Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Thức giữa ban mai xanh (Truyện ngắn dự thi)
Thức giữa ban mai xanh (Truyện ngắn dự thi)

TRẦN MAI LAN 

Thức giữa ban mai xanh

Truyện ngắn dự thi

Trời nhập nhoạng tối, một màu lam tím giăng phủ khắp không gian, từ ngọn núi phía xa mờ tới ngọn cỏ, bờ nước lúp xúp ngay trước mặt. Cái nóng nực tích tụ sau một ngày lao động giữa tiết hè oi ả được Thiên cởi bỏ. Nhảy ùm xuống dòng nước trong xanh mát rười rượi. Dòng sông không yên ả như tên gọi của nó, sông Yên - là con sông nhỏ nhưng độ quanh co rắn bò có tiếng một vùng xứ Thanh, khởi nguồn từ cánh rừng thuộc huyện Như Thanh nay là Vườn Quốc gia Bến En. Đầu nguồn xưa kia thường có ba dân tộc cư trú đó là Thái, Thổ và Mường theo đạo Mẫu, lập nên Phủ Sung với đền Ông, đền Bà và Phủ Na nằm phía Tây dãy núi Nưa, gắn với huyền thoại Bà Triệu “phất cờ nương tử”. Trạm thủy văn nơi Thiên công tác, nằm trên bờ tả con sông mang trong mình nhiều biến cố lịch sử linh thiêng và oai hùng. 
Cái nóng nực của một ngày hè oi bức như được hóa giải vào dòng nước trong xanh. Thiên khoan khoái bơi lội vùng vẫy giữa dòng nước mát rượi, nước quấn riết lấy cơ thể cường tráng của chàng trai trẻ. Thiên vùng vẫy khua chân, đập tay, miệng hò lên một cách tự do, thoải mái, thân hình như con rái cá nhào lộn, mơn trớn giữa dòng nước trong xanh. Nhưng có hề gì, ở một nơi vắng vẻ thượng nguồn sông Yên, nơi bắt đầu chảy vào địa phận xứ Thanh hoang sơ này, và nhất là vào thời điểm nhá nhem tranh tối, tranh sáng này thì chỉ có “ma nó thèm tới”, như lời anh Quý thường bảo với Thiên như vậy, mỗi khi thấy Thiên đi tắm mà cứ ngó trước dòm sau. Đấy là lúc mới đến trạm nhận công tác, còn giờ, sau gần một năm “ăn, ở trong rừng”, điều đó làm Thiên thấy thật đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vùng vẫy, kỳ cọ tới khi thấy mát lịm tới ruột, Thiên với tay lấy chiếc quần “xà lỏn” (quần đùi) trên bờ vò giặt qua loa, vắt lên vai đi về. Vừa đi vừa huýt sáo véo von như một chú chim rừng vừa được sổ lồng. Ôi chao! Cái cảnh chỉ có mình ta với riêng ta hòa mình vào thiên nhiên thấy nó dễ chịu và khoan khoái vô cùng. Bỗng Thiên giật bắn người như chạm phải nọc rắn. Tiếng la thất thanh phía trước mặt.
- Ôi khỉ… Có khỉ!  
- Đâu, ở đâu? Làm gì có. Hoa mắt hả?
Nhanh như cắt Thiên nhảy thụp vào bụi cây ven đường, ngồi im không cả dám thở. Bóng hai người rõ dần, họ nắm chặt tay nhau đi thật nhanh qua quãng đường vắng. Ngồi trong bụi cây Thiên nghe rõ tiếng trống ngực đập thình thịch liên hồi. 
- Có phải chị nhìn nhầm không đấy? 
- Rõ mà!
- Thế nó đâu rồi. 
- Chị chả biết… Nó lẩn nhanh thật đấy.  
- Nó to ngần nào? 
- To gần bằng người mình… Mà sao nó trắng nhởn… 
- Úi trời, sợ thế… Hay… 
Hai cô gái ù té chạy, tiếng chân người dậm xuống mặt đất xa dần, bóng người mất hút vào khoảng không mờ tối.
Bấy giờ Thiên mới thở phào, từ từ đứng dậy mặc vội chiếc quần vắt trên vai vào người. Nhưng… Gì thế này, toàn thân ngứa râm ran như nhảy vào ổ bọ nẹt chuối. Ngứa và rát kinh khủng hết cả nửa thân dưới. Thôi chết! Ngồi trúng bụi lá han xanh um ven đường. Khu rừng ẩm thấp thường hay mọc loài cây gần giống lá tía tô nhưng to hơn, lá dày hơn và có lông, chạm vào da rất ngứa, dân đi rừng thấy nó là chặt ngay. Gặp trúng nó… Mày tiêu đời rồi! - Nghĩ vậy Thiên chạy vội về trạm, ra sau nhà nhổ một củ ráy, rửa sạch, cắt đôi củ và chà sát vào chỗ ngứa râm ran. Đây là mẹo mà anh Quý đã có lần chỉ cho Thiên hồi mới tập toẹ theo anh đi rừng bẻ măng, hái nấm, chặt củi. Bài thuốc dân gian quả là hiệu nghiệm, một chốc chỗ ngứa rát đã dịu hẳn, nhưng vẫn còn bứt dứt khó chịu vô cùng. Vừa nghĩ, chỗ đó gần bậc tuyến quan trắc, anh em đã dọn sạch cỏ, bụi lá han đó đã chặt tận gốc sao nó lên tốt dữ. Cây độc mà sống dai. Bộ rễ cứ ôm chặt lấy đất rừng, tủa đi muôn hướng hút dưỡng chất nuôi cây. Đất mẹ nuôi muôn loài cây con, không phân biệt cây nào. Lòng mẹ bao dung và rộng lượng, bởi vậy cây rừng cứ chen chúc nhau mà vươn lớn, tầng tầng lớp lớp. Rừng ở phía trước, phía sau, bên trái, bên phải. Từ ngày rời phố lên rừng Thiên đã vô cùng thích thú bởi màu xanh bất tận trải dài ngút tầm mắt. Cái cảm giác khoan khoái khi buổi bình minh thức giấc, đứng giữa bao la non ngàn, ngắm nhìn từng tia hừng đông nhô lên sau dãy núi, hít đầy lồng ngực không gian tinh khiết, trong ngần còn đẫm hơi sương, thấy buồng phổi căng phồng, đầy hứng khởi cho một ngày mới bắt đầu. Công việc của năm anh em trong trạm thủy văn nhỏ bé này được chia sẻ như nhau, không phân biệt thứ bậc, cao thấp. Mọi người ở đây giống như một gia đình, che chở và giúp đỡ lẫn nhau trong công tác cũng như trong đời sống hàng ngày. Là trạm thủy văn cấp I miền núi, lại là sông đầu nguồn. Sông nhỏ nhưng độ dốc cao, lưu vực sông lớn, nên vào mùa mưa (từ tháng sáu đến tháng mười) công việc rất vất vả. Hầu như mùa mưa bão trạm không giải quyết nghỉ phép, trừ trường hợp đặc biệt hay ốm đau mới được nghỉ. Trạm có năm anh em, thì ba anh lớn đã có gia đình dưới huyện Mường Lát, còn Thiên và Trải vẫn chưa có “mảnh tình nào vắt vai”. Trải hơn Thiên hai tuổi, là người dân tộc Thái Đen (Táy Đăm) ở tận thung lũng Mường Xén. Trải học ở trường dân tộc nội trú dưới huyện nhà. Như một sự tình cờ, mùa mưa năm ấy bản của Trải bị lũ quét ngang qua, nhà cửa hoa màu bị lũ cuốn trôi hết. Nhà Trải bị thiệt hại nặng nề nhất. Nước rút, mọi người trở lại xóm bản thân yêu, nay là lòng suối cạn trơ toàn sỏi đá, bùn đất toang hoang, tài sản tích cóp lâu nay bị dòng nước hung dữ cuốn phăng đi. Đau xót hơn, người mẹ vì cố vét nốt ít gạo trong bồ để các con khỏi đói, đã bị dòng nước oan nghiệt cuốn theo. Ba ngày sau dân bản mới tìm thấy xác bà, cùng một người xấu số trong bản ở cách đó ba cây số, với tấm thân rũ rượi, bầm dập như một tàu lá héo. Bốn bố con người đàn ông cứ ngơ ngác trước bãi đá sâu hoắm, những hốc nước đục ngầu như máu và nước mắt của rừng. Dân bản thương xót cho hai số phận đã bay về Mường Trời. Không có chỗ để làm ma cho người vợ xấu số, người đàn ông và ba con nhỏ thắp hương và đưa tiễn người thân ngay bên bìa rừng, có dân bản xúm vào lo giúp. Người về với đất đã mồ yên mả đẹp, còn người ở lại vất vưởng dựng tạm mái bạt che mưa, che nắng do bộ đội biên phòng hỗ trợ. Trạm thuỷ văn ở cách đó vài cây số, anh em trong trạm cũng tới phụ giúp cho bà con sớm ổn định cuộc sống, thấy cảnh nhà Trải nheo nhóc, mấy anh em bàn nhau đón ba anh em Trải về trạm ở cùng. Sau này nhờ bà con thôn bản góp công, góp sức dựng cho gia đình Trải một ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi, lúc đó bố mới đón ba anh em Trải về. Từ đó Trải hay lân la lên chỗ các chú trên trạm thuỷ văn chơi, nó muốn sau này được đi làm giống như các chú dưới đấy. Có lần xuống chơi thấy mọi người trèo lên nôi đo, cu cậu cứ ngẩn ra rồi tò mò hỏi: 
- Đo cái máy đó để làm gì hả chú? 
- À… Đo để biết lũ ở vùng này, sông này lớn bằng ngần nào, sức mạnh của nó ra sao, và làm thế nào để phòng tránh được chúng.
Mắt chữ o mồm chữ i thằng Trải ngạc nhiên và khâm phục lắm, nó đã quyết chí từ lúc đó rồi. 
- Thế… Sau này Trải đi học, rồi cũng đi làm như chú… có được không? 
- Ồ, được chứ sao không, chàng trai trẻ. Các chú rất ủng hộ cái tinh thần ham học của cháu. Cố gắng lên, cháu sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Trải nung nấu và quyết tâm để bốn năm sau đó ra trường. Và bây giờ thì đã trở thành một nhà thủy văn thực thụ rồi. Nhanh nhẹn, tháo vát và có trách nhiệm trong công tác, với Trải ngoài lòng yêu nghề còn có một sự cảm kích, lòng yêu mến với những ân nhân của gia đình mình. Sau khi giúp Trải thực hiện được nguyện vọng vào trường học, anh em trong trạm hàng năm còn trích một phần lương để khích lệ và giúp đỡ Trải trang trải học hành khi gia đình trên bản gặp khó khăn, anh em trong trạm cũng giúp đỡ, động viên, chia sẻ, bởi vậy Trải coi các bác, các chú trong trạm như những người thân của gia đình. Trải nhận công tác được một năm thì Thiên lên thay chân một bác về hưu. Sàn tuổi nhau nên hai chàng trai dễ kết thân với nhau. Tuy ít tuổi hơn nhưng Thiên có cái thông minh, nhanh nhạy với thời cuộc của một thanh niên phố thị, cộng một chút lém lỉnh hơi bùi bụi của dân ưa bay nhảy, khám phá. Trải hiền lành, nhút nhát với bản tính thật thà, chất phác của người miền núi. Là dân bản địa, nên ngoài những giờ phải trực ca Trải thường dẫn Thiên đi đến mọi ngõ ngách của vùng đất quê mình. Những thác nước cao vút, bọt tung trắng xóa hai đứa thường đến tắm vào mùa hè, những vạt sim xanh mát mà mỗi vụ quả chín hai đứa ăn căng bụng, rồi hái đầy mũ về cho Chuyền, đứa em gái của Trải đang học trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật dưới tỉnh. Lần đầu gặp Chuyền, cũng là mùa sim chín vào quãng tháng bảy, tháng tám. 
Hai thằng con trai vừa về đến chân cầu thang đã nghe tiếng hát líu lo bên cửa sổ: “Mùa hè gió luồn cửa sổ/ Vù vù gió nhẹ trên không/ Sao ẩn sao hiện trong mây/ Nhìn trăng lên tỏa sáng xuống đồng”. Lời hát du dương trầm bổng, nó khiến Thiên ngỡ mình đang bước vào một khung cảnh đêm trăng thanh khiết nơi non ngàn. Đang mơ màng thì Trải vỗ vai. 
- Gì mà ngẩn người ra thế, cái Chuyền vẫn thường hát vậy mà!
- Điệu hát gì mà hay vậy? 
- Đây là điệu “Khắp” của dân tộc mình. Nó gọi là “các làn điệu dân ca Thái”. Mình chỉ biết thế thôi, nó học ở trường văn hóa nó hiểu hơn à.
Thì ra vậy, em gái Trải có một giọng hát trong trẻo như chim sơn ca, nghe rất truyền cảm đi vào lòng người, chưa nhìn thấy mặt đã mê giọng hát rồi. Tự nhiên Thiên đỏ mặt vì ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu, may mà Trải không để ý. Làm ra vẻ tự nhiên Thiên bước chầm chậm theo Trải lên nhà. Bố Trải ngồi hút thuốc bằng chiếc tẩu gỗ đã lên màu đen bóng giữa nhà, gương mặt ông sau làn khói như bức tượng gỗ già nua, khắc khổ. Thấy con trai về, mặt ông giãn ra, tươi tỉnh. 
- Ải à! (bố à)  
- Cháu chào bác ạ! - Thiên nhanh nhảu tiếp sau lời chào của Trải. 
- Mày về đó hả Trải? 
- Vâng ải, đây là anh Thiên, cùng làm ở trạm với con đó. 
- Ô, tốt quá, vào nhà đi cháu. Hôm nay về đông đủ, bảo con Chuyền bắt con gà làm thịt, mấy anh em uống rượu cho vui.
Chuyền đang ngồi bên khung cửi ngừng tay đưa thoi, đứng dậy bước lại gần ải, mỉm cười với hai anh. Giọng nũng nịu: 
- Ải thiên vị nhé! Hôm nay anh Trải về mới cho làm cỗ đấy. 
Trải dí ngón tay vào trán cô em:
- Nói thế mà không ngại anh Thiên ở đây à. Vậy các anh nhường cô hết, được chưa? 
Chuyền liếc Thiên, đỏ mặt: 
- Em không nói anh ấy… Hi hi.
Giờ bố Trải mới thủng thẳng: 
- Thì ải chờ nó về, cho có anh có em mới vui, ăn mới ngon, uống rượu mới say phải không cháu. 
Cả bốn người cùng cười vui vẻ. Lâu lắm rồi ông Trìu mới vui vẻ như vậy, ông lớn tiếng gọi bé Chuyện út ít trong nhà: 
- Chuyện à, về giúp anh chị một tay cho nhanh nào! 
- Thôi! Bác cứ để anh em cháu tự làm được rồi, cứ để em chơi đi ạ.
Bữa cơm thân mật diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Ông Trìu uống rượu, chốc chốc lại nhắc: “Cám ơn các anh trên trạm nhiều lắm, thằng Trải được như hôm nay là nhờ các anh trên ấy rất nhiều. Cả nhà tôi biết ơn tấm lòng của mọi người đã giúp đỡ cho nó”. Thiên cũng thấy vui lây, vì ngày Trải lên đó Thiên vẫn chưa về trạm. Qua câu chuyện Thiên biết em Chuyền được một đoàn văn công về bản biểu diễn, và tình cờ phát hiện ra tài năng của em, nên Chuyền được tuyển chọn đi học. Âu cũng là một điều thật may mắn cho gia đình bác Trìu và cả em ấy nữa. Quả thật, ai đã nghe giọng hát của cô sơn nữ ấy sẽ nhớ mãi, riêng Thiên thì không những nhớ, mà còn thổn thức cả con tim. Khi diện kiến thì càng cảm mến cô gái có gương mặt thanh tú, nước da trắng ngần trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Chiếc áo với hàng cúc bạc càng tôn lên dáng người thanh thoát, uyển chuyển, búi tóc đen nhánh sau gáy, trên đầu là chiếc khăn Piêu màu sắc sặc sỡ, đường nét thật tinh xảo và bắt mắt. Trong men rượu lâng lâng Thiên thấy ánh mắt Chuyền nhìn mình long lanh như những vì sao trên đỉnh núi Bù Rinh. Buổi chiều hai anh em còn giúp bố rào lại khu vườn quanh nhà, lợp lại mái chuồng trâu đã dột nát, có Chuyền phụ giúp thêm nên công việc chả mấy chốc đã tinh tươm. Trời xâm xẩm tối Thiên và Trải mới trở lại trạm. Lúc chia tay Thiên đã mạnh dạn nói với Chuyền: 
- Hôm nào anh lên, dạy anh hát mấy bài “Khắp” nhé! 
- Anh Thiên học bài “Khắp” để làm gì? 
- Để… Để anh hát… giao duyên.
- Úi… Anh Thiên vẫn chưa có người yêu sao? 
- Ừ… Vậy anh mới học “Khắp” để hát giao duyên với cô gái Thái bản Xén mà! - Chuyền nghe xong ửng đỏ đôi má, vờ sửa lại chiếc khăn Piêu trên đầu. 
- Anh nói thật không? 
- Cái bụng anh không biết nói dối…
Đi một đoạn khá xa, ngoảnh lại vẫn thấy bóng Chuyền đứng trông theo, màu áo, màu khăn lung linh như những cánh bướm ngũ sắc bên dòng nước trong xanh. Suốt mùa hè đó Thiên còn nhiều dịp ghé nhà cùng Trải, giúp cho bác Trìu nhiều việc lớn nhỏ trong nhà. Mấy năm nay bác bị phế quản mãn tính nên sức khỏe yếu đi nhiều. Các con lớn khôn trưởng thành thì cha mẹ già yếu đi, bao năm nay bác lăn lộn với ruộng nương nuôi con khôn lớn. Nay thì Trải đi làm đã có đồng lương phụ giúp bố nuôi các em ăn học, vài năm nữa Chuyền cũng ra trường thì ông đỡ lo hơn.
Mùa lũ là mùa dân thủy văn vất vả nhất, mọi người đều phải túc trực ở tại trạm, hễ có mưa lũ là đo đạc, “bắt” lũ. Dòng sông hiền hòa là thế, lúc lũ về lại hung dữ như một con thú hoang xổng chuồng, những cuộn nước đỏ ngầu mang theo bao nhiêu cây cối trôi nổi, gầm réo rợn người. Những ca đo lưu lượng có khi chỉ bốn lăm phút, có khi lại kéo dài mấy giờ liền. Không kể ban ngày hay ban đêm, lũ về ứng với từng mực nước đang cần số liệu là đo. Chiếc “nôi” đong đưa ngay trên dòng nước lũ cuồn cuộn, với bao nhiêu nguy hiểm rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng không ai tỏ ra nao núng. Tình yêu nghề hun đúc ý chí quả cảm của những người “lính” thủy văn nơi đây. Mỗi lần vào ca là một lần thử thách tính kiên trì, nhẫn nại, không quản ngại trước mọi khó khăn, gian khổ. Mỗi người trên nôi đo đảm trách một khâu, tất cả phải đồng bộ và uyển chuyển. Từ người quay nôi, người thả “cá sắt” đều phải lựa sao cho nôi giữ được thăng bằng, trên hai sợi dây cáp căng ngang sông. Người đo không nhìn ngoại cảnh nhưng vô cùng căng thẳng, tai lắng nghe tiếng chuông reo qua tạp âm của tiếng mưa quất ràn rạt, tiếng gió hú quanh nôi, tiếng nước réo ngay phía dưới chỗ ngồi, mắt quan sát đồng hồ chính xác đến từng giây, đếm nhóm tín hiệu và ghi vào sổ. Ba người trên nôi im lặng đến lạnh lùng, có lúc chỉ trao đổi với nhau bằng cử chỉ và ánh mắt. Tất cả tập trung cao độ, mọi giác quan căng như dây đàn, để kíp trực lũ diễn ra nhanh chóng và an toàn. Đó là công việc, còn cuộc sống hàng ngày cũng vô cùng gian khổ, thiếu thốn đủ thứ từ vật chất tới tinh thần. Đặc thù của trạm thủy văn thường đặt ở những nơi hẻo lánh, đầu nguồn các con sông, xa khu dân cư, đường đi lại rất vất vả, đòi hỏi con người sống ở nơi đây phải thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, để vừa đảm bảo cuộc sống cũng như hoàn thành tốt mọi công việc mà cấp trên giao phó. Thiên nhớ như in một ngày cuối tháng chín, những cơn lũ vẫn bất ngờ ập về không báo trước (thực ra có mưa trên đầu nguồn nên mới có lượng nước bổ sung). Hôm đó cả trạm vừa ăn cơm chiều xong, anh Quý tự nhiên thấy đau bụng quằn quại, theo kinh nghiệm của bác Tỷ thì là triệu chứng của đau ruột thừa. Trời chuyển gió, sấm chớp nhằng nhịt phía đỉnh núi Bù Rinh, có lẽ đêm lũ sẽ về. Anh Quý cố chịu đựng nhưng cơn đau mỗi lúc một dày lên, nhìn khuôn mặt đang tái đi bác Tỷ nói: 
- Kiểu này phải đưa đi viện ngay thôi! 
- Để cháu và anh Trải đưa anh đi. 
- Ừ, hai thanh niên chuẩn bị đèn pin với quần áo mưa, kiểu gì đêm cũng mưa. Mà nhanh chóng lên kẻo không qua được sông đâu. 
- Nhưng anh Quý có ngồi được xe đạp không? Đau thế kia...
 Một chút suy nghĩ Thiên quả quyết: 
- Hai anh em cháu thay nhau cõng anh Quý cũng được, giờ buộc võng cũng lâu mà trời tối rất khó đi. 
- Ừ, vậy đi nhanh lên kẻo trời tối bây giờ.
Xốc anh Quý lên vai, hai chàng trai thay nhau cõng anh, vừa đi vừa chạy gằn thi với con nước lũ đang gấp rút đuổi theo. Đến sông, chỗ lội sang bên kia bờ nước đã lờ lờ đục cao ngang lưng quần, không chần chừ được nữa, hai đứa dìu nhau lội ào qua. Họ đang chạy đua với thời gian để cứu người. Gió rừng bỗng ào ạt, những hạt mưa lộp bộp rơi xuống tán lá nghe như ai đang vốc từng nắm đá ném theo sau, chỉ kịp choàng chiếc áo mưa cho anh Quý, còn mình thì kệ, những dòng mưa xối xả táp vào người rát rạt, hai đứa vừa đi vừa chạy không biết mệt. Quãng đường tám cây số quanh co đồi dốc mưa trơn và tối đen trước mặt, bỏ cả dép ra, mười đầu ngón chân bấm ghì xuống nền đất trơn tuột đến tóe máu. Anh Quý vẫn quằn quại trên lưng: “Sắp đến chưa, hai đứa có mệt lắm không… Đau quá! Anh chết mất thôi!”. “Cố lên anh, một chút nữa là tới viện rồi”. Nhiều lúc đau quá anh Quý bấu chặt vào cổ, Thiên nghiến răng chịu đựng. Gần hai giờ ba anh em mới lướt thướt tới viện. Các y, bác sĩ vội đưa vào phòng mổ cấp cứu. May quá chỉ chậm ít phút nữa thì nguy hiểm tới tính mạng, chỗ ruột thừa sẽ vỡ và việc chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, may mà tới kịp. Thiên để anh Trải ở lại viện, còn mình ra cổng mua tạm ổ bánh mỳ với chai nước hai anh em ăn lót dạ. Lúc đi bác Tỷ còn cố nhét cho hai bộ quần áo bọc túi ni lông vào tay Thiên, bây giờ thật quý hóa vô cùng, nhờ đó mà hai anh em có quần áo khô để thay, không có chết rét vì ướt như chuột lột. Hai anh em túc trực ở phòng mổ, gần sáng xuống phòng hậu phẫu, đến sáng thì mới nhắn được cho người nhà anh tới. Sau trao đổi tình hình cho người nhà hai anh em lại cuốc bộ quay trở về trạm ngay. Mưa lớn suốt đêm, nay chắc lũ lớn lắm, nghĩ vậy nên hai đôi chân cùng rảo bước thật nhanh. Nước lớn không thể lội qua được đành chờ nôi qua đón về. Chiếc nôi che bạt đang đung đưa như lắc võng bên bờ tả, thoáng bóng hai thằng bác Tỷ kêu to mừng rỡ: “Hai thằng về rồi hả, đợi chút tao đưa nôi sang đón”. Thùng máy cũng được đưa lên nôi, lúc quay về bờ hữu sẽ đo được một cấp mực nước lũ lớn. Biết tin anh Quý đã được cứu chữa kịp thời ai cũng vui, dù biết công việc những ngày sắp tới sẽ vất vả hơn vì thiếu đi một người.
Vùng đất mới đã bén duyên cho Thiên và Chuyền thành đôi thành lứa. Khi Chuyền ra trường xin về công tác tại Phòng Văn hóa huyện nhà, họ sống hạnh phúc bên nhau như cây rừng cứ lớn nhanh bởi dòng nhựa sống đất mẹ nuôi dưỡng. Trải cũng có người thương là một cô gái Thái trên bản, là bạn thân của Chuyền tên là Mí. Một hôm nhà có khách, là hai đôi vợ chồng trẻ lâu lắm mới được ngồi uống rượu, tán gẫu với nhau. Câu chuyện đang vui thì Chuyền bỗng nhớ ra, chợt hỏi: 
- À mà có chuyện này em và Mí cứ thắc mắc mãi, hình như trong khu rừng này vẫn còn khỉ phải không các anh? 
Thiên nhướng cặp lông mày lên: 
- Khỉ á? 
- Vâng, có lần hai đứa bọn em đã trông thấy đấy, ở chỗ gần bến thủy văn nhà các anh đấy! Trải cười rũ, còn Thiên thì mặt đỏ rần rần tới tận mang tai. 
- Ha, ha, ha… Ha ha… Khỉ vẫn còn ở đấy đấy… ngày nào chả gặp. 
- Thật á! 
Thiên véo đùi Trải đến nỗi anh phải kêu lên ông ổng:
- Á… Á… Đau, đau... 
Được thể Trải trêu thêm: 
- Hai cô nghe nó kêu có giống tiếng người không? 
Hai đứa lắc đầu. 
- Mà anh còn biết con khỉ ấy có tật ở mông, vì bị dính lá han không mọc được lông nữa cơ… Ha ha!
Chuyền ngồi ớ ra… Và như vỡ lẽ, cô chạy đến đấm thùm thụp vào người Thiên:  
- Ứ biết đâu… Em bắt đền anh đấy! 
Mí mở to đôi mắt nhìn Trải, ngạc nhiên sửng sốt. 
- Có phải… Anh Thiên… Họ đã… 
Trải cười ngất, gật gật đầu.
 - Ối trời ơi, chị Chuyền ơi, em không nhìn thấy gì hết nhé… Mỗi chị nhìn thấy nhé, của chị tất tật nhé…!
Tiếng cười lan xa như điệu nhạc rừng xanh. Ánh nắng lung linh trên vòm lá như giọt sương mai hòa quyện vào bức tranh sinh động. Những ánh mắt chứa chan trong niềm tin yêu cuộc sống, nơi cánh rừng yêu thương.
                              T.M.L

Chú thích: “Nôi”, “Cá sắt” - Các thuật ngữ trong ngành thủy văn.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 68
 Hôm nay: 992
 Tổng số truy cập: 13577018
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa