Tỉnh Thanh Hóa đang trưng bày mô hình và phối cảnh để lấy ý kiến người dân về Đồ án quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa xứ Thanh. Mô hình được nghiên cứu trên diện tích hơn 500.000 m2.
Công viên dự kiến được xây dựng ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Theo phương án một, công viên có các hạng mục chính: Khu đền thờ trăm họ, tháp vọng cảnh, đại đình làng Việt, khu dịch vụ tập trung, bảo tàng tổng hợp tỉnh mang hình dáng trống đồng, trung tâm triển lãm, mô hình tái hiện quá trình xây dựng thành nhà Hồ và một số công trình phụ trợ.
Tổng vốn đầu tư cho phương án này khoảng 2.360 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 713 tỷ, ngoài ngân sách 1.648 tỷ đồng.
Công trình đầu tiên trong công viên là Khu đền thờ trăm họ (Bách gia tự), rộng 5.000 m2 – thờ 183 dòng họ Việt Nam.
Theo bản thuyết minh, khu đền trăm họ ở Thanh Hóa sẽ không giống những ngôi đền chùa Việt khác, vốn được bố cục phổ biến với hình chữ “Công”, chữ “Đinh” hay nội công ngoại quốc… Đền thờ trăm họ ở đây sẽ được bố cục hình ngôi sao năm cánh “là quốc hồn, quốc thể của người Việt”. Mỗi cánh sao là một điện thờ theo trục thần đạo (trục chính), lần lượt có cổng tam quan, thiên điện, minh đường nội và đại điện. Hai bên tả hữu có tả điện, hữu điện, lầu chuông, lầu trống…
Tất cả các điện đều được nối với nhau bằng hành lang. Đơn vị quản lý được bố trí dưới đế hầm của ba điện chính, tả, hữu và các vị trí khác ở lầu chuông và lầu trống. Dưới đế (cao 9 m) của đền là hệ thống ngầm dịch vụ và giải trí (dạng Disneyland người lớn) mô phỏng các thắng cảnh nổi tiếng của Thanh Hóa như Suối cá Thần, Động Từ Thức…
Nằm ở trung tâm công viên là công trình Tháp vọng cảnh (tháp vương vị), cao 33 tầng (106 m, chưa kể bông sen bằng pha lê ở đỉnh tháp), tổng diện tích sàn 15.000 m2, có sức chứa 3.000 – 5.000 người cùng lúc. Giao thông trong tháp là thang máy siêu tốc.
Theo thuyết minh, kiến trúc tháp là biểu tượng truyền tải khát vọng của con người đến với trời xanh.
Dự kiến từ tầng 1 đến tầng 32 sẽ được bài trí mỹ thuật bằng tượng, phù điêu, tranh mô tả cuộc đời và sự nghiệp của các đế vị. Tầng 33 đặt bài vị chung của tất cả các vị vua Việt. Công năng chính của tháp dùng để tham quan, trưng bày, quảng bá, học tập, giải trí, bắn pháo hoa…
Khu đại đình làng Việt rộng 2.100 m2, sân rộng 5.000 m2, có cấu trúc một ngôi đình cổ dạng cây đa, bến nước, sân đình.
Đại đình là ngôi đình lớn đại diện cho thiết chế làng xã của 27 huyện ở Thanh Hóa. Kiến trúc đình được mô phỏng theo đình Gia Miêu. Đình thờ 27 vị thành hoàng của Thanh Hóa, cũng là nơi trình chiếu 3D giới thiệu hình ảnh văn hoá xứ Thanh, tổ chức hội họp, khánh tiết và sinh hoạt cộng đồng khác.
Một công trình khác trong công viên cũng có quy mô rất lớn là Tháp trí tuệ (bán kim tháp), rộng 5.600 m2 xây dựng theo chủ đề “Thanh Hóa với thế giới”.
Công trình gồm hai nửa kim tự tháp ghép lại. Tháp chính cao 54 m, tháp nhỏ cao 45 m, công năng phục vụ cho mục đích du lịch, giải trí, mua sắm. Phía dưới chân kim tự tháp là công viên đại dương, được bố trí các bể nước lớn nuôi cá và thuỷ sinh vật của Thanh Hóa phục vụ cho việc tham quan.
Mô hình bảo tàng tổng hợp với hình dáng trống đồng.
Trung tâm triển lãm.
Phương án hai, ngoài các hạng mục trên, có thêm quảng trường và khu nhà điển hình các dân tộc thiểu số.
Nếu được phê duyệt, phương án này sẽ tiêu tốn 2.520 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 780 tỷ, còn lại là ngân sách ngoài nhà nước (hơn 1.740 tỷ).
Chủ đầu tư dự kiến, chi phí hoạt động mỗi năm cho khu công viên văn hóa này rơi vào khoảng 375 tỷ và sẽ thu được 540 tỷ đồng từ tiền bán vé dịch vụ tham quan và các nguồn thu khác
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn cho rằng, việc trưng bày mô hình và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân sẽ là cơ sở để thiết kế, xây dựng Công viên văn hóa xứ Thanh thực sự độc đáo, hấp dẫn.
Tỉnh Thanh Hoá kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế uy tín có kinh nghiệm vào đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả công trình này.
Theo Lê Hoàng/Vnexpress
(Nguồn Người làm báo Thanh Hóa)
|