Tháng 3, thời tiết đỏng đảnh như cô gái dậy thì. Buổi sáng đang rét như cắt ruột, trưa trời bỗng hửng nắng rồi ngày mai nồng nực như đã vào hạ. Mấy ngày trước khi đi trời hửng nắng hanh, thế mà đùng cái sáng sớm hôm sau, trời đổ mưa tầm tã. Chuyến đi này của chúng tôi gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh, quay phim và các nhạc sĩ của Ban dân tộc và miền núi thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, một chuyến đi thâm nhập thực tế của Hội. Gồm những người rất tâm huyết với rừng núi xứ Thanh, hầu hết đều có ít nhiều những tác phẩm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng một đam mê, cùng một bầu nhiệt huyết, thế là lên đường, mặc thời tiết bất thường, mặc nắng mưa đỏng đảnh.
Trời thử thách rồi trời lại ban thưởng, xe ra khỏi thành phố chừng vài chục cây số thì hửng nắng. Xe bon bon trên con đường phẳng lỳ ngược về phía Tây. Đường lên miền núi bây giờ quả là tuyệt vời, dù phải uốn lượn vòng vèo qua bao đèo cao cua gấp. Lắm khi thấy con đường như mất hút trong sương, rồi lại hiện ra như mơ như tỉnh.
Mải ngoảnh đi ngoảnh lại chiêm ngưỡng những thảm ruộng bậc thang xanh rì lúa mới, những nóc nhà sàn ẩn hiện trong sương như bức tranh thủy mạc, thoắt cái xe đã lên đến huyện lỵ Quan Sơn. Tôi thực sự ngỡ ngàng. Quan Sơn đây ư! Mười năm trước tôi đã từng lên đây viết bài cho ngành lâm nghiệp, khi đó thị trấn Quan Sơn còn tiêu điều lắm. Phần lớn các nóc nhà của các cơ quan công sở đều là nhà cấp bốn. Đường xá trong thị trấn cũng lổn nhổn gạch đá và đôi chỗ còn lầy lội. Nhưng ấn tượng trong tôi về một miền núi xa xôi hồi đó còn ấm áp đến tận bây giờ.
Rồi như duyên kỳ ngộ, trong đoàn đi lần này tôi lại được gặp lại giám đốc lâm trường Na Mèo, anh Phạm Xuân Cừ. Người đã từng nổi danh một thời về tấm gương kiên trì phủ xanh cho núi rừng vùng biên cương mà báo chí khắp nơi đều tìm đến để viết bài ca ngợi. Thật lạ, thời gian khắc nghiệt là thế mà trông anh vẫn chẳng khác xưa. Anh là người dân tộc Thái chính gốc, hiện nay anh vẫn sống cùng con cháu nơi trước kia anh đã từng gắn bó với bao tâm huyết nhọc nhằn. Đoàn đi đợt này có anh là người bản địa nên mọi trở ngại đều được vượt qua.
Ngay chiều hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo huyện đã tiếp đón chúng tôi. Bí thư Nguyễn Ngọc Tiến giới thiệu cho chúng tôi bức tranh toàn cảnh về Quan Sơn. Quan Sơn là một huyện miền núi vùng cao biên giới nằm về phía tây của tỉnh Thanh Hóa. Cách thành phố Thanh hóa hơn 150 ki lô mét. Huyện Quan Sơn có diện tích tự nhiên là 93.017 héc ta, và dân số là 37.343 người. Quan Sơn vốn là huyện được tách ra từ huyện Quan Hóa từ năm 1996 nhưng Quan Sơn có một bề dày lịch sử lâu đời từ hàng nghìn năm trước. Là vùng đất có truyền thống chống giặc ngoại xâm, nơi đã từng là vùng đất chở che, là căn cứ địa vững chắc cho nghĩa quân Lam Sơn phục hồi sức lực để phản công lại giặc Minh đầu thế kỷ thứ XV. Là hậu phương quan trọng của mặt trận Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên phủ. Không những thế Quan Sơn còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa các dân tộc vùng cao xứ Thanh. Và quan trọng hơn nữa là vùng đất biên cương, phên dậu của Tổ quốc, Quan Sơn có đường biên giới giáp nước Lào dài đến 75 ki lô mét, là một vị trí quan trọng về mặt quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế trên dải đất phía Tây tỉnh Thanh.
Sau buổi làm việc với huyện ủy, chúng tôi đi xuống cơ sở với sự dẫn dắt nhiệt tình của anh Cừ. Anh Cừ có một tầm ảnh hưởng khá rộng ở vùng đất Quan Sơn. Đi đến đâu anh cũng được mọi người tay bắt mặt mừng như người nhà. Có lẽ thời anh còn làm giám đốc lâm trường anh đã từng lăn lộn khắp các nẻo đường rừng núi trên mảnh đất này. Điểm đầu tiên mà chúng tôi vào là trường THCS dân tộc nội trú của huyện. Đang trong giờ lên lớp nên toàn trường đều im ắng, chỉ nghe thoang thoảng tiếng giảng bài của các giáo viên. Chúng tôi lặng lẽ dạo một vòng quanh trường. Ngoài hai dãy nhà hai tầng là các phòng học, còn lại là khu vui chơi, thể thao và khu ký túc xá của các em học sinh. Tất cả đều chìm trong rừng cây xanh cổ thụ. Một hội trường rộng mênh mông, là nơi tổ chức mít tinh, hội họp, còn là khu cho các em luyện tập thể dục thể thao trong những ngày nắng mưa thất thường. Cô hiệu trưởng Hà Thị Anh Đào giới thiệu: Trường THCS dân tộc nội trú huyện Quan Sơn được chính thức thành lập từ năm 2002, lúc đầu trường chỉ có 6 lớp với 180 học sinh, đến nay đã có 8 lớp với 243 học sinh, hầu hết các em đều là người các dân tộc trong huyện, thường là những bản xa xôi không có điều kiện đi lại. Trường đã được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia năm 2010. Khi chúng tôi định chia tay ra về thì cũng đúng lúc các em được nghỉ giải lao. Các em ùa ra như một đàn chim, chỉ khác một đàn chim nhiều màu sắc. Đúng là một trường dân tộc, các em không mặc đồng phục như mọi trường mà các em gái mặc đúng sắc phục của dân tộc mình, nào Mường, Thái, Mông... đủ cả. Trông như một ngày hội của các dân tộc miền núi. Tôi hỏi một em bé gái dáng nhỏ nhắn là em ở đây có thích không, có nhớ nhà không, em trả lời: Lúc đầu cũng nhớ nhà, thỉnh thoảng cũng bỏ về, nhưng bây giờ thì quen rồi. ở đây được ăn ngon, ngủ ấm lại vui mà. Một tháng mới về thăm bố mẹ một lần thôi. Đúng là không gì bằng đáp ứng được những điều các em mong đợi thì việc học tập đối với các em sẽ rất dễ dàng.
Sau khi dừng chân không lâu ở một trường THPT Quan Sơn nữa, chúng tôi đi về xã Sơn Thủy, một xã theo như anh Cừ giới thiệu là có rất nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử văn hóa. Đây là một xã vùng núi cao giáp biên giới Việt - Lào, là nơi giao hòa giữa dòng suối Xia bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy róc rách theo các chân núi thơ mộng, trong đó có núi Lá Hoa, hang Bo Cúng, nhập vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông suối. Cái tên Sơn Thủy cũng hàm ý một vùng đất nơi đây sơn thủy hữu tình đẹp như trong tranh vẽ. Chả thế mà Sơn Thủy trước đây là thủ phủ của Mường Chu Sàn. Sơn Thủy có nhiều thắng cảnh đẹp như hang Bo Cúng, núi Pha Dùa, là quê hương của chuyện tình Pha Dùa, một truyền thuyết tình yêu nổi tiếng của dân tộc Thái xứ Thanh đã chiếm được nhiều cảm hứng sáng tác của các thi sĩ, nhạc sĩ. Không có thời gian để đi hết được các danh lam thắng cảnh. Chúng tôi chỉ dừng chân để thắp hương ở đền thờ Tư Mã Hai Đào. Cũng là địa điểm hàng năm tổ chức lễ hội Mường Xia, một lễ hội tiêu biểu của người Thái Quan Sơn để tri ân người có công với đất nước bản Mường là Tư Mã - Hai Đào. Phải ít ngày nữa mới đến lễ hội, chúng tôi đành vào đền thắp hương tỏ lòng thành kính tới vị tướng quân, người anh hùng dân tộc của Mường Xia.
Nhắc đến Quan Sơn người ta không thể không nhắc đến Na Mèo, nơi đây có cửa khẩu quốc tế, là cửa ngõ giao thương với nước bạn Lào từ thế kỷ trước. Na Mèo, được anh Cừ giải thích rằng tiếng Thái Na là ruộng, vì nước ở suối Mèo đổ vào thì gọi là Na Mèo. Na Mèo cũng là nơi anh đã từng sinh sống làm việc và gắn bó gần như cả đời người.
Vẫn theo con đường 217, chúng tôi tiếp tục đi về phía cực tây của huyện. Con đường 217 bây giờ rộng thênh thang, thế mà cúi xuống nhìn thấy con sông Luồng uốn lượn quanh chân đèo như một con rắn khổng lồ, tôi vẫn có cảm giác rờn rợn. Nhớ lại cái năm nào tôi cũng đi lên Na Mèo khi mới vừa qua một cơn mưa rừng, đường đi lầy lội trơn trượt và rùng mình vì nghe chuyện vừa mới xảy ra một vụ tai nạn. Một em gái đi nhờ xe ô tô chở luồng, bị lăn xuống sông Luồng khi đi qua đoạn đường sạt lở. Vừa đi tôi cứ vừa nghĩ đến những người thanh niên tình nguyện một thời lên đây bổ những nhát cuốc đầu tiên mở rừng san núi để làm ra con đường này với bao nhọc nhằn vất vả, đôi khi phải đổi cả tính mạng nữa, đó là những con người đã hóa thân vào trang văn của nhà văn Kiều Vượng, ông cũng chính là người trong cuộc, nên ông hiểu giá trị của từng mét đường lên biên giới này nó đắt đến mức nào. Để bây giờ chúng ta có một Na Mèo sầm uất, một cửa khẩu quốc tế khang trang thuận lợi cho việc giao thương với nước bạn Lào.
Đã gần trưa, chợ Na Mèo vắng ngắt, vả lại hôm nay cũng không phải ngày phiên, nhưng nhìn vào trong chợ tôi đủ biết chợ bây giờ đã được xây dựng khang trang hơn ngày xưa rất nhiều. Hồi ấy chợ chỉ là một bãi đất trống lổn nhổn gạch đá, song vẫn rất đông đúc và nhộn nhịp. Hầu như gồm đủ mọi sắc tộc, Kinh, Mường, Thái, Mông và cả Lào nữa và rất phong phú cả về hàng hóa cũng như ngôn ngữ. ở Na Mèo bây giờ có lẽ người ta cũng không cần phải chờ đến phiên chợ mới có cái để mua nữa mà hai bên đường phố các cửa hàng cửa hiệu cũng bày bán chẳng thiếu thứ gì. Cửa khẩu Na Mèo thời tôi đến còn heo hút lắm, thế mà bây giờ đang được đô thị hóa rồi. Chúng tôi vào đồn biên phòng cửa khẩu gặp gỡ các chiến sĩ trong đồn. Cũng vẫn là những cái bắt tay ấm áp ấy, nụ cười hồ hởi ấy, các chiến sĩ biên phòng thời nào cũng thế, nhiệt tình, chu đáo, tạo điều kiện cho chúng tôi xuất cảnh một cách nhanh chóng. Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã được xây dựng khá khang trang khác hẳn so với cái thời tôi đến trước đây. Vẫn bên cạnh đầu nguồn con sông Luồng, con sông được hợp thành từ hai con suối lớn của Lào là Nặm Xôi và Nặm Pùn hợp thành ngay tại cửa khẩu. Để rồi sau đó cùng với sông Lò đổ về dòng sông Mã ở vùng Hồi Xuân - Quan Hóa.
Nước bạn Lào đã hiện ra trước mắt chúng tôi, với những dòng ngoằn nghèo như con giun đất, nhưng cảnh vật thì chẳng có gì khác so với Na Mèo. Có lẽ khác, đó là con đường cũng ngoằn nghèo leo dốc nhưng gập ghềnh sỏi đá bởi những ổ gà ổ voi đang bị bong tróc. Có lẽ con đường này vẫn nguyên xi từ cái thời đoàn thanh niên tình nguyện Thanh Hóa sang mở đường cho tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, con đường đã thắt chặt thêm tình hữu nghị của hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. Nhưng nằm lại nơi đây cũng không ít tuổi thanh xuân của những người con xứ Thanh.
Chiếc xe vẫn nghiêng ngả ì ạch lăn bánh, nó như cũng thấm cái mệt của những người ngồi trong xe, càng mệt hơn khi nhìn sang hai bên đường chỉ thấy những suối nước khô cạn, những thửa ruộng trơ khấc nứt nẻ dưới cái nắng chang chang. Một người trong đoàn kêu lên: Ruộng nương bỏ không, rừng thì bị đốt trụi thế này thì họ lấy gì mà ăn nhỉ. Anh Phạm Quang Thẩm người một thời đã từng là Phó trưởng Ban dân tộc Miền núi của tỉnh giải thích: ở Lào người ta chỉ trồng lúa một vụ và bây giờ đang là mùa khô không có nước, bao giờ đến mùa mưa người ta mới trồng cấy. Sản lượng lúa thấp nhưng lúa nếp của Lào ăn ngon lắm, tý nữa các vị sẽ được thưởng thức. Quả đúng vậy, đến Viêng Xay chúng tôi vào một quán cơm và được ăn xôi đựng trong những cái giỏ nan nhỏ đan rất khéo. Xôi dẻo và ngọt, chỉ nắm lại ăn không cũng thấy ngon. Có người tấm tắc ừ người ta làm ít nhưng chất lượng thì cũng đáng giá, chứ cứ như mình, gạo nhiều nhưng vẫn khó bán trên thị trường thế giới, thua cả Campuchia.
Viêng Xay vốn là thủ đô của Đảng nhân dân Cách mạng Lào thời kỳ 1964 - 1975. Đoàn chúng tôi đến thăm những di tích mà một thời lãnh đạo Đảng nhân dân Cách mạng Lào đã từng hoạt động và làm việc. Đó là một khu hang động được gia cố cực kỳ công phu, mà sau này tôi được biết cũng là do những người thanh niên tình nguyện Việt Nam thời ấy khai phá sửa chữa suốt 2 năm từ 1963 - 1964. Bây giờ nơi đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào. Một khu di tích được chìm trong những hang đá, những vách núi và một rừng cây rậm rạp nhưng vẫn rất sơn thủy hữu tình. Trời đã ngả về chiều đoàn chúng tôi mới rời khu di tích để đi về Sầm Nưa, thành phố trung tâm của tỉnh Hủa Phăn.
Sầm Nưa đây rồi, con gái Sầm Nưa chắc đẹp lắm. Tôi nghĩ vậy khi nhớ tới bài hát “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” của nhạc sĩ Trần Tiến. Sầm Nưa trong ánh hoàng hôn, cũng như bao thành phố khác mà tôi đã đi qua. Tuy nhiên nó cũng giống thành phố Thanh Hóa khoảng vài chục năm về trước, bụi bặm và bề bộn. Song nó là một thành phố thuộc miền núi vùng sâu vùng xa của Lào đang trên đà xây dựng và phát triển, thành quả này cũng có một phần đóng góp của tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa đã hỗ trợ và tạo điều kiện hết lòng.
Vào chiều ngày hôm sau đoàn chúng tôi lại trở về cửa khẩu Na Mèo. Đi trên con đường của nước mình thấy khác hẳn. Êm ru, rộng rãi. Nhà thơ Hồng Vân cứ tấm tắc khi nhìn ra ngoài cửa kính xe: Ôi nước mình đẹp quá, cây cối xanh tươi, ruộng đồng mơn mởn. Những thửa ruộng bậc thang phủ kín sườn đồi bằng một thảm lúa xanh rờn đến mát mắt. Đúng là có đi mới thấy miền núi của mình thật đẹp. Anh Cừ thổ dân của vùng Na Mèo lại giới thiệu cho chúng tôi đến thăm một bản ở xã Sơn Điện mà theo anh là đáng viết lắm. Đó là bản Ngàm, bản đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của xã Sơn Điện.
Bản Ngàm là bản của người dân tộc Thái, chiếm đến 98%, nằm bên triền sông Luồng. Tôi đã từng đến những bản làng được dân du lịch ca ngợi như Bản Lác ở Mai Châu Hòa Bình, bản Lát ở Mường Lát Thanh Hóa... Nhưng ở đó cái sự gia công hơi nhiều cho hợp với nhu cầu của việc kinh doanh nên vẻ mộc mạc thuần khiết đã bị vơi đi ít nhiều. Còn ở đây, nó là một bản làng tận thâm sơn cùng cốc của một xã cũng cùng cốc thâm sơn của một huyện tít tận cùng biên giới phía Tây của tỉnh. Nên nó mộc mạc giản dị như bông hoa rừng mọc lẻ loi nơi sơn cước. Điều đầu tiên mà chúng tôi nhận ra cái vẻ nông thôn mới của bản đó là con đường vào bản. Con đường bê tông rộng đến bốn mét ngoằn nghèo đưa xe ô tô của chúng tôi vào đến tận sân một ngôi nhà sàn lớn đặc trưng của dân tộc Thái, có lẽ là nhà văn hóa, hội họp gì đấy của bản. Nhưng vào đến bên trong thì mới thấy những vật dụng sinh hoạt gia đình. Hóa ra chỉ là nhà ở của một cán bộ trong bản thôi. Quả là ngôi nhà sàn bằng gỗ đã lên nước bóng loáng màu cánh gián, vừa hiện đại vừa thô sơ, vì bên trong vẫn có phòng riêng, có nhà tắm, nhà bếp, nhưng vẫn đảm bảo cái bản sắc riêng của người Thái. Anh Lương Văn Duẩn trưởng bản cho biết: Cả bản có 73 nóc nhà thì hầu như đều là nhà sàn gỗ như vậy. Quả thật theo chân anh trưởng bản chúng tôi đi tham quan quanh bản đều thấy nhà nào cũng như vậy, dưới sân là nền xi măng rất sạch sẽ thoáng mát. Là nơi đặt bàn nước, nghỉ ngơi, mắc võng, dệt vải, dựng xe máy... Tôi có cảm giác từa tựa như một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thật êm đềm. Anh Duẩn còn cho biết: Toàn bản đã cho quy hoạch nhà ở theo khu rất gọn gàng theo hàng lối dọc con đường đi đã được bê tông hóa đến từng ngõ ngách, và cái lạ nhất ở một bản vùng sâu vùng xa này là được đánh số nhà như nơi phố thị. Không thấy nhà nào có bóng dáng một con gia súc gia cầm nào. Tôi ngạc nhiên quá thì được anh trưởng bản giải thích: Toàn bộ khu chăn nuôi được quy hoạch riêng xa khu dân cư và cũng được đánh lô theo từng hộ gia đình. Nên môi trường sinh hoạt trong bản luôn sạch sẽ vệ sinh, và không khí thì phải nói là tuyệt vời. Dọc con đường đi trong bản anh đang cho tiến hành trồng cây, có thể là những cây hoa, cây cảnh và làm hàng rào bằng cây chè để tạo một không gian xanh.
Có lẽ nói về bản Ngàm tôi phải viết một bài riêng, còn trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ muốn nói vài nét sơ qua như vậy thôi.
Khi chia tay, trưởng bản còn tha thiết mời chúng tôi thưởng thức rượu cần, anh khoe rượu cần đặc biệt được ngâm từ nước con suối Bơn ngọt lịm. Nhưng vì còn phải đi xa chúng tôi xin được từ chối làm anh cứ tấm tắc tiếc rẻ, bảo rằng sẽ cho chúng tôi nghe khặp, xem khua luống. Nhưng chúng tôi hứa sẽ trở lại vào một ngày nào đó. Đôi mắt anh sáng lên rồi hẹn: Các anh chị sẽ quay lại nhé. Lần sau trở lại đây các anh chị sẽ thấy một bản Ngàm còn đẹp hơn bây giờ nhiều vì chúng tôi đang xây dựng khu du lịch cộng đồng, sẽ thu hút khách du lịch về đây còn hơn cả bản Lác ở Mai Châu ấy chứ.
Con đường trở về hình như nhanh hơn vì toàn xuống dốc. Một bên là vách núi dựng đứng còn một bên là con sông Lò sâu thẳm uốn lượn khi ẩn khi hiện như theo chân chúng tôi. Con sông Lò và sông Luồng là nguồn nước nuôi dòng sông Mã đều được bắt nguồn từ bên nước bạn Lào, và đều chảy qua huyện Quan Sơn.
Đến Bá Thước, đoàn dừng chân ở Pù Luông, một khu du lịch sinh thái mới nổi lên đang là điểm du lịch hứa hẹn nhiều tiềm năng của tỉnh. Phải nói rằng thiên nhiên đang ưu đãi cho Bá Thước nói riêng và Thanh Hóa nói chung một vùng đồi núi đẹp như mơ. Pù Luông có khung cảnh chẳng khác gì Sa Pa. Cũng sương mù bảng lảng, cũng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như nét vẽ trong tranh, những mái nhà sàn ẩn hiện ngang sườn đồi, xen lẫn những thác nước róc rách chảy như một bản nhạc rừng muôn thuở. Tất cả mọi người đều trầm trồ và say sưa chụp ảnh lưu niệm. Một khu resort mọc trên đỉnh đồi với phong cách hòa hợp cùng thiên nhiên, tạo nên một khu nghỉ dưỡng tuyệt vời cho du khách. Tuy nhiên theo như cô tiếp viên của resort thì bây giờ mới tháng 3 lượng khách chưa đông, nhưng vào mùa hè thì hầu như không còn phòng. Song những dịch vụ khác của khu du lịch này vẫn chưa được mở mang nhiều, hy vọng sắp tới Pù Luông sẽ là một điểm đến hấp dẫn không những khách nội địa mà cả khách quốc tế.
Sáng ngày hôm sau đoàn văn nghệ sĩ xuôi triền sông Mã để trở về thành phố. Những câu chuyện rôm rả của buổi ban đầu lên đường như chìm xuống. Trong mỗi người đều có những tâm tư lắng đọng. Miền núi xứ Thanh quả tình đang chứa đựng rất nhiều tiềm năng cả về kinh tế và văn hóa. Đòi hỏi tất cả chúng ta phải biết nhìn nhận và đánh thức nó một cách hợp lý để không bỏ phí một nguồn tài nguyên vô tận này. Miền núi ơi, người sẽ tiến kịp miền xuôi, cố lên!.
C.H