Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Cửa sổ văn hóa   /   Tái hiện chân dung Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ
Tái hiện chân dung Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ

Trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật của họa sĩ Hoàng Hoa Mai, không thể không nói đến tranh chân dung của các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc và nhất là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua.

 Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ - Sơn dầu Hoàng Hoa Mai.jpg

“Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ” - tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Hoa Mai.

Những sáng tác về chân dung Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Lê Văn Hưu,... được công chúng xứ Thanh, trong nước trân trọng cảm thụ tôn vinh cả về nội dung tư tưởng đến nghệ thuật tạo hình. Ông đã có nhiều tác phẩm in ấn, xuất bản trên các báo, tạp chí và được trưng bày lưu giữ nhiều bảo tàng Trung ương, địa phương. Họa sĩ đã 6 lần có tác phẩm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (5 năm một lần) trong đó có 3 tác phẩm về Bác Hồ. Ông là một trong số ít họa sĩ của cả nước vẽ nhiều tranh và thành công về chủ đề Bác Hồ. Những tác phẩm: Bác Hồ với cây chì đỏ (sơn dầu) Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, Bác Hồ viết tuyên ngôn độc lập (sơn dầu) Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2009 về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội; tác phẩm Nguyễn Ái Quốc (sơn dầu) Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 và được trưng bày lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ (sơn dầu), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 và hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bác Hồ thăm đình Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa năm 1947),... Quan điểm nhất quán của họa sĩ Hoàng Hoa Mai, khi sáng tác về đề tài Bác Hồ là chỉ tái hiện lại những sự kiện mà ở đó không có ảnh chụp Bác đến ở và làm việc, tác giả chỉ căn cứ vào lịch sử, lời kể của nhân dân để xây dựng tác phẩm. Với tư duy cách thức miêu tả ấy, gần đây họa sĩ đã sáng tác hai tác phẩm “Bác Hồ nói chuyện ở rừng Thông - Đông Sơn - Thanh Hóa” và “Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ”. Bức tranh chân dung Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ là một tác phẩm mà tác giả đã dày công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để sáng tác trong nhiều năm nay. Tác phẩm này cũng nằm trong dòng tranh biểu đạt tái hiện lại lịch sử nhưng không có tư liệu ảnh và ngay cả tư liệu thành văn nói về Bác Hồ trên đất Mỹ cũng không có nhiều.

Cách đặt vấn đề của tác giả là vì sao trong thực tế có một sự kiện lớn như vậy mà chúng ta không có bức ảnh nào về Nguyễn Tất Thành hoạt động ở Mỹ để lưu lại cho lịch sử thì việc tái hiện lại chân dung Người bằng phương pháp hội hoạ là rất cần thiết. Làm được như vậy, thế hệ hôm nay và mai sau mới có thể hình dung ra được dung quang về Bác Hồ lúc sinh thời ở đất khách quê người, bôn ba hải ngoại hoạt động tìm đường cứu nước, cứu dân là như thế nào khi Người đặt chân đến đất Mỹ.

Đây là một đề tài khó, vì tư liệu bằng hình ảnh không có gì và miêu tả Người bằng văn có nhưng không nhiều, thông tin truyền miệng về Bác Hồ ở thời điểm này là rất ít ỏi, đặc biệt là không hề có một tấm ảnh chụp chung nào với ai còn lưu lại ở người thân quen trên đất Mỹ hay Pháp. Vì vậy khi miêu tả chân dung Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ tác giả phải khai thác tư liệu ảnh ở thời điểm khoảng cách giao động 5, 6 năm như: Anh Ba trên tàu Lalouchetreville khi Người đến Paris có một số hình ảnh nhưng nhìn chung không rõ lắm khó tái hiện lại chân dung Người đúng như mong muốn theo phương pháp tạo hình ở thời điểm năm 1912. Mùa đông trong những ngày tháng 12 ở nước Mỹ là rất lạnh nên phục trang mà Nguyễn Tất Thành dùng là bộ quần áo vettong, khoác ngoài áo dạ Mangtoxan, chân đi giày da màu đen. Bức tranh được bố cục, cấu trúc là nơi Người đứng trước nhà quốc hội Mỹ, trong tâm trạng suy tư trăn trở về xã hội tư bản Mỹ đầy rẫy sự hỗn loạn, đánh đập tàn bạo, bóc lột và bất công. Cũng như người Pháp, lúc nào cũng rêu rao nhân quyền, khai sáng văn minh, đem lại tự do, ấm no cho người Việt Nam, đó là một sự lừa đảo, dối trá theo kiểu Mỹ mà Phương Tây đang áp dụng cho các nước thuộc địa. Tất cả những hình ảnh ấy trong mắt người thanh niên trẻ trung là sự căm phẫn lên án chủ nghĩa đế quốc tư bản để nuôi ý chí vượt mọi khó khăn, trở ngại tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp được biểu lộ trên dung quang của Nguyễn Tất Thành.

Việc miêu tả một con người có tấm lòng yêu nước nồng nàn, một lý tưởng vĩ đại, một nhân cách lớn vì nước vì dân, Nguyễn Tất Thành phải ra đi làm cách mạng trong lúc dân tộc mình đang chìm trong màn đêm dài nô lệ của thực dân Pháp chưa có lối thoát đây là một vấn đề rất khó miêu tả của quá trình nghiên cứu xây dựng tác phẩm. Nhiều tài liệu còn cho biết khoảng cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành đến miền Đông nước Mỹ trên chiếc tàu Latusotorevin và cũng từ đó Người qua các Châu Phi, Châu Âu, đến đâu Nguyễn Tất Thành cũng chứng kiến những cảnh bóc lột, đánh đập dã man người lao động nghèo khổ của bọn giàu có tư bản chính quốc, người dân da màu cũng như da trắng dù ở châu nào: Âu, Á, Phi, Mỹ, người khổ cực nhất vẫn là người dân cần lao họ chỉ biết quần quật làm việc cả ngày lại ngày mà không đủ ăn, không đủ mặc. Tính chất miệt thị, phân biệt chủng tộc người da màu đối xử hành hạ là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản mà Nguyễn Tất Thành là người chứng kiến trực tiếp qua nhiều châu lục. Đi nhiều nơi trên thế giới, ngẫm lại trên đất Việt Nam những cảnh bóc lột tàn nhẫn ấy cũng không kém gì, vì vậy muốn giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân không có cách nào khác là làm cách mạng cứu nước mà Nguyễn Tất Thành đã nung nấu trong ý chí ngay ở thời kỳ Người còn nhỏ. Một tố chất nhân sinh quan cách mạng, có ngay từ nhỏ Nguyễn Tất Thành vì vậy Người cảm nhận được vì sao dân ta lại đói nghèo, có phải người Tây cai trị, dân bị bóc lột tận xương tuỷ, bị đánh đập xua đuổi? Tất cả hình ảnh đó đã gây nên lòng căm phẫn trong người thanh niên trẻ này phải ra đi tìm đường cứu nước, đánh đuổi đế quốc Pháp đem lại tự do độc lập cho dân tộc.

Tác giả đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu tư liệu nói về tư tưởng, lòng quyết tâm làm cách mạng của Nguyễn Tất Thành để tái hiện lại bức tranh chân dung Người bằng kinh nghiệm tạo hình cơ thể học của tác giả đúng thời điểm Người trên đất Mỹ. Đây là một công việc khó, vì vậy tác giả phải nghiên cứu trong một thời gian dài nhiều thập kỷ, đọc sách, báo nói về Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành để tìm ra những cứ liệu có thể tiếp cận sát thực được cho việc tạo hình giúp tác giả phác thảo lại tổng thể dung quang chân dung Người đúng với lịch sử khi Nguyễn Tất Thành đặt chân trên đất Mỹ. Ở nhiều tài liệu khác nhau nhưng có chung một điểm là mùa đông cuối tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ lúc đó là 22 tuổi và Người qua nhiều nơi trong đó có nhà quốc hội Hoa Kỳ, tượng đài nữ thần tự do... Đến đâu Người cũng chứng kiến cảnh tượng hà khắc, coi thường người lao động chân tay da màu và sự thật ấy đã biểu lộ trên khuôn mặt của Người vừa thương cảm, sẻ chia với người cần lao, vừa căm giận bọn đế quốc tư bản ở chính quốc vì vậy khi biểu đạt chân dung Nguyễn Tất Thành, tinh thần ấy phải được đưa vào cấu trúc tạo hình chân dung Người một cách có căn cứ khoa học từng chi tiết. Đối chiếu các ảnh có được trong tư liệu thời điểm những năm Người ở nước Pháp, tuy rất ít và không được rõ nét, tác giả phải dùng những phương pháp khác của nghệ thuật hội họa để miêu tả bằng chất liệu sơn dầu mới có thể nói lên được tư tưởng, tình cảm của Người lúc bấy giờ. Với khuôn mặt đôn hậu, có đôi mắt sáng anh minh, Nguyễn Tất Thành đăm chiêu suy tư trăn trở khi xem tượng đài tự do, nhà quốc hội của nước Mỹ, những kiến trúc nghệ thuật nói là tự do bình đẳng, bác ái nhưng bản chất chứa đựng đầy rẫy những bất công và tàn bạo của tư bản Mỹ. Bức tranh khái quát khi Người đến đất Mỹ lúc đó mùa đông lạnh giá (cuối tháng 12) tay xách chiếc vali, mặc bộ quần áo vét đen, tay nắm ve áo khoác Bađoxuy khoác ngoài. Không gian thời điểm được biểu đạt là Nguyễn Tất Thành đứng trước quảng trường nhà quốc hội Mỹ Người cảm thấy phía bên trong là nơi bàn bạc về âm mưu xâm lược và sự bóc lột hà khắc không những ở chính quốc mà còn cả các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Để tác phẩm phản ánh đúng thời gian và không gian, tác giả đã bố cục toàn bộ bức tranh thể hiện trong một gam màu lạnh, gợi cho người xem cảm nhận được tính xã hội đen tối giống như một màu xám “văn minh Mỹ” mà Nguyễn Tất Thành, là người hiểu rõ sự thật ấy.

Sau nhiều năm nghiên cứu tư liệu phác thảo nhiều lần, đến năm 2018 bức tranh mới hoàn thành và được in ấn trên nhiều báo chí, phát thanh, truyền hình. Đây cũng là tâm nguyện nhiều năm nung nấu tư duy ý tưởng để sáng tác bức tranh “Nguyễn Tất Thành trên đất Mỹ” của hoạ sĩ Hoàng Hoa Mai, chuyên ngành hội họa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

 
Thu Trang
(Nguồn VHĐS)

Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 147
 Hôm nay: 5123
 Tổng số truy cập: 8930731
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa