Những bóng hồng và tình yêu trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” - Cao Sơn Hải
Thường thì trong sử thi - các thiên anh hùng ca (Epic) xu hướng thiên về miêu tả các anh hùng với sự dũng cảm tuyệt vời, chiến đấu gan dạ vì sự tồn vong, phát triển của cộng đồng. Song không chỉ có thế, trên thực tế có không ít bản sử thi đều thấp thoáng hoặc lồng lộng những bóng hồng và những mối tình đẹp của nhân loại ở thời kỳ bình minh của lịch sử. Bởi anh hùng với mỹ nhân như một cặp song sinh trong lịch sử phát triển của nhân loại. Tình yêu trong sử thi, đó là thứ tình yêu khởi nguyên của nhân loại nhưng lại rất bản địa dân tộc. Nó nguyên sơ, chất phác. Tình yêu gắn bó với hôn nhân chặt chẽ, đằm thắm, thủy chung và trong sáng như dòng suối giữa ngàn sâu. Đó là thứ tình yêu chưa pha một tạp chất nào của xã hội tử tế vốn chưa có tạp chất.
Như không ít các bản sử thi khác, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” cũng không thiếu vắng những bóng hồng. Các bóng hồng này thường không phải là nhân vật chính - nhân vật anh hùng nhưng các bóng hồng gắn cái đẹp với cái hùng, gắn tình yêu nồng cháy với các nhân vật anh hùng trong chiến trận, trong sáng tạo lịch sử. Vì thế nhiều khi các bóng hồng - mỹ nhân này lại chính là động lực lớn, mạnh mẽ cho các hành động anh hùng của các nhân vật chính trong sử thi. Mối tình của các nhân vật anh hùng với bóng hồng trở nên rất đẹp mà các nhà nghiên cứu gọi đó là những thiên diễm tình và trở thành thuật ngữ chung của thế giới gọi là Lyrich. Theo đó Epic và Lyrich đi với nhau mới thành bộ sử thi hoàn chỉnh, mẫu mực.
Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ có thể lướt qua một số bóng hồng và một hai mối tình trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Có những nàng như nàng Ngần, nàng Ngà: Nàng Ngần đẹp da/ Nàng Ngà đẹp tóc/ Búi tóc cuốn ba vòng/ Mắt nàng trong xanh/ Làn da trắng như cây chuối bóc/ Mắt sáng như gương đồng. Còn nàng Dặt Cái Dành - Lành con khôn cái khéo thì: Đẹp người khôn khéo/ Eo lưng thon thả. Ở nàng không chỉ đẹp mà còn khôn khéo, có tài thuyết phục mọi người. Nếu có một phụ nữ đầu tiên trên thế giới đứng ra làm sứ giả thuyết phục hòa giải giữa hai kẻ thù đang đánh nhau kịch liệt thì đó là nàng Dặt Cái Dành lành con khôn cái khéo. Trong cuộc chiến tranh để giành địa vị làm chủ giữa Cun Khương với Cun Đồi, Cun Đàng. Cun Khương bị truy đuổi chạy lên trời ở nhờ nhà ông ngoại, thuyết phục ông ngoại giáng sấm sét, rồi gieo họa lụt lội, hạn hán xuống trần gian nơi Cun Đồi, Cun Đàng đang ở. Trời bèn sai nàng Dặt Cái Dành xuống trần gian thuyết phục Cun Đồi, Cun Đàng phải để cho Cun Khương thống quản dân Mường thì ngưng hạn, lụt. Việc như tạm xong, trở về trời, Cun Khương chưa chịu về, vẫn gieo tai họa vào Cun Đồi, Cun Đàng. Cun Khương ra điều kiện thứ hai: Phải giết kẻ chủ mưu gây nên cuộc chiến là Toóng In. Nàng Dặt Cái Dành lại rẽ mây xuống thương lượng. Cun Đồi, Cun Đàng muốn bảo vệ Toóng In, nên chỉ giết chó lấy máu giao cho nàng Dặt Cái Dành mang cho Cun Khương. Nhưng Cun Khương không công nhận đó là máu Toóng In nên tiếp tục cuộc chiến. Nàng Dặt Cái Dành lại đi làm trung gian thuyết phục hòa giải. Toóng In bị giết, nàng lại đưa máu Toóng In đi. Cun Khương nhận đúng là máu kẻ chủ mưu gây chiến nên trở về trần gian, chấm dứt cuộc chiến tàn khốc, xác lập vị thế của Cun Khương.
Trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” có những mối tình gần như cổ điển, tiêu biểu là mối tình chàng Khán Đồng với nàng Sông Đón: Nàng Sông Đón đẹp mê hồn/ Má đỏ như hoa bông trăng/ Cánh tay nàng trắng như nõn chuối bóc/ Gót chân nàng hồng như trứng gà mới đẻ. Nàng và chàng Khán Đồng đã yêu nhau qua mấy mùa măng mọc. Nhưng rồi tiếng đồn nàng đẹp đến tai chúa Mường. Nhân chúa Mường dựng lâu đài cần con rùa vàng làm lễ, biết nàng đã yêu Khán Đồng, chúa bắt Khán Đồng đi tìm rùa nộp cho chúa. Hết thời gian giao hẹn không nộp được rùa thì nàng Sông Đón phải về nhà chúa làm vợ.
Khán Đồng phải lặn lội ra đi tìm rùa để cứu vợ. Khán Đồng đã thấy rùa, đưa tay chộp thì rùa chạy vào hang đá, thò tay bắt rùa thì hang đá sập xuống không rút tay ra được. Chàng phải cầu cứu đến nàng. Chính nàng đã cứu được người yêu, cứu được mối tình đẹp. Đây là một mô típ mới ít thấy ở các bản sử thi. Thông thường thì người anh hùng cứu mỹ nhân. Ở đây phút chót mỹ nhân lại cứu được anh hùng, cứu được mối tình đẹp.
Trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” cũng có mối tình thoảng qua như trong cuộc đời, nhưng là cuộc đời đương đại. Đặc biệt ở đây là mối tình không thành “thiên thu” nhưng lại đáng nhớ. Đó là mối tình của nàng Sét và Cun Sấm trong lúc đi thực thi công vụ nhà trời giao phó. Chuyện rằng: Cun Cần thấy em gái của mình đẹp quá, không muốn “cơm ngon gạo lành” lựa đưa sang cho người khác. Việc này trái lẽ thường. Dân đã phản đối, thần linh nổi giận, không ưng. Nhưng Cun Cần vẫn không bỏ ý định. Việc động trời, đến tai nhà Trời. Trời nổi cơn lôi đình bèn phái nàng Sét và Cun Sấm xuống trị tội Cun Cần! Nàng Sét đẹp khỏe mạnh hơ hớ đi trước/ Cun Sấm bước theo sau/ Lội qua con suối thấy đùi nàng Sét trắng phau/ Mắt Cun Sấm ngắm đầu ngắm cuối/ Mắt Cun lim dim/ Nhìn không rời bước/ Muốn sờ đùi trắng phau phau/ Muốn được ôm con người trăng trắng. /Rồi, lúc ấy nàng Sét chưa lắng đã biết/ Nàng Sét chưa thấy đã hay/ Nàng bèn tìm lời hay hay/ Bày tiếng khéo khéo/ Lòng vả cũng như lòng sung! Hai người bàn nhau: Không đánh Cun Cần làm chi cho chết oan, chết uổng!
Nhưng trời đã sai đi “thực thi công vụ” đã là sấm sét thì phải có tiếng nổ và phải giáng một nơi nhất định để có tang vết. Nữ thần Sét và thần Sấm bàn với nhau chỉ giáng sấm sét vào: Cây gạo giữa đồng, cây vông trước ngõ/ Để lại vết nứt vỏ, gãy cành!
Việc Cun Cần lấy em gái làm vợ, thần Sầm Sét có thể bỏ qua, nhưng dân vẫn không chịu. Dân chỉ ra điều kiện: Nếu nhà Cun vẫn chung đôi với em gái thì dân không theo nhà Cun. Đất Mường nhà Cun Cun giữ lấy/ Ruộng đất trâu bò nhà Cun tự cày cấy/ Chúng tôi sẽ đi Mường khác! Từ nay không được gọi đến chúng tôi. Cun Cần tuốt gươm ra khua khoắng nhưng chẳng chết một ai. Dân đi hết. Còn lại một mình Cun Cần mới nghĩ không có dân thì làm Cun Lang với ai? Lấy ai cấy trồng nuôi mình, lấy ai để giữ Mường, lấy ai để sai bảo. Nghĩ thế và thấy thế nên Cun Cần để người em gái ra đi.
Thế là từ nay dân lại trở về làm bổn phận người dân như xưa. Nhưng Lang Cun Cần lúc ấy chưa có người cùng trông coi nhà cửa, đất Mường: Cun Cần chưa có bà ngồi voóng lại/ Chưa có mái ngồi voóng bên/ Chưa có bà lo cơm xáo rượu/ Chưa có bà Chu về cầm đất/ Chưa có bà nhất về trông Mường… Ở địa vị một Cun Lang như thế là không được, nên dân Mường tìm mai mối hỏi vợ cho nhà Lang. Lâu nay Cun Cần nghe tiếng đồn về nàng Ả Sao: Con người có dáng vóc khéo khéo/ Eo lưng thon thả. Miệng cười như hoa/ Tóc xanh như mặt suối/ Dao sắc chẳng sánh được đuôi con mắt/ Trăng sáng vằng vặc/ Không bằng một góc mắt nàng Sao. Lang Cun Cần đã yêu và Cun Cần ước ao: Lấy được con mắt ấy.
Dân Mường và nhà Cun đã đi tìm mai mối. Họ kén chọn mai mối rất kỹ. Phải chọn đến người thứ bảy mới thành. Bởi Ai yếu sức thì đừng đi đào con rúi/ Ai ít lời ngắn tiếng thì đừng đi làm mối mai. Việc đi hỏi đã xong.
Ngày rước dâu, đưa dâu đã diễn ra linh đình. Nhà trai đã sắm đủ đồ sính lễ: Đã sắm đủ chín chục trâu to/ Chín chục bò mộng. Đoàn người ra đi với chiêng trống rộn rã: Con trai khiêng trống/ Con gái xách chiêng/ Váy chàm đi một bên/ Quần đỏ áo xanh đi một phía/ Chiêng nổi bong bong/ Trống rộn lên pùng pùng/ Đoàn đi rước dâu có cô gái đi bưng trầu/ Có bà già đón dâu/ Đã có khiêng cơm mở cửa, mở đường. Khi đoàn đón dâu của nhà trai đến, nhà ngoại phải “chịu” một lễ tục. Đó là tục “ném rể” từ hai bên đường trước cửa nhà ngoại: Đã có con nít ném rể quả vả/ Người cả ném rể quả khế, quả sung/ Ném tung đi tung lại/ Ném theo đoàn người vào cửa. Cuộc hò reo vui cười rộn lên. Nhà gái tiễn cô dâu đi. Nhà gái đã sắm đủ lễ hồi môn: Mền rộng chăn chiếu có người đi vác/ Váy áo đẹp trăm bộ có người hầu đi khiêng/ Gối xếp gối mềm bỏ vào rương dát bạc/ Dao cán bạc sừng hươu bỏ vào rương dát vàng… Người đi đưa dâu đông như lũ trên sông/ Như dòng suối chảy/ Ngựa chín hồng mao của Lang Cun Cần đi trước/ Ngựa tơ ngựa đẹp rước nàng Ả Sao đi sau/ Áo đẹp quần màu chen nhau nườm nượp…
Rước nàng Ả Sao về làm bà chính thất, lo việc phân cơm sẻ gạo cho dân, xáo rượu đãi khách. Lang Cun Cần rất thương yêu vợ. Ở đây ta thấy cặp vợ chồng mới ngày đầu nặng về nghĩa, dần dần tình yêu càng nồng thắm, mặn mà. Lúc nào họ cũng bên nhau, lúc ăn uống đi lại: Cun Cần lấy được nàng Ả Sao/ Mâm cơm chung ngồi, vò rượu chung uống/ Đi lên đi xuống cùng bước kề vai. Họ yêu thương không rời nhau cả khi làm việc: Khi nàng ngồi khâu ngồi vá/ Cun Cần vuốt má yêu yêu/ Lúc nàng ngồi dệt ngồi thêu/ Cun Cần ngắm yêu, nhìn mến. Cách miêu tả tình yêu xưa cũng rất chất phác, hồn nhiên: Tối tối nàng ngả cánh tay mềm/ Để cho Cun Cần làm gối/ Nàng để cặp vú trắng hồng/ Làm bông làm hoa cho Cun Cần hái/ Lấy má phải má trái cho Cun Cần kề môi…
Mối tình nồng thắm yêu thương trên sử thi “Đẻ đất đẻ nước” cũng là cảm hứng mới ngợi ca hôn nhân của các cặp đôi tiến bộ vừa đạt được từ chế độ quần hôn trước đó. Đây cũng là cách thể hiện rất lạ nhưng rất nhân văn của tác phẩm sử thi “Đẻ đất đẻ nước”.
C.S.H