103 bài thơ là một trăm linh ba niềm tiếc thương Đại tướng vô bờ bến, 103 sự tôn vinh ông là Thánh nhân - Thánh Giáp, 103 niềm tin Đại tướng bất tử trong lòng dân. Chỉ tên những bài thơ thôi, cũng hiểu được tình yêu của nhân dân ta, bạn bè thế giới dành cho ông lớn biết chừng nào. Ở đây, tên ông không đơn thuần gợi niềm cảm hứng cho các câu thơ, tứ thơ bật ra mà cao hơn, nó là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa, tinh túy, linh diệu sức mạnh dân tộc Việt Nam. Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và hai mươi năm chống đế quốc Mỹ cùng ngụy quân ngụy quyền Ngô Đình Diệm - Nguyễn Văn Thiệu. Cụm danh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cụm danh từ vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc Việt Nam. Không phải bỗng nhiên mà tên các bài thơ viết về ông chứa chất đầy cõi tâm linh: Một con người như chân lý sinh ra, Linh hồn Người về đất tổ kiên trung, Tiếc thương huyền thoại, Tiễn biệt vĩ nhân, Huyền thoại sống, Tiễn Người về với quê xa, Người là châm ngôn, Ngọn núi lửa vì nhân dân quên mình không bao giờ tắt, Hiển thánh, Ngôi đền mang tên Thánh Giáp, Vị tướng của Nhân Dân, Một huyền thoại thời đại, Thêm một Thánh nhân...
“ Từ xa xưa, sử sách Việt đã nói đến bốn vị Thánh bất tử được cả dân tộc thờ (đó là Tản Viên Đại vương, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng tử và Mẫu Liễu Hạnh ) tượng trưng cho khát vọng chế ngự thiên nhiên, tinh thần quả cảm, khát khao tình yêu và mong một cuộc sống phồn thịnh... Biến thiên suốt chiều dài lịch sử dân tộc lại có thêm những vị Thánh vĩnh hằng như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn,... Chủ tịch Hồ Chí Minh... Và giờ đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Lời giới thiệu tập thơ Tiễn Người vào bất tử).
Nhân dân ta thật công bằng khi gọi người là Thánh. “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì dân nước Người trở thành bất tử/ Thành Núi thành Mây thành ruộng Đồng, Sông, Bể/ Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông/.../ Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân/ Khi nằm xuống cả non sông thương tiếc/ Cả non sông thành rồng chầu hổ phục/ Tôn vinh Người vị Thánh của lòng dân (Bất Tử - Nguyễn Trọng Tạo). “Thế giới sùng gọi Người là thiên tài quân sự/ Tổ Quốc phong Người là Đại tướng/ Quân đội mến thương gọi Người là Anh Cả/ Nhân dân tôn Người là Võ Thánh” (Người là châm ngôn - Nguyễn Thanh Hải ). Trong thi ca ngàn năm của dân tộc Việt, chưa có trường hợp nào linh diệu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông vừa đi vào cõi vĩnh hằng lập tức bùng lên hàng vạn lời thơ dâng tặng với bao lời hay ý đẹp.
Điều dễ nhận ra là, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ tập trung duy nhất một hình ảnh: Đó là Võ Nguyên Giáp, nói lên duy nhất một suy nghĩ, một tình cảm đối với Đại tướng. Mọi nghệ thuật tu từ, mọi bút pháp nghệ thuật đều lùi lại, khuất lấp sau cảm xúc. Câu thơ là tâm niệm, là ý nghĩ sẵn có từ trong máu, trong hồn bật ra: “Ông mãi thuộc về con Lạc cháu Hồng/ Ông mãi mãi là Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Ông thuộc về nhân dân/.../Đất nước kính yêu Người/ Thế giới vinh danh Người/ Người đi vào huyền thoại/ Người vĩ đại cả khi những âm mưu mong tìm ra ở Người một sai lầm nhỏ” (Và chúng ta hãy cài băng tang lên ngực - Hoàng Quý). Người hiện lên với muôn vàn ánh hào quang của ngôn ngữ trực cảm, ngợi ca, tụng ca nhưng không gượng gạo, không khiên cưỡng. Rất chân thật. Rất mãnh liệt. Rất xúc động. Điều đặc biệt là ai cũng thấy như thế là chưa đủ. “Lịch sử đặt tên Võ Nguyên Giáp tướng lĩnh của hòa bình/ Triệu con tim cùng gọi Đại tướng của dân” (Màu hòa bình - Lê Xuân Đố). “Có phải sông băng và núi lửa/ Hun đúc ông văn võ song toàn/ Cả bạn lẫn thù tâm khẩu phục/ Thiên tài nhân đức tỏa mênh mang” (Thần tượng vượt khung - Nguyễn Ngọc Hưng). Không ai hiểu Đại tướng hơn những người lính của mình. Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc là người lính trong đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn về giải phóng Sài Gòn viết về vị Tổng tư lệnh kính yêu “Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh/ Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy/ Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy/ Đã từng gieo khủng khiếp xuống kẻ thù” (Vị Tướng già - Anh Ngọc).
Trong từng câu thơ, từng bài thơ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng cao đẹp nhất cho sức mạnh bách chiến, bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Đầu hàng không có trong từ vựng của tôi” - Lời của Đại tướng vừa là ý chí vừa là sự khẳng định tinh thần bất khuất, hiên ngang, ngẩng cao đầu “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của người lính. Chính tinh thần ấy “Thức dậy niềm tin trong ngàn triệu tấm lòng/ Thức dậy niềm tin trong bao thế hệ/ Để tìm lại những gì đẹp nhất/ Cùng giữ gìn non sông bền vững đời đời/ “Đầu hàng không có trong từ vựng của tôi”/ Người bình thản trang nghiêm đi vào lịch sử/ Trang mở đầu Bản quân lệnh mùa thu” (Người đi vào Lịch sử - Nguyễn Đình Tâm). Câu nói bất hủ của Người là ngọn lửa, là ánh bình minh, là sự thức tỉnh cho một thời đại mới. Thời đại “Triệu chiến binh từ liềm búa công nông/ Dưới quân kỳ bỗng trở thành dũng sĩ/ Ba mươi năm thắng Pháp rồi thắng Mỹ/ Thắng đố kỵ, hận thù, mọi tham vọng xâm lăng” (Nơi tướng quân an nghỉ - Bùi Quang Thanh). Có tác giả nhìn vào chiều sâu làm tướng, chiều sâu thiên tài lỗi lạc của vị Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, sức mạnh ấy không phải bom đạn sắt thép mà chính là cái tâm, cái đức, cái chất nhân văn thấm đẫm hồn Người, là sự hội tụ khí thiêng non sông đất nước “Tinh hoa mấy nghìn năm ngỡ như dồn cả lại / Trong một con người nom có vẻ thư sinh mà nặng trĩu buồn lo vận nước / Ông cầm quân bằng cái tâm cái đức / Binh khí trong tay là cái đạo làm người / .../ Ông không coi trận thắng chết nhiều người là trận thắng đẹp / .../ Ông là Võ Nguyên Giáp / Dù Văn Miếu Quốc Tử Giám mai kia có chẳng tạc tên Người” (Tâm thế Võ Đại Tướng - Nguyễn Hưng Hải). Ông là nơi hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa, tính nhân văn, lòng nhân hậu, sức mạnh quân sự của bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. “Mười ngón tay Ông có ngựa Gióng bay lên / Có giai điệu bãi cọc Bạch Đằng/ Có giai điệu của mấy vạn quân Minh về đến nước vẫn còn chân run tim đập gấp/ có giai điệu của Quang Trung thần tốc/ Có giai điệu của tiếng reo lở đất long trời lúc cắm cờ trên nóc hầm bọc sắt của tướng Đơ-cát-tơ-ri/ Có giai điệu của tiếng xe tăng hất tung cánh cửa dinh Tổng thống Ngụy Sài Gòn để cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập (Tiếng dương cầm Đại Tướng” - Nguyễn Minh Khiêm).
Người đi về phía hoàng hôn cuộc đời nhưng lại bừng lên bình minh nhân thế, bình minh dân tộc. Người như mặt trời để mọi người nhìn thấy mình kỹ hơn, nhìn thấy nhau kỹ hơn, nhìn thấy đục, trong, phải, trái, trắng, đen, bạn, thù, trung thực, giả dối, gian manh, tốt, xấu... rõ ràng hơn, minh xác hơn. “Đến bên Người có cụ già mái tóc bạc phơ/ Cháu bé quàng khăn đỏ/ Anh thương binh chống cây nạng gỗ/ Những chàng trai, cô gái trẻ trung/ Nối nhau đi như những người thân” (Huyền thoại Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Hữu Quý). Đại tướng là biểu tượng cao đẹp nhất của lương tri, của tầm cao văn hóa, chói ngời nhân cách, là nguồn có một năng lượng truyền cảm, sự thức tỉnh mãnh liệt, siết chặt muôn người thành một khối vững chắc hơn thành đồng lũy thép. Người có khả năng sinh sôi một sức mạnh mới cho toàn dân tộc. Thánh Giáp! Đó là minh triết của nhân dân qua tập thơ “Tiễn Người vào bất tử”.