Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   VNXT với bạn đọc   /   Cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018 trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - Lan tỏa và hội tụ - Thy Lan
Cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018 trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - Lan tỏa và hội tụ - Thy Lan

Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là diễn đàn Văn học nghệ thuật thuộc Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở, cơ quan, ban, ngành, tạp chí đã làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Là nơi xuất bản và giới thiệu tác phẩm của văn nghệ sĩ của tỉnh và cả nước, tập hợp đội ngũ, động viên phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, góp phần tạo nên bộ mặt văn hóa và đời sống tinh thần của nhân dân Thanh Hóa ngày càng phát triển; Là nơi quảng bá hình ảnh của xứ Thanh đến với độc giả cả nước. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã trở thành nguồn lực chính tạo nên sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã tổ chức được rất nhiều các cuộc thi ý nghĩa, trong đó phải kể đến các cuộc thi dành cho đối tượng là những người viết văn trẻ như: Cuộc thi sáng tác thơ tuổi học trò 2001, Cuộc thi thơ trẻ 2011... Các cuộc thi này đã mang lại nhiều thành công, vừa nâng cao một bước chất lượng bài cho tạp chí, vừa phát hiện và đào tạo bồi dưỡng những cây viết mới hội tụ tài năng và đạo đức để góp phần phát triển văn học xứ Thanh nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
Sau gần 20 năm, nối tiếp và trưởng thành, cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018 (gồm truyện ngắn và thơ) trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh với mục đích tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng các cây viết trẻ (trong quãng độ tuổi từ 16 đến 40 tuổi) đã thu hút đông đảo bạn đọc, bạn viết trẻ trên khắp mọi miền của cả nước tham gia. Trong vòng một năm với hơn 1000 tác phẩm thơ và gần 100 tác phẩm truyện ngắn, thu hút hàng trăm tác giả gửi bài, trong đó có 1/2 là tác giả nữ, 1/10 tác giả là con em các vùng dân tộc, thiểu số, 1/3 tác giả là giáo viên, sinh viên đang công tác trong ngành giáo dục... Đề tài hưởng ứng cuộc thi phong phú, trong đó 1/4 tác giả viết về đề tài miền núi, biển đảo, được gửi đến từ mọi miền đất nước đủ để nói lên quy mô, tầm ảnh hưởng cũng như mức độ quan tâm của công chúng đối với cuộc thi.
Với 1/4 tác phẩm là của các tác giả đang sống và làm việc tại Thanh Hóa gửi bài dự thi đến tòa soạn, tuy chưa nhiều, nhưng đủ nói lên một điều thú vị rằng: Thanh Hóa luôn luôn là mảnh đất ươm mầm, là nơi khơi gợi, khởi sự, nuôi dưỡng tài năng văn chương.
Một năm qua, kể từ khi cuộc thi phát động, trong 11 số báo, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã cố gắng hết sức, cân đối các chuyên mục để dành đất nhiều nhất cho cuộc thi nhằm truyền tải đến bạn đọc tính đa dạng, những sắc thái, giọng điệu riêng biệt làm nên âm hưởng cuộc thi có dấu ấn đặc biệt nhất trên văn đàn văn học nghệ thuật cả nước.
Hai mươi tám truyện ngắn được chọn đăng trên tạp chí, ba mươi mốt tác phẩm được chọn vào thẩm định giải thưởng, trong một năm qua đã thể hiện được cái nhìn, quan điểm và phong cách của các tác giả trên mọi miền cả nước trong việc phản ánh về cuộc sống muôn màu thông qua tác phẩm văn học. Với việc không giới hạn về đề tài đã mang đến cho các tác giả nhiều cơ hội thể hiện mình thông qua các tác phẩm. Các tác giả đã không ngần ngại khai thác nhiều đề tài khó và nhạy cảm như viết về người đồng tính (Truyện ngắn: Tình sông - Song Ninh), đề tài chống tiêu cực (Truyện ngắn: Cuộc người - Trần Huy Minh Phương), bên cạnh đó các đề tài về người lính, dân tộc miền núi, sự chuyển mình của nông thôn, muôn mặt của cuộc sống thành thị... vẫn được các tác giả khai thác triệt để với cái nhìn qua lăng kính của những người viết trẻ như Hai bến đợi của tác giả Phạm Tú Anh, Diều trong cõi gió của tác giả Dương Hằng, Cánh trắng của tác giả Dương Giao Linh, Mùa đông ở Sính Phình của tác giả Phan Đức Lộc, Đoản hoa, Con khổng tước và cô tiểu thư của tác giả Nguyễn Văn Học, Thí dụ ngày mất tiền của tác giả Hiền Nguyễn... Hầu hết mảng truyện ngắn là sự thể nghiệm táo bạo của các cây bút trẻ từ ý tưởng đến cách thức thể hiện trong tác phẩm của mỗi tác giả tham gia. 10 truyện ngắn được giải, là mười bức tranh sống động phản ánh xã hội hiện đại cũng là mười cách nhìn đa chiều của thế hệ người viết trẻ đối với cuộc sống.
Song hành cùng mảng truyện ngắn là hơn một trăm bài thơ mang đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị về lối tư duy, xúc cảm và cách biểu đạt ngôn ngữ của các nhà thơ trẻ. Chiếm phần lớn vẫn là dòng thơ cách tân cả về câu chữ, dụng ngôn và hình thức biểu đạt, có thể nói đây là dòng thơ đại diện cho những người sáng tác thơ trẻ hiện nay, họ tự tin thể hiện mình bằng sự phá cách hoàn toàn cả về nội dung lẫn cách thức biểu đạt mà mỗi câu, mỗi chữ vẫn đầy sức ám ảnh, đậm đặc hơi thở thời đại, vừa giàu tính nhân văn vừa đậm chất nghệ thuật trong ngôn ngữ. Những cái tên tiêu biểu như Lữ Thị Mai, Phạm Tiến Triều, Mai Thị Hạnh Lê, Phạm Văn Dũng, Hồng Thủy Tiên, Việt Hưng, Lê Đáng, Lê Hương, Bùi Xuân Tứ, Hoàng Chiến Thắng... Vẫn còn đó sự mượt mà nhưng chỉnh thể của dòng thơ lục bát của các tác giả như Nguyễn Đức Hậu, Khúc Hồng Thiện, Việt Bắc... Bên cạnh thể lục bát, các thể thơ truyền thống khác vẫn được nhiều nhà thơ trẻ lựa chọn để làm phương tiện truyền tải ý tứ của mình đến độc giả. Có thể kể đến các tác giả như Thanh Nguyễn với Tháng ba: Tháng ba chở tình yêu đi rất chậm/ Mái tóc thề ủ trắng những cành hoa... hay như Vĩnh Thông với Bắc cầu qua tuổi, Kai Hoàng với Mùa lá...
Để công bằng, sau khi tuyển chọn sơ khảo Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã mời một số nhà văn, nhà thơ tên tuổi của Hội Nhà văn Việt Nam thường xuyên quan tâm và có nhiều đóng góp đối với lực lượng sáng tác trẻ thành lập Hội đồng chung khảo. Chứng kiến phong cách làm việc nghiêm túc, khoa học, công tâm nhiều lúc đến căng thẳng, xung đột của các thành viên Hội đồng chung khảo để có được kết quả chung cuộc đủ nói lên rằng: - Cuộc thi đã thành công tốt đẹp và các tác giả đoạt giải hoàn toàn xứng đáng!
Về thành công của cuộc thi 
Đây là một cuộc thi mở, không giới hạn đề tài, thể loại nên đã thu hút được số lượng lớn các tác giả tham gia, có tác giả gửi một lần nhiều bài, có tác giả gửi nhiều bài nhiều lần. Tuy chất lượng các tác phẩm còn nằm ở nhiều cung bậc khác nhau, tùy thuộc vào tài năng của từng tác giả nhưng tựu chung đều thể hiện được tình yêu, nỗi trăn trở và khát vọng của lớp người trẻ trong xã hội mới. Không ít bài thơ, truyện ngắn hay, gây xúc động, gửi gắm được nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
Về truyện ngắn đã chọn ra được một giải Nhất với Mùa đông ở Sính Phình của Phan Đức Lộc. Một câu chuyện thấm đẫm tình người, được viết bằng một giọng văn trữ tình tự nhiên giàu chất nhân văn, văn phong chắc khỏe, hình ảnh, ngôn ngữ gợi cảm. Tác giả triển khai mạch truyện từ tình huống phải lựa chọn: một bên là mạng sống của con, một bên là con trâu nghĩa tình, tác giả dẫn ra được nhiều chi tiết ám ảnh, nhiều câu văn giản dị mà tài hoa, giàu chất sống về cuộc sống lam lũ chất phác của những người vùng cao, dù gian khó nhưng vẫn cố giữ thiên lương, hướng tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống.
Hai truyện được giải Nhì gồm: Con khổng tước và cô tiểu thư của Nguyễn Văn Học và Thí dụ ngày mất tiền của Hiền Nguyễn. Nếu như Con khổng tước và cô tiểu thư, Nguyễn Văn Học muốn thông qua câu chuyện về một gia đình đô thị hiện đại với những biểu hiện tha hóa, rạn vỡ, để chọn cách thể hiện khá hợp lý cấu trúc bằng hai giọng tự sự song song của hai tuyến nhân vật đã đem đến cho người đọc những trăn trở và xót xa cho hiện thực đầy nghiệt ngã, mặt trái của xã hội. Thí dụ ngày mất tiền của Hiền Nguyễn lấy tứ truyện độc đáo, giọng văn hóm hỉnh. Một cốt truyện tưởng chỉ đọc giải khuây, nhưng bằng sự khéo léo trong việc khai thác và phân tích tinh tế nội tâm nhân vật, tác giả lại khiến cho người đọc nhận ra nhiều triết lý và bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

Nhà thơ Nguyễn Văn Túy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Thanh Hóa và đại diện nhà tài trợ, ông Cao Trọng Tú - Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty CP Nông nghiệp Tiến Nông trao giải Nhất cho tác giả Phan Đức Lộc             ảnh: Liên Nam


Về thơ, dù không có giải Nhất nhưng cũng đã báo hiệu nhiều tín hiệu vui, khả quan của một mùa gặt bội thu trên văn học nghệ thuật xứ Thanh! Hai bài thơ của Việt Hưng: Cúc áo anh rơi thảm cỏ nhà người và Từ khóa nổi trội trong cấu tứ, tinh tế trong diễn đạt. Cúc áo anh rơi thảm cỏ nhà người đạt đến độ sâu, phức hợp về tình cảm, mâu thuẫn mà thống nhất: Nghi ngờ vì yêu và vì yêu mà không hết nghi ngờ. Nói nghi ngờ ở đây như một bản năng tự vệ, một vũ khí để bảo vệ tình yêu. Tác giả biết khai thác một chi tiết nhỏ (chiếc cúc áo) để bộc lộ tâm lý phức tạp (tình yêu), bài thơ vì thế vừa khép vừa mở, rất gợi, nhiều câu thơ hay gây xúc động thật sự thì bài “Từ khóa” có cách viết khác, tuy vẫn có sự khắc khoải, chập chờn về mặt tình cảm nhưng giọng điệu thì khác hẳn và có ít câu thơ hay. Có thể nói với cách cảm này không ngừng được bồi đắp báo hiệu một Việt Hưng chững chạc trong tương lai gần. Tuy nhiên tác giả nên đầu tư viết đa dạng đề tài nhất là những chủ đề nóng bỏng dân tộc, quê hương đang hướng đến để minh chứng khả năng thơ dài hơi và đa diện. Chùm bài của Phạm Tiến Triều trong đó tiêu biểu có hai bài Lũ trẻ với những chú chim non, Bùa lá... với khí thơ, giọng thơ khỏe khoắn, lành mạnh, có chiều sâu về suy ngẫm, chiêm nghiệm. Các tác phẩm của anh gửi đến dự thi đều phản ánh được tâm thế, đời sống và trách nhiệm của thế hệ trẻ trước thực trạng xã hội. Thơ Phạm Tiến Triều chững chạc trong kỹ thuật, trong sử dụng ngôn từ có yếu tố Mường, nhưng yếu tố Mường cần được bồi đắp tận gốc rễ để từ chính nơi anh sinh ra, anh sẽ đi xa và bền với thơ hơn và chuyên nghiệp hơn.
Song với những gì đã đạt được từ cuộc thi. Chúng ta cũng phải nhìn nhận thực trạng những hạn chế và trăn trở với văn học trẻ hiện nay tại Thanh Hóa. Thống kê sơ bộ, ba mươi mốt truyện ngắn của hai mươi tư tác giả được chọn đăng dự thi trên tạp chí thì chỉ có 3 tác giả người Thanh Hóa, nghĩa là chưa đầy mười phần trăm. Mảng thơ thì có phần khởi sắc hơn, tác giả người Thanh Hóa có 20 tác giả với 35 bài được chọn đăng, chiếm gần 48%. Về chất lượng: Ngoài những tác phẩm chọn đăng trội hơn trong hơn nghìn bài gửi đến trong tư duy và nghệ thuật sáng tác, đa số vẫn đang còn ở dạng tầm tầm, thậm chí nhiều tác phẩm gửi đến dự thi mà chưa vượt qua được khái niệm đơn giản. Thế nào là một tryện ngắn hay thế nào là một câu thơ. Phải chăng đã đến lúc cần có một sự đột phá lớn nhằm khích lệ, quan tâm, động viên nhiều hơn nữa từ các cấp quản lí, các tổ chức hoạt động về văn học nghệ thuật đối với lực lượng sáng tác văn học, đặc biệt là những người viết trẻ. Chẳng hạn ở Phú Thọ hàng năm kinh phí cho bồi dưỡng tài năng văn học trẻ tỉnh đầu tư lên vài trăm triệu. Thiết nghĩ phía các nhà hoạt động, quản lí ở tỉnh ta, cũng nên chủ động quan tâm hơn cả vật chất và tinh thần và có nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, khích lệ, thậm chí là lôi cuốn sự chú ý của đông đảo giới trẻ vào hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là mảng sáng tác để từ đó tìm kiếm, phát hiện, ươm mầm được nhiều tài năng hơn. 
Cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018 do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức đã thành công tốt đẹp. Hiệu ứng và sự lan tỏa của cuộc thi đã vượt qua sự mong đợi của những người tổ chức. Để có được những kết quả tốt đẹp này, trước hết phải khẳng định Thường trực Hội VHNT Thanh Hóa đã có những chỉ đạo kịp thời và sát sao, sự năng động của Ban Tổ chức và Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, sự công tâm khách quan của Ban Giám khảo và sự tham gia nhiệt tình của các tác giả trong cả nước đã gửi bài dự thi, hưởng ứng và cổ vũ cuộc thi. Hy vọng rằng, thông qua cuộc thi lần này sẽ khơi dậy được ngọn lửa đam mê, tình yêu văn chương mạnh mẽ của những người yêu văn học nghệ thuật trẻ tuổi, để từ đó có động lực dấn thân vào con đường văn chương nhọc nhằn, gian khổ này.
Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng về những tác giả được giải và chưa được giải kỳ này sẽ có một  bước tiến trong tương lai bổ sung vào lực lượng sáng tác văn học trong tỉnh cũng như cả nước những cây bút xuất sắc với những tác phẩm có giá trị làm nên diện mạo văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
                            

    T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 207
 Hôm nay: 50402
 Tổng số truy cập: 12611039
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa