1. Nguyễn Đan Quế (1890-1949) nguyên quán phố Lò Chum, thành phố Thanh Hóa, xuất thân trong một gia đình sản xuất, buôn bán đồ gốm. Năm Duy Tân thứ 9 (1915), ông đậu cử nhân khoa thi Ất Mão tại trường thi Thanh Hóa. Đáng lẽ bổ tri huyện (quan cai trị) nhưng ông xin làm huấn đạo (quan coi về giáo dục). Hơn 2 năm ông lại xin làm đốc giáo (hiệu trưởng) trường tiểu học Pháp - Việt huyện Hương Thủy - Huế. Năm học 1925-1926, ông xin chuyển về quê, làm hiệu trưởng trường tiểu học Pháp - Việt phủ Quảng Hóa nay là trường tiểu học Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc.
Có thể thấy Nguyễn Đan Quế không có chí hướng quan trường vì không muốn cai trị dân, còn không muốn dính dáng đến quan chức, dù là quan giáo dục, chỉ muốn làm người thầy truyền bá tri thức mới.
Nguyễn Đan Quế tham gia đảng Tân Việt ngay từ những ngày đầu. Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc ghi nhận: Ở Vĩnh Lộc, cuối năm 1928, chi bộ Đảng Tân Việt được thành lập tại Sóc Sơn do Nguyễn Đan Quế (là Đốc giáo trường Pháp - Việt Quảng Hóa) làm Bí thư. Sóc Sơn chính là trang trại của Nguyễn Đan Quế. Nhằm tiện cho đảng hoạt động, ông mua 46 mẫu đất thuộc tổng Sóc Sơn (nay thuộc 2 xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hùng) mở trại. Tụ hội anh em, đồng chí khai hoang, phục hóa vùng đồi núi khô cằn, trồng lúa, ngô, khoai, sắn, các loại cây ăn quả, chăn nuôi bò, lợn,... và luyện tập võ nghệ, học tập văn hóa, đọc sách báo tiến bộ. Trại vừa mang dáng dấp một trung tâm khai sáng văn minh, vừa có hình bóng tụ nghĩa đường của các bậc anh hùng thảo nên khá hấp dẫn thanh niên giàu nhiệt huyết. Các yếu nhân trong đảng thường xuyên đi về, có khi ở lại trại vài tuần. Năm 1929, khi đảng Tân Việt phân hóa, Nguyễn Đan Quế xin từ nhiệm, cùng gia đình về ở hẳn đây, sống đời nông phu. Ban ngày lao động không ngừng nghỉ, trưa nắng lắm hay mưa gió thì chẻ lạt, đánh thừng.
Thời gian rời xa Tân Việt Đảng, Nguyễn Đan Quế đã tham gia Đảng Xã hội S.F.I.O. Pháp, thành viên của Quốc tế I “ủng hộ yêu sách xã hội của dân cư bản xứ”. Bản Danh sách đảng viên Chi nhánh Trung - Bắc Kỳ của đảng ghi rõ “Thanh Hóa: Arnould, Angèle, Maurice Pierné, Đốc học Nguyễn Đan Quế,...; Hà Nội: Belleville Boyer, Louis Caput,... Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Hòe, Đào Duy Kỳ, Phan Thanh,...”.
Như vậy, Nguyễn Đan Quế là con người của hành động, theo chủ nghĩa yêu nước - dân tộc - dân chủ. Ông không thành người cộng sản do gốc gác một phần nhà nho, hai phần trí thức - tiểu chủ, viên chức nhỏ.
Trong số đảng viên, lãnh đạo Tỉnh bộ Đảng Cộng sản Thanh Hóa thời kỳ 1930-1945, Nguyễn Đan Quế có quan hệ thân thiết với nhiều người. Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ, Ngô Đức Mậu (Bí thư TU 1931), Hoàng Văn Mạch (Ủy viên BCHTU), Lê Văn Thiệp,… là đồng chí cũ. Nguyễn Đình Thực, cháu ruột, Trịnh Huy Quang (Bí thư TU), Đặng Văn Hỷ, Hoàng Xung Phong (Ủy viên BCHTU),... học trò. Vì thế, tình cảm của ông vẫn dành cho người cộng sản, tâm tư vẫn đầy nỗi niềm thời cuộc và dạt dào mong muốn được hoạt động xã hội.
Đầu tháng 8 năm 1937, chính quyền thực dân phong kiến tổ chức bầu cử Viện Nhân dân đại biểu Trung Kì (khóa 1937 - 1940). Trung ương Đảng chủ trương nắm lấy thời cơ này để vận động cách mạng. Lê Hữu Kiều (Nam Mộc), tú tài Tây học, đảng viên Đảng Cộng sản được Tỉnh ủy cử lên Sóc Sơn vận động Nguyễn Đan Quế ứng cử. Chi bộ Đảng Cộng sản Vĩnh Lộc thành lập Ban Bầu cử và tiến hành cuộc vận động rộng khắp trong nhân dân với khẩu hiệu “Bỏ phiếu cho Nguyễn Đan Quế là thiết thực đem lại quyền lợi cho mình”. Kết quả Nguyễn Đan Quế cùng ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ đều trúng cử với số phiếu cao.
Nguyễn Đan Quế được bầu làm Ủy viên Thường trực Viện, cùng Phan Thanh là báo cáo viên Tiểu ban thứ tư - Thảo luận các điều thỉnh cầu. Viện xin phép ra tuần báo lấy tên là Dân do Nguyễn Đan Quế kiêm Chủ nhiệm.
Báo Dân danh nghĩa là “tiếng nói” của Viện nhưng không phải “quan báo” được tòa Khâm sứ Pháp trợ cấp. Báo ra đời từ nhu cầu ngôn luận công khai của Đảng lúc bấy giờ. Theo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì “thực hiện chủ trương của Đảng, Phan Đăng Lưu vận động một số nhân sĩ tiến bộ vừa trúng cử dân biểu giúp đứng tên xin ra báo. Chủ nhiệm tờ báo là một vị dân biểu, song mọi công việc biên tập, phát hành đều do Phan Đăng Lưu và các đồng chí... đảm đương, Phan là linh hồn của tờ báo. Các bài xã luận, bình luận chính trị cũng như một số tiểu phẩm sắc bén đăng trên báo Dân thời ấy đều là tác phẩm của nhà cách mạng họ Phan”.
Chỉ trong gần ba tháng xuất hiện trong làng báo chí công khai thời kỳ Mặt trận Dân chủ, với 17 số báo, báo Dân đã hoàn thành xuất sắc theo định hướng của Xứ ủy Trung Kỳ. Đăng kịp thời nhiều bài điều tra về tình cảnh dân quê, chuyện quan lại, cường hào nhũng nhiễu, ức hiếp dân; yêu cầu cải cách hương thôn, sửa đổi thuế thân, quy định về thời gian làm việc, tiền lương của công nhân. Nêu gương cải cách hương thôn của chức dịch, đưa tin hoạt động của công nhân. Khuyến khích dân biểu hy sinh tư tưởng đảng phái, thống nhất lực lượng đối phó với dự án tăng thuế đinh điền. Tuyên dương các ông nghị đã nhận thấy phận sự thiêng liêng của mình, hiểu một phần phận sự, đáp lại được nhiệt thành tín nhiệm của dân chúng.
Có thể nói, báo Dân đã góp phần làm dâng lên làn sóng cách mạng của nhân dân, hỗ trợ không nhỏ cho cuộc đấu tranh nghị trường. Điều này khiến Dân trở thành tờ báo có nhiều độc giả nhất Trung Kỳ.
Cũng vì thế báo và những người trị sự, biên tập, tư vấn: Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các, Phan Thanh, Tôn Quang Phiệt và các cựu tù chính trị cộng sản: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Cửu Thạnh, Bùi San, Nguyễn Khoa Văn, Lê Bôi, Hà Thế Hạnh,... bị thực dân Pháp theo dõi chặt chẽ.
Ngày 7-10-1938, báo Dân bị đóng cửa với tội danh “đưa tin thất thiệt về vụ biểu tình ở Cam Lộ (Quảng Trị), gây náo loạn nhân tâm”. Chủ nhiệm Nguyễn Đan Quế, Quản lý Nguyễn Xuân Các bị tước quyền đại biểu, bị truy tố. Ngay lập tức nhiều hoạt động ủng hộ diễn ra. Viện trưởng Viện Dân biểu Hoàng Văn Khải gặp Toàn quyền Đông Dương đưa yêu cầu xử trắng án. Phan Thanh tố cáo việc thu hồi giấy phép, cấm xuất bản một cách vô lý, tùy tiện, tự tiện xử và tuyên phạt không có căn cứ. Đặc biệt, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cũng nhắc đến vụ án và đưa ra nhận xét “Hình như nhiều người cộng sản đã lấy danh nghĩa Đảng Xã hội để dễ hoạt động hợp pháp...”.
Vai trò của Nguyễn Đan Quế ở báo Dân vô cùng quan trọng. Ông đã góp phần đáng kể truyền bá nội dung tư tưởng, đường lối, phương châm hướng dẫn hành động cách mạng của Đảng cho quần chúng một cách công khai, hiệu quả.
Cuối cùng, Nguyễn Đan Quế nộp phạt tám chục bạc như án xử, rồi trở về trại Sóc Sơn vui sống đời ngày làm ruộng, chăn bò, tiếp tục khai hoang, tối đọc sách báo,...
Tháng 3-1945, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim thành lập, Nguyễn Đan Quế được mời làm tỉnh trưởng Thanh Hóa nhưng ông kiên quyết từ chối. Cách mạng tháng Tám thành công, theo lời kể của Nguyễn Huy Sanh nguyên quyền Trưởng ty Văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, Nguyễn Đan Quế ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa bản điều trần gồm 10 điều hiến kế xây dựng xã hội mới. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Hội trưởng Hội Liên Việt Thanh Hóa, Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Giám sát Hội Liên Việt Liên Khu IV. Tháng 7-1948, Trần Đăng Ninh, phái viên của Hồ Chủ tịch về trại Sóc Sơn mời ông ra Việt Bắc làm việc, vì sức khỏe kém, Nguyễn Đan Quế không thể đáp ứng. Hơn một năm sau ông mất.
Đám tang Nguyễn Đan Quế theo lời dặn của ông không có kèn trống, vàng mã, phướn, trướng; cũng không một tiếng khóc. Chỉ có một tấm băng trắng nổi bật hàng chữ màu xanh “Nhớ ơn thầy” do học trò Đặng Văn Hỷ (sau này là Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao) giương cao.
Sinh thời, Nguyễn Đan Quế từng dịch sách, viết 2 tiểu thuyết đặt tên là Chén rượu trùng phùng, Hổ phận làm cha, hồi ký Đứng trước bầy bò và một tập thơ. Đáng tiếc phần lớn đều thất lạc trong cơn binh lửa. Chỉ còn lại một số bài do con gái ông - Nguyễn Thị Vĩnh (bà quả phụ Lê Hữu Kiều - GS Nam Mộc) năm nay 93 tuổi lưu giữ.
Thơ Nguyễn Đan Quế có suy nghĩ sâu sắc, nụ cười dí dỏm, tấm lòng thiết tha, nỗi đau đáu lo nước thương đời, tiếng thở dài tiếc nuối ứa lệ và niềm mong mỏi, tin tưởng; lời lẽ bình dân nhưng không kém phần sang trọng, trau chuốt.
Xin trân trọng giới thiệu một số bài:
Gửi anh chị Đào Duy Anh
Cám ơn anh chị hàng dầu(1)
Có cơm tôi chén, có lầu tôi ngơi
Khi vui tôi nói tôi cười
Khi buồn tôi nghĩ chuyện đời tôi lo
Thân tôi đã chẳng ra trò
Nợ đời tôi biết hẹn hò cùng ai?
Thôi đành tôi đợi bạn tôi
Mượn lời son sắt làm lời non sông
Đau đớn thay phận đàn ông
Hững hờ cũng tội, đèo bòng cũng gay.
Mong
Cũng thi cũng đậu cũng làm nên
Trong đám khoa trường cũng có tên
Con đẻ năm lần còn đẻ mãi
Lương ăn bảy chục vẫn ăn lên
Cơm chiêm cà xổi ngày xơi khỏe
Giường gỗ chăn bông tối ngủ êm
Sung sướng như ta là tột bậc
Sao còn mong ước chuyện huyên thiên.
Cũng chẳng mong quan chẳng ước tiên
Ba sinh mong được phỉ mười nguyền
Mong con cháu Việt khôn ngoan nữa
Mong nước non Hồng rực rỡ hơn
Mong cuộc hòa bình yên tựa núi
Mong đường kinh tế nhẹ như tên
Mong chưa thấy được còn mong nữa
Mong mãi đêm ngày ruột rối điên.
Lời bạn cười mình không nên phận
Nghĩ rằng cũng bậc sư huynh
Non xanh chọn kiếp tu hành cho xong
Ngờ đâu chưa nhạt lửa lòng
Còn tìm đến chốn bụi hồng chen vô
Khen cho thật cũng nhiều trò
Nợ mình chưa trả đã lo nợ đời,
Nợ đời rày lắm ai ơi!
Vay bằng nhời giả bằng nhời được chăng?
Nghĩ mình mặt bủng da xanh,
Đem thân cho rệp thần kinh đốt mềm,
Tình cờ ai khéo sui nên,
Phải chăng công nghĩa làm quên tư tình.
Ba sinh duyên nợ
Không điên cuồng mà dở dở mới hay cho
Chiều phong ba lơ lửng một con đò
Khách quá độ lập lờ dường ngại bước
Tiếc thân thể chẳng ngang tàng ngay từ trước
Đem phù sinh mà đính ước với non sông
Đã nam nhi âu cũng phải hào hùng
Thôi đắc táng cùng thông chi chớ kể
Trông vào vẫn biết thân gia lụy
Bước tới mà xem cuộc thế xoay
Ai tương tri xin nhắn nhủ một câu này
Nỗi tâm sự đắng cay chừng có biết.
Gạt giọt lệ với thanh sơn làm tạm biệt
Để cùng ai khăng khít giải đồng tâm,
Dặm hồng cõi khách xa xăm.
Gắng mình
Ti bỉ tu tri kỉ(2)
Đời văn minh không lẽ cứ lòe nhau?
Nét phong sương đã nhuộm nửa mái đầu
Mà kiến thức đã giàu chi đặng mấy?
Tính đốt coi chừng đương vận bẩy,
Bấm lưng còn có chút lòng son
Bóng tà dương hiu hắt gió chiều hôm
Phong cảnh ấy càng nom càng bát ngát
Ngẫm thân thế cũng ra phường lỗi lạc,
Lẽ nằm liều cho mục nát với cỏ cây
Bước chân ra gánh vác hội này,
Chẳng gắng gỏi đặng hay song chớ dở.
Lòng ngay thật nói ra quên cả sợ
Ai khen? Đành! Mà ai quở? Cũng xin vâng!
Can chi mà phải ngập ngừng!
Gửi các bạn thanh niên
(Thời kỳ Mặt trận Dân chủ)
Thấy bạn đầu xanh tôi cũng yêu
Yêu người chỉ ngại tính phù hiêu(3)...
Mong sao họ biết đường lui tới,
Mà để cùng nhau hội chống chèo.
Vận nước khi đành ôm bụng đợi,
Tuồng đời có lúc vỗ tay reo.
Tôi già nhưng óc tôi còn trẻ,
Ai phải thì tôi cũng biết theo.
Gửi bạn
Vãng sự đô như mộng(4)
Lúc thư nhàn nằm chổng vắt tay suy
Mười lăm năm làm được những công gì
Mà ngày tháng hao đi nhiều đến thế?
Hè Nhâm Tuất nhớ trong săm(5) Hồng Ký
Anh em mình thầm thĩ chuyện gần xa...
Nào học đường, nào doanh nghiệp, nào báo chí tây ta
Lòng nhiệt thành như muốn bựt toang ra
Hình như chỉ đôi ta là thiết nước?
Tri giao bất phụ bình sinh ước
Thiệp thế hiềm vô hoạt bát tài(6)
Cờ giữa chừng ai biết ai sai
Cơn bí nước biết mượn ai vào đánh gỡ?
Nghĩ đến chữ sa đà tuế nguyệt(7)
Mừng cho thân mà lại tiếc cho thân
Dưới sườn non xa lánh bụi trần(8)
Người canh điếm Phú Xuân chừng cũng thế?
Tóc bạc khó lôi ngày trắng lại
Lòng son họa có mắt xanh(9) soi
Cảnh vui ta cũng vui cùng cảnh
Cảnh có buồn ta cũng thế thôi!
L.Đ.H
(1) Lúc này ông bà Đào Duy Anh đang mở xưởng sản xuất dầu Linh Bửu ở Huế.
(2) Ý nói cần phải biết thẹn với người hiểu mình.
(3) Tính huênh hoang, sốc nổi.
(4) Mọi sự đều như một giấc mộng.
(5) Khách sạn, nhà trọ.
(6) Bạn tâm giao không phụ ước nguyện một đời/ Thời thế này tiếc không có tài xoay chuyển.
(7) Năm tháng trôi nhanh.
(8) Tác giả sau thời gian làm báo Dân về sống ở trại Sóc Sơn.
(9) Điển tích ý nói coi trọng, trân trọng nhau.
Tài liệu tham khảo:
- Các nhà khoa bảng xứ Thanh - Nxb Thanh Hóa, 2011.
- Cuộc đời tôi - Nguyễn Thị Bích Thủy, Nxb Phụ nữ 1997.
- Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc - Nxb Thanh Hóa, 2014.
- Lịch sử Thanh Hóa tập V - Nxb KHXH 1996.
- Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền - Phân viện Báo chí số 6-2002.
- Chân dung năm cố Bộ trưởng Ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2005.
- Phan Thanh, Anh là ai? - Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2005.