Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nơi “Những con đường của cuộc sống” đi qua - Quỳnh Thơm
Nơi “Những con đường của cuộc sống” đi qua - Quỳnh Thơm

Những năm gần đây, công chúng yêu nghệ thuật ở Thanh Hóa có dịp thưởng lãm nhiều tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc tại các triển lãm Mỹ thuật của các họa sĩ xứ Thanh. Với mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đội ngũ những người sáng tác mỹ thuật đã không ngừng tìm tòi, công bố và quảng bá các tác phẩm của mình thông qua các cuộc triển lãm tập thể, nhóm, cá nhân. Nối tiếp thành công từ các cuộc triển lãm trước, triển lãm “Những con đường của cuộc sống - 2019” của Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Lam Sơn đã thể hiện được những nét tươi mới, sự đột phá trong sáng tạo của các họa sĩ xứ Thanh, đem đến cho người xem nhiều ấn tượng, đầy cảm xúc thẫm mỹ.
Triển lãm “Những con đường của cuộc sống - 2019” đáp ứng đúng thị hiếu của những người yêu mến và quan tâm đến mỹ thuật. Đây là triển lãm lần thứ 5 của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Lam Sơn, trưng bày những sáng tác mới nhất của 31 họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa. Họ là những người trẻ tuổi, là lớp kế cận cho lứa họa sĩ đàn anh như Lê Xuân Quảng, Thanh Sơn, Sỹ Tốt,... Sự xuất hiện của những gương mặt rất trẻ như Nguyễn Thị Thùy Dung, Vi Văn Độ, Cầm Bá Tôn,... đã thực sự mang đến “luồng gió mới” cho triển lãm. Họ đang vào cái lứa hừng hực của tuổi trẻ, mong muốn được thỏa sức sáng tạo, thoải mái thể hiện mình, và đưa ra những tác phẩm mới nhằm giao lưu cũng như thể nghiệm những ý tưởng mới. Bên cạnh đó, triển lãm còn có sự tham gia của 5 họa sĩ khách mời là người gốc Thanh Hóa đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội như: Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Thế Dung, Tô Ngọc Trang, Nguyễn Trung Kiên, Phạm Văn Nghĩa. Họ đều là những người thành công trên con đường nghệ thuật. Với hơn 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt… với nhiều phong cách thể hiện và chất liệu khác nhau của 36 tác giả đã đem đến cho người xem những dấu ấn đẹp. 36 con người, 36 cuộc sống, nỗi niềm suy tư và con đường đi không giống nhau. Tất cả tụ lại một không gian chung để sẻ chia những vui buồn, những suy tư, trăn trở về đời, về người, về quê hương đất nước đang đổi mới hôm nay. 
Với người nghệ sĩ, sáng tạo nghệ thuật là một công việc lao động không tính bằng định lượng thời gian và vật chất. Bởi khi sáng tạo người nghệ sĩ được sống với thế giới riêng của mình. Bằng mắt và cảm nhận, họ truyền năng lượng để lưu lại mọi mặt của đời sống hàng ngày vào trong tác phẩm của mình. Chính vì thế, có thể nói, mỗi tác phẩm mỹ thuật ở triển lãm lần này đã bộc lộ sự đa dạng trong cá tính của mỗi người họa sĩ. Ở cấp Câu lạc bộ, các họa sĩ trẻ xứ Thanh đã tập hợp được đội ngũ có năng lực sáng tác, ham học hỏi, tìm tòi, phát hiện cái mới. Chỉ 7 năm ra đời, không dài cũng không ngắn, với thăng trầm của đời sống nghệ thuật, thông qua những cuộc triển lãm của mình, người xem vẫn nhận ra một Câu lạc bộ Họa sỹ trẻ Lam Sơn ngày càng thay đổi diện mạo. Một luồng gió xuân tươi non mà ấm áp, sang trọng, duyên dáng và thướt tha. Người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật đẹp mắt, họ còn như nhìn thấy sức lao động và sự cần mẫn bên cạnh những phiêu du lãng tử, ngọt ngào trong từng nét cọ, ở từng đường khắc của tranh khắc gỗ của người họa sĩ như các tác phẩm Lễ hội cầu ngư của Đồng Xuân Thành, Lên rẫy (1, 2) của Nguyễn Phi Trường, Phố của Nguyễn Văn Chuyên, Chợ cá Hoa Lộc của Nguyễn Thị Thủy… nhẹ nhàng và sâu lắng trong từng thớ của tranh lụa, vẻ mong manh mà mạnh mẽ nội tại, đầy tính chiêm nghiệm của tranh tĩnh vật, ấm áp yêu thương của tranh chân dung, cái hanh hao của nắng hạ, cái se sắt, run rẩy của mùa thu và bồn chồn, rét mướt của mùa đông trong tranh phong cảnh như: Thác Mây của Lê Văn Tĩnh, Bản Mạ chớm thu của Cầm Bá Tôn, Sắc thu của Hoàng Ngọc Dũng, Vào Đông của Hà Ngọc Hiếu, Bên bờ kênh của Vũ Trọng Thành, Phong cảnh vùng cao của Lê Thanh Tùng, v.v…
Có câu nói: “Tác phẩm nghệ thuật là phản chiếu tâm hồn người tạo ra nó”. Đúng vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một câu chuyện cho ta thấy góc nhìn đầy nhân văn của các họa sĩ trẻ, sự chân thành khi đối diện với thế giới nội tâm của chính mình, sức sống mãnh liệt, tình yêu và sự hết lòng đối với cuộc sống xung quanh. Đến tham quan triển lãm tôi như lạc vào thế giới đầy màu sắc, đầy cảm xúc. Tại triển lãm lần này, dễ dàng nhận thấy sự đa dạng trong thể loại trình bày là một điểm mạnh của người họa sĩ, vì thế đã đặc tả được nhiều mảng nội dung khác nhau như quê hương, biển đảo, chiến tranh, chân dung con người… làm tăng thêm sự phong phú và cuốn hút. Triển lãm là một bảng hòa sắc phong phú, với nhiều sắc thái mới trong kỹ thuật biểu hiện, nhiều hiệu quả thị giác mới. Đó là các tác phẩm hội họa được tạo hình công phu với những màu sắc quyện hòa nhuần nhuyễn. Bên cạnh cách vẽ tả thực, nhiều bức vẽ trừu tượng cũng gợi mở nhiều suy tư, chiêm nghiệm. Điển hình như bộ ba tác phẩm Mây sơn trang của nữ họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Thùy Dung. Với những nét vẽ vừa mềm mại, bay bổng vừa mạnh mẽ nhưng không kém phần dữ dội, phóng khoáng. Tác phẩm mang đậm màu sắc tôn giáo, gợi nhiều suy tưởng. Bên cạnh đó bộ đôi tác phẩm mang tên Tự họa sử dụng chất liệu acrylic, theo trường phái trừu tượng của họa sĩ Lê Nguyên Mạnh cũng gây được sự chú ý của người xem. Những mảng màu, đường nét đối chọi nhau nhưng vẫn có sự hòa sắc nằm trong thể thống nhất, cùng với bố cục lạ lẫm của hai bức tranh này để lại trong tôi nhiều dư ba cảm xúc về nhân sinh quan của tác giả.
Được trưng bày ở một vị trí khá đắc địa, tác phẩm Cứu (kích thước 1,5m x 1,4m) của họa sĩ Lê Thị Thanh đã thể hiện nội dung, thông điệp chuyển tải đầy giá trị nhân văn. Tác phẩm đã được công bố tại Triển lãm Mỹ thuật Bắc Trung Bộ năm 2019 tại tỉnh Nghệ An và xuất sắc giành giải A, sau đó là giải Ba Mỹ thuật Toàn quốc. Với chất liệu mới lạ in độc bản bằng in thủy ấn và in lưới. Sự dày công tìm tòi, kết hợp nét tài hoa của người nghệ sỹ với kỹ thuật cũ và mới đã tạo nên sự hài hòa thống nhất, hòa hợp mà tinh tế. Những gam màu rực rỡ đan xen nhau đã làm tôn lên cái nội dung ẩn chứa. Thông qua tác phẩm này, nữ họa sĩ đã đánh thức công chúng ở những điều tưởng chừng bình thường nhất về môi trường. Là tiếng kêu Cứu không chỉ của những sinh vật biển mà còn của cả nhân loại. Bức tranh như thức tỉnh những góc khuất trong tâm hồn đã ngủ quên bởi những ồn ào của những bon chen và cuộc sống đời thường. Một tiếng kêu cũng thắp sáng lên hy vọng trong gam mầu hồng nồng ấm của tranh đã gợi mở cho người xem những rung động từ trái tim.


Đến với triển lãm người xem thật sự ấn tượng với những tác phẩm thể hiện tâm sức của các tác giả. Trong đó phải kể đến các tác phẩm sử dụng chất liệu khắc gỗ. Phải mất hàng tháng, hàng năm mới có được một tác phẩm tâm đắc. Kỹ thuật và chất liệu khắc gỗ có lẽ không mới với nhiều người, nhưng qua nét khắc của Lê Hải Anh trên bản gỗ qua tác phẩm Một miền quê với kích thước lớn tạo nên sự hoành tráng đối lập với cái dung dị của miền quê Thanh với những Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh. Với những sinh hoạt đời thường nhất của một vùng quê Thanh, nét khắc gỗ điêu luyện miêu tả những mau thưa, khoan nhặt, kết hợp vùng miền giữa miền xuôi, miền ngược. Bức tranh như một bản đồ xứ Thanh thu nhỏ, ở đó có những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa trường tồn lại xen lẫn với những cảnh sinh hoạt dung dị của con người. Tài hoa và tinh tế của người họa sĩ là chỗ đó. Chỉ bằng đôi bàn tay và trí óc, khát khao vươn đến cái đích Chân - Thiện - Mỹ, người nghệ sỹ đã làm tròn vai trò truyền cảm hứng đến người xem qua tác phẩm của mình. Nghệ thuật phải làm đúng chức năng của nó. Đó là tôn vinh cái đẹp.
Khác với những nét khắc khỏe khoắn trong các tác phẩm của Lê Hải Anh, người xem được thưởng thức những nét khắc mềm mại thể hiện trong Chợ cá Hoa Lộc của nữ họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Thủy. Với một tác phẩm khắc gỗ nhỏ, kích thước 45 x 60 cm, tác giả đã tái hiện không khí buổi họp chợ đông vui, nhộn nhịp của những người dân vùng biển Hậu Lộc. Thông qua tác phẩm tác giả còn thể hiện sự đồng cảm, tình yêu đối với những người dân biển chân chất, nồng hậu.
Triển lãm “Những con đường của cuộc sống - 2019” được đánh giá cao, chất lượng tốt hơn những cuộc triển lãm trước. Với nội dung tác phẩm phong phú, đa dạng, cách thức tổ chức theo hướng mở. Tuy vậy vẫn còn có một số tác phẩm tạo hình còn lệ thuộc, cũ kĩ; những giới hạn, khuôn mẫu nhất định trong triển lãm phần nào hạn chế cá tính sáng tạo của người họa sĩ,... Dù rằng chưa có nhiều tác phẩm mang tính đột phá, thể hiện sự vượt trội về chất lượng nghệ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ nhưng triển lãm đã thực sự gây ấn tượng mạnh cho đông đảo người xem. 36 tác giả đã thể hiện một diện mạo mới của Mỹ thuật xứ Thanh hừng hực khí thế và nồng nàn hơi thở của sức sống thời đại mới.
Triển lãm đã vươn mình ra khỏi quy mô Câu lạc bộ ở một vùng đất còn tiềm ẩn nhiều giá trị chưa được đánh thức, chúng ta bắt đầu hy vọng vào những điều lớn lao hơn, đó là việc làm giàu có thêm những xúc cảm thẫm mỹ, nhân văn của con người giữa bộn bề cuộc sống hôm nay. Mong rằng, trong tương lai các thế hệ họa sĩ trẻ xứ Thanh sẽ cố gắng sáng tác nhiều hơn nữa, sẽ có nhiều cuộc triển lãm mới, nhiều tác phẩm mới, nhiều con đường mới, để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật của quê hương, đất nước.
                              

 Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 168
 Hôm nay: 9774
 Tổng số truy cập: 12889676
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa