Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Cửa sổ văn hóa   /   Campuchia: Bảo vệ cảnh quan di tích Angkor Wat
Campuchia: Bảo vệ cảnh quan di tích Angkor Wat

Campuchia đã đề ra đạo luật mới cấm khách du lịch thực hiện các hành vi ăn uống trên bãi cỏ xung quanh đền thờ nổi tiếng Angkor Wat với mục đích bảo tồn môi trường và cảnh quan nơi đây.

1.jpg
Mọi hành động tổ chức ăn uống hoặc kinh doanh thực phẩm tại đền đều bị nghiêm cấm Ảnh: AFP

Chính quyền Campuchia dành ra 45 ngày để tuyên truyền về lệnh cấm mới đối với các cửa hàng bán lẻ đồ ăn cũng như khách du lịch. Đồng thời trong thời gian sắp tới, những cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm sẽ phải chịu các mức phạt hành chính tương đương.

Không được ăn uống và kinh doanh thực phẩm

Theo ông Hang Pov, người điều hành Cơ quan Quốc gia Apsara chịu trách nhiệm bảo tồn đền thờ Angkor Wat, mọi hành động tổ chức ăn uống hoặc kinh doanh thực phẩm tại đền thờ đều bị nghiêm cấm. Các nhà chức trách cũng không cho phép khách du lịch đặt đệm hoặc võng nghỉ trên bãi cỏ quanh đền. Ông Hang Pov cho biết: “Những hoạt động này đã ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa cũng như môi trường và trật tự công cộng của đền thờ cũng như quần thể Công viên Khảo cổ học Angkor”.

Đạo luật mới được đưa ra nằm trong nỗ lực của chính phủ Campuchia liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển di sản Đền thờ Angkor Wat, sau khi công trình này đã chịu những tổn hại nghiêm trọng từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Trước đó, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra cảnh báo về sự phá hủy của những lạch nước ngầm đối với đền thờ. Dù nguyên nhân của sự sụp đổ đế chế Angkor vào thế kỷ 15 vẫn còn là một bí ẩn, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra phỏng đoán rằng thiệt hại trên diện rộng cho cơ sở hạ tầng của đền thờ và cả thành phố Angkor là do đợt hạn hán kéo dài trong khu vực.

Đền thờ Angkor Wat trong nhiều năm trở lại đây cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động du lịch của khách quốc tế cũng như người dân Campuchia. Trả lời phỏng vấn của The Guardian về những ảnh hưởng của du lịch đối với đền thờ Angkor Wat, Teruo Jinnai – quan chức cấp cao của UNESCO làm việc tại Campuchia cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại việc tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy và chưa được kiểm soát này sẽ làm tổn hại đến các di tích và môi trường địa phương. Chính vì vậy, khâu bảo tồn là tuyệt đối quan trọng, thay vì các mục tiêu thương mại chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho du khách nước ngoài thay vì người dân bản địa”. Kerya Chau Sun, giám đốc du lịch tại Angkor cũng phát biểu: “Chúng tôi hiện đang hoàn thiện các quy định liên quan đến việc kiểm soát lượng du khách. Lực lượng bảo vệ cũng sẽ được đào tạo và bổ sung để giám sát các ngôi đền cũng như phổ biến cho du khách bảo đảm an toàn cho các di tích”.

Sẽ tổn hại nếu không hành động

Theo các chuyên gia, du lịch tại thành phố Angkor nói chung và đền thờ Angkor Wat nói riêng đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát và có thể sẽ để tại những tổn hại đáng kể nếu chính quyền Campuchia không thực hiện một số hành động cụ thể. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại quần thể di tích chính là đỉnh đồi Phnom Bakheng. Mỗi buổi chiều tối, có khoảng 3.000 khách du lịch cùng leo lên cầu thang đá hẹp dẫn đến đỉnh đồi để ngắm cảnh mặt trời lặn - một hoạt động du lịch nổi tiếng nhất khi đặt chân đến nơi đây.

Theo trang web chính thức của Danh sách Di sản Thế giới, tính toàn vẹn của quần thể Angkor đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng từ hơn 100.000 người dân thuộc hơn 112 khu định cư lịch sử trên khắp địa bàn. Bên cạnh đó, các hành vi ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận du khách cũng ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đối với hình ảnh của Di sản này. Vào năm 2015, ban quản lý đền thờ đã đưa ra quy định, yêu cầu khách du lịch phải xin cấp phép trước nếu muốn chụp ảnh bên trong và xung quanh quần thể với mục đích thương mại. Trước đó, quy định này chỉ được áp dụng đối với các công ty nước ngoài và nhà báo. Tuyên bố từ Cơ quan Bảo vệ và Quản lý Đền Angkor và Khu vực Xiên Riệp (Apsara) cũng nhấn mạnh, các công ty và phóng viên trong quá trình tác nghiệp phải có sự giám sát của nhân viên bảo vệ. Quy định nghiêm ngặt này được đưa ra sau khi nhiều khách du lịch cũng như các công ty người mẫu tiến hành chụp ảnh khỏa thân hoặc bán khỏa thân, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự tôn nghiêm của đền thờ.

Được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1992, Angkor Wat đã đón tới 1,39 triệu khách du lịch nước ngoài chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019, đem lại doanh thu là 62,3 triệu USD.

(Nguồn Văn hóa và Đời sống) 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 70
 Hôm nay: 1170
 Tổng số truy cập: 9199628
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa