Hoàng hôn mênh mang - Hoàng Khánh Duy (Truyện ngắn)
1. ... Chị Ngà bước ra hàng ba đứng lóng ngóng, chị lấy cây chổi cùn dựng ngoài hè lom khom quét mấy vũng nước còn đọng lại trên mặt đất. Bọt nước sụt sùi. Chị Ngà đứng chống tay lên hông rầy con phèn bươi chi mấy lõm đất ngoài hàng ba để trời mưa đọng nước, thềm nhà trơn trượt, con phèn bị rầy dúi mõm vào chân chị ư ử, nó ngoe nguẩy cái đuôi rồi thủng thẳng bỏ đi.
Mưa đầu mùa vừa tạnh. Hơi đất bốc lên hòa lẫn với mùi nước mưa ngào ngạt trong không gian. Ban nãy mưa còn xào xạc, giọt vắn giọt dài, từng đợt gió hất nước mưa vào mái lá. Mưa rơi trên sông. Mưa rớt hột lộp bộp trên tàu lá chuối sau hè. Con gà mái tơ mắc mưa bộ lông ướt sũng đứng run rẩy dưới giàn bông đậu biếc. Mới đó mà mưa đã dứt, ánh nắng ửng lên đỏ rực phía cuối chiều. Chị Ngà vừa gội đầu bằng bồ kết, mùi hãy còn vương và tóc chị hãy còn ươn ướt. Chị ngồi trên cái ghế đẩu ngoài thềm ba xõa tóc ra hong gió cho khô hẳn. Chị nghiêng đầu vén tóc sang một bên rồi lấy lược thưa chải tóc, vò vò mấy sợi tóc rối rồi đứng dậy nhét lên mái nhà. Hồi tóc má còn dài chị thấy má nhét tóc rối lên mái nhà, chị làm theo, riết thành thói quen. Bên kia sông, cu Tầm xách cái lờ chạy lăng xăng trên bờ. Bóng nó nhỏ dần dần rồi mất hút trong bóng chiều tĩnh vắng.
Ba ngồi chéo nguẩy trên bộ vạc hút thuốc. Khúc thuốc gò mới hôm qua chị Ngà bơi xuồng ra vàm sông mua về cho ba mà hôm nay đã vơi đi một nửa, chị Ngà nhìn khúc thuốc mà giật mình, nhằng ba hút thuốc nhiều quá sau này đổ bệnh thì khổ. Má lui cui dưới mé sông gom cỏ lại thành đống đợi nắng lên cỏ khô, châm một mồi lửa là cỏ cháy ráo trọi, hốt cỏ xong má phủi phủi hai bàn tay vào nhau nói vóng:
- Con hai, mày biết chữ mày biên dùm má cái thư gửi lên cho thằng ba đi con! Kêu nó rảnh dìa đây thăm má. Má nhớ nó quá! Hông biết sao mà thằng ba đi mãi hổng dìa? - Nói đến đây giọng má sền sệt, mắt rưng rưng.
Trong nhà hơi tối. Chị Ngà đẩy cánh cửa ra để mặt trời chiều rọi vào cho sáng. Cánh cửa mục ba chưa kịp sửa kêu mấy tiếng cót két.
- Để thong thả rồi con biên thư cho út Việt. Mà, lần nào con gửi bức thư cũng đi mất biệt, hổng biết thư có đến tay út Việt hay không, hay thư lạc mất tiêu, út Việt hổng đọc được...
Má thở dài buồn bã. Nhiều lúc ba giận quá, ngà ngà say, ba trách: “Tụi nhỏ xóm nầy riết rồi quên hết cội nguồn, gốc rễ. Đi hết đi... đi hết cho tao nhờ. Cái xóm nầy nghèo quá mà, đâu có xứng để bây ở lại...”. Chị Ngà nhìn ba, mắt ba đỏ hoe. Chị biết ba nhớ út Việt nhiều lắm. Tháng trước ba bệnh, người ba mệt lử, mặt ba tái mét, vậy mà vừa tỉnh dậy là ba bấm tay má thều thào hỏi “thằng ba nó dìa thăm tui chưa hả, má nó?”. Má ngó chị Ngà rồi ngó ba, mắt má buồn như những lúc má ngồi ngoài thềm ba nghe ba kéo đờn cò, những giọt đờn “Điệu buồn phương Nam” chảy ra thành dòng, thành sợi rồi vướng víu đâu đó trên mái lá đơn sơ, nơi mà chiều nào má cũng đứng tựa vào gốc cột ngó về phía đồng bưng xa xôi đợi chờ thằng ba trở về với mái nhà bình yên, với ba với má...
Đêm đêm chị thường ngồi vân vê bàn tay của má. Bàn tay má đầy sẹo, chai sần. Mái tóc má hồi xưa dài lắm, một buổi trưa má đội nón lá đi ra khỏi nhà, chị Ngà ngồi sau nhà xay bột đổ bánh tầm không biết má đi đâu. Má đi đến chiều thì má về, vừa giở nón lá ra chị Ngà thảng thốt hỏi má: “Trời ơi, tóc... tóc má đâu hết rồi hả má?”. Má cười xuề xuề: “Cắt rồi! Chắc út Liễu nghĩ chỗ quen biết nên ăn rẻ. Chớ cắt mớ tóc mà ăn có bao nhiêu đó thì lấy gì mà sống?!”. Chị Ngà đặt rổ bánh tầm xuống bếp, sững sờ nhìn má. Chị ôm má khóc rưng rức, má không hiểu mà chính chị cũng không hiểu vì sao mình lại khóc, hay tại chị tiếc mái tóc dài thơm mùi bồ kết của má, mái tóc mà mỗi sớm, mỗi chiều má đều bắc cái ghế đẩu ra thềm ba ngồi chải đầu rồi vò vò mớ tóc rối nhét lên mái nhà. Hay bởi chị nghe má nói: “Tao già rồi hai, để tóc dài làm chi cho vướng víu? Có đẹp lành gì nữa đâu?...”. Chị buồn bã hỏi lòng thanh xuân của má để ở đâu? Thời gian khắc nghiệt quá, đời người ngắn ngủi, tóc thề vội vã bạc màu. Chị em Ngà rút cạn thuở xuân thời của má. Má nuôi chị em Ngà nên vóc, nên hình. Má lội ruộng bắt ốc mò cua bất kể trời mưa hay nắng kiếm tiền, má cõng những gian khổ nhọc nhằn lầm lũi bước đi trên hành trình cuộc đời chông chênh, vất vả. Học hết lớp 5 trường làng, chị Ngà thôi học. út Việt nói: “Chị không đi học, chừng nữa dốt ráng chịu à nghen”. “ừ, dốt thì chị chịu chứ chị có biểu út chịu thay cho chị đâu mà sợ? Thôi, chị mần kiếm tiền, còn út thì phải học. Học cho cả phần của chị nữa, nghen út!”. Chị Ngà nói bằng giọng thiết tha, trong khoảnh khắc mắt chị cay xè trào ra hai hạt nước trong, lấp lánh, út Việt hỏi, chị xuýt xoa: “Chèn ơi, tự nhiên con gì chui tọt vô mắt, xót gần chết”.
Chị Ngà nói hoài: “Hồi đó vui quá, heng má?”. “ừ, hồi đó vui thiệt!”, má bùi ngùi. “Hồi đó” là cái hồi mà út Việt còn nhỏ xíu, má dắt út Việt qua cây cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh. út Việt học cấp hai thì chị Ngà đưa út đi học, chiều chiều chị xuống mé sông đứng ngẩn ngơ nhìn về phía cây cầu bắc ngang qua sông, đợi đến chừng nào út Việt về nhà mới thôi. Lên cấp ba, trường xa nên ba sắm cho út chiếc xe đạp cũ, sáng út đạp đến trường, trưa trưa út đạp xe về nhà. Mấy bận chị Ngà đi chợ huyện tiện đường chị ghé lại trường đưa cho út Việt gói xôi, ổ bánh mì hay vài ngàn đồng dặn út “tan học có đói thì mua gì đó bỏ bụng rồi hẵng dìa”. Chiều, hai chị em ngồi dưới mái nhà đốt lửa nướng khoai, nướng bắp, mùi thơm ngào ngạt, khói bay lên bầu trời màu xanh lam. Ngoài vườn, ba hì hụp cuốc đất đắp giồng trồng đậu trồng khoai đến mùa hai chị em đội nắng còng còng đào khoai, hái đậu. Mồ hôi chảy dọc trên khuôn mặt hiền từ của út Việt.
Chị Ngà bưng mâm cơm để giữa bộ vạc tre, lửa than còn cháy đỏ trong bếp để tàn thì tiếc, chị với tay lấy cái ấm nhôm treo trên vách ra sau nhà múc nước mưa trong cái lu đổ vào ấm rồi bắc lên để tối tối ba có nước sôi mà pha trà, khỏi phải nấu.
- Ba ơi, má ơi, vô ăn cơm, nguội hết bây giờ.
Đất hãy còn ướt. Má đặt mớ cỏ xuống đất rồi lẳng lặng đi vào trong nhà, ngang qua cái lu nước má dừng lại rửa tay, rửa chân cho sạch sẽ. ở quê, nhà nào cũng để cái lu bên hè, trời mưa nước đọng, mấy đứa trẻ tinh nghịch xúc cá bạc đầu, cá lia thia thả vào đớp muỗi. Ba ngồi đối diện với má qua mâm cơm, chị Ngà ngồi sát vách. Má ngó mâm cơm, nồi canh cá linh bông điên điển, đĩa gỏi khô cá lóc trộn đọt sầu đâu với chén nước mắm cay tỏi ớt. Má hỏi:
- Chèn ơi, cá linh... ở đâu mà có cá linh nấu canh vậy hai?
- Hồi trưa cu Tầm đi ngang, nó lấy rổ xúc cho đó má.
Tự nhiên giọng má chùng xuống:
- Thằng ba thích ăn cá linh dữ lắm!
Chị Ngà im lặng. Ba cũng im lặng và cơm, lâu lâu ho khan mấy tiếng. Má nhai cá linh giòn giòn, bông điên điển đầu mùa sần sật, chút gì đăng đắng vương lại nơi đầu lưỡi của má. Lạ thiệt! Má định trách chị Ngà quên ngắt nhị bông điên điển để nồi canh đắng nghét, nhưng rồi lại thôi. Má nhớ hồi út Việt còn ở nhà má thường bơi xuồng sang xóm bên, mùa nước nổi ở giữa cánh đồng nước bạc mọc lên cái chợ bán toàn cá mắm, tôm cua, những sản vật đồng bằng dân dã, má mua ít cá linh đem về nhóm lửa kho lạt. Bữa cơm ngày mưa dầm, út Việt ngồi lấy đũa tỉ mẩn lấy từng cái xương cá bé xíu, má nhìn má cười: “Xương cá linh mềm dữ lắm, không mắc cổ đâu mà lo”. út Việt ái ngại bỏ nguyên con cá vô trong miệng rồi nhai. Mắt út sáng rỡ. Cái vị béo ngậy của cá linh cuộn tròn trong khuôn miệng của út. Mùa nước nào út cũng đòi ăn cá linh má kho, canh chua má nấu. Lần nào chị Ngà biên thư cho út má cũng dặn: “Nhớ kêu thằng ba dìa với má, má kho cá linh non cho mà ăn”...
Hoàng hôn mênh mang, chân trời ngấn đỏ. Trước sân nhà, giàn đậu biếc phô ra những bông hoa cuối cùng trước khi lụi tàn. Đêm buồn hoang hoải.
2. Con chim khách đậu trên cành cây trước nhà, kêu tha thiết.
Má ngồi trên vạc vá lại chiếc áo cho ba. Chiếc áo màu nâu ba mặc ra ruộng, ra đồng, mấy mùa mưa nắng, chiếc áo rách vai, má cắt mảnh vải cùng màu rồi đắp vào vá chằng, vá đụp. Buổi trưa vắng nắng, cội bần dưới mé sông sóng đánh một nửa bộ rễ bám chặt giữ gìn bờ đất quê hương, nửa còn lại gie ra chơi vơi, chị Ngà thường đậu chiếc xuồng dưới bến rồi lấy sợi dây cột chiếc xuồng với rễ bần lại với nhau để chiếc xuồng không bị nước cuốn trôi đi mất.
- Dì Hai ơi, dì Hai...
Tiếng kêu lớn làm má giật mình, không cần nhìn má cũng biết đó là tiếng của chị Chín - người đàn bà lỡ thì, khù khờ nhưng tốt tính.
- Có chuyện gì mà bây hớt hơ hớt hải, mặt cắt không còn hột máu vậy Chín? - Má hỏi.
- Dì biết tin gì chưa? út Việt... út Việt... - Chị Chín vừa nói vừa thở.
Má buông cái áo vá còn dang dở xuống vạc thảng thốt hỏi:
- Bây nói tao nghe, thằng ba nó làm sao?
- Thằng Việt nó... nó... theo người ta đi buôn ma túy, bị bắt ở bên biên giới rồi kìa - Chị Chín nhăn mặt.
Chắc má tưởng chị Chín nói đùa nên má bụm miệng cười, đánh lên vai chị Chín cái “bụp”:
- Đồ quỷ! Giỡn ác nhơn hông. Thằng ba nó đi học trên thành phố, chắc nó bận học dữ lắm mới ở miết trên đó. Tao trông... Tao nhớ... mà bây còn ghẹo tao đứng tim.
Chị Chín ngồi mớm xuống vạc thở hổn hển:
- Trời ơi, tui nói thiệt mà dì Hai không tin. Đây! Dì xem nè... - Vừa nói, chị Chín vừa chìa tờ báo ra trước mặt má.
- Gì vậy bây?
- Dì Hai đọc đi rồi biết, tui gạt dì làm gì.
“ác nhơn chưa”, từ ấu thơ cho đến khi già nua tóc bạc một chữ bẻ đôi má còn không biết, huống chi đọc tờ báo dài hơn nửa trang. Má bắt đầu loạng choạng, cầm tờ báo mà tay má run run, môi má lắp bắp, má gọi: “Hai... con hai đâu ra má biểu coi”. Chị Ngà trong bếp lật đật chạy ra, má biểu “đọc tờ báo này cho má nghe coi phải em bây nó làm xằng, làm bậy bị người ta bắt như con Chín vừa nói hay không? Trời ơi là trời. Tao khổ quá Chín ơi”. Chị Ngà nhìn chị Chín rồi nhìn má, chị đọc mà trong bụng cầu khẩn cho chị Chín nhìn nhầm ai đó với út Việt để đến chừng đọc xong má lại quay sang đánh một cái rõ đau vào vai chị Chín mà trách: “Cái con này, bộ mắt bây bị bù lạch ăn hả? Làm hết hồn”.
“Chiều 18-9, Thượng tá L.Đ.P - Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố H cho biết, công an thành phố vừa bắt giữ 4 đối tượng có hành vi buôn bán, tàng trữ ma túy trái phép.
Tang vật thu giữ là 120 gói nhỏ heroin. Cơ quan chức năng đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng có liên quan là ... và Nguyễn Trần Văn Việt (SN 1997)...”.
- Trời ơi! Má ơi, đúng là thằng ba nhà mình rồi má ơi! Người ta còn chụp hình của út nữa nè má...
Chị Ngà mếu máo, cái tên “Nguyễn Trần Văn Việt” gắn liền với niềm tự hào của chị Ngà, của ba má: út Việt học giỏi, út Việt dũng cảm cứu đứa trẻ khỏi dòng nước xiết, út Việt đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết về tấm lòng của mẹ, bằng khen của út má lộng trong khung kính treo lên vách, trời mưa má tất tả lấy tấm nylon che chắn để tấm bằng khỏi ướt. Tim chị Ngà ngừng đập, lồng ngực nhói đau. Má kêu trời rồi khụy xuống, chị Chín nhào tới kịp đỡ má lại. Ai đó nhẫn tâm ném cơn đau vô hình vào người má. Chị Ngà nhìn má ngồi khóc bù lu bù loa như một đứa trẻ, chị xốn xang không biết mình phải làm gì để má bớt đau, bớt khổ. Ngoài trời mưa trắng xóa, mưa vô tri không đủ sức xoa dịu những cơn đau hoang hoải trong lòng. Đôi mắt má cuồng dại, chị Ngà nghẹn ngào. Mưa cứ tuôn. Nước mắt má cứ tuôn. Mưa xối xả vào mái lá, mưa đổ ầm ầm vào cái lu nước bên hè không khéo mấy con cá bạc đầu, cá lia thia theo nước tràn ra bên ngoài rồi nằm chết khô đâu đó, kết thúc phần đời mong manh của mình khi nước rút xuống dòng sông.
... Đêm, ba ngồi trước thềm nhà hút thuốc. Buồn lòng, ba lấy cây đờn cò ra kéo mấy khúc đêm rộng, sông sâu, đồng ruộng mênh mang vắng lặng. Má nằm trên võng, mắt ngân ngấn nước. Chị Ngà lui cui dọn dẹp đồ đạc sau bếp rồi lẳng lặng đi ra trước nhà ngồi. Mưa vẫn rơi lộp độp trên mấy tàu lá chuối sau hè, bất giác có chiếc ghe nhỏ đi đêm chạy ngang qua dòng sông, sóng ì oạp vỗ vào bờ đất. Trong nhà vắng lặng chỉ có thanh âm tiếng đờn cò ba kéo đầu hồi trôi lững lờ trong đêm đen, rót vào tai những nỗi buồn hiu hắt.
- Hai ơi, bây coi mà thu xếp nhà cửa, đồ đạc... sáng mai má với bây đi lên thành phố một chuyến coi sự thể thế nào, thằng ba tù tội làm sao, nghen con - Má nghẹn đắng.
- Hay là má ở nhà với ba, một mình con đi tìm em là được rồi, má bệnh rề rề như vầy ngồi xe sao nổi?
- ở nhà tao không yên lòng. Bây cho má đi theo với hai... - Nghe má năn nỉ chị Ngà thương má đứt ruột.
Tiếng đờn cò của ba văng vẳng. Những lúc buồn buồn ba thường ngồi trước nhà kéo mấy bản Nam Ai, mấy cung thương, cung oán nghe buồn não nuột. Từng tiếng đờn man mác hương vị đất quê chị em Ngà nghe từ thuở nằm nôi cho đến khi đã lớn. Tiếng đờn dung dưỡng tâm hồn, tiếng đờn hòa vào đêm tối bao la, đổ dài bên dòng sông nước trôi lờ đờ những bông bần mới rụng. “Tạch”, cây đờn đứt dây, bản Nam Ai ứ hự đứt quãng, ba giận dỗi ném cây đờn cò ra sân rồi bước ra khỏi nhà, bóng ba khuất dần trong đêm tối...
3. Gió rít trên đọt dừa, gió thổi phần phật vào mái nhà của má.
Sáng sớm, hai má con đứng ngẩn ngơ dưới bến sông đón đò. Má ngó bâng quơ thấy ba đứng vịn tay vào cội bần dưới bến, má dặn:
- Ba nó ở lại coi nhà cửa, ruộng vườn, nghen. Má con tui lên thành phố kiếm thằng ba... Đến chừng kiếm được, tui cắn rơm cắn cỏ xin người ta giảm tội cho nó rồi kêu nó dìa luôn với vợ chồng mình...
Ba “ừ” một tiếng rồi rời bến sông đi lên căn nhà ngập nắng. Ba vốn lặng thầm, buồn hay vui ba cũng đem cây đờn cò ra kéo. Giờ thì cây đờn đứt dây, bản Nam Ai đứt quãng. Đêm qua giật mình tỉnh giấc, chị Ngà nghe ba nói với má: “Tui thương thằng ba quá, má nó à! Nhà mình nghèo không lo nổi cho con nên nó mới đi làm ba cái chuyện bậy bạ đó để mưu sinh...”. Má sụt sùi. út Việt học xong cấp 3, ba má quyết định bán miếng đất bên kia sông lấy tiền cho út Việt lên thành phố học đại học. Hàng xóm bảo má “nghèo mà đua đòi, chân dính phèn mà học đòi theo người ta cho con lên thành phố học đại học”. Ai nói gì mặc ai, út Việt học giỏi, cực cỡ nào ba má cũng cho út học hành tới nơi tới chốn. ở cái xứ nầy, con gái nghỉ học sớm đi lấy chồng cho yên bề gia thất, con trai 16, 17 tuổi đã vội lao vào cuộc mưu sinh, chân lấm tay bùn, làm thuê làm mướn, nhọc nhằn, khổ sở mãi vẫn không thể ngẩng mặt lên nhìn đời. Ngày út Việt ôm gói lên thành phố học đại học cả nhà tiễn út ra bến đò, má dặn: “Lên đó ráng mà học, nghen con. Cực khổ cỡ nào ba má cũng ráng lo cho con ăn học thành tài...”. út Việt gật đầu. Má quay qua dòm ba, mắt ba như có nước. Những đường chân chim phủ đầy đuôi mắt của ba. Mấy năm học đại học út Việt về nhà vỏn vẹn hai lần: một lần về tết và một lần má bệnh. Mấy cái tết năm sau, chiều ba mươi má bắc ghế ngồi trước cửa nhà trông út. “Giá nào nó cũng dìa”, má nói vậy. Chị Ngà đi xóm về vừa tới mé sông chị nói vọng: “Má ơi! Má đừng có đợi nữa, út Việt biên thư nói tết này út ở lại thành phố làm thêm, hông dìa... út nói má đừng buồn, thủng thẳng út lại dìa thăm...”. Má vén tóc, gương mặt má thoáng buồn. Má bước vào trong nhà, bóng má in lên vách dáng hình cong cong như dấu hỏi. Chị Ngà nhìn má, lòng day dứt. Chị biết út Việt không nỡ nhìn má chắt chiu từng đồng đưa cho út lên thành phố chi tiêu, lo chuyện học hành. út nói ngày tết sinh viên ôm gói về quê ăn tết, quán xá thiếu người chạy bàn phục vụ nên út tranh thủ ở lại làm, tiền công đủ nuôi út mấy tháng trời chứ ít ỏi gì. Chiều ba mươi nhà người rộn rã nói cười, cây mai trước sân chị Ngà bẻ lá muộn vẫn trổ bông rực rỡ. Tết, ba ngồi trên vạc uống ngụm nước trà, hò bâng quơ: “Hò ơ... Thật lòng lời nói thấm đau/ Ra đi biệt xứ dâng trào niềm thương/ Không đâu sánh với quê hương/ Nghe câu vọng cổ... Hò ơ... Nghe câu vọng cổ, muốn tìm đường về quê...”. Chú Năm bơi xuồng đi ngang nghe ba hò, chú Năm nói vọng: “Tết nhứt hò chi nghe buồn dữ vậy, anh Hai?”...
Hai má con đi đò một đỗi rồi đi xe. Thành phố xa lạ quá, thành phố giấu út Việt mất tiêu để má trông, má đợi. Chị Ngà ngồi cạnh cửa sổ, mắt ướt rượt, má ngồi kế bên, đầu má dựa vào vai chị Ngà, thiêm thiếp ngủ. Xe xóc, má giật mình quay sang hỏi chị Ngà:
- Chừng nào mới tới hả bây?
- Má ngủ đi - Chị Ngà nói - Chừng nào tới con kêu má dậy.
- ừ, nhớ kêu má nghen con.
Má thở dài thắt thỏm rồi chìm trong giấc ngủ chập chờn. Nhớ hồi đó mỗi lần má đi đâu là chị em Ngà nằng nặc đòi theo. Má đi chợ, ra ruộng, sang xóm bên hay bơi xuồng về nhà bà ngoại tận cù lao heo hút. Má đi trước, hai chị em dắt díu theo sau. Chỗ đông người một tay má xốc nách út Việt, một tay má nắm chị Ngà, sợ lạc. Năm tháng đi qua, má già nua tóc bạc, chị Ngà trở thành nơi dựa vững chải cho má lúc xế chiều. Mỗi lần má dặn: “Nhớ đợi má nghen con”, “Chốn đông người bây đừng có bỏ má một mình, má sợ”, “Dắt má với Ngà, má già rồi, bước qua cầu, má run”... chị Ngà lại thấy cay cay ở khóe mắt.
*
Chị Ngà trở mình tỉnh giấc, hình như chị đã ngủ một giấc dài, lưng chị dựa vào bức tường rêu xanh mướt rượt. Trong giấc mơ, chị thấy út Việt trở về. út đứng bên cạnh nắm bàn tay chi chít những vết sẹo của chị mà lay, út sợ chị với má bị lạnh, út sợ Sài Gòn những ngày áp thấp nhiệt đới trời bất chợt đổ mưa nước tạt vào chỗ má con chị nằm, ướt nhẹp. Chị nhìn thấy út Việt, út vẫn khỏe mạnh, đôi mắt vẫn hiền lành như ngày xưa. út đứng tần ngần nhìn chị Ngà phụng phịu như những lúc út đi đá banh với đám thanh niên ngoài đầu xóm, đói bụng, út vội vã chạy về biểu chị nấu cơm, kho cá để út ăn liền một chập mấy chén no cành. Chị gọi: “út ơi... Dìa quê với chị, với má đi út. Dìa đi út... Dìa để má kho cá linh non cho út ăn, rồi ở lại, đừng đi đâu nữa. Má lo”. út Việt cười cười, bóng út lui dần... lui dần... rồi khuất sâu trong hẻm vắng. Chị gọi với theo, chắc gió bạt mất lời chị nên út Việt không nghe, út bỏ đi để đôi mắt chị Ngà giàn giụa nước.
Tỉnh dậy, chị Ngà thấy cổ họng mình khô rát. Đêm qua mệt quá má con chị dựa vào bờ tường cuối hẻm vắng mà ngủ. Cơn mưa đi ngang qua để lại trên mặt đường những vũng nước lấp lánh dưới ánh đèn đường ảo mờ. Trời lạnh, má nằm co ro. Chị Ngà lấy áo khoác của mình phủ ngang ngực má. Trong đêm tối, giá lạnh và cô đơn, chị Ngà thèm được nằm dưới mái lá quê hương nghe ba kéo đờn còn, nghe má kể chuyện thuở cơ hàn, nghe út Việt lẩm bẩm hát cái bài má vẫn thường hay hát trong những chiều bìm bịp kêu, hoàng hôn rớt trên dòng sông năm cũ...
Bóng người mặc quân phục màu xanh vừa lướt ngang qua mặt, má choàng tỉnh. Không kịp ngồi dậy, hai bàn tay má chống trên nền xi măng bườn về phía người kia nói như năn nỉ: “Chú công an ơi, chú làm ơn cho tui gặp con tui một lát đi mà chú”. Chị Ngà đỡ má đứng dậy, đồng chí công an mặt nghiêm, đôi mắt nhìn chăm chăm vào má. Chị ngơ ngác. Rồi từ cái nhìn rất thẳng như những lần lấy khẩu cung tội phạm chuyển sang cái nhìn thương hại người đàn bà đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch đứng khúm núm xin được gặp mặt đứa con trai tên Nguyễn Trần Văn Việt lên thành phố học đại học bị người ta dụ dỗ đi buôn cái thứ “chết người” đang chờ ngày ra tòa xét xử. Đồng chí công an biểu hai má con ngồi đợi. Chị Ngà đỡ má ngồi xuống ghế đá, ngoài kia lá bàng rơi khắp nẻo, má như lá khô trên cành. Má không khóc nữa, mắt má ráo hoảnh. Ông “trùm” cầm đầu đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, con người thâm độc chuyên tung ra những chiêu trò lôi kéo sinh viên vào con đường tội lỗi nhất định sẽ phải lãnh án tù chung thân. Má ngồi nghĩ về con má - út Việt - hồi nào tới giờ hiền lành, chân chất có biết gì đâu, xóm ai cũng thương, tự dưng mang tội. Lòng má tê tái, xót xa.
“Cu à, đường tài vận của con gấp khúc, năm ngón trên bàn tay con cong cong, cuộc sống sau này sẽ long đong, vất vả, có khi đoản mệnh nữa...”.
Má kéo tay út Việt ra khỏi bàn tay của thầy Đức Quang. Bịt tai út Việt lại, má thảng thốt nói: “Trời ơi, nó nhỏ xíu có biết gì đâu thầy?”. Thầy bình thản đáp: “ừ, chừng nữa chị coi tui nói đúng hay sai...”. Má giận dỗi dắt út Việt xuống mé sông gỡ dây bơi xuồng về nhà. Cơn gió lướt ngang qua gáy má lạnh ngắt khiến má sởn gai ốc. Má nhìn út Việt, tặc lưỡi: “Chậc, bậy thiệt! Mặt bây sáng láng vậy mà”. út Việt giật mình nhìn má, chắc út không hiểu má đang nói gì, má trách ai “bậy”. út hồn nhiên đưa tay vọc nước rồi thoáng nghĩ không biết con cá lìm kìm có ngỗ nghịch đớp tay mình hay không, út rụt tay lại, lòng bổi hổi bồi hồi.
Câu nói của sư thầy Đức Quang bất giác trở về sớt qua trí óc má.
Đồng chí công an mở cửa bước ra, má lập cập hỏi: “Chú ơi, con tui sao rồi hả chú?”. “Chị vào đi, một chút thôi”. Má rì rầm nói lời cảm ơn rồi đẩy cửa bước vào bên trong. Căn phòng hơi lạnh, bóng đèn điện sáng trưng trên trần nhà không đủ làm sáng không gian tối tăm và đầy tội lỗi. Bốn bức tường vôi trắng, lỗ thông gió nằm trên cao. Chân má ríu lại, chị Ngà đứng bên ngoài lòng như lửa đốt, má hít một hơi thật sâu lấy can đảm để gặp đứa con trai mà má thương yêu, má dứt ruột đẻ ra rồi nuôi nấng nên vóc nên hình, bây giờ tù tội. ở mỗi đoạn đời, cuộc sống luôn tìm cách rẽ con người theo những hướng khác nhau. Ranh giới giữa thiện và ác, giữa chân chính và lỗi lầm, thất bại hay thành công, sống hay là chết... đôi khi mong manh như tơ...
“Trời ơi...”, má không biết mình đang vui hay đang buồn, lòng vẫn nhói và tim vẫn đau se sắt. Người thanh niên đang ngồi đằng kia mang tên Nguyễn Trần Văn Việt không phải là con trai của má. Sự trùng lặp ngẫu nhiên giữa tên người và khuôn mặt ở hình trên báo đã làm cho tâm can má nó tan nát. Con má ở nơi đâu? “Việt ơi, con ơi...”, má gọi thầm. Má nhìn về phía chàng trai đang ngồi cúi mặt, đôi tay bị còng, nét mặt ngây thơ hiền lành như út Việt, tự nhiên má thương. Nếu chàng trai kia là út Việt, đứa con thơ ngày nào tay má ẵm bồng, bón từng muỗng cơm, muỗng cháo, chắc hẳn má sẽ khụy xuống, hoặc khóc lóc, hoặc không nói được nên lời. Người thanh niên nhìn má, khuôn mặt non nớt. Khoảnh khắc má bước ra khỏi cánh cửa phòng tạm giam, má cứ ngờ ngợ chàng trai kia vẫn còn nhìn theo, má ngoái lại bất chợt bắt gặp đôi mắt ráo hoảnh, má khẽ gật đầu rồi bước ra, lòng người đàn bà day dứt mãi. Má thầm mong cho chàng trai trạc tuổi út Việt được bình an. Còn út Việt... Má nghẹn khóc...
Thành phố rộng lớn quá. Thành phố dung thứ cưu mang người quê chân lấm tay bùn mà cũng đầy nghịch lí, trớ trêu. Thành phố kéo người đi biệt xứ để cố nhân đợi chờ trong mòn mỏi, cô đơn. Chị Ngà bùi ngùi, không biết ba đã sửa lại cây đờn cò hay chưa, không biết ba có nhớ cột lại dây xuồng vô rễ bần dưới mé nước hay không. Ôi, chị nhớ câu hò của ba đến bủn rủn tay chân, nhớ mái nhà, nhớ chái bếp, nhớ cả những chiều vi vu trên cánh đồng có đàn cò trắng bay về tổ ấm. Ví dầu chị hát à ơi: “... Dòng sông hay đó dòng đời/ Mà ngược xuôi cùng ta năm tháng/ Con nước vơi đi rồi nước lại đầy/ Chim có bay xa rồi cũng hiệp bầy/ Mà đời ta như đám lục bình...”.
- Thôi, má con mình dìa quê, nghen má - Chị thều thào.
- Còn thằng ba? - Má hỏi.
- Má đừng lo, mai mốt út sẽ về.
Hai má con đứng ngẩn ngơ trên bến xe, thi thoảng má lại nhắc: “Hai ơi, nhớ nắm má nghen con...”. Chị Ngà mua hai tấm vé, dắt má đi tìm số xe, tay má run run... Hai má con vừa bước lên thì chiếc xe chuyển bánh rời thành phố tiến về miền quê xa lắc xa lơ. Trên đường đi má ngủ gật. Gió đồng thổi lồng lộng qua cửa xe man mác dư vị cánh đồng với dòng sông, mùi của đất quê qua bao tháng năm dãi dầu gian khó. Chị Ngà dựa đầu vào cửa kính đăm chiêu suy nghĩ một lúc rồi cũng lịm đi.
Con đường mòn quanh co, dòng sông êm đềm chảy, cánh đồng lúa xanh thơm mùi cỏ, hương hoa chanh, hoa bưởi thoang thoảng trong vườn... làm thành bóng hình quê hương thân thuộc. Quê nhà là chốn bình yên, nơi mong ngóng, đợi chờ khiến lòng người tha phương quay quắt trong nỗi nhớ, khắc khoải trong những mường tượng, nhung nhớ cháy lòng.
4. Năm tháng trôi qua, mái đầu má bạc. Gió chướng xập xòe hành hạ ba trong những cơn nhức khớp, đau lưng. Ba không còn kéo đờn cò mỗi khi hoàng hôn mênh mang hay hò những điệu hò ngọt ngào, êm dịu. Chị Ngà lui cui quét sân, gió thổi, lá khô rụng xuống thềm nhà. Hôm qua, ba tiễn con phèn về với đất. Chú Năm biểu “nó chết rồi thì cho tụi tui mần thịt lai rai, nghen anh hai”. Ba lắc đầu, chó nhà nuôi thương như người ai nỡ đem đi cho người ta làm thịt, huống chi con phèn đã ăn ở với cái nhà này từ hồi út Việt còn chưa lên thành phố. Hồi đó út cưng nó lắm, có gì ngon cũng kêu nó lại cho ăn, buồn buồn út Việt lại lôi con phèn ra hàng ba ngồi bắt bọ chét, rồi tắm táp, rồi dẫn nó ra ruộng phá ổ chuột con. Phèn chết, ba đem nó ra sau vườn đào lỗ chôn xác. Chị Chín đi ngang thấy vậy, xởi lởi: “Chó chết mà đem chôn coi chừng bịnh hết cả nhà đó nghen”. Má ngồi trong nhà cười cười: “Mình thương nó mình đem chôn, ăn ở nhơn đức sao bịnh được chớ?...”. Má nói con phèn già thì phải chết, kiếp sau đầu thai thành người chứ đừng đầu thai thành chó, “à, mà người có cái khổ của người, chó có cái khổ của chó. Sao tránh khỏi...”.
- Má ơi, má... Mình lên thành phố nữa nghen má - Chị Ngà hấp tấp chạy về phóng ngang qua con mương vừa nói vừa mếu máo.
- Gì vậy hai? Có chuyện gì bây nói má nghe.
- Người ta gọi dìa biểu út Việt bị bịnh gì nặng lắm... Má con mình lên trển với út đi má...
- Thằng ba... - Má hoảng hốt - Con ơi... - Lòng má đau như ai đó đang hả hê xé từng miếng da, miếng thịt.
Dưới mé sông, nửa bộ rễ bần không bám trụ nổi vào bờ đất đổ ầm xuống nước. Trái bần rụng xuống nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Chiếc xuồng chìm nghỉm.
Bất giác câu nói của sư thầy Đức Quang năm nào vọng vào tai má, rõ mồm một: “... năm ngón trên bàn tay cong cong, cuộc sống sau này sẽ long đong vất vả, có khi đoản mệnh...”.
Trong cuộc đời, má chưa bao giờ thấy mình đau đến vậy.
*
“Con ơi, mình dìa quê nghen con. Dìa với má, với ba... Dìa để má nấu canh chua, nồi cá linh kho lạt cho con ăn... Dìa để má hát ru cho con ngủ, ba kéo đờn cò cho con nghe... Dìa tắm táp bến nước trước nhà như hồi con còn nhỏ...”.
Má bật khóc. Thường bước đến đặt tay lên bờ vai gầy còm của má. Chính Thường đã đưa út Việt về lại quê hương khi út bị người ta bóc lột, hành hạ. Đoàn xuất khẩu lao động hơn hai mươi người phiêu bạt nơi xứ người. Ai đó bình yên trở lại quê nhà, ai đó còn lang thang trên đất khách, lay lắt trong khổ đau. út Việt nằm đây, đôi mắt lim dim, đau đớn xót xa vẫn gắng gượng mở mắt ra nhìn má thêm lần nữa. Nước mắt má chảy trên hai gò má sạm nắng. Miệng út mấp máy, chắc út định nói với má điều gì nhưng không còn kịp nữa...
“út ơi, dìa với chị đi em. Xa quê khổ cực lắm...”, chị Ngà cắn chặt môi, quệt nước mắt, tay chị xoa xoa bàn tay gầy gò trơ xương của út.
Trời đổ mưa. Mưa tuôn xối xả. Qua màn mưa, chị Ngà nhìn thấy phía bên kia đường cỏ tranh lất phất mọc lên, xanh mướt trong làn nước trắng xóa. Đâu đó, trong miền kí ức xa ngái vọng lại khúc hát năm nào má hát ru chị em Ngà ngủ say: “ầu ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời...”.
Tay út buông dần, buông dần. út chìm vào giấc ngủ muôn thuở.
Đất quê cưu mang, che chở và ôm ấp út vào lòng.
H.K.D