Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Cửa sổ văn hóa   /   Ngâm Kiều trở lại trên sân khấu Thủ đô
Ngâm Kiều trở lại trên sân khấu Thủ đô

Với mục đích tôn vinh "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du qua hình thức ngâm Kiều độc đáo, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng nhiều nghệ sĩ và các bạn trẻ Hà Nội đã thực hiện dự án nghệ thuật “Ngâm Kiều toàn truyện”.

Từ một tác phẩm văn chương, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã đi vào đời sống người dân Việt qua lời ăn tiếng nói, qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Trong đó, ngâm Kiều là một trong những hình thức góp phần đưa tác phẩm phổ biến, gần gũi hơn. Bắt đầu từ câu hát “à ơi”, rất nhiều người đã lớn lên từ lời ru, ngâm Kiều của bà, của mẹ. Bởi thế, người Việt xưa dù không biết chữ nhưng vẫn thuộc làu và ngâm nhiều đoạn Kiều. Ngày nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại trong các thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm... Lối ngâm này còn được các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống dân tộc gọi là lảy Kiều. Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ nằm trong một tác phẩm và ít được các bạn trẻ biết đến.
 


Để có thể tiếp cận với nhiều đối tượng, ngoài biểu diễn trên sân khấu (tại Nhà hát Chèo Việt Nam, số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội), dự án đã chọn hình thức đăng tải các đoạn ngâm Kiều trên kênh Youtube Dân ca & Nhạc cổ truyền, do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập. Hiện nay, kênh có hơn 5.000 người theo dõi và quan tâm. Tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã đăng được 3 chương, lần lượt là: “Kiều thăm mộ Đạm Tiên”, “Kiều gặp Kim Trọng” và “Kiều bán mình chuộc cha”. Các đoạn ngâm Kiều thu hút rất nhiều lượt xem, chia sẻ và bình luận, góp phần lan tỏa giá trị tác phẩm "Truyện Kiều" nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du trong xã hội hiện đại.Dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” được nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long ấp ủ từ lâu. Nhưng xác định đây là một công trình rất lớn, muốn thực hiện cần có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng và cần có một khoản kinh phí tương đối để vận hành. Nhà nghiên cứu đã mang suy nghĩ của mình chia sẻ với các nghệ sĩ cách đây chừng 4-5 năm. Đến nay, dự án đã nhận được sự ủng hộ của Quỹ Thiện Tâm, cùng sự hào hứng của các nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh cùng những bạn trẻ có nhiệt huyết, đam mê với Kiều và mong muốn tạo nên một “sân chơi” nghệ thuật truyền thống độc đáo giữa lòng Thủ đô.

Với sự chắp cánh của âm nhạc, 3.254 câu Kiều với tổng thời lượng là 561 phút, tức là tương đương gần 10 tiếng thu âm, các nghệ sĩ đảm nhiệm phần ngâm Kiều đã làm việc không ngại khó khăn, vất vả để mang đến cho người nghe những tinh hoa của "Truyện Kiều". NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Khi tham gia dự án này, tôi thấy các bạn trẻ tâm huyết đến nhường nào, có những lúc đi thu âm từ sáng đến tối muộn, thu đi thu lại. Nhưng để giữ gìn vốn cổ truyền của cha ông ta và lưu truyền lại cho các thế hệ sau này nên chúng tôi đã rất cố gắng”.

Dự án mở ra đã thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ đam mê văn hóa nghệ thuật truyền thống. Họ đến với dự án bằng sự nhiệt huyết, học và luyện lảy Kiều. Chính điều này đã tiếp thêm động lực cho những nghệ sĩ gạo cội tiếp tục hành trình gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau lối ngâm Kiều của dân tộc.

(Nguồn QĐND)
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 152
 Hôm nay: 5305
 Tổng số truy cập: 8930913
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa