Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn nghệ   /   Cuộc thi truyện ngắn với chủ đề “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay” trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - LÊ XUÂN GIANG
Cuộc thi truyện ngắn với chủ đề “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay” trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - LÊ XUÂN GIANG

Cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh được phát động từ tháng 03 năm 2015 đến nay đã khép lại. Ban Tổ chức nhận được hơn 200 truyện ngắn của hơn 120 tác giả gửi về tham gia cuộc thi. Điều đáng mừng là cuộc thi không chỉ nhận được sự quan tâm của văn nghệ sỹ và bạn viết trong tỉnh mà còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà văn và bạn viết trên khắp mọi miền tổ quốc (trong đó tác giả ngoài tỉnh chiếm 2/3) như: Quảng Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, v.v...
Một số tác giả không chỉ gửi một tác phẩm mà gửi nhiều tác phẩm dự thi như: Nguyễn Cẩm Hương, Vi Cẩm Hiếu, Đỗ Xuân Thu, Phạm Văn Liệu, v.v... Ban Biên tập đã tuyển chọn và đăng tải 67 truyện ngắn có chất lượng tốt trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh trong hai năm qua và được bạn đọc hết sức quan tâm.
Trước khi nói đến những điều đạt được từ cuộc thi. Chúng ta cũng phải nhìn nhận lại rằng cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí với chủ đề “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay” được phát động không bao lâu, thì báo Văn nghệ cũng đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn cùng chủ đề như vậy. Bên cạnh đó hiện nay ở các tờ báo, tạp chí địa phương, chuyên ngành năm nào cũng đều có các cuộc thi dành cho người sáng tác văn học, tạo ra một sân chơi rộng và hấp dẫn. Chính vì thế chế độ nhuận bút hay mức giải thưởng được nâng lên rất cao, tạo điều kiện thu hút nhiều người viết có nghề, nâng tầm chất lượng tác phẩm dự thi. Với hạn chế về kinh phí, Tạp chí Xứ Thanh chỉ có thể gọi là “hỗ trợ” sáng tác đã phần nào làm cuộc thi đôi khi chững lại. Nhưng nhờ lòng yêu mến của các tác giả, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, cuộc thi truyện ngắn vẫn luôn được sự quan tâm và ủng hộ về bài vở. Nhiều truyện ngắn được đánh giá đạt chất lượng quốc gia. Có thể khẳng định cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã thành công tốt đẹp. Thành công này không chỉ thể hiện ở số lượng tác giả và số lượng tác phẩm gửi về dự thi mà còn thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn đề tài và phong cách thể hiện.
Cuộc thi diễn ra vào lúc đất nước ta đang tiến bước mạnh mẽ vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhưng không ít tác giả vẫn trăn trở với số phận con người thời hậu chiến, mặc dù chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ. Truyện ngắn Ngày về của Hoàng Bình Trọng là tác phẩm tiêu biểu về mảng đề tài này. Vẫn viết về hậu chiến, về báo tử nhầm để người vợ có con rơi, rồi chồng trở về. Nhưng khác với nhiều truyện ngắn về đề tài này, người vợ ở đây được Hoàng Bình Trọng miêu tả hết sức sinh động, vị tha, chủ động xin ly hôn vì "Em có lỗi, em hết đẻ được nữa rồi, chẳng lẽ vì em mà dòng họ Phạm Cự tuyệt tự hay sao!” Nhân vật đứa con rơi cũng xuất hiện hết sức hợp lý. Hoàng Bình Trọng rất khéo miêu tả hình ảnh người vợ chỉ qua lời đối thoại. Quyết ly hôn rồi, sắp đi xa rồi mà vẫn lo cho chồng từng ly từng tý, khóa to ở đâu, khóa nhỏ ở đâu, rồi gạo, đỗ lạc vừng ở đâu, lại còn ghi rõ ngày kỵ giỗ của từng người trong gia đình chồng. Sao mà tận tình, chu đáo, ân tình đến thế!
Cũng là đề tài thời hậu chiến, nhưng trong truyện ngắn Người quan họ của Nguyễn Cẩm Hương lại là một thiên tình sử hết sức lãng mạn. Họ cứ yêu nhau như thế, châng lâng, không rõ ràng gì cả mà đọc xong bỗng thấy con người thời chiến tranh thật thủy chung, thật đẹp. Chỉ tiếc cái kết chưa hay. Đáng lẽ ra cả chàng sinh viên và anh bộ đội cứ tưởng cô gái yêu mình, nhưng thật ra cô chỉ chờ đợi con bà hàng xóm mà thôi. Cái lỗi ở đây là do lá thư gửi cho nhân vật "Tôi" bị đánh rơi. Chiến tranh mà!
Trong truyện ngắn Chuyện cũ của Mai Hương lại không cũ một chút nào. Hai anh chàng cùng quê, cùng là đồng đội, cùng yêu một cô gái. Nhưng Mai Hương không viết về mối tình tay ba thông thường mà kéo mối quan hệ đồng đội ấy vào cuộc chiến chức quyền hôm nay ở thế hệ con cháu.
Các truyện ngắn Trước ngày lễ cưới của Mai Trọng Cử, Kỷ vật của Ngô Xuân Tiếu, Sau thời trận mạc của Phạm Văn Liệu, Chị Huê của Vũ Thị Khương, Ước hẹn không lời của Vũ Duy Hòa, Cây đàn năm ấy của Lê Huy Quân, Anh Đắc của Vĩnh Thành... cũng đề cập đến thời hậu chiến với nhiều số phận khác nhau.
Nhìn chung, những truyện ngắn dự thi viết về đề tài hậu chiến, thêm một lần nữa khẳng định, dù có công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến đâu đi nữa, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của dân tộc ta như một giá trị văn hóa.
Bên cạnh đề tài hậu chiến, đề tài biên giới hải đảo cũng được nhiều tác giả quan tâm. Các truyện ngắn: Mơ biển của Kỳ Khánh Minh, Vườn đào nơi biên cương của Nguyễn Cẩm Hương, Nơi biển đảo có mặt trời của mẹ của Vi Cẩm Hiếu, Tiếng vọng biển khơi của Nguyễn Ngọc Phú và một số truyện dự thi khác đề cập tới đề tài này.
Trong truyện ngắn Nơi biển đảo có mặt trời của mẹ, Vi Cẩm Hiếu đã khắc họa chân dung một cô giáo vùng cao hết sức sâu sắc. Bằng tấm lòng cao đẹp của mình, cô đã cảm hóa được cậu học trò hư hỏng, bỏ học đi đào vàng, nghiện hút trở thành anh lính đảo coi cô như mẹ, trong khi ông bố ruột nhẫn tâm muốn đẩy con đi cho nhẹ nợ. Đây là một truyện ngắn mang tính giáo dục, nhân văn.
Ngoài hai đề tài để lại dấu ấn đậm nét nêu trên, nhiều truyện ngắn dự thi lần này đề cập đến thân phận con người trong cơn lốc kinh tế thị trường nhưng với cách nhìn nhân hậu hơn, đồng cảm hơn, khác với giọng lên án, phê phán, chê bai như thời đất nước ta mới bước vào kinh tế thị trường.
Truyện ngắn Vượt qua vòng xoáy của Đỗ Xuân Thu là một truyện tiêu biểu cho đề tài này. Chồng bệnh nằm một nơi, vợ đi buôn rồi rơi vào vòng tay của người tình cũ thời sinh viên, bị bồ của người tình cũ quay clip tống tiền, nhưng cuối cùng được người chồng bỏ qua. Truyện có số phận, có chi tiết, đọc hấp dẫn mặc dù không mới.
Khác với Vượt qua vòng xoáy, truyện Bờm của Phạm Văn Liệu lại viết về nhân vật Mai, một cô gái ở một làng quê hẻo lánh, đất nước trải qua bao cuộc cách mạng long trời lở đất mà ở làng này một số thói quen hủ lậu vẫn đeo bám như một loại ký sinh trùng. Mặc dù lấy chồng rồi nhưng Mai luôn cựa quậy muốn trồi truột ra khỏi cuộc sống eo hẹp đủ bề này. Khi nhà nước có chủ trương xuất khẩu lao động, Mai là người đăng ký đầu tiên. ở nước ngoài, mặc dù có chồng rồi Mai vẫn yêu một người nước ngoài và tự nguyện sống với nhau như vợ chồng, một việc làm mà ở làng quê cô coi như một tội đồ. Nhưng rồi từ trong sâu thẳm của tâm hồn Mai, cái làng quê nơi có chồng và con, Mai vẫn gọi họ là Bờm cha và Bờm con đã gọi Mai về để làm một cuộc thay đổi. Nhân vật Mai mạnh mẽ, dấn thân, không cam chịu như một mẫu người phụ nữ mới hôm nay.
Một sự tìm tòi rất đáng trân trọng được thể hiện bằng một giọng văn rất chuyên nghiệp. Đó là truyện ngắn Đứng ngủ của Vũ Thị Huyền Trang. Tác giả đưa ra nhiều nhận xét bất ngờ, độc đáo, sâu sắc, đánh thức sự suy nghĩ về cuộc đời, về con người, nhưng đáng tiếc là nó toàn một màu xám, ảm đạm, có lúc lan sang thông tấn về các vấn đề tiêu cực.
Nhiều truyện ngắn dự thi lần này có cách nhìn đồng cảm với những khát vọng sống, khát vọng về hạnh phúc. Trong truyện Thoáng chút tình vương của Phạm Văn Liệu kể về người đàn bà nhà quê ra thành phố làm giúp việc trong gia đình một ông chủ có vợ đi lao động ở nước ngoài. Tình cảm giữa người làm thuê và ông chủ nảy sinh, nhưng đây không phải là sự ức hiếp mà là một khát vọng, một sự hưởng thụ tự nguyện. Khi vợ ông chủ từ nước ngoài về, khẳng định vị trí làm chủ rồi, người đàn bà làm thuê an phận ra về mang theo "Thoáng chút tình vương".
Truyện Thời hoa nở của Đỗ Xuân Thu lại kể về một Trung tâm văn hóa có 10 người nữ trong 15 biên chế thì có tới 6 cô mang bầu, trong số đó có một cô không chồng mà chửa. Cô không chồng mà chửa này đã nhiều tuổi rồi nên ông Hoạch thủ trưởng cơ quan cho rằng chửa được là mừng rồi. Cách nhìn như vậy thật xứng đáng làm thủ trưởng một cơ quan văn hóa.
Truyện ngắn Nhà thờ họ của Giang Ky lại đề cập đến một vấn đề đang được các vùng quê quan tâm. Việc khôi phục lại nhà thờ các dòng họ đang trở thành trào lưu trong các vùng quê Việt Nam. Nhưng bên cạnh những người thành tâm cũng không ít người vì lòng tham, âm mưu tách họ, làm nhà thờ riêng, v.v... Truyện có tứ lạ, có tìm tòi, cách thể hiện sinh động.
Tóm lại, cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Xứ Thanh đã thành công tốt đẹp. Ban Chung khảo đã quyết định trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích. Xin chúc mừng các tác giả được nhận giải trong cuộc thi này, chúc mừng các nhà văn, bạn viết có bài gửi dự thi và hẹn gặp lại trong những cuộc thi sau này.
Ban Biên tập tạp chí Xứ Thanh xin trích đăng một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi.
                                                                                                                                     Lê Xuân Giang


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 50
 Hôm nay: 768
 Tổng số truy cập: 9363934
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa