Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) khu vực Bắc miền Trung
Sáng ngày 18 tháng 12 năm 2024, tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) khu vực Bắc miền Trung. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Đến dự Đại hội có đồng chí Đào Xuân Yên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành; phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương cùng đông đảo các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Bắc miền Trung.
Toàn cảnh Đại hội
Phát biểu chào mừng Đại hội, đồng chí Đào Xuân Yên - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cao những đóng góp của các nhà văn Việt Nam tại khu vực Bắc miền Trung nói chung, các nhà văn Thanh Hóa nói riêng. Đồng chí khẳng định trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam, Thanh Hóa - cái nôi của văn hóa kháng chiến, nơi thành lập “Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV - tiền thân của Hội Văn nghệ Việt Nam, nơi đây nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình được đào tạo và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ công cuộc kháng chiến, cứu quốc… Trong thời gian qua, các văn nghệ sĩ xứ Thanh đã hăng say lao động sáng tạo, và cho ra đời nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền văn học của khu vực Bắc miền Trung và nước nhà. Đồng chí nhấn mạnh Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI khu vực Bắc miền Trung được tổ chức tại Thanh Hóa là sự kiện quan trọng trong các sự kiện văn hóa của tỉnh năm 2024; là dịp để các văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa được giao lưu và chia sẻ về hoạt động sáng tạo nghệ thuật với bạn bè các tỉnh trong khu vực Bắc miền Trung.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu chào mừng
Trong nhiệm kỳ X (2020 - 2025), Hội Nhà văn Việt Nam đã có những hoạt động sôi nổi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hội tập trung vào việc thúc đẩy công việc sáng tác và xét giải nhằm tạo ra một đời sống văn học lành mạnh, nhiều cảm hứng, phong phú, mới mẻ và có tác động tích cực vào đời sống tinh thần của xã hội. Các nhà văn Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm với cộng đồng qua các tác phẩm phản ánh hiện thực, đề cao giá trị nhân văn và tinh thần dân tộc. Hoạt động hỗ trợ sáng tác được Hội quan tâm, hàng chục trại viết đã được tổ chức, tạo môi trường sáng tác chuyên môn cao. Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác và đẩy mạnh quảng bá sách văn học Việt Nam qua Trung tâm Phát triển và quảng bá sách. Việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam không ngừng được đổi mới, trở thành ngày hội trong cả nước, lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên, dân tộc và lòng tự hào đất nước. Giải thưởng văn học của Hội đã ghi nhận công sức sáng tạo, thể hiện sự đồng thuận cao; công tác xét giải tuân thủ quy trình, công khai, dân chủ, phản ánh bản lĩnh và sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan thuộc Hội: Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, trang web Vanvn.vn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Bảo tàng Văn học Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du… có nhiều đổi mới trong hoạt động, v.v…
Đoàn Chủ tịch và Thư ký Đại hội
Nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) đánh dấu 50 năm thống nhất đất nước, bước vào kỷ nguyên mới với vị thế lớn và công cuộc chấn hưng văn hóa. Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng hệ thống sách điện tử, sách 3D để phổ cập một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất tới bạn đọc trong chương trình số hóa của Chính phủ như sách điện tử, sách 3D của Nhà xuất bản, bảo tàng 3D của Bảo tàng văn học Việt Nam; Xây dựng chiến lược “Nhà văn trẻ và kỷ nguyên mới” với các bước cụ thể: phát hiện tài năng trẻ, chương trình bồi dưỡng, tạo diễn đàn sinh hoạt nghiệp vụ, trợ giúp xuất bản, nâng cao trình độ ngoại ngữ, giao lưu quốc tế, dịch và quảng bá, tổ chức các cuộc vận động sáng tác, mở rộng và chất lượng hóa “Giải tác giả trẻ”; Thực hiện chiến lược “văn học và sứ mệnh hòa hợp, hòa giải dân tộc” thông qua việc tái bản các tác phẩm xuất sắc của các nhà văn miền Nam trước 1975 và các nhà văn Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Nghiên cứu thành lập giải thưởng văn học dành cho các nhà văn Việt Nam sinh sống ở nước ngoài; Tăng cường công tác phát triển hội viên ở các vùng miền núi và vùng sâu vùng xa; đặc biệt là hội viên trẻ,…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội
Đại hội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các hội viên về dự thảo Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ X (2020 - 2025) và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh đó các đại biểu cũng đã phát biểu, đóng góp ý kiến sôi nổi về công tác Hội, sự quan tâm, hỗ trợ của Hội đối với các chi hội; công tác xét kết nạp hội viên; việc nâng cao chất lượng các tác phẩm văn chương,…
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, hội viên Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa đóng góp ý kiến tại Đại hội
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh rằng sự thay đổi quan trọng nhất không phải ở tổ chức Hội, ở Ban Chấp hành mà ở chính bản thân mỗi nhà văn; các nhà văn phải tự vấn, tự soi lại chính mình, tìm ra những câu trả lời về tư duy, cảm hứng và dũng khí sáng tác. Nhà thơ hy vọng Đại hội sắp tới sẽ là ngày hội của văn chương - nơi các nhà văn có thể chia sẻ, giao lưu và truyền cảm hứng cho nhau; là dịp để các nhà văn thể hiện tiếng nói và tầm nhìn của mình về văn học Việt Nam. Khẳng định sự thay đổi phải bắt nguồn từ chính bản thân mỗi nhà văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi các nhà văn có đủ dũng cảm và khát vọng để viết ra những tác phẩm thực sự giá trị, đóng góp vào sự phát triển của nền văn học nước nhà.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) khu vực Bắc miền Trung đã bầu 38 đại biểu chính thức và 04 đại biểu dự khuyết, chuẩn bị tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 - 2030).
Quỳnh Thơm