Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nhận diện thách thức đối với văn nghệ sĩ thời đại 4.0 - Thy Lan
Nhận diện thách thức đối với văn nghệ sĩ thời đại 4.0 - Thy Lan

1. Nhận diện thực tiễn các yếu tố tâm lý của văn nghệ sĩ
Văn nghệ sĩ là lớp người nhạy cảm, rất quan tâm đến thời cuộc, cất lên tiếng nói của thời đại mình, nhân dân mình, luôn hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp. Những tác phẩm, những phát ngôn của họ luôn có ảnh hưởng to lớn đến công chúng. Và cũng chính vì sự ảnh hưởng lan tỏa to lớn đó mà các thế lực thù địch, phản động thường triệt để lợi dụng, lôi kéo một số văn nghệ sĩ tham gia vào cái gọi là “những tổ chức dân sự” trá hình để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước ghi nhận những đóng góp lớn lao của bao thế hệ các văn nghệ sĩ, họ luôn luôn ở tuyến đầu góp sức làm nên những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc... Những tác phẩm văn học nghệ thuật thời chiến có sức cổ vũ, nâng bước toàn quân, toàn dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Và trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước hôm nay, những thành quả to lớn chúng ta đạt được có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Trong quá trình hội nhập và phát triển sôi động của ngày hôm nay, Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng bên cạnh những mặt tốt thuận lợi được phát huy;  cũng tồn tại những mặt xấu do tác động trái chiều từ hội nhập, mở cửa. Những thay đổi diễn ra không kém phần khốc liệt; nhiều tiêu cực phát sinh và ngày càng phức tạp, khó lường. Các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng những vấn đề nhạy cảm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được chúng lợi dụng triệt để nhằm chống phá, cản trở sự phát triển của Việt Nam. Từ việc xuất hiện các trào lưu đòi giải thiêng các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ đến những quan điểm làm lẫn lộn tính chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược với cuộc nội chiến phi nghĩa, hao tổn tiền của, máu xương được một số văn nghệ sĩ lên tiếng trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, các trang blog cá nhân những năm gần đây.
Trong sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sỹ cần một khoảng lặng cần thiết để cái tôi của người nghệ sỹ được bộc lộ làm nên những cá tính riêng cho mỗi tác phẩm… Nhưng cái tôi đến độ thái quá sẽ gây tác động ngược lại. Vì tâm lý của hầu hết văn nghệ sỹ là sự nhạy cảm, dễ vỡ trước những vấn đề diễn ra hàng ngày của đời sống xã hội, hoặc những vấn đề mang tính dự báo liên quan đến sự phát triển chung như tương lai, vận mệnh của đất nước, quê hương, hay đến nhân cách con người. Trạng thái tâm lý đó, thường bị các thế lực thù địch lợi dụng theo mục đích xấu. Nhất là chúng tìm cách tiếp cận, tụng ca thái quá tác phẩm của văn nghệ sĩ. Chúng dựa vào chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, chế độ nhuận bút, tiền lương eo hẹp, đời sống chật vật, thiếu thốn của văn nghệ sỹ để kích động sự buồn chán hoặc lôi kéo, ma mị bằng nhiều hình thức tạo sự phản kháng tiêu cực của họ với Đảng và Nhà nước ta.
Lòng tự trọng cao, thói quen quan tâm đến việc cung đình, đến những nhân vật trong bộ máy quyền lực cũng là một thuộc tính, tâm lý của các văn nghệ sỹ. Chính điều này là động lực thôi thúc sự sáng tạo, để người nghệ sỹ có sự dấn thân cần thiết làm nên sự “nông, sâu” của mỗi tác phẩm. Nhưng ở chiều ngược lại, lòng tự trọng cao, thói quen quan tâm đến việc cung đình tới mức thái quá là nguyên nhân dẫn đến thái độ tự kiêu, tự đại, không ai chịu ai của người nghệ sỹ. Các thế lực thù địch nghiên cứu rất kỹ, và không có lý do gì không khoét sâu đặc tính này nhằm phục vụ ý đồ chống phá Đảng và Nhà nước ta. Ở trong nước chúng ra sức lôi kéo một bộ phận văn nghệ sĩ không vững vàng về bản lĩnh chính trị, ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước. Từ bán tín, bán nghi đến bị tẩy não hoàn toàn. Đang có dấu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều các hội, nhóm, câu lạc bộ gồm những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị cấu kết thành cái gọi là những người “đồng chí hướng”, “những công dân tự do” để sáng tác thơ, văn có tư tưởng phản động hoặc nội dung thiên về những điều tầm thường, phản văn hóa. Ở ngoài nước, những phần tử phản động sản xuất, phát hành một số bộ phim, sách có tư tưởng lệch lạc, nội dung bịa đặt, bôi đen lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, phát tán trên các trang mạng và blog cá nhân. Chúng dẫn dụ, lôi kéo người đọc tò mò, từ đó gây sự hoài nghi về Đảng, về chế độ.
Một ví dụ về tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông, hay việc thông qua Luật Đặc khu vừa xảy ra gần đây, một số văn nghệ sĩ có nhận thức, tư tưởng phức tạp đã có những hoạt động gây bất lợi cho Đảng và Nhà nước, phá vỡ đời sống yên ổn của nhân dân, họ nhìn nhận chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước ta theo khuynh hướng cực đoan, quá khích, từ đó có những hành động thúc đẩy hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Rất tiếc, trong số văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích này, nhiều người từng có đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Thậm chí một số người từng giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật ở Trung ương. Điển hình có thể kể đến trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả Đất nước đứng lên, Rừng xà nu… nổi tiếng, đã trở thành động lực chiến đấu của nhiều thế hệ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thế nhưng khi hòa bình, được sống, sáng tác trong môi trường có nhiều thuận lợi thì vào ngày 3-3-2014, Nguyên Ngọc và một số nhà văn “cùng hội, cùng thuyền” đứng ra tuyên bố thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” - một tổ chức ngoài Hội Nhà văn Việt Nam. Lý do mà Nguyên Ngọc đưa ra là sau năm 1975, kết thúc thời kỳ chiến tranh kéo dài, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Ông ta cho rằng: Công cuộc quan trọng và cần thiết ấy đã không diễn ra như mong đợi, “văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc...”. Đây thực sự là luận điệu điên rồ, kỳ quái của một người từng là nhà văn cách mạng tên tuổi. Hay sự kiện trong giới showbiz Việt nổi lên “hiện tượng” MC Phan Anh vừa rồi. Nổi tiếng với nhiều chương trình quan trọng trên sóng truyền hình. Thế nhưng thời gian gần đây, Phan Anh liên tiếp có những dòng chia sẻ đầy ẩn ý “đừng im lặng” trước hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và đặt ra những vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị trên facebook. Đặc biệt, sau đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, Phan Anh đã quyên góp được 16 tỷ đồng ủng hộ người dân vùng lũ - một việc làm mà ngay cả những người tên tuổi hơn Phan Anh rất nhiều cũng không thể làm được. Anh lập tức bị đám cơ hội chính trị trong nước và đám “cờ vàng” hải ngoại bám lấy tung hô thành “người hùng” để nói xấu, bịa đặt và xuyên tạc về chính quyền. Thậm chí có kẻ còn phong danh hiệu cho Phan Anh là “tân Thủ tướng”, lãnh đạo của đám “dân chủ” tự xưng cùng với nhóm tôn giáo cực đoan trong nước.
Như vậy, trong mọi thời đại và thể chế chính trị, vai trò của văn nghệ sĩ là không thể phủ nhận. Bằng ảnh hưởng to lớn của mình, những văn nghệ sĩ có thể hướng dư luận đi theo mình. Thế nhưng bản thân họ cũng sẽ là công cụ cực kỳ lợi hại nếu để bị những kẻ cơ hội chính trị, phản động lợi dụng. Đó thực sự là vấn đề nhạy cảm chính trị dẫn đến mối nguy hại không thể lường được. Vì vậy, cùng với việc tạo môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo, Đảng, Chính phủ cần kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử chống đối chế độ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “đối đầu” giữa văn nghệ sĩ với chính quyền. Trong phạm vi tỉnh ta cũng cần có những chế tài phù hợp, những biện pháp linh hoạt, mềm dẻo nhưng nghiêm khắc để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có từ tâm lý cực đoan của văn nghệ sĩ xứ Thanh.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, cũng phải kể đến một số tâm lý không tốt như: tự kiêu, tự mãn, tự đại kìm hãm sự sáng tạo, nhất là tình trạng bài bác, coi thường lẫn nhau ảnh hưởng xấu đến ứng nhân xử thế và mất đoàn kết trong giới và trong xã hội. Đặc biệt là thói tự do trong phát ngôn trên các trang mạng do những hiệu ứng dây chuyền mà họ thiếu lập trường hoặc cẩn trọng trong việc nhìn nhận thấu đáo mọi việc. Tình trạng đó tồn tại trong các ứng xử mạng Facebook - được xem là kênh hoạt động ảnh hưởng lớn thu hút nhiều người quan tâm hiện nay ở tỉnh ta và cả nước. 
Ngoài ra, văn nghệ sĩ vẫn còn một bộ phận lười sáng tạo, chậm đổi mới, đi vào lối mòn, xơ cứng và không bắt kịp với thời kỳ hội nhập quốc tế và công nghệ 4.0. Văn học nghệ thuật tiến bộ cũng cần người nghệ sĩ phải cập nhật những biến đổi và phát triển của đời sống xã hội để phản ánh và tôn vinh. 
Còn một hiện tượng “loạn giá trị” hiện nay đang gây hoang mang trong giới văn nghệ sĩ và công chúng. Nhất là thói chuộng thời thượng, mốt mà mất đi những giá trị truyền thống vốn có, tôn sùng cổ súy những dòng văn học nghệ thuật “lai căng”, “hậu hiện đại”… Vì thế một số người ưa chuộng cách tân hình thức hơn là đầu tư cho chiều sâu. Các sáng tạo văn học nghệ thuật cũng vì thế mất đi những rung cảm cần thiết. Văn học nghệ thuật mọi thời đại vẫn cần nhất là những xúc cảm nóng bỏng của văn nghệ sĩ mang dấu ấn thời đại mình làm nên sự lan tỏa kỳ diệu.
2. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đông đảo, đứng tốp đầu cả nước
Chúng tôi chưa khảo sát lực lượng văn nghệ sĩ hoạt động tự phát, mà chỉ tính văn nghệ sĩ là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã có 429 người. Người cao tuổi nhất sinh năm 1920, người ít tuổi nhất sinh năm 1992. Trong đó có 83 hội viên nữ, 225 hội viên là Đảng viên, 359 hội viên có trình độ đại học trở lên, 229 hội viên của các hội chuyên ngành Trung ương, có 4 phó giáo sư, 7 nghệ sĩ nhân dân, 32 nghệ sĩ ưu tú, 2 nghệ nhân ưu tú, có 4 hội viên được tặng thưởng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ hoạt động ở 11 ban chuyên ngành: thơ, văn, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh. Các chuyên ngành hoạt động độc lập về chuyên môn, chịu sự điều hành chung của Thường trực Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, mọi hoạt động của văn nghệ sĩ đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan (trực tiếp là Ban tuyên giáo Tỉnh ủy).
3. Thắp lửa niềm tin cho văn nghệ sĩ
Tỉnh Thanh Hóa đất rộng người đông, nơi có nhiều trầm tích văn hóa, mảnh đất sinh vua, sinh chúa, sinh trạng… Mảnh đất có thể nói “khó nơi nào có được” sự tự hào cả về lịch sử, địa lý và di sản tâm linh… Đó được xem vừa là tài sản hữu hình, vừa là tài sản vô hình mà con người luôn đi tìm để khám phá, làm giàu có hơn đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trong đó văn học nghệ thuật là nơi phản ánh bay bổng và thi vị nhất đời sống, tâm lý, sự phát triển mà không lĩnh vực nào làm được. Văn nghệ sĩ là bộ phận nhạy cảm và tinh tế nhất cần có giải pháp để nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tài năng đồng thời biết nắm bắt tâm lý, khuyến khích các hoạt động của họ có hiệu quả. Tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
a. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước với lĩnh vực văn học nghệ thuật ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
- Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về Văn học nghệ thuật dựa trên cơ sở nguyện vọng và đồng thuận của đa số văn nghệ sĩ.
- Thể chế hóa, luật hóa các Nghị quyết của Đảng về Văn học nghệ thuật
- Có chính sách kịp thời tôn vinh các tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị (quan tâm đề xuất khôi phục Giải thưởng 5 năm về Văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa).
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ có hiệu quả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
- Tăng cường và có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật. 
b. Nhóm giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò của văn nghệ sĩ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
- Coi trọng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tố văn học nghệ thuật từ trong các nhà trường về cả đội ngũ sáng tác, đội ngũ biểu diễn và đội ngũ lý luận phê bình. Các Hội nghề nghiệp, các cơ quan quản lý phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật gắn với bồi dưỡng về tâm lý và nhân cách trong ứng xử xã hội.
- Xây dựng môi trường văn hóa, đảm bảo tự do sáng tạo, giải phóng tư tưởng và sức sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
-  Đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục văn học nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và công tác đào tạo chuyên sâu trong các trường chuyên nghiệp của tỉnh.
c. Tăng cường lãnh đạo, quản lý các hoạt động văn học nghệ thuật trên hệ thống báo chí, truyền thông và trong hoạt động xuất bản. Từ đó sẽ hạn chế phát tán, nhân rộng những phát ngôn tiêu cực, những tâm lý cực đoan của văn nghệ sĩ ảnh hưởng xấu đến dư luận. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ những người làm lý luận phê bình, thiếu nhất ở mảng nghệ thuật cần phải có đội ngũ này để có chuyên môn định lượng giá trị, tôn vinh với những tác phẩm tốt và bài bác những tác phẩm hoặc những ý đồ xuyên tạc trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Khuyến khích và bảo vệ văn hóa tranh luận trong phê bình văn học, nghệ thuật nhằm bảo vệ cái đúng, cái tích cực đối với các sản phẩm văn nghệ. 
d. Giải pháp đầu tư kinh tế phát triển văn học nghệ thuật là nền tảng góp phần cho sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa.
Đổi mới và hoàn thiện chính sách đãi ngộ đặc thù đối với văn nghệ sĩ. Tăng ngân sách đầu tư cho hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh để tương xứng với phát triển kinh tế, chính trị của tỉnh, tạo nên bức tranh hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Vì “mất văn hóa là mất tất cả” nên đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật là nền tảng của sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Đặc biệt đầu tư cho văn học nghệ thuật cũng chính là đầu tư cho một lực lượng xung kích trong đấu tranh xây dựng và phát triển quê hương.
Thiết nghĩ những nhận diện về yếu tố tâm lý cũng như đề ra những giải pháp để giúp văn nghệ sĩ sống và cống hiến có hiệu quả hơn cho xã hội là việc làm cần thiết đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nhà, cần được các cấp, các ngành trong tỉnh, quan tâm bằng những chủ trương, chính sách, tạo điều kiện môi trường để họ thăng hoa cảm xúc, tôn vinh vẻ đẹp con người, mảnh đất và phát triển của quê hương xứ Thanh. Thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian… là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần con người. Bởi vậy, những việc làm thiết thực và công bằng đối với văn nghệ sĩ, những chủ thể của sáng tạo - chính là điều kiện cốt tử nhằm hạn chế những tâm lý cực đoan trong giới văn nghệ sĩ và khuyến khích họ làm tốt hơn vai trò “là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, góp phần xây dựng những giá trị tốt đẹp của quê hương, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ.                                                                                 
                                                                                     

T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 158
 Hôm nay: 9377
 Tổng số truy cập: 12889279
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa