Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Cửa sổ văn hóa   /   Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam
Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam

75 năm trước - năm 1946 có những ngày thật đáng nhớ: ngày 6 tháng 1 diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; ngày 2 tháng 3 diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, mở đầu nền lập hiến Việt Nam; ngày 9 tháng 11 tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã được thông qua với số phiếu 240/242 đại biểu Quốc hội.

Đó cũng là năm đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, năm đầu tiên của lịch sử hiện đại khi Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới, năm đầu tiên của nền lập hiến Việt Nam… Và tất cả những điều đầu tiên ấy lại được bắt đầu từ Bác Hồ kính yêu - Người đã chỉ dẫn và quyết định, đã thực hiện ứng cử và bầu cử, đã tổ chức Chính phủ và xây dựng Nhà nước, đã tham gia dự thảo Hiến pháp và cùng Quốc hội bỏ phiếu thông qua Hiến pháp…

Năm tháng trôi qua, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những gì người đặt nền móng cho nền dân chủ và Quốc hội Việt Nam hơn hai thập niên đầu (1946-1969) vẫn trường tồn cùng lịch sử lập hiến Việt Nam, soi đường chỉ lối cho nền cộng hòa và Quốc hội Việt Nam đi đến tương lai tươi sáng

Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam
Bìa cuốn sách Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam 

Cuốn sách Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam của Nhà xuất bản Trẻ, do Hà Minh Hồng chủ biên, dày 97 trang, khổ 15cm, được chia làm 6 phần: Từ Quốc dân Đại hội đến Quốc hội Việt Nam; Bác Hồ tiếp xúc cử tri; Bác Hồ với các kỳ bầu cử Quốc hội; Bác Hồ với các kỳ họp Quốc hội; Bác Hồ nhận lãnh trách nhiệm Nguyên thủ quốc gia trước Quốc hội; Bác Hồ với Hiến pháp được thông qua tại Quốc hội. Với những câu chuyện gần gũi như: “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”; “Những quyết định từ Tân Trào”; “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”; hay “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”; “Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử ở phố Hàng Vôi, Hà Nội (ngày 6-1-1946)”…, và rất nhiều câu chuyện được tập hợp trong cuốn sách sẽ là tư liệu giúp bạn đọc tìm hiểu về những ngày đầu của cuộc Tổng tuyển cử, đồng thời hiểu được quá trình Bác Hồ đã đặt cho nền Cộng hòa của nước ta những viên gạch đầu tiên, dẫn dắt toàn dân từ thân phận nô lệ đến tự do dân chủ.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng Tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6-1-1946 / 6-1-2021), Thư viện Quân đội trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam. Sách có tại Thư viện Quân đội - 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

(Nguồn QĐND)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 147
 Hôm nay: 5234
 Tổng số truy cập: 8930842
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa