Văn học nghệ thuật các tỉnh Bắc Trung Bộ với đề tài biển đảo
Chào mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, sáng ngày 18/6/2019, tại Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Tĩnh và Tạp chí Hồng Lĩnh đã đăng cai tổ chức Hội thảo “Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung với đề tài biển đảo”.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, nhà văn, nhà báo Phan Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Phụ trách xuất bản Tạp chí Hồng Lĩnh - nhấn mạnh:
“Thực hiện Nghị quyết lần thứ VIII (Khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội thảo hôm nay tập trung vào chủ đề “VHNT các tỉnh Bắc Trung Bộ với đề tài biển đảo”. Đây là đề tài quan trọng đối với VHNT, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, dải đất nằm ven biển, cửa ngõ hướng ra biển Đông, với tổng chiều dài 670 kilômét đường bờ biển. Biển đảo là một đề tài vừa cũ lại vừa rất mới. Tự ngàn xưa, tổ tiên ta đã sớm xem biển Đông như một nửa cơ ngơi của dân tộc. Người Việt nói chung, cư dân khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng sống gắn bó, sinh tồn từ ngàn đời bên biển và đã có một đời sống biển, văn hóa biển in dấu sâu đậm trong tâm thức cộng đồng. Tác phẩm VHNT đề tài biển đảo của khu vực Bắc Trung Bộ khá phong phú và đã có nhiều thành công với những tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Kỳ, Nguyễn Ngọc Phú… Và có thể nói, nếu kiểm đếm trong gia tài của mình, mỗi một văn nghệ sĩ của dải đất miền Trung này chí ít cũng có một tác phẩm nào đó viết từ sự gợi ý của biển cả. Đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo là chiến lược lớn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, bởi lẽ: “Biển là bộ phận cấu thành thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn…”. Biển đảo là đề tài vừa mang tính muôn thuở, vừa mang tính thời sự của báo chí và VHNT. Mặc dầu, trong thời gian qua, các hội VHNT, các tạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung cùng các văn nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết cho đề tài biển đảo với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như đi thực tế, mở trại sáng tác, tổ chức cuộc thi, xuất bản, trưng bày, triển lãm…, tuy nhiên, vấn đề nâng cao số lượng, chất lượng sáng tác và làm sao để có thêm nhiều hình thức quảng bá rộng rãi các tác phẩm về đề tài này vẫn đang là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới”.
Tại Hội thảo, các cử toạ đã được nghe và thảo luận xung quanh các báo cáo tham luận của các đại biểu đến từ các tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên Huế), Cửa Việt (Quảng Trị), Nhật Lệ (Quảng Bình), Sông Lam (Nghệ An), Xứ Thanh (Thanh Hoá) và Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Các tham luận đều bám sát chủ đề mà Hội thảo đặt ra với những góc độ tiếp cận phong phú cũng như những gợi ý, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá về đề tài biển đảo…
Tham luận Biển - miền thẳm sâu của nghệ thuật của nhà văn Nhụy Nguyên (Tạp chí Sông Hương) đề cập đến những tầng nghĩa đã được tác phẩm VHNT khai thác khi viết về biển, từ những vấn đề chung, chiều sâu mang tính triết học đến những cảm thức cụ thể nhất về cuộc sống, thiên nhiên, cảnh trí đặc trưng của những vùng đất biển.
Nhà văn Nhuỵ Nguyên trình bày tham luận tại Hội thảo
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ) với tham luận Sứ mệnh của nhà thơ với trái tim biển đảo đưa ra quan sát: Biển đảo luôn là đề tài nằm lòng, đề tài lớn xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam. Tình yêu biển đảo ngấm ngầm chảy trong thơ Bắc miền Trung từ bao giờ đến bây giờ. Biển đảo là thi liệu, thi hứng mà bất kì người nghệ sĩ nào cũng ít nhất một lần sử dụng, chộp bắt. Và hiện thực biển đảo ngày nay đang trở thành môi trường đào luyện tài năng, thử thách bản lĩnh, kích hoạt lương trí trí thức, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.
Tham luận Sáng tác về đề tài biển đảo của văn nghệ sĩ Nghệ An - thành tựu và những giải pháp nâng cao chất lượng của tác giả Trần Hữu Vinh (Tạp chí Sông Lam) đưa ra những đánh giá khá chi tiết về hoạt động sáng tác của các chuyên ngành cũng như việc phổ biến đề tài biển đảo ở Nghệ An, đồng thời đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng mảng sáng tác này đối với văn nghệ sĩ Nghệ An nói riêng và khu vực nói chung.
Tham luận của tác giả Lưu Nga (Tạp chí Xứ Thanh) Văn nghệ sĩ xứ Thanh với đề tài biển đảo nhận định: Biển đảo vốn dĩ gắn bó máu thịt với con người của một quốc gia biển. Biển đảo không chỉ là nguồn lợi lớn về kinh tế, du lịch, nghiên cứu khoa học và môi trường để con người mưu sinh, để quốc gia phát triển, mà còn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của văn nghệ sĩ... Ngày nay, đề tài biển đảo càng trở nên “nóng” hơn, “hút” hơn, mang tính thời sự rất cao đối với cả văn nghệ sĩ và công chúng. Để nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài biển đảo, rất cần sự quan tâm vào cuộc hơn nữa của cấp ủy chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các hội VHNT, các tạp chí văn nghệ địa phương, các văn nghệ sĩ với tinh thần vươn ra biển lớn và vươn sâu vào các vỉa tầng của đề tài biển đảo mà VHNT chưa khai thác trúng và đủ.
Tham luận của nhà văn Hoàng Công Danh (Tạp chí Cửa Việt) Biển đảo, từ tâm thế của một tờ báo đến tâm thế sáng tạo có cái nhìn đầy đủ và khái quát về sáng tác của các văn nghệ sĩ Quảng Trị cũng như Tạp chí Cửa Việt về vấn đề sáng tác và đăng tải tác phẩm đề tài biển đảo. Tác giả cho rằng ngay việc chọn tên Tạp chí là “Cửa Việt” cũng là tâm thế, là mong mỏi của những người làm văn nghệ xứ gió Lào cát trắng, muốn dùng hình ảnh cửa biển để vươn đến những chân trời. Lấy tên biển để đặt tên tạp chí, những người dựng nên tờ báo đã muốn xem sứ mệnh văn hóa của ấn phẩm ngang với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc.
Lẩy ra một góc nhìn riêng ở mảng nhiếp ảnh, một bộ môn nghệ thuật có lợi thế trong việc phản ánh nhanh nhạy và phong phú về đề tài cũng như cách thức thể hiện, đã từng có nhiều thành công, đoạt giải thưởng trong các kì liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung và các cuộc thi nhiếp ảnh khác về đề tài biển đảo gắn với tên tuổi của các nghệ sĩ như Trần Hướng, Sỹ Châu, Trần Chung, Sỹ Ngọ, Lê Anh Thi, Hương Thành…., nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hướng (Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh) có tham luận về những đóng góp quan trọng của mảng nghệ thuật này đối với đề tài biển đảo. Nhà nghiên cứu Phan Thư Hiền (Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh) với tham luận Văn hóa dân gian của cư dân ven biển ở Hà Tĩnh tiếp cận đề tài này từ góc độ khảo sát, gắn với việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân ven biển và mong muốn có những chính sách tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng biển Hà Tĩnh.
Nhìn chung, các tham luận đã cho thấy sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau, nêu ra những nhận định đánh giá khách quan và cụ thể về bức tranh chung của VHNT khu vực Bắc Trung Bộ trong việc phản ánh một đề tài lớn. Các tham luận “đồng từ” chỉ ra một thực tế là sáng tác về biển đảo hiện nay tuy khá nhiều nhưng chưa có tác phẩm thực sự xuất sắc, thể hiện bằng ngôn ngữ mới, bút pháp mới... Nguyên nhân là văn nghệ sĩ sáng tác tức thời, ăn xổi, có khi vừa kết thúc chuyến thực tế đã có tác phẩm, ít chiều sâu suy tư chiêm nghiệm về nội dung tư tưởng cũng như tìm tòi thử nghiệm về hình thức nghệ thuật…
Hội thảo hi vọng sẽ kiến tạo được cái nhìn toàn diện hơn về thành công cũng như hạn chế, yếu kém, từ đó các tổ chức, đặc biệt là các cá nhân văn nghệ sĩ có được những động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng sáng tác cũng như quảng bá, phổ biến tác phẩm về đề tài biển đảo, để VHNT không chỉ đạt được mục đích tuyên truyền nhiệm vụ chính trị mà còn được nâng dần về chất lượng nghệ thuật thẩm mĩ, phản ánh được chiều sâu đời sống biển, tâm thức biển của một cộng đồng cư dân duyên hải.
Đại diện các tạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung nhận Cờ lưu niệm Hội thảo
Nhân dịp này, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh cũng tổ chức một số hoạt động như xuất bản sách, trưng bày triển lãm tác phẩm của các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh về đề tài biển đảo quê hương.
THUỴ THUỴ
(Văn nghệ Quân đội)