Hóa thân thành công hình tượng người cộng sản ưu tú
Từ kịch bản văn học “Hừng đông” của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, người chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu được khắc họa trên sân khấu cải lương qua vở diễn cùng tên. Rồi từ sân khấu, chân dung người chiến sĩ cách mạng bước vào cuốn tiểu thuyết “Hừng đông”, được tác giả ra mắt đúng dịp chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Hừng đông”, những kỷ niệm đẹp về vai diễn người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu lại ùa về trong câu chuyện của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Quang Khải, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam: “Đây là một vai diễn rất khác so với những vai trước đây tôi từng thể hiện. Tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu, nghiên cứu rất kỹ từng lời thoại, tính cách nhân vật để có thể khắc họa được hình tượng Phan Đăng Lưu trên sân khấu. Để qua những lời ca trữ tình, khán giả thấy rõ chân dung người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực của dân tộc ta”.
Hóa thân vào vai người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu trong vở “Hừng đông”, NSƯT Quang Khải cùng ê kíp nghệ sĩ đã chinh phục được đông đảo khán giả cả phía Bắc và phía Nam. Qua vở diễn, các nghệ sĩ đã phác họa bức tranh sinh động về một thời kỳ lịch sử của dân tộc và hình ảnh người chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu (1902-1941), một nhà báo, nhà lý luận tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Được đào tạo từ trường Pháp nhưng chứng kiến cuộc sống nô lệ của nhân dân dưới gót giày thực dân, Phan Đăng Lưu đã lựa chọn con đường cách mạng dấn thân. Những đòn roi tra tấn, tù đày không khuất phục được tinh thần người cộng sản. Tại Hội nghị Trung ương 7, ông được đề cử vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (vì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị giặc bắt) nhưng ông đã từ chối để vào miền Nam chỉ huy cách mạng. Sa vào tay giặc khi vừa đặt chân đến Sài Gòn và phải nhận án tử hình, nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi Phan Đăng Lưu đã ghi vào trang sử đấu tranh giải phóng dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh.
|
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Khải (bên phải) hóa thân vào vai nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở "Hừng đông". |
“Trong “Hừng đông”, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật khá tự nhiên, mềm mại, sát thực mà không xa lạ với đời sống hôm nay. Những câu đổ vọng cổ, ca cải lương cũng nhuần nhị, hợp lý trong những cảnh huống, tạo nên các lớp lang sự kiện gắn với giai đoạn lịch sử chân thực của đất nước thời kỳ đó. Chính vì những điều nêu trên, “Hừng đông” đã tạo “đất” diễn cho nghệ sĩ chúng tôi. Toàn ê kíp nghệ sĩ đã nỗ lực góp phần làm nên một vở diễn thuộc thể loại sân khấu truyền thống vừa có tính nghệ thuật lại vừa có ý nghĩa chính trị lớn”, NSƯT Quang Khải chia sẻ.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ rất hài lòng với vai diễn Phan Đăng Lưu do NSƯT Quang Khải hóa thân: “Giọng hát mượt mà, giàu cảm xúc nhưng không bi lụy, thể hiện đúng bản chất của người trí thức cách mạng”.
Gần 20 năm làm nghề, NSƯT Quang Khải-sinh ra ở miền quê xứ Nghệ-đã “đốt cháy” mình qua những vai diễn được giới làm nghề và công chúng ghi nhận như: Thành trong “Mê cung”, đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2012 và tiếp đến là hội diễn năm 2014 với vai Mai Hắc Đế trong vở diễn cùng tên; vai diễn "nặng ký" Trần Nhân Tông trong “Vua Phật”; hay trong các vở: "Chuyện tình Khau Vai”, “Thầy Ba Đợi”, “Ngàn năm mây trắng”... đều mang đậm dấu ấn của nghệ sĩ Quang Khải.
NSƯT Quang Khải còn nhiều khát vọng, những vai diễn mới, chinh phục những đỉnh núi cao hơn. Anh quan niệm, những đỉnh cao luôn ở phía trước và người nghệ sĩ, nhất là người nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật kén khán giả như cải lương phải luôn biết lắng nghe để nhập cuộc với thời đại.
(Nguồn QĐND)