NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Về chốn bình yên
Truyện ngắn dự thi
Chị đang đứng trên tầng thượng của tòa nhà, chị cũng không biết tòa nhà này cao bao nhiêu tầng, chị chỉ biết chị sẽ đi lên nơi cao nhất, đến gần trời nhất để chị thương lượng với đấng cao xanh rằng hãy lấy đi sinh mạng của chị để con chị được sống, tại sao ông trời lại bất công với chị như vậy, sao lại lấy đi tất cả hạnh phúc của chị? Mới cách đây ít hôm thôi chị còn cảm ơn ông trời đã trả lại cho chị hạnh phúc, vậy thì tại sao chứ, chị có làm gì sai đâu?
Chỉ còn vài bước chân thôi chị sẽ bước tới cái gờ lan can ấy, từ nhỏ chị vốn rất sợ độ cao, chỉ cần nhìn xuống phía dưới là chị có thể tự đổ người xuống như một phản xạ, và chị sẽ được về với thế giới bình yên như cách đây hai mươi ba năm chị đã từng muốn thế, chỉ khác khi đó phía dưới không phải là những nóc nhà xanh đỏ, con phố và xe cộ mà là trên một triền đồi cao lộng gió, nơi đó cũng gần với trời xanh, chị có thể hét to lên để gọi trời, rằng chị không muốn sống ở thế giới này nữa, ở đây chị không còn yêu thương. Khi đó chị đã nhìn xuống chân đồi, phía dưới là một con suối sâu đang mùa nước lũ, chị không sợ nước, quê chị ở bên một dòng sông, chị có thể bơi như một con rái cá, nhưng từ trên đồi cao này để xuống được con suối kia phải qua bao nhiêu tảng đá, gốc cây, chắc chắn chị sẽ nát nhừ trước khi nằm yên dưới nước, và thế là chị bước, chỉ còn một bước chân thôi chị nhắm mắt, bỗng có tiếng gọi: “Mẹ ơi đừng bỏ con”. Bất giác chị lùi lại, đứa con trong bụng chị quẫy đạp khiến chị đau dữ dội, ồ nó đã được bốn tháng rồi, sao chị nỡ giết nó. Song, bây giờ chị không còn gì để đổi lấy sự sống cho con được cả, chỉ còn cái sinh mạng này, con chị phải sống, nghĩ vậy chị quyết dấn bước về cái lan can chỉ cao trên đầu gối chị một tẹo ấy. Đúng lúc đó chị lại nghe tiếng gọi: “Mẹ ơi đừng bỏ con”. Chị giật mình quay lại, có mấy người đàn ông mặc quần áo bảo vệ, đang từ từ tiến về phía chị, một người giọng từ tốn nói: “Chúng tôi được bộ phận theo dõi cam cho biết có người đi lên đây, nên hỏi xem chị lên đây làm gì, nếu không có việc gì thì xin mời chị xuống cho, trên đây nguy hiểm lắm”. Chị chưa kịp giải thích ra sao thì đã lọt gọn trong những cánh tay rắn chắc. Khi bị mấy người bảo vệ dìu vào thang máy, chị vẫn còn đủ sức để gào lên: “Không, con tôi phải sống”.
“Con chị vẫn đang sống mà”, người nữ y tá cúi xuống bên chị trên chiếc giường bệnh nhân. “Sao tôi lại nằm đây, tôi phải ở bên con tôi chứ”. “Chị cứ nằm yên, chị đang được điều trị sang chấn tâm lý đấy, vừa nãy chị bị ngất và có dấu hiệu suy nhược thần kinh”. “Nhưng còn con tôi?”. “Cháu vẫn đang được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, chị phải khỏe thì mới chăm con được chứ”. Ừ con chị vẫn sống mà, tại sao ánh mắt người bác sĩ điều trị cho con chị lại cụp xuống khi chị hỏi, con tôi có cứu được không, tại sao bác sĩ không trả lời như mọi khi rằng chúng tôi sẽ cố hết sức, cháu nó chỉ bị chấn thương vùng đầu còn tất cả chân tay, nội tạng vẫn lành lặn, chị tin và hy vọng. Con chị là một chàng trai đẹp đẽ và khỏe mạnh, nó đã mạnh mẽ vượt qua bao nhiêu vất vả, thiếu thốn trong cuộc đời này để đỗ vào đại học, rồi ra trường, mới cách đây không lâu nó đã gọi điện thông báo với chị rằng nó đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá và đã tìm được việc làm, nó bảo khi nào kiếm được đủ tiền nó sẽ về đón mẹ ra ở với nó, mẹ sẽ nấu cơm cho nó ăn khi nó đi làm về. Chị đã run lên vì hạnh phúc, vì đã năm năm rồi chị không được gần con, không được nấu cho con những bữa ăn mà con thích. Khi nhận tin con bị tai nạn chị vẫn không hề biết rằng công việc mà nó bảo là xin được việc làm rồi là đi ship hàng cho một quán ăn. Người bạn cùng phòng trọ với nó bảo rằng nó làm việc này lâu rồi, từ khi còn là sinh viên cơ, nó đi học về trưa đi ship hàng, quán cho gì ăn nấy, hầu hết là đồ ế, nó bảo thế cũng tiết kiệm được bữa ăn để dồn tiền đón mẹ ra ở cùng. Nó rất thèm ăn món măng rừng luộc chấm muối ớt và thịt treo gác bếp mà mẹ vẫn làm cho nó ăn. Bây giờ nó nằm đó mấy ngày rồi không biết đến bao giờ mới được ăn măng luộc và thịt treo gác bếp. Ừ mà cô y tá đã nói với chị là cháu nó vẫn sống cơ mà. Chị phải ngủ thôi để còn sức khỏe mà chăm nó chứ. Chị bắt đầu trôi đi, trôi mãi về một vùng rừng núi xa xôi, trôi về tận hai mươi ba năm trước.
Khi đó chị mới chỉ là cô sinh viên sư phạm mới ra trường. Ông Phó Giám đốc Sở đưa chị tờ quyết định phân công công tác, rồi nói: “Chịu khó đi dạy ở miền núi ba năm, sau về sẽ được ưu tiên một suất biên chế”. Chị còn trẻ chẳng cần suy nghĩ nhiều, ba năm có là bao vèo cái về sẽ được là cô giáo trường huyện.
Cầm tờ quyết định lên một huyện miền núi cực Tây của tỉnh, nghe nói giáp với biên giới Việt - Lào. Ông trưởng phòng giáo dục huyện nhìn chị với đôi mắt đầy ái ngại rồi bảo: “Người thế này mà phải về cái nơi khỉ ho cò gáy thì tội nghiệp lắm, thôi chú cho cháu về trường bán trú của huyện, ngay trong thị trấn này thôi, trường thì cũng đủ người rồi đấy, hây dà nhưng mà thôi, cháu cứ về đấy mong rằng cháu sẽ chứng tỏ được mình, mấy năm trường chẳng có học sinh nào thi nổi vào cấp ba”. Chị về chỉ được phân làm giáo vụ chủ yếu lo cơm nước cho học sinh. Thỉnh thoảng mới được dạy thay vài buổi, nhưng vài buổi dạy thay ấy đã thổi vào một luồng gió mới cho học sinh. Chỉ mấy tháng sau, hầu như học sinh các lớp đều thích học văn của cô giáo Xoan.
Buổi chào cờ đầu tuần hôm ấy thầy hiệu trưởng thông báo: “Tuần này trường ta sẽ có một đội công nhân đến lắp đường điện từ nguồn thuỷ điện của huyện, huyện ta sẽ có điện về tận các thôn bản xa xôi, còn ở thị trấn này sẽ không còn lo bị cắt điện nữa, các em sẽ thoải mái bật đèn học bài vào ban đêm”. Tiếng vỗ tay rào rào, có đứa đang ngồi còn nhảy lên vỗ tay rồi reo ầm lên: “Thế là nhà tao có điện rồi, mế tao khỏi lo bị ngã khi xuống cầu thang tối om”. Điện thì với chị chả có gì quan trọng, tối đến không đi đâu làm gì thì chỉ có đi ngủ sớm, có điện càng nhớ nhà.
Chưa gì mà giờ học đầu tiên trong ngày đã thấy sân trường ngổn ngang đầy dây nhợ, ống thép rồi công nhân đi ra đi vào gọi nhau í ới. Dù thầy hiệu trưởng đã dặn là các em không được phân tán ra bên ngoài, nơi các chú công nhân đang làm việc nhưng chả đứa nào nhìn lên bảng mà chỉ liếc ra bên ngoài xem công nhân làm việc, chị cũng mỏi mồm nhắc nhưng chính chị cũng thỉnh thoảng bất giác nhìn ra như bị thôi miên. Có một ánh mắt cứ dõi về phía chị khi chị từ trong lớp học bước ra. A chị nhớ ra ánh mắt này rồi. Hôm đó chị vào một quán nước mua gói mì tôm, có một tốp công nhân đang uống bia, khi chị đang mải trả tiền thì nghe có tiếng thì thào “gái vùng cao ở đây xinh thế”, có tiếng ai đó gắt lên “xuôi lên chứ vùng cao đâu ra”. Khi chị bước ra khỏi quán liếc lại thì thấy một ánh mắt cứ dõi theo chị đăm đăm, à thì ra là ánh mắt này.
Chả biết tình cờ hay không tình cờ, chị ra suối giặt lại gặp đúng ánh mắt đó cũng ra suối giặt. “Cô là giáo viên trường này à?”. “Biết sao còn hỏi”. “Thì hỏi cho chắc chắn”. “Chắc chắn để làm gì?”. “Để cho nước cuốn đi”. Chị phì cười nhưng anh ta bỗng la lên: “Kìa trôi cái gì kìa, ôi chết rồi cái áo con”. “À à cái áo của tôi”, chị vươn người ra nhưng không kịp. “Để tôi”. Anh ta nhào theo dòng nước, ngã lên ngã xuống mấy lần mới vớt được chiếc áo, người ngợm ướt sũng, mà mặt thì tươi như bắt được của. Thế là cái áo con hôm ấy vô tình làm chiếc cầu để hai người quen nhau. “Anh làm bên công trình thủy điện à?”. “Biết sao còn hỏi”.
Lần đi chơi đầu tiên anh chỉ lên ngọn thác cao nhất gần thị trấn bảo rằng: “Anh đang bắt dòng thác kia đem ánh sáng về cho dân bản nơi đây”. Chị cũng nói những lời có cánh theo kiểu của anh: “Thế là anh đang mang ánh sáng đến những nơi tối tăm, đem hạnh phúc đến cho người dân rồi đấy”. Nhưng anh bảo: “Anh lại chưa thắp sáng được cho một trái tim nào”. Anh nhìn chị đắm đuối và thì thầm rằng: “Anh đang muốn thắp sáng trái tim em”.
Hôm anh báo tin rằng công ty anh đã hoàn thành công trình và sẽ chuyển đi nay mai, anh hứa sẽ về báo cáo với gia đình và cưới chị, rằng bố anh là một lãnh đạo cấp tỉnh có quen nhiều vị ở Sở Giáo dục, chắc chắn sẽ xin được cho chị về xuôi. Chị không mừng lắm, vì đằng nào chị cũng chỉ còn hơn một năm nữa là đủ tiêu chuẩn về xuôi. Điều quan trọng là chị muốn thông báo cho anh niềm hạnh phúc mà chị đang giấu kín. Nhưng chị chưa kịp nói, thôi để chắc chắn đã, vả lại nói lúc nào chả được. Chị đã chờ một tháng, hai tháng rồi ba tháng, chị có thể chờ nhưng đứa con trong bụng chị thì không chịu chờ, nó cứ hành chị liên tục, không để chị ăn, không để chị dạy học, nó đòi phải gặp bố. Hết thời gian ốm nghén chị quyết định phải đi tìm bố cho con. Chị về thành phố, dù không biết nhà anh ở đâu, nhưng công ty anh thì chị biết. “Thằng Minh hả, nó được cử đi học đại học tại chức ở ngoài Hà Nội rồi”. Chị lại lóc cóc ra ngoài Hà Nội tìm cái trường đại học nơi anh đang học. Không ai biết ư, anh học ngành nào, lớp nào, năm thứ mấy, chị đều không biết. Tên thì có nhiều tên giống nhau lắm, quê thì cũng không ai nắm rõ ai quê đâu, tốt nhất là cứ đứng ở cổng trường chực chờ, kiểu gì cũng có lúc gặp. Ôi hàng bao nhiêu sinh viên mỗi buổi đến trường, tan trường, chị đã căng mắt ra mà vẫn không sao gặp được. May sao chị cũng là giáo viên, chị biết cách tìm anh ở đâu. Người cán bộ ấy rất nhiệt tình đã tìm ra cho chị tên ấy quê ấy, học ở lớp tại chức nào vào ngày nào sẽ có mặt. Chị đứng ở hành lang trước lớp anh học, đã vào giờ học rồi mà vẫn không thấy anh đến lớp, người bạn bảo: “Rõ ràng tôi thấy nó để xe ở nhà gửi xe rồi cơ mà, sao không thấy vào lớp nhỉ”. Thôi rồi, chị đủ thông minh để hiểu rằng anh không muốn gặp chị nữa. Chị ra về, cũng không rẽ về quê như đã hẹn. Biết nói gì với bố mẹ khi chị đang mang một đứa con không cha.
Ông hiệu trưởng dằn tờ giấy xuống mặt bàn: “Chúng tôi định chờ cô về mới họp bàn kỷ luật, nhưng toàn bộ giáo viên trong trường đã nhất trí kỷ luật vắng mặt cô vì thái độ vô tổ chức, không coi kỷ cương của nhà trường ra gì. Cô tưởng cô là giáo viên dạy giỏi rồi thì muốn làm gì thì làm à, cô xin phép về nhà có hai ngày vì mẹ ốm nặng, nhưng cô đã đi đến hơn một tuần rồi, cũng không gọi điện về cho chúng tôi. Chúng tôi có gọi điện về xã cô hỏi xem tình hình nhà cô ra sao thì được biết, cô không hề về nhà, mà bố mẹ cô vẫn khỏe mạnh bình thường, vậy cô đi đâu, đấy lại còn thêm tội dối trá nữa, đó là chưa kể chúng tôi vừa nhận được đơn thư tố cáo cô đang quan hệ bất chính với một người đàn ông đã có vợ”. “Không đúng, anh ấy chưa có vợ, điều đó là chắc chắn, ai đó đã đặt điều”. “À thì chưa có vợ chính thức nhưng đã đính hôn, ăn hỏi đàng hoàng rồi, đây là điện khẩn từ Sở Giáo dục thông báo chứ không phải tin vớ vẩn. Vậy đã đủ lý do để kỷ luật cô chưa, nhưng chúng tôi cũng không muốn trả cô về địa phương mà chỉ trả cô về phòng giáo dục huyện thôi, còn tuỳ huyện sẽ sắp xếp”.
Chị về phòng giáo dục huyện, chú trưởng phòng đã ưu ái cho chị dạo nào đã không còn ở đấy nữa mà là một bà có khuôn mặt phì phị, nhìn chị săm soi: “Cô còn trẻ vậy mà… thật đáng tiếc”. Không biết bà định tiếc cho chị điều gì. “Thôi được rồi, đang ưu ái giáo viên trẻ nên chúng tôi sẽ phân cô về dạy ở bản Cò Cài nhé, thuộc xã Chiềng Vang”. “Em về đó thì dạy môn gì ạ?”. Bà lườm chị: “Chả dạy môn gì cả, dạy bọn trẻ biết chữ thôi”.
Chị ôm cái túi du lịch ra bến xe của thị trấn, bác bảo vệ lấy xe máy đuổi theo: “Giờ này còn xe nào nữa, ngay cả xe ôm cũng khó ấy chứ, đây lên đó cũng ngót bốn chục cây số chứ ít, đường đất lại khó đi, thôi lên đây tôi đèo, bảo ở lại sáng mai chả chịu, có ai đuổi cô đi ngay đâu”. “Cháu không muốn ở lại đây thêm một ngày nào nữa”. “Ôi dào toàn mấy bà ghen ăn tức ở ấy mà. Tầm này thì trụ sở xã cũng nghỉ rồi, nhưng tôi quen tay trưởng bản, cô vào nhà ông ấy nghỉ tạm một đêm vậy”. Khi chị và bác bảo vệ tới nhà ông trưởng bản thì cũng đã cuối chiều, ông trưởng bản vui vẻ mời bác bảo vệ ở lại ăn cơm nhưng bác từ chối: “Thôi tôi phải về ngay kẻo tối”. Chị nhìn nhà trưởng bản thấy có mỗi cái đệm che chiếc ri đô hoa lòe loẹt, nghĩ thầm mình sẽ nằm ở đâu nhỉ, trưởng bản bảo chị ra vại nước rửa chân tay rồi vào ăn cơm, và chỉ chị cái nơi che ri đô hoa: “Tối nay cô ngủ ở kia, bố con tôi ngủ ngoài sàn”. “Ơ, thế cả nhà đi đâu ạ?”. “Bà nhà tôi không còn, tôi chỉ có mỗi thằng con trai, nó đi nương chưa về, cô yên tâm, có tôi đây rồi”. Chị bỗng thấy bất an: “Bác ơi cháu muốn gặp chủ tịch xã ngay tối nay ạ, đây về trụ sở xã cũng gần mà, lúc nãy đi qua cháu biết rồi, cháu đi bộ cũng được ạ”. Chị vội vàng ôm túi du lịch bước xuống cầu thang đi như chạy. “Được, tuỳ cô giáo, nhưng để tôi dẫn đi”. Chưa kịp xuống hết cầu thang thì gặp ngay anh con trai trưởng bản đã đứng dưới chân cầu thang, ánh mắt nhìn chị săm soi. “Ai đây hả bố?”. “Cô giáo được điều về bản dạy bọn trẻ, bây giờ tao phải đưa cô giáo đến nhà chủ tịch xã để mai cô còn đi dạy”. “Bố để con lấy xe máy đưa cô giáo đi chứ đi bộ thì đến tối mất, với lại cô giáo cũng không quen đi bộ đường rừng”. Nói rồi anh ta vội vàng quăng gùi, cởi dao vứt vào góc nhà, săm sắn lấy xe máy dắt ra. Chị ái ngại nhưng không còn cách nào, vả lại trời cũng nhá nhem tối rồi. Chiếc xe máy rỉ như một cái máy cày ì ạch vượt qua những con dốc lồi lõm vết chân trâu ngựa. “Sao anh đi con đường nào thế, lúc nãy tôi đi trên đoạn đường đá phẳng phiu cơ mà?”. “Thì đây là đường tắt đến nhà chủ tịch xã cho gần”. Thôi rồi, chị linh cảm có điều chẳng lành và bắt đầu run bắn lên. Bỗng chiếc xe rúc vào một bụi cây dại ven đường rồi đứng khựng lại, tắt máy. “Có chuyện gì thế?”. “À tôi đi vệ sinh chút, cô đợi tôi”. Chị xuống xe và bắt đầu thủ thế, xung quanh không một bóng nhà, đang tìm cách để thoát thân, thì chị thấy gã trai đã cởi quần dài đang lừ lừ tiến lại: “Anh bảo đi vệ sinh sao lại…”. “Cô giáo à, cô đẹp, tôi không thể nhịn nổi, cho tôi yêu một chút đi, chủ tịch xã là người nhà tôi mà, tôi sẽ nói với chủ tịch lo cho cô mọi chuyện, cô cần gì, cứ nói với tôi”. “Anh dừng lại ngay, tôi sẽ báo… tôi sẽ hô hoán lên bây giờ… là là anh mắc tội hiếp dâm đấy, là sẽ đi tù”. “Cô có la ở đây cũng không ai nghe được đâu, chủ tịch là chú ruột tôi mà, với lại tôi đang xin cô, cô cho tôi đi, ở bản này nhiều cô cho tôi rồi, họ đều sung sướng cả”. “Anh tha cho tôi, vì tôi đang có một đứa con trong bụng, nó sẽ chết mất”. Gã bỗng cười ré lên sằng sặc: “Có con à, có con trong bụng chơi sướng lắm nhá, nó không chết đâu tôi chơi nhiều rồi tôi biết mà”. Chị ngồi thụp xuống chắp tay van xin gã, nhưng vô hiệu, chỉ còn cách chống cự, nhưng không chống cự nổi với sức của một con trâu điên hoang dã. Chị vật vã, quằn quại, đau đớn, rồi buông tay, xung quanh chỉ có núi rừng thâm u đang chìm vào màn đêm.
Khi tỉnh lại chị đã thấy mình nằm trong một căn nhà sàn khang trang, lạ lẫm. Còn đang ngơ ngác thì một người đàn bà với nét mặt cam chịu vội bước tới tay bê một bát cháo nóng: “Cô giáo tỉnh rồi à, thằng Vừng nó làm cô ngã, nó biết lỗi rồi nên bắt con gà nấu cháo cho cô đây này, nó bảo cô chưa ăn gì, nên phải ăn để lấy sức”. Chị căm giận nhìn bát cháo chỉ muốn hất tung nó xuống đất nhưng vì nó vẫn đang trên tay người đàn bà nên chị nén lại. Chị nằng nặc đòi đi cũng không biết đi đâu, nhưng bà vợ ông chủ tịch xã không cho chị bước ra khỏi giường. “Cô giáo vẫn còn yếu lắm, cứ ở lại đây với chúng tôi vài bữa nữa, khỏe rồi mới đi dạy được, ông nhà tôi đang đi gặp hiệu trưởng bàn việc của cô đấy”.
Một người đàn ông bước lên sàn giọng oang oang: “Cô giáo khỏe lại chưa? Bà nó lo bồi dưỡng cho cô giáo nhé”. “Chào bác, bác ký cho cháu cái giấy để cháu còn đến bản Cò Cài dạy học”. Ông xua tay: “Cô cứ nghỉ ở đây ít hôm nữa đã, tôi đã sắp xếp rồi, cô sẽ dạy ở trường của xã, chứ trình độ của cô ai lại đi dạy ở cái bản heo hút ấy, mà ở đó làm gì có trường lớp gì đâu, chỉ có một cái lán do dân bản dựng nên, học sinh thì cũng đến học bữa đực bữa cái, chủ yếu là xóa mù ấy mà”. Nhưng chị đã nằng nặc từ chối, chị còn cần gì nữa đâu, chị không muốn nhận cái ơn của ông, chị muốn kẻ đã hãm hại chị phải ra tòa, nhưng nhận ra tình thế của mình lúc này thật cô đơn, yếu thế, chị đành nén lặng bước đi về phía những ngọn núi cao.
Thằng Hận ra đời trong vòng tay ấm áp của bà con dân bản. Không ai hỏi bố nó là ai, đang ở đâu, sao để mẹ con chị phải sống thế này. Họ chỉ biết lo cho mẹ con chị không bị đói, bị rét, bị thiếu tình thương yêu. Mẹ con chị đã có một mái nhà ấm áp, có đủ nguồn nước, đủ cây trồng, rau quả, thế mà hàng ngày các em học sinh vẫn mang đến cho chị nào là mấy cái măng rừng, dăm quả trứng, có hôm có em còn mang đến cả một tảng thịt gác bếp bảo mẹ em dặn để cho cô giáo bồi dưỡng. Thằng Hận lớn lên khỏe mạnh như là trai bản, nó cũng quen với trèo cây lội suối, săn bắt chim muông giống như bọn trẻ trong bản, chỉ khác nó học giỏi hơn bọn trẻ rất nhiều, những năm đầu chị toàn tự dạy nó học, bước vào cấp hai, chị mới xin cho nó vào học trường của xã, lúc này chị đã xóa cái dấu nặng để tên nó được là Hân như bây giờ. Chị không muốn con chị phải mang nỗi hận của chị khi bước vào đời và chị cũng đã trút tất cả thù hận xuống đáy vực sâu rồi, chị hoàn toàn quên lãng. Bây giờ thằng Hân là niềm hạnh phúc vô bờ của chị. Nó là đứa đầu tiên của xã thi đỗ vào cấp ba và là đứa đầu tiên của huyện đỗ vào một trường đại học với số điểm cao nhất. Vậy mà, ông trời lại đang tâm lấy đi của chị niềm yêu thương cuối cùng này sao?
Cô y tá lay lay chị: “Chị ơi, chị dậy đi”. Chị hoảng hốt bật dậy: “Thôi chết rồi tôi ngủ quên mất, con tôi thế nào rồi”. “Không, con chị vẫn thế, chưa tỉnh, nhưng chị có khách đấy”. “Ai mà lại biết tôi ở đây mà đến thăm, tôi chỉ có.... chắc họ nhầm đấy”. “Không, chị có khách thật mà, đang đợi chị ở phòng trưởng khoa, để em đưa chị đi”. Chị tròn mắt khi bước vào phòng, cô y tá lễ phép cúi chào rồi lặng lẽ khép cửa bước đi. Không có bác sĩ trưởng khoa. Người ấy cũng vội đứng dậy tròn mắt nhìn chị. “Là… em à, Xoan”. Là anh ta, chị cũng mất đến vài giây để khẳng định điều ấy. Cả hai bỗng ngượng ngập, lúng túng không ra người quen cũ cũng không ra là mới gặp. Chỉ có im lặng, im lặng lúc này là sự đối thoại duy nhất. Vậy té ra từ lâu nay anh vẫn lặng lẽ đi tìm chị sao, anh đã biết chị có con và đang ân hận sao? Đến bây giờ anh mới tìm thấy mẹ con chị ư? Tiếc thay lại trong một hoàn cảnh đau thương như thế này? Thôi dù sao đó cũng là niềm an ủi của đời chị, thằng Hân sẽ được gặp bố, chị bỗng thấy hạnh phúc vô bờ, cuối cùng thì chị cũng được nếm vị ngọt của một gia đình. Chị bỗng quay sang anh mỉm cười như không hề có chuyện gì xảy ra. “Anh có muốn thăm con không?”. “Có, có”, anh lẩm bẩm, đôi môi bỗng run rẩy. Khi bước vào phòng, nhìn thằng bé nằm bất động trên giường đầy dây nhợ máy móc xung quanh, anh đã khuỵu xuống. “Nó đấy, đó là bản sao của anh thời trẻ”. Bỗng nhiên chị thấy hai mươi ba năm qua như mới cách đây vài ngày thôi, chị được gặp lại anh, con chị đã có bố.
Cô y tá hồn nhiên nhận xét: “Mấy hôm nay thần sắc chị khá lắm, cố gắng khỏe để chăm cháu”. Chị gật đầu, nhưng hôm nay khi gặp vị bác sĩ, ông ta lại nhìn chị với đôi mắt khác lạ, chả lẽ anh ta là người quen của bác sĩ, lúc vào thăm khám cho con trai chị ông ta cứ ngập ngừng một lúc rồi lặng lẽ móc túi lấy ra một phong thư đã dán kín. “Có người nhờ tôi đưa cho chị cái này”. Chị hờ hững cầm, lại thanh minh thanh nga đây mà, nào ân hận, nào xin lỗi, mà chị thì đã quên rồi, chị không còn hận nữa. Chẳng muốn đọc làm gì những lời sám hối ấy, chị còn bận chăm con. Hôm sau người bác sĩ lại đến thăm khám cho con, bỗng ông ta nhìn chị và hỏi chị đã đọc thư chưa, chị phân vân sao ông ấy lại quan tâm đến mối quan hệ của chị với anh ta thế nhỉ.
Chị bước ra ngoài hành lang của bệnh viện lúc cả bệnh viện đã im lìm trong giấc ngủ say, dưới ánh đèn đỏ quạch của dãy hành lang bệnh viện, chị cẩn thận xé phong thư. “Xoan, tha lỗi cho anh”. Chị cười khẩy, lại câu nói muôn thuở của loại đàn ông bội bạc. “Trăm nghìn lần anh muốn tạ tội trước em, anh không ngờ rằng anh lại gặp con trong một hoàn cảnh trớ trêu, đớn đau như thế này, tội của anh đang bị trời trừng phạt rồi. Anh cũng đang có một đứa con trai, nó chỉ sau con em, à con chúng ta có mấy tuổi thôi, nó cũng đang bị bệnh, cháu bị suy tim đã lâu và bây giờ đang trở nặng, gia đình hai bên cũng đủ tiền để chạy chữa cho cháu, đã đi hết các bệnh viện lớn nhỏ trên thế giới, nhưng đều vô hiệu, trừ phi phải thay tim, mà anh chỉ có một trái tim, nếu có hai anh đã cho nó rồi, nhưng để có một trái tim hợp với con anh thật khó vì không ai muốn bán trái tim cả. Từ lâu anh đã đi đặt hàng ở khắp các bệnh viện trong nước. Rất may gần đây bác sĩ đã gọi điện cho anh bảo có một trái tim rất tương thích với trái tim con anh của một bệnh nhân trẻ đang dần chết não, thời gian chỉ còn tính từng ngày thôi...”. Chị không thể đọc tiếp được nữa, chị bật thét lên: Không. Nhưng đang là nửa đêm ở bệnh viện, chị nén chặt tiếng thét trong lồng ngực: Đồ ghê tởm, đồ dã man tàn độc, anh định mua trái tim của con tôi sao, đừng hòng, tại sao anh dám làm như vậy với tôi, tôi căm thù anh, người cha khốn nạn nhất trên thế gian này. Không cần đọc tiếp xem anh ta viết những gì nữa, vì nó còn rất dài kín đặc cả một trang giấy. Chị vò nhàu bức thư rồi xé vụn vứt vào sọt rác, nắm chặt tay như một nắm đấm giáng vào không khí.
“Này chị về ngay đi, chị đi đâu cả đêm mà chúng tôi tìm mãi, các bác sĩ đang quây kín giường con chị đấy, không biết cháu có làm sao không?” - Mấy người nhà bệnh nhân hớt hải nói với chị. Chị nói hụt hơi khi gặp vị bác sĩ: “Con con tôi...”. “Chúng tôi vẫn đang kéo dài sự sống cho cháu nhưng... chị cứ chuẩn bị tinh thần đề phòng tình huống xấu nhất”. “Bác sĩ, tôi muốn gặp riêng bác sĩ”. “Vâng, chị về phòng tôi”. “Bác sĩ hãy nói thật cho tôi đi, con tôi có khả năng cứu chữa được không. Cháu, cháu còn sống được bao lâu nữa?”. “Chúng tôi cũng nói thật với chị, trường hợp của cháu là tổn thương não trước khi bị tai nạn. Qua camera và điều tra của bên công an cho biết chiếc xe ô tô hôm đó không có lỗi. Anh tài xế cho biết từ xa anh đã nhận ra người shipper đi loạng choạng rồi cứ thế đâm sầm vào đầu xe ô tô của anh ta, may mà anh ta đã dừng kịp thời trước khi con chị ngã vào lề đường bất tỉnh. Nhưng người tài xế ô tô vẫn sẵn lòng chi trả mọi viện phí cho con chị”. “Bác sĩ, còn nước còn tát mà, cháu đang còn trẻ nó còn nhiều việc phải làm, nó là một sinh viên giỏi, nó sẽ làm được nhiều việc có ích cho xã hội”. “Chị đừng lo, con chị vẫn có thể làm được những việc có ích gấp trăm vạn lần ấy chứ”. “Bác sĩ nói sao ạ?”. “Là nó vẫn có thể cứu người bằng việc hiến những phần cơ thể còn khỏe mạnh của mình, và nó còn cho chị một khoản tiền đủ để chị sống đến già, thế là nó đang báo hiếu chị đấy”. “Bác sĩ bảo tôi bán con sao. Không, không đời nào, tôi sẽ đồng hành cùng con tôi đến cùng”. Chị lao ra khỏi phòng, không biết chạy đi đâu, ở đây không có đồi cao, vực thẳm, lên tầng thượng thì bị camera theo dõi. Chị quay trở lại nơi con trai nằm, chị sẽ đi cùng với con, nhưng… bước chân chị lại bước đến cửa phòng bác sĩ, ông đích thân ra mở cửa. “Chị vào đi”. “Tôi… tôi chấp… chấp nhận”. Chị bỗng thấy mình chới với và bắt đầu đổ xuống như một phản xạ, đang rơi, và rơi nhưng mãi vẫn không chạm đất, cũng không chạm dòng suối mà cứ thế, cứ thế chị nắm tay con trai bay về chốn bình yên.
N.C.H