằng mỗi hạt vàng trắng được hình thành tự sự chắt chiu của biển cả, vị mặn của nước mắt, mồ hôi dân làng và sự biến thiên, đào thải khắc nghiệt của thời gian.
 Tôi chạm vào muối, bỏ nơi đầu lưỡi để nhấm nháp, vị mặn đã làm thức dậy mọi giác quan khiến tôi nghĩ về vẻ đẹp lấp lánh của niềm tin trong từng câu chuyện về đời muối, đời người. Những hạt muối làng Hòa Huân đã đi vào đời sống, nếp nghĩ của bao người và chứa đựng một đại dương mênh mông của yêu thương và cần mẫn. Những hạt muối trắng, từ lâu, tựa mạch nguồn chảy mãi trong tâm thức về nguồn cội, về văn hóa lâu đời của vùng đất giàu truyền thống.
Tôi sẽ tiếp tục hành trình của cuộc đời mình nơi xứ người bởi những trải nghiệm vừa qua đã giúp tôi nhận ra bao khúc mắc nơi trái tim mình và đã tìm cách hóa giải nó. Thêm nữa, đây là lựa chọn phù hợp, để tôi và cả bố không còn khó xử. Rồi đây, tôi vẫn bươn chải một mình nhưng cảm giác không còn cô độc nữa vì đã có bố lặng thầm dõi theo.
Đêm ấy, sau nhiều năm, tôi hiếm hoi có một giấc ngủ yên bình. Tôi thấy mình đã sang cát mộ phần cho mẹ, mang về chôn cất ở khu nghĩa địa của dòng họ bên sườn núi. Mỗi chiều, bố lặng lẽ đi thắp hương cho từng ngôi mộ. Đứng trước mộ mẹ, bố thành tâm khấn lạy... Gió biển cứ ràn rạt thổi nhưng vị mặn của nó lần đầu tôi thấy dễ chịu làm sao!
                                      S.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 70
 Hôm nay: 445
 Tổng số truy cập: 13576471
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa