Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Cửa sổ văn hóa   /   Giá trị yêu nước của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Giá trị yêu nước của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo và đặc sắc Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa về tâm linh mà còn là một biểu hiện về mặt đạo đức, phản ánh rõ nét giá trị của lòng yêu nước.

Thứ nhất, giá trị yêu nước trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biểu hiện ở ý thức cộng đồng. Lòng yêu nước với biểu hiện đầu tiên đó là yêu gia đình, dòng họ, yêu quê hương, đất nước. Với sự linh thiêng và uy nghi của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ý thức cộng đồng, sự hướng về nguồn cội được hình thành rất sớm từ trong mỗi gia đình, được củng cố trong dòng họ, được lan tỏa trong làng xã và phát triển trong toàn quốc, toàn cầu. Nó nhắc nhớ mọi người nhớ về tổ tiên, dòng họ, quê hương. Với những kiều bào, những người Việt Nam đang học tập, công tác ở nước ngoài thì đó là sự hướng về cội nguồn, hướng về quê hương đất nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với Lễ Giỗ chính tại Đền Hùng - Phú Thọ, với hơn 1.400 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng trên cả nước cùng với rất nhiều các thiết chế văn hóa thờ cúng Hùng Vương của cộng đồng người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới, tạo nên một sự lan tỏa sâu rộng về ý thức cộng đồng, về tình yêu đất nước Việt Nam.

 

Thứ hai, giá trị yêu nước trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biểu hiện ở tinh thần đoàn kết. Thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên tạo nên sự gắn kết bền vững trên cơ sở huyết thống. Ở đó mỗi thành viên quần tụ trong một gia đình, nhóm các gia đình tập hợp thành dòng họ, các dòng họ tập hợp trong trăm họ, trăm họ cùng chung trong huyền tích “bọc trăm trứng” hình thành nên dân tộc Việt Nam. Đến với Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, được cùng sinh ra trong một bọc của mẹ Âu Cơ. Từ đó mà có sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Suy rộng ra, sự gắn kết cộng đồng xuất phát từ nguồn cội, do đó, là người Việt Nam dù ở đâu, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược hay miền xuôi, người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc.


Thứ ba, thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, về với các điểm thờ cúng Vua Hùng mỗi người dân Việt Nam được về nơi cội nguồn dân tộc, về với hồn đất nước. Ý thức về các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. Đến với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là một hành động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thể hiện lòng biết ơn, tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên, tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những hành động xả thân vì đất nước, tự nó hình thành nên một một lý tưởng, một tình cảm, một niềm tin, định hình một nhân sinh quan, một lẽ sống vì quê hương, đất nước Việt Nam.

Thứ tư, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với sự phát triển cả về chiều rộng (toàn cầu) và chiều sâu (xuyên suốt lịch sử dân tộc), sự tiếp tục lan tỏa sâu rộng hơn trong tương lai và nhất là việc lễ hội được tổ chức thường niên ở cấp quốc gia (Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng), đó là sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước ta qua các thời kỳ từ xã hội phong kiến đến ngày nay, có giá trị vĩnh hằng, là nền tảng xác định các dân tộc Việt Nam là một cộng đồng có nguồn cội, có lãnh thổ, có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý từ thời xa xưa đến nay với chế độ và các điển chế riêng, nhằm chống lại âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, đồng hoá dân tộc, đồng hoá văn hoá của các thế lực kẻ thù.

Thứ năm, giá trị yêu nước thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được nâng thêm tầm cao mới kể từ sau sự kiện ngày 18-9-1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Với câu nói bất hủ này, ngày Giỗ Tổ Vua Hùng còn là ngày để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nguyện một lòng khắc ghi lời Bác dạy. Lòng yêu nước được gắn với yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vì hạnh phúc của nhân dân; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(Nguồn QĐND)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 118
 Tổng số truy cập: 7189877
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa