Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Cửa sổ văn hóa   /   Tín hiệu hồi sinh của nghệ thuật Chèo
Tín hiệu hồi sinh của nghệ thuật Chèo

Tối 28/9, sau 14 ngày ngọn lửa tình yêu chèo rực sáng trên sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã khép lại với nhiều niềm vui, nụ cười của một mùa hội Chèo thành công hơn mong đợi.

12.jpg
Tiết mục nghệ thuật do Nhà hát Chèo Bắc Giang trình diễn tại lễ bế mạc. Ảnh baobacgiang.com.vn

Hơn 1000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị trong toàn quốc đã xếp lại mọi lo toan bề bộn để cùng nhau hội tụ, tranh tài và thăng hoa trong sự cổ vũ của lực lượng khán giả hùng hậu nhất từ trước tới nay. Ban Tổ chức Liên hoan đã trao 05 Huy chương Vàng, 06 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 01 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 01 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 01 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc cho các cá nhân tham gia Liên hoan.

Sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang suốt 14 ngày đêm qua luôn luôn trong tình trạng quá tải. Trước Liên hoan, vẫn còn rất nhiều trăn trở, băn khoăn khi những năm gần đây, hiện tượng khán giả quay lưng lại với sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng là có thật. Nhưng, chính khán giả Bắc Giang đã cho câu trả lời hoàn toàn ngược lại, khi người dân nơi đây, trong mùa hội này, đang “ăn cùng chèo, ngủ cùng chèo, nói chuyện chèo”. Nhiều nghệ sĩ đã phải thốt lên: Chèo đang quay trở lại thời kỳ vàng son như những năm 90 của thế kỷ trước khi mà người dân phải xếp hàng, thậm chí đi thật sớm may ra mới “chiếm” được 1 chỗ đứng để xem chèo.

Trong bài phát biểu tổng kết, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, PGS. TS Trần Trí Trắc đã bày tỏ sự vui mừng: “Những ngày qua, khán giả đã đến với nghệ sĩ rất đông, khán phòng không còn chỗ đứng, chỗ ngồi. Có người đi xa tới hàng vài chục km, đến từ rất sớm để giữ chỗ… Nghệ sĩ đã hòa mình vào khán giả làm cho Liên hoan được thăng hoa trong cảm xúc nồng nhiệt qua tiếng cười, tiếng vỗ tay cùng lời khen hồn nhiên và những giọt nước mắt cảm động vô tư”. Ông cũng ghi nhận: “Thông qua 26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn nóng bỏng, nổi cộm, bức xúc của nghệ sĩ trước những hành xử của cơ chế thị trường, như vấn đề: công danh với tình yêu, tình riêng với nghĩa nước, tình yêu với lời nguyền thù hận, tham vàng bỏ ngãi… Tất cả đều hướng tới: ca ngợi tài năng, đức độ, liêm chính, trung thực của lẽ sống làm người; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, hi sinh hạnh phúc cá nhân cho non sông đất nước, đồng loại và phê phán những nhân cách nhỏ nhen, ích kỷ hại nước, hại dân của thói hư, tật xấu ở đời…"

Từ nội dung tư tưởng ấy các tác giả đã thể hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca và cả bi kịch, bi hài kịch lẫn luận đề trong kết cấu tự sự - kịch tính – trữ tình – có hậu của truyền thống với những lớp trò nối tiếp lớp trò bằng thủ pháp ước lệ - cách điệu - tượng trưng theo mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách đặc định… Thành quả của 26 tác phẩm trên là do bản lĩnh của các tác giả “lão tướng”: Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Bùi Đức Hạnh, Huy Cờ, Bùi Vũ Minh, Lê Duy Hạnh, Lê Chí Trung, Đăng Chương cùng những gương mặt trẻ: Lê Thế Song, Nguyễn Toàn Thắng, Mai Văn Lạng, Nguyễn Sĩ Sang, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Mạnh Huấn, Vũ Huy Thành, Lê Ngọc Ánh… và đặc biệt trong đó có nữ tác giả Xuân Hồng, Trần Phương Hạnh đã làm cho sân khấu Liên hoan thêm nhiều giọng điệu, màu sắc, sinh động.

26 tác phẩm văn học ấy được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu Liên hoan bởi còn có bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn. Đó là những nghệ sĩ đã có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết với nghiệp chèo, như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trương Hải Thọ và các nghệ sĩ trẻ đang được giới chèo khẳng định: NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Tạ Quang Lẫm, NSƯT Nguyễn Quang Thập, NSND Hàn Hải… Đặc biệt dịp này đã xuất hiện những nữ đạo diễn: NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Trần Thị Hoàng Mai giúp cho Liên hoan có “âm dương” hài hòa, phong phú trong Migiangsen…

Những lớp, những màn diễn đã tạo nên những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả, có thể kể đến như lớp Thái giám đọc chiếu chỉ (trong vở Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư), lớp múa mở màn (trong vở Rồng phượng), trận chiến đầm lầy (Đất thiêng nơi mả dấu), nước cuốn lũ quan bạo tàn (Người con gái Kinh Bắc), những chiếc chiếu gon (Trọn nghĩa non sông), lấy dấu vân tay vua trong tối (Công lý không gục ngã), huyết lệ cứu dân của chúa Liễu (Thánh Mẫu), gia đình phú ông kéo đuôi trâu (Phú ông làm quan)…

Đặc biệt, cảm động biết bao khi chứng kiến những nghệ sĩ hàng ngày phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng nhiều công việc khác để nuôi dưỡng niềm đam mê chèo, vậy mà họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để đến với hội chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống. Còn có nghệ sĩ vốn ở kịch nói, cải lương, ca múa nhạc…cũng xả thân mình thành chèo để diễn chèo, để “chia lửa” cùng các nghệ sĩ trong Trung tâm nghệ thuật tỉnh mình. Họ đã lung linh dưới ánh đèn sân khấu và thắp lên những màu sắc huyền diệu của hình tượng chèo bằng tất cả thanh – sắc – thục – tinh – khí – thần của một đời tích lũy để hiến dâng cho khán giả. Vì vậy, khán giả khó quên được những sáng tạo của các nghệ sĩ: Quỳnh Mai, Hà Thị Thảo, Xuân Du, Nguyễn Thị Trắc, Trần Thị Hiền, Mạnh Thắng, Mai Lan, Đình Anh, Bích Nhạn, Nguyễn Thị Thái Quỳnh, Ánh Diện, Thủy Hà, Mạnh Đáng, Phương Nhàn, Bùi Văn Thiện, Xuân Dương, Hồng Năm, Nông Thị Quỳnh Sen, Thu Hài, Thanh Nga, Thùy Dung, Hà Bắc, Quốc Phòng, Chử Long, Hoài Thu, Bá Toản, Thu Huyền, Việt Thắng…”.

Tuy nhiên, không quá lạc quan với những gì đã đạt được, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật PGS. TS Trần Trí Trắc cũng đã chỉ rõ những điểm còn khuyết thiếu, hạn chế: “26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ. Đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả. Không ít vở kết cấu thiếu logic: lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác; có vở diễn hết cảnh 2 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; tính văn chương ở một số vở còn hạn chế, chưa được chau chuốt công phu, nếu không gọi là tục tằn, thô thiển… Nhiều nhân vật sơ sài, mỏng, thiếu tính cách, thiếu số phận, tạo ra hình tượng nhạt nhòa, làm nghệ sĩ tài năng khó diễn được tròn vai, khó thể hiện bản lĩnh của mình. Các đạo diễn còn lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát vocal, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực… Về nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên còn hát chênh, non, phô, chệch nhịp, quên lời, rơi đạo cụ, quên đạo cụ ở sàn diễn mà không biết xử lý phù hợp, hoặc hát không bật mic hay gây tiếng rú, tiếng lạo xạo làm nhòe lời…rất nghiệp dư”…

Liên hoan đã khép lại, nhưng dư âm về những vai diễn, những tình cảm của khán giả Bắc Giang sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ, những người làm nghề. Và có lẽ thành công từ Liên hoan chèo hôm nay cũng chính là tín hiệu cho sự hồi sinh của nghệ thuật chèo trong thời kỳ hội nhập.

05 Huy chương Vàng được trao cho các tác phẩm: Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội), Công lý không gục ngã (Nhà hát Chèo Quân đội), Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình), Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương (Nhà hát Chèo Hải Dương), Người con gái Kinh Bắc (Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang). 06 Huy chương Bạc thuộc về các tác phẩm: Tình yêu và bóng tối (Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc), Rồng phượng (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Gò đống mối (Nhà  hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), Đất thiêng nơi mả dấu (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), Huyền thoại sông và núi (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên). 01 giải xuất sắc về đề tài lịch sử trao cho vở diễn Hào khí Bạch Đằng Giang (Đoàn Chèo Hải Phòng); 01 giải xuất sắc về đề tài dân gian trao cho vở diễn Phú ông làm quan (Nhà hát Chèo Ninh Bình); 01 giải xuất sắc về đề tài chống tiêu cực trao cho vở Hết quan hoàn dân (Nhà hát Chèo Hưng Yên); 01 giải xuất sắc về đề tài bảo vệ môi trường trao cho vở Vòng vây nghiệt ngã (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); 01 giải xuất sắc về đề tài truyền thuyết trao cho vở Vua Hùng kén rể (Đoàn Chèo Phú Thọ).

(Nguồn VHĐS)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 76
 Hôm nay: 4277
 Tổng số truy cập: 9241467
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa