Ban Văn nghệ dân gian tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020
Thực hiện nội dung công văn 130 của Văn phòng Hội VHNT Thanh Hóa về việc báo cáo hoạt động văn học nghệ thuật năm 2020, sáng ngày 10 tháng 12 năm 2020 Ban Văn nghệ dân gian tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2020. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Nhà thơ Nguyễn Văn Túy, Phó chủ tịch Thường trực Hội, các đồng chí trong Thường trực Hội và các hội viên trong Ban.
Nhà Nghiên cứu văn hóa Trần Thị Liên, Phó ban Văn hóa dân gian đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động năm 2020 của Ban trước Hội nghị. Ban Văn nghệ dân gian có 21 hội viên tất cả đều có trình độ đại học trở lên trong đó có 2 phó giáo sư, 1 tiến sĩ và 5 thạc sĩ và thời gian tới ban sẽ kết nạp thêm 3 tiến sĩ nâng tổng số lên 24 hội viên. Năm 2020, mặc dù diễn biến thời tiết và bệnh dịch phức tạp, nhưng lãnh đạo Ban đã tranh thủ được sự quan tâm của Thường trực Hội, tổ chức cho hội viên đi điền dã tại các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, khu di tích lịch sử Lam Kinh. Hội viên trong Ban đã khắc phục mọi khó khăn về tuổi tác, sức khỏe, địa lí, tài chính, thời tiết, dịch bệnh miệt mài, tập trung sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và công bố nhiều tác phẩm có giá trị cao về học thuật. Có thể kế đến một số tác phẩm tiêu biểu như “Sắc màu văn hóa xứ Thanh” của Trần Thị Liên, “Cẩm nang ngôn ngữ giao tiếp người Kinh, Mường, Thái, Mông” của Phạm Xuân Cừ… Phương hướng, nhiệm vụ của Ban trong năm 2021 về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao công tác nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản, tổ chức hội thảo khoa học cũng được nêu rõ trong báo cáo.
Tại Hội nghị các hội viên đã sôi nổi đóng góp ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến quan trọng bổ sung vào hoàn thiện bản báo cáo hoạt động của Ban. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung như cần tập hợp các tác phẩm có chất lượng cao của các hội viên trong ban để in thành tác phẩm chung, vừa làm tư liệu vừa góp phần vào kế hoạch phục dựng các hoạt động văn hóa đã bị mai một của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh ta rất nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nhưng hầu hết các tác phẩm của hội viên mới chỉ dừng lại phần nhiều ở một số dân tộc như Thái, Mường, Kinh. Đặc biệt các hội viên của Ban đa phần dành nhiều thời gian cho nghiên cứu các dân tộc ít người khu vực miền núi, mà ít dành thời gian cho nghiên cứu biển đảo. bên cạnh đos cũng có ý kiến cho rằng cần có các chuyến đi thực tế ra ngoài tỉnh chứ không nên năm nào cũng chỉ quẩn quanh trong tỉnh sẽ thiếu sức sáng tạo, so sánh, đối chiếu để nâng cao các tác phẩm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Nhà thơ Nguyễn Văn Túy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đã thông báo sơ lược đến các hội viên về sự thay đổi cả về chất và lượng của các giải thưởng văn học nghệ thuật bao gồm giải văn học nghệ thuật tỉnh 5 năm và giải thưởng văn học hằng năm, cũng như một số hoạt động thường niên của Hội, đồng chí đề nghị các hội viên và lãnh đạo Ban bám sát vào nội dung hoạt động của Hội để xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban. Đối với các công trình khoa học, các tác phẩm nghiên cứu có tính khả thi góp phần vào sự phát triển ngành văn hóa, du lịch của tỉnh thì lãnh đạo Hội rất hoan nghênh và sẽ đại diện cho Ban xin ý kiến của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh, đề nghị với các Sở, ban ngành có liên quan tham gia vào việc phục dựng, cải tạo và phát triển các hoạt động đó để vừa làm giàu cho bản sắc văn hóa tỉnh nhà vừa tạo sức hút đối với du khách góp phần nâng cao giá trị cho ngành du lịch. Bên cạnh đó đồng chí Phó Chủ tịch Hội cũng yêu cầu lãnh đạo Ban cũng như các hội viên trong Ban cần chú ý nhiều hơn đến công tác phát triển hội viên, xây dựng cho được một lớp kế cận vừa có tâm, vừa có tầm góp phần vào sự lớn mạnh của Ban cũng như của Hội.
Hội nghị đã thống nhất đề nghị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa tặng giấy khen cho tập thể Ban và 2 hội viên trong ban là Phạm Xuân Cừ và Nguyễn Xuân Luật về thành tích đạt được trong hoạt động văn học nghệ thuật năm 2020.
P.V