Tiếng kẻng làng... (Truyện ngắn dự thi)
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Tiếng kẻng làng...
Truyện ngắn dự thi
Sáu giờ chiều, nắng còn táp rát mặt người. Bà Nhũ lùa đàn trâu về nhà, tay còn xách theo mấy quả na cuối mùa vừa được hàng xóm dúi cho. Xe máy, xe đạp, ô tô tắc lại một đoạn vì đàn trâu cả vài chục con cứ thủng thẳng dàn hàng vừa đi vừa ị ra đường. Thằng Sóc bưng đĩa muối ngồi vắt vẻo trên cây xoài nhìn ra đường cười khinh khích. Nó nói vọng xuống chỗ ông Tích đang ngồi nhâm nhi chén trà với bạn già:
- Thành phố thì tắc đường vì đông xe cộ. Riêng làng mình toàn tắc đường vì trâu bò ông nhỉ?
- Trời ơi. Ngày nào cũng ngó mấy trăm triệu đi qua nhà không à.
- Tiền đâu mà mấy trăm triệu vậy ông?
- Thì đó. Đàn trâu vài chục con là có mấy trăm triệu rồi còn gì.
Ông bạn già mắt lim dim nhả khói thuốc lào, thở dài bảo:
- Trông vậy thôi chứ nuôi nhiều lỗ nhiều. Năm ngoái tắc biên, trâu bò bị ép giá quá trời. Chăn nuôi cái gì cũng ngày càng khó khăn. Bà nhà tôi nghe dụ mua trăm con gà giống, nuôi mấy tháng rồi vẫn nhẹ phèo. Trông thì đẹp mã đấy, nhưng toàn lông óng mượt chứ làm gì có thịt.
- Chán thiệt. Lừa đảo khắp nơi, thấy điện thoại kêu reng reng, ngó số lạ đâu dám nghe. Tụi nhỏ ở xa gọi về dặn dò hoài. Mình có mỗi cái thân già đâu có gì để mất.
- Thế mà khối người vẫn mất đấy ông ơi. Nó cứ đánh vào lòng tham là có khi còn đi vay lãi mà nộp cho nó hết. Cứ bảo “ma xui quỷ khiến”. Làm gì có ma quỷ gì đâu, tất cả đều vì lòng tham nên nhẹ dạ cả tin ông ạ.
- Rõ khổ…
“Rõ khổ” là câu cửa miệng của người dân làng Cua Đồng. Lời thốt ra như vừa xót xa vừa đồng cảm. Làng giờ khác xưa rồi, không còn lụp xụp những mái nhà ngói Hương Canh. Không còn những con ngõ mọc đầy cỏ dại, gió lùa qua lần nào là đám cát bụi cuộn lên mù mắt. Làng giờ đường bê tông hóa vào tận sân. Những ngôi nhà cao tầng, nhà vườn, biệt thự thi nhau mọc lên. Buổi tối đèn điện bật khắp nơi, người ở xa đến trầm trồ khen “xóm làng gì mà sáng choang như thành phố”. Bà Nhũ leo lên sân thượng tắt bóng đèn, miệng càu nhàu:
- Bật làm gì cả chục cái bóng điện lên không biết. Cuối tháng lại cả đống tiền điện.
- Ối dào, đáng bao nhiêu. - Ông Tích nằm đung đưa trên võng, mắt không rời khỏi màn hình tivi.
- Ông không làm ra tiền nên ông không biết xót. Con mình phải bỏ con, bỏ quê đi làm thuê làm mướn ở xứ người, mình phải thương nó chứ.
- Mấy cái đồng tiền điện, bà cứ nói nhiều. Nó kiếm nhiều thì nó tiêu. Có gửi về cũng tiêu cho con nó chứ tôi tay làm hàm nhai, ăn bám ai đâu.
Bà Nhũ chép miệng thở dài. Đám choai choai mới lớn lại rồ ga phóng như bay ở ngoài đường. Chúng khuấy động cái xóm buồn tẻ này bằng những trò ngông nghênh nghịch dại. Tụi nhỏ, có những đứa bố mẹ đi xuất khẩu lao động từ khi chúng còn đỏ hỏn, miệng còn thơm mùi sữa. Đêm đến tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ khát sữa khiến biết bao người làng giật mình trở giấc, chỉ biết thở dài. Hôm thằng Sóc bị nhốt ngoài công an xã vì tội đua xe, bà Nhũ vừa khóc vừa than:
- Mày không lo học hành, suốt ngày lêu lổng. Có ngày chết mất xác ngoài đường. Mày không thương ông bà thì cũng phải biết thương bố mẹ chứ.
Thằng Sóc lấy tay chùi vết máu dưới chân, tỉnh queo bảo:
- Thì họ cũng đâu có thương con.
Mười sáu tuổi, thằng Sóc xa bố mẹ tròn mười ba năm. Kỷ niệm với bố mẹ không có gì nhiều ngoài dăm ba cuộc gọi video gấp gáp kèm lời dặn dò không đổi: “Ở nhà ngoan, chịu khó học hành, nghe lời ông bà”. Để trả lời cho câu hỏi: “Bao giờ bố mẹ về?”. Lần nào mẹ cũng bảo: “Chừng nào kiếm đủ tiền thì về”. Nhưng đủ là bao nhiêu thì mẹ đâu có nói. Từ lúc Sóc còn lũn cũn ra cổng ngóng mỗi chiều. Cho đến khi Sóc cao đến vai bà, đến tai ông, cao như cây xào phơi áo thì bố mẹ về thăm tổng cộng được bốn lần. Lần nào về cũng bận việc, hết xây nhà đến xây mộ tổ, nhà thờ họ. Sóc không chạy lăng xăng việc này việc kia, thì ngồi yên một xó ngắm bố mẹ mình. Mẹ đổi kiểu tóc, màu tóc, người đeo đầy trang sức, mặt đen sạm vì nám và tàn nhang. Bố có thêm hình xăm nhỏ đằng sau gáy, Sóc nhìn không hiểu lắm. Những bữa cơm sum họp ít ỏi mẹ nói hoài không ngớt: “Sao để tóc dài như thằng du côn vậy? Học hành gì mà chữ vừa xấu vừa luộm thuộm? Xem điện thoại ít thôi, không là sớm muộn gì cũng tiêm nhiễm những thứ độc hại”. Sóc không nói gì, mắt đăm đăm nhìn con tôm mẹ gắp vào bát nó. Chắc mẹ đi lâu nên quên mất thằng nhỏ con mình bị dị ứng tôm từ bé. Lần gần nhất về mẹ không có thời gian để mắng, mọi người đã quên khuấy thằng Sóc ngồi bấm điện thoại chơi game ở một góc. Nhà thờ họ thành chủ đề bàn tán của cả làng suốt mấy tuần nay, nhà Sóc cũng xôn xao không kém.
- Quả này chẳng nhà thờ họ nào to đẹp như họ mình bố ạ. Riêng bộ đồ thờ đã hơn trăm triệu rồi.
- Sao mà đắt đỏ thế nhỉ?
- Chất liệu đồng vàng, nặng mấy chục cân đó bố. Riêng cái đỉnh đồng thất lân vờn cầu vinh quy bái tổ khảm ngũ sắc cao chín mươi xen-ti-mét đã bảy mươi triệu. Họ nhà mình đông mà bố. Mỗi anh em đi làm ăn xa góp vào hơn chục triệu là ngon nghẻ, mát mày mát mặt.
Bà Nhũ lại chép miệng thở dài: “Phú quý sinh lễ nghĩa đã đành. Đằng này toàn người bỏ nhà, bỏ cha mẹ già con thơ để bán mồ hôi, nước mắt ở xứ người. Đồng tiền mặn đắng chỉ để gửi về quê xây nhà to, mồ mả to, nhà thờ to. Nhà xây sau phải to, phải đẹp hơn những nhà xây trước. Mộ nhà này cũng phải to hơn mộ nhà bên cạnh. Người sống kèn cựa nhau đã đành. Đến người chết còn bị lôi vào cuộc hơn thua”. Bà buông bát nhìn về những dãy núi phía xa. Sau này khi rời khỏi cõi trần bà sẽ làm một đám mây bay quanh lưng núi.
Thằng Sóc thi trượt cấp ba phải xin vào trường bổ túc văn hóa. Hôm biết tin, bố mẹ nó bảo: “Học ngu thì cố lấy cái bằng bổ túc rồi đi xuất khẩu lao động. Mà khối đứa có bằng đại học rồi vẫn đi xuất khẩu lao động đấy thôi”. Những đứa trẻ ở cái làng này thay vì ước mơ làm cô giáo, bác sĩ, công an thì từ bé chúng đã nuôi ước mơ đi xuất khẩu lao động giống như bố mẹ mình. Nước Nhật đẹp lắm, đến kênh mương nước còn trong veo, cá cảnh tung tăng bơi lội. Hàn Quốc thì khỏi bàn, xứ sở của các idol giải trí. Đài Loan cũng thích mê, biết bao nhiêu cảnh đẹp... Tụi nhỏ thường ngồi ở bờ đê ngó sang phía bên kia của dòng sông nói với nhau về một miền đất hứa. Tụi nhỏ đâu biết rằng cơm người khó nuốt ai ơi…
Thằng Sóc trổ mã, lớn vổng lên như cây cối trước nhà. Nó ít nói hơn, nên mỗi lúc cất giọng ồm ồm bà Nhũ thường giật mình nuối tiếc hình dung về một thằng Sóc nhỏ ngày nào. Sóc ở cái tuổi lúc nào cũng một chân trong nhà, một chân ngoài ngõ. Cả ngày có khi bà Nhũ cũng chỉ nhìn thấy mặt cháu đôi lần. Nó về đến nhà là điện thoại lại reo, nhạc ráp bắn ra tứ tung khiến lũ chó mèo còn phải giật mình. Bạn nó cùng một lũ choai choai, ở nhà nói gì cũng dạ vâng, nhưng ra ngoài thích độ xe, phì phèo thuốc lá điện tử, chửi bậy nhanh như bắn ráp. Về đến nhà thằng Sóc nằm đóng đinh trên chiếc phản gỗ, thế giới của nó là chiếc điện thoại thông minh. “Bà chẳng biết gì” - thằng nhỏ thường nói vậy…
- Tụi bay không về mà dạy con. Cứ mải mê kiếm tiền đến lúc mất con lúc nào không biết. Ông bà già rồi, chỉ nuôi nó lớn phần xác chứ không thể thay tụi bay dạy nó khôn phần hồn được.
- Mẹ cứ kệ nó. Sau mấy năm bổ túc con cho nó sang đây, xã hội và đồng tiền sẽ dạy khôn cho nó.
Phải! Đồng tiền sẽ có cách dạy cho tụi nhỏ làng Cua Đồng được lớn khôn. Chỉ có điều bài học ấy đắt hơn bố mẹ chúng tưởng tượng rất nhiều. Thằng Sóc ngày nào lẽo đẽo theo bà đi chợ chìa tay xin năm ngàn mua bánh rán, giờ chìa ra tờ giấy nợ vài chục triệu. Chiếc xe máy điện bố mẹ mua cho đi học thằng Sóc cũng mang đi cắm. Hỏi nó làm gì mà cần đến nhiều tiền? Thằng nhỏ không trả lời, mắt nó vẫn hướng về những ngọn núi phía bên kia của dòng sông. Những người già trong làng ri rỉ khóc với nhau. Chẳng hiểu họ thương thân hay là thương những đứa cháu mắc kẹt trong cơn lốc game tài-xỉu. “Về mà cứu lấy tụi nhỏ các con ơi!” - Tiếng kêu ấy rút đến rỗng cả ruột gan mà không biết bố mẹ chúng ở xứ người có nghe thấu được?
Bàn thờ tổ nghi ngút khói hương. Những lúc chẳng biết bấu víu vào đâu người sống thường cầu cứu những người đã chết. Bà Nhũ lấy tay chùi nước mắt nhìn theo những sợi khói về trời. Bà ngồi đây, thằng Sóc ngồi kia mà xa tựa ngàn trùng. Bà Nhũ nói:
- Tay người còn chẳng níu được nhau thì tin gì mây khói.
- Có thờ có thiêng. Không tin thì xây nhà thờ to để làm gì? Đúng là đàn bà, chuyện thờ cúng nhà chồng mà báng bổ là vô phúc lắm.
- Tôi không báng bổ. Tổ tiên không phải thần linh mà xin xỏ cái gì cũng được. Hương khói chỉ là để tỏ lòng biết ơn, nhớ về nguồn cội.
- Thôi tôi không tranh cãi với bà. Năm nay giỗ họ bà nhớ đóng tiền suất ăn cho cả thằng Sóc nữa, nó lớn rồi. Mà ngày mai tôi phải sang nhà thờ cùng bàn bạc trước ngày giỗ họ. Sáng mai bà đi chợ mua cho tôi bó hoa cúc vàng và cân hoa quả.
Thằng Sóc ngồi ngoài hè nói vọng vào:
- Ngày mai để cháu đèo ông qua nhà thờ họ.
Ông Tích tính nói gì đó lại thôi. Tiếng nẹt pô của đám choai choai khiến lũ chó giật mình sủa nhặng. Ông nhắc thằng Sóc ngủ sớm đi. Nhưng thằng nhỏ ngồi tựa cột nhà nhìn mông lung xa vắng.
*
Công việc giỗ họ được chuẩn bị trước mấy ngày liền. Phân công cả rồi, ban hậu cần, ban mời khách, ban lau dọn bày lễ thắp hương. Họ đông người, lại chẳng mấy khi anh em trong họ mới có dịp tụ họp về, nhất là những người đi làm ăn xa. Làm hoành tráng là phải, còn để cho họ khác nhìn vào. Mấy ngày nay thằng Sóc bỗng nhiên chăm chỉ lạ. Nó hết xăng xái cùng các ông lau dọn gian thờ, lại chạy xuống bếp cùng các bà lau bát đĩa. Biết là nó chơi bời hư hỏng đấy nhưng sao lúc ngoan ngoãn ai cũng thấy thằng Sóc hiền khô. Có ai đó còn xoa đầu thằng nhỏ dặn: “Phải biết thương ông bà, bố mẹ nghe con. Đồng tiền nào cũng mặn mòi mồ hôi, nước mắt”. Thằng nhỏ chỉ ngoan ngoãn gật đầu. Ai đó huých tay bà Nhũ bảo: “Thằng nhỏ này vẫn còn dạy được, cũng chưa đến nỗi nào”.
Phông bạt đã dựng xong, bàn ghế người ta cũng chở đến sắp xếp đâu vào đấy. Hơn hai mươi mâm cả thảy, có nhà đăng ký đi đông đủ không sót một ai. Chỉ tiếc những người đi xuất khẩu lao động chẳng thể về, chỉ góp chút lòng thành dâng lên tổ tiên, gia tộc. Công việc chuẩn bị chu đáo đâu ra đấy cả rồi mọi người mới nhận ra cánh cổng sắt mưa nắng bạc màu, phải sơn lại ngay mới được. Nhưng gấp gáp gọi thợ chẳng có ai. Khó gì đâu, mua lấy hộp sơn màu vàng đồng nhạt, mượn cái máy về phun là được. Mỗi người mỗi việc, xong xuôi cũng tối muộn rồi. Họ nhìn ngắm thành quả hỏi nhau liệu sáng mai sơn có kịp khô? Khô chứ, chỉ cần vài tiếng thôi chứ mấy. Đội nhà bếp làm mấy mâm đơn giản, ít lòng dồi luộc, nồi cháo ngải và mấy lít rượu táo mèo để mọi người vừa nhâm nhi trước khi người nào về nhà người ấy. Chuyện trò lai rai đến tận khuya đám đàn ông mới nhấc đít ra về. Đàn bà vừa rửa bát vừa ngáp ngủ, còn dặn nhau ngủ sớm sáng mai còn nhiều việc. Nhất là đội hậu cần, bốn giờ sáng đã phải dậy đun nước mổ lợn, mổ gà mới kịp làm cỗ. Mười giờ đã phải cúng kiếng xong xuôi để khách ở xa về là chỉ việc nghe báo cáo, trao quỹ khuyến học, thăm hỏi nhau xong ngồi vào mâm cỗ oánh chén.
Ông Tích về đến nhà, tắm giặt qua loa, lên giường vừa đặt lưng đã ngủ. Có tí hơi men vào có khác, ông Tích ngáy ầm nhà, phả hơi rượu đến muỗi cũng say. Bà Nhũ dặn thằng Sóc ngủ sau nhớ đóng cửa rồi cũng lên giường nằm. Cả ngày làm bao việc chân tay đã mỏi nhừ, lưng bà đau như muốn gãy. Chẳng mấy chốc bà cũng đã chìm sâu vào giấc ngủ. Thằng Sóc khép cổng, đi lẫn vào bóng tối, tiếng chó sủa ngày một nhỏ dần.
Bốn giờ sáng hôm sau, đánh thức ông Tích không phải là tiếng chuông điện thoại gọi đi mổ lợn mà là tiếng kẻng của làng. “Keng! Keng! Keng!” - Tiếng kẻng vang lên dồn dập, thúc giục. Chân nọ xỏ dép kia ông Tích còn không kịp bật điện, lần theo ánh trăng rằm chạy ra cổng. Cả làng cũng túa ra, ngơ ngác, nháo nhào, ú ớ hỏi nhau không biết có chuyện gì? Lâu lắm rồi kẻng làng mới vang lên như thế. Trước kia kẻng làng chỉ vang lên khi có cháy nhà, trộm cắp. Lâu rồi cháy nhà chẳng có, trộm cắp lại càng không. Nông dân bỏ ruộng nhiều, chẳng còn có cây rơm, nhà lá, cột gỗ nữa mà lo cháy. Giờ tiền của, bạc vàng cũng chẳng ai cất ở trong nhà, họ đều để trong tài khoản cả rồi, trông giàu có thế thôi chứ chỉ mỗi xác nhà có gì đâu mà trộm. Đời sống người dân cũng khấm khá, chẳng còn đói kém mà lo mất con gà, con vịt vặt vãnh như xưa. Tiếng kẻng vẫn vang lên thứ âm thanh sắc nhọn.
- Ối giời ôi! Nghe nói nhà thờ họ mình mất cắp rồi.
- Mất cái gì? Vừa tối qua chính tay tôi đã khóa cửa cẩn thận rồi cơ mà.
- Ai biết đâu. Chú Thịnh vừa mở cửa đi đun nước pha trà chờ mọi người đến mổ lợn thì phát hiện ra mất cắp cái đỉnh đồng. Đôi hạc, đôi đèn, mâm đồng, đôi nến vẫn còn nguyên vị trí.
- Trời đất ạ. Sao mà vô phúc thế.
Ông Tích cùng dân làng chạy đến nhà thờ họ, mọi người đều xôn xao bàn tán:
- Có khi nào họ khác chơi đểu họ mình không? Chứ sao lại mất cắp đúng vào ngày giỗ họ?
- Hay là… khu vực mình có thằng nghiện nào mới được thả ra không?
- Nhà thờ mình có gắn camera cơ mà, thế đã kiểm tra chưa?
- Nó vô hiệu hóa camera trước rồi. Xây kín cổng cao tường thế này cũng không biết nó vào từ đường nào. Chẳng nhẽ nó mở khóa, trộm xong khóa lại ư?
- Nếu vậy chỉ có người trong họ các ông thôi.
- Ông vừa nói cái gì? Ông có thích ngậm máu phun người không? Ý ông nói họ tôi không có đức chứ gì?
Lời qua tiếng lại, ồn ào, ầm ĩ khắp cả làng. Lũ chó sủa nhặng lên không át nổi tiếng những gã đàn ông hăng máu. Mấy bà không bảo nhau can ngăn có khi đã cầm dao xông vào nhau quyết tử rồi. “Đến nước này thì còn giỗ chạp gì. Ối giời ơi là giời. Cha tiên sư bố đứa nào thất đức” - Tiếng chửi nhảy tanh tách từ mồm người này đến mồm người kia. Chửi từ lúc trời tờ mờ cho đến khi sáng tỏ. Lúc này người ta mới nhìn rõ cổng đã bị trầy sơn, hình như là vết dấu giày.
- Vậy là tên trộm đã trèo cổng đu sang cây xoài sát mép vườn?
- Vớ vẩn, cái đỉnh đồng cao chín mươi xen-ti-mét nặng hơn năm mươi ký, chẳng lẽ nó vác cái lư đồng mà vẫn trèo ra được?
- Một đứa thì làm sao trộm được. Nó ít nhất phải ba, bốn đứa. Một đứa trèo cổng cắt hệ thống camera. Sau đó chúng nó mở khóa vào lấy cắp. Đêm qua lúc tôi dậy đi tè rõ là thấy mấy chiếc xe máy chạy vụt qua nhà. Bọn này người làng cả, chúng biết tránh những đoạn có camera chĩa ra đường.
Sự việc làm náo loạn cả làng, người kéo đến xem ngày càng đông, công an xã cũng đã có mặt để xem xét điều tra sự việc. Bà Nhũ đột nhiên nhận ra không thấy thằng Sóc đâu. Lúc nghe tiếng kẻng bà chạy ào ra, qua ánh trăng hắt vào nhà hình như bà không thấy nó nằm trên chiếc phản gỗ ở gian ngoài. Linh tính mách bảo điều gì đó, bà lật đật chạy về thì thấy thằng Sóc đang nằm bật quạt, đắp chăn ngủ khò khò. Vừa thở phào nhẹ nhõm quay ra, thì mắt bà vướng phải đôi giày vứt lăn lóc ngoài hè. Trên đế giày lật ngửa còn dính vệt sơn màu vàng đồng nhạt. Đúng lúc đó các con bà ở xứ người tranh thủ mở camera ngó xem nhà cửa thế nào. Chúng không hiểu chuyện gì chỉ thấy người mẹ già ôm ngực rồi từ từ quỵ xuống…
V.T.H.T