Sự thăng hoa nghệ thuật nhìn từ cuộc thi ảnh trên Tạp chí Xứ Thanh - Nguyễn Xuân Chính
Cuộc thi ảnh trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh diễn ra từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2019, dành cho những người có niềm đam mê chụp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp, để cùng chia sẻ những khoảnh khắc chân thực, ấn tượng với chủ đề “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” của Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung. Cuộc thi đã nhận được gần 250 tác phẩm của hơn 40 tác giả, trong đó có có 35 tác phẩm ảnh được chọn đăng trên 11 số tạp chí. Qua sàng lọc và tuyển chọn Ban Biên tập Tạp chí đã chọn được 93 tác phẩm của 23 tác giả đưa vào vòng chấm sơ khảo. Kết thúc vòng sơ khảo đã có 35 tác phẩm của 18 tác giả được đưa vào vòng chung khảo.
Những tác phẩm gửi dự thi đã bám sát đề tài phản ánh. “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới”, được các nhà nhiếp ảnh khắc họa bằng mọi hình thức thể hiện khác nhau của nghệ thuật nhiếp ảnh. Các tác phẩm đã ghi lại những khoảnh khắc quý giá về con người trong lao động, sản xuất, trong sinh hoạt đời thường. Tất cả những hình ảnh đó đều toát lên vẻ đẹp chân thực, giản dị và thanh lịch của người xứ Thanh nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung. Bằng sự cảm nhận và con mắt nghệ thuật khác nhau, các tác phẩm dự thi đã ghi dấu lại những chủ đề sinh động, từ miền biển đến miền núi, từ những làng nghề thủ công, đến những công trình hiện đại, nhưng dù ở đâu người xem cũng cảm nhận được con người là chủ thể trong mọi sự sáng tạo của nghệ thuật. Có lẽ vì thế, những tác phẩm dự thi, đặc biệt là bộ tác phẩm đoạt giải vừa có sức lay động vừa sinh động. Ở cuộc thi này, điều ta dễ dàng thấy và ghi nhận rằng, cuộc thi không còn nằm trên phạm vi của một tỉnh Thanh Hóa mà còn lan tỏa ra các tay máy ngoài tỉnh, nhưng điều đáng tiếc là số lượng và chất lượng còn quá ít ỏi.
Có thể nói 35 tác phẩm được lọt vào vòng chung khảo, trừ 5 tác phẩm phạm quy, 30 tác phẩm còn lại là những hình ảnh sống động, kết hợp với những khoảnh khắc lắng đọng tạo nên bức tranh hoành tráng về một xứ Thanh thân thương và đáng yêu. Nói đến Thanh Hóa, không ai là không biết chiếu cói Nga Sơn, một sản phẩm nổi tiếng của vùng đất ven biển này, vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau... Chiếc chiếu nổi tiếng đã được lưu truyền qua bao đời, bao thế hệ trên khắp mọi miền của đất nước. Nó đã đi vào ca dao, tục ngữ của người Việt Nam:
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Tình yêu và đam mê với công việc của người xứ Thanh đã được thể hiện trên nhiều tác phẩm, song khoảnh khắc ghi lại qua tác phẩm “Rũ cói” của tác giả Lê Bá Dũng giành giải Nhất của cuộc thi, đã cho chúng ta thấy chiếu cói Nga Sơn đã dệt nên tiếng thơm ngàn đời cho vùng đất ven biển Nga Sơn. “Rũ cói” là một bức ảnh đẹp, đẹp cả về khung hình, góc độ, kỹ thuật, đẹp cả về giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng mà nó lan tỏa đến người xem. NSNA Lê Bá Dũng đã kể câu chuyện hay và giàu tư tưởng qua tác phẩm “Rũ cói”. Cái đẹp quyến rũ của cói được những bàn tay con người chuyên cần, khéo léo tạo ra rất nhiều sản phẩm đến với mọi miền đất nước và quốc tế. Đối với nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố tạo hình phải được nghĩ đến đầu tiên, vì chính ánh sáng tạo đường nét cho bố cục dẫn mắt người xem theo nhiều chiều hướng khác nhau: lắng đọng, đi vào hoặc đi ra khỏi khung hình. Ở tác phẩm này, đã làm được điều như vậy. Sự tương phản giữa chủ thể là con người trong lao động rũ cói so với không gian thiên nhiên đã được tác giả Lê Bá Dũng chớp thời cơ khi cói tung lên như những chùm pháo hoa đẹp mắt. Qua góc chụp và chắt lọc ánh sáng tinh tế, phân bố hài hòa tác giả đã làm nên sự đối xứng và vững chãi cho tác phẩm tạo ra sức hút mạnh mẽ, thú vị cho thị giác. “Rũ cói” không chỉ gần gũi với sự lao động đời thường của con người trong cuộc sống, mà trên nữa nó đã thành công ở giá trị nghệ thuật, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh.

Tác phẩm "Rũ cói" của tác giả Lê Bá Dũng, đạt giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật 'Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới"
Với 2 tác phẩm đạt giải Nhì, tác phẩm “Tre Việt” của tác giả Vũ Lâm Thảo và tác phẩm “Mây tre đan xuất khẩu” của tác giả Trương Bá Vinh cho chúng ta thấy sức sống của nghề mây tre đan. 2 tác phẩm đã truyền tải được tâm hồn đồng nội, để mến hơn đôi bàn tay nhuốm màu nắng gió của già trẻ, trai, gái làng hàng ngày miệt mài chẻ lạt, đan mây làm vang xa mãi tên tuổi của một làng nghề truyền thống xứ Thanh.
Thanh Hóa có 102 km bờ biển, các địa danh có biển từ lâu đời đã hình thành nên các làng nghề đánh bắt hải sản, và là những điểm đến không chỉ để lại dấu ấn về một bãi biển trong lành, khoáng đạt mà đó còn là những dư vị ngọt lạ của loài hải sản, hình ảnh những ngư dân hăng say lao động trên biển quê hương trong buổi sớm mai cho chúng ta thấy vẻ đẹp của con người xứ Thanh trong lao động và sản xuất thông qua những tác phẩm đạt giải Ba “Cá về” của tác giả Trần Hải, “Cho ngày mai” của tác giả Đức Chính. Tác phẩm “Tuần tra biên giới” của tác giả Lưu Trọng Thắng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Chùm ảnh giải Khuyến khích với những tác phẩm “Vùng cao khởi sắc” của tác giả Nguyễn Huấn, “Mẻ lưới ban mai” của tác giả Lê Thám, “Sánh đôi” của tác giả Thịnh Kiên, “Niềm vui” của tác giả Liên Nam đã thể hiện được cái nhìn nghệ thuật và thái độ làm việc hết sức nghiêm túc của các tác giả. Cùng nhiều những gương mặt tác giả và tác phẩm tiềm năng khác, hy vọng họ sẽ tiếp tục cố gắng, giữ được ngọn lửa, tình yêu và đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, để trong thời gian tiếp theo họ sẽ mang đến cho chúng ta những tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Song bên cạnh những tác phẩm chất lượng, cuộc thi cũng có một số hạn chế nhất định. Thanh Hóa là mảnh đất “biển bạc, rừng vàng” với những bãi biển nức tiếng trong nước như Sầm Sơn, Hải Tiến, Bãi Đông, Hải Hòa…; bên cạnh đó thiên nhiên lại ban tặng cho vùng đất xứ Thanh những cảnh đẹp tự nhiên hiếm nơi nào có được như ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thọ Xuân, Thạch Thành… Ở những nơi đó còn lưu giữ lại rất nhiều giá trị văn hóa, những hồn cốt, bản sắc riêng của đồng bào dân tộc mình. Nhưng các tác phẩm ảnh gửi dự thi ở những mảng đề tài này còn hạn chế về chất liệu, thiếu tinh tế về góc chụp. Nói đúng ra là có những tác phẩm gửi đến chỉ mang tính chất tuyên truyền, nôm na mà chưa thật sự đầu tư kỹ lưỡng. Chính vì vậy dù các mảng đề tài được chuyển tải đa dạng nhưng đa phần chưa đạt đến yếu tố nghệ thuật trong ảnh. Điều này thật đáng tiếc. Mặt khác, trong thể lệ cuộc thi có tiêu chí khuyến khích dành riêng cho ảnh được chụp bằng điện thoại di động, smart phone, nhưng ở cuộc thi này lại thấy thiếu vắng hoàn toàn tác phẩm của thể loại này, mặc dù hiện nay đây là công cụ hữu ích và có hiệu quả cao cho những người đam mê chụp ảnh nghệ thuật.
Đề tài “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” đã đưa lại cho các tác giả cơ hội hướng cái nhìn chân thực và sâu rộng về cuộc sống của những người lao động khắp mọi miền tổ quốc, từ thôn quê đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, từ đất liền đến hải đảo, biên giới xa xôi… nét đẹp lao động ở mỗi vùng miền lại được các tác giả tiếp cận với cái nhìn nhiều chiều, nhiều khẩu độ, kích thước, trạng thái, tư tưởng khác nhau nhưng đều toát lên một ý nghĩa lớn lao rằng “lao động là vinh quang”, lao động không chỉ làm thay đổi cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà mà còn góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Phải nói đây là sự thành công và ấn tượng đẹp của cuộc thi ảnh nghệ thuật mà Tạp chí Xứ Thanh đã làm được.
N.X.C