Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Dự thi sáng tác văn học trẻ   /   Đồng hồ của nhà văn - Bùi Việt Phương
Đồng hồ của nhà văn - Bùi Việt Phương

Trưa hôm ấy, người qua đường cứ dán mắt vào gã đàn ông ngồi trên thành cầu. Nhưng thực ra, gã chỉ ngồi ngắm một cái đồng hồ cũ kỹ. Càng về trưa, nắng gắt hơn mà cái kim giây đồng hồ vẫn nằm đờ ra trên mặt số. Thế là gã đứng dậy ra về.
Thực ra, gã này là một nhà văn sạch sẽ bậc nhất hàng tỉnh. Lĩnh được đồng nhuận bút còm nào gã cũng gói ghém đem về cho vợ rồi lặng lẽ bỏ ra ngoài hiên rít một điếu thuốc lào. Cơm áo là của vợ, giấy mực của gã. 
Sáng nay ra bưu điện, gã giả vờ lân la quầy báo cầm một tờ “An ninh thế giới” phát hành từ tuần trước lên đọc. Bị nhắc khéo, mấy cô nhân viên bưu điện lướt qua tập giấy mời lĩnh tiền rồi ới tên gã. Ngỡ ngàng như chưa hiểu ra chuyện gì rồi gã loay hoay tìm chứng minh nhân dân làm thủ tục. Lĩnh được tiền, gã nhìn trước, ngó sau rồi vuốt vuốt mãi cái túi áo ngực căng như cô gái mới dậy thì phổng phao. Một triệu với một trang truyện trên báo thì quả là chữ mình ghê quá. Đấy, ban sáng gã còn thanh tao thế đấy.
Qua chợ, thấy hàng quán lộn xộn, người ta xúm đông như bầy ruồi cứ bâu vào rồi tản ra, rồi lại bâu vào quanh một cuộc ẩu đả. Bản năng giữ tiền của một văn sĩ mách bảo gã không dám đi tiếp. Nhưng mới sáng ra, đứng ám cửa hàng người ta mãi không tiện. Lão chủ quán mới ho sù sụ, gã đã giật mình. Thế là gã đánh liều ghé vào cửa hàng có những chiếc tủ kính đèn điện sáng choang. Định bụng đợi hết đám đánh lộn là kiếm cớ chuồn về nhà. 
Bỗng dưng, ngắm cái tủ kính ấy gã lại nhớ những năm đất nước mới mở cửa, mọi thứ trở nên đắt đỏ từ cái quần đùi Thái, cái bật lửa, áo phông, bánh xà phòng camay... Số đông khiếp sợ hàng “tư bản giẫy chết” nhưng lại không hề gì với những tay hảo hán thời hậu bao cấp là những tay đãi vàng, buôn “cơm đen”, cổ vật, lâm tặc... Phút chốc, trong mắt gã lại hiện ra bàn tay gã đàn ông lực lưỡng, quần ga thụng, đeo cái đồng hồ Nhật Bản kia và tiếng cười giòn tan của Thùy như hăm mấy năm về trước. Ôi, ngày đó gã chẳng thể với tới thì nay cái đồng đang vật nài được gã đoái thương dẫu có phần trầy xước. Lão chủ quán vẫn cố hét giá trên trời cho chiếc đồng hồ “vang bóng một thời”. Mặc cả chốc lát rồi cái giá vẫn vừa vặn bằng đúng số tiền nhuận bút cái truyện của gã. Gã thẳng thừng bước ra ngoài.
 Đám đông ngoài kia bỗng dưng vỡ ra xô cả vào gã. Công an đến chắc lại có chuyện để xem, để bàn tán nhưng gã bỗng chột dạ. Biết đâu tan cuộc lại có người sẵn tiền vào đây mua mất. Gã quay lại, lần này chủ quán có vẻ mềm mỏng hơn, gã hỏi:
- Có đảm bảo con này nguyên bản không?
- Thì vẫn, em bảo hành cho bác trọn đời luôn.
- Thôi đi bố, bố biết tôi tầm này tuổi sống được bao lâu mà đảm bảo.
- Thì chính bác nói đấy còn gì. Chưa chắc mình đã thọ hơn nó. 
Ngừng một lát, lấy giọng tỏ vẻ nguy hiểm lão bán đồng hồ tiếp lời:
- Cả đời em vào Nam ra Bắc đi sửa đồng hồ chưa khi nào gặp con nào tâm đắc như con này. Bác mua hay không tùy bác nhưng sau này đừng ra đây trách em không nói trước.
Lời “tiên tri” ấy làm gã thấy gai người. Gói tiền một triệu trao cho chủ quán đồng hồ còn nguyên cái giấy gói là một bài thơ nháp. Chả lẽ tháng này tiêu âm vào tiền nhuận bút? Còn tiền học phí, tiền áo dài đồng phục của đứa con gái lên lớp mười, tiền cho mụ vợ làm tóc thay cho cái đầu quạ không dám đến làm tổ... Hay quay lại trả lấy tiền về. Nhưng mà nhỡ không tìm lại được cái như thế. Rồi gã tự an ủi biết đâu có nó mình sẽ lại thăng hoa viết được gì kha khá thì sao? Phải, đúng rồi, văn chương là sự phản kháng lại thời gian. Ai đã từng nói câu đó nhỉ? Nếu còn dư vài đồng lẻ gã đã sà vào quán làm một chén rượu để nhâm nhi ý tưởng đó.
Trên đường về gã tâm niệm phải quyết tâm gỡ gạc hòa vốn. Gã cứ lẩm bẩm thế mà đi quá con đường vào nhà lúc nào không hay. Gió sông thổi lạnh, người gã nóng bừng như bị sốt. Cả đời gã chưa bao giờ có một cơn sốt thực sự. Từ khi gá nghĩa với mụ vợ, mọi thứ đều trầm lặng, nhạt nhẽo, gã đã bao giờ có được thời gian của mình. Sáng dậy bưng bê từng chậu cám lợn, giặt giũ quần áo, giờ nào đón con, đi làm. Rồi chiều về nhóm bếp than, viết lén lút như kẻ trộm trong khi mụ vợ tập thể dục, rồi lại tiếp tục là kẻ bị sai vặt. Cái bổn phận làm cha, làm chồng, chiếc bánh vẽ hạnh phúc treo lơ lửng trước mắt có quyền năng sai khiến gã cả một đời. Thì gã cúi đầu từng ấy năm đã sao? Người ta không ai chết vì sự khuất phục, sự cam chịu nhưng sẽ chết vì không còn đam mê. Nói như thế thì đúng vào cái lúc gã có một món tiền lớn nhất trong túi thì đam mê đến mê hoặc gã. Hay lão bán đồng hồ biết thôi miên mà móc túi mình nhỉ? Nhưng giờ gã đã tỉnh đấy thôi mà vẫn không đủ can đảm trả lại. Tiếng đồng hồ tích tắc trên động mạch cổ tay gã giần giật rồi lặng im. Sự trầm ngâm ấy không đủ năng lượng cho chiếc kim bé nhỏ quay tít mù. 
Gã về nhà vào lúc nhá nhem tối. Vợ con gã vẫn bình thản như mọi ngày. Ban đầu gã hùng dũng bước vào sân, tay áo xắn rất cao, để lộ cái đồng hồ nặng trễ trên cẳng tay gầy guộc. Nhưng đợi mãi, chẳng thấy vợ con nhìn mình, chờ đợi tiếng tru tréo của vợ quá lâu đâm gã lại hoảng. Sự chờ đợi sẽ giết chết can đảm, gã lại thả tay áo xuống lặng lẽ rửa mặt mũi rồi ăn cơm. 
Đêm ấy, gã mặc nguyên áo sống đi ngủ, nằm vắt tay lên trán. Tiếng tích tắc trong tâm trí càng làm gã bấn loạn. Đèn điện đã tắt mà tiếng mụ vợ gã vẫn vọng sang buồng bên với đứa con gái út đều đặn từng món tiền một cách cay nghiệt. Bình thường, gã đã chìm vào giấc ngủ trong vai kẻ hết cảnh diễn. Nhưng đêm nay, từ lúc trên tay có chiếc đồng hồ của một thời đam mê, khát khao, điên cuồng, gã thấy bức bối.
Cái đồng hồ treo tường chết đã lâu nhưng nghe tiếng chuông đồng hồ nhà hàng xóm đổ, gã đếm được mười một tiếng. Con Hương đi sinh nhật bạn giờ chưa về. Cái đồng hồ trên tay gã cũng chết ngỏm chỉ còn hai cái kim dạ quang xanh lét như mắt ma. Mụ vợ trùm chăn kín giờ đã ngáy o o. Gã thấp thỏm nhồm dậy, mở cửa ra hiên ngồi đợi.
Muỗi vo ve đốt tấy hai cánh tay của gã. Cái xe máy đỗ xịch trước cửa, con Hương nhún chân trên cái giày cao gót hôn thằng con trai rồi len lén đi vào nhà. Lão tức tối xắn hai tay, cái động tác mà từ ngày còn làm tự vệ xí nghiệp. Con Hương nhìn thấy ánh dạ quang kim đồng hồ bèn la toáng lên. Cả nhà được phen náo loạn...
Sáng ra, gã quyết phải tìm cách lấy lại một ít tiền bằng cái cách thăng hoa nhất đó là sáng tác. Xà phòng lềnh phềnh trong cái chậu nhôm, câu thơ đang mấp mé ngoài cửa miệng gã chực vọt ra thì một cái quần lót hôi xì của mụ vợ ném giữa đống bọt bèo ấy. Xà phòng không đủ sức bông lên nữa, cả thơ và bong bóng đều tan vỡ.
Bữa trưa, gã hậm hực không ăn miếng cơm nào, rượu suông nhấp với ngậm ngùi, gã lang thang dọc con đường đê nắng gắt. Mãi rồi, gã cũng tìm được một gốc cây đa to. ở đó có mấy người thợ hồ đang ngồi hút thuốc lào và buôn chuyện. Nghe bọn họ kể, lão cai thầu xây dựng của họ keo kiệt với thợ nhưng lại đồng bóng bỏ ra cả đống tiền mua cái xe máy 67 từ thời Ngụy về “mông” lại. Rồi thì cả buổi trưa lão thức sửa cái quạt Liên Xô trong khi nhà có quạt Nhật, xe SH nhập. 
Lão cai thầu mặt nhẵn thín, người tròn như quả địa cầu, cái thắt lưng như đường xích đạo bám hờ một đường cong đứng nhìn gã. Mấy người thợ hồ đã mách gã cái mánh cứ khen tướng mạo, hậu vận, lão này vì lão trọng đường âm. Thế là cái tay xách vữa lẻo khoẻo của gã cũng được nhận làm luôn chiều hôm ấy. 
Đám thợ tầng dưới đang khuân gạch, đám tầng trên chửi vọng xuống kêu hết vữa, lão cai giục gã nhanh tay xách vữa kịp mắc vào dây dòng dọc. Bất giác, cái đồng hồ bật khóa sổ rơi tuột trên nền cát. 
- Đi xách vữa còn đeo đồng hồ như bọn công chức...
Nói thế chứ chưa dứt câu lão cai đã sấn tới gạ xem cái nhãn hiệu thịnh hành cuối thế kỉ trước. 
- Nhìn cũng tĩ tả rồi nhưng hàng zin đang hiếm, ông vào đây tôi xem được giá không? 
Như buôn bạc giả, gã liến thoắng khoe mẽ nào bao năm dùng nó chưa biết chết vặt, chạy sai giờ là gì, nể ông là người sùng cổ biết trân trọng thì tôi để lại...
Hí hoáy một lúc, soi kính lúp, đập, lắc, lão bảo hai trăm có bán thì bán luôn lão còn phải đi kiếm vật tư. Hai trăm bạc, lỗ nặng nhưng thôi còn hơn mất đứt. Cộng thêm một buổi công xách vữa hai mươi ngàn, gã nói khoác lên với vợ dạo này nhuận bút thơ tăng giá. Mụ vợ lặng thinh gắp miếng đậu phụ đẫm mắm tôm đút vào miệng. Ngày thường, lấp kín cái miệng của mụ cũng đâu có dễ.
*
Nhưng rồi, cái đồng hồ cũ rích ấy vẫn ám gã.
Một hôm, đang co ro chờ lĩnh lương hưu ngoài bưu điện thì thấy lão bán đồng hồ hớt hải ra tìm gã.
- Khó khăn lắm mới gặp được văn sĩ, mấy bữa trước bác mua cái đồng hồ của em đúng không. Nay em muốn mua lại của bác, em trả ba triệu luôn.
Cái sổ lương hưu cong queo tuột khỏi tay gã. Hàng tuần sau, gã và lão bán đồng hồ chạy đôn, chạy đáo khắp làng trên, xóm dưới tìm cái lão cai thầu xây dựng mà mất hút. Nhà gã lại rối tinh lên như mất của. Một hôm, chẳng biết được ai mách, gã tìm vào nhà bà Hòa béo. Cái ao tù bé  tí của nhà mụ góa này khi tát chỉ thấy toàn những chiếc dép tổ ong mòn vẹt của bọn đàn ông hay ăn vụng bị vợ đuổi bỏ lại. Lời đồn đại lão cai thầu bụng phệ ném cái đồng hồ rởm xuống ao cứ như ẩn vào lớp bùn đen mà mất tăm. Gần trưa, cả lũ về hết, lão vào xin ít nước giếng tắm qua. Chẳng hiểu sao, bữa nay lại thích tắm nước giếng nhà người đàn bà góa chồng đến thế, cái gì cũng man mát mà lại thừa thãi, chỉ mỗi cái gáo dừa là quá bé, gã múc liên hồi mà chưa thấm vào đâu. Đang loay hoay thì tiếng mụ Hòa ỏn ẻn phía sau lưng:
- Bác để em phụ một tay.
Gã từ bất ngờ đến sững sờ, điều tiếng thiên hạ như lớp bụi bẩn ám muội lâu nay che khuất cái thân hình căng mọng, trắng đến thành thật. Hình như lúc ăn mặc hở hang mụ đáng tin hơn mọi ngày. Cứ thế, cứ thế, lão như đang làm thơ, mà bài thơ này thì chẳng thể biết câu kết sẽ thế nào.
Cái ao đã cạn khô đáy nhưng việc tát ao tìm đồng hồ của gã vẫn cứ tiếp tục. Ban đầu thì trước khi về còn lấy ít bùn chát vào chân, sau thì cứ thế quần áo sạch bong gã ngạo nghễ đi về mà vợ con cũng chả đoái hoài. Có một lần, sau khi hú hí xong, mụ Hoa thẽ thọt hỏi gã:
- Ông anh định tìm cái đồng hồ ở ao nhà em thật đó hả? Nỡm.
Lão khi ấy lại đâm ra sĩ diện:
- Tìm cái tỉnh tình tinh ấy.
Mụ Hòa cấu vào cái sườn còm nhom của gã đau điếng, mặc cái thân thể hổn hển, lõa lồ mà cặp lại tóc và bảo:
- Em tưởng anh thích đồng hồ thì em mua cho cái mới toe miễn là ngoan với em. Chứ đồng hồ cũ thì cần gì phải tìm, em có cả đống.
Cứ nửa đùa, nửa thật thế mà lão cũng tìm được cái manh mối. Mụ Hòa có cái tủ kính luôn khóa kín. Nào là ảnh từ thời con gái gầy nhom, vài món đồ trang sức không biết hàng thật hay mĩ kí và đúng cái đồng hồ mà gã đã mải mê tìm kiếm. Nhưng đã chót chối từ đầu, đâm gã chẳng còn mặt mũi nào hỏi mụ. Mà đồng hồ giỏi lắm được ba triệu, so với tình nồng nàn của mụ Hòa thì có đáng gì.
Nhưng rồi cái kim trong bọc dần cũng lòi ra. Mụ vợ lão không chua ngoa đến mức dẫn lũ vịt giời đến đánh ghen, không nạt nộ tra khảo mà lặng lẽ thu dọn từng bộ quần áo nhàu nhĩ, từng bản thảo thơ ố vàng của gã xếp vào cái bao tải cũ. Lão về đến nhà thì đã thấy mâm cơm khá tươm có gà luộc, be rượu, canh diêu cá như thể nhà có việc. Chỉ đợi lúc gã hỏi đến là cả mấy mẹ con đều ngọt ngào bảo đang muốn đưa lão sang nhà dì Hòa ở cho đỡ cái công cuốc bộ qua cánh đồng làng mùa nắng gắt. Gã như con đỉa phải vôi, giật bắn người mà lồm cồm bò dậy thanh minh. Nào là vì cái đồng hồ, nào là thiên hạ thối mồm, nào là tầm tuổi gã sắp lên ông ngoại ai lại thế. Con Thủy bé nhất nhà thì thương bố nhưng chắc bị mẹ và chị nạt nên ngồi im re, chốc chốc lại đưa mắt nhìn trộm bố. 
Trưa hôm ấy lão lại lang thang trên đường. Lần này dưới gốc cây đa, không có đám thợ hồ, cũng chẳng gặp ai quen mà chỉ có một người đàn ông cũng tầm tuổi gã. Ông ta có đôi mắt buồn và khuôn mặt khắc khổ. Giờ này lang thang ra đây chắc cũng là loại bị vợ đuổi hay số đề, vay nợ. Từ ngày có cây cầu mới bắc qua sông ở đoạn trên kia, cái bến sông ở gốc đa này vắng hẳn, cái bờ đá kè cũng mốc meo thiếu dấu chân người. 
Gã đánh tiếng bắt chuyện:
- Ngồi gốc đa này mát phải biết bác nhỉ, hơn cả mấy anh quạt trần, điều hòa. 
Người đàn ông kia nghe tiếng gã thì ngẩng lên nhếch mép cười gượng như một lời chào cho phải phép. Gã thấy ông ta cứ nhìn ra xa xăm, tay run run như người đang rất xúc động. Hình như đang có ý nghĩ gì hành hạ tấm thân của ông, bất giác gã thấy mình còn đang vui hơn. 
- Nhà bác chắc có kỷ niệm gì với cái bên cây đa này nhỉ - Gã đánh bạo hỏi thẳng.
- Nhiều lắm bác ạ, cả đời tôi được, mất cũng ở cả cái bến này.
Thế là, tất cả cuộc đời của người đàn ông đó lại hiện ra trong đầu gã như một thước phim quay chậm. Có anh bộ đội phục viên về làng sau chiến tranh, làng quê điêu tàn nhưng đầy ắp yêu thương của mẹ mất con, vợ mất chồng và những sẻ chia, đùm bọc. Anh bộ đội Hân cũng tìm thấy đôi mắt trộm nhìn mình sau giậu mồng tơi của cô Xoan có mái tóc dài xinh lắm. Sau đám cưới giản dị là những ngày tháng êm đềm hạnh phúc. Nghe kể đến đây, gã thấy nghẹn đắng trong lòng. Cũng vì mái tóc dài của cô Xoan cùng lớp, nhà ở bến cây đa này mà gã từng bao phen đau khổ bởi những lá thư tình bị trả lại. Thế rồi Hân và Xoan hạnh phúc khi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, Hân đã bế vợ chạy vội qua cánh đồng đến bến đò này để đưa sang bệnh viện thị xã. Đứa con trai của họ ra đời như một món quà thật ý nghĩa. Nhưng đổi lại, nó vĩnh viễn mất mẹ, tình yêu của Hân là một cái giá phải trả lớn đến thế.
- Rõ khổ! Thế bác phải gà trống nuôi con bấy đến giờ sao?
- Vâng, trọn vẹn đúng 30 năm bác ạ, trời chỉ cho tôi thế.
- Là sao, bác nói thế là thế nào?
- Cách đây hai năm, cháu nó đi họp lớp với bọn bạn hồi cấp III, chả rõ trời xui đất khiến thế nào mà đang say lại nằng nặc đòi xuống tắm sông cho mát. Chắc sẵn có rượu bia trong người, gặp nước chết đuối mà có ai biết đâu, mãi sau người ta mới vớt được rồi gọi tôi ra đây. Thảm lắm bác ạ!
- Thế cháu đã có gia đình chưa bác?
- Rõ khổ nó còn chưa kịp lập gia thất để cho tôi đứa cháu nội bác ạ.
Như tự trấn an mình để những giọt nước mắt khỏi lăn xuống, ông ngừng lại đôi chút rồi tiếp lời:
- Hồi những năm chín mươi, người ta đua nhau đi lao động xuất khẩu, tôi cũng cố lo cho nó đi được vài năm. Ngày đi chả có gì tặng con, tôi dành dụm mua được cái đồng hồ bảo con đi nước ngoài nhớ biết giờ đi làm, người ta  bên đó làm việc giờ giấc lắm. Thế là cháu nó đeo suốt từ đó. Lúc vớt xác lên, chả biết ai lấy mất, tôi dò tìm mãi mà không được. Có nó ít ra cũng còn cái hơi hướng của nó mà ấp ủ. 
*
Thế là gã quyết định tìm về nhà mụ Hòa bất kể vợ con có lườm nguýt chửi xéo. Giờ thì trời đất không tin gã cũng chả sao. Gã đến nhà mụ Hòa ngạo nghễ, tự tin như một người tình và cũng như một chiến binh cao cả. 
Hôm nay sao ở nhà mụ Hòa trong nhà ngoài sân toàn người là người? Bóng dáng công an xã, công an huyện thấp thoáng. Như có linh tính chuyện chẳng lành, gã len vào bên trong thấy người ta đang bàn tán nhà mụ này có giấu ma túy của lão bồ từ mạn Tây Bắc hay chuyển về mấy tháng nay. Lão thấy mồ hôi tứa ra, vì sao thế nhỉ? Đến bồ bịch còn bị phản bội? Vì cái ngăn tủ kính trống trơn không còn dấu tích chiếc đồng hồ mà gã muốn tìm về cho người đàn ông xấu số? Không, mà có lẽ vì lão lại sắp phải lang thang trên con đường quê.
                

B.V.P


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 196
 Hôm nay: 6416
 Tổng số truy cập: 12827409
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa